30 thg 10, 2013

LỄ HỘI HALLOWEEN

Lễ hội gây tranh luận: Hàng năm, người Công giáo và người ngoài Kitô giáo tranh luận: Lễ hội Halloween là ngày lễ hội ma quỷ hay chỉ là lễ hội thế tục? Trẻ em Công giáo có nên mặc đồ như ma quỷ? Lễ này có tốt khi trẻ em sợ hãi? Vấn đề là lịch sử lễ hội Halloween, thực sự lễ này có nguồn gốc Kitô giáo khoảng 1.300 năm.
Nguồn gốc Kitô giáo của kễ hội Halloween: Halloween nghĩa là “không có gì tự nó”, viết tắt từ cụm từ “All Hallows Eve” (nghĩa đen là “vọng các thánh”, tiếng Việt gọi là “ma lộ hình”), và nó chỉ định ngày trước Lễ Các Thánh (vigil of All Hallows Day). “Hallow” là danh từ trong cổ ngữ Anh, nghĩa là “thánh”. Là thành ngữ, nó có nghĩa là làm cho cái gì đó trở nên thánh hoặc tôn kính cái đó là thánh. Lễ Các Thánh vào ngày 1-11, ngày đền ơn đáp nghĩa (Holy Day of Obligation), cả ngày lễ vọng và ngày chính lễ đều được cử hành từ đầu thế kỷ VIII, khi 2 lễ này được ĐGH Grêgôriô III thiết lập ở Rôma. Một thế kỷ sau, ĐGH Grêgôriô IV mở rộng cho cả Giáo hội.

Nguồn gốc ngoại giáo của lễ hội Halloween: Mặc dù những năm qua người Công giáo và người ngoài Kitô giáo quan ngại về “nguồn gốc ngoại giáo” của lễ hội Halloween, thực ra không có gì. Các nỗ lực đầu tiên cho thấy có mối liên hệ giữa ngày trước Lễ Các Thánh, và lễ hội thu hoạch của người Celtic là lễ hội Samhain có sau 1.000 năm so với Lễ Các Thánh trở nên phổ biến hoàn vũ, không có chứng cớ về việc ĐGH Grêgôriô III hoặc ĐGH Grêgôriô IV biết lễ hội Samhain.
Tuy nhiên, theo văn hóa nông dân Celtic, các yếu tố của lễ hội thu hoạch còn lại, ngay cả trong những người Kitô giáo, như Cây Giáng Sinh (Cây Noel) có nguồn gốc từ truyền thống người Đức tiền Kitô giáo chứ không là nghi thức ngoại giáo.

Kết hợp ngoại giáo và Kitô giáo: Các yếu tố Celtic gồm đêm đốt lửa mừng (như lửa trại), chạm trổ củ cải đỏ (ở Mỹ dùng trái bí), đi từ nhà này sang nhà khác, nhận sự thết đãi – như trong đêm vọng Giáng sinh, người ta đi từ nhà này sang nhà khác để hát những bài hát giáng sinh và nhận sự thết đãi. Nhưng phương diện “huyền bí” của lễ hội Halloween – ma quỷ và yêu tinh – thực sự có nguồn gốc từ đức tin Công giáo. Người Công giáo tin rằng, vào thời điểm nào đó trong năm (Lễ Giáng Sinh là dịp khác), tấm màn ngăn cách thế gian với luyện hình, thiên đàng, và cả hỏa ngục, trở nên mỏng hơn, các linh hồn nơi luyện hình và ma quỷ có thể được nhìn thấy. Như vậy, trang phục truyền thống Halloween thuộc về niềm tin Kitô giáo cũng như truyền thống Celtic.

Người chống Kitô giáo tấn công lễ hội Halloween (lần 1): Sự tấn công hiện nay vào lễ hội Halloween không là lần đầu. Thời hậu Cải cách ở Anh quốc, Lễ Các Thánh và lễ vọng đều bị áp chế, và tục lệ nông dân Celtic kết hợp với lễ hội Halloween bị đặt ngoài vòng pháp luật. Lễ Giáng Sinh và các truyền thống xoay quanh lễ này bị tấn công, Quốc hội Thanh giáo (Puritan Parliament) cấm Lễ Giáng Sinh từ năm 1647. Tại Mỹ, các tín đồ Thanh giáo (Puritans) không mừng Lễ Giáng Sinh và lễ hội Halloween. Dân nhập cư Công giáo Đức khôi phục lễ Giáng Sinh và dân nhập cư Công giáo Ai-len khôi phục lễ hội Halloween hồi thế kỷ XIX.
Hãy đừng hóa trang thành MA QUỶ trong dịp lễ Halloween . Hãy biến ngày lễ HALLOWEEN thành HOLY WEEN , nghĩa là ăn mặc hoặc hóa trang như các Thánh .Chúng ta là con cái của Chúa không phải là con cái Ma quỷ . Hãy biến đêm của Sợ Hãi thành 1 đêm của niềm vui Thánh Thiêng.

Thương mại hóa lễ hội Halloween: Tiếp tục sự phản đối lễ hội Halloween là cách thể hiện của chủ nghĩa chống Công giáo (kể cả định kiến chống Ai-len). Nhưng đầu thế kỷ XX, Halloween (cũng như Lễ Giáng Sinh) đã bị thương mại hóa. Các lễ phục và các đồ trang trí làm sẵn, kể cả kẹo đặc biệt, đều có sẵn nhiều, và nguồn gốc Kitô giáo của lễ hội này bị áp chế. Có nhiều phim kinh dị, nhất là phim ác liệt hồi thập niên 1970 và 1980, làm cho lễ hội Halloween mang tiếng xấu, như những người thờ cúng ma quỷ đã tạo ra truyện thần thoại mà lễ hội Halloween là lễ hội của họ, sau đó người Kitô giáo cũng hợp tác.

Người chống Kitô giáo tấn công lễ hội Halloween (lần 2): Một sự phản ứng mới đối với lễ hội Halloween từ phía những người ngoài Kitô giáo bắt đầu từ thập niên 1980, một phần vì cho rằng lễ hội Halloween là “đêm của ma quỷ”, một phần vì truyền thuyết về chất độc và lưỡi dao lam trong kẹo Halloween, và một phần vì sự minh nhiên chống Công giáo. Jack Chick, một người theo trào lưu chính thống chống Công giáo dữ dội đã góp phần làm những cuốn sách nhỏ khôi hài về Kinh thánh, làm thay đổi nhãn quan người ta. Cuối thập niên 1990, nhiều cha mẹ Công giáo, do không biết về nguồn gốc chống Công giáo đối với lễ hội Halloween, đã nghi ngờ lễ hội Halloween và thay đổi cách vui lễ hội này.

Thay thế các hoạt động của lễ hội Halloween: Mỉa mai thay, một trong những cách phổ biến nhất của người Kitô giáo vui lễ hội Halloween là “Lễ hội Thu hoạch”, nó trở nên phổ biến trong lễ hội Samhain của người Celtic hơn là trong Lễ Các Thánh của Công giáo. Không có gì sai với việc mừng lễ hội thu hoạch, nhưng không cần bỏ cách mừng lễ hội liên quan lịch phụng vụ Công giáo.
Một cách khác phổ biến trong người Công giáo là “Bữa Tiệc Lễ Các Thánh”, thường tổ chức vào ngày lễ hội Halloween và lễ phục (giống các thánh hơn giống ma quỷ), và kẹo nữa. Đó là nỗ lực Công giáo hóa một lễ hội vốn dĩ mang tính Kitô giáo rồi.

An toàn và sợ hãi: Các bậc cha mẹ quyết định con cái họ có thể tham gia an toàn trong các hoạt động của lễ hội Halloween hay không, trong thế giới ngày nay, có thể hiểu rằng nhiều người chọn sai. Một mối quan ngại thường thái quá là hậu quả của sự sợ hãi có thể ảnh hưởng trẻ em. Dĩ nhiên, một số trẻ em rất nhạy cảm, nhưng đa số đều thích được sợ và làm người khác sợ (dĩ nhiên, trong giới hạn – ví dụ, sợ ma mà ai cũng thích nghe truyện ma!). Lễ hội Halloween cung cấp một môi trường có cấu trúc về nỗi sợ. Chính nỗi sợ cũng có phương diện tích cực.

Quyết định: Cuối cùng, nếu bạn chọn cách cho con cái tham gia lễ hội Halloween, hãy nhấn mạnh nhu cầu an toàn thể lý (kể cả việc kiểm tra kẹo khi chúng về nhà), và giải thích về nguồn gốc lễ hội Halloween cho con cái biết. Trước khi cho con cái đi dự lễ hội này, hãy cùng nhau cầu nguyện với Tổng lãnh Thiên thần Micae, và nói rằng người Công giáo chúng ta tin có ma quỷ. Hãy giải thích mối liên quan minh nhiên của chiều tối trước Lễ Các Thánh và giải thích cách mừng lễ này, để chúng biết Lễ Các Thánh KHÔNG là “ngày buồn chán khi chúng ta phải tới nhà thờ trước khi ăn kẹo”.

Hãy khôi phục lễ hội Halloween cho Kitô giáo bằng cách trả lại nguồn gốc cho Giáo hội Công giáo!
TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ Catholicism.ab

28 thg 10, 2013

THÁNH SIMON & THÁNH GIUĐA TÔNG ĐỒ

HAI MÔN ĐỆ TRUNG KIÊN

Ơn gọi là một cái gì huyền nhiệm. Bất cứ ai sinh ra trên thế giới này, một cách nào đó đều nghe được một tiếng mời gọi âm thầm nào đó trong cuộc đời của mình và rồi, con người đi theo tiếng gọi. Chúa Giêsu không chọn bất cứ ai mà không cầu nguyện lâu giờ và không đi vào cõi thâm sâu để hỏi ý Thiên Chúa Cha. Chúa cầu nguyện, chúng ta không biết Chúa nói gì, không biết Chúa trao đổi, bàn luận gì với Đức Chúa Cha, nhưng có một điều chúng ta nhận thấy Chúa luôn luôn làm theo ý Cha của Ngài. Thánh Simon và thánh Giuđa, tông đồ không nằm ngoài dự định của Chúa Giêsu. Ơn gọi của các Ngài cũng na ná trường hợp của các tông đồ khác. Chúa đi ngang nơi nào đó, Ngài kêu gọi, các tông đồ nhận ra tiếng gọi của Chúa và họ bỏ mọi sự để theo Đức Kitô.

Chúa tuyển chọn các Ngài và gọi các Ngài là “ Apostoloi “, nghĩa là người được sai đi. Nhưng, trước khi gọi các Ngài là Apostoloi, Chúa Giêsu đã cầu nguyện thâu đêm với Chúa Cha. Ngài chọn các tông đồ là do sự nhưng không, do ân huệ tuyệt vời của Ngài. Chúa không dựa trên những tiêu chuẩn mà người đời thường dùng để chọn hoặc cất nhắc một nhân vật nào đó như trình độ, tri thức, vóc dáng bề ngoài, cao, lớn, mập, gầy vv…Chúa tuyển chọn các tông đồ hoàn toàn do ý định của Ngài, không ai có quyền đòi Ngài phải chọn hay không chọn, Ngài tuyển chọn là do tình thương của Ngài.

Thánh Simon còn có biệt hiệu Simon người Cana, hay Simon nhiệt thành. Thánh Giuđa, có biệt danh là Tađêô, con của Giacôbê, anh em với Chúa Giêsu. Sở dĩ Hội Thánh mừng thánh Simon và Giuđa cùng một ngày là vì có sự trùng hợp trong việc loan báo Tin Mừng và trong việc tuyên xưng đức tin, đổ máu đào để làm chứng cho Chúa Giêsu. Và thực tế, thánh Simon người Cana hoàn toàn khác với thánh Simon Phêrô, vị tông đồ trưởng và là người làm đầu Giáo Hội tiên khởi. Theo thánh truyền, thánh Simon và thánh Giuđa đi truyền giáo ở hai nơi hoàn toàn khác nhau. Thánh Simon rao giảng, loan báo Đức Kitô tại Ai Cập, còn thánh Giuđa tại miền Mésopotamia. Được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, sau khi gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp trong việc rao giảng, hai thánh Simon và Giuđa đã cùng sang giảng đạo tại xứ Ba Tư. Chính tại nước Ba Tư, hai vị thánh này đã được phúc tử đạo làm chứng cho Chúa như các tông đồ khác.Thánh Giuđa rất trung thành với lời rao giảng, với lời Chúa nên Ngài không sợ hãi mà luôn chống lại những kẻ có thái độ khích bác Tin Mừng.

Hai thánh tông đồ Simon và Giuđa đã hiên ngang làm chứng cho Chúa phục sinh. Các Ngài đã lãnh triều thiên vinh quang Chúa dành cho những kẻ trung tín với Ngài.


Lạy thánh Simon và thánh Giuđa tông đồ, xin cầu bầu cùng Chúa cho chúng con để chúng con luôn hiên ngang làm chứng cho Chúa Kitô chịu đóng đinh thập giá và vinh quang sống lại. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi, DCCT 

26 thg 10, 2013

HAI HẠNG NGƯỜI CẦU NGUYỆN

"Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống ; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên." (Lc 18,14)
Chúa Nhật XXX thường niên  - Năm C
Bài Phúc Âm chúng ta vừa nghe có thể không cần một câu chuyện hướng dẫn nào khác, nhưng tự nó gợi ý để chúng ta suy nghĩ về điều mà chúng ta có thể gọi là sự thành thật của người Kitô. Thành thật với chính mình, thành thật với kẻ khác và thành thật với Thiên Chúa.

Con người thành thật là con người nhìn nhận thực thể của mình và cảm nhận thực thể đó một cách trung thực. Thành thật trước tiên không có nghĩa là nói thẳng ra điều mình nghĩ hay điều mình cảm nhận. Nói thẳng điều mình nghĩ, điều mình cảm nhận được không đủ để sống thành đạt. Trước hết, yếu tố quan trọng phải là chân thành nhìn nhận thực thể mình, nhìn nhận chính điều mình nghĩ về mình, và khi ta nhận thực thể mình và ý thức những giới hạn của nó, ta sẽ không còn hứng thú để xét đoán kẻ khác.

Người thành thật ý tứ để đừng lừa gạt chính mình và cũng không lừa gạt kẻ khác. Người thành thật không thích người giả hình, không thích mánh mung, nói láo. Đây không phải là điều dễ, cần phải kiên trì quan sát mình, phải xét mình hằng ngày dựa theo lời Chúa và trong sự khiêm tốn vâng phục ơn soi sáng nội tâm của Chúa. Lời cầu nguyện của chúng ta cần dâng lên Chúa hằng ngày phải là: “Lạy Chúa, xin cho con biết con, xin cho con biết Chúa. Lạy Chúa xin thương xót con vì con là kẻ có tội.

Bài dụ ngôn hôm nay nêu bật lời cầu nguyện khiêm nhường của người thu thuế, anh không nhìn sang người khác, không dám so sánh mình với kẻ khác, nhưng nhìn vào mình và so sánh mình với mẫu gương của Chúa, qua đó anh đã khám phá ra những khuyết điểm của mình rồi khiêm tốn chấp nhận.

Chúng ta cũng vậy, mỗi lần chúng ta đặt mình trước nhan Chúa, khi cầu nguyện chúng ta hãy ý thức rằng, Thiên Chúa đã biết rõ cả rồi, đã biết trọn cả con người của chúng ta là như thế nào rồi, nên không cần che giấu tránh né. Nhưng Thiên Chúa cũng là Đấng nhân từ và hay thương xót, nên chúng ta không quá lo sợ hay tuyệt vọng vì những bất toàn ấy mà hãy vươn lên cùng Chúa, xin Chúa chữa lành: “Lạy Chúa, xin thương xót con vì con là kẻ tội lỗi”.

Trong lời cầu nguyện của người thu thuế, chúng ta còn có thể khám phá ra một yếu tố quan trọng khác nữa, khi cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin thương xót con vì con là kẻ tội lỗi, là kẻ đã xúc phạm đến Chúa”. Người thu thuế kia tha thiết muốn kêu lên cùng Chúa, muốn hưởng nhờ lòng nhân từ của Ngài để tiến mãi trên con đường thiêng liêng, sống mối tương quan với Chúa mỗi ngày một tốt đẹp hơn.

Người Pharisêu không có được thái độ này, ông tự mãn với chính mình và ông nghĩ là do công trạng của mình tạo lập ra, như vậy lời cầu nguyện của ông thật ra không phải là lời cầu nguyện mà chỉ là những lời khoe khoang đi kèm với thái độ khinh dể kẻ khác.

Ước chi trong cuộc sống đức tin của mỗi người chúng ta, chúng ta đừng nhìn sang kẻ khác mà so sánh. Bởi vì chúng ta sẽ bị cám dỗ so sánh mình với những bất toàn của anh chị em và nâng mình lên khinh dể kẻ khác. Chúng ta hãy so sánh mình với chính mẫu gương trọn lành của Chúa để nhận biết chúng ta còn nhiều điều phải canh tân để tiến lên mãi: “Lạy Chúa, xin thương xót con vì con là kẻ tội lỗi”.

Ước chi lời cầu nguyện này trở thành lời cầu nguyện của mỗi người chúng ta không những hôm nay mà trong mọi ngày của đời sống chúng ta, để chúng ta nhận lãnh ơn thương xót của Chúa và tiến lên mãi trong tình thương của Ngài. Xin Chúa gìn giữ chúng ta trong đức tin mà giờ đây chúng ta cùng nhau tuyên xưng qua Kinh Tin Kính.

SƯU TẦM

Chúa Nhật XXX Thường Niên - Năm C

Tin Mừng Lc 18: 9-14

Bấy giờ, Đức Giê-su kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế. Người Pha-ri-sêu đứng riêng một mình, cầu nguyện rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.’ Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.’ Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”


Sunday XXX in Ordinary Time - YearC

19 thg 10, 2013

Chúa Nhật XXIX Thường Niên - Năm C


Tin Mừng Lc 18: 1-8

Khi ấy, Đức Giê-su kể cho các môn đệ dụ ngôn sau đây, để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí. Người nói: “Trong thành kia, có một ông quan toà. Ông ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì. Trong thành đó, cũng có một bà goá. Bà này đã nhiều lần đến thưa với ông: ‘Xin ngài bênh vực tôi chống lại kẻ kiện tôi’. Một thời gian khá lâu, ông không chịu. Nhưng cuối cùng, ông ta nghĩ bụng: ‘Dầu rằng ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì, nhưng mụ goá này quấy rầy mãi, thì ta bênh vực mụ cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc’. Rồi Chúa nói: ‘Anh em nghe quan toà bất chính ấy nói đó! Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không bênh vực những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người, dù Người có trì hoãn? Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng bênh vực họ. Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?’”


Sunday XXIX in Ordinary Time - YearC

GIÁO DÂN TRUYỀN GIÁO

Chúa nhật Truyền giáo - Năm C
GIÁO DÂN TRUYỀN GIÁO
Lệnh Chúa Giêsu truyền: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế" ( Mt 28, 19 – 20 ).

Kinh Tân Phúc Âm Hóa có đoạn:
“Xin đổ Thần Trí của Cha, nhờ đó con được tăng thêm sức mạnh để ra đi và làm chứng nhân cho Tin Mừng mọi ngày trong đời sống của con, bằng lời nói và việc làm.
Trong những lúc hoang mang, xin nhắc con:
Nếu không là con, thì ai sẽ rao truyền Phúc Âm ?
Nếu không phải là lúc này, thì khi nào Phúc Âm sẽ được loan truyền ?
Nếu không phải là chân lý Phúc Âm, thì điều gì con sẽ công bố ?”

“Nếu không là con, thì ai sẽ rao truyền Phúc Âm”. Lời kinh mời gọi mỗi chúng ta khẳng định lại sứ vụ truyền giáo mà mỗi Kitô Hữu Công Giáo đã được nhận lãnh ngay trong Bí Tích Thánh Tẩy và phải thi hành sứ vụ ấy như một bổn phận.

Như thế là: không phải ai khác, nhưng chính tôi là người truyền giáo. Không phải lúc nào khác nhưng ngay bây giờ là lúc phải truyền giáo. Không điều kiện nào khác, nhưng chính trong điều kiện này là điều kiện mà tôi phải truyền giáo.

Thiết tưởng cần xóa ngay đi não trạng xưa cũ của một thời mà Giáo Dân và cả các Giáo Sĩ cũng xem việc truyền giáo là chuyện dành riêng của Giáo sĩ mà thôi, và Giáo Dân tự xem hoặc bị xem quá thấp kém, quá tầm thường, có khi là quá tội lỗi nữa, biết gì mà truyền giáo !?! Đúng là một não trạng tệ hại vô cùng !

Và còn tệ hơn nữa khi có Giáo Dân nào đó nhiệt thành quá một chút là có thể bị Giáo Sĩ kết án ngay là “phá hoại” Giáo Hội. Người phá hoại Giáo Hội là người sống không đúng ơn gọi của mình. Người sống đúng ơn gọi của mình không thể kể họ vào loại phá hoại được. Ơn gọi truyền giáo là ơn gọi của tất cả mọi người Kitô hữu Công Giáo, không phân biệt Giáo Sĩ hay Giáo Dân.
Trong điều kiện hết sức khó khăn của những Giáo Dân sống trong thời đại con người ta chỉ lo cơm áo gạo tiền, tôi đã thấy những gương chứng nhân Đức Tin thật đáng kể. Họ là những người Công Giáo tốt từ lúc ăn gạo chợ uống nước sông đến ngày có cơ ngơi vững chãi.

Có người truyền giáo bằng xe hơi vì họ đã có được chiếc xe 7 chỗ hẳn hoi, và họ gọi đó là chiếc xe “7 Hồng Ân”. Mừng cho họ là họ có ý thức tạ ơn và đã dùng xe hơi cho việc truyền giáo. Lại có anh hội viên Legio có xe đạp, truyền giáo bằng xe đạp. Mừng cho anh, tạ ơn Chúa với anh vì anh không chần chừ, không chờ đợi ước mong có xe hơi mới truyền giáo được. Có người có nhà cao cửa rộng họ sử dụng cái giàu có của họ cho việc truyền giáo, còn chị Lòng Chúa Thương Xót, chỉ có mỗi căn nhà lá, trống trước trống sau, làm chỗ học Giáo Lý cho đôi ba người dân tộc. Cảnh thiên đường đẹp quá !

Nhìn lại, những lần Đại Hội Loan Báo Tin Mừng với việc học hỏi các Văn Kiện lớn lao về Truyền Giáo, thành phần được mời tham dự toàn là những  người có chức, có quyền, có bằng cấp, có ăn có học, được coi là bậc vị vọng, hoặc ít ra cũng là những người đang có chức vụ trong Giáo Hội. Có ai lại đi mời bà bán cháo lòng, bán bánh canh, bán đậu hủ, bán vé số, người xa quê, kẻ làm thuê, người khuyết tật, kẻ hành khất, hạng nghèo hèn trong xã hội… tham dự đâu ? Có phải vì họ là cấp thấp bé trong Giáo Hội thì biết gì mà loan báo Tin Mừng chăng ? Thiết tưởng, bao lâu người Giáo Dân còn bị đánh giá là thành phần thấp bé hèn mọn dưới con mắt của Giáo Hội Địa Phương, thì bấy lâu, Giáo Hội tiếp tục phạm phải một sai lầm đáng kể.

Này nhé, tưởng là họ đi Lễ họ không chú ý nghe giảng sao ? Không phải thế đâu! Họ đã lắng nghe, nghe rất rõ, nghe rất kỹ đấy. Lại tội nghiệp cho người cố gắng lắng nghe mà nghe không được, bởi Nhà Thờ thì to đùng, xây dựng đủ thứ hạng mục công trình, sắm sửa đủ thứ xa xỉ mà âm thanh lại chẳng nghe được gì, đúng là chỉ để… xem lễ chứ có nghe được gì đâu ? Đáng tiếc mà cũng đáng trách !

Đừng lầm tưởng, hãy biết những Giáo Dân thấp bé kia, không chỉ nghe mà còn muốn nghe thật kỹ, thật rõ, và còn hơn thế nữa, nghe và đối chiếu điều người đã giảng với điều người đã sống. Cuối cùng, may quá, cách thể hiện đạo đức nhất của họ là làm theo những điều đã nghe, chứ không làm theo những điều đã thấy.

Tôi tin rằng Chúa Thánh Thần vẫn đang hoạt động và hoạt động cách mạnh mẽ nhất, hữu hiệu nhất, ấn tượng nhất trong chính những con người thấp bé ấy. Nhờ ơn Thánh Thần, họ được sức mạnh can trường trong đau thương, họ được niềm vui sống công chính ngay trong “cái túi” của số phận, họ được vinh dự làm chứng cho một Đạo Công Giáo luôn có niềm tin mãnh liệt vào hạnh phúc đời sau, họ được diễm phúc có một hoàn cảnh thấp bé mà sứ vụ truyền giáo thì ngược lại, không nhỏ bé chút nào. Họ sống Tin Mừng cách thiết thực nhất ngay trong điều kiện kém cỏi và hoàn cảnh khó khăn của chính họ. Thật đáng quí công cuộc truyền giáo không tên tuổi, không ai quan tâm của những Giáo Dân mạt hạng, kém trình độ, nghèo khổ, thấp hèn !

Cộng tác vào công cuộc truyền giáo của Chúa Giêsu ngày ấy, nào có phải là những thầy Kinh Sư và thầy Thông Luật đâu, chỉ toàn là những người đánh cá nhiều phần là mù chữ, là mấy tên thu thuế được xếp vào phường tội lỗi, là chị kia năm đời chồng đi kín nước, là cô kia làm nghề buôn son bán phấn, là người phụ nữ ngoại tình bị bắt quả tang cần phải lãnh án ném đá cho đến chết, là tên trộm bị trói trên giá ngay bên hữu Chúa, là một người Samari nhân hậu, là người đàn bà bị băng huyết kinh niên, là chú què được nhảy như nai, là cậu mù được sáng mắt, là anh phung cùi được sạch…

Thời nay không còn là thời điểm truyền giáo của những Giáo Dân mạt hạng ấy sao ? Hẳn không phải là thời buổi truyền giáo của những thầy Thông Luật mà lại chẳng giữ luật đấy chứ ?

Hãy đến “xem nơi Người ở, và ở lại với Người”, những con người thấp bé nhất trong xã hội, trong Giáo Hội, họ đang sống rất anh hùng giữa những đau thương của cuộc đời xoàng thường nhất trong thiên hạ, nhưng lại là những chứng nhân sống động nhất của Tin Mừng.

Để kết, xin mượn truyện rất ngắn của tác giả Ba Chuông có tựa đề “Truyền Giáo” tôi vừa mới đọc được trên baicamoi.com:

“Xóm trên, Cậu Út ở với cha mẹ già, đi làm thuê về, xe tông, gãy chân, gãy sườn. Có mấy người hàng xóm đến thăm.
Chị Tám bán bánh canh xóm dưới cũng lên thăm. Thấy chạnh lòng, chị rút tờ hai trăm ngàn dúi vào tay vợ cậu Út. Có người nhìn thấy. Người ấy không ai khác là bà Tư, chủ nợ của chị Tám. Bà Tư không phải người Công Giáo.
Chị Tám bán bánh canh, mượn đầu heo nấu cháo, vay bà Tư 3 triệu, hằng tháng trả lãi 7 phân.Cuối tháng, chị Tám đến bà Tư trả tiền lãi. Bà Tư lấy một nửa, cho lại chị một nửa. Còn khen: “Tui không ngờ chị lại có lòng thương người như vậy. Ít thấy được người Công Giáo như chị. Biết sẻ chia lúc hoạn nạn mới là người Công Giáo tốt”.

Lạy Chúa, xin cho mọi việc chúng con làm đều vì danh Cha cả sáng. Amen.”
Lạy Chúa, chúng con tạ ơn Chúa vì đã và đang có những giáo dân thấp bé nhất nhiệt thành sống đức tin giữa hoàn cảnh bi thương nhất trong cuộc đời. Xin cho mỗi ngày một nhiều hơn những giáo dân biết tạ ơn Chúa vì ơn gọi truyền giáo và kiên trung sống đời sống Công Giáo công chính theo Tin Mừng, cho danh Chúa được cả sáng.
Amen.

M. CAO HUY HOÀNG

18 thg 10, 2013

LUCA THÁNH SỬ

Theo các nhà Kinh thánh học, thánh Luca đã hiến cho chúng ta cuốn Phúc âm thứ ba và sách Tông đồ công vụ.
Qua các Tông đồ, nhất là Mẹ Maria và thánh Phaolô, thánh Luca đã ghi lại tiểu sử của Chúa Giêsu bằng những nét đặc sắc. Ngài đã hết lời ca tụng ơn cứu độ và lòng từ bi của Thiên Chúa. Những truyện người con phung phá, người Samaritanô nhân hậu, ông Giakêu, người trộm lành v.v là những bằng chứng cụ thể về lòng từ bi của Thiên Chúa. Phúc âm thánh Luca cũng là Phúc âm về đời sống cầu nguyện. Ngài đặt trước mặt chúng ta gương cầu nguyện của Chúa Giêsu khi chịu phép rửa, khi chọn môn đệ, khi biến hình sáng láng, lúc hấp hối trong vườn dầu và cả trên thánh giá. Sau hết, thánh Luca như cố ý trình bày cho chúng ta những điều kiện cần thiết để tin theo Chúa, để gia nhập nước trời: đức tin, khiêm nhường, thống hối, khó nghèo, bác ái, và kiên trung trong đau khổ...
Cũng như Phúc âm, cuốn Tông đồ công vụ của thánh Luca là một bằng chứng sống động về việc Chúa Thánh Thần hoạt động trong đời sống Chúa Cứu Thế và đời sống truyền giáo của các tông đồ. Đó cũng là cuốn lịch sử đầu tiên của Giáo hội. Đọc sách công vụ, chúng ta không thể không cảm thấy một nguồn vui thanh cao và sống động phát ra mạnh mẽ bởi sự nhận biết Chúa của các tín hữu đầu tiên, bởi tình bác ái chân thực và tinh thần hy sinh xả kỷ của các Tông đồ, bởi bầu khí cầu nguyện, lòng hợp lòng, duy nhất trong một đức tin, một tình yêu của cộng đồng Giáo hội sơ khai.
Mặc dầu không có những tài liệu xác đáng về gia thế và đời sống của thánh Luca, nhưng chúng ta biết chắc chắn rằng thánh Luca thuộc gia đình nền nếp và giầu sang tại Antiôkia. Khi còn bé, ngài được giáo dục chu đáo về cả đức tính, văn hóa và nghề nghiệp. Ngài theo học các khoa cổ điển của nền văn minh Hy lạp và chuyên nghề dược. Từ buổi đầu, thánh Luca vẫn chưa biết Chúa. Cho đến một ngày kia thánh Phaolô đến Trôas giảng đạo Chúa Giêsu. Luca vào nghe, sau khi suy nghĩ, cân nhắc cẩn thận và nhận thấy giáo thuyết thánh Phaolô giảng rất thâm trầm hợp lý, ngài liền tin theo. Ngài chịu phép rửa tội và theo làm môn đệ thánh Phaolô, ngày đêm học hỏi Kinh thánh và làm thư ký cho thánh Tông đồ. Quãng năm 49, nghĩa là khi khởi sự truyền giáo lần thứ hai, thánh Phaolô cùng mang Luca đi theo. Nhưng rồi hai thầy trò lại chia lìa nhau một thời gian. Có lẽ kỳ này thánh Luca trở về sinh quán làm nghề dược. Đến sau hai thầy trò lại gặp nhau tại Philíppê. Từ đây thánh Luca cùng đi giảng đạo với thánh Phaolô. Nhưng đến khi thánh Phaolô bị người Rôma bắt cầm tù, thì thánh Luca cũng từ giã đế đô. Và chúng ta không biết gì về quãng cuối đời của ngài nữa.
Đọc Phúc âm thứ ba và Tông đồ công vụ, chúng ta thấy thánh Luca rất lỗi lạc về văn chương Hy lạp. Ngài quả là một nhà văn học kỳ tài, luôn thay đổi từ ngữ và dùng những danh từ thích hợp với đặc tính văn chương của người Hy lạp thời bấy giờ. Thánh nhân tỏ ra rất có nghệ thuật trong việc bố cục một câu truyện thế nào cho rõ ràng, hấp dẫn, gợi nhiều ý tưởng và tâm tình. Chẳng hạn dụ ngôn người con phung phá; câu truyện hai du khách trên đường Emmau phải là hai kiệt tác văn chương, có nhiều giá trị nghệ thuật không kém gì những áng văn hay nhất của người Hy lạp thời ấy. Hơn thế, thánh Luca còn là một người sành tâm lý. Thánh nhân đã mặc cho mỗi nhân vật trong Phúc âm cũng như trong các dụ ngôn, những tâm tình, cử điệu và lời lẽ phù hợp với địa vị riêng của họ. Phải chăng nhờ tài nghệ này, thánh Luca đã đề cao đến chỗ trọn hảo địa vị Cứu Thế của Chúa Giêsu: Chúa nhân lành tự trời đến với loài người lầm than tội lỗi, Chúa tự hiến mình trên thánh giá để xoá tẩy mọi tội trần và thông ban ân sủng đời sống mới cho các tâm hồn.
Với một hiểu biết sâu xa về sứ mệnh Cứu Thế của Chúa Giêsu như vậy, hẳn thánh Luca đã nhiệt thành với nhiệm vụ phổ biến tin mừng Cứu Thế không kém gì thánh Phaolô. Nhưng ngài giảng đạo tại đâu, và chết như thế nào? Theo một tài liệu tìm thấy tại Constantinôpôli, thì thánh Luca giảng đạo tại Achaia và Beotia. Và sau cùng làm giám mục thành Thèbes. Trong bài tựa cuốn chú giải Phúc âm thánh Matthêu, thánh Giêrônimô nói rõ thánh Luca đã viết Phúc âm thứ ba tại Achaia và Beotia. Sau cùng, thánh Gauđenciô Brescia quả quyết thánh Luca cùng chịu tử đạo với thánh Anrê tại Patras, một tỉnh nhỏ thuộc Achaie.
Ngày nay thánh Luca là bổn mạng của các lương y và bác sĩ, ngài cũng là bổn mạng các nhà họa sĩ, vì theo một truyền thuyết, thì thánh nhân đã họa bức ảnh chân dung “Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp”.
Ngay từ đầu, Giáo hội vẫn kính thánh Luca vào ngày 18 tháng 10 hằng năm.
Kính xin thánh Luca thánh sử phù trợ cho chúng con được lòng tin mạnh mẽ và hăng hái như ngài, để chúng con đem tin mừng cứu độ đến cho những người còn chưa nhận biết Chúa.
Nguồn: HẠNH CÁC THÁNH

15 thg 10, 2013

NGÀY 13 THÁNG 10

Ngày 13.10.1917, mưa như trút nước trên bãi Cova da Iria. Một đám đông khoảng 70.000 người - kể cả nhiều phóng viên chụp hình và các ký giả - tụ tập tại đây lần chuỗi Mân Côi. Khoảng giữa trưa, Đức Mẹ hiện ra với 3 em và yêu cầu cho xây 1 nguyện đường tại đây để ghi nhớ và tôn kính Đức Mẹ, cũng như những lần trước, Đức Mẹ lặp lại lời mời gọi mọi người hãy siêng năng lần chuỗi Mân Côi để thế giới được hòa bình. Cuối cùng Mẹ tha thiết mời gọi hãy ăn năn sám hối, quy hướng về Thiên Chúa.

Khi Đức Mẹ từ giã mọi người, thì mưa ngưng rơi, mặt trời xuất đầu lộ diện, tất cả mọi người đang hiện diện nơi Đức Mẹ hiện ra và ngay cả những người ở cách xa mấy dặm đều có thể nhìn thẳng vào mặt trời. Điều đặc biệt, như một vũ công tài ba, mặt trời nhảy múa, tung ra các chùm tia sáng nhiều màu trông rất ấn tượng và đẹp mắt, có lúc mặt trời xuống thấp, tưởng chừng như có thể sờ chạm vào được, có người vui sướng, nhưng cũng có nhiều người sợ hãi, sự lạ xẩy ra khoảng 10 phút, sau đó trở lại bình thường. Các nhà khoa học đã xác định chưa bao giờ có sự kiện như thế đối với mặt trời từ bao năm qua. (Nguồn: MeMaria.org)

           Trong tâm tình ấy, hôm nay vào lúc 11g30 ngày 13.10.2013, kỷ niệm 96 năm (13.10.1917 - 13.10.2013) Mẹ hiện ra lần cuối  với Sự lạ Fatima.
Cha chánh xứ Giuse, hai cha Phụ tá và cộng đoàn phụng vụ Gx.Thiên Ân đã làm giờ Đền tạ, lần chuỗi, cung nghinh Thánh tượng Mẹ chung quanh Thánh đường và hiệp dâng Thánh lễ đồng tế Tạ ơn và Đền tạ Trái Tim Mẹ.

Xin Mẹ hãy cầu bầu cho chúng con, cho thế giới và cho nhân loại hôm nay biết xây dựng hòa bình, sống trong tình hiệp nhất và yêu thương nhau.

Thánh Teresa Giesu Trinh nữ - Tiến Sĩ Hội Thánh

Thánh Têrêsa Avila
Thánh nữ Têrêsa sinh ngày 28 tháng Ba năm 1515 tại thành Avila, nước Tây Ban Nha. Từ khi còn là cô gái nhỏ trong gia đình giàu có, Têrêsa và người anh trai là Rôđrigô đã ham thích đọc truyện các thánh và các đấng tử đạo. Dường như đối với hai trẻ, các vị thánh tử đạo vào nước trời thật là dễ dàng! Rồi hai trẻ bí mật trẩy tới một miền đất xa lạ, hy vọng ở đây có thể được chết cho Đức Chúa Giêsu. Nhưng may thay, chưa đi được bao xa thì hai trẻ đã gặp người cậu! Lập tức, ông đem các trẻ về cho bà mẹ đang lo lắng của chúng. Rồi hai trẻ lại quyết định làm hai vị ẩn sĩ trong khu vườn của mình, nhưng việc này cũng chẳng thành công. Các trẻ không có đủ đá để xây các túp lều cho mình.

Chính thánh nữ Têrêsa Avila đã viết lại các mẩu chuyện vui này khi kể về cuộc đời thơ ấu của ngài. Và sự việc là khi bước vào tuổi hoa niên, Têrêsa đã thay đổi hoàn toàn! Têrêsa Avila ham thích đọc quá nhiều truyện tiểu thuyết và các truyện lãng mạn ngốc nghếch đến nỗi ngài đã giảm lòng ham ước cầu nguyện. Têrêsa bắt đầu để ý nhiều về cách trang điểm để làm đẹp. Nhưng sau khi trải qua một cơn bạo bệnh, Têrêsa Avila đọc truyện thánh Giêrônimô. Và lập tức, Têrêsa Avila quyết định sẽ trở nên hiền thê của Đức Chúa Giêsu. Têrêsa Avila gia nhập dòng Cátminh năm 1536.

Cả khi đã khấn dòng, Têrêsa Avila vẫn thường cảm thấy khó cầu nguyện. Thêm vào đó, sức khỏe của thánh nữ rất yếu kém. Mỗi ngày, Têrêsa phung phí thời giờ vào những cuộc trò chuyện vô bổ. Thế rồi một ngày kia, khi đứng trước bức ảnh của Đức Chúa Giêsu, Têrêsa cảm thấy hết sức đau buồn vì đã chưa yêu mến Người cho đủ. Và thánh nữ bắt đầu tập sống cho riêng một mình Đức Chúa Giêsu dù phải hy sinh khó nhọc đến mức độ nào. Đáp lại tình yêu của Têrêsa, Chúa Giêsu đã ban cho thánh nữ đặc ân được nghe tiếng Chúa nói trong tâm hồn. Têrêsa Avila cũng học biết cầu nguyện cách tuyệt diệu. Thánh nữ nổi danh vì đã thiết lập thêm mười sáu tu viện Cátminh mới. Các tu viện này chứa đầy các nữ tu ham ước sống cuộc đời thánh thiện. Họ làm nhiều việc hy sinh vì lòng yêu mến Đức Chúa Giêsu. Chính Têrêsa Avila đã nêu gương sáng cho các nữ tu này. Thánh nữ cầu nguyện với rất nhiều tình yêu và thi hành các nhiệm vụ hằng ngày cách chăm chỉ.

Thánh nữ Têrêsa Avila là nhà lãnh đạo đại tài cũng như là một người rất mực yêu mến Đức Chúa Giêsu và Giáo hội. Têrêsa Avila về trời năm 1582 và được đức thánh cha Grêgôriô XV phong thánh năm 1622.
Đến năm 1970, đức thánh cha Phaolô VI đã tôn nhận Têrêsa Avila làm nữ Tiến sĩ Hội Thánh đầu tiên của Giáo hội Công giáo.

Bất cứ khi nào cần một chút “sức đẩy tinh thần” để cầu nguyện cách tập trung và yêu mến hơn, chúng ta có thể cầu xin với thánh Têrêsa Avila. Chúng ta hãy nài xin thánh nữ giúp chúng ta biết tìm những phương thế thực tiễn để có thể trung thành cầu nguyện mỗi ngày.
SUSAN HELEN WALLACE, FSP

12 thg 10, 2013

BIẾT ƠN

Cuộc sống hằng ngày khi có việc người ta cần đến nhau, khi được việc lại thường quên nhau. Lời Chúa hôm nay khơi dậy lòng tin một người phong hủi trở lại biết ơn Chúa vì được thương xót và được chữa lành.

1. Biết ơn vì được thương xót
 
Tin mừng kể lại mười người cùi đến đón Chúa, đứng đằng xa và kêu xin Chúa Giêsu thương xót. Trong lúc mọi người "đóng chặt" thế giới người phong thì Chúa Giêsu lại đến với thế giới của họ. Chúa nói họ đi trình diện với các tư tế, trên đường đi họ thấy mình được sạch. Phép lạ thể hiện ngay niềm tin của người bệnh biết tựa vào lòng thương xót của Chúa. Và chỉ một người ngoại có lòng tin đi kèm lòng biết ơn mới xứng đáng lãnh nhận lòng thương xót của Chúa. Như Naaman trong sách các Vua quyển thứ hai tin vào lời Êlisa dìm mình xuống dòng sông Giođan và Chúa cho ông được khỏi bệnh phong. Ngày nay có nhiều chứng phong vô tình đang gặm nhấm tâm hồn chúng ta. Thái độ "khinh người" cũng là chứng phong thiếu bác ái...
 
2. Biết ơn vì được chữa lành
 
Chính việc được chữa lành là điều mười người phong phải trở lại cám ơn. Điều nghịch lý ở đây là người ngoại "thấy mình sạch liền quay lại ngay" biết ơn Chúa, còn chín người kia coi như vô ơn. Tin mừng không nói chín người kia trở lại trễ. Chúa Giêsu hỏi : "Thế chín người kia đâu ?". Thực tế trào lưu vô ơn ngày nay vẫn còn diễn ra trong cuộc sống chúng ta. Con người thường quên ơn người làm ơn cho mình. Khi được ơn người ta chỉ biết "tiệc tùng chúc mừng" mà quên Chúa ban ơn cho mình. Trên con đường đầy tuyết, chiếc xe mô tô của cậu sinh viên du lịch bị bể bánh. Sau một tiếng dắt bộ, cậu kiệt sức và dừng chân trước căn nhà lá bỏ hoang. Trời tối dần. Cậu ngồi gục mặt vào chiếc ba lô tuyệt vọng. Đột nhiên cậu nghe có tiếng nói : "Chắc anh mệt lắm, để tôi đưa về nhà tôi nghỉ tạm", tưởng là mơ, cậu dụi mắt để xem có đúng không. Quá mừng rỡ, cậu đi theo người đàn ông lạ. Đêm đó cậu ăn tối : dù chỉ có đậu hủ và tương, nhưng lòng rất sung sướng, sung sướng của người vừa đói vừa lạnh mà được ăn và có chỗ ở an toàn. Trái tim cậu ấm lại vì tình người. Sáng sớm cậu muốn gởi ít tiền vì cậu biết người vùng núi rất khó khăn, nhưng cặp vợ chồng chủ nhà không nhận, họ từ chối và nói : "Cậu không cần trả ơn chúng tôi, chỉ xin là trong tương lai nếu cậu thấy ai cần sự giúp đỡ thì cậu giúp cho họ, như vậy là chúng tôi vui lắm rồi". Cậu từ giã ra đi mà lòng tràn đầy sự biết ơn. Vì sao con người dễ quên ơn Chúa ? Chúng ta thường rơi vào người ngoại hay chín người kia ?
 
Lm. Giuse Nguyễn Đức Trí

7 thg 10, 2013

ĐIỆP KHÚC THÁNG MƯỜI

ĐIỆP KHÚC MÂN CÔI

Tháng Mười trăn trở cuối năm
Vui buồn thế sự trăm năm kiếp người
Lâm râm Điệp Khúc Mân Côi
Câu kinh nâng nhẹ bước đời nhân sinh

Vui mừng reo khúc Thánh Kinh
Dẫu đau thương vẫn miên hành sớm khuya
Điều mừng điểm xuyết như thơ
Lặng nghe hạnh phúc ngân nga nhẹ nhàng

Nhìn lên Đức Mẹ: “Kính mừng…”
Nguyện cầu phù hộ dọc đường trần ai
Tin yêu giữa cảnh đọa đày
Rộng lòng nhân ái từng ngày tháng qua

Khúc Mân Côi vẫn thiết tha
Nụ cười thánh đức nở hoa tuyệt vời
Hân hoan riêng khoảng tháng Mười
Kính dâng Mẹ chuỗi-cuộc-đời của con

TRẦM THIÊN THU

6 thg 10, 2013

Chúa Nhật XXVII Thường Niên - Năm C


NẾU ANH EM CÓ LÒNG TIN

Tin Mừng Lc 17: 5-10

  Khi ấy, các Tông Đồ thưa với Chúa Giê-su rằng: “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con.” Chúa đáp: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: ‘Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc’, nó cũng sẽ vâng lời anh em. Ai trong anh em có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ở ngoài đồng về, lại bảo nó: ‘Mau vào ăn cơm đi’, chứ không bảo: ‘Hãy dọn cơm cho ta ăn, thắt lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã, rồi anh hãy ăn uống sau!’? Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao? Đối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.”

5 thg 10, 2013

NIỀM TIN THƯƠNG MẠI (Chúa nhật XXVII TN, năm C)

* Bài hát: TIN LÀ
  Thể hiện: Thanh Sử
  Sáng tác: Phan Ngọc Hiến



Ca dao có câu: Công cha như núi Thái Sơn - Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Câu ca ngàn đời này ca ngợi công lao của cha mẹ lớn như trời biển, khi sinh thành và dưỡng dục con cái nên người. Và cũng từ đó giáo dục cho các thế hệ sau phải biết: “Một lòng thờ mẹ, kính cha - cho tròn chữ Hiếu mới là đạo con”.

Thế nhưng, cuộc sống bộn bề những gánh nặng chồng chất bởi cơm áo gạo tiền, bởi kiếm kế sinh nhai khiến con cái ngày nay xem ra thực dụng hơn. Họ toan tính thiệt hơn khi phải chăm sóc mẹ cha và đôi khi tàn nhẫn phủi tay trách nhiệm với cha mẹ. Có những người con coi khinh cha mẹ già yếu, thậm chí còn ngược đãi, hành hạ cha mẹ…

Có một câu chuyện mang tựa đề “Ngày thứ 31” viết về một gia đình sinh ra được ba, bốn người con. Tuy điều kiện kinh tế khó khăn, nhưng đôi vợ chồng này vẫn cần mẫn nuôi con khôn lớn. Tới khi con cái trưởng thành, cũng là lúc ông bà kiệt sức bởi tuổi già và bệnh tật.

 Việc chăm sóc nuôi dưỡng bố mẹ già dường như đã trở thành gánh nặng với các con, chúng đùn đẩy cho nhau. Không ai chịu ai nên chúng bổ đều mỗi người phải nuôi bố mẹ ba mươi ngày luân phiên, bi kịch đã xảy ra khi vào tháng có 31 ngày, không đứa con nào chịu nuôi bố mẹ cái ngày dôi ra ấy, ông bà đành chịu đói nằm chờ qua ngày để đến tháng tiếp theo.

Gần đây có biết bao chuyện đau lòng khi con cái bất hiếu với mẹ cha. Thí dụ như chuyện một đôi vợ chồng già do con cái tranh chấp nhà cửa mà bị đẩy ra sống vất vưởng ngoài đường. Rồi chuyện đứa con ngang ngược hành hạ mẹ già, chỉ vì không cấp đủ tiền cho chúng ăn chơi, hoặc đau lòng hơn, vì mâu thuẫn mà có những đứa con nhẫn tâm đoạt cả mạng sống của chính người đã sinh ra mình… Để lại vết thương lòng nhức nhối trong xã hội.

Đây là kiểu sống không có tình ; chỉ có tính thương mại. Đúng như người xưa nói: ‘Mẹ nuôi con như trời như bể, con nuôi mẹ con kể từng ngày’.

Đây cũng là lối sống đạo đầy toan tính của con người thời đại hôm nay. Theo đạo để tìm lợi lộc vật chất như có người vẫn mong cầu trúng số, trúng thưởng hay được trả công bội hậu. Và cũng không thiếu những người xa rời đạo vì theo đạo chẳng được lợi lộc gì! Có người còn toan tính thiệt hơn khi cho Chúa, cho Giáo Hội họ sẽ nhận lại điều gì?

Các tông đồ năm xưa cũng từng hỏi Chúa Giê-su, họ đã từ bỏ mọi sự mà theo Chúa, họ sẽ nhận lại điều gì? Họ vẫn toan tính thiệt hơn theo kiểu thế gian “có qua có lại cho vừa lòng nhau”. Đây là loại người đức tin còn non yếu. Một đức tin chưa đủ trưởng thành để có thể tin tưởng hoàn toàn vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Một đức tin chưa đạt đến mức độ dấn thân để bước đi theo đường lối của Chúa.

Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta: đức tin sẽ giúp chúng ta đạt được những điều ngoài sức tưởng tượng và ngoài khả năng của chúng ta. Một đức tin có thể chuyển núi dời non. Một đức tin có thể làm những chuyện phi thường. Niềm tin chân thành cũng đòi hỏi chúng ta dấn thân hoàn toàn cho Chúa. Một sự dấn thân phó thác mọi sự trong sự quan phòng của Chúa. Thiên Chúa quyền năng, Ngài có thể làm mọi sự theo ý Ngài, thế nên hãy để ý Chúa được hiển trị trong cuộc đời chúng ta khi chúng ta sống vâng theo thánh ý Chúa. Hãy để quyền năng Chúa hiển trị trên sự yếu hèn của chúng ta khi chúng ta tín thác nơi Chúa.

Điều quan yếu để đức tin mang lại hoa trái cho cuộc đời chúng ta chính là nhìn nhận sự nhỏ bé, bất toàn của mình để cậy trông vào Thiên Chúa. Nhìn nhận mình chỉ là một đầy tớ vô dụng nhưng được Thiên Chúa yêu thương ân ban biết bao ơn lành hồn xác. Sức khỏe, trí tuệ, sắc đẹp, công việc đều là ân ban của Thiên Chúa. Thử hỏi:

  - Trí óc ta thông minh ư ? Đó là nhờ Chúa sinh ra ta như thế. Nhiều người khác mới sinh ra đã đần độn.
- Sức khoẻ ta dồi dào ư ? Cũng nhờ Chúa sinh ta ra sẵn như vậy. Nhiều kẻ sinh ra đã sẵn èo ọt.
- Ta có nhiều năng khiếu ư ? Cũng do Chúa sinh ra ta như vậy.
- Ta đẹp ư ? : cũng thế.
- Ta làm nhiều việc thành công ư ? Đó là nhờ ta có sẵn thông minh, sức khoẻ, năng khiếu.

Bởi vậy dù ta làm được gì thì ta cũng là đầy tớ vô dụng thôi. Xin Chúa giúp chúng ta nhận ra sự yếu hèn của mình để biết trông cậy vào ơn Chúa và biết tạ ơn mỗi khi được nhận lãnh. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
 

4 thg 10, 2013

THÁNH PHANXICÔ ASSISI SÁNG LẬP DÒNG ANH EM HÈN MỌN


Chẳng khác gì ngọn hải đăng vĩ đại rực sáng lên giữa một bầu trời u ám, thánh Phanxicô quả là một sứ giả Thiên Chúa sai đến để đem cho thế giới công giáo thời trung cổ một nguồn sáng đức tin mãnh liệt giữa mọi sự như chìm sâu xuống vực thẳm đêm tối.

Phanxicô chào đời tại Assisi khoảng năm 1182, trong một gia đình quý phái. Cha ngài, ông Phêrô Bênađônê là một thương gia ngành tơ sợi rất có tiếng và mẹ ngài là bà Pica, một người rất đạo đức. Chính bà đã hun đúc Phanxicô thành một vĩ nhân của thời đại và đại thánh của Giáo hội. Ảnh hưởng của một bà mẹ thật sâu xa mạnh mẽ biết chừng nào.

Ông bà Bênađôniê được Chúa cho có một mụn con duy nhất. Ai có thể hiểu được lòng ông bà yêu thương, chiều chuộng Phanxicô lớn lao biết bao. Cậu con trai độc nhất ấy sống tràn ngập trong tình thương mến và trên rừng của núi bạc; thật có lẽ trên đời không còn ai có thể hạnh phúc hơn. Như bao thanh niên cùng giai cấp trưởng giả, Phanxicô đua đòi ăn chơi, luôn luôn tổ chức tiệc vui và những cuộc dạ hội ca vũ. Tuy nhiên, và đó là điều lạ lùng nhất, Phanxicô không bao giờ để mang tai tiếng hoặc là bê tha trong những cuộc truy hoan trái thuần phong mỹ tục.

Nhưng cuộc đời phù du! Đang lúc Phanxicô vui hưởng thanh bình với tất cả mọi hoan lạc của tuổi thanh xuân, thì bỗng một biến cố khốc liệt xảy tới: đám lê dân Assisi nổi lên chống lại phái trưởng giả. Đa thắng thiểu là lẽ dĩ nhiên, nhất là trong thời mà chiến sự chỉ là gậy gộc gươm giáo. Giai cấp trưởng giả, thất bại, Phanxicô cũng như nhiều người quý tộc khác bị cầm tù suốt một năm trời.

Trong thời gian tù đày, Phanxicô lại lâm bệnh nặng thập tử nhất sinh. Nhưng ý Chúa nhiệm mầu, Người dùng cơn bệnh ấy để cải hóa Phanxicô. Bởi thế, sau khi hồi phục, chính ngài cũng phải ngạc nhiên vì tự cảm thấy như chán ghét tất cả những thú vui phù phiếm khi xưa, đồng thời tâm hồn như nhẹ nhàng muốn bay tới những khát vọng siêu nhiên: ngài muốn là hiệp sĩ của Thiên Chúa.

Mãn tù ra, Phanxicô gặp một người trước kia cũng thuộc giới trưởng giả nhưng nay đã bị bóc lột tất cả, ngài liền cởi bộ áo nhường cho người đó. Tối hôm ấy, giữa lúc giấc điệp mơ màng, Phanxicô như nghe tiếng Chúa phán bảo và hôm sau, tại Polêtê ngài lại nghe tiếng lạ đó bảo phải gấp về quê nhà.

Một buổi chiều hè năm 1205, Phanxicô mở đại tiệc thiết đãi bạn hữu. Tiệc xong, mọi người ra về mang theo một mùi men nồng nặc vừa đi vừa ca hát vang động cả một khu phố. Giữa bầu không khí ồn ào đó, Phanxicô bỗng cảm thấy tâm hồn bị lay động rất mạnh, một mãnh lực huyền bí ngọt ngào xâm chiếm cõi lòng ngài... Ngài dừng lại và đứng bất động một lúc lâu, như để đón nhận ơn Chúa đang xuống trong tâm hồn. Lúc đó, quả thực ngài được Chúa ban ơn thúc giục thay đổi cuộc đời.

Từ đó, tâm hồn Phanxicô rất hoang mang lo lắng, chưa biết ý Chúa định liệu thế nào, ngài chỉ còn cách hoặc vào thánh đường Assisi, hoặc tới hang Subasiô ăn năn cầu nguyện, cuối cùng ngài lên đường hành hương thủ đô Giáo hội. Sau nhiều ngày ăn chay cầu nguyện, một hôm, vừa ra khỏi vương cung thánh đường thánh Phêrô, ngài liền được ơn soi sáng, lập tức ngài gọi một người hành khất đến và xin hắn đổi cho bộ áo cũ rách. Từ đó, ngài quyết chí sống đời nghèo khó và tự nhận ơn kêu gọi của mình là: “Người nghèo khó hèn mọn”. Trở về Assisi, ngài đem tiền bạc của cải, phân phát cho những người nghèo khó, và từ đó, bạn bè quý hóa nhất của ngài là những người túng bấn nghèo khổ.

Một buổi chiều kia trên đường trở về nhà, Phanxicô bỗng gặp một người tàn tật, khắp mình đầy chốc lếch, ghẻ lở. Phản ứng đầu tiên là ngài muốn quay cương ngựa đi thẳng, nhưng nghe tiếng Chúa phán bảo trong lòng, ngài liền xuống ngựa đến gần người phong cùi và, với tấm lòng đầy xót thương, ngài liền kề môi hôn những mụn nhọt hôi thối của người ấy.

Được ít lâu, đang khi Phanxicô quỳ cầu nguyện trước ảnh chuộc tội, Thiên Chúa đã cho ngài biết thánh ý của Người qua tiếng phán bảo từ thánh giá vọng xuống như sau:
“Phanxicô, con Cha, con hãy trùng tu lại ngôi nhà của Cha vì nó sắp sụp đổ”. Lập tức bạn người nghèo, tôi tớ kẻ phong cùi liền đứng dậy quyết trở thành người xây dựng nhà Chúa. Về nhà, Phanxicô định ngưng tải tơ sợi ra chợ bán và đem dâng số tiền hàng đó cho cha xứ thánh Đamianô, nhưng cha xứ từ chối vì sợ phật ý ông Bênađônê. Sau một lúc suy nghĩ, Phanxicô nhất định để món tiền đó nơi cung thánh đồng thời xin cha xứ cho phép được ở lại giúp việc ngài.
Nghe tin đó, ông Bênađônê nổi giận đùng đùng, chạy đến nhà cha xứ thánh Đamianô để bắt Phanxicô về. Nhưng chí đã quyết, Phanxicô nhất định thoát ly gia đình để theo Chúa, ngài liền trốn vào một cái hang trong núi gần đó.

Đau khổ đến tuyệt vọng, ông Bênađônê quyết từ con, đồng thời bắt phải hoàn trả món tiền hàng hôm nọ. Trước mặt Đức Giám mục Guiđô, với cái nhìn khiêm tốn nhưng bừng lên một niềm khát khao thiên quốc, từ từ lột bỏ tất cả bộ y phục và với tất cả số tiền còn lại, ngài đem đặt trước mặt thân phụ mà nói rằng:
“Cho đến hôm nay, tôi vẫn gọi ông Phêrô Bênađônê là cha, và tôi xin hoàn lại ông ấy số tiền bạc và quần áo mà tôi giữ của ông ta. Còn từ nay tôi có thể nói rằng: tôi chỉ có một Cha ở trên Trời”.
Ít lâu sau, dân chúng thấy Phanxicô xuất hiện trên các đường phố thành Assisi, mình vận chiếc áo khổ tu, lưng thắt dây da, chân đi dép và ca những bài hát du dương để lôi cuốn quần chúng rồi quyên tiền để tu bổ lại giáo đường thánh Đamianô.

Ngày 24-02-1209, lễ kính thánh Matthia, Phanxicô đi dự lễ và nghe Phúc âm về sự thực hành đức khó nghèo. Lời Phúc âm khiến ngài quyết định hẳn thái độ sống: cởi bỏ áo choàng, giày dép, thắt lưng, đi chân không và chỉ mặc một áo dài, lưng thắt sợi dây thô. Tại các góc phố, cũng như bên các bờ giếng, dân chúng tụ lại nghe ngài giảng, ai nấy đều như bị cảm hóa qua lời nói thiết tha và đời sống khó nghèo của ngài.

Nhiều người hâm mộ và muốn bắt chước đời sống của ngài. Ngài vui lòng nhận tất cả những ai đến xin làm môn đệ, nhưng với hai điều kiện đơn giản song không dễ thực hành: bán hết của cải và đi gõ cửa ăn xin. Tưởng với điều kiện ấy sẽ không ai dám theo ngài, nhưng trái lại số môn đệ vẫn mỗi ngày một tăng. Có người cộng tác, ngài liền sai đi truyền giáo tại miền Ombria và Tuscia. Khi cộng đồng đã khá đông, Phanxicô liền nghĩ đến việc thảo hiến pháp dòng và sang Rôma xin Đức Giáo Hoàng châu phê.

Đức Giáo Hoàng tuy rất mến Phanxicô và hội dòng ngài lập, song vì các vị Hồng Y phản đối, nên chưa quyết định châu phê luật dòng ngài. Nhưng một đêm trong khi ngủ, Đức Giáo Hoàng chiêm bao thấy thánh đường Latêranô là đầu và là mẹ mọi thánh đường trong Giáo hội bị lay chuyển tận nền móng và sắp xụp đổ. Trong khi đó, một người dáng điệu khiêm tốn, mình vận một chiếc áo dài vải thô, đi chân không, lưng thắt sợi dây đến ghé vai vào tường, rồi lấy hết sức chống đỡ thánh đường khiến nó lại đứng thẳng và vững chắc hơn bao giờ hết.

Ngày hôm sau, Phanxicô lại được vời vào chầu Đức Giáo Hoàng để trình bày hiến pháp dòng lần nữa. Vừa thấy ngài, Đức Giáo Hoàng Innôxentê III hết sức xúc động, vì ngài nhận ra người đã chống đỡ đền thờ không ai khác mà chính là thầy dòng hèn mọn này. Đức Giáo Hoàng liền ôm lấy ngài chúc lành cho ngài và các anh em, đồng thời cho phép tiếp tục sống cuộc đời khó nghèo và truyền bá Phúc âm. Trước khi từ giã Rôma trở về nhà dòng tại Portiuncula, thầy Phanxicô được Đức hồng y Colonna truyền chức phó tế.

Về tới dòng, thầy Phanxicô và các anh em lại tiếp tục rao giảng Lời Chúa. Lời nói đi đôi với việc làm của các ngài quả đã lôi cuốn được nhiều linh hồn về với Chúa. Một hôm tại thánh đường Assisi, trong số thính giả có một thiếu nữ quý phái tên là Clara, sau khi nghe thầy Phanxicô giảng, liền quyết tâm dâng mình phụng sự Chúa Giêsu. Ít lâu sau, Anê em Clara cũng bước đi theo chị. Hai thiếu nữ này là những người tiên phong và nền tảng cho một hội dòng nữ: dòng thánh Clara, chính là tên chị Clara sau này đã trở thành một vị đại thánh.

Vì sẵn có ý hướng làm tông đồ nhiệt thành của Chúa, nên nhân lúc nghĩa quân thánh giá đang tiến mạnh bên Đông phương, thầy Phanxicô liền muốn lợi dụng cơ hội đó, để truyền bá Phúc âm cho những người Hồi giáo. Mùa thu năm 1212, ngài xuống tầu tại Ancôna, nhưng một cơn phong ba thổi mạnh, đánh bạt tầu ngài vào bãi biển Dalmatia. Năm 1214, ngài lại muốn đi truyền giáo cho những người Hồi giáo tại Marốc, nhưng chẳng may ngài lại bị bệnh nặng phải nằm tại Tây Ban Nha. Sau khi bình phục, ngài liền đi Ai cập vào bệ kiến vua Melekel Kamel. Nhà vua ân cần tiếp đãi và chăm chú nghe ngài giảng, nhưng nhất định không tòng giáo. Thất vọng, thầy Phanxicô lên đường về Ý,.

Năm 1224, thầy Phanxicô lui về Alverna, một nơi hoang vắng cách nạm bắc thành Assisi độ 15 dặm để chuyên việc suy niệm và ăn năn đền tội. Ngày 14-9, lễ Suy tôn Thánh giá, đang khi suy ngắm, thầy Phanxicô ngất trí và nhìn thấy ở trên trời một nhân vật giống như thiên thần Sêraphim và một ảnh chuộc tội. Lúc tỉnh lại, ôi lạ lùng thay, chân tay và cạnh sườn ngài đã được in năm dấu thánh của Chúa Giêsu đóng đinh.

Lòng đầy mến yêu Thiên Chúa, thầy Phanxicô cất tiếng ca lên bài ca chúc tụng Thiên Chúa, Đấng tạo hóa của muôn loài, đó là “Bài ca mặt trời” mà lời lẽ vui tươi sốt sắng như sau:

“Ôi Chúa cao cả, toàn năng, chỉ mình Chúa đáng được chúc tụng, vinh quang, danh dự, và vinh phúc. Chỉ mình Chúa thôi, lạy Đấng chí cao, loài người không ai xứng đáng hết.
Lạy Chúa vinh danh Chúa, vì mọi loài tạo vật của Chúa, đặc biệt là anh mặt trời soi sáng ban ngày và chiếu rọi cho chúng con. Anh đẹp biết bao, sáng láng dường nào, anh là một chứng nhân của Chúa.
Lạy Chúa vinh danh Chúa, vì chị Hằng nga và các vì tinh tú Chúa đã tạo dựng chúng sáng láng mỹ miều trên bầu trời cao thẳm.
Lạy Chúa, chúc tụng Chúa, vì anh gió, vì không khí, mây mù, sương sa.
Lạy Chúa, chúc tụng Chúa vì chị nước rất hữu ích, quý giá và tinh tuyền.
Lạy Chúa, vinh danh Chúa vì anh lửa, nhờ anh mà đêm tối được sáng, anh tươi đẹp, vui vẻ, uy hùng và mạnh mẽ biết bao.
Lạy Chúa, chúc tụng Chúa vì bà mẹ địa cầu đã nâng đỡ nuôi nấng và sinh sản muôn vàn hoa trái với những bông hoa thắm mầu xinh tươi…
Anh em hãy ca ngợi và chúc tụng Chúa, hãy cảm tạ và bước theo Người với cõi lòng đơn sơ, khiêm tốn”.

Ngoài “bài ca mặt trời” trên đây, thánh Phanxicô còn sáng tác một bản “Kinh nguyện Hòa bình” với những lời lẽ tha thiết và sốt sắng như sau:

“Lạy Chúa khoan nhân, xin dậy chúng con nhận biết yêu thương và phụng sự Chúa trong mọi người chẳng trừ ai.
Lạy Chúa, xin hãy dùng con làm khí cụ bình an của Chúa: để con đem yêu thương vào nơi thù oán, đem tha thứ vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi bất thuận, đem sự thật vào chốn lỗi lầm, đem đức tin vào nơi nghi hoặc, đem cậy trông vào nơi tuyệt vọng, đem ánh sáng vào chốn tối tăm, đem yên vui vào nơi sầu thảm.
Lạy Chúa, hãy dạy chúng con: tìm an ủi người, hơn được người an ủi; tìm hiểu biết người, hơn được người hiểu biết; tìm yêu mến người hơn được người mến yêu. Vì chính lúc hiến thân, là lúc nhận lãnh, chính lúc quên mình, là lúc gặp lại bản thân, chính lúc tha thứ, là lúc được thứ tha, chính lúc chết đi là lúc sống lại cuộc đời bất diệt.
Hỡi Thần Linh Thánh Ái, hãy mở rộng cõi lòng chúng con và ban xuống trần gian bình an Chúa cho hết mọi người thiện chí”. Amen.

Thánh Phanxicô dọn mình chết trong một túp lều gần nơi sinh trưởng. Ngài xin các tu sĩ dòng đặt ngài nằm trần trụi trên mặt đất. Lúc này đây, ngài thật đúng là con người sinh ra trần trụi và khi chết cũng trần trụi.

Ngày hôm sau, khi người ta đọc cho ngài nghe bài thương khó trong Phúc âm thánh Gioan, thì thánh nhân lâm cơn hấp hối. Các thầy đặt ngài xuống đất và ngài xin lấy tro rắc trên mình ngài. Đoạn ngài xướng thánh vịnh 141: Tiếng con kêu thấu đến Chúa, rồi ngài tắt thở trong niềm hoan hỉ cậy trông.

Năm 1228, thầy Phanxicô được Đức Giáo Hoàng Grêgôriô tôn lên bậc hiển thánh và năm 1230, xác ngài được di chuyển từ nhà thờ thánh Giócgiô đến vương cung thánh đường thánh Phanxicô vừa được xây cất để dâng kính ngài. Thánh Phanxicô nghèo quả là một vị thánh có một không hai trong lịch sử các thánh. Quả vậy, không ai đã tỏ ra giống Chúa Giêsu cho bằng ngài. Ngài thật là một tấm gương vĩ đại về đức khó nghèo cho muôn thế hệ soi chung.

Lạy thánh Phanxicô, xin ngài cầu cho chúng con được can đảm để lướt thắng mọi cám dỗ vinh hoa và bền tâm bắt chước ngài, đừng ham mê tiền bạc giữa thế giới đầy tham lam gian trá này.

 Nguồn: HẠNH CÁC THÁNH

3 thg 10, 2013

Bông Hồng Trắng Tặng Các Linh Mục

Thư Gửi Các Linh Mục Của Thánh Louis De Monfort Về Kinh Mân Côi

BBT: Đây như là bức tâm thư của thánh Louis Marie Grignion de Monfort, vị tông đồ kinh Mân Côi, gửi cho các linh mục. Điều thánh nhân muốn nói với các linh mục là quan tâm rao giảng về kinh Mân Côi và thực hành đọc hay suy gẫm về kinh Mân Côi. Kinh Mân Côi là cách rất tốt để cải hoá các linh hồn hơn tất cả những lời giảng hùng hồn của chính vị linh mục. Điều này chính tác giả bức tâm thư này đã cảm nghiệm được. Sau đây là nguyên văn bức thư được trích trong tác phẩm của thánh nhân “Bí Mật Kinh Mân Côi”.

Bông Hồng Trắng Tặng Các Linh Mục 
Quí thừa tác viên của Đấng Tối Cao thân mến, các cha là những vị linh mục đồng hành với con trong công cuộc rao giảng chân lý của Thiên Chúa và giảng dạy Phúc Âm cho mọi dân nước, xin hãy cho phép con được gửi đến các cha cuốn sách nhỏ này, như là một bông hồng trắng, mong các cha hãy giữ lấy nó.
Những sự thật trong cuốn sách này được giải bày một cách rất đơn sơ và dễ hiểu, như các cha sẽ thấy. Xin giữ chúng trong lòng của các cha, để các cha có thể mang ra thực hành kinh Mân Côi thánh và nếm hưởng hoa trái của nó. Xin các cha cũng đọc kinh Mân Côi nữa, để các cha luôn rao giảng kinh Mân Côi, nhờ đó, qua việc chỉ dẫn về sự tuyệt diệu của lòng sùng kính thánh đức này, các cha có thể cải thiện được các linh hồn.

Con xin các cha hãy coi chừng luồng tư tưởng cho kinh Mân Côi là một điều không mấy quan trọng, như những người không hiểu biết, hay ngay cả các bậc đại thức giả kiêu kỳ vẫn nghĩ như thế. Kinh Mân Côi là một kho tàng vô giá, được Thiên Chúa linh ứng, vượt trên mức độ bình thường.

Thiên Chúa toàn năng đã ban kinh Mân Côi cho các cha, vì Người muốn các cha dùng kinh này như phương tiện để cải thiện các tội nhân cứng lòng nhất, cũng như những kẻ lạc đạo ngoan cố nhất. Thiên Chúa đã gắn liền kinh Mân Côi với ơn phúc ở đời này và vinh quang ở đời sau. Các thánh đã trung thành đọc kinh Mân Côi và các Đức Thánh Cha đã chuẩn nhận kinh này.

Khi Chúa Thánh Linh mạc khải bí mật này cho một vị linh mục, vị quản nhiệm các linh hồn, thì phúc cho vị linh mục ấy. Bởi vì, phần lớn đại đa số dân chúng không biết gì về bí mật này, hay dù có biết đi nữa, cũng chỉ biết một cách hời hợt vậy thôi. Một khi thực sự hiểu được bí mật này rồi, vị linh mục sẽ đọc kinh Mân Côi hằng ngày và sẽ khuyên giục kẻ khác đọc nữa. 

Thiên Chúa và Mẹ Thánh của Người sẽ tràn đổ muôn vàn ơn ích vào linh hồn vị linh mục ấy, để ngài trở nên khí cụ của Thiên Chúa trong việc làm vinh danh Người; và, lời nói của ngài, mặc dù đơn sơ, trong vòng một tháng mà thôi cũng sẽ có lợi hơn là các lời nói của các vị giảng thuyết trong cả mấy năm trời.

Bởi thế, hỡi anh em linh mục đồng hành thân mến của con, dạy cho người ta việc tôn sùng này mà thôi chưa đủ; chính chúng ta phải thực hành việc tôn sùng này nữa. Cho dù chúng ta có tin một cách chắc chắn vào tầm quan trọng của kinh Mân Côi thánh mà tự chúng ta lại không bao giờ đọc đến, thì dân chúng sẽ khó lòng mà nghe theo lời khuyên bảo của chúng ta, bởi không ai có thể cho cái mà họ không có: “Chúa Giêsu bắt đầu làm và dạy dỗ” (Cv 1,1). Chúng ta phải tự bắt chước Chúa là Đấng bắt đầu bằng việc làm điều mà Người giảng dạy. Chúng ta phải làm như thánh Phaolô, người chỉ biết giảng dạy duy một điều là Chúa Giêsu tử giá. Điều này rất hợp với việc mà các cha sẽ làm trong việc rao giảng về kinh Mân Côi thánh. Đây không phải là một tổng hợp các kinh Lạy Cha và Kính Mừng, ngược lại, đó là một toát lược thần linh về các mầu nhiệm của đời sống lẫn tử nạn, sự chết và vinh hiển của Chúa Giêsu cùng với Mẹ Maria.

Con có thể chia sẻ nhiều với các cha về các ơn Thiên Chúa đã ban cho con trong việc biết được bằng kinh nghiệm những công hiệu của việc rao giảng kinh Mân Côi thánh, và những cuộc trở lại lạ lùng do việc rao giảng kinh Mân Côi này mang lại mà chính mắt con đã từng chứng kiến. Con rất hân hạnh kể hầu các cha nghe về tất cả những điều này, nếu con thấy rằng chúng sẽ đánh động các cha để các cha rao giảng sự sùng kính cao đẹp mà hiện nay các linh mục không có thói quen làm. Tuy nhiên, thay vì kể cho các cha về những điều ấy, con nghĩ rằng, cuốn sách toát lược nhỏ bé do con viết đây cũng đủ để con kể hầu các cha một ít câu truyện cổ đáng tin về kinh Mân Côi thánh, những câu truyện con đúc kết để kể cho giáo hữu Pháp.

(BBT giới thiệu và trích từ Thánh Louis Marie Grignion de Monfort, Bí mật kinh Mân Côi – Bông hồng trằng tặng các linh mục, bản dịch tiếng Việt của Đa Minh Maria Cao Tấn Tĩnh, BLV; nguồn:http://conggiao.org/bi-mat-kinh-man-coi/bimatKMC1.htm).

1 thg 10, 2013

THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU

 
Sống ở trần gian chỉ có 24 tuổi đời, thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã để lại cho trần gian một con đường nên thánh xem ra đơn sơ, giản dị, nhưng cũng là một linh đạo tuyệt vời: ”Con đường thơ ấu thiêng liêng”. Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu là ai ?
Con đường thơ ấu thiêng liêng nói gì cho ta ?

MỘT CON NGƯỜI. MỘT CUỘC ĐỜI:
Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, con ông Louis Martin và bà Maria Guérin. Người sinh ngày 2 tháng 1 năm 1873 tại Alencon nước Pháp. Gia đình Ông bà Louis Martin sinh được 9 người con. Tuy nhiên 4 người con đã qua đời, chỉ còn lại 5 chị em gái. Tất cả 5 chị em gái sau này đều bước vào đời tận hiến trong các Dòng tu. Têrêsa mồ côi mẹ từ lúc chưa tròn 4 tuổi. Nỗi buồn mất mẹ cứ hằn sâu trong cuộc đời của Têrêsa. Ông Louis Martin bỏ Alencon lui về Lisieux với cả gia đình. Với truyền thống của một gia đình đạo đức và với tấm lòng đơn sơ, yêu mến Chúa, Têrêsa đã nhất quyết chọn cho mình một con đường. Do đó, thánh nhân đã xin vào tu viện nhà kín  Cát Minh tại Lisieux vào tháng 4 năm 1888 lúc Người mới chưa tròn 15 tuổi. 

Thánh Têrêsa luôn cảm nghiệm sâu xa tình yêu của Thiên Chúa và Người đã sống cái diệu cảm của một con người đầy ắp Chúa. Tâm hồn của Người thật đạo đức, thánh thiện. Người cảm thấy ơn gọi của Người thật kỳ diệu vì chính vào đêm giáng sinh năm 1886, một biến cố làm cho Người quay trở về với Chúa và Người nhận thấy con người của mình được biến đổi hoàn toàn. Từ đây, ơn gọi yêu mến Chúa và yêu tha nhân thôi thúc Têrêsa. Người đã có thể nói như thánh Phaolô tông đồ: ”Tình yêu Chúa Kitô thúc bách tôi “. Đời sống trong tu viện Cát Minh càng lúc càng nung đốt tâm hồn của thánh nhân. Đời sống nội tâm của Têrêsa càng ngày càng lên cao. Người đã có mối liên hệ mật thiết với Chúa ở một tầm cao mới, chiều sâu mới, quan hệ tình yêu. Thánh nhân cảm thấy càng ngày càng phải kết hợp với Chúa trong cuộc thống khổ của Ngài. Thánh nhân coi thánh kinh là sách gối đầu và là sách duy nhất giúp Người nên thánh và gần gũi Chúa. Tuy nhiên sự thử thách nội tâm và sự đau khổ thể xác diễn ra hằng ngày trong đời sống của thánh nhân đã làm cho thánh nhân càng ngày càng cảm nghiệm sâu xa mầu nhiệm tình yêu cao vời của Chúa.

Năm 1896 trong đêm thứ sáu tuần thánh, Têrêsa bị ho ra máu lần đầu tiên. Thánh nhân đã sống những tháng ngày trong sự đau khổ triền miên của bệnh tật. Có thể nói, mười tám tháng cuối cùng của cuộc đời Người là một cuộc tử đạo không ngừng. Thân xác bị đau  đớn, nội tâm bị thử thách. Nhưng, thánh nhân đã sống hết mình vì tình yêu.

Người lìa trần vào ngày 30 tháng 9 năm 1897, hưởng thọ 24 tuổi. Cái tuổi còn đầy sinh lực và nhựa sống. Người ra đi trong tiếng thì thào:” Lạy Chúa, con yêu Chúa”. Đức Giáo Hoàng Piô XI nâng Người lên bậc hiển thánh và đặt Người làm bổn mạng các xứ truyền giáo.

CON ĐƯỜNG THƠ ẤU THIÊNG LIÊNG CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU:
Thánh Têrêsa đã bỏ cõi đời để đi vào cõi sống vĩnh hằng, Người đi vào cái trọn vẹn, cái lớn lao: yêu Chúa hơn bất cứ người nào trên dương thế này; Têrêsa muốn dâng mình cho tình yêu vô vị lợi, tình yêu nhân từ vô biên của Chúa như của lễ dâng hiến toàn thiêu; Têrêsa muốn yêu mọi người như Chúa Giêsu đã yêu nhân loại.

Người đã sống trọn vẹn con đường tình yêu của Chúa. Người đã chọn một linh đạo cho cuộc đời mình, linh đạo tình yêu nhỏ bé. Con đường của Người là con đường thơ ấu thiêng liêng. Têrêsa tựï ví mình như trẻ nhỏ, mà nhỏ nghĩa là yếu đuối, hèn mọn, không thể tự sức mình làm được gì; nên phải yêu mến thật nhiều, yêu mến không giới hạn để đạt được điều mình ao ước, mong chờ.

Quan niệm của Têrêsa giống như những người nghèo của Thiên Chúa mà đặc biệt là thái độ của Mẹ Maria trong kinh Magnificat. Têrêsa  đã cảm nghiệm được con đường nên thánh qua thái độ, cử chỉ của Đức Mẹ. Têrêsa đã hiểu được bí quyết nên thánh theo thánh kinh:” trở nên người lớn nhất phải trở nên bé nhỏ nhất”. Đây là kinh nghiệm sống của Têrêsa trong cuộc sống hằng ngày. Con đường nên thánh của Người là con đường thơ ấu thiêng liêng. Muốn đi con đường ấy, bí quyết thật giản dị: “ Hãy dâng mình yêu Chúa, hãy chấp nhận đau khổ hy sinh vì Chúa, hãy chia sẻ tâm tình của Chúa cứu độ đang đau khổ trong các chi thể của Hội Thánh để cứu rỗi thế gian”.

Hãy yêu Chúa và yêu tha nhân thật nhiều. Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đang mời gọi mọi người nên thánh bằng con đường tình  yêu, con đường thơ ấu thiêng liêng…Nên thánh không phải là làm những việc vĩ đại, nhưng con người trở nên thánh bằng con đường nhỏ bé thiêng liêng. Têrêsa đã ví chiếc thang máy bác lên Trời là tình yêu. Con người chỉ có thể đạt được Nước Trời khi họ sống bé nhỏ và yêu thương.

Lạy thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, với tư tưởng phong phú, đầy thánh thiện và đạo đức của Người, xin cho chúng con hiểu được con đường nhỏ bé đầy tình yêu của Người. Xin Người làm rơi hoa hồng là những ân huệ từ Trời xuống thật nhiều cho chúng con. Amen.

Linh mục Giuse Maria Nguyễn Hưng Lợi DCCT