Xin được tóm tắt ở đây một vài trăn trở đã trình bày trong loạt bài “Năm mươi năm thờ cúng Tổ tiên”.
1. CẦN THÊM NHỮNG LỜI NGUYỆN MỚI CHO LỄ GIỖ
Năm 2012, một vị thừa sai bị Văn Thân sát hại năm 1885 được đưa hài cốt từ một nơi hoang phế về sân nhà thờ. Thánh lễ đồng tế trang trọng với các bài “Lễ Giỗ” và cha xứ thản nhiên đọc lời nguyện cầu cho linh hồn vị thừa sai sớm được lên chốn nghỉ ngơi. Ta không thể trách vị cha xứ trẻ. Bản văn phụng vụ chỉ có một hướng duy nhất là cầu hồn nên ông đành đọc lời nguyện cầu hồn cho vị tử đạo chết cách nay đã hơn một thế kỷ! Giỗ 30 năm, 50 năm hay 100 năm, nếu ta chỉ có những lời nguyện nhấn mạnh việc cầu xin ơn giải thoát cho những người đã chết, liệu người ngoài Công giáo sẽ nghĩ gì về đức trông cậy của ta và về lòng thương xót của Thiên Chúa?
Một người thân vừa nằm xuống, đang chờ Đấng Thẩm Phán hoàn tất cuộc thanh tẩy nhưng con cháu ở trần gian đã cảm thấy ấm lòng khi nghĩ đến sự che chở phù hộ của người ấy. Ta vừa cầu xin Chúa thanh tẩy người thân yêu vừa xin người thân yêu chuyển cầu trước nhan Chúa. Hai điều ấy không hề mâu thuẫn. Người ra đi đã thuộc về vĩnh cửu, còn người đang ở lại thuộc về thời gian, ta không thể lấy suy luận duy lý mà cắt nghĩa.
Thiết nghĩ ngay cả trường hợp giỗ một năm hay cả giỗ 100 ngày đi nữa, lễ giỗ không chỉ có một ý nghĩa duy nhất là cầu cho người quá cố sớm được giải thoát. Ước mong sao Ủy Ban Phụng Tự có thể biên soạn và xin Tòa thánh phê chuẩn một số lời nguyện lễ Giỗ không theo hướng cầu hồn nhưng mang ý nghĩa tưởng nhớ, tiếc thương, hiệp thông giữa người sống với người chết cũng như giữa những người còn sống trên đời.
2. NHỮNG LỜI CA CẦU CHO NGƯỜI ĐÃ KHUẤT HỢP VỚI PHỤNG VỤ HƠN
Khái niệm “ngục tối” không hề xuất hiện suốt 230 trang quyển “Nghi Lễ An Táng và Thánh Lễ Cầu Hồn”. Khái niệm vực sâu được nhắc tới một lần, trong Tv 129/130. Thế nhưng cũng như trong Kinh Chiều lễ Giáng sinh, thánh vịnh này được dùng làm đáp ca để hát lên niềm hy vọng của người đang chìm đắm được cứu thoát: “Bởi Chúa luôn từ ái một niềm – ơn cứu chuộc nơi Ngài chan chứa!” Tựa như trong bài “Trong gian truân tôi đã kêu cầu và Chúa đã đáp lời tôi”. Bài “Từ vực sâu u tối” và những bài tương tự không có gì sai tín lý nhưng có lẽ không đúng tinh thần phụng vụ lễ an táng.
Ước mong sao các nhạc sĩ sẽ tìm thấy nơi những từ ngữ có tần số xuất hiện cao trong quyển nghi thức vừa nói để chọn chủ đề viết lên những bài ca tràn đầy hy vọng. Chẳng hạn, Sống (125 lần), Hằng sống (23), Chết (145), Tin (98), Sống lại (62) + trỗi dậy và Phục Sinh (29), Phúc (71), Cứu (68), Hưởng (45), Vinh quang (42), v.v…
3. TÌNH CHA TRONG KINH NGUYỆN THÁNH THỂ
Nơi các “Kinh tạ ơn” trong bản dịch Sách Lễ Rôma 1992 có hai điểm khác hẳn bản dịch các “Kinh nguyện Thánh Thể” trước đó:
- Khi thưa với Ngôi Cha, mọi chữ "Domine" đều được chuyển thành "Cha" thay vì dịch sát chữ là "Chúa".
- Ở lời nguyện cầu cho kẻ chết của các Kinh nguyện Thánh Thể 1, 2 và 3 đều có thêm mệnh đề: "Đặc biệt xin Cha nhớ đến các bậc Tổ tiên và thân bằng quyến thuộc chúng con đã lìa cõi thế".
Đó là hai đóng góp của linh mục đoàn Giáo phận Kontum được Ủy Ban Phụng Tự trực thuộc HĐGMVN lúc ấy tiếp nhận, những đóng góp nhằm tạo thuận lợi cho anh chị em lương dân nhận ra tình Cha của Thiên Chúa. Nay trong bản dịch “Nghi Thức Thánh Lễ” (NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2005) đóng góp thứ hai vẫn còn được duy trì, còn đóng góp thứ nhất bị quên mất. Thiết tưởng đây là một đóng góp hết sức ý nghĩa, có tác dụng lớn trong việc loan báo Tin mừng và xây dựng lòng đạo cho Dân Chúa, cần được phục hồi.
4. CHẠY ĐUA VỀ LÒNG THÀNH KÍNH
Tham dự các buổi cúng giỗ, ta chứng kiến một cảnh trái ngược: Đang khi những người hành lễ rất thành kính thì những người khác ở xung quanh vẫn ngồi hút thuốc nói chuyện bình thường. Ta cứ thản nhiên nói chuyện, nhưng một khi đã tiến vào hành lễ (niệm hương) thì điều mọi người chờ đợi nơi chúng ta là sự thành kính. Đi xa hơn, khi đến nhà thờ Công giáo, người ta cũng chờ đợi nhìn thấy nơi những người hành lễ một sự thành kính ít là ngang bằng với sự thành kính của họ trước bàn thờ Tổ tiên.
5. TRẢ LẠI CHÚA NHẬT CỦA TIẾNG GỌI ĐỜI ĐỜI
Những lý do đưa đến việc ban hành huấn thị Ex quo singulari năm 1742 rất nghiêm túc, không dừng lại nơi chuyện thắp nhang hay không thắp nhang nhưng chạm đến những sự thật về cánh chung học và cứu chuộc học.
Trong lịch phụng vụ của Giáo hội Công giáo, mỗi năm 365 ngày có riêng một ngày để nói về sự cùng tận của lịch sử nhân loại. Cả ba năm A, B và C Lời Chúa của Chúa Nhật 33 Thường niên luôn tập trung vào chủ đề ngày cánh chung.
Thế nhưng từ 26 năm qua, Chúa Nhật 33 Thường niên năm nào cũng phải nhường chỗ Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Giáo dân Việt Nam không còn được nghe giảng về cánh chung, đang khi văn minh vật chất ra rả 24/24 giờ dạy họ bám lấy hạnh phúc đời này như sẽ chẳng bao giờ phải chết. Không còn được nghe nói về cánh chung, sự mất mát trong đời sống tâm hồn của tín hữu thật khó lường được! Oái oăm làm sao, chính việc cử hành đức tin của tiền nhân lại khiến đức tin của con cháu bị bốc hơi!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét