Có người nhận xét rằng: “1 người Do Thái thông minh bằng mười người châu Âu, nhưng 10 người Do Thái cũng chỉ bằng 1 người Việt Nam”1. Nói như thế có vẻ hơi quá. Tuy nhiên, giới sinh viên lại truyền nhau rằng: 1 người Việt hơn 1 người Nhật, nhưng nhóm 3 người Việt lại thua nhóm 3 người Nhật. Vấn đề đặt ra là tại sao người Việt lại khó làm việc nhóm như thế? Ở đây, người viết không có ý trình bày phương pháp làm việc nhóm, nhưng ước mong truy nguyên vấn đề về mặt bản chất.
Đồng chí
Theo từ điển Tiếng Việt thì “Đồng chí là người cùng chí hướng chính trị, trong quan hệ với nhau; từ dùng trong xưng hô để gọi một người với tư cách là Đảng viên Đảng Cộng sản,..”2 . Cách định nghĩa này chỉ nêu được hiện tượng, một hiện thực xã hội chứ không lột tả được nội hàm của thuật ngữ. “Đồng chí là người có chí hướng tâm sự như nhau”3. Thuật ngữ này nhắm đến quan hệ giữa những người có chung mục đích, một ý hướng với tất cả sự quyết tâm. Như thế, sự gắn kết của dân Việt cũng không phải nhỏ, khi trải qua 1000 năm Bắc thuộc và 100 năm đô hộ với bao cuộc chiến. Dân Việt khá đoàn kết đó chứ! Nhưng, tại sao trong thời bình, tinh thần làm việc của người Việt luôn bị đặt trong báo động đỏ? Theo thiển ý, mối dây liên kết của người Việt chỉ là Chúng ta có chung một kẻ thù. “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”. Trước những mối họa, kẻ thù được xác định rõ ràng, chúng rất mạnh, do đó phải đoàn kết. Đứng trước mối họa thiên nhiên, cũng chỉ có sức mạnh tập thể mới có thể đương đầu được (như đê vỡ). Thế nhưng, sẽ thế nào khi chúng ta đã chiến thắng, hoặc khi kẻ thù rất mờ ảo? Hết cái chung! Xa hơn nữa, cái chung ở đây thực sự lại là gì? Nước mất thì nhà tan. Đê vỡ thì cả làng bị lụt, nhà tôi cũng chẳng chạy được. Vậy đích thực của việc đoàn kết là để bảo vệ nhà tôi, bảo vệ tôi. Họ rất khó hợp tác. Vấn đề đặt ra là khi tôi không cần bảo vệ nữa thì sẽ thế nào? Đó là trường hợp trong thời bình, khi mà tôi không ở trong thế phòng ngự nữa, mà được tự do phát triển. Hiện trạng thì chúng ta đã thấy rõ.
Như thế, mối dây liên kết dựa trên mục đích, tức là nhìn về phía tương lai dường như rất mong manh. Có chăng, để duy trì tình đồng chí thì điều kiện đủ là mục đích đó sẽ phải ở vô tận, hoặc phải có tính liên tục chăng?
Đồng bào
Nếu như đôi bạn cùng tiến không phải là giải pháp thỏa đáng, thì chúng ta thử trở về với cội nguồn xem thế nào! Đồng bào – nghe rất Việt nhưng có lẽ không phải riêng Việt Nam. Theo tục truyền, người Việt là con rồng cháu tiên; hai thủy tổ của chúng ta là Lạc Long Quân và Âu Cơ4. Câu chuyện này tuy là cổ tích nhưng không hẳn là vô nghĩa. Chúng ta là anh em một nhà, được xuất phát từ cái bọc. “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Nghe có vẻ chúng ta rất có khả thể để hợp tác, đoàn kết với nhau, bởi mối liên kết của chúng ta là huyết tộc. Thế nhưng, gia đình Lạc Long Quân, Âu Cơ và trăm con hạnh phúc chưa được bao lâu thì Lạc Long Quân nói: “Tôi là loài rồng, mình là giống tiên, khó ở với nhau lâu được”. Cuộc phân ly đã diễn ra, không phải bởi những đứa con đã trưởng thành cần tự lập, mà do cha mẹ của họ không hợp nhau. Như thế, sự phân ly đã diễn ra tự cội nguồn, và con cháu cũng theo một trào lưu đó là phải lựa chọn: theo cha hoặc theo mẹ; xuống biển hoặc lên rừng. Sự phân ly còn dẫn tới đỉnh điểm là cạnh tranh, thậm chí là chiến tranh, khi chúng ta xét tới truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh5.
Đến đây, chúng ta sẽ thấy khả thể về sự hợp tác bền vững của dân Việt dựa trên nguồn cội thực quá mong manh. Vậy cánh cửa hé mở cho chúng ta có thể đến từ đâu?
Đồng phụ
Dẫu sao, mối liên hệ qua huyết tộc cũng cho chúng ta một tia sáng nào đó về tính bền vững. Bởi thế mà các hội đồng hương vẫn luôn thu hút được nhiều thành viên. Chúng ta cùng tiến xa hơn một chút nữa về nguồn cội, và lưu tâm các đặc biệt tới một hình ảnh rất ý nghĩa của dân Việt, đó là trời. Cụ thể hơn, chúng ta thường gọi là ông Trời, và tin ở ông Trời6. “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, dân ta vẫn khấn xin sự phù giúp của ông Trời. Và khi gặp cảnh ngộ éo le, họ lại âm thầm ‘Trời có mắt”. Họ coi ông Trời như một đấng phân xử. Không lạm bàn nhiều, trọng tâm hơn: Tại sao chúng ta lại gọi là ông Trời, chứ không phải là cha? Một phần, chúng ta đã thấy thấp thoáng một ngôi vị nơi ông, để từ đó có thể gợi một tương giao ngôi vị. Nhưng, một phần do quan niệm phong kiến rằng chỉ có vua mới là Thiên Tử. Bởi thế, tương quan giữa chúng ta và ông Trời dường như rất xa lạ. Ông Trời chỉ dừng lại ở sự cứu giúp và phân xử chứ không đi sâu vào nhân thế. Như thế, ông cũng không cho chúng ta bài học gì cao sang về sự liên kết, chỉ răn chúng “ăn ngay ở lành” mà thôi.
Do vậy, chúng ta cần một mối liên hệ huyết thống bền chắc hơn. Chúng ta cần tiến xa hơn chút nữa, chúng ta cần một bước nhảy7 để có thể nhận diện tiếp về cội nguồn. Giáo lý Kitô giáo dạy chúng ta về một Thiên Chúa duy nhất, một người Cha duy nhất. Một người cha chứ không phải hai, không phải là cha và mẹ. Chúng ta chỉ có duy MỘT cha/mẹ mà thôi. Điều này có thể bù đắp vào cội nguồn thủy tổ của dân Việt chăng? Cội nguồn phát sinh từ MỘT có lẽ sẽ bền chắc hơn!
Thế nhưng, những đứa con trong gia đình sẽ lớn lên, và phải lớn lên. Chúng sẽ trưởng thành và đòi tự lập. Tự lập trong tương quan với cha chúng, và giữa chúng với nhau. Sự chia ly sẽ xảy đến, thậm chí là tranh chấp, bởi chúng không thể ở chung nữa. Khủng hoảng cũng xảy đến như thế, nếu người cha của chúng qua đời. Nhìn vào gia tộc Việt, chúng ta sẽ thấy tình cảm gia đình sẽ phai mờ dần khi người cha khuất núi. Do vậy, để có thể duy trì sự liên kết, người cha phải sống, phải luôn sống. Thảm trạng sẽ xảy đến nếu “Thượng Đế đã chết”. Đó là tuyên ngôn của Nietzche, nhưng ở đây chúng ta không đào sâu vấn đề này, mà chỉ nhìn vào hiện trạng của thảm cảnh nếu Thượng Đế chết. Đã biết bao tội ác đã xảy ra bởi khi thế giới vắng bóng Thiên Chúa; và cũng có biết bao đau đớn xảy đến với nhân loại nhân danh một Thiên Chúa đã chết. Do vậy, Thượng Đế không thể chết; Ngài phải sống, vẫn sống và luôn sống8.
Tưởng chừng có thể kết ở đây, bởi chúng ta đã gặp được một hình ảnh NGƯỜI CHA HẰNG SỐNG, để có thể xây dựng một sợi dây liên kết bền vững hơn, một điểm xuất phát lý tưởng. Nhưng, người viết mạo muội muốn đẩy xa hơn một được nữa về hình ảnh người cha.
NGƯỜI BẠN LUÔN HIỆN DIỆN
Thượng Đế sống thôi đã đủ chưa? Chúng ta xem xét các trình thuật về sa ngã, Cain giết Aben, những người anh bán Giuse cho thương lái… Tất thảy đều có điểm chung là Thiên Chúa vắng mặt. Những đứa con sẽ khó làm càn nếu người cha luôn hiện diện bên chúng. Vậy người cha sẽ cần hiện diện bên chúng!
Thế nhưng, sự hiện diện của người cha sẽ phải thế nào? Có ba nguy cơ cám dỗ chúng ta. Thứ nhất: Kính nhi viễn chi. Nếu người cha luôn làm những đứa con kinh hãi, thì chúng sẽ luôn tìm cách lẩn tránh. Nếu cái nhìn của người cha như thể cái nhìn9 của Jean Paul Satre thì những đứa con cũng bị tiêu tan lâu rồi. Trong tương quan như thế, chuyện cách mạng của những đứa con cũng chỉ là vấn đề thời gian mà thôi. Thậm chí, chúng có nguy cơ trở nên những tên sát nhân của Nietzche. Cái nhìn của người cha phải là cái nhìn của tình yêu, của người sẽ làm tất cả vì những đứa con của mình. Thứ hai: Cái nhìn của người cha rất dễ giết chết người con. Một người cứ luôn sống trong cảm giác bị nhìn sẽ cảm thấy mất tự nhiên, mất tự do, thậm chí mất đi chính mình. Cái nhìn này sẽ làm những đứa con không thể trưởng thành; và chính cái nhìn ấy của người cha sẽ giết chết đứa con của mình, xét về mặt nhân vị. Thứ ba:Vị thế của người cha có thể bị lấn át. “Tất cả những gì của Cha đều là của con” (Ga 17,10), thậm chí cả mạng sống nữa. Chúng ta thấy một Thiên Chúa thật liều lĩnh, đã đến quá gần con người rồi bị con người giết chết10, dĩ nhiên là xuất phát điểm vẫn là tình yêu. Những đứa con sẽ lớn lên, chúng sẽ độc lập, và đòi độc lập. Nguy cơ rằng chúng sẽ tiếm quyền của người cha. Sử sách đã ghi lại biết bao câu chuyện giết cha để cướp ngôi…. Thậm chí, một miêu tả thật sống động của Dostoevsky trong Anh em nhà Cramazov về viên Đại Pháp quan tôn giáo11.
Như thế, người cha vẫn là cha, nhưng vẫn đảm bảo được sự gần gũi để đồng hành, chỉ dạy cho những đứa con về một bài học đó là tình bạn. “Anh em là bạn hữu của Thầy” (Ga 15,14). Chỉ trong Đức Kitô chúng ta mới thấy được hình ảnh một người cha chuẩn mực. Một người cha là biểu tượng, là nguồn mạch cho sự hiệp nhất. Một người cha nhân từ luôn hiện diện chăm sóc đàn con. Một người cha luôn gần gũi những đứa con mà không làm chúng sợ sệt. Trên hết, một người cha biết dạy những đứa con biết thế nào về tình bạn. Những đứa con được sinh ra trong gia đình thế nào, chúng cũng sẽ sống như vậy; bởi cây nào thì quả đó!
Tóm lại, một cách nào đó, chúng ta đã thấy được bản chất vấn đề liên kết mong manh, ngắn ngủi của chúng ta. Để có thể đi xa hơn, chúng ta cần xuất phát lại từ một nguồn cội đích thực. Nghe có vẻ thật mơ tưởng, nhưng nếu không trở lại, chúng ta cũng chỉ là những người bạn trên một chuyến đò mà thôi. Trực tiếp hơn, là những Kitô hữu Việt Nam, chúng ta cần kinh nghiệm được cuộc sống trong gia đình với Đức Kitô – một người Cha chuẩn mực – cũng là một người bạn tri kỷ. Khi kinh nghiệm được điều đó, chắc hẳn, chúng ta cũng sẽ thông truyền được điều đó. Và lịch sử sẽ được nối dài hơn với những điều tốt lành đến vĩnh cửu!
Vinh Nguyen
* Bài viết phản ánh quan điểm và văn phong riêng của tác giả. Bài viết do tác giả gửi trực tiếp cho truyền thông Dòng Tên Việt Nam.
1 http://chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/nguoi_viet_dung_tri_thong_minh_vao_chien_luoc_tam_thap/default.aspx cập nhật 09/06/2014 09:55′ AM
2 TRUNG TÂM TỪ ĐIỂN HỌC, Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng 2011, trang 449.
3 ĐÀO DUY ANH, Hán Viêt từ điển giản yếu, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội 2008, trang 209.
4 Xem NGUYỄN CỪ, Truyện Cổ tích Việt Nam, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội 2000, trang 287.
5 nt, trang 545. Chúng ta để ý thấy rằng hai truyện cổ tích đều của dân tộc Kinh.
6 xem thêm MẶC GIAO, Một cách nhìn khác về văn hóa Việt Nam, Tin Vui xuất bản, 2004, trang 199.
7 Một bước nhảy đức tin theo lối trình bày của Joseph Ratzinger; nhưng bước nhảy này cũng rất nhẹ nhàng với dân Việt bởi nhà truyền giáo dòng Tên, cha João Cabral, đã nhận xét: “Trong cõi phương Đông, chẳng có dân tộc nào có điều kiện thích hợp với Kitô giáo hơn dân tộc Đàng Ngoài”.
8 Có thể tham khảo phân tích của Joseph Ratzinger về Thiên Chúa của các tổ phụ, một Thiên Chúa xuyên suốt lịch sử với tương quan ngôi vị chứ không phải nơi chốn; trong JÓSEPH RATZINGER, Đức tin Kitô hôm qua, hôm nay, Nxb Tôn giáo, Hà Nội 2009, trang 122.
9 Cái nhìn trong triết học Satre là cái nhìn giết chết nhân vị, thế nên ông mới quan niệm tha nhân là chó sói. Xem thêm TRẦN THÁI ĐỈNH, Triết học hiện sinh, Nxb Văn học, Hà Nội 2008, trang 333.
10 Xem thêm JÓSEPH RATZINGER, Đức tin Kitô hôm qua, hôm nay, Nxb Tôn giáo, Hà Nội 2009, trang 54.
11 DOSTOEVSKY, Anh em nhà Cramazov, Nxb Văn Học, Hà Nội , trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét