27 thg 4, 2013

48 Năm Hồng Ân Linh Mục

 "Uống nước nhớ nguồn". Trong tâm tình tri ân và cảm tạ, vào lúc 17h30 chiều nay, Cha Chánh xứ Giuse và cộng đoàn phụng vụ Gx. Thiên Ân đã hiệp dâng Thánh lễ trọng thể Mừng Kỷ niệm 48 năm Hồng Ân Linh Mục của Cha Cố JBM Đoàn Vĩnh Phúc (27.04.1965 - 27.04.2013), người sáng lập và là Cha xứ tiên khởi của Gx. Thiên Ân.

Thánh lễ đồng tế gồm có:
- Cha Cố Gioanbaotixia chủ tế,
- Cha Chánh xứ Giuse ,
- Cha Phụ tá Phaolo.
 Xin mời Cộng đoàn nghe lại:
- Lời mở đầu Thánh Lễ của Cha Chánh xứ Giuse
- Bài đọc Phúc Âm của Cha Phụ Tá Phaolo
- Bài giảng của Cha Cố JBM Đoàn Vĩnh Phúc







HÃY YÊU THƯƠNG NHAU

 

 Tin Mừng   Ga 13,31-33a.34-35  

Khi Giu-đa ra khỏi phòng tiệc, Đức Giê-su nói: “Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người. Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người. Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi… Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau.”


25 thg 4, 2013

THÁNH MARCO - TÁC GIẢ SÁCH TIN MỪNG

THÁNH MARCÔ THÁNH SỬ
(Thế kỷ I)

Marcô là ai ? Chắc chắn Ngài không phải là một trong 12 tông đồ. Nhưng một người tên Marcô đã được các cộng đoàn Kitô giáo sơ khai biết đến, nhiều như là người bạn đồng hành của thánh Phaolô và như người bạn thân ái của thánh Phêrô ở Roma (Cl 4,10; 1Pr 5,13; 2Tim 4,11). Sách Công vụ ba lần nói tới một "Gioan cũng gọi là Marcô" (Cv 12,12; 25,15.17) là bạn thiết của thánh Barnaba. 

Các học giả thường đồng ý rằng: Marcô đã được nói tới trong các thánh thư, Gioan tên Marcô trong sách công vụ và tác giả Phúc âm thứ II đều chỉ là một người. Đồng ý với sự đồng hóa trên, chúng ta có thể phác họa hình ảnh của thánh sử như sau:

- Ngài là con của Maria. Một góa phụ giàu có ở Giêrusalem có một người giúp việc và căn nhà rộng rãi làm nơi tụ họp các tín hữu.

Năm 43, sau khi thoát khỏi ngục tù, thánh Phêrô đã chọn nhà này làm nơi trú ngụ (Cv 12,12-17). Như thế, Marcô sớm quen thuộc với những ghi nhận của thánh Phêrô. Hai năm sau, tức là năm 45, chúng ta thấy Marcô và thánh Barnaba cùng đi trong cuộc hành trình thứ nhất của Phaolô. Nhưng khi đoàn truyền giáo đi về hướng bắc, Marcô đã từ giã để trở về Giêrusalem (Cv 13,13). Phaolô bất bình và không muốn nhận cho Marcô đi theo trong cuộc hành trình thứ hai. Năm 50, như Barnaba đề nghị, Barnaba về phe với Marcô, và đáp tàu về Cyprus là quê hương của Barnaba (Cv 15,36-39).

Chúng ta không thấy nói gì đến Marcô nữa cho tới năm 61 khi Ngài ở Roma với Phaolô (Cl. 4,10), ba năm sau tức là năm 64 thánh nhân vẫn có mặt ở Roma vì Phêrô có nhắc tới tên Người trong các lời chào của mình (1Pr 5,13). Đây là năm thánh Phêrô chịu tử đạo. Ít lâu sau đó có lẽ thánh Marcô đã bắt đầu viết sách Phúc âm ở Roma, dầu một số tác giả mới đây cho rằng ở Alexandri. Năm 67, thánh sử ở Ephesô vì một ít tháng trước khi qua đời, thánh Phaolô dặn dò Timothêô đưa theo Marcô đến Roma (2Tm 4,14). Mối bất hòa xưa đã được hàn gắn hoàn toàn.

Từ đây, chúng ta phải dựa vào truyền thống để tìm hiểu về Marcô. Có lẽ sau khi thánh Phêrô qua đời, Marcô đi rao giảng ở Alaexandria thành lập và làm giám mục giáo đoàn này. Sự kiện không được chắc vì các bậc tiến sĩ của Alexandria như Clêmente (200), và Origênê (203) không nhắc nhở gì đến.

Cuốn Chronicon-Pascale không mấy có thế giá cho rằng: Marcô đã làm giám mục ở Alexandrie và bị thiêu sống dưới thời Trajanô (năm 98 - 117).

Dựa vào bút pháp của Marcô, chúng ta cố gắng tìm hiểu tính khí của Ngài. Tính chất sống động của Phúc âm thứ II biểu lộ rõ chứng tích mục kiến của Phêrô, chứ không phải của Marcô, dầu có thể là Marcô đã chứng kiến việc bắt bớ Chúa Giêsu vì các nhà chú giải đồng hóa Ngài với người thanh niên vô danh bỏ chạy mình trần (Mc 14,50-52). Dầu vậy, thánh Marcô không phải là một máy ghi âm diễn lại lời của Phêrô, Ngài là tác giả ghi lại ký ức của Phêrô với bút pháp riêng. Ngài là người ít lời (673 câu so với 1068 câu nơi Matthêu) và có giọng văn không chải chuốt.

Người ta có thể cho rằng: Ngài không có khả năng viết văn cho duyên dáng. Nhưng với những khiếm khuyết này, Marcô lại tỏ ra rất chân thành, Ngài đã ương ngạnh từ chối việc bỏ bớt những sự kiện vụng về hay là giải thích chúng. Chẳng hạn không thánh sử nào giấu giếm sự chậm hiểu của các thánh tông đồ, nhưng ở Marcô nhấn mạnh: "Lòng họ ra như chai lại" ( Mc 6,51). Marcô cũng không che dấu tham vọng không thể tin nổi của họ (Mc 9,34). Chính Phêrô cũng rất thẳng thắn: "Ông không biết phải đáp ứng làm sao" (Mc 9,6). Có lẽ chứng cớ hùng hồn nhất nói lên sự lương thiện của Marcô là Ngài đã liều tỏ ra mâu thuẫn với chính mình.

Chẳng hạn đối với Ngài Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa với ý nghĩa đầy đủ nhất của từ ngữ "vượt các thiên thần" (3,32) "có quyền tha tội" (2,10). Nhưng rồi Ngài không ngần ngại viết rằng: "Ở Nazareth Người đã không làm được phép lạ nào" (6,5) Ngài cũng không dấu diếm sự kiện bà con Chúa Giêsu nghi ngờ Người thiếu khôn ngoan (3,21) hay sự kiện Chúa Giêsu thất vọng với cây vả không trái (11,13). Những chi tiết loại này khiến cho tựa đề của Marcô được nguyên vẹn (Phúc âm Chúa Giêsu Kitô Con Thiên Chúa) nhưng lại mang dáng vẻ khó hiểu vì Ngài đã không thèm dấu giếm gì hết. Với một sử gia tài danh như vậy, chúng ta rất an tâm.

Tại đền thờ thánh Marcô người ta nói có chôn dưới bàn thờ thánh nhân do các thương gia mang từ Alexandria về vào thế kỷ IX. Thánh sử được biểu trưng bằng hình con sư tử vì Phúc âm của Ngài mở dầu bằng tiếng nói oai hùng của Gioan tẩy giả từ trong sa mạc. Đọc Phúc âm theo thánh Marcô, chúng ta như có thể nghe tiếng nói thô sơ của thánh sử "Đừng nhìn tôi, hãy nhìn Người".

Tác giả: Hạnh Tích Các Thánh

19 thg 4, 2013

CA ĐOÀN GX THIÊN ÂN: MỘT CHUYẾN ĐI

Nhằm tạo niềm vui thư giãn, bồi dưỡng sức khỏe sau bao năm tháng phục vụ cho tất cả các bạn ca viên gồm 4 Ca đoàn trong Giáo xứ : CĐ. Hài Đồng - CĐ. Cecilia - CĐ. Phero và CĐ. Thánh Linh.

Sáng nay vào dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương (10.03), Cha Chánh xứ Giuse đã tổ chức chuyến đi Hành hương kính viếng "Nhà Mồ các vị Tử Đạo" thuộc GP Bà Rịa , "Nhà thờ Chính tòa GP". và lãnh nhận ơn Toàn Xá trong Năm Đức Tin. Ngoài ra các bạn còn được một buổi sinh hoạt thư giãn đùa vui ở bãi tắm Zenna .

Một chuyến đi ngắn ngủi nhưng đầy ấp yêu thương nói lên sự quan tâm, chia sẻ thật bình dị của một vị chủ chăn: một người thầy, một người anh, và một người bạn trong suốt hành trình...và tâm đắc nhất là được dịp tìm hiểu học hỏi thêm về một chứng tích hào hùng của cha ông nơi "Nhà mồ Tử Đạo", và Nhà thờ Chánh tòa GP Bà Rịa qua các giai đoạn lịch sử trên thế kỷ nay, để hun đúc thêm nữa Niềm Tin trong Năm Đức Tin này...

Xin xem lại một ít hình ảnh của đoàn hành hương:

Nha mo Tu Dao photo Nhamotudao_zpsd7c5d1b2.jpg
Nhà Mồ Tử Đạo
Nh photo B_zps80e45ec6.jpg
Kính viếng "Nhà Mồ Tử Đạo"nơi 288 vị tử đạo trong vụ đốt ngục Phước Lễ đêm 07-01-1862.
Nh photo B1_zps784f2271.jpg
Ảnh lưu niệm bên mộ 288 Vị Tử Đạo.  
Nh photo B2_zps45e68291.jpg
Đôi Dòng Tiểu Sử Nhà Mồ Tử Đạo (Theo GP Bà Rịa)
Sáng ngày 08.01.1862, Cha Croc và Cha Tri, người đang phải lẩn tránh nhưng cũng đã từng cải trang vào gặp các tín hữu đang bị giam cầm, đã có mặt tại nơi nhà ngục Phước Lễ chứng kiến thi thể của 288 tín hữu vừa bị thiêu sinh khi quan quân triều đình phóng hoả đốt ngục trước khi rút lui. Các cha đã cho đào ba ngôi mộ lớn để an táng các tín hữu đã chết vì Đạo Chúa.

Tháng 10 năm 1865, Linh mục Thừa sai Jules Jean-Baptiste Errard đến nhận nhiệm sở Bà Rịa, cha tìm gặp các nhân chứng và thân nhân của các vị tử đạo, ghi lại tên tuổi theo từng họ đạo và nơi bị giam giữ. Cha cũng cho cải táng hài cốt các vị từ ba ngôi mộ trước đây và an táng chung vào một ngôi huyệt đào ngay trên nền ngục thất cũ. Trong dịp sang Hồng Kông chữa bệnh, cha đã đặt làm một ngôi mộ nổi trên mặt đất bằng đá cẩm thạch đưa về thay cho ngôi mộ bằng gạch trước đây. Bốn phiến cẩm thạch mang những dòng chữ được tạc khắc ghi nhớ cuộc khổ nạn và cái chết của các nhân chứng đức tin. Cha cho cất một ngôi nguyện đường ngay trên phần mộ, từ đó đã là nơi các cha thường xuyên đến dâng lễ, và cũng có các nhóm hành hương từ nhiều nơi tìm đến cầu nguyện.

Nhà thờ Mồ Tử Đạo Bà Rịa nằm cách Nhà thờ Chánh Toà hiện nay khoảng 300m, trên khu đất trước đây là nghĩa trang giáo xứ. Dù chỉ là một ngôi nguyện đường khiêm tốn, không có dáng vẻ gì đặc biệt, nhưng đây chính là nơi cất giữ cả một ký ức hào hùng của cộng đoàn tín hữu Bà Rịa.

Dù các vị tử đạo ở đây chưa được hiển tôn trong toàn Giáo Hội – người ta chỉ biết các Ngài qua những tư liệu ngắn ngủi như bà Maria Liệu, 76 tuổi, chết tại ngục Long Kiên, ông Giuse Vệ, 75 tuổi, ở ngục Phước Lễ hay cặp song sinh Antôn Trước – Antôn Sau  chào đời trong ngục Phước Thọ (Đất Đỏ) và tử đạo khi mới 3 tháng tuổi – nhưng cái chết của các Ngài đã vun trồng sự sống cho bao thế hệ, đang làm cho đức tin nên sống động trong từng cuộc sống của người tín hữu Bà Rịa hôm qua, hôm nay và mãi mãi về sau.

HÀNH HƯƠNG NHÀ THỜ CHÍNH TÒA BÀ RỊA
Nt Ch photo C_zps97399239.jpg
Vào năm 1865, Cha Errard đến nhậm sở Bà Rịa. Cha xây huyệt mộ chôn cất các vị tử đạo ngay trên chính nền ngục thất trước đây và dựng một ngôi nhà nguyện cho đến nay vẫn được gọi là “Nhà Thờ Mồ”.
Ngày 15-08-2007, Đức Giám mục tiên khởi Tôma Nguyễn Văn Trâm đặt viên đá đầu tiên xây dựng Nhà thờ Chánh toà mới.
Nt Ch photo C2_zps9ff9352b.jpg
Nt Ch photo C3_zps65f7d14e.jpg

Sinh hoạt ở Bãi Tắm Zenna
B photo A2_zpsed670010.jpg
B photo A1_zpsafeccb95.jpg
B photo A_zpsf837c374.jpg
B photo A3_zps38a37e93.jpg


17 thg 4, 2013

Thánh Bernadette Soubirous, Trinh nữ (1844-1879)



16/4 – Thánh Bernadette Soubirous.
 Bernadette Soubirous sinh năm 1844, là con cả trong một gia đình người thợ phay rất nghèo ở Lộ đức (Lourdes), thuộc miền Nam Pháp quốc. Gia đình sống ở tầng hầm một khu nhà tồi tàn. Ngày 11/2/1858, Đức Mẹ hiện ra với Bernadette ở một hang động trên bờ sông Gave gần Lộ đức. Bernadette lúc đó 14 tuổi, là một cô bé đạo đức nhưng học hành chậm hiểu nên vẫn chưa được rước lễ lần đầu. Sức khỏe yếu vì Bernadette bị hen suyễn từ nhỏ.

Đức Mẹ hiện ra với Bernadette cả thảy 18 lần. Lần cuối cùng vào chính ngày lễ Đức Mẹ Camêlô (Our Lady of Mt. Carmel), ngày 16/7. Người ta nghi ngờ điều Bernadette kể lại, nhưng thị kiến hàng ngày của Bernadette về một “phụ nữ” đã làm cho rất nhiều người tò mò. Bernadette giải thích rằng Đức Mẹ đã dạy cô bé xin xây một nhà nguyện ở ngay chỗ Đức Mẹ hiện ra. Có nhiều người đến rửa và uống nước ở chính nơi mà Bernadette được hướng dẫn nhờ người đào. Theo Bernadette, Đức Mẹ là một cô gái khoảng 16-17 tuổi, mặc áo dài trắng có dây thắt lưng xanh (blue sash), ở chân có những hoa hồng vàng, tay phải có tràng hạt lớn.

Ngày 25/3, Đức Mẹ nói với Bernadette: “Ta là Mẹ Vô Nhiễm” (I am the Immaculate Conception). Khi đó Bernadette mới nhận ra đó là Đức Mẹ.

Vài lần thị kiến được kiểm tra kỹ lưỡng xem có thật là Đức Mẹ Vô Nhiễm hiện ra hay không. Lộ đức là một trong những nơi nổi tiếng nhất về Đền thờ Mẹ Maria, thu hút hàng triệu khách hành hương mỗi năm. Nhiều phép lạ được ghi nhận tại đền thờ này và dòng nước ở đó. Sau khi điều tra kỹ lưỡng, năm 1862 Giáo hội đã xác nhận việc Đức Mẹ hiện ra.







Khi sinh thời, Bernadette chịu khổ nhiều vì bị người ta khinh bỉ và lùng sục đến nỗi các nữ tu phải bảo vệ trong tu viện. Năm năm sau, Bernadette xin vào Dòng Đức Bà (Notre Dame). Sau một thời gian bị bệnh, Bernadette lại có thể đến Lourdes và vào nhà tập. Nhưng mới được 4 tháng, Bernadette đã được nhận các nghi lễ của Giáo hội và được tuyên khấn. Bernadette trở thành y tá tôn giáo (infirmarian) và người giữ đồ thánh (sacristan). Nhưng sức khỏe yếu vì bệnh mãn tính, Bernadette qua đời ngày 16/4/1879, lúc 35 tuổi, và được phong thánh năm 1933.

13 thg 4, 2013

Tháng 04 - NĂM ĐỨC TIN ( Tuần 4)


TUẦN 4
GẶP GỠ ĐỨC KITÔ PHỤC SINH
Khai triển nội dung 

1. Đức Kitô Phục Sinh đang hiện diện trong Hội Thánh của Người dưới nhiều hình thức : trong Lời của Người, trong kinh nguyện của Hội Thánh, nơi người nghèo và người đau khổ…Nhưng đặc biệt nhất là Người hiện diện trong bí tích Thánh Thể. Nơi bí tích này, Đức Kitô Phục Sinh hiện diện cách độc nhất vô nhị : Mình và Máu Người cùng với thần tính và linh hồn của Chúa chúng ta hiện diện cách đích thực, thật sự, và theo bản thể. Người hiện diện nhờ sự biến đổi bánh và rượu thành Mình và Máu Người. Truyền thống Hội Thánh khẳng định cách mạnh mẽ niềm tin vào hiệu lực của lời Đức Kitô trong tác động của Chúa Thánh Thần: “Này là Mình Thầy… Này là Máu Thầy”. Thánh Cyrillô nói: “Bạn đừng hồ nghi điều này có thật hay không, nhưng tốt hơn nên đón nhận bằng đức tin các lời của Đấng Cứu độ, bởi vì Người là chân lý, Người không lừa dối bao giờ”.

2. Trong phụng vụ Thánh Lễ, chúng ta bày tỏ đức tin vào sự hiện diện thật sự của Đức Kitô bằng nhiều cách, như bái gối hay cúi mình sâu để tỏ dấu tôn thờ. Hơn nữa, Hội Thánh còn tôn thờ Thánh Thể không những trong mà cả ngoài Thánh Lễ, bằng cách giữ gìn Mình Thánh Chúa hết sức cẩn thận, qua việc chầu Thánh Thể hoặc rước kiệu Thánh Thể.

3. Chúng ta nên xét mình về thái độ của mình khi bước vào nhà thờ, khi tham dự Thánh Lễ. Thái độ ấy có thật sự thể hiện đức tin vào sự hiện diện của Chúa trong bí tích Thánh Thể hay không. Đồng thời hãy siêng năng đến gặp gỡ Đức Kitô Phục Sinh trong bí tích cao trọng này: “Chúa Giêsu đang chờ đợi chúng ta trong bí tích tình yêu này. Đừng từ chối thời gian đến gặp Người để tôn thờ, để chiêm ngắm trong đức tin, và sẵn sàng đền tạ những tội lỗi và tội ác nặng nề của trần gian. Chúng ta hãy không ngừng tôn thờ Thánh Thể” (Chân phước Gioan Phaolô II).

Để ghi nhớ (Sách Toát Yếu GLHTCG)

Hỏi: Chúa Giêsu hiện diện trong bí tích Thánh Thể thế nào?
Thưa: Chúa Giêsu hiện diện trong bí tích Thánh Thể cách độc nhất vô nhị và không gì so sánh được, vì Người hiện diện với Mình và Máu, với linh hồn và thần tính của Người (số 282).

Hỏi: Phải tôn thờ bí tích Thánh Thể thế nào?
Thưa: Đó là sự tôn thờ chỉ dành riêng cho một mình Thiên Chúa. Chúng ta làm việc tôn thờ này khi tham dự Thánh Lễ, khi chầu Mình Thánh Chúa và khi rước kiệu Thánh Thể (số 286).

Ý cầu nguyện:
Xin Chúa ở lại với chúng con vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn.

Tháng 04 - NĂM ĐỨC TIN ( Tuần 3)


TUẦN 3
PHỤC SINH VÀ TÔN VINH

Khai triển nội dung
1. Thân thể Đức Kitô đã được vinh hiển ngay khi Người sống lại. Điều này được thể hiện qua những đặc tính siêu phàm nơi thân thể Đấng Phục Sinh : Người có mặt ở nhiều nơi một lúc, Người vào nhà khi cửa đóng kín (x. Lc24,31;Ga 20,19.26). Tuy nhiên trong 40 ngày sau Phục Sinh, vinh quang của Người vẫn còn bị che giấu dưới những nét của nhân tính thông thường (x. Mc 16,12; Lc 24,15). Trong lần hiện ra cuối cùng, nhân tính của Chúa Giêsu tiến vào vinh quang thần linh cách vĩnh viễn; vinh quang này được tượng trưng bằng đám mây và trời, nơi từ nay Người ngự bên hữu Thiên Chúa (x. Cv 1,9; Lc 24,51).

2. Chỉ có Đấng “từ Chúa Cha mà đến” mới có thể “trở về cùng Chúa Cha”, đó là Đức Kitô: “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống” (Ga 3,13). Bằng tự sức mình, nhân loại không thể vào được “Nhà Cha” (x.Ga 14,2), không thể đạt tới sự sống và vinh phúc của Thiên Chúa. Chỉ có Đức Kitô mới có thể mở lối cho con người tiến vào, như chúng ta đọc trong Kinh Tiền Tụng Lễ Thăng Thiên: “Người lên trời không phải để lìa xa thân phận yếu hèn của chúng con, nhưng để chúng con là những chi thể của Người, tin tưởng được theo Người đến nơi mà chính Người là Đầu và là Thủ Lãnh của chúng con đã đến trước”

3. Được đưa lên trời và được tôn vinh sau khi chu toàn sứ vụ, Đức Kitô vẫn hiện diện nơi trần thế trong Hội Thánh của Người. Công trình cứu chuộc là nguồn mạch của quyền bính mà Đức Kitô thực thi trong Hội Thánh bằng sức mạnh của Chúa Thánh Thần. “Nước của Đức Kitô đã hiện diện cách mầu nhiệm” trong Hội Thánh. Hội Thánh là “hạt giống và điểm khởi đầu của Nước Trời nơi trần thế” (Hiến chế Lumen Gentium, số 3 & 5).

Để ghi nhớ (Sách Toát Yếu GLHTCG)

Hỏi: Những gì đã xảy ra sau khi Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết?
Thưa: Trong vòng bốn mươi ngày, Chúa Giêsu đã hiện ra với các tông đồ dưới hình dạng con người bình thường, che giấu vinh quang của Đấng Phục Sinh, sau đó Người lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa Cha (số 132).

Hỏi: Sự thăng thiên của Chúa Giêsu có ý nghĩa gì?
Thưa: Chúa Giêsu lên trời, ngự trị trong vinh quang vĩnh cửu của Con Thiên Chúa, và không ngừng chuyển cầu cho chúng ta trước tòa Chúa. Người cử Thánh Thần của Người đến với chúng ta, và ban cho chúng ta niềm hi vọng một ngày kia sẽ được theo Người, đến nơi Người đã dọn sẵn cho chúng ta (số 132).

Ý cầu nguyện:
Xin cho người Kitô hữu biết gắn bó với những giá trị Nước Trời và góp phần lành mạnh hóa đời sống xã hội.

Tháng 04 - NĂM ĐỨC TIN ( Tuần 2)

TUẦN 2
Ý NGHĨA CỦA MẦU NHIỆM PHỤC SINH

Khai triển nội dung
1. Sự phục sinh của Đức Kitô có tầm mức hết sức quan trọng vì “Nếu Đức Kitô không sống lại, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1Cr 15,14). Do đó sự phục sinh của Chúa là chân lý trung tâm và nền tảng của đức tin Kitô giáo. Chân lý ấy đã được Thánh Kinh Tân Ước xác lập, được lưu truyền trong Truyền thống các Tông Đồ, và được rao giảng cho muôn thế hệ. Sở dĩ chân lý ấy có tầm quan trọng đặc biệt là vì nhiều lý do.

2. Sự Phục sinh của Đức Kitô hoàn tất những lời hứa của Thiên Chúa trong Cựu Ước, cũng như lời hứa của chính Chúa Giêsu trong cuộc sống trần thế của Người. Sự phục sinh ấy xác nhận thần tính của Chúa Giêsu: Người thật sự là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa “Khi các ông giương cao Con Người lên, các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu” (Ga 8,28). Do đó, lời giảng dạy và giáo huấn của Người là chân lý của Thiên Chúa, chân lý tuyệt đối, chân lý ban tặng sự sống đích thực và vững bền.

3. Sự Phục sinh của Đức Kitô mở đường cho chúng ta vào đời sống mới, đời sống trong ân sủng của Thiên Chúa, đời sống của những nghĩa tử của Thiên Chúa. Chúng ta được trở thành anh em của Đức Kitô, không phải do bản tính, nhưng do hồng ân của ân sủng Thiên Chúa ban trong Đức Kitô Phục Sinh. Chính vì thế, Hội Thánh cử hành bí tích Rửa Tội cho các dự tòng vào Đêm Vọng Phục Sinh, và nghi thức rửa tội diễn tả ý nghĩa này thật phong phú.
Cuối cùng, sự Phục sinh của Đức Kitô là nguyên lý và nguồn mạch cho sự sống lại của chúng ta : “Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu… Như mọi người đã liên đới với Ađam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống” (1Cr 15,20-22).

Để ghi nhớ (Sách Toát Yếu GLHTCG)

Hỏi: Sự Phục sinh của Chúa Giêsu có ý nghĩa gì đối với đức tin của chúng ta?
Thưa: Phục Sinh là chóp đỉnh của mầu nhiệm Nhập Thể, xác nhận thần tính của Đức Kitô, cũng như tất cả những gì Người đã làm và đã giảng dạy (số 131).

Hỏi: Sự Phục sinh của Chúa có ảnh hưởng nào đối với ơn cứu độ?
Thưa: Sự Phục sinh của Chúa đã hoàn thành tất cả các lời Thiên Chúa hứa vì lợi ích của chúng ta. Hơn nữa, Đấng Phục Sinh là nguyên lý cho việc công chính hóa và sự phục sinh của chúng ta. Ngay từ bây giờ, Phục Sinh mang lại cho chúng ta ơn được làm nghĩa tử của Thiên Chúa, được tham dự vào sự sống của Người Con Một, Đấng sẽ làm cho thân xác chúng ta được sống lại vào ngày tận thế (số 131).

Ý cầu nguyện:
Cầu cho anh chị em tân tòng được mạnh mẽ và kiên vững trong đời sống mới.

Tháng 04 - NĂM ĐỨC TIN ( Tuần 1)

Tháng 4/2013 là tháng mừng kính mầu nhiệm Phục Sinh của Đức Kitô. Đây là thời gian thuận tiện nhất để tìm hiểu và sống mầu nhiệm Phục Sinh.
Chủ đề của tháng là: ĐỨC KITÔ ĐÃ SỐNG LẠI THẬT, ALLELUIA!
Chúng ta cùng tìm hiểu chủ đề này qua 4 tuần lễ:
Tuần 1: Sự kiện Phục Sinh.
Tuần 2: Ý nghĩa của mầu nhiệm Phục Sinh.
Tuần 3: Phục Sinh và Tôn vinh.
Tuần 4: Gặp gỡ Đức Kitô Phục Sinh
(Bí tích Thánh Thể).
*********************************************
TUẦN 1
SỰ KIỆN PHỤC SINH
Khai triển nội dung
1. Sự phục sinh của Đức Kitô là một biến cố có thật, với những cuộc tỏ hiện đã được kiểm chứng trong lịch sử. Trước hết là sự kiện ngôi mộ trống. Ở tự nó, ngôi mộ trống chưa phải là bằng chứng trực tiếp cho việc Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, vì người ta có thể đưa ra những cách giải thích khác (x. Ga 20,13; Mt 28,11-15). Dù vậy, ngôi mộ trống vẫn là dấu chỉ căn bản đối với mọi người, là bước đầu dẫn các môn đệ Chúa Giêsu đến chỗ nhìn nhận Người đã sống lại: “Ông đã thấy và đã tin” (Ga 20,8).

2. Cùng với ngôi mộ trống là những lần Đấng Phục Sinh hiện đến với các môn đệ. Bà Maria Mađalêna và các phụ nữ thánh thiện là những người đầu tiên được gặp Đấng Phục Sinh (Mt 28,9-10; Ga Ga 20,11-18). Sau đó Chúa Giêsu hiện ra với các Tông Đồ, trước hết là Phêrô, rồi cả Nhóm Mười Hai (x. 1Cr 15,5). Thánh Phaolô còn nói đến hơn năm trăm người đã được Chúa Giêsu hiện ra một lượt, rồi với ông Giacôbê và với tất cả các Tông Đồ (x. 1Cr 15,4-8). Với tư cách là chứng nhân của Đấng Phục Sinh, các Tông Đồ mãi mãi là những tảng đá nền móng của Hội Thánh. Đức tin của cộng đoàn tín hữu tiên khởi cũng như của chúng ta ngày nay được xây dựng trên lời chứng của các Tông Đồ.

3. Đức Kitô phục sinh không có nghĩa là Người trở lại với cuộc sống trần thế, như trường hợp Lazarô, con trai bà góa Naim hay con gái ông Giairô. Sự phục sinh của Đức Kitô hoàn toàn khác. Người chuyển từ trạng thái của con người tự nhiên phải chết sang một sự sống khác vượt trên thời gian và không gian. Thân thể của Đức Kitô Phục Sinh đầy tràn quyền năng của Thánh Thần, thân thể vinh quang, thuộc thiên giới (1Cr 15,35-50). Vì thế, sự phục sinh của Đức Kitô vừa là một biến cố lịch sử vì đã thật sự xảy ra trong thời gian, vừa là một biến cố siêu việt vì vượt lên trên lịch sử.

Để ghi nhớ (Sách Toát Yếu GLHTCG)

Hỏi: Sự phục sinh của Chúa Giêsu có vị trí nào trong đức tin của chúng ta?
Thưa: Phục Sinh là chân lý cao cả nhất của đức tin Kitô giáo. Cùng với thập giá, sự phục sinh của Chúa là thành phần thiết yếu của Mầu nhiệm Vượt Qua (số 126).

Hỏi: Những dấu chỉ nào làm chứng cho sự phục sinh của Chúa Giêsu?
Thưa: Ngoài dấu chỉ chính yếu là ngôi mộ trống, sự phục sinh của Chúa còn được làm chứng bởi các Tông Đồ và những người đã được gặp gỡ Đấng Phục Sinh. Các Tông Đồ đã không thể bày đặt ra chuyện Phục Sinh, vì đối với các ngài, Phục Sinh là chuyện không thể xảy ra. Chính Chúa Giêsu đã trách cứ sự cứng lòng tin của các ngài (số 127).

Ý cầu nguyện:
Xin ơn vững tin vào sự phục sinh của Chúa để cảm nghiệm bình an và niềm vui trong mọi hoàn cảnh.

DẤU LẠ NƠI BIỂN HỒ TIBERIA

"Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá."

Tin Mừng  Ga 21,1-19

Bấy giờ, Đức Giê-su lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển Hồ Ti-bê-ri-a. Người tỏ mình ra như thế này. Ông Si-môn Phê-rô, ông Tô-ma gọi là Đi-đy-mô, ông Na-tha-na-en người Ca-na miền Ga-li-lê, các người con ông Dê-bê-đê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau. Ông Si-môn Phê-rô nói với các ông: "Tôi đi đánh cá đây." Các ông đáp: "Chúng tôi cùng đi với anh." Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả. Khi trời đã sáng, Đức Giê-su đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giê-su. Người nói với các ông: "Này các chú, không có gì ăn ư?" Các ông trả lời: "Thưa không." Người bảo các ông: "Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá." Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá. Người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nói với ông Phê-rô: "Chúa đó!" Vừa nghe nói "Chúa đó!", ông Si-môn Phê-rô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước. Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. Đức Giê-su bảo các ông: "Đem ít cá mới bắt được tới đây!" Ông Si-môn Phê-rô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách. Đức Giê-su nói: "Anh em đến mà ăn!" Không ai trong các môn đệ dám hỏi "Ông là ai?", vì các ông biết rằng đó là Chúa. Đức Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy. Đó là lần thứ ba Đức Giê-su tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi chỗi dậy từ cõi chết. Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giê-su hỏi ông Si-môn Phê-rô: "Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?" Ông đáp: "Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy." Đức Giê-su nói với ông: "Hãy chăm sóc chiên con của Thầy." Người lại hỏi: "Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy không?" Ông đáp: "Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy." Người nói: "Hãy chăn dắt chiên của Thầy." Người hỏi lần thứ ba: "Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy không?" Ông Phê-rô buồn vì Người hỏi tới ba lần: "Anh có yêu mến Thầy không?" Ông đáp: "Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy." Đức Giê-su bảo: "Hãy chăm sóc chiên của Thầy. Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn." Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh
Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: "Hãy theo Thầy."

Tháng 03 - NĂM ĐỨC TIN ( Tuần 4)


TUẦN 4
 HÃY LÀM HÒA CÙNG THIÊN CHÚA

Khai triển nội dung

1. Chúa Giêsu kêu gọi hối cải: “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Lời kêu gọi này trước hết hướng đến những người chưa biết Đức Kitô và Tin Mừng của Người. Cho nên bí tích Rửa Tội chiếm vị trí đầu tiên và căn bản của việc hối cải. Tuy nhiên lời kêu gọi hối cải vẫn tiếp tục vang lên trong đời sống Kitô hữu, gọi là cuộc hối cải thứ hai. Thánh Ambrôsiô diễn tả cách cụ thể như sau: “Hội Thánh có nước và nước mắt, nước của bí tích Rửa Tội, và nước mắt của bí tích Giao Hòa”. Nỗ lực hối cải này không chỉ là việc của con người, nhưng đúng hơn là hành động của một “tâm hồn tan nát” được ân sủng thúc đẩy để đáp lại tình yêu thương xót của Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương chúng ta trước.

2. Có thể chiêm ngắm cuộc hối cải của thánh Phêrô sau khi chối Thầy ba lần, để thấy được ý nghĩa đích thực của cuộc hối cải thứ hai này. Cái nhìn của Chúa Giêsu, cái nhìn tràn ngập lòng thương xót của Chúa đã khiến Phêrô ăn năn khóc lóc. Sau khi Chúa sống lại, thánh nhân đã ba lần tuyên xưng tình yêu của ông đối với Người (Ga 21,15-17). Cuộc hối cải thứ hai cũng mang chiều kích cộng đoàn : toàn thể Hội Thánh được mời gọi “hãy hối cải” (Kh 2,5.16).

3. Đức Kitô đã thiết lập bí tích Giao Hòa (bí tích Giải Tội, Thống Hối) cho tất cả các chi thể trong Hội Thánh của Người. Sau khi chịu Phép Rửa, chúng ta vẫn có thể phạm tội trọng, và như thế, đánh mất ân sủng Phép Rửa và làm tổn thương đến sự hiệp thông của Hội Thánh. Bí tích Giao Hòa ban cho chúng ta cơ hội mới để hối cải và tìm lại được ơn công chính hóa. Bí tích này gồm hai yếu tố chính: một là sự hối cải của con người dưới tác động của Chúa Thánh Thần: thống hối, thú tội, đền tội; hai là hành động tha thứ của Thiên Chúa qua sự can thiệp của Hội Thánh. Nội dung này được trình bày cách đầy đủ trong công thức giải tội.

Để ghi nhớ (Sách Toát Yếu GLHTCG)

Hỏi: Những người đã chịu Phép Rửa có cần phải hối cải không?
Thưa: Lời kêu gọi hối cải của Đức Kitô luôn vang vọng trong đời sống những người đã lãnh bí tích Rửa Tội. Việc hối cải này là cuộc chiến đấu liên tục của toàn thể Hội Thánh, vì tuy Hội Thánh có đặc điểm là thánh thiện nhưng lại bao gồm những tội nhân (số 299).

Hỏi: Hối nhân phải có những hành vi nào khi lãnh bí tích Giao Hòa?
Thưa: Những việc hối nhân phải làm là : xét mình cẩn thận, ăn năn tội cùng với quyết tâm không tái phạm nữa, xưng tội và làm việc đền tội (số 303).

Ý cầu nguyện:
Cho mọi Kitô hữu được ơn khiêm tốn nhìn nhận tội lỗi mình và trở về với Chúa.

Tháng 03 - NĂM ĐỨC TIN ( Tuần 3)


TUẦN 3
HY TẾ CỦA CHÚA GIÊSU

Khai triển nội dung

1. Cả cuộc đời của Chúa Giêsu là của lễ dâng hiến Chúa Cha. Ngay từ phút đầu tiên Người nhập thể, Chúa Con đã gắn bó với kế hoạch cứu độ của Chúa Cha: “Lạy Thiên Chúa, này con đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10,5); “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy và hoàn tất công trình của Ngài” (Ga 4,34). Sự gắn bó với kế hoạch yêu thương cứu chuộc của Chúa Cha đã truyền cảm hứng cho cả cuộc đời của Chúa Giêsu: “Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này! Nhưng chính vì giờ này mà con đã đến” (Ga 12,27); “Chén mà Chúa Cha đã trao cho Thầy, lẽ nào Thầy chẳng uống” (Ga 18,11).

2. Khi gắn bó với tình yêu của Chúa Cha dành cho nhân loại, Chúa Giêsu đã “yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1), vì “không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người hi sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Nhân tính của Chúa Giêsu đã trở thành dụng cụ tự do và hoàn hảo của tình yêu thần linh nơi Người, một tình yêu mong muốn cứu độ mọi người. Nghĩa là Chúa Giêsu hoàn toàn tự do khi chấp nhận cuộc khổ nạn và cái chết, vì tình yêu đối với Chúa Cha và vì tình yêu đối với nhân loại mà Người muốn cứu độ (x.Ga 10,18).

3. Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã thực hiện trước việc tự nguyện dâng hiến mạng sống của Người: “Đây là Mình Thầy, bị nộp vì anh em” (Lc 22,19); “Đây là Máu Thầy, Máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26,28). Bí tích Thánh Thể mà Chúa Giêsu thiết lập lúc đó sẽ là việc tưởng niệm hy tế của Người, đồng thời Người dạy các Tông Đồ phải lưu truyền việc dâng hiến này mãi mãi: “Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”.

Để ghi nhớ (Sách Toát Yếu GLHTCG)

Hỏi: Đức Kitô đã dâng hiến chính mình cho Chúa Cha như thế nào?

Thưa: Đức Kitô đã tự do dâng hiến tất cả đời sống cho Chúa Cha, để chu toàn ý định cứu độ của Ngài. Đức Kitô đã “hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45) (số 119).

Hỏi: Việc dâng hiến của Chúa Giêsu được diễn tả như thế nào trong Bữa Tiệc Ly?

Thưa: Trong Bữa Tiệc Ly với các Tông đồ vào buổi tối trước cuộc khổ nạn, Chúa Giêsu vừa thiết lập bí tích Thánh Thể như việc tưởng nhớ hy tế của Chúa, vừa đặt các Tông đồ làm tư tế của Giao Ước mới (số 120).

Ý cầu nguyện:
Xin ơn biết kết hợp những đau khổ và hi sinh trong cuộc sống với hy tế của Chúa Giêsu trên thánh giá.

Tháng 03 - NĂM ĐỨC TIN ( Tuần 2)


TUẦN 2
ĐỨC GIÊSU KITÔ,
ĐẤNG XÓA TỘI TRẦN GIAN

Khai triển nội dung

1. “Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta đúng như lời Thánh Kinh” (1Cr 15,3). Thánh Phaolô tuyên xưng như thế, và ngài cho biết đó là lời tuyên xưng ngài đã “lãnh nhận” chứ không phải tự mình sáng chế. Thánh nhân còn viết thêm: “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người” (2Cr 5,21). Sự chết của Đức Kitô mang lại ơn cứu chuộc cho nhân loại. Sự chết ấy hoàn thành cách đặc biệt lời tiên tri về Người Tôi Tớ đau khổ trong sách Isaia mà chúng ta nghe vào Thứ Sáu Tuần Thánh hằng năm (53,7-8). Người Tôi Tớ ấy chịu đánh đập vì chúng ta, mang thương tích vì chúng ta. Nhờ Người mà chúng ta được chữa lành.

2. Thánh Gioan Tẩy giả đã giới thiệu Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian (Ga 1,29,36). Chúa Giêsu vừa là Người Tôi Tớ đau khổ, mang lấy tội lỗi muôn người, vừa là Chiên Vượt Qua, biểu tượng cho việc cứu chuộc Israel trong cuộc Vượt Qua đầu tiên (Xh 12,3-14). Cả cuộc đời Đức Kitô diễn tả sứ vụ của Người : phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người (Mc 10,45).

3.  Sự chết của Chúa Giêsu bày tỏ kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa là kế hoạch của tình yêu lân mẫn, đi trước mọi công trạng của chúng ta: “Đức Kitô đã chết vì chúng ta ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi, đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5,8); “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa trước, nhưng chính Ngài đã yêu thương chúng ta và sai Con của Ngài đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1Ga 4,10). Tình yêu ấy không loại trừ một ai như chính Chúa Giêsu khẳng định: “Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất” (Mt 18,14). Vì thế Hội Thánh dạy rằng: “Trước kia, hiện nay cũng như sau này, không có một ai mà Đức Kitô không chịu khổ nạn cho họ”.

Để ghi nhớ (Sách Toát Yếu GLHTCG)

Hỏi: Tại sao cái chết của Chúa Giêsu lại nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa?

Thưa: Để tất cả mọi người, là những kẻ đáng chết vì tội lỗi, được giao hòa với Ngài, Thiên Chúa đã khởi xướng một việc đầy yêu thương là sai Con của Ngài đến phó mình chịu chết vì những kẻ tội lỗi (số 118).

Hỏi: Cái chết của Chúa Giêsu đã được loan báo như thế nào?

Thưa: Cái chết của Chúa Giêsu đã được loan báo trong Cựu Ước, đặc biệt như hy tế của Người Tôi trung đau khổ, và cái chết ấy đã xảy ra “theo như lời Thánh Kinh” (số 118).

Ý cầu nguyện:
Xin ơn nhận biết tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện nơi Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh, để tình yêu ấy biến đổi chúng ta.

Tháng 03 - NĂM ĐỨC TIN ( Tuần 1)

Chúng ta đã bước vào Mùa Chay. Vì thế chủ đề giáo lý của tháng 3/2013 là : TIN LÀ THEO CHÚA GIÊSU KITÔ TRONG MẦU NHIỆM KHỔ NẠN CỦA NGƯỜI.
Chúng ta cùng tìm hiểu chủ đề này trong 4 tuần lễ :
Tuần 1: Vụ án Chúa Giêsu.
Tuần 2: Chúa Giêsu Kitô, Đấng xóa tội trần gian.
Tuần 3: Hy tế tình yêu của Chúa.
Tuần 4: Hãy làm hòa cùng Thiên Chúa
                                                                    (Bí tích Giao Hòa).
                                            *****************************

TUẦN 1
VỤ ÁN CHÚA GIÊSU

Khai triển nội dung
1. Các nhà cầm quyền tôn giáo ở Giêrusalem đã không nhất trí với nhau về cách xử sự đối với Chúa Giêsu. Nhóm Pharisêu dọa khai trừ những ai đi theo Chúa. Có những người sợ rằng “mọi người sẽ tin vào ông Giêsu, rồi người Rôma sẽ đến phá hủy cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta” (Ga 11,48). Thượng tế Caipha đưa ra đề nghị: “Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt” (Ga 11,50). Thượng Hội Đồng tuyên bố Chúa Giêsu đáng phải chết vì tội nói phạm thượng, nhưng vì đã mất quyền tuyên án tử hình, nên họ đã nộp Chúa Giêsu cho người Rôma và tố cáo Người về tội nổi loạn chính trị. Vì thế Chúa Giêsu bị xếp đồng hàng với Baraba là người bị tống ngục vì một vụ bạo động (Lc 23,19). Các thượng tế cũng đưa ra những lời đe dọa mang tính chính trị để buộc quan Philatô kết án tử hình Chúa Giêsu. 

2. Chúng ta không thể quy trách nhiệm cho mọi người Do Thái ở Giêrusalem lúc đó, càng không được mở rộng trách nhiệm đến những người Do Thái ở những nơi chốn và thời đại khác. Công Đồng Vaticanô II khẳng định rất rõ điều này: “Không thể nói rằng Thiên Chúa đã loại bỏ người Do Thái hoặc đã chúc dữ cho họ, coi đó như là điều được dạy trong Thánh Kinh” (Tuyên ngôn Nostra Aetate, số 4).

3. Khi suy niệm về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu Kitô, Hội Thánh luôn nhắc nhở điều này: Các tội nhân là những tác giả và tác viên của mọi cực hình mà Đức Kitô đã phải chịu. Thánh Phanxicô Assisi kêu lên: “Ma quỷ cũng không đóng đinh Người vào thập giá, nhưng chính bạn cùng với chúng đã đóng đinh Người, và bạn vẫn còn đóng đinh Người bằng cách hưởng lạc thú trong các nết xấu và tội lỗi”.

Để ghi nhớ (Sách Toát Yếu GLHTCG)

Hỏi: Chúa Giêsu bị kết án vì những lời tố cáo nào?
Thưa: Một số thủ lãnh Israel đã tố cáo Chúa Giêsu chống lại Lề luật, chống lại Đền thờ Giêrusalem và nhất là chống lại niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất, vì Người tự xưng mình là Con Thiên Chúa. Chính vì thế, họ đã nộp Người cho quan Philatô, để Người bị kết án tử hình (số 113).

Hỏi: Ai chịu trách nhiệm về cái chết của Chúa Giêsu?
Thưa: Không thể quy trách nhiệm cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu một cách không phân biệt cho mọi người Do thái thời đó, cũng như con cháu họ sau này. Mỗi tội nhân, nghĩa là mọi người, thực sự là nguyên nhân và công cụ gây nên những đau khổ của Đấng Cứu Chuộc. Chịu trách nhiệm nặng nề hơn nữa là những người, nhất là các Kitô hữu, thường xuyên sa ngã phạm tội và ham thích những thói xấu (số 117).

Ý cầu nguyện:
Cầu cho mọi Kitô hữu biết “mặc lấy Chúa Giêsu Kitô và không chiều theo tính xác thịt” (Rm 13,14).

12 thg 4, 2013

THẮC MẮC VỀ TƯỚC ĐỨC ÔNG

Đức ông ( Monsignor) là một tước vị danh dự do Đức Thánh Cha ban theo đề nghị của các giám mục địa phương cho một số linh mục có công trạng trong việc phục vụ Giáo hội tại các giáo phận trên toàn thế giới, hoặc cho các linh mục nhân viên của Tòa Thánh làm việc trong các cơ quan trung ương tại Giáo triều Rôma hoặc trong các phái bộ ngoại giao của Tòa Thánh ở các quốc gia trên thế giới. Tước vị này thường được viết tắt là Mgr., Msgr.,hay Mons. và không phải là chức thánh trong Giáo hội. Đức Ông vẫn là một linh mục. Theo quyết định của Đức Thánh Cha, tên của các Đức Ông sẽ được ghi vào Niên Giám của Tòa Thánh (Annuario Pontificio). Bộ Ngoại Giao Tòa Thánh sẽ gửi văn thư và văn bằng chính thức đến các Tòa Giám Mục để ấn định nghi thức trao văn bằng và phẩm phục cho các tân Đức Ông.
Trong một số quốc gia, người ta cũng còn dùng “Monsignor” để xưng hô với các Giám mục.
 Tước hiệu này đã có từ lâu trong Giáo Triều Rôma và theo thời gian cũng thay đổi nhiều với những cấp bậc, quyền lợi và trách vụ khác nhau.
Từ nguyên "Monsignor" của danh hiệu Đức Ông được xem là xuất phát từ danh xưng trong tiếng Pháp "mon seigneur". Danh xưng này xuất hiện đầu tiên vào thế kỷ thứ 14, vào thời kỳ Tòa Thánh đặt ở Avignon, Pháp (1309-1376), được dùng để gọi các vị luật sư trong Tòa án Công giáo. Những vị luật sư này tuy không thuộc hàng giáo phẩm của giáo hội, nhưng trong tòa án họ cũng đeo dây đỏ và mặc áo chùng thâm có nút áo đỏ giống như các giám mục.
Khi Tòa Thánh trở lại Roma vào năm 1377, người Ý bắt đầu dùng biến âm của danh xưng "mon seigneur" thành "monsignore" như một tước vị dùng cho các giáo sĩ phục vụ tại Giáo triều Rôma. Theo thời gian, tước vị này có nhiều thay đổi, với những khác biệt về cấp bậc, quyền lợi và trách vụ.
Trước cuộc cải tổ của Đức Thánh Cha Phaolô VI, có tới 14 cấp bậc khác nhau của tước hiệu Đức Ông.
Mãi đến ngày 28 tháng 3 năm 1968, Đức Giáo hoàng Phaolô VI ra sắc chỉ (Motu proprio) Pontificalis Domus  nhằm đơn giản hóa việc phân loại các tước vị Đức Ông. Theo đó, các tước vị Đức Ông rút xuống chỉ còn 3 bậc từ cao đến thấp như sau:
     1. Đệ Nhất Lục Sự của Tòa Thánh (tiếng Latin: Protonotarii Apostolicii). Cấp bậc này chia làm 2 bậc nhỏ hơn:
•           Chánh Lục Sự (de numero): đây là cấp bậc cao nhất của tước vị, chỉ được phong cho 7 vị giáo sĩ thành Roma.
•           Phó Lục Sự (supranumerarii): đây là cấp bậc cao nhất của tước vị có thể phong cho các giáo sĩ bên ngoài thành Roma.
    2. Giám Chức Danh dự của Đức Giáo hoàng (tiếng Latin Praelatos Honorarios Sanctitatis Suae).
        3. Tuyên úy của Đức Giáo hoàng (tiếng Latin Cappellanis Sanctitatis Suae).
Năm 1969, Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh đã ra hướng dẫn quy định về phẩm phục dành cho tước vị Đức ông như sau:
•           Bậc Đệ Nhất Lục Sự của Tòa Thánh: Phẩm phục chung là áo chùng ĐEN dành cho giám mục, có nút và viền màu ĐỎ, đai (sash) TÍM, áo choàng tím, và mũ biretta màu ĐEN với búi màu ĐỎ.
•           Bậc Giám chức  Danh dự: Phẩm phục thường là áo chùng ĐEN dành cho giám mục, có nút và viền màu ĐỎ và đai TÍM. Trong các nghi thức phụng vụ trọng thể, phẩm phục là áo chùng TÍM có nút ĐỎ, viền ĐỎ và cổ tay áo ĐỎ.
•           Bậc Tuyên úy của Giáo hoàng: Phẩm phục là áo chùng ĐEN có nút và viền màu TÍM và đai TÍM trong tất cả các dịp. 

Tác giả:  Lm. Giuse Nguyễn Ngọc Bích DCCT

7 thg 4, 2013

ĐỪNG CỨNG LÒNG NHƯNG HÃY TIN

"LẠY CHÚA LÀ THIÊN CHÚA CỦA CON"!
Tin Mừng   Ga 20,19-31
Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em!" Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông: "Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em." Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ." Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. Các môn đệ khác nói với ông: "Chúng tôi đã được thấy Chúa!" Ông Tô-ma đáp: "Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin." Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em!" Rồi Người bảo ông Tô-ma: "Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin." Ông Tô-ma thưa Người: "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!" Đức Giê-su bảo: "Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!" Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người.

6 thg 4, 2013

Thứ Bảy Tuần Bát Nhật Phục Sinh

CHÚA VẪN HIỆN DIỆN
Bài Tin Mừng hôm nay như là một bài tóm kết cả một tuần lễ sau phục sinh, tường thuật nhiều biến cố lạ thường mà Chúa Kitô Phục Sinh đã làm nên:

- Chúa hiện ra với người phụ nữ tên là Maria Mađalêna, để từ nay, bà sẽ làm chứng cho ơn tha thứ mà Chúa dành cho bà thật ngoạn mục.
- Chúa hiện ra với hai môn đệ trên đường đi về làng Emau, để từ nay, họ lên đường dấn thân loan báo Tin Mừng Phục Sinh của Chúa.
- Chúa hiện ra với nhóm Mười Một để củng cố lòng tin của các ông. Từ nay, các ông sẽ là kẻ chinh phục tâm hồn con người và mở mang Nước Chúa, đế Nước Chúa ngày càng trải rộng mọi nơi, mọi chốn.
Ngày nay, Chúa vẫn hiện diện trong đời ta. Người thôi thúc ta lên đường dấn thân và phục vụ anh chị em đồng loại, nhân danh tình yêu của Chúa, hiến dâng lên Chúa, Đấng đã hiến mạng sống vì ta, tất cả sự nỗ lực của chính bản thân ta, để thế giới thắm đầy tình yêu cứu độ của Người.
Lạy Chúa, xin dạy con yêu Chúa để con luôn là chứng nhân cho Tin Mừng Phục Sinh của Chúa. Xin Chúa Phục Sinh tuôn tràn ơn Phục Sinh của Ngưới để chúng con luôn bước đi trong ánh sáng của Thiên Chúa là tình yêu. Amen.
Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG

5 thg 4, 2013


Biến cố chính được Giáo Hội tưởng nhớ và suy niệm cách đặc biệt trong Tuần Thánh là cuộc Thương khó của Chúa Giêsu – trong đó có việc Chúa Giêsu bị quan Philatô xét xử và kết án tử hình mặc dù (chính ông biết rằng) Ngài không có tội gì phải chết. 

Vẫn biết rằng việc Chúa xuống thế làm người và chịu chết cho nhân loại là một mầu nhiệm. Vẫn biết rằng trong ‘vụ án’ độc nhất vô nhị này có nhiều người liên can và bao hàm vô số tình tiết khác nhau, mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Nhưng thiết nghĩ cũng nên đọc lại ‘vụ án’  lịch sử này để thấy rằng những phi lý, bất công của 2000 năm trước vẫn còn tiếp tục xảy ra.
Chuyện năm xưa
Trong quyển II của bộ sách ba tập mới nhất về ‘Chúa Giêsu thành Nazareth – Jesus of Nazareth’, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã dành hẳn một chương, Chương VIII, để đọc lại cũng như phân tích các đoạn Tin Mừng trần thuật về vụ án Chúa Giêsu.

Đức Thánh Cha chỉ ra rằng Chúa Giêsu bị đưa ra trước hai tòa án. Một là tòa án của Thượng Hội đồng Sanhedrin. Tại đây, sau cuộc tra hỏi, giới lãnh đạo Do thái, đứng đầu là thượng tế Caipha, quy kết Ngài mắc tội phạm thượng và vì thế phải chịu án tử hình.

Nhưng chỉ có người La Mã – lực lượng chiếm đóng lúc bấy giờ –  mới có quyền tuyên án tử. Như vậy, bây giờ họ phải đưa Chúa Giêsu ra trước tòa Philatô. Và để đưa Philatô vào cuộc, họ ‘phải nhấn mạnh chiều kích chính trị của bản án’. Đức Thánh Cha phân tích rằng khi tuyên bố mình là Đấng Mêsia, Chúa Giêsu đã để cập đến vương quyền. Và theo những người Do thái, khi đưa ra ‘yêu sách về vương quyền Mêsia là đã phạm vào tội chính trị, tội này phải bị Tòa án La Mã trừng trị’.

Như vậy, giới lãnh đạo Do thái đã đóng vai trò cáo buộc trong vụ án và đã dàn dựng một án tử hình đối với Chúa Giêsu với hai tội. Một là tội phạm thượng và phải bị xử tử. Hai là tội chính trị, có âm mưu chiếm đoạt vương quyền và tội này cũng phải chịu án tử vì đe dọa đến nền hòa bình của đế chế La Mã (Pax Romana).

Liên quan đến vai trò của Philatô – tổng trấn La Mã và người xét xử vụ án – Đức Thánh Cha phân tích, ‘dựa trên những thông tin ông có, Philatô thấy ông không thể buộc tội Chúa Giêsu được vì theo những gì giới chức trách La Mã biết Chúa Giêsu không gây một mối đe dọa nào đối với luật pháp và trật tự’.

Hơn nữa, theo Đức Thánh Cha, sau khi thẩm vấn Chúa Giêsu, Philatô càng hiểu rõ hơn rằng Chúa Giêsu không phải là nhà hoạt động chính trị gây phiến loạn và sứ điệp và những hoạt động của Ngài cũng không gây ra bất kì mối đe dọa nào đối với các nhà cai trị hay đế chế La Mã.

Một điều nữa về Philatô được ĐTC Bênêđictô chỉ ra là ông ta là người mê tín, có điều gì đó thực sự thiêng liêng nơi ông và vì vậy ông sợ sẽ phải đối đầu với quyền lực thần thánh nếu kết án Giêsu.

Đức Thánh Cha phân tích thêm rằng những người cáo buộc Chúa Giêsu cũng thấy được những mê tín, hoang mang, lo sợ ấy của Philatô. Vì vậy họ tím cách nhắc ‘Philatô đừng làm mất lòng hoàng đế nếu không muốn mất địa vị. Và nhờ đó họ đã lôi kéo được Philatô. Lời tuyên bố: ‘Nếu ông thả người này, ông không phải là bạn của Caesar’ (Ga 19, 12) quả là một mối đe dọa. Cuối cùng, mối lo lắng cho sự nghiệp mạnh hơn sự sợ hãi quyền năng của Thiên Chúa’.

Liên quan đến Chúa Giêsu, người bị xét xử, Đức Thánh Cha chỉ ra rằng chủ đề chính trong cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và Philatô là vương quyền của Ngài, cũng là vương quyền và Nước của Thiên Chúa. ‘Vương quyền này được tập trung vào sự Thật’ và việc ‘khai mào cho vương quyền ấy sẽ đem lại cho con người sự tự do đích thực’.

Đức Thánh Cha cũng nêu bật rằng trong cuộc chất vấn đó, Chúa Giêu đã nói với Philatô nếu quyền lực, nhất là quyền lực quân sự, là đặc trưng của các vương quốc trần gian, thì vương quyền của Ngài không phải như vậy. Vương quyền của Ngài ‘không có thuộc hạ’, ‘không có ai chiến đấu’ và cũng ‘không gây bất kì đe dọa nào đối với sự ổn định của đế chế La Mã’.

Trái lại, Chúa Giêsu đến để sống kiếp người, tình nguyện sống với con người, chết cho con người, mang niềm vui đến cho người bất hạnh, nghèo đói và vương quốc mà Ngài loan báo và thiết lập là một vương quốc của tình yêu.

Đọc lại một vài chi tiết của vụ án ấy để thấy rằng thay vì làm sáng tỏ và bảo vệ sự thật, Thượng Hội đồng Sanhedrin lại xuyên tạc sự thật, vu cáo người vô tội. Họ làm vậy chỉ vì ghen tức Chúa Giêsu, chỉ vì họ muốn độc quyền nắm chân lý, chỉ vì không muốn nghe những lời chỉ trích của Ngài về lề luật hà khắc và thái độ, hành động giả dối của họ.

Riêng với Philatô, thay vì đón nhận sự thật, mạnh dạn bảo vệ công lý và biết tin vào quyền năng của Thiên Chúa, ông lại bị tham vọng quyền lực che khuất. Vì sợ mất quyền, mất địa vị ông đã kết án người vô tội, cho tử hình Đấng Mêsia.

Chuyện ngày hôm nay
Và trong suốt gần 2000 năm qua, ở những mức độ khác nhau, dưới nhiều hình thức, hoàn cảnh khác nhau, những vụ án, phiên tòa xét xử những người vô tội, nghèo khổ, cô thế, cô thân, những người dám mạnh dạn nói làm chứng cho sự thật, cho công lý vẫn luôn diễn ra.

Nhiều người phải rơi vào cảnh tù đày, thậm chí bị tử hình chỉ vì tiếng nói trung thực của họ làm những người đương thời, những người có chức, có quyền khó chịu. Họ bị xét xử, kết tội, hay chịu án tử chỉ vì những công tố viên, quan tòa thay vì làm chứng cho sự thật, bảo vệ công lý lại đi dàn dựng, vu cáo những người vô tội hay đứng về phía kẻ có quyền hoặc sợ mất quyền, địa vị của mình.

Trong lịch sử Giáo hội Việt Nam, có bao nhiêu người – trong đó có 117 Thánh Tử đạo Việt Nam – đã bị giết hại chỉ vì dám sống và làm chứng cho sự thật, cho Tin Mừng.

Trong thời gian gần đây ở Việt Nam cũng có nhiều vụ án ‘liên quan đến chính trị’ không chỉ được dư luận trong nước mà nhiều tổ chức quốc tế và lãnh đạo các quốc gia quan tâm. Trong đó có vụ án liên quan đến các thanh niên Công giáo và Tin lành.

Những thanh niên này phải chịu những bán án nặng về tội ‘tuyên truyền chống Nhà nước’ và tội ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’.
Với ‘tội lật đổ’ ấy, những thanh niên đó cũng bị quy kết một tội gần giống như ‘tội có âm mưu chiếm đoạt vương quyền’ mà Thượng Hội đồng Sanhedrin dàn dựng, tố cáo Chúa Giêsu năm xưa trước tòa Philatô.

Có thể nói, cũng giống như Chúa Giêsu, các bạn trẻ này không có quân đội, không có binh quyền làm sao có thể lật đổ được ai. Hơn nữa, họ cũng không gây một mối đe dọa nào đối với xã hội.
Trái lại, với những ai quen biết, tiếp xúc với các bạn trẻ này, họ là những người tích cực tham gia vào các hoạt động từ thiện, bác ái, như hiến máu nhân đạo, giúp trẻ mồ côi, nạn nhân thiên tai hay tìm kiếm và chôn cất chu đáo các thai nhi bỏ rơi.

Chẳng hạn, bài viết Khi các chàng trai làm mẹ, được đăng vào năm 2010 và vẫn còn lưu lại trên một vài trang mạng thuộc báo chính thống của Việt Nam như Thanh Niên, đã mô tả Trần Hữu Đức – một bạn trẻ bốn người bị kết án trong phiên tòa vào tháng 5 năm 2012 – và một số bạn bè của anh là ‘những sứ giả của tình yêu’. Vì ‘mới độ tuổi mười tám, đôi mươi, nhưng các chàng trai ấy đã làm bố, làm mẹ bất đắc dĩ của hàng chục cháu bé và hàng nghìn sinh linh xấu số không được sinh ra trên đời’.

Trong một bản nhận định hôm 28/08/2012, Ban Công lý và Hòa bình Giáo phận Vinh cũng nhấn mạnh rằng ‘tất cả các thanh niên bị bắt và xét xử đều là những sinh viên tốt’ và luôn ‘hăng say tham gia các hoạt động tích cực vì lợi ích của cộng đồng và xã hội’. Và cùng lúc nêu rõ rằng việc bắt giam, điều tra, kết tội, xét xử vụ án không chỉ vi phạm Hiến pháp Việt Nam mà còn đi ngược với các Công ước Quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam đã ký kết.

Và sau bản án nặng dành cho những bạn trẻ ấy trong phiên tòa tại Vinh hôm 08/01/2013, Ban Công lý và Hòa bình Giáo phận Vinh đã chính thức ‘phản đối bản án phi pháp và bất công’ đối với những thanh niên đó.
Nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước, một số quốc gia khác cũng lên tiếng chỉ trích những bản án bất công, phi lý ấy.
Việc những người vô tội phải đối diện với những bản án bất công, phi lý, phi pháp đó cho thấy ‘chuyện’ của 2000 năm trước vẫn còn diễn ra trong thế giới, xã hội ngày hôm này. Và chừng nào vẫn còn những phiên tòa, bản án như vậy, chừng đó trong xã hội vẫn còn có bi kịch.

Hoa trái của hy sinh
Nhưng những án tù nặng hay án tử đó cũng không thể dập tắt hay tiêu diệt được ý chí, niềm tin của những ai đã xác quyết và dám can đảm sống cho sự thật, cho tình yêu tha nhân, đồng loại. Hơn nữa, chính những cực hình, nhục nhã họ phải chịu lại mang lại nhiều hoa trái thiêng liêng, niềm hy vọng cho người khác.

Khi phân tích về vụ án Chúa Giêsu, Đức Thánh Cha Bênêđictô nhấn mạnh rằng chính ‘trong nỗi thống khổ tột cùng của cuộc Thương khó, Chúa Giêsu trở thành hình ảnh của niềm hi vọng: Thiên Chúa ở bên những người đang chịu đau khổ’.

Nhờ Đức tin sắt đá, nhờ những chứng nhân anh dũng của bao bậc tiền nhân – trong đó có 117 vị Thánh Tử đạo – Tin Mừng mới được được bén rễ, loan tỏa và ăn sâu tại Việt Nam.

‘Vì’ 13 năm tù giam và đặc biệt những gì Đức cố Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận cảm nhận và sống trong những ngày lao tù biệt lập, khổ cực ấy, Đức Hồng y đã được cả thế giới cảm phục và được Giáo hội kính trọng, tôn vinh. Không chỉ thế, Đức Hồng y đã trở thành một gương sáng, một Chứng nhân hy vọng cho các tín hữu trên khắp thế giới, cho những ai yêu mến công lý, hòa bình.

Về phương diện xã hội, một cách nào đó, có thể nói những hy sinh của các thanh niên Công giáo và Tin lành cũng đang góp phần xây dựng một Việt Nam dân chủ, công bằng, bác ái, tốt đẹp hơn. Xã hội Việt Nam sẽ không có những thay đổi tích cực nếu không có những người dám mạnh dạn lên tiếng cho công lý, cho sự thật.

Nam Phi không thể loại bỏ chế độ phân biệt chủng tộc nếu không có một Nelson Mandela – người đã bị tù đày suốt 27 năm. Người dân Miến Điện chắc cũng không được tự do nếu không có một Aung San Suu Kyi biết hy sinh, thậm chí bỏ gạt bỏ những quyền lợi và tình cảm riêng tư để tranh đấu tự do cho dân tộc của mình.

Phải chăng khi tưởng nhớ, suy niệm về cuộc Thương khó của Chúa Giêsu, Giáo hội và con cái mình cũng được mời gọi nhớ đến những người vô tội đang bị bắt bớ, giam cầm, tù đày và cầu nguyện để công lý được thực thi, tôn trọng?

Phải chăng bằng chính cuộc Khổ nạn và Phục sinh của mình, Chúa Giêsu muốn những ai đang bị bách hại vì sự thật, vì lẽ công chính thấy rằng ngay trong những lúc cùng cực nhất, cô độc nhất Ngài vẫn ở với họ, nâng đỡ họ cũng như mời gọi họ biết ‘chết’ để cùng được ‘sống lại’ với Ngài?

Đoàn Xuân Lộc