28 thg 8, 2013

AUGUSTINO GIÁM MỤC TIẾN SĨ

 
Những vị thánh được gọi là đại thánh thường là những vị có một nếp sống trổi vượt trong thời bình sinh và còn để lại nhiều ảnh hưởng tốt đẹp sau lúc tạ thế. Thánh Âutinh, vị Giám mục khiêm tốn trong tỉnh nhỏ ở Phi châu, đáng vào sổ những “Ngôi sao” xuất sắc nhất. Ngài là một trong bốn vị tiến sĩ thời danh thuộc Giáo hội Phi châu. Ngài sống dịu hiền, khiêm tốn, dùng tài trí Chúa ban để huấn luyện những người dốt nát. Về tài trí, ngài là phượng hoàng, nhưng về cách sống, ngài là mẹ già đáng yêu.

Thagastê thuộc tỉnh Numidia nay gọi là Souk-Ahras đã hân hạnh là tổ quán của vị đại thánh. Ngài sinh ngày 13.11.354, trong một gia đình giầu có nhưng thiếu bầu khí đạo đức. Thân phụ tên là Patriciô một người ngoại đạo lại có tính hung dữ và cục cằn. Ông là con một gia đình tiểu tư sản ở vùng quê, nhưng đi lại và quen thuộc nhiều với giới quý tộc trên tỉnh và miền phụ cận. Vì thế, dù ngoại giáo, ông đã có thể kết duyên với một thiếu nữ trẻ đẹp và rất mực đạo hạnh tên là Monica. Monica chỉ vì muốn tuân theo ý Chúa nên đã gánh chịu bao cảnh đau lòng trong đời sống mới: đời sống làm dâu, làm vợ hiền, làm mẹ đầy hy sinh. Phải, chính đức vâng lời nhẫn nhục đối với cha mẹ, lòng hy sinh, chung thủy đối với người bạn trăm năm và tình yêu xả kỷ đối với con cái đã làm cho bà thành một vị đại thánh và thành ngôi sao bất diệt chỉ lối cho các bà mẹ. Bà sinh hạ được ba con: Âutinh là anh cả rồi đến Navigiô, sau cùng trở lại với anh, cuối cùng là cô gái út thùy mị và đạo đức. Lớn lên cô dâng mình cho Chúa, làm bề trên một tu viện và chết tại Hippôniê năm 424.

Mặc dầu sống trong một gia đình ngoại giáo, bà Monica không sao nhãng bổn phận thiêng liêng đối với con cái. Bà tìm hết cách cho các con được học hiểu lẽ đạo và chịu phép thanh tẩy. Vì thế, tuy thói quen bấy giờ người ta không rửa tội cho các trẻ em mới sinh, bà cũng gửi em bé Âutinh đến học các lớp trẻ dự tòng. Lúc ấy Âutinh mới tám tuổi (năm 362), cậu chỉ mê chơi, coi việc cắp sách đến trường là một gánh nặng. Biết tính con, bà Monica âm thầm chịu đựng, lấy nhẫn nhục và hiền dịu giáo dục con.

Âutinh nghịch ngợm và ương ngạnh, nhưng rất giàu tình cảm. Nhờ đó cậu cũng dễ cảm nhận phần nào lòng yêu thánh thiện của mẹ. Nhưng đặc biệt hơn cả là khiếu thông minh của cậu. Mãn tiểu học ở trường làng, cậu được cha cho lên học văn chương tại Madaurê. Cậu mê học La tinh hơn tiếng Hy lạp. Những tác phẩm của thi sĩ Vergiliô mở cho cậu một chân trời mới. Năm 370, cậu đến theo học khoa tu từ tại Carthagô, một thành phố hoa lệ và nổi tiếng văn học thời bấy giờ. Nơi đây cảnh phù hoa và những trào lưu tư tưởng ngoại giáo ảnh hưởng đến tâm hồn Âutinh, và biến chàng thanh niên ấy thành con người ham mê cuồng loạn, chơi bời trụy lạc và chiều theo những tư tưởng phản đức tin! Dầu vậy, với trí thông minh tuyệt bậc, Âutinh một sinh viên 18 tuổi đã thụ hưởng được nhiều kết quả tốt đẹp cho tương lai. Nhưng sắp sửa tốt nghiệp Luật khoa thì tin buồn: thân phụ từ trần đưa đến, làm gián đoạn việc học của Âutinh. Bỏ luật, Âutinh theo ban triết lý và kết thân với một sinh viên trẻ tuổi tên Alypiô, sau làm Giám mục Thagastê. Theo lời khuyên của bạn, Âutinh bắt đầu ham học Kinh Thánh. Nhưng chẳng bao lâu ngài thấy chán ngán vì nhiều đoạn khó hiểu với lối văn La tinh vụng về. Thấy không thoả mãn trong việc nghiên cứu Thánh Kinh, lại rối loạn vì những dục tình đang nổi dậy trong tâm hồn. Âutinh tin theo thuyết nhị nguyên của Manes. Khi trở về Thagastê với tư cách một giáo sư văn phạm, ngài còn tìm hết cách khuất phục Rômanianô và Alypiô. Cách sống của Âutinh đã gieo vào lòng bà Monica nhiều đau khổ. Vừa mới được đôi chút vui mừng vì cái chết thống hối và lành thánh của người chồng, thì lúc này bà phải se lòng nhìn thấy con cứ cố chấp để lăn mình xuống vực thẳm.

Bà Monica đau đớn thấy con phản bội chân lý, nhưng Chúa gìn giữ bà bằng một giấc mộng: Bà nhìn thấy con đứng sát cạnh bà trên một thước gỗ, mà sau này thánh Âutinh đã kể lại như sau: “Bấy giờ mẹ tôi thấy một thanh niên chói sáng đến cùng người và hỏi tại sao mà khóc. Người trả lời rằng: “Tôi khóc linh hồn con tôi”. Người thanh niên trẻ đẹp đó trả lời: “Ồ, bà đừng khóc nữa, hãy trông đứa con bà, bà ở đâu thì nó ở đó; rồi người nhìn tôi và thấy tôi cùng đứng trên thềm đó. Phải chăng đó là dấu “Người con của bao nước mắt sẽ không hư đi đời đời!” Nhưng với tuổi trẻ kiêu hãnh, Âutinh không muốn nghe những lời khuyên lơn của mẹ. Người đột ngột trở lại Carthagô, mở trường dạy khoa hùng biện với sự cộng tác của Rômanianô và Alypiô.

Mùa thu năm 383, Âutinh cảm thấy tâm hồn nặng trĩu u buồn, một phần vì chán cái nghề dạy học, một phần đau đớn vì cái chết của một người bạn chí thiết! Nhưng chính lúc tâm hồn sầu muộn ấy, ơn Chúa đến hòa tan với những giọt nước mắt của bà Monica đã cảm hóa tâm hồn Âutinh: ngài nhận thấy bè rối mình theo trong mười năm trời là một sự ngược ngạo vô lý! Âutinh lập tức từ bỏ.

Sự thay đổi lớn lao bấy được thể hiện bằng ý định đi Rôma, ngài muốn tìm lại sự thanh thản cho tâm hồn. Nhưng có ngờ đâu khổ cực lại dồn dập đến hơn mọi lúc. Trong khi thân xác bị những cơn sốt rét dằn vật hành hạ, tâm trí quay cuồng vì những tư tưởng phản đạo, thì tâm hồn ngài còn bị những hình ảnh tội lỗi sống lại dày vò; ngài cảm thấy như bị Thiên Chúa ruồng bỏ, sau này nhớ lại phút đen tối ấy, ngài đã thốt lên: “Lạy Chúa, con sẽ đi đâu nếu Chúa để con chết bấy giờ”. Khỏi bệnh, Âutinh được mời làm giáo sư hùng biện tại Milanô. Như thế ngài có dịp đi lại thân mật với thánh Giám mục Ambrôsiô, với tính tình niềm nở và đời sống thánh thiện, thánh Giám mục chiếm được lòng cảm phục và tín nhiệm của Âutinh. Chính ngài cũng đã giúp Âutinh tìm hiểu nhiều về Thánh Kinh. Cũng nhờ lời khuyên của thánh Giám mục Ambrôsiô, Âutinh bắt đầu sống đời thành thực và ngoan ngoãn với mẹ hơn. Ít ngao du đàng điếm, từ nay Âutinh luôn sống gần mẹ, ngày đêm chăm đọc sách Thánh, nhất là thư thánh Phaolô.

 Chính vào thời kỳ này ngài đã lãnh nhận được ánh sáng đức tin để can đảm cắt đứt những sợi dây tình dục của tuổi thanh niên trói buộc mình. Ngày kia, trong lúc tâm hồn thác loạn vì những tình dục, Âutinh đã nghe thấy tiếng phán bảo: “Hãy cầm lấy mà đọc, hãy cầm lấy mà đọc”. Âutinh bèn lấy thư thánh Phaolô mở ra và gặp những câu: “Đừng sống theo dục tình và lạc thú dâm ô nữa, nhưng hãy mặc lấy Chúa Kittô…” Đặt sách xuống, Âutinh quyết định trở về với chân lý! Ngài mau mắn đem tin vui mừng ấy cho bà Monica. Niềm vui hiện lên nét mặt, hai mẹ con cùng quỳ gối cảm tạ Chúa (Conf. VIII-8).
Từ nay Âutinh cảm thấy tâm hồn tươi vui như một bông hoa nở dưới ánh mặt trời. Ngài được Đức Giám mục Ambrôsiô ban phép Thánh tẩy đêm lễ Phục sinh 25.4.378.

Sau đó vì bị bệnh đau cuống phổi, Âutinh phải cùng mẹ rời bỏ Milanô về nhà một người bạn tại Cassicaum. Nhờ những ngày sống thanh tĩnh, Âutinh đã nâng lòng lên suy gẫm nhiều điều siêu nhiên.
Thời gian hạnh phúc này nhắc Âutinh và mẹ ngài nhớ tới xứ Thagaste là quê hương thân yêu của hai người. Bà Monica muốn cùng với con trở về quê hương yêu dấu. Nhưng khi trở về tới hải cảng Ostia thì bà Monica phải bệnh và từ trần cách êm ái tại đây. Tâm hồn đau đớn, nước mắt muốn trào ra, Âutinh thầm hiểu rằng mẹ không chết, nhưng là bỏ đời “nước mắt” để qua hưởng hạnh phúc vĩnh cửu thiên quốc. Vì thế, táng xác mẹ xong, Âutinh giãn việc trở về Phi châu, ngài dừng lại ở Rôma thu tập các tài liệu và viết mấy tác phẩm minh giáo chống lại bè rối Manes.

Cho đến cuối năm 388, Âutinh mới trở về Carthagô và Thagastê. Cùng đi với ngài có ông bạn Alypiô và cậu con trai tên là Adeodatô. Sau ba tháng làm việc, thánh nhân bán hết gia tài lấy tiền cho kẻ khó. Vào kỳ này ngài cũng xuất bản nhiều sách như cuốn “Bách khoa văn học”, “Luận về âm nhạc”… Bán hết gia tài, chuyên dùng ngòi bút phụng sự nhân loại, thánh Âutinh chưa lấy làm thoả mãn. Mỗi ngày ngài cảm thấy mãnh liệt hơn, tiếng Chúa gọi ngài làm “thợ gặt” cho đồng lúa nước trời. Cái chết thánh thiện nhưng bất ngờ của người con yêu, thêm vào đó tình trạng một xã hội văn minh nhưng suy đồi về đạo lý, lúc bấy giờ đã giúp ngài hăng hái nghe theo tiếng Chúa. Ngài lên đường đi Hippôniê giúp việc truyền giáo cho một vị Giám mục lão thành tên là Valêriô. Sau mấy năm làm việc, Âutinh tỏ ra có một thiên tài lãnh đạo và đời sống thánh thiện cao vời. Vì thế năm 391, ngài được chịu chức linh mục và lãnh sứ mệnh giảng Phúc âm chống lại bè rối Donat (do Giám mục Donat lãnh đạo phát xuất ở Cathargô vào thế kỷ IV).

Bốn năm sau, tức 395, ngài thụ phong Giám mục kế vị Đức Valêrriô. Tiếp tục công cuộc truyền giáo của đức tiên Giám mục, thánh Âutinh không bao giờ sao nhãng bổn phận của kẻ chăn chiên. Suốt 15 năm ngài giảng dạy hầu như hằng ngày tại nhà thờ chính toà “Hòa Bình”. Lời giảng dạy của ngài đơn sơ và hấp dẫn, tuy nhiên không kém bề sâu sắc về thần học. Vì thế, đi đôi với đời sống thánh thiện, lời giảng của thánh giám mục đã gây nên nhiều ảnh hưởng sâu rộng, không những trong địa phận, trong các giáo đoàn Phi châu, mà còn lan đến khắp nơi như Rôma, Pháp, Tây Ban Nha. Người ta càng ca ngợi trí thông minh, đức khôn ngoan của ngài bao nhiêu, thì lại càng phải thầm phục đức nhẫn nại, lòng khiêm tốn và bác ái của ngài bấy nhiêu.

Suốt đời làm Giám mục, thánh Âutinh hết sức thân mật với các linh mục dưới quyền. Ngài ăn mặc đơn sơ không khác gì linh mục. Ngài lưu tâm cách riêng đến việc huấn khuyên các linh mục, nhất là việc đào tạo các chủng sinh. Ngài muốn tất cả các linh mục trong địa phận sống chung như một cộng đồng, thành thực giúp đỡ nhau trong mọi công việc. Đường lối huấn luyện của ngài đã hiến cho Giáo hội Phi châu nhiều vị linh mục thánh thiện và khôn ngoan.

Về văn hóa, chúng ta không thể kể cho hết được những tác phẩm ngài đã viết. Theo ngài, viết sách là một phương pháp truyền giáo mà ảnh hưởng sâu xa và bền bỉ nhất. Ngay mấy năm đầu đời Giám mục, ngài đã viết bộ “Tự Thuật” bằng một lối văn hết sức sống động. Nó vừa kể lại cho chúng ta đời sống thân mẫu ngài là thánh nữ Monica và đời sống riêng của ngài, vừa gợi lên những lời ca ngợi cảm ơn và thống hối của một linh hồn yêu mến chân lý sau bao nhiêu ngày tìm kiếm. Hơn thế, nó còn chứa đựng nhiều tư tưởng thần học. Và năm 400, thánh Giám mục lần lượt cho xuất bản nhiều tác phẩm về minh giáo, huấn đức, thần học, chú giải Thánh Kinh và văn chương triết học.

Bấy giờ thánh Giám mục Âutinh đương nhiên là một trong những cột trụ chống đỡ lâu đài Giáo hội. Chính ngài đã hăng hái chống đỡ với các bè rối Manes (chủ trương thuyết nhị nguyên), Pélagianismô do thánh Pêlagiô hiểu sai về ân sủng và Donatismô. Ngài làm việc không ngừng cho đến năm 76 tuổi thì ngã bệnh nặng. Những cơn sốt rét kinh niên đã phá hoại sinh lực của ngài. Nhưng bù lại, Chúa ban cho ngài ơn làm phép lạ để đem sức sống và nguồn vui đến cho nhiều người bị quỷ ám và bệnh tật.
Tháng 8 năm 430, ngài biết giờ chết đã gần đến, ngài truyền cho Hêracliô, người kế vị tương lai của ngài, trải lên phía bên giường ngài những tấm giấy da, và viết lên đó những lời ca vịnh thống hối. Rồi cho đến lúc tắt nghỉ, ngài đọc đi đọc lại lời: “Sự chết sẽ bị hủy diệt trong vinh thắng, và chúng ta sẽ được tự do chiêm ngưỡng Thiên Chúa trong hòa bình vĩnh cửu, sẽ trở thành công dân thành Giêrusalem, thành thánh của Thiên Chúa (Tv 143).

Thánh nhân qua đời ngày 28.8.430 tại Hippôniê. Xác thánh ngài sau được cải táng và đem về Pavia.
Sau những năm tận tụy với sứ mệnh tông đồ, thánh Âutinh về trời để lại cho Giáo hội một học thuyết làm tường thành chống đỡ đức tin Công giáo. Học thuyết ấy sẽ còn mãi với Giáo hội, với tinh thần Phúc âm Chúa Kitô, vì nó đã được kiến tạo do tình yêu và đã hoạt động cho tình yêu như lời ngài đã viết: “Hãy yêu đã và rồi làm điều bạn muốn” (Ama et fac quod vis).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét