9 thg 8, 2013

LÚC KHÔNG BIẾT GIỜ KHÔNG NGỜ...

"Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến." (Lc 12,40)
Suy niệm Lời Chúa CN 19 TN C


Nhờ khoa học, vốn học, thời nay, con người ta đang biết quá nhiều chuyện trên đời, kể cả những điều bí mật nhất trong vũ trụ, trong thiên nhiên. Tiếc là, chỉ còn một điều mà cả triệu năm rồi chưa ai dám nói mình biết: giờ chết. Giờ chết của chính mình thì không biết đã đành, giờ chết của người thân đang nằm hấp hối trước mắt mình kia, đôi khi cũng đoán non đoán già mà không chính xác nổi. Đúng là sự chết thì cố định, giờ chết thì bất ngờ.

Đã không biết giờ chết, đôi khi chúng ta lại còn không muốn biết, không dám biết, không cần biết, chẳng quan tâm đến sự chết… vì muốn cho cuộc sống mình cứ thoải mái khỏi bị ám ảnh về một lần từ biệt, một lần chỉ đi từ nhà ra tới nghĩa trang thôi mà là chuyến đi xa muôn trùng:

Tưởng gần mà lại hóa xa
Ấy lần từ biệt căn nhà trần gian
Bao nhiêu đưa tiễn bàng hoàng
Tưởng người bất động trong quan tài buồn
(Hồ Giang A)

Nếu các Ki-tô Hữu Công Giáo hiểu rằng sự chết cố định, giờ chết bất ngờ, ý nghĩa của sự chết là một cuộc trở về quê hương mới, hẳn không cần bận tâm tới giờ chết nữa, nhưng điều đáng bận tâm là việc chuẩn bị cho sự chết thế nào, để biến cố ấy kết thúc một hành trình quý giá, và mở ra một cuộc sống mới với Thiên Chúa, một cuộc sống mới của thần linh. Chúng ta vẫn nghe, vẫn hát: “Cuộc sống này chỉ thay đổi mà không mất đi” (Kinh Tiền Tụng lễ cầu hồn – Bài hát Sự Sống Thay Đổi, Ns. Phanxicô). Thay đổi như thế nào?  Nếu chỉ dừng lại ở điểm “thay đổi” thôi, thì vẫn còn mơ hồ lắm. Có nhiều người vẫn ước gì thay đổi có nghĩa là mình sẽ lại tiếp tục làm người, nhưng là người tốt lành thánh thiện. Sao không xác tín cách mạnh mẽ rằng: việc thay đổi ấy là thay đổi tình trạng sống tạm bợ thành tình trạng sống vĩnh cửu, thay đổi từ tình trạng “người” sang tình trạng “thần linh”?

Chuẩn bị là sống mật thiết với Chúa Giê-su
Như vậy, việc chuẩn bị cho sự chết phải là việc sống thiết thân với Chúa Giê-su, trở thành bạn hữu của Chúa Giê-su trong cõi sống trần gian này, để được sống, được là bạn hữu của Thiên Chúa trong cõi sống muôn đời.
Không! Người đang hát lời thương
Hân hoan về với quê hương muôn đời
Bởi trong suốt cuộc làm người
Đã nên bạn hữu của Người, Giê-su
(Hồ Giang A)

Chuẩn bị bằng việc sống thiết thân với Chúa Giê-su là nghe và thực hiện Lời Người đã dạy, đi con đường Ngài đã đi, yêu như Ngài đã yêu, sống như Ngài đã sống, đồng hình đồng dạng, đồng tâm, đồng chí, đồng ý, đồng bàn với Ngài trong mọi tình huống cuộc đời.  Và cuối cùng, cùng chết với Ngài để hoàn tất lời xin vâng tuyệt đối, để được cùng sống lại với Ngài, để làm vinh danh Thiên Chúa Cha, trở về với Cha. Việc chuẩn bị ấy, Chúa Giê-su gọi là biết “thắt lưng, thắp đèn, tỉnh thức” đón chờ Chúa đến. Cụ thể hơn, kết hiệp với Thánh Thể Chúa Giê-su. Tôi nhớ lần thăm anh bạn bịnh ung thư nằm tại bệnh viện Chợ Rẫy. Sau mấy lời thăm, anh cảm ơn, rồi nắm lấy tay tôi và nói: “Anh Hoàng ơi! Tôi tạ ơn Chúa.  Ung thư, đau đớn lắm, nhưng để mình có thời gian chuẩn bị đón Chúa đến, trở về với Chúa. Có các Sơ đem Của Ăn Đàng cho tôi anh à. Mừng lắm”. Sau sáu tháng kiên trì, chờ đợi, Anh đã được Chúa gọi về ngay hôm lễ Chúa Lên Trời 2013.

Trong khi đó, ma quỷ không muốn cho con người hiểu rằng chết là hạnh phúc, là cuộc trở về với sự sống ngàn thu, nhờ tin vào Chúa Giê-su Phục Sinh. Bởi vì, chính Chúa Giê-su đã chiến thắng sự chết do tội lỗi và mở lối cho con người vào sự sống muôn đời của Thiên Chúa. Ma quỷ không muốn cho ai được cứu rỗi. Vì thế, chúng vẫn luôn luôn vẽ ra cho con người về sự kinh khủng của cái chết, cho con người tiếc nuối về sự sống với bao nhiêu khoái lạc ở trần gian, cho con người tìm đủ cách để kéo dài sự sống tạm bợ này.

Ma quỷ rất sợ chúng ta kết hiệp mật thiết với Chúa Giê-su để chuẩn bị đàng hoàng cho chuộc gặp gỡ ấy. Vì thế, chúng luôn tìm cách tách chúng ta ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa, trong Đức Giê-su. Đã vậy, đối với những con người chưa tin vào Thiên Chúa, chúng gieo trong lòng họ tư tưởng rằng ‘chẳng có Thiên Chúa đâu, chết là hết, nên chi phải hưởng thụ đời này cho no say, cho bưa, cho đã’. Với các Ki-tô hữu, chúng lại gieo tư tưởng nguy hiểm nhất rằng: chưa chết đâu, còn lâu mới chết! “Em rất khỏe, trẻ, đẹp, giàu, sang, hiền lành, phúc hậu, đạo đức, nết na… và nhất là “em chưa chết đâu em, em hãy còn sống lâu, đẹp mãi”. Cơn cám dỗ ấy thật dễ nghe, dễ chịu. Từ đó, con người ta ra công lo cho cái trẻ, cái đẹp, cái giàu sang hưởng thụ ở sự sống đời này, mà quên hẳn đi chuẩn bị cần thiết cho giờ Chúa đến. Khi các Ki-tô hữu Công Giáo quên hẳn đi việc kết hiệp với Chúa Giê-su, lao mình vào các cuộc ăn chơi hưởng thụ vật chất đời này, ấy là lúc ma quỷ ăn mừng thành công vĩ đại của nó. Chúng nó còn mừng vui hơn nữa khi thấy những người mắc bẫy của chúng là những người đáng lý ra phải làm gương sáng về việc chuẩn bị.

Nhớ đến Chúa Giê-su
Thiết tưởng, trong cuộc đời, mỗi chúng ta có trăm ngàn chuyện nhớ, nỗi nhớ. Mà nỗi nhớ quan trọng nhất cho đời sau là nhớ đến Chúa Giê-su, Đấng Cứu Chuộc ta, thì chúng ta lại quên.
Những người tình nhớ nhau, nhớ quay quắt, nhớ điên dại, nhớ hình dáng, tiếng nói, nhớ cái nắm tay, nhớ nụ hôn nồng, nhớ kỷ niệm bềnh bồng lãng du lãng mạn…Sao chúng ta lại không thể nhớ đến Chúa Giê-su với một chút nồng nàn như ta nhớ đến chuyện tình, tiền trên gian trần này? Câu trả lời rất đơn giản vì ta đang yêu Chúa Giê-su quá ít!

Xin mượn mấy câu thơ của Hương Nam, trong bài “Ước Gì, Nỗi Nhớ…”
Ước gì nỗi nhớ Thiên Đàng
Gấp đôi nỗi nhớ trần gian hư phù
Mỗi ngày nhớ Chúa Giê-su
May ra hiểu cõi thiên thu thế nào…

 Lạy Chúa, xin cho chúng con yêu Chúa Giê-su thật nhiều, và nhớ Chúa Giê-su nhiều hơn nhớ đến chuyện sống chết và giờ nào con phải chết. A men.

PM. Cao Huy Hoàng, 09-8-2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét