30 thg 8, 2015

Trả lại tự do (31.8.2015 – Thứ hai Tuần 22 Thường niên)


Lời Chúa: Lc 4, 16-30
16 Rồi Đức Giê-su đến Na-da-rét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát, và đứng lên đọc Sách Thánh.17 Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ I-sai-a. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng:18 Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức,19 công bố một năm hồng ân của Chúa. 20 Đức Giê-su cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người.21 Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.”22 Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người. 23 Người nói với họ: “Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ: Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình! Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Ca-phác-na-um, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào! “24 Người nói tiếp: “Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình. 25 “Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: vào thời ông Ê-li-a, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Ít-ra-en;26 thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xa-rép-ta miền Xi-đôn.27 Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Ê-li-sa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Ít-ra-en, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Na-a-man, người xứ Xy-ri thôi.” 28 Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ.29 Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành -thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực.30 Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.  

Suy niệm
Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Luca kể chuyện Đức Giêsu 
đến giảng tại hội đường Nadarét, vào một ngày sa-bát (c. 16),
Dù trước đó Ngài đã giảng tại Caphácnaum và nhiều nơi khác (cc. 15. 23),
nhưng thánh Luca đã cố ý đặt ngay ở đầu sứ vụ công khai
cuộc gặp gỡ đặc biệt này giữa Ngài với người đồng hương ở Nadarét.
Đây là nơi Đức Giêsu tuyên bố chương trình sắp tới của Ngài.
Chương trình ấy được gói trong những câu trích dẫn từ ngôn sứ Isaia.
Được thụ thai bởi quyền năng Thánh Thần (Lc 1, 35),
và được lãnh nhận Thần Khí khi chịu phép rửa (Lc 3, 22),
Đức Giêsu đã được xức dầu để nhận lãnh sứ mạng làm ngôn sứ.
Sứ mạng này chủ yếu là loan báo Tin Mừng cho người nghèo.
Loan báo Tin Mừng là động từ hay được Luca sử dụng (4, 43; 7, 22; 8,1…).
Tin Mừng này trước hết dành cho người nghèo theo nghĩa đen,
nghĩa là những người không có thu nhập cao, không đủ ăn, đủ mặc.
Ai là người nghèo nữa dưới mắt của Đức Giêsu ?
Đó là những người nghèo tự do, phải chịu cảnh giam cầm.
Họ có thể là những người bị tù đày chỉ vì không có tiền trả nợ.
Đó là những người nghèo sức khỏe,
họ bị coi là chịu sự trói buộc của Xa-tan (Lc 13, 16), 
Đó là những người nghèo đời sống tâm linh, 
họ phạm tội nên thấy mình xa cách Thiên Chúa và cộng đoàn.
Đức Giêsu đến để giải thoát những người nghèo này khỏi áp bức.
Ngài kéo họ ra khỏi cảnh nô lệ và trả lại tự do cho họ.
Chính vì thế Tin Mừng của Nước Thiên Chúa luôn đem lại niềm vui.
Đức Giêsu đã loan báo: Phúc cho anh em là người nghèo (Lc 6, 20).
Ngài đã chữa bệnh cho những kẻ ốm đau thân xác, 
đã mở mắt người mù để họ thấy ánh sáng của ơn cứu độ. 
Ngài cũng đã giao du và ăn uống với những tội nhân để đưa chiên lạc về.
Bởi đó thời của Đức Giêsu là Năm hồng ân, Năm Thánh.
Lời giảng của Đức Giêsu bước đầu đã được dân làng thán phục.
Họ có vẻ hãnh diện vì một người trong làng được lừng lẫy tiếng tăm.
Nhưng Đức Giêsu không muốn mình bị chi phối bởi dân làng.
Ngài không muốn bị buộc phải dành chút ưu tiên nào cho Nadarét (c. 23).
Đức Giêsu còn nhìn xa hơn đến sứ vụ nơi dân ngoại (cc. 25-27).
Ngài nhắc đến hai vị ngôn sứ trong Cựu Ước là Êlia và Êlisa.
Hai vị này đã giúp bà góa ở Xiđôn và tướng Naaman ở Xyri.
Dân Nadarét phẫn nộ và định giết Đức Giêsu khi Ngài nói rằng 
Thiên Chúa chỉ sai hai ngôn sứ trên đến với dân ngoại mà thôi.
Thế giới hôm nay giàu hơn, nhưng vẫn còn lắm người nghèo như xưa.
Nghèo vì thiếu những điều kiện sống cơ bản, thiếu những quyền lợi căn bản.
Nghèo vì chưa được nghe biết về Đức Giêsu, 
hay nghèo vì đã gạt Thiên Chúa ra khỏi đời mình.
Loan báo Tin Mừng là làm con người thực sự thêm giàu có.
Khi đọc Tin Mừng Luca và cả sách Công vụ Tông đồ 
dưới ánh sáng từ bài Tin Mừng hôm nay,
chúng ta sẽ thấy Đức Giêsu từ từ thực hiện những gì Ngài đã tuyên bố.
Trong bài này ta cũng thấy bóng dáng cả cuộc đời tương lai của Ngài:
được đón nhận lúc đầu, nhưng rồi bị khước từ, và cuối cùng bị giết chết.
Lời nguyện
Lạy Cha,
thế giới hôm nay cũng như hôm qua
vẫn có những người bơ vơ lạc hướng
vì không tìm được một người để tin ;
vẫn có những người đã chết từ lâu
mà vẫn tưởng mình đang sống ;
vẫn có những người bị ám ảnh bởi thần ô uế,
ô uế của bạc tiền, của tình dục, của tiếng tăm;
vẫn có những người mang đủ thứ bệnh hoạn,
bệnh hoạn trong lối nhìn, lối nghĩ, lối sống ;
vẫn có những người bị sống bên lề xã hội,
dù không phải là người phong…
Xin Cha cho chúng con nhìn thấy họ
và biết chạnh lòng thương như Con Cha.
Nhưng trước hết,
xin cho chúng con
nhìn thấy chính bản thân chúng con.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Chúa Nhật XXII Thường Niên - Năm B


Tin Mừng Mc 7,1-8.14-15.21-23  

Một hôm, có những người Pha-ri-sêu và một số kinh sư tụ họp quanh Đức Giê-su. Họ là những người từ Giê-ru-sa-lem đến. Họ thấy vài môn đệ của Người dùng bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa. Thật vậy, người Pha-ri-sêu cũng như mọi người Do-thái đều nắm giữ truyền thống của tiền nhân: họ không ăn gì, khi chưa rửa tay cẩn thận; thức gì mua ngoài chợ về, cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn; họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa như rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng. Vậy, người Pha-ri-sêu và kinh sư hỏi Đức Giê-su: "Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa?" Người trả lời họ: "Ngôn sứ I-sai-a thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng: Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân. Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm." … Sau đó, Đức Giê-su lại gọi đám đông tới mà bảo: "Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ: Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế… Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế."
Sunday XXII in Ordinary Time - Year B

Gospel Mk 7,1-8.14-15.21-23  
 

When the Pharisees with some scribes who had come from Jerusalem
gathered around Jesus,
they observed that some of his disciples ate their meals
with unclean, that is, unwashed, hands.
--For the Pharisees and, in fact, all Jews,
do not eat without carefully washing their hands,
keeping the tradition of the elders.
And on coming from the marketplace
they do not eat without purifying themselves.
And there are many other things that they have traditionally observed,
the purification of cups and jugs and kettles and beds. --
So the Pharisees and scribes questioned him,
"Why do your disciples not follow the tradition of the elders
but instead eat a meal with unclean hands?"
He responded,
"Well did Isaiah prophesy about you hypocrites, as it is written:
This people honors me with their lips,
but their hearts are far from me;
in vain do they worship me,
teaching as doctrines human precepts.
You disregard God's commandment but cling to human tradition."

He summoned the crowd again and said to them,
"Hear me, all of you, and understand.
Nothing that enters one from outside can defile that person;
but the things that come out from within are what defile.

"From within people, from their hearts,
come evil thoughts, unchastity, theft, murder,
adultery, greed, malice, deceit,
licentiousness, envy, blasphemy, arrogance, folly.
All these evils come from within and they defile."

29 thg 8, 2015

Từ trái tim con người (30.8.2015 – Chúa nhật 22 Thường niên, Năm B)


Lời Chúa: (Mc 7,1-8a.14-15.21-23)
1 Hôm ấy, có những người Pharisêu và một số kinh sư tụ họp quanh Ðức Giêsu. Họ là những người từ Giêrusalem đến. 2 Họ thấy vài môn đệ của Người dùng bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa. 3 Thật vậy, người Pharisêu cũng như mọi người Dothái đều nắm giữ truyền thống của tiền nhân: họ không ăn gì, khi chưa rửa tay cẩn thận; 4 thức gì mua ngoài chợ về, cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn; họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa như rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng. 5 Vậy, người Pharisêu và kinh sư hỏi Ðức Giêsu: “Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa? 6 Người trả lời họ: “Ngôn sứ Isaia thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng: Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. 7Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân. 8 Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm”.
14 Sau đó, Ðức Giêsu lại gọi đám đông tới mà bảo: “Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ: 15 Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ô uế. 21 Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, 22 ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. 23Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế.”
Suy Niệm
Ðoạn Tin Mừng hôm nay khởi đi từ một chuyện nhỏ,
chuyện các môn đệ không rửa tay trước khi ăn.
Ðối với người Pharisêu, sau khi ra nơi phố chợ,
người ta thường trở nên ô uế do đụng chạm.
Phải rửa tay, vì tay ô uế làm đồ ăn ô uế,
và đồ ăn ô uế sẽ khiến cả con người ô uế.
Ðức Giêsu đã long trọng khẳng định:
“Không có gì từ bên ngoài vào trong con người
lại có thể làm cho con người ra ô uế” (c.15).
Khẳng định này là một cuộc cách mạng trong Do Thái giáo,
bởi lẽ đời sống người Do Thái bị bao vây bởi nhiều cấm kỵ”
không được ăn thịt heo, hay thịt thú chết ngạt;
không được đụng vào xác chết, vào người phong cùi;
không được ăn chung với dân ngoại hay vào nhà người tội lỗi…
Ðụng vào hay ăn vào là ô uế ngay.
Ðức Giêsu đã phạm nhiều điều cấm kỵ,
đã phá đổ nhiều bức tường ngăn cách kẻ xấu – người tốt,
dân Do Thái và dân ngoại, nam và nữ, nô lệ và tự do…
Ngài hồn nhiên đến với những người bị coi là ô uế
để làm họ nên sạch.
Thật ra Ðức Giêsu chẳng phản đối gì chuyện rửa tay,
nhưng Ngài thấy nó có vẻ giả hình
vì người ta chẳng để ý đến chuyện tẩy rửa trái tim.
Rửa tay để được yên tâm, mãn nguyện,
tránh khỏi phải rửa tâm hồn là điều khó hơn.
Ðức Giêsu cho ta thấy cái ô uế thực sự
lại không đến từ đụng chạm hay ăn uống.
Cái ô uế đáng sợ nằm ngay trong trái tim mỗi người.
Nó không từ ngoài vào, nhưng từ trong ra.
Ngài kẻ ra 12 ý định xấu xa bắt nguồn từ trái tim,
ý định xấu dẫn đến hành động không đẹp (cc.21-22).
Cần trở về với trái tim của mình.
Ðó không phải là một cuộc dạo chơi,
nhưng là một thách đố dám nhìn cái tôi sau lớp mặt nạ.
“Hãy tạo cho mình một trái tim mới” (Ed 18,31).
Ðó là lệnh truyền của Ðức Chúa,
nhưng con người chẳng thể tự mình thay tim.
“Ta sẽ thanh tầy các ngươi.
Ta sẽ ban cho các ngươi một trái tim mới” (Ed 36,25tt).
Ðổi được trái tim là đổi được tất cả.
Lời Chúa hôm nay là một lời nhắc nhở Hội Thánh.
Truyền thống, luật lệ và nghi thức là điều cần thiết,
nhưng không được quên điều cốt tủy của luật Chúa là yêu thương.
Tôn kính Thiên Chúa qua phụng vụ là điều phải làm,
nhưng phải đặt trái tim và cuộc sống mình trong đó.
Chúng ta vẫn có thể lẫn lộn cái chính với cái phụ.
“Xin mọi người nghe tôi nói đây và hiểu cho rõ” (c.14).
Ðó là lời Ðức Giêsu nhắn nhủ đám đông ngày xưa
và chúng ta hôm nay.
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
xin dẫn con vào nhà của con,
căn nhà của trái tim,
căn nhà vừa quen vừa lạ.
Xin hãy cho con thấy
những phức tạp, rắc rối, những che đậy, giằng co,
những mâu thuẫn và vô lý nơi con.
Xin hãy cho con thấy
những nhỏ mọn, ích kỷ,
những yếu đuối, khô khan,
những cứng cỏi và tự ái nơi con.
Xin cho con ý thức
những lo âu, sợ hãi
đang đè nặng làm con ngột ngạt,
những nỗi đau thầm kín khiến đời con mất vui,
những vết thương không biết bao giờ lành,
những đỗ vỡ khiến lòng con khép lại.
Lạy Chúa Giêsu,
xin giúp con dọn những bề bộn nơi tim con.
Xin biến đổi tim con, để nó trở nên đơn sơ hơn,
hồn nhiên hơn và tươi tắn hơn.
Ước gì con nhìn mọi sự, mọi người,
bằng trái tim bao dung của Chúa.
Và ước gì khi đã ra khỏi nỗi bận tâm về mình,
trái tim con được nhẹ nhàng hơn và tự do hơn
để yêu mến mọi người. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Cái Chết Của Một Tiên Tri (29.08)




Qua lệnh truyền của một bạo chúa, một chiếc gươm gieo, một chiếc đầu rơi trong ngục tối. Ðó là những diễn tiến đã kết thúc cuộc đời của thánh Gioan Tẩy Giả, một biến cố mà Giáo Hội mời gọi chúng ta tưởng niệm hôm nay.
Chúng ta đã thấy một lời thề thiếu khôn ngoan, một quan niệm thiển cận về danh dự của một bạo chúa cũng như lòng hận thù của một hoàng hậu lăng loàn đã đưa Gioan Tẩy Giả vào cái chết. Nhưng đây là cái chết đã nâng ngài lên cao trên đài danh vọng, danh vọng của các vị tiên tri đích thực, vì Gioan cũng bị đau khổ, giam cầm và chết vì lời mình rao giảng.Gioan Tẩy Giả cũng đã tự ví mình là "tiếng kêu trong xa mạc: Hãy dọn đường lối cho ngay thẳng" và ngài đã đóng trọn vai trò này qua việc tích cực rao giảng và làm Phép Rửa thống hối. Tích cực vì ngài đã dám vạch mặt chỉ tên những vấp phạm của tất cả mọi người, không nể nang, không khiếp sợ, kể cả những tội lỗi của các vua chúa là những người nắm toàn quyền sanh sát thời bấy giờ, cụ thể là tội loạn luân của vua Hêrôđê và hoàng hậu Hêrôđiađê.
Qua đó, Gioan Tẩy Giả đã sống để nói lên sự thật và đã chết để bảo vệ sự thật: sự thật về hiện tình của xã hội, sự thật về thực trạng của từng cá nhân và sự thật về chính mình. Gioan tuyên bố rõ ràng ngài không phải là Ðấng Cứu Thế, nhưng chỉ là người được kêu gọi để đóng vai trò Tiền Hô chuẩn bị cho ngày Ðấng Cứu Tinh sẽ đến.

Mọi Kitô hữu chúng ta cũng được kêu mời để đáp lại tiếng gọi. Và mặc dù không ai có thể tái diễn vai trò của thánh Gioan Tẩy Giả, nhưng mọi Kitô hữu phải tiếp diễn sứ mệnh của ngài trong mọi hoàn cảnh mình đang sống. Ðó là sứ mệnh làm chứng nhân cho Chúa Giêsu.
(Radio Veritas Asia)

 

Đầu Gioan Tẩy giả (29.8.2015 – Thứ Bảy, Thánh Gioan Tẩy giả bị trảm quyết)


Lời Chúa: Mc 6, 17-29
Hồi ấy, vua Hêrôđê sai đi bắt ông Gioan và xiềng ông trong ngục. Lý do là vì vua đã lấy bà Hêrôđia, vợ của người anh là Philípphê, mà ông Gioan lại bảo: “Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài!” Bà Hêrôđia căm thù ông Gioan và muốn giết ông, nhưng không được. Thật vậy, vua Hêrôđê nể sợ ông Gioan vì biết ông là người công chính thánh thiện; vua che chở ông. Khi nghe ông nói, nhà vua rất phân vân, nhưng lại cứ thích nghe. Một ngày thuận lợi đến: nhân dịp mừng sinh nhật của mình, vua Hêrôđê mở tiệc thết đãi bá quan văn võ và các thân hào miền Galilê. Con gái bà Hêrôđia vào biểu diễn một điệu vũ, làm cho nhà vua và khách dư tiệc vui thích. Nhà vua nói với cô gái: “Con muốn gì thì cứ xin, ta sẽ ban cho con.” Vua lại còn thề: “Con xin gì, ta cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được.” Cô gái đi ra hỏi mẹ: “Con nên xin gì đây?” Mẹ cô nói: “Ðầu Gioan Tẩy Giả.” Lập tức cô vội trở vào đến bên nhà vua và xin rằng: “Con muốn ngài ban ngay cho con cái đầu ông Gioan Tẩy Giả, đặt trên mâm.” Nhà vua buồn lắm, nhưng vì lời thề, và khách dự tiệc, nên không muốn thất hứa với cô. Lập tức, vua sai thị vệ đi và truyền mang đầu ông Gioan tới. Thị vệ ra đi, chặt đầu ông ở trong ngục, bưng đầu ông trên một cái mâm trao cho cô gái, và cô gái trao cho mẹ. Nghe tin ấy, môn đệ đến lấy thi hài ông và đặt trong một ngôi mộ.
Suy nim:
Ngày sinh nhật của một người lại dẫn đến cái chết của một người khác. 
Nếu sự kiện xảy ra đúng như truyền thống mà Máccô nhận được và ghi lại 
thì thật là khủng khiếp. 
Ai có thể tưởng tượng nổi chuyện trong bữa tiệc sinh nhật của Hêrôđê, 
một cô bé dám bưng mâm, trên có cái đầu vừa bị chặt của một người, 
máu còn chảy ròng ròng, mắt đang nhắm hay mở? 
Cô bưng và vui vẻ trao cho mẹ cô. 
Mẹ cô sẽ bưng và trao cho ai cái đầu của Gioan, người mà bà căm ghét?
Bài Tin Mừng hôm nay cũng cho ta một số kinh nghiệm của Hêrôđê. 
Trước hết là kinh nghiệm bị giằng co giữa cái tốt và cái xấu. 
Hêrôđê Antipas đã bắt ông Gioan tẩy giả và xiềng ông trong ngục. 
Lý do vì Gioan đã cản trở cuộc hôn nhân sai trái của ông với Hêrôđia. 
Dầu vậy Hêrôđê vẫn biết Gioan là người công chính thánh thiện, 
vẫn sợ ông và che chở ông khỏi sự trả thù của Hêrôđia (cc. 19-20). 
Hêrôđê còn lương tâm khi ông thích nghe Gioan nói, dù rất bối rối khi nghe.
Kế đến là kinh nghiệm về sự thiếu chín chắn của Hêrôđê khi thề hứa. 
Cái gì đã xui khiến ông nói câu dại dột này với cô bé Salômê: 
“Con xin gì ta cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được” (c. 23)? 
Bầu khí cuồng nhiệt của bữa tiệc sinh nhật, hay điệu vũ đẹp mê hồn, 
hay rượu đã ngà ngà say, hay muốn chứng tỏ mình đầy quyền lực? 
Hay sự cộng hưởng của mọi yếu tố trên? 
Có những lời nói vội vã mà sau đó ta phải hối tiếc và trả giá.
Cuối cùng là kinh nghiệm về sự mất tự do trước khi quyết định. 
Khi cô bé xin cái đầu của Gioan, Hêrôđê hẳn đã sửng sốt ngỡ ngàng. 
Ông buồn hết sức vì mình đã lỡ thề hứa như vậy (c. 26). 
Ông có thể rút lại lời đã nói không? Dĩ nhiên là có. 
Nhưng nỗi sợ đã khiến ông không dám làm. 
Sợ từ chối cô bé, làm cho cô buồn và mẹ cô nổi giận, 
sợ bị mang tiếng là nuốt lời trước mặt bá quan văn võ. 
Nói chung ông sợ mất danh dự của mình, mất thiện cảm của người khác. 
Bởi vậy, dù Hêrôđê thấy việc giết Gioan là điều sai trái, 
ông vẫn không dám xin rút lại lời thề thiếu suy xét của mình. 
Cần can đảm để giữ lời hứa, nhưng có khi cần can đảm hơn để không giữ. 
Danh dự hão của Hêrôđê được mua bằng máu của một vị ngôn sứ lớn.
Hêrôđê đã can dự vào cái chết của Gioan. 
Ông chịu áp lực từ khách dự tiệc và mẹ con Hêrôđia. 
Philatô đã can dự vào cái chết của Đức Giêsu. 
Ông này chịu áp lực từ dân chúng và các thượng tế. 
Cả hai ông đều không có tự do, không có can đảm để tha cho người vô tội. 
Cả hai ông đều nghĩ đến mình, cái ghế của mình, danh dự của mình. 
Quyền lực được sử dụng như bạo lực, khiến người lành phải chết oan. 
Chúng ta xin cho mình luôn có tự do, để mọi quyết định phù hợp với ý Chúa.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
sám hối không phải là điều dễ dàng,
bởi lẽ chúng con không đủ khiêm tốn
để nhận mình lầm lỗi.
Chúng con ngỡ ngàng
khi thấy Chúa là Đấng vô tội
mà lại đứng chung với các tội nhân,
chờ Gioan ban phép Rửa.
Chúa đã muốn nên bạn đồng hành
với phận người mỏng dòn yếu đuối chúng con.
Xin cho chúng con biết thường xuyên điều chỉnh
lối nghĩ và lối sống của mình,
tỉnh táo để khỏi rơi vào ảo tưởng,
thành thật để khỏi tự dối mình.
Ước gì Chúa ban cho chúng con ơn hoán cải,
dám đi đến những hành động cụ thể,
và chấp nhận những cắt tỉa đớn đau.
Nhưng xin đừng quên ban cho chúng con
niềm vui của Giakêu,
hạnh phúc vì được tự do và được yêu mến.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

28 thg 8, 2015

TÁCH NƯỚC TRÀN ĐẦY


Ðể đả phá sự kiêu ngạo, người Nhật Bản thường kể câu chuyện sau: Có một nhà hiền triết nọ nổi tiếng về sự khôn ngoan và kiến thức. Ai ai cũng tìm đến vấn kế.
Ðể kiểm chứng điều đó, một hôm có một giáo sư đại học đến xin tiếp kiến nhà hiền triết. Ông trang bị cho mình không biết bao lý lẽ và kiến thức. 
Khi ông giáo sư đại học an tọa trong phòng khách, nhàhiền triết mới đưa một bình trà thật nóng ra tiếp khách .Ông bắt đầu rót nước vào tách của ông giáo sư . Những giọt nước trà nóng hổi không mấy chốc đã tràn ra tách, nhưng nhà hiền triết vẫn điềm nhiên rót tiếp. Nước tràn ra cả khay... Ông giáo sư nhìn nước tràn ra khay rồi nghĩ thầm trong lòng: thì ra con người mà thiên hạ tôn thờ như bậc thánh hiền chỉ là một con người lơ đễnh, bất chấp... Không còn đủ kiên nhẫn nữa, vị giáo sư mới nói lớn: "Thưa ngài tách trà đã đầy tràn, nước đang chảy lai láng ra bên ngoài cả khay kìa".
Lúc bấy giờ nhà hiền triết mới dừng tay lại và nói: "Cũng giống như tách này, đầu óc của ông tràn đầy văn hóa, kiến thức, tư tưởng và những định kiến. Nếu ông không dốc cạn tách trà của ông, thì làm sao tôi có thể nói với ông về triết thuyết của tôi, bởi vì triết thuyết của tôi chỉ dành cho những con người đơn sơ và cởi mở".
Có dốc cạn tâm hồn, có trở nên nghèo nàn, con người mới có thể được Thiên Chúa lấp đầy. Cái nghịch lý lớn nhất của cuộc đời là khi con người tìm cách lấp đầy tâm hồn mình bằng những của cải chóng qua ở đời này, thì đó cũng là lúc con người cảm thấy trống vắng nhất trong tâm hồn. Trái lại, càng dốc cạn chính mình, càng trở nên nghèo nàn, con người càng được Thiên Chúa lấp đầy, con người càng tìm thấy bình an và hạnh phúc đích thực.
(Radio Veritas Asia)

THÁNH ÂUTINH GIÁM MỤC TIẾN SĨ


Ngày 28 tháng 8
THÁNH ÂUTINH GIÁM MỤC TIẾN SĨ 
(+430)

Những vị thánh được gọi là đại thánh thường là những vị có một nếp sống trổi vượt trong thời bình sinh và còn để lại nhiều ảnh hưởng tốt đẹp sau lúc tạ thế. Thánh Âutinh, vị Giám mục khiêm tốn trong tỉnh nhỏ ở Phi châu, đáng vào sổ những “Ngôi sao” xuất sắc nhất. Ngài là một trong bốn vị tiến sĩ thời danh thuộc Giáo hội Phi châu. Ngài sống dịu hiền, khiêm tốn, dùng tài trí Chúa ban để huấn luyện những người dốt nát. Về tài trí, ngài là phượng hoàng, nhưng về cách sống, ngài là mẹ già đáng yêu.
Thagastê thuộc tỉnh Numidia nay gọi là Souk-Ahras đã hân hạnh là tổ quán của vị đại thánh. Ngài sinh ngày 13.11.354, trong một gia đình giầu có nhưng thiếu bầu khí đạo đức. Thân phụ tên là Patriciô một người ngoại đạo lại có tính hung dữ và cục cằn. Ông là con một gia đình tiểu tư sản ở vùng quê, nhưng đi lại và quen thuộc nhiều với giới quý tộc trên tỉnh và miền phụ cận. Vì thế, dù ngoại giáo, ông đã có thể kết duyên với một thiếu nữ trẻ đẹp và rất mực đạo hạnh tên là Monica. Monica chỉ vì muốn tuân theo ý Chúa nên đã gánh chịu bao cảnh đau lòng trong đời sống mới: đời sống làm dâu, làm vợ hiền, làm mẹ đầy hy sinh. Phải, chính đức vâng lời nhẫn nhục đối với cha mẹ, lòng hy sinh, chung thủy đối với người bạn trăm năm và tình yêu xả kỷ đối với con cái đã làm cho bà thành một vị đại thánh và thành ngôi sao bất diệt chỉ lối cho các bà mẹ. Bà sinh hạ được ba con: Âutinh là anh cả rồi đến Navigiô, sau cùng trở lại với anh, cuối cùng là cô gái út thùy mị và đạo đức. Lớn lên cô dâng mình cho Chúa, làm bề trên một tu viện và chết tại Hippôniê năm 424.
Mặc dầu sống trong một gia đình ngoại giáo, bà Monica không sao nhãng bổn phận thiêng liêng đối với con cái. Bà tìm hết cách cho các con được học hiểu lẽ đạo và chịu phép thanh tẩy. Vì thế, tuy thói quen bấy giờ người ta không rửa tội cho các trẻ em mới sinh, bà cũng gửi em bé Âutinh đến học các lớp trẻ dự tòng. Lúc ấy Âutinh mới tám tuổi (năm 362), cậu chỉ mê chơi, coi việc cắp sách đến trường là một gánh nặng. Biết tính con, bà Monica âm thầm chịu đựng, lấy nhẫn nhục và hiền dịu giáo dục con.
Âutinh nghịch ngợm và ương ngạnh, nhưng rất giàu tình cảm. Nhờ đó cậu cũng dễ cảm nhận phần nào lòng yêu thánh thiện của mẹ. Nhưng đặc biệt hơn cả là khiếu thông minh của cậu. Mãn tiểu học ở trường làng, cậu được cha cho lên học văn chương tại Madaurê. Cậu mê học La tinh hơn tiếng Hy lạp. Những tác phẩm của thi sĩ Vergiliô mở cho cậu một chân trời mới. Năm 370, cậu đến theo học khoa tu từ tại Carthagô, một thành phố hoa lệ và nổi tiếng văn học thời bấy giờ. Nơi đây cảnh phù hoa và những trào lưu tư tưởng ngoại giáo ảnh hưởng đến tâm hồn Âutinh, và biến chàng thanh niên ấy thành con người ham mê cuồng loạn, chơi bời trụy lạc và chiều theo những tư tưởng phản đức tin! Dầu vậy, với trí thông minh tuyệt bậc, Âutinh một sinh viên 18 tuổi đã thụ hưởng được nhiều kết quả tốt đẹp cho tương lai. Nhưng sắp sửa tốt nghiệp Luật khoa thì tin buồn: thân phụ từ trần đưa đến, làm gián đoạn việc học của Âutinh. Bỏ luật, Âutinh theo ban triết lý và kết thân với một sinh viên trẻ tuổi tên Alypiô, sau làm Giám mục Thagastê. Theo lời khuyên của bạn, Âutinh bắt đầu ham học Kinh Thánh. Nhưng chẳng bao lâu ngài thấy chán ngán vì nhiều đoạn khó hiểu với lối văn La tinh vụng về. Thấy không thoả mãn trong việc nghiên cứu Thánh Kinh, lại rối loạn vì những dục tình đang nổi dậy trong tâm hồn. Âutinh tin theo thuyết nhị nguyên của Manes. Khi trở về Thagastê với tư cách một giáo sư văn phạm, ngài còn tìm hết cách khuất phục Rômanianô và Alypiô. Cách sống của Âutinh đã gieo vào lòng bà Monica nhiều đau khổ. Vừa mới được đôi chút vui mừng vì cái chết thống hối và lành thánh của người chồng, thì lúc này bà phải se lòng nhìn thấy con cứ cố chấp để lăn mình xuống vực thẳm.
Bà Monica đau đớn thấy con phản bội chân lý, nhưng Chúa gìn giữ bà bằng một giấc mộng: Bà nhìn thấy con đứng sát cạnh bà trên một thước gỗ, mà sau này thánh Âutinh đã kể lại như sau: “Bấy giờ mẹ tôi thấy một thanh niên chói sáng đến cùng người và hỏi tại sao mà khóc. Người trả lời rằng: “Tôi khóc linh hồn con tôi”. Người thanh niên trẻ đẹp đó trả lời: “Ồ, bà đừng khóc nữa, hãy trông đứa con bà, bà ở đâu thì nó ở đó; rồi người nhìn tôi và thấy tôi cùng đứng trên thềm đó. Phải chăng đó là dấu “Người con của bao nước mắt sẽ không hư đi đời đời!” Nhưng với tuổi trẻ kiêu hãnh, Âutinh không muốn nghe những lời khuyên lơn của mẹ. Người đột ngột trở lại Carthagô, mở trường dạy khoa hùng biện với sự cộng tác của Rômanianô và Alypiô.
Mùa thu năm 383, Âutinh cảm thấy tâm hồn nặng trĩu u buồn, một phần vì chán cái nghề dạy học, một phần đau đớn vì cái chết của một người bạn chí thiết! Nhưng chính lúc tâm hồn sầu muộn ấy, ơn Chúa đến hòa tan với những giọt nước mắt của bà Monica đã cảm hóa tâm hồn Âutinh: ngài nhận thấy bè rối mình theo trong mười năm trời là một sự ngược ngạo vô lý! Âutinh lập tức từ bỏ.
Sự thay đổi lớn lao bấy được thể hiện bằng ý định đi Rôma, ngài muốn tìm lại sự thanh thản cho tâm hồn. Nhưng có ngờ đâu khổ cực lại dồn dập đến hơn mọi lúc. Trong khi thân xác bị những cơn sốt rét dằn vật hành hạ, tâm trí quay cuồng vì những tư tưởng phản đạo, thì tâm hồn ngài còn bị những hình ảnh tội lỗi sống lại dày vò; ngài cảm thấy như bị Thiên Chúa ruồng bỏ, sau này nhớ lại phút đen tối ấy, ngài đã thốt lên: “Lạy Chúa, con sẽ đi đâu nếu Chúa để con chết bấy giờ”. Khỏi bệnh, Âutinh được mời làm giáo sư hùng biện tại Milanô. Như thế ngài có dịp đi lại thân mật với thánh Giám mục Ambrôsiô, với tính tình niềm nở và đời sống thánh thiện, thánh Giám mục chiếm được lòng cảm phục và tín nhiệm của Âutinh. Chính ngài cũng đã giúp Âutinh tìm hiểu nhiều về Thánh Kinh. Cũng nhờ lời khuyên của thánh Giám mục Ambrôsiô, Âutinh bắt đầu sống đời thành thực và ngoan ngoãn với mẹ hơn. Ít ngao du đàng điếm, từ nay Âutinh luôn sống gần mẹ, ngày đêm chăm đọc sách Thánh, nhất là thư thánh Phaolô. Chính vào thời kỳ này ngài đã lãnh nhận được ánh sáng đức tin để can đảm cắt đứt những sợi dây tình dục của tuổi thanh niên trói buộc mình. Ngày kia, trong lúc tâm hồn thác loạn vì những tình dục, Âutinh đã nghe thấy tiếng phán bảo: “Hãy cầm lấy mà đọc, hãy cầm lấy mà đọc”. Âutinh bèn lấy thư thánh Phaolô mở ra và gặp những câu: “Đừng sống theo dục tình và lạc thú dâm ô nữa, nhưng hãy mặc lấy Chúa Kittô…” Đặt sách xuống, Âutinh quyết định trở về với chân lý! Ngài mau mắn đem tin vui mừng ấy cho bà Monica. Niềm vui hiện lên nét mặt, hai mẹ con cùng quỳ gối cảm tạ Chúa (Conf. VIII-8).
Từ nay Âutinh cảm thấy tâm hồn tươi vui như một bông hoa nở dưới ánh mặt trời. Ngài được Đức Giám mục Ambrôsiô ban phép Thánh tẩy đêm lễ Phục sinh 25.4.378.
Sau đó vì bị bệnh đau cuống phổi, Âutinh phải cùng mẹ rời bỏ Milanô về nhà một người bạn tại Cassicaum. Nhờ những ngày sống thanh tĩnh, Âutinh đã nâng lòng lên suy gẫm nhiều điều siêu nhiên.
Thời gian hạnh phúc này nhắc Âutinh và mẹ ngài nhớ tới xứ Thagaste là quê hương thân yêu của hai người. Bà Monica muốn cùng với con trở về quê hương yêu dấu. Nhưng khi trở về tới hải cảng Ostia thì bà Monica phải bệnh và từ trần cách êm ái tại đây. Tâm hồn đau đớn, nước mắt muốn trào ra, Âutinh thầm hiểu rằng mẹ không chết, nhưng là bỏ đời “nước mắt” để qua hưởng hạnh phúc vĩnh cửu thiên quốc. Vì thế, táng xác mẹ xong, Âutinh giãn việc trở về Phi châu, ngài dừng lại ở Rôma thu tập các tài liệu và viết mấy tác phẩm minh giáo chống lại bè rối Manes.
Cho đến cuối năm 388, Âutinh mới trở về Carthagô và Thagastê. Cùng đi với ngài có ông bạn Alypiô và cậu con trai tên là Adeodatô. Sau ba tháng làm việc, thánh nhân bán hết gia tài lấy tiền cho kẻ khó. Vào kỳ này ngài cũng xuất bản nhiều sách như cuốn “Bách khoa văn học”, “Luận về âm nhạc”… Bán hết gia tài, chuyên dùng ngòi bút phụng sự nhân loại, thánh Âutinh chưa lấy làm thoả mãn. Mỗi ngày ngài cảm thấy mãnh liệt hơn, tiếng Chúa gọi ngài làm “thợ gặt” cho đồng lúa nước trời. Cái chết thánh thiện nhưng bất ngờ của người con yêu, thêm vào đó tình trạng một xã hội văn minh nhưng suy đồi về đạo lý, lúc bấy giờ đã giúp ngài hăng hái nghe theo tiếng Chúa. Ngài lên đường đi Hippôniê giúp việc truyền giáo cho một vị Giám mục lão thành tên là Valêriô. Sau mấy năm làm việc, Âutinh tỏ ra có một thiên tài lãnh đạo và đời sống thánh thiện cao vời. Vì thế năm 391, ngài được chịu chức linh mục và lãnh sứ mệnh giảng Phúc âm chống lại bè rối Donat (do Giám mục Donat lãnh đạo phát xuất ở Cathargô vào thế kỷ IV).
Bốn năm sau, tức 395, ngài thụ phong Giám mục kế vị Đức Valêrriô. Tiếp tục công cuộc truyền giáo của đức tiên Giám mục, thánh Âutinh không bao giờ sao nhãng bổn phận của kẻ chăn chiên. Suốt 15 năm ngài giảng dạy hầu như hằng ngày tại nhà thờ chính toà “Hòa Bình”. Lời giảng dạy của ngài đơn sơ và hấp dẫn, tuy nhiên không kém bề sâu sắc về thần học. Vì thế, đi đôi với đời sống thánh thiện, lời giảng của thánh giám mục đã gây nên nhiều ảnh hưởng sâu rộng, không những trong địa phận, trong các giáo đoàn Phi châu, mà còn lan đến khắp nơi như Rôma, Pháp, Tây Ban Nha. Người ta càng ca ngợi trí thông minh, đức khôn ngoan của ngài bao nhiêu, thì lại càng phải thầm phục đức nhẫn nại, lòng khiêm tốn và bác ái của ngài bấy nhiêu.
Suốt đời làm Giám mục, thánh Âutinh hết sức thân mật với các linh mục dưới quyền. Ngài ăn mặc đơn sơ không khác gì linh mục. Ngài lưu tâm cách riêng đến việc huấn khuyên các linh mục, nhất là việc đào tạo các chủng sinh. Ngài muốn tất cả các linh mục trong địa phận sống chung như một cộng đồng, thành thực giúp đỡ nhau trong mọi công việc. Đường lối huấn luyện của ngài đã hiến cho Giáo hội Phi châu nhiều vị linh mục thánh thiện và khôn ngoan.
Về văn hóa, chúng ta không thể kể cho hết được những tác phẩm ngài đã viết. Theo ngài, viết sách là một phương pháp truyền giáo mà ảnh hưởng sâu xa và bền bỉ nhất. Ngay mấy năm đầu đời Giám mục, ngài đã viết bộ “Tự Thuật” bằng một lối văn hết sức sống động. Nó vừa kể lại cho chúng ta đời sống thân mẫu ngài là thánh nữ Monica và đời sống riêng của ngài, vừa gợi lên những lời ca ngợi cảm ơn và thống hối của một linh hồn yêu mến chân lý sau bao nhiêu ngày tìm kiếm. Hơn thế, nó còn chứa đựng nhiều tư tưởng thần học. Và năm 400, thánh Giám mục lần lượt cho xuất bản nhiều tác phẩm về minh giáo, huấn đức, thần học, chú giải Thánh Kinh và văn chương triết học.
Bấy giờ thánh Giám mục Âutinh đương nhiên là một trong những cột trụ chống đỡ lâu đài Giáo hội. Chính ngài đã hăng hái chống đỡ với các bè rối Manes (chủ trương thuyết nhị nguyên), Pélagianismô do thánh Pêlagiô hiểu sai về ân sủng và Donatismô. Ngài làm việc không ngừng cho đến năm 76 tuổi thì ngã bệnh nặng. Những cơn sốt rét kinh niên đã phá hoại sinh lực của ngài. Nhưng bù lại, Chúa ban cho ngài ơn làm phép lạ để đem sức sống và nguồn vui đến cho nhiều người bị quỷ ám và bệnh tật.
Tháng 8 năm 430, ngài biết giờ chết đã gần đến, ngài truyền cho Hêracliô, người kế vị tương lai của ngài, trải lên phía bên giường ngài những tấm giấy da, và viết lên đó những lời ca vịnh thống hối. Rồi cho đến lúc tắt nghỉ, ngài đọc đi đọc lại lời: “Sự chết sẽ bị hủy diệt trong vinh thắng, và chúng ta sẽ được tự do chiêm ngưỡng Thiên Chúa trong hòa bình vĩnh cửu, sẽ trở thành công dân thành Giêrusalem, thành thánh của Thiên Chúa (Tv 143).
Thánh nhân qua đời ngày 28.8.430 tại Hippôniê. Xác thánh ngài sau được cải táng và đem về Pavia.
Sau những năm tận tụy với sứ mệnh tông đồ, thánh Âutinh về trời để lại cho Giáo hội một học thuyết làm tường thành chống đỡ đức tin Công giáo. Học thuyết ấy sẽ còn mãi với Giáo hội, với tinh thần Phúc âm Chúa Kitô, vì nó đã được kiến tạo do tình yêu và đã hoạt động cho tình yêu như lời ngài đã viết: “Hãy yêu đã và rồi làm điều bạn muốn” (Ama et fac quod vis).

AUGUSTINO - Con Yêu Chúa Quá Muộn Màng !


"Lạy Chúa, con yêu mến Chúa quá trễ: Ôi vẻ đẹp của ngàn xưa nhưng muôn thuở vẫn còn tươi mát, trẻ trung.
Con yêu mến Chúa quá trễ: Chúa ở bên trong tâm hồn, còn con, con sống hời hợt bên ngoài và chỉ chú tâm tìm kiếm Chúa ở đó.
Chúa hiện diện ở trong con nhưng con không sống ở trong Chúa. Nhiều tạo vật đã kềm hãm khiến con sống xa Chúa.
Chúa đã gọi tên con, Chúa đã lớn tiếng kêu gọi con, Chúa đã đâm thủng đôi tai giả điếc làm ngơ của con.
Chúa đã tỏa ánh sáng chiếu soi và đã phá tan màn đêm tối dày đặc nơi con.
Chúa thở ra hơi thơm ngào ngạt, con hít vào và con khao khát Chúa. Chúa đã chạm đến con và con luôn cảm thấy nung nấu được hưởng sự bình an của Chúa".
Trên đây là một đoạn trong quyển "Tự Thú" của thánh Augustinô, vị thánh Giáo Hội mừng kính hôm nay. Sau khi ăn năn trở lại, ngài đã nhận lãnh Phép Rửa vào năm 33 tuổi, chỉ sau đó 3 năm ngài được phong chức linh mục, 5 năm sau đó được đề cử làm giám mục thành Hippone.
Duyệt qua cuộc sống của thánh Augustinô, chúng ta có thể nói: Ngài là một tội nhân đã trở thành thánh nhân nhờ được Thiên Chúa đến gõ cửa lòng bằng câu nói mạnh mẽ của thánh Phaolô: "Ðừng sống theo dục tình và lạc thú dâm ô, nhưng hãy mặc lấy Ðức Giêsu Kitô".
Và kể từ đó, có thể nói được là Tình Yêu Thiên Chúa không bao giờ buông tha ngài, trái lại tạo trong tâm hồn ngài một sự khắc khoải và khao khát để đáp trả lại lời mời gọi yêu thương của Thiên Chúa.
Ngoài lời mời gọi và thôi thúc của Tình Yêu Thiên Chúa, quãng đầu cuộc đời của Augustinô, một tội nhân trở thành thánh nhân, có lẽ được vẽ lại bằng những nét chấm phá và những bàn tay cộng tác với ơn Chúa trong việc hoán cải như sau:
Trước tiên, cường độ của sức sống nơi ngài trên con đường thụt lùi xa lìa Thiên Chúa cũng như cường độ mãnh liệt hơn của sức sống ấy trên con đường tiến về Thiên Chúa.
Tiếp đến, những dòng nước mắt sầu đau và những kinh nguyện thành tâm của mẹ ngài, bà thánh Mônica dâng lên Thiên Chúa trong kiên tâm, bền chí ròng rã bao năm trời.
Và sau cùng là sự hướng dẫn tận tình của thánh Giám Mục Ambrôsiô.
Tất cả những yếu tố trên cộng lại đã giúp chuyển tình yêu cuộc sống thành một cuộc sống cho và vì Tình Yêu, như thánh nhân đã tự thú trong đoạn sách được trích dẫn ở trên: "Lạy Chúa, con yêu mến Chúa quá trễ, ôi vẻ đẹp của ngàn xưa, nhưng muôn thuở vẫn còn tươi mát, trẻ trung".
(Radio Veritas Asia)

Vừa mang đèn, vừa mang dầu (28.8.2015 – Thứ sáu Tuần 21 Thường niên)


Lời Chúa: Mt 25, 1-13
1 “Bấy giờ, Nước Trời sẽ giống như chuyện mười trinh nữ cầm đèn ra đón chú rể.2 Trong mười cô đó, thì có năm cô dại và năm cô khôn.3 Quả vậy, các cô dại mang đèn mà không mang dầu theo.4 Còn những cô khôn thì vừa mang đèn vừa mang chai dầu theo.5 Vì chú rể đến chậm, nên các cô thiếp đi, rồi ngủ cả.6 Nửa đêm, có tiếng la lên: “Chú rể kia rồi, ra đón đi! “7 Bấy giờ tất cả các trinh nữ ấy đều thức dậy, và sửa soạn đèn.8 Các cô dại nói với các cô khôn rằng: “Xin các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em tắt mất rồi! “9 Các cô khôn đáp: “Sợ không đủ cho chúng em và cho các chị đâu, các chị ra hàng mà mua lấy thì hơn.”10 Đang lúc các cô đi mua, thì chú rể tới, và những cô đã sẵn sàng được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới. Rồi người ta đóng cửa lại.11 Sau cùng, mấy trinh nữ kia cũng đến gọi: “Thưa Ngài, thưa Ngài! mở cửa cho chúng tôi với! “12 Nhưng Người đáp: “Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai cả! “13 Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.
Suy niệm
Nếu nhìn bề ngoài mười cô trinh nữ,
chúng ta khó lòng phân biệt được ai khôn ai dại.
Mười cô có thể là những cô phù dâu đang ở bên nhà gái,
Các cô đều mang theo đèn, hay đúng ra là những ngọn đuốc nhỏ,
vì chỉ đuốc mới không tắt khi gặp cơn gió ngoài đường.
Xúng xính trong những bộ áo đẹp,
các cô ngóng chờ chàng rể đến, để ra đón với đuốc sáng trên tay,
và để sau đó tất cả tiến vào nhà gái dự tiệc.
Nhưng vì chàng rể và nhà trai đến chậm, nên mười cô đều ngủ cả.
Đến bây giờ vẫn không thể phân biệt được năm cô khôn và năm cô dại.
Chẳng rõ các cô đã chợp mắt được bao lâu,
nhưng đến nửa đêm có tiếng la lên, báo tin chàng rể đến.
Cả mười cô đều hối hả thức dậy và lo sửa soạn đèn,
vì đèn là điều quan trọng và cần thiết để ra nghênh đón chàng rể.
Bây giờ người ta mới nhận ra trong mười cô, ai dại, ai khôn.
Vì chàng rể đến muộn quá, nên mọi ngọn đuốc của các cô đã hầu tàn.
Phải châm thêm dầu thì mới có đuốc sáng ra đón chàng rể.
Năm cô khôn dễ dàng làm cho đuốc sáng lên, vì họ đem theo dầu dự trữ.
Còn năm cô dại thì lúng túng không biết phải làm sao.
“Xin các chị cho chúng em chút dầu, vì đuốc chúng em sắp tắt rồi” (c. 8).
Các cô khôn cũng cần có đủ dầu cho cuộc đón rước sắp tới, nên đã từ chối.
Không phải vì độc ác, nhưng vì số dầu đem theo chỉ đủ cho riêng họ.
Cách giải quyết tốt nhất là đề nghị các cô dại đi mua nơi cửa hàng.
Chuyện này không khó vì các cửa hàng vẫn thường mở đến khuya.
Tiếc thay, đang lúc các cô đi mua, thì chàng rể tới.
Chỉ có năm cô mang đuốc sáng ra đón chàng rể.
Chỉ có năm cô được coi là sẵn sàng, theo chàng vào dự tiệc cưới.
Cửa được đóng lại, ngăn cách giữa người được dự tiệc và người không.
Năm cô dại cuối cùng đã có dầu, đuốc đã sáng, trở về, gõ cửa.
“Thưa Ngài, thưa Ngài, xin mở cửa cho chúng tôi với !” (c. 11).
Nhưng các cô bị từ chối thẳng : “Tôi không biết các cô là ai” (c. 12).
Dụ ngôn này có một kết thúc không vui trọn vẹn.
Tiệc cưới rất vui ở bên trong, năm cô đứng ngoài không được vào.
Chúng ta thấy tiếc cho năm cô dại.
Dại ở đây không phải vì không có thiện chí hay làm điều gian ác.
Khôn hay dại chỉ khác nhau ở chỗ sẵn sàng hay không sẵn sàng,
đuốc có sáng khi chàng rể đến hay không.
Các cô khôn đã phải tính đến chuyện lỡ chàng rể đến muộn,
làm sao có đủ dầu để thắp cho cây đuốc sáng mà ra đón.
Ai mà có đủ dầu dự trữ rồi thì ngủ cũng yên tâm.
Chúng ta cần nếm nỗi đau của năm cô đứng ngoài, khi cửa đã đóng lại.
Muộn mất rồi, mọi chuẩn bị háo hức trở nên vô ích.
Đức Giêsu chính là Chàng Rể đến bất chợt giữa đêm khuya.
Chỉ mong ta không phải năn nỉ xin dầu và vội vã đi mua dầu trong đêm.
Lời nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đã yêu trái đất này,
Và đã sống trọn phận người ở đó.
Chúa đã nếm biết
Nỗi khổ đau và hạnh phúc,
Sự bi đát và cao cả của phận người.
Xin dạy chúng con biết đường lên trời,
Nhờ sống yêu thương đến hiến mạng cho anh em.
Khi ngước nhìn lên quê hương vĩnh cửu,
Chúng con thấy mình được thêm sức mạnh
Để xây dựng trái đất này,
Và chuẩn bị nó đón ngày Chúa trở lại.
Lạy Chúa Giêsu đang ngự bên hữu Thiên Chúa,
Xin cho những vất vảcủa cuộc sống ở đời
Không làm chúng con quên trời cao;
Và những vẻ đẹp của trần gian
Không ngăn bước chân con tiến về bên Chúa.
Ước gì qua cuộc sống hằng ngày của chúng con,
Mọi người thấy nước trời đang tỏ hiện.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

27 thg 8, 2015

Lương tâm trưởng thành và Quyền tối thượng của Lương Tâm


Nhân ngày Quốc Tế Giới Trẻ năm 2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi các bạn trẻ: “Mỗi người chúng ta phải học cách phân định điều gì có thể làm cho con tim của mình bị ”ô nhiễm”, học cách tạo cho mình một lương tâm ngay chính và nhạy cảm, có khả năng “nhận ra thánh ý Chúa, điều gì là tốt, làm đẹp lòng Chúa và hoàn hảo” (Rm 12,2).[1]
Để có thể đáp lại lời mời gọi của Đức Thánh Cha, chúng ta cần biết thế nào là lương tâm. Lương tâm, có ba ý nghĩa chính yếu sau. Thứ nhất, lương tâm được hiểu như là một khả năng hay khuynh hướng nền tảng ẩn sâu trong tâm hồn mà Thiên Chúa ban tặng, giúp chúng ta hướng về điều lành, và xa tránh điều dữ. Thế nên, khi làm điều lành, chúng ta thấy bình an; ngược lại, khi làm điều sai trái chúng ta thấy cắn rứt. Thứ hai, lương tâm là một tiến trình học hỏi khám phá, dưới sự hướng dẫn của Thần Khí, để có thể hiểu, nắm bắt những qui tắc đạo đức phổ quát khách quan, cũng như về bối cảnh sống cụ thể và riêng biệt của mỗi người xét như là một chủ thể luân lý, làm nền tảng cho việc đưa ra những phán đoán luân lý đúng đắn. Cuối cùng, lương tâm được nhìn như là một phán đoán luân lý của chính chủ thể luân lý. Phán đoán này là kết quả của việc phân tích, tổng hợp, dưới ánh sáng của đức tin Công Giáo, về những dữ kiện đã được tìm hiểu thu thập qua tiến trình học hỏi nêu trên, nhờ đó trong từng chọn lựa cụ thể mỗi người không những tránh xa tội lỗi, mà còn hướng về việc sống ơn gọi làm môn đệ của Đức Giêsu khi dấn thân sống giới răn yêu thương của Ngài là yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân như chính mình. Tóm lại, lương tâm là tiếng nói của Thiên Chúa vang lên nơi thẳm sâu cõi lòng con người, để hướng dẫn họ làm lành lánh dữ, đồng thời soi sáng giúp con người nhận biết tiếng gọi của Chúa Giêsu đó là yêu mến Thiên Chúa, bản thân, và tha nhân theo gương của Ngài, từ đó đáp lại lời mời ấy với tất cả lòng quảng đại.[2]
Như vậy, lương tâm liên hệ đến toàn thể con người (ý chí, lý trí, và hành động). Đó chính là “cung thánh của lòng người”, là nơi chỉ còn lại một mình con người hiện diện trong mối liên hệ sâu xa với Thiên Chúa Chí Thánh.[3] Bởi thế, Giáo Hội dạy rằng: “Con người phải trung thành tuân theo lương tâm trong mọi hành động để đạt tới cùng đích đời mình là chính Thiên Chúa.”[4] Nói khác đi, lương tâm con người có quyền uy tối thượng bởi vì, như hồng y Newman nhận định, lương tâm chính là “đại diện thứ nhất trong các đại diện của Đức Kitô.”[5] Những lời này mời gọi sinh viên Công Giáo chúng ta biết ý thức tìm về với cung thánh của lòng mình, để ở nơi đó ưu tiên và coi là quan trọng bậc nhất việc lắng nghe tiếng thì thầm của Thiên Chúa qua Lời của Ngài là Đức Giêsu. Để rồi, khi phải đối diện với vô số hình ảnh và thông tin đa chiều và hỗn tạp do truyền thông mang lại, những thứ nhiều lúc khiến chúng ta bối rối, hoang mang trước việc xác định đâu là sự thật, chúng ta có thể nhận ra tình yêu và Thánh Ý của Thiên Chúa, từ đó biết mình phải đáp lại lời Ngài kêu gọi thế nào cho xứng hợp.
Để được như vậy, Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu mời chúng ta “học cách tạo cho mình một lương tâm ngay chính và nhạy cảm”Nói khác đi, Ngài muốn chúng ta nỗ lực đào luyện bản thân để có được một lương tâm trưởng thành. Vậy, một cách cụ thể, người có lương tâm trưởng thành là người như thế nào?
Trước hết, đó là người có tình yêu cá vị đối với Chúa Giêsu. Chúa Giêsu chính là ánh sáng thế gian; nếu chúng ta bước theo Ngài chúng ta không lo sợ đi trong bóng tối, nhưng sẽ có được ánh sáng của Ngài soi chiếu, nhờ đó mà vượt thắng được những bóng đêm của mê lầm và tội lỗi gây cắn rứt lương tâm (x. Ga 8,12). Hơn nữa, nhờ gắn bó thiết thân với Chúa Giêsu như cành nho gắn liền với cây nho, qua lòng tin, cậy và yêu mến, chúng ta sẽ đạt được mức độ trưởng thành của lương tâm; đời sống của chúng ta sẽ sinh được nhiều hoa trái từ những quyết định và chọn lựa luân lý của mình.[6]
Nếu yêu mến Chúa Giêsu, chúng ta cũng sẽ yêu mến Giáo Hội là Thân Thể Mầu Nhiệm của Ngài. Cách cụ thể, qua những sinh hoạt đức tin cùng với nhau và trong giáo sứ của mình, chúng ta sẽ học biết để có cùng cảm thức với Giáo Hội khi tuân giữ những gì Mẹ Giáo Hội truyền dạy. Mặt khác, ý thức phận người giới hạn và bị chi phối bởi nhiều quyến luyến lệch lạc, và vì thế có nguy cơ rơi vào sai lầm trong những phán đoán luân lý của mình, chúng ta khiêm tốn lắng nghe và ôm lấy thẩm quyền của Giáo Hội như là cách thức tìm thấy điều thiện hảo lớn nhất và cao nhất cho bản thân và tha nhân” (Kenneth Overberg).[7]
Cuối cùng, người có lương tâm trưởng thành luôn nỗ lực, vì lòng mến Chúa và Giáo Hội của Người, trau dồi và hoàn thiện bản thân ngang qua việc từ bỏ các đam mê nết xấu, học hỏi Lời Chúa, rèn luyện các nhân đức (các nhân đức đối thần, các nhân đức trụ, và các nhân đức khác), cầu nguyện, cử hành các bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể. Bởi vì, như lời dạy của Thánh I.Nhã, lòng yêu mến phải được diễn tả chính yếu bằng việc làm hơn là lời nói. Mặt khác, chúng ta cũng xác tín rằng nếu không có ơn Chúa, chúng ta không thể đứng vững trước sức mạnh của ba thù là ma quỷ, xác thịt và thế gian. Thế nên, người có lương tâm và đời sống luân lý trưởng thành luôn thấy mình cần Chúa.

Tóm lại, nếu luôn nỗ lực đào luyện lương tâm, cũng như chân thành, liên lỉ lắng nghe tiếng nói của Chúa nơi thẳm sâu cõi lòng mình theo lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phaxicô, thì sinh viên Công giáo chúng ta tin chắc rằng có Thần Khí của Đức Giêsu Phục Sinh luôn đồng hành và hướng dẫn chúng ta. Thực vậy, Chúa Giêsu, Đấng yêu mến chúng ta và đã hiến mạng sống mình vì chúng ta (x. Gl 2,20), luôn sẵn sàng ban cho chúng ta Thần Khí của Ngài: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,22). Và, nhờ sự hướng dẫn của Thánh Thần, chúng ta được bước đi trong sự thật và sự thật sẽ giải thoát chúng ta khỏi mọi thứ ô nhiễm thế tục (x. Ga 8,32), cũng như có được ánh sáng cùng sức mạnh để sống cho Thiên Chúa và những gì thuộc về Ngài.
Trương Hoàng Sơn S.J.
[1] ĐTC Phanxico, Sứ điệp Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ 30, năm 2015.
[2] X. Richarch Gula, Reason Informed by Faith, (New York: Pauline Press, 1989), 132; James Keenan, Virtues for Ordinary Christian, (Wisconsin: Sheed & Ward, 1999), 26; Giáo Lý Giáo Hội Cộng Giáo, số 1780.
[3] X. Vatican II, Gaudium et Spes (Bản dịch tiếng Việt của Ủy ban Giáo Lý Đức Tin trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam), (Hà Nội: Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2012), số 16.
[4] X. Vatican II, Dignitatis Humanae (Bản dịch tiếng Việt của Ủy ban Giáo Lý Đức Tin trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam), ibid., số 3.
[5] X. Newman, Thư gởi quận công Norford trích trong Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, số 1778; Brian Lewis, “The Primacy of Conscience,” Australian eJournal of Theology 6 (February 2006).

[6] Bernard Haring, Tự Do và Trung Thành trong Đức Kitô, Tập 1 (bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Đức Thông, CSsR), (Hà Nội: Nhà xuất bản Tôn giáo, 2004), 261-263.
[7] X. Michael G. Lawler, Todd A. Salzman, “Following Faithfully the Catholic Way to Choose the Good,” American, (February 2, 2015),http://americanmagazine.org/issue/following-faithfully

MÔNICA THỜI NAY


“Quanh năm buôn bán ở ven sông
Nuôi đủ năm con với một chồng”
“Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông
Một duyên hai nợ âu đành phận
Năm nắng mười mưa dám quản công”
(Tú Xương)

Người phụ vợ, người mẹ mãi là thế đó. Cách đây 17 thế kỷ, đã có một tấm gương sáng chói cho các bà mẹ, nhất là các bà mẹ công giáo, đó chính là thánh nữ Monica.


Thánh Nữ sinh năm 331 tại, nước Algeria, châu Phi và qua đời năm 387 tại tại Ý. Suốt mười 18 năm trời, trong nước mắt và cầu nguyện, cuối cùng Thiên Chúa đã nhậm lời thánh nhân. Mẹ chồng hay la lối, gắt gỏng và người chồng ngoại giáo, vô cùng nóng nẩy và phóng túng,đã trở lại đạo công giáo, trước khi ông mất một năm. Còn Augustinô cũng ăn hối cải, rồi trở thành giám mục, thành thánh tiến sĩ của Giáo Hội.

Mười bảy thế kỷ đã trôi qua, nhưng câu truyện ấy vẫn còn tiếp diễn trong xã hội hôm nay. Còn quá nhiều Mônica, đang đau khổ vì người chồng vũ phu, lười biếng, nhậu nhẹt, rượu chè, cờ bạc, ghen tuông, ích kỷ…, vì đứa con ngỗ nghịch, hút chích, ra tù vào khám, bất hiếu…..

Chuyện đã trở thành như cơm bữa đối với chị Huyền. Hai mươi lăm năm chung sống với chồng, sáng sỉn chiều say, chị chưa được một lần hạnh phúc, có chăng chỉ là những lần đánh đập, hành hạ la mắng. Nhưng chị vẫn cam chịu, bởi thương con yêu chồng..

Vì thấy mẹ sống lâu quá, đứa con cho rằng mẹ chẳng có ích gì cho nó nữa. Hắn cõng mẹ lên núi, để cho mẹ chết, diều hâu đến ăn. Gần lên tới nơi, nó phát hiện trên đường đi, mẹ nó cứ thả những hạt đậu đen. Nó hét lên, “bà làm cái quái gì vậy?”. Người mẹ nói với đứa con “Con khờ quá, mẹ thả những hạt đậu này, để xíu nữa con đi xuống, biết đường về nhà con ạ”. Cũng chuyện tương tự, vì sợ mẹ nuôi mẹ tốn kém, đứa con bất hiếu đã chở mẹ, bỏ ngoài nghĩa địa giữa đêm lạnh giá. Hằng ngày báo chí vẫn đăng tải, nhan nhản những chuyện đáng buồn như thế.

Hỡi các bà mẹ hãy nhìn lên thánh Monica, để học nơi ngài bài học kiên nhẫn, liên lỷ cầu nguyện, nhất là tham dự Thánh lễ, cùng nhau đọc giờ tối gia đình, chắc chắn, Thiên Chúa sẽ biến những lao nhọc, hy sinh vất vả, thành niềm vui hoan lạc. Hãy sống đời sống thánh thiện, tốt lành, để thánh hóa gia đình mình, thành gia đình thánh. Hãy bỏ đi những nóng nảy, giận hờn, chửi rủa, trách móc chồng con, thay vào đó là những lời nhẹ nhàng, duyên dáng dễ nghe. Mọi âu lo, khó nhọc, vất nhỏ nhọc nhằn, hãy dâng cho Chúa, để Ngài quan phòng định liệu.

Xin Chúa cho các người chồng, người con, để họ thấy “người phụ nữ lúc nào cũng thiệt thòi hơn nam giới” từ đó biết yêu vợ, thương mẹ nhiều hơn. Và xin Chúa chúc phúc, thánh hóa, nâng đỡ các bà mẹ, giúp các bà chu toàn thiên chức làm vợ, làm mẹ và làm bà, trong các gia đình. Amen.

Lm. Gioan Vũ Xuân Nghị

Flash Animation