Nhân ngày Quốc Tế Giới Trẻ năm 2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi các bạn trẻ: “Mỗi người chúng ta phải học cách phân định điều gì có thể làm cho con tim của mình bị ”ô nhiễm”, học cách tạo cho mình một lương tâm ngay chính và nhạy cảm, có khả năng “nhận ra thánh ý Chúa, điều gì là tốt, làm đẹp lòng Chúa và hoàn hảo” (Rm 12,2).[1]
Để có thể đáp lại lời mời gọi của Đức Thánh Cha, chúng ta cần biết thế nào là lương tâm. Lương tâm, có ba ý nghĩa chính yếu sau. Thứ nhất, lương tâm được hiểu như là một khả năng hay khuynh hướng nền tảng ẩn sâu trong tâm hồn mà Thiên Chúa ban tặng, giúp chúng ta hướng về điều lành, và xa tránh điều dữ. Thế nên, khi làm điều lành, chúng ta thấy bình an; ngược lại, khi làm điều sai trái chúng ta thấy cắn rứt. Thứ hai, lương tâm là một tiến trình học hỏi khám phá, dưới sự hướng dẫn của Thần Khí, để có thể hiểu, nắm bắt những qui tắc đạo đức phổ quát khách quan, cũng như về bối cảnh sống cụ thể và riêng biệt của mỗi người xét như là một chủ thể luân lý, làm nền tảng cho việc đưa ra những phán đoán luân lý đúng đắn. Cuối cùng, lương tâm được nhìn như là một phán đoán luân lý của chính chủ thể luân lý. Phán đoán này là kết quả của việc phân tích, tổng hợp, dưới ánh sáng của đức tin Công Giáo, về những dữ kiện đã được tìm hiểu thu thập qua tiến trình học hỏi nêu trên, nhờ đó trong từng chọn lựa cụ thể mỗi người không những tránh xa tội lỗi, mà còn hướng về việc sống ơn gọi làm môn đệ của Đức Giêsu khi dấn thân sống giới răn yêu thương của Ngài là yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân như chính mình. Tóm lại, lương tâm là tiếng nói của Thiên Chúa vang lên nơi thẳm sâu cõi lòng con người, để hướng dẫn họ làm lành lánh dữ, đồng thời soi sáng giúp con người nhận biết tiếng gọi của Chúa Giêsu đó là yêu mến Thiên Chúa, bản thân, và tha nhân theo gương của Ngài, từ đó đáp lại lời mời ấy với tất cả lòng quảng đại.[2]
Như vậy, lương tâm liên hệ đến toàn thể con người (ý chí, lý trí, và hành động). Đó chính là “cung thánh của lòng người”, là nơi chỉ còn lại một mình con người hiện diện trong mối liên hệ sâu xa với Thiên Chúa Chí Thánh.[3] Bởi thế, Giáo Hội dạy rằng: “Con người phải trung thành tuân theo lương tâm trong mọi hành động để đạt tới cùng đích đời mình là chính Thiên Chúa.”[4] Nói khác đi, lương tâm con người có quyền uy tối thượng bởi vì, như hồng y Newman nhận định, lương tâm chính là “đại diện thứ nhất trong các đại diện của Đức Kitô.”[5] Những lời này mời gọi sinh viên Công Giáo chúng ta biết ý thức tìm về với cung thánh của lòng mình, để ở nơi đó ưu tiên và coi là quan trọng bậc nhất việc lắng nghe tiếng thì thầm của Thiên Chúa qua Lời của Ngài là Đức Giêsu. Để rồi, khi phải đối diện với vô số hình ảnh và thông tin đa chiều và hỗn tạp do truyền thông mang lại, những thứ nhiều lúc khiến chúng ta bối rối, hoang mang trước việc xác định đâu là sự thật, chúng ta có thể nhận ra tình yêu và Thánh Ý của Thiên Chúa, từ đó biết mình phải đáp lại lời Ngài kêu gọi thế nào cho xứng hợp.
Để được như vậy, Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu mời chúng ta “học cách tạo cho mình một lương tâm ngay chính và nhạy cảm”. Nói khác đi, Ngài muốn chúng ta nỗ lực đào luyện bản thân để có được một lương tâm trưởng thành. Vậy, một cách cụ thể, người có lương tâm trưởng thành là người như thế nào?
Trước hết, đó là người có tình yêu cá vị đối với Chúa Giêsu. Chúa Giêsu chính là ánh sáng thế gian; nếu chúng ta bước theo Ngài chúng ta không lo sợ đi trong bóng tối, nhưng sẽ có được ánh sáng của Ngài soi chiếu, nhờ đó mà vượt thắng được những bóng đêm của mê lầm và tội lỗi gây cắn rứt lương tâm (x. Ga 8,12). Hơn nữa, nhờ gắn bó thiết thân với Chúa Giêsu như cành nho gắn liền với cây nho, qua lòng tin, cậy và yêu mến, chúng ta sẽ đạt được mức độ trưởng thành của lương tâm; đời sống của chúng ta sẽ sinh được nhiều hoa trái từ những quyết định và chọn lựa luân lý của mình.[6]
Nếu yêu mến Chúa Giêsu, chúng ta cũng sẽ yêu mến Giáo Hội là Thân Thể Mầu Nhiệm của Ngài. Cách cụ thể, qua những sinh hoạt đức tin cùng với nhau và trong giáo sứ của mình, chúng ta sẽ học biết để có cùng cảm thức với Giáo Hội khi tuân giữ những gì Mẹ Giáo Hội truyền dạy. Mặt khác, ý thức phận người giới hạn và bị chi phối bởi nhiều quyến luyến lệch lạc, và vì thế có nguy cơ rơi vào sai lầm trong những phán đoán luân lý của mình, chúng ta khiêm tốn lắng nghe và ôm lấy thẩm quyền của Giáo Hội như là cách thức tìm thấy điều thiện hảo lớn nhất và cao nhất cho bản thân và tha nhân” (Kenneth Overberg).[7]
Cuối cùng, người có lương tâm trưởng thành luôn nỗ lực, vì lòng mến Chúa và Giáo Hội của Người, trau dồi và hoàn thiện bản thân ngang qua việc từ bỏ các đam mê nết xấu, học hỏi Lời Chúa, rèn luyện các nhân đức (các nhân đức đối thần, các nhân đức trụ, và các nhân đức khác), cầu nguyện, cử hành các bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể. Bởi vì, như lời dạy của Thánh I.Nhã, lòng yêu mến phải được diễn tả chính yếu bằng việc làm hơn là lời nói. Mặt khác, chúng ta cũng xác tín rằng nếu không có ơn Chúa, chúng ta không thể đứng vững trước sức mạnh của ba thù là ma quỷ, xác thịt và thế gian. Thế nên, người có lương tâm và đời sống luân lý trưởng thành luôn thấy mình cần Chúa.
Tóm lại, nếu luôn nỗ lực đào luyện lương tâm, cũng như chân thành, liên lỉ lắng nghe tiếng nói của Chúa nơi thẳm sâu cõi lòng mình theo lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phaxicô, thì sinh viên Công giáo chúng ta tin chắc rằng có Thần Khí của Đức Giêsu Phục Sinh luôn đồng hành và hướng dẫn chúng ta. Thực vậy, Chúa Giêsu, Đấng yêu mến chúng ta và đã hiến mạng sống mình vì chúng ta (x. Gl 2,20), luôn sẵn sàng ban cho chúng ta Thần Khí của Ngài: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,22). Và, nhờ sự hướng dẫn của Thánh Thần, chúng ta được bước đi trong sự thật và sự thật sẽ giải thoát chúng ta khỏi mọi thứ ô nhiễm thế tục (x. Ga 8,32), cũng như có được ánh sáng cùng sức mạnh để sống cho Thiên Chúa và những gì thuộc về Ngài.
Trương Hoàng Sơn S.J.
[1] ĐTC Phanxico, Sứ điệp Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ 30, năm 2015.
[2] X. Richarch Gula, Reason Informed by Faith, (New York: Pauline Press, 1989), 132; James Keenan, Virtues for Ordinary Christian, (Wisconsin: Sheed & Ward, 1999), 26; Giáo Lý Giáo Hội Cộng Giáo, số 1780.
[3] X. Vatican II, Gaudium et Spes (Bản dịch tiếng Việt của Ủy ban Giáo Lý Đức Tin trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam), (Hà Nội: Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2012), số 16.
[4] X. Vatican II, Dignitatis Humanae (Bản dịch tiếng Việt của Ủy ban Giáo Lý Đức Tin trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam), ibid., số 3.
[5] X. Newman, Thư gởi quận công Norford trích trong Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, số 1778; Brian Lewis, “The Primacy of Conscience,” Australian eJournal of Theology 6 (February 2006).
[6] Bernard Haring, Tự Do và Trung Thành trong Đức Kitô, Tập 1 (bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Đức Thông, CSsR), (Hà Nội: Nhà xuất bản Tôn giáo, 2004), 261-263.
[7] X. Michael G. Lawler, Todd A. Salzman, “Following Faithfully the Catholic Way to Choose the Good,” American, (February 2, 2015),http://americanmagazine.org/issue/following-faithfully
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét