Chiêm - Niệm - Thiền trong nhiếp ảnh
Thư Gửi Bạn
Để hoàn thành một trường thiên tiểu thuyết vài trăm trang làm say mê người đọc từ đầu đến cuối quả là khó. Sáng tác một tryện ngắn vài ba trang làm độc giả nhớ mãi không quên thì thật một cấp khó hơn. Cô đọng trong vài vần thơ khiến người thưởng lãm thích thú và nhớ suốt đời, phải là khó nhất.
Tuy nhiên trong Văn Học Nghệ thuật còn có một thể loại giản dị hơn và khó khăn hơn, đó là nhiếp ảnh, tất cả chỉ là một trang giấy phẳng, đen trắng hoặc mầu, hiện hữu trước mắt người thưởng lãm, muốn nghĩ gì thì nghĩ, muốn hiểu sao thì hiểu và muốn diễn nghĩa thế nào cũng được, tự do theo nhãn quan của người xem. Vì thế sáng tác một tác phẩm nhiếp ảnh giá trị quả thật khó.
Thực ra trong văn học nghệ thuật, người sáng tác Văn, Thơ, Nhạc, Họa, Nhiếp ảnh v..v.. đều có chung một vài điểm thiết yếu đó là óc sáng tạo, trí tưởng tượng phong phú và một trái tim vô cùng nhậy cảm hầu cấu tạo tác phẩm của mình và từ đó rung động ngươi thưởng lãm,ngoài ra cảm hứng sáng tác còn giao thoa giữa các bộ môn; Thi sĩ có thể nẩy thơ gợi hứng bằng một trường thiên tiểu thuyết hay, Họa sĩ, người chơi ảnh có thể sáng tác một tác phẩm gợi hứng từ một bài thơ lạ, một bản nhạc hay.vv.. và ngược lại. Đây quả là một đề tài nghiên cứu rộng lớn và nhiều thích thú. Nhưng xin đươc trở lại Thú chơi ảnh.
Hãy thử tượng trong mỗi phút đồng hồ trên toàn cầu có bao nhiêu người đang chụp hình; con số là hàng triệu; Lý do bởi vì chụp hình là một thú rất phổ thông và rất dễ chơi, từ một em bé 5 tuổi đến cụ gìa 90 tuổi; từ một công nhân đến một nhà khoa bảng, ai cũng có thể làm được . Căn bản xử dụng máy hình và bài học về bố cục v..v.. với một người trung bình chỉ cần vài giờ học hỏi là tạm đủ để cầm máy, chưa kể hiện nay từ máy nhỏ, máy lớn đều được chế tạo rất tinh vi để giúp người xử dụng chụp hình dễ dàng, đẹp mà không cần một kiến thức rắc rối như ít năm về trước; Vì thế thú chụp hình trở thành phổ thông hơn, không nhà nào không có ít nhất một cái máy hình, sẵn sàng để xử dụng bất cứ lúc nào.
Viết đến đây không thể quên được những Nhiếp ảnh gia đã làm rạng danh nền nhiếp ảnh nước ta trên khắp thế giới như: Võ An Ninh, Phạm Văn Mùi, Trần Cao Lĩnh, Nguyển Cao Đàm, Nguyễn Mạnh Đan, Lê Văn Khoa, Nguyễn Công Thắng .v.v...
Trong văn học nghệ thuật để hoàn thành một tác phẩm nhiếp ảnh quả là phức tạp và khó khăn nhất cho người sáng tác. Trong Thơ, Văn, Nhạc, Họa... Nghệ sĩ sáng tác làm chủ, họ có thể thay đổi chữ, cung nhạc, mầu sắc, ngay cả bố cục tùy thích, chỉ một cái "phẩy tay" là xong. Nhiếp ảnh thì khác , người cầm máy phụ thuộc vào cái hiện hữu có ngay trước mặt trong cái không gian ấy, trong cái giây phút ấy nhiều khi chỉ một nháy mắt. Nghe ra có vẻ bi quan, nhưng khó thì có khó mà dễ thì cũng thật dễ. Ngoài một kiến thức căn bản về bố cục (có thể tự học) , hiểu biết cách xử dụng cái máy hình thế là đã có 50% hành trang của người chơi ảnh. 50% hành trang còn lại xin được mạn đàm như sau :
- Lòng say mê nghệ thuật nhiếp ảnh (dĩ nhiên!)
- Một cái nhìn sắc bén, tinh vi và nhạy cảm. Không cần phải đi xa vạn dặm, không cần vượt núi, băng rừng... cái Đẹp nó ở ngay sau vườn , trước ngõ, bông hoa sau nhà, giọt sương trên lá trước cửa, nắng vương bên thềm... cái Đẹp cái Hay cái thâm thúy của cuộc đời ở khắp nơi bên mỗi bước chân, chỉ chờ được nhìn thấy và ghi vào ống kính.
-Sau cùng và cũng là hành trang tất yếu đó là một CON - TIM - TÌNH -YÊU - MÊNH - MANG , yêu cánh hoa dại bên đường, yêu cái hùng tráng vĩ đại của thiên nhiên, yêu câu thơ lạ, yêu bài nhạc hay, yêu bức tranh đẹp... Với CON TIM nồng nàn ấy, những tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật sẽ tràn đầy khắp năm Châu.
Nguyễn Đức Cung
* Tìm hiểu thêm về Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền TẠI ĐÂY
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét