Suy nghĩ từ Sứ điệp 2016 về Truyền thông của Đức giáo hoàng Phanxicô
Vào tháng 3 vừa qua, khi đến Tắc Sậy cử hành lễ giỗ cha Phanxicô Trương Bửu Diệp, nghĩ đến bối cảnh miền đất chằng chịt sông rạch và phương tiện di chuyển quen thuộc thời cha Phanxicô là ghe đò, tôi đã ví cuộc đời cha như con đò chở lòng thương xót. Hôm nay, ngày 7-4-2016, trong hội trường lớn của Trung tâm Mục vụ TGP.TPHCM, đối diện với anh chị em là những người đang dấn thân trong lãnh vực truyền thông và đang sống trong thời đại của internet và social network (mạng xã hội), tôi muốn vận dụng hình ảnh khác để nói với anh chị em: anh chị em là những người phục vụ network, mạng lưới của lòng thương xót.
Nói được như thế vì chúng ta đang cùng nhau học hỏi Sứ điệp Ngày Truyền Thông 2016 của Đức giáo hoàng Phanxicô. Tất cả Giáo Hội đang sống Năm Thánh Lòng thương xót nên không lạ gì khi Đức giáo hoàng chọn chủ đề Sứ điệp Truyền thông 2016 là Truyền thông và Thương xót: cuộc gặp gỡ phong phú. Chủ đề đó nêu lên câu hỏi quan trọng là: Liệu có thể có sự gặp gỡ giữa lòng thương xót và những phương tiện truyền thông hiện đại không? Liệu có thể biến mạng lưới truyền thông thành mạng lưới của lòng thương xót không? Muốn được như thế, cần phải làm gì?
Qua Sứ điệp Truyền thông, chính Đức giáo hoàng đã đưa ra câu trả lời và vạch một hướng đi cho những người làm công tác truyền thông. Chắc chắn Sứ điệp này còn cần được đào sâu và học hỏi suốt năm, ở đây chỉ xin nêu lên một vài điểm nhấn.
1. Điều đầu tiên cần khẳng định là chính con người chúng ta mới là những chủ thể làm nên mạng lưới lòng thương xót hay mạng lưới hận thù.
Con đò ở vùng sông nước thời cha Trương Bửu Diệp, hoặc internet và social network ngày nay, đều chỉ là phương tiện do con người làm ra và sử dụng. Tự nó không mang giá trị đạo đức nào cả, tất cả, tốt hay xấu, là do con người.
Nhìn vào thực tế, điều đáng buồn là internet và mạng xã hội đang trở thành mạng lưới của hận thù và căm ghét. Trong bài Bảy bước đi của căm ghét, tác giả Đặng Hoàng Giang nhắc đến những cơn bão mạng, trong đó nhiều người bị trở thành tâm điểm của việc làm nhục công cộng, và không mấy ai nghĩ đến những tổn thương tâm lý xã hội mà họ phải gánh chịu, có khi kéo dài suốt cuộc đời (x. Tuổi Trẻ cuối tuần, 13-3-2016).
Một blogger khác chia sẻ suy nghĩ: “Mấy hôm rồi lướt qua Facebook thấy các vụ tai nạn giao thông, cướp của giết người, phụ tình rồi tấn công nhau, hiếp dâm…ngày càng phổ biến trên các trang báo điện tử tại Việt Nam…Một phút ngẫm nghĩ chợt thấy giật mình. Vài năm qua, ngẫm lại số bài viết hay các chương trình báo chí, truyền hình về những người tốt bụng, có tâm; những câu chuyện khiến người ta muốn sống, yêu thương nhau, dìu dắt nhau…cũng dần dần trở nên hiếm hoi. Tại sao vậy? Không lẽ ở đất nước có ngàn năm văn hiến, vốn tự hào về lòng nhân ái, thương người như thể thương thân, lại thiếu vắng những câu chuyện ra hồn, tử tế hay sao? Có lẽ không! Cái chính là sự chạy đua của những người mang trên mình trọng trách đưa thông tin, được xã hội dành hẳn một ngày để tôn vinh: người làm báo… Hàng ngàn bài báo được những người làm báo Việt Nam viết ra, rồi chia sẻ cách vô thưởng vô phạt, không ngoài mục đích kiếm tiền, đôi khi là những đồng tiền bẩn, hoặc nhiều khi là những đồng tiền cũ kỹ, nhàu nát vì chà đạp, xát muối lên vết thương và nỗi đau của đồng loại.” Rồi tác giả kết luận: “Những nghề bất lương đã đành là bất lương. Những kẻ chỉ biết dựa trên các mẩu chuyện bất lương để kiếm lời cũng là bất lương. Và tất nhiên, sống bằng những niềm vui tàn nhẫn – vui trên sự thất bại, sai trái, sụp đổ của người khác cũng là những kẻ chẳng có chút thiện ý nào. Thế nhưng nó đang tồn tại một cách đáng lo ngại, đáng tiếc, đáng báo động trong xã hội Việt Nam hiện tại. Thật đáng buồn!” (Cao Huy Huân).
Nghe bi đát quá! Thật ra trên mạng xã hội, vẫn có biết bao hình ảnh dễ thương, những lời nói dịu dàng, những bài viết chan chứa tình yêu và lòng thương xót, khơi dậy tình liên đới và chia sẻ. Nhưng hình như tỷ lệ hơi kém so với những điều ngược lại. Và phải chăng con người ta thích nghe tin dữ hơn là tin mừng? Trong tiếng Anh có câu No news is good news! Không nghe tin gì hết là tin tốt. Có nghĩa là nếu nghe tin thì thường là tin xấu! Phải chăng con người ta thích tin dữ hơn là tin mừng? Và khi nghe tin dữ, tin xấu về ai, người ta thấy mình tốt hơn, giỏi hơn? Thánh Phaolô dạy, “Hãy vui với người vui và khóc với người khóc”, nhưng hình như khóc với người khóc thì dễ (vì thấy mình ngon hơn, may mắn hơn), còn vui với người vui lại rất khó (vì thấy mình kém hơn, dở hơn)!
Tất cả những chuyện xấu hay tốt đó đều tùy thuộc con người chứ không phải ở kỹ thuật, như Đức giáo hoàng Phanxicô khẳng định: “Không phải kỹ thuật quyết định truyền thông nào là chân chính (authentic), nhưng là trái tim con người và khả năng của chúng ta trong việc sử dụng cách khôn ngoan những phương tiện trong tầm tay của mình. Mạng xã hội có thể kiến tạo những tương quan và thúc đẩy thiện ích trong xã hội, nhưng nó cũng có thể dẫn đến chỗ cực đoan hơn và gây chia rẽ giữa các cá nhân và các nhóm”.
Vì thế, muốn truyền thông trở thành mạng lưới của lòng thương xót thì phải quan tâm đào tạo con người, những chủ thể đích thực của nền văn minh tình yêu và văn hóa thương xót, thay cho thứ văn hóa hận thù và văn minh ích kỷ như Sứ điệp 2016 nhấn mạnh: “Truyền thông có sức mạnh bắc những nhịp cầu, kiến tạo sự gặp gỡ, do đó làm phong phú xã hội. Thật đẹp đẽ biết bao khi người ta chọn lựa lời nói và hành động cách cẩn trọng, trong nỗ lực tránh những hiểu lầm, chữa lành những ký ức đau thương, xây đắp bình an và hòa hợp. Lời nói có thể bắc những nhịp cầu giữa các cá nhân, trong gia đình, giữa các nhóm xã hội và các dân tộc. Điều này có thể diễn ra trong thế giới cụ thể cũng như trong thế giới kỹ thuật số. Lời nói và hành động của chúng ta phải làm sao giúp mọi người thoát ra khỏi vòng lẩn quẩn của những kết án và trả thù vốn đang tiếp tục gây nhiễm độc nơi các cá nhân và các dân tộc, cổ vũ cho sự thù hận. Lời nói của Kitô hữu phải thường xuyên cỗ vũ cho sự hiệp thông, kể cả trong những trường hợp phải mạnh mẽ lên án cái ác, thì vẫn không bao giờ cố bẻ gẫy các tương giao và thông hiệp”.
2. Để truyền thông trở thành mạng lưới của lòng thương xót, có thể rút ra từ Sứ điệp 2016 một số chỉ dẫn cụ thể, khi ta viết một bài báo, đăng tải một hình ảnh hoặc ghi một dòng comment.
(1) Ý thức trách nhiệm.
Hãy tự hỏi: Tôi nói cái gì? Điều đó có thực sự mang lại lợi ích cho tha nhân và cộng đồng không? Hay chỉ để thỏa mãn tính ích kỷ, hiếu thắng, thích nổi tiếng (trả đũa, câu view…)?
Không chỉ nói cái gì mà còn nói thế nào? Cũng một nội dung nhưng cách nói khác nhau sẽ dẫn đến hiệu quả khác nhau. Đó là lý do người ta nói rằng cách cho quý hơn của cho. Đây là kinh nghiệm cụ thể trong mọi hoạt động truyền thông, từ những câu chuyện thường ngày đến những hoạt động chuyên môn như giảng dạy, diễn thuyết.
(2) Lắng nghe
Đức giáo hoàng Phanxicô phân biệt giữa hearing và listening: “Hearing là tiếp nhận thông tin, còn listening là truyền thông, kêu gọi sự gần gũi”, thực sự quan tâm, tìm hiểu, trân trọng ý kiến của người khác. Rất nhiều khi chúng ta nghe mà không nghe, nhất là trong thời đại tràn ngập thông tin như ngày nay, dễ nghe cách hời hợt, nghe trong tâm trạng tìm cách đối phó hơn là học hỏi, đối thoại.
Để lắng nghe thực sự, chúng ta phải từ bỏ tính kiêu căng và ích kỷ tự nhiên, và điều đó không hề đơn giản chút nào. Không lạ gì khi Đức giáo hoàng nói là phải cầu xin Chúa ban cho mình ơn biết lắng nghe như Salomon đã cầu xin, đồng thời cố gắng tập luyện.
(3) Tôn trọng người khác
Đức giáo hoàng Phanxicô vận dụng hình ảnh Môsê gặp gỡ Thiên Chúa nơi bụi gai bốc lửa: ông phải cởi giày ra vì đang đứng nơi thánh địa, nơi Thiên Chúa hiện diện (x. Xh 3,5). Cũng thế, chúng ta phải chấp nhận “cởi giày”, nghĩa là phải kính trọng người khác là “con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa”, để có thể đón nhận người khác như họ là và bước vào cuộc gặp gỡ đích thực. Thế nên phải từ bỏ chính mình, hi sinh ý riêng, mới có thể góp phần tạo nên hoạt động truyền thông đúng nghĩa, được in dấu bằng chân lý, tình yêu thương và sự tôn trọng lẫn nhau.
Để kết luận, hãy đọc lại lời mở đầu của Sứ điệp Truyền Thông 2016 như lời hiệu triệu: “Năm Thánh Lòng Thương Xót mời gọi tất cả chúng ta suy tư về mối tương quan giữa truyền thông và thương xót. Kết hợp với Chúa Kitô là sự nhập thể sống động của Chúa Cha đầy thương xót, Hội Thánh được kêu gọi thực thi lòng thương xót như nét đặc thù trong tất cả những gì Hội Thánh sống và làm. Chúng ta nói gì và nói thế nào, mọi lời nói và cử chỉ của chúng ta đều phải diễn tả lòng thương cảm, sự dịu dàng và tha thứ của Chúa dành cho hết mọi người. Tình yêu tự bản chất là truyền thông; tình yêu đưa đến sự cởi mở và chia sẻ. Nếu con tim và hành động của chúng ta được tình yêu thần linh khơi dậy, việc truyền thông của chúng ta sẽ được quyền năng riêng của Thiên Chúa chạm tới”.
Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét