Mọi hình thức nghệ thuật chân chính, theo cách riêng của nó, đều là đường dẫn ta đến với thực tại sâu thẳm của con người và thế giới. Bởi vậy đó chính là một phương cách rất hiệu quả giúp ta đến với thế giới đức tin, cho kinh nghiệm sống của con người có được ý nghĩa cuối cùng của nó.
(Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II)
*****************
Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI: Nghệ thuật có thể là một linh đạo
VATICAN CITY (Zenit.org) – Thế giới cần vẻ đẹp chân chính và các nghệ sĩ có nhiệm vụ đem vẻ mỹ lệ cho con người qua con đường nghệ thuật.
Đó là khẳng định cuối tuần qua của Đức Giáo Hoàng Benedict XVI trong buổi triều yết tại Nguyện đường Sistine ở Roma dành cho hơn 250 nghệ sĩ thuộc nhiều quốc gia, văn hóa và tôn giáo khác nhau. Nhóm người này hoạt động nghệ thuật trong các lãnh vực như ca hát, sáng tác nhạc, viết văn, họa, kiến trúc, điêu khắc, diễn xuất và sản xuất phim ảnh.
Cuộc gặp gỡ được bảo trợ do Hội đồng Giáo Hoàng về Văn hóa, để kỷ niệm 10 năm Lá thư gửi các nghệ sĩ của Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II, và 45 năm cuộc họp tương tự của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI với những người làm nghệ thuật tại Nguyện đường Sistine.
Đức Giáo Hoàng Benedict XVI xác nhận “tình thân hữu của Giáo Hội đối với thế giới nghệ thuật, một tình thân hữu đã được tăng cường mạnh mẽ theo với thời gian.”
“Thiên Chúa giáo, ngay từ những ngày trong buổi sơ khai đã công nhận giá trị của nghệ thuật và đã khôn ngoan sử dụng ngôn ngữ khác nhau của nghệ thuật để biểu đạt thông điệp cứu độ không hề đổi thay của mình.”
Lý do của buổi họp mặt, theo lời Đức Giáo Hoàng, là để giúp cho tình thân hữu đó “tiếp tục được đề cao, được yểm trợ, hầu trở thành chân xác và kết quả, thích ứng với những thời kỳ lịch sử khác nhau và chú tâm đến những biến thiên trong các lãnh vực xã hội và văn hóa.
Ngài phát biểu: “Các bạn thân mến, là những nhà nghệ sĩ, các bạn biết rõ rằng cảm nghiệm cái đẹp – cái đẹp chân chính, không chỉ là nhất thời hoặc giả tạo – không bao giờ là một điều bổ sung hay một yếu tố phụ thuộc trong công cuộc chúng ta đi kiếm tìm ý nghĩa cuộc đời và hạnh phúc.”
“Cảm nghiệm về cái đẹp không tách rời chúng ta ra khỏi thực tại, trái lại, dẫn đưa tới cuộc gặp gỡ trực tiếp với thực tế hàng ngày trong cuộc đời thường, giải thoát thực tế đó khỏi tăm tối, biến hình nó, làm nó ngời sáng và xinh đẹp.”
Giá trị khích động
Ngài giải thích rằng “một tác động chủ yếu của vẻ đẹp chân chính là cho con người một “cú sốc” lành mạnh, kéo con người ra khỏi bản thân, đẩy con người ra khỏi nhẫn nhục và khỏi thoả mãn với nhàm chán buồn tẻ.
Tác động đó có thể làm cho con người đau khổ, “xuyên qua con người như một mũi phi tiêu, nhưng làm thế, nó “đánh thức con người chỗi dậy, mở ra đôi mắt tươi mát của trái tim và trí óc, ban cho con người đôi cánh, mang con người lên cao.”
“Vẻ đẹp gây cho ta sững sờ, nhưng làm thế để nhắc nhở chúng ta về định mệnh chung cuộc của mình, đem chúng ta trở lại con đường đã đi, đổ tràn đầy niềm hy vọng mới mẻ, cho chúng ta can đảm sống trọn vẹn quà tặng độc đáo là cuộc đời.”
“Hành trình đi tìm cái đẹp mà tôi mô tả ở đây rõ rệt không phải là trốn chạy vào phi lý hoặc chỉ vào thị hiếu thẩm mỹ.
“Tuy vậy, quá nhiều khi vẻ đẹp lôi cuốn chúng ta lại là ảo ảnh và phỉnh lừa, hời hợt và mù quáng, làm cho người xem lóa mắt; thay vì đem con người ra khỏi chính mình và mở ra những chân trời tự do đích thực khi đưa con người lên cao, nó lại giam hãm con người trong chính bản thân, và hơn nữa còn bắt con người làm nô lệ, tước đoạt đi hy vọng và niềm vui.
“Đó là một vẻ đẹp quyến rũ nhưng giả trá, khơi động nhục dục, ý muốn có uy lực, muốn chiếm đoạt và khuất phục người khác, đó là một vẻ đẹp chẳng mấy chốc biến thành đối nghịch với nó, trong bộ dạng tục tĩu, vi phạm đạo đức hoặc khích động những điều vu vơ.
Trái lại, vẻ đẹp chân chính “giải thoát sự khát khao của trái tim con người, ham muốn sâu xa được hiểu biết, được yêu thương, được tiến về Tha nhân, được đạt tới Cõi khác.”
“Nếu công nhận rằng vẻ đẹp làm cảm động chúng ta mật thiết, gây những vết thương, mở to đôi mắt chúng ta, thì chúng ta sẽ tái khám phá ra niềm vui được trông thấy, được có khả năng nắm bắt ý nghĩa sâu xa của cuộc sống, Huyền nhiệm trong đó chúng ta là một thành phần; từ Huyền nhiệm này chúng ta có thể có được tràn đầy, hạnh phúc, nhiệt tâm để dấn thân mỗi ngày.”
Tính siêu việt
“Vẻ đẹp, dù là của vũ trụ tự nhiên hay được biểu hiện trong nghệ thuật, chính vì mở ra và làm rộng lớn chân trời hiểu biết của con người, đưa con người ra bên ngoài chính nó, mang con người đối diện với vực thẳm của Vô cùng, có thể trở thành con đường dẫn tới siêu nghiệm, tới Huyền nhiệm chủ yếu, tới Thiên Chúa.”
Do đó, mọi hình thái nghệ thuật “có thể mang tính chất tôn giáo và vì thế trở thành con đường tâm linh và phản ảnh nội tại sâu xa.”
Đức Thánh Cha khuyến khích các nghệ sĩ:
“Các bạn là những người chăm sóc cái đẹp.”
“Nhờ ở tài năng, các bạn có cơ hội nói thẳng vào tâm hồn nhân loại, tiếp xúc được với cảm quan của cá nhân và đoàn thể, khơi dậy mộng mơ và hy vọng, mở rộng những chân trời hiểu biết và dấn thân của con người.
“Vậy thì hãy biết ơn vì những quà tặng các bạn đã nhận được và ý thức đầy đủ về nhiệm vụ lớn lao của các bạn là truyền đạt vẻ đẹp, truyền đạt trong và qua vẻ đẹp!
“Qua nghệ thuật của các bạn, chính các bạn trở thành những sứ giả và chứng nhân niềm hy vọng cho nhân loại!”
“Đừng sợ phải tiến gần đến nguồn gốc nguyên thủy và chung cục của vẻ đẹp, đi vào đối thoại với các tín hữu, với những người, giống như các bạn, coi mình là những kẻ lữ hành ở thế giới này và ở trong lịch sử tiến về Vẻ đẹp bất tận.”
“Đức tin chẳng hề lấy đi điều gì khỏi thiên tài hay nghệ thuật của các bạn, trái lại còn tán dương và nuôi dưỡng, khuyến khích tài năng và nghệ thuật đó vượt qua ngưỡng cửa để chiêm ngắm, với vẻ sững sờ và cảm xúc, cái mục tiêu chung cục và dứt khoát, đó là mặt trời không lặn, mặt trời chiếu sáng giây phút hiện tại này đây và biến đổi nó thành mỹ lệ.”
Phụng Nghi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét