VỊ TRÍ ĐÚNG CỦA CHỦ TẾ TRONG NGHI THỨC ĐẦU LỄ
(hocvienthanhthe.com)
Không hiểu vì sao mà gần như chỉ tại Việt Nam, hầu hết các tư tế luôn luôn đứng tại bàn thờ để cử hành nghi thức khai mở Thánh lễ, trong khi đó, ở khắp nơi trên thế giới, linh mục hay giám mục chủ tế luôn luôn bắt đầu Thánh lễ từ vị trí ghế chủ tọa.
Không thể tìm thấy căn cứ nào để hậu thuẫn cho thực hành vị chủ tế bắt đầu Thánh lễ ngay tại bàn thờ mà chỉ có thể suy đoán thực hành này phát sinh bởi những nguyên nhân sau: thứ nhất, do vết tích hay thói quen còn sót lại của cử hành Thánh lễ trước Công đồng Vatican II (sẽ được trình bày ở phần sau) khi vị chủ tế hầu như luôn luôn đứng tại bàn thờ trong suốt Thánh lễ; thứ hai, do vị chủ tế chọn lựa theo "chủ nghĩa thuận tiện": ghế chủ tọa thường thường được đặt ở vị trí gần bàn thờ (phía sau bàn thờ) cho nên nếu đứng tại ghế chủ tọa để bắt đầu Thánh lễ thì vị chủ tế cảm thấy phức tạp hơn một chút so với đứng tại bàn thờ, vì tại đây cần phải có một micro cũng như cần một cái giá để Sách lễ trước mặt ngài, trong khi nếu chọn đứng tại bàn thờ, cả micro hay Sách lễ đều có thể dễ dàng đặt trên bàn thờ trước mặt chủ tế mà chẳng cần phải giá sách hay người giữ Sách lễ.
Trái lại, vị chủ tế bắt đầu Thánh lễ từ vị trí ghế chủ tọa là một thực hành hoàn toàn có căn cứ dựa vào thành quả từ công cuộc canh tân phụng vụ của Công đồng Vatican II khi nhấn mạnh đến: 1) Cộng đoàn phụng vụ mà việc sắp xếp không gian phụng vụ phải phản ánh được tầm quan trọng của đối tượng này; 2) Chiều kích cộng đồng của phụng vụ; 3) Ba điểm hướng về (focus points) hay chiều kích "từng chặng" ("stational" dimension) đối với phụng vụ (ghế chủ tọa; giảng đài và bàn thờ)...Những căn cứ đó được đề cập rất rõ ràng trong những tài liệu phụng vụ gần đây của Giáo Hội (kể từ năm 1969).
Bài viết này cố gắng tìm hiểu lý do dẫn đến những thực hành hiện nay bằng cách lần giở lại Thánh lễ trước Công đồng Vatican II cho đến Thánh lễ ngày hôm nay được cử hành như thế nào và đã có những thay đổi gì? Với dữ liệu lịch sử như vậy, cộng với những tài liệu hướng dẫn mới đây của Giáo Hội cũng như dựa trên ý nghĩa của chiều kích "từng chặng" trong cử hành phụng vụ Thánh lễ, hoàn toàn có thể khẳng định rằng vị tư tế khởi sự nghi thức đầu lễ tại ghế chủ tọa mới là xác đáng.
TỪ CÔNG ĐỒNG TRENTÔ....
Từ Công đồng Trentô (thế kỷ XVI) cho đến nay (thế kỷ XXI), kể như có hai cuốn Sách lễ Rôma: Sách lễ Đức Piô V và Sách lễ Đức Phaolô VI.
Sách lễ Đức Piô V chính thức ra đời năm 1570, tức sau Công đồng Trentô (1545-1563).
Còn Sách lễ Đức Phaolô VI ra đời sau Công đồng Vatican II (1962-1965) và đã có những ấn bản sau:
· Ấn bản mẫu thứ I xuất hiện ngày 26/03/1970 vì khi ban hành Tông hiếnMissale Romanum ngày 06/04/1969, tòa thánh mới chỉ xuất bản được Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma [= QCSL] (Institutio Generalis Missalis Romani)[1] vàNghi thức Thánh lễ [= NTTL](Ordo Missae).[2]
· Ấn bản mẫu thứ II của Sách lễ Rôma được Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích công bố năm 1975. Hiện nay, Giáo Hội Việt Nam chúng ta vẫn còn sử dụng Sách lễ Rôma theo ấn bản thứ II này (được phiên dịch ra tiếng Việt năm 1992) ngoại trừ phần Nghi thức Thánh lễ (Ordo Missae) thuộc về ấn bản mẫu thứ III (năm 2002) đã được dịch ra tiếng Việt cũng như được Tòa Thánh chuẩn nhận cho dùng trong phụng vụ từ năm 2005.
· Ấn bản mẫu thứ III ra đời năm 2002. Nên biết rằng, đầu năm 2000, tòa thánh Vatican loan báo sẽ xuất bản Sách lễ Rôma ấn bản thứ III cùng với Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma (2000) mới. Trong khi bản văn Quy chế Tổng quát Sách lễ Rô-ma (2000) đã hoàn tất và cho phát hành vào cuối tháng 7/2000 thì việc xuất bản thực sự ấn bản thứ III Sách lễ Rôma với Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma đã tu sửa (bằng tiếng La tinh) bị trì hoãn cho mãi tới tháng 02 năm 2002 mới hoàn thành
Dựa vào Sách lễ Roma 1570, như được trình bày sau đây, người ta biết đến cấu trúc Thánh lễ theo Đức Piô V cũng như biết được vị trí của tư tế khi dâng lễ: đứng tại chân bàn thờ và bàn thờ (đứng ở giữa bàn thờ hay di chuyển sang bên phải hoặc bên trái bàn thờ):[3]
1] Chuẩn bị
Lời cầu nguyện dưới chân bàn thờ (tư tế đứng dưới chân bàn thờ cùng toàn thể cộng doàn hướng về bàn thờ) - Dấu Thánh giá - Thánh vịnh 42 - Cáo mình - Lời cầu xin - Lời nguyện Thanh tẩy (lúc này vị tư tế mới bước lên bàn thờ và ở đó cho đến hết Thánh lễ) - Hôn bàn thờ - Lời cầu trên xương thánh
2] Phần I - Trước Hiến Lễ
Xông hương (lễ trọng) : giữa kinh Cáo mình và kinh Thương xót - Ca nhập lễ (bên phải bàn thờ) - Kinh Thương xót (giữa bàn thờ) - Kinh Vinh danh (giữa bàn thờ) - Lời Tổng nguyện (bên phải bàn thờ) - Thánh thư (bên phải bàn thờ) - Đáp ca và Alêluia (bên phải bàn thờ) - Lời nguyện Thanh tẩy (giữa bàn thờ) - Tin Mừng (bên trái bàn thờ) - Hôn Tin Mừng - Kinh Tin kính (giữa bàn thờ).
3] Phần II - Hiến Lễ
i) Chuẩn bị hiến lễ
Ca Tiến lễ + Chuẩn bị Lễ vật - Lời nguyện trên bánh (giữa bàn thờ) - Pha rượu với nước (bên phải bàn thờ) - Lời nguyện trên chén (giữa bàn thờ) - Lời nguyện thầm - Lời cầu xin Chúa Thánh Thần - Xông hương - Rửa ngón tay (bên phải bàn thờ) - Lời nguyện Ba Ngôi (giữa bàn thờ) - Mời gọi - Lời nguyện Tiến lễ (giữa bàn thờ).
ii) Lễ quy
Lời Tiền tụng - Lễ quy cố định (Kinh Tạ Ơn I).
iii) Hiệp lễ
Mời gọi - Kinh Lạy Cha - Lời chuyển cầu Đức Mẹ và các thánh - Bẻ bánh + chúc bình an - Kinh Chiên Thiên Chúa - Lời cầu bình an (bỏ khi dâng lễ cầu hồn) - Hai Lời nguyện thầm - Lời nguyện thầm + linh mục đấm ngực + rước Mình Thánh - Lời nguyện thầm + linh mục rước Máu Thánh - kinh Cáo mình (giáo dân) - Mời gọi - Giáo dân rước lễ - Tráng chén - ca Hiệp lễ (bên phải bàn thờ) - Lời nguyện Hiệp lễ (bên phải bàn thờ).
4] Kết thúc Thánh lễ
Chào + giải tán (giữa bàn thờ) - Lời cầu Ba Ngôi - Hôn bàn thờ + Phép lành - Tin Mừng cuối lễ (Ga 1,1-14) - Lời nguyện sau lễ (bỏ, nếu sau đó có một cử hành phụng vụ khác).
...ĐẾN CÔNG ĐỒNG VATICAN II
Kể từ sau Công đồng Vatican II, với sự ra đời của Nghi thức Thánh lễ 1969 và Sách lễ Roma của Đức Phao lô VI (ấn bản thứ I [1970] - ấn bản thứ II [1975] - ấn bản thứ III [2002]), Thánh lễ đã có một diện mạo hoàn toàn mới mẻ và khác hẳn Thánh lễ của Đức Piô V (1570). Có thể nêu ra một số điểm canh tân sau: Linh mục chủ tế được quyền chọn lựa những bản văn cầu nguyện khác nhau (ví dụ: những hình thức của hành động thống hối...) và có thể nói với cộng đoàn bằng lời riêng của mình (ví dụ: những lời Dẫn nhập đầu tiên...); Làm phép và rảy nước thánh thuộc về thành phần của Thánh lễ; Không còn xông hương giữa Confietor và Kyrie; Công bố 3 Bài đọc Thánh Kinh trong Thánh lễ Chúa nhật và các ngày lễ lớn; Đáp lại Bài đọc I bằng Thánh vịnh Đáp ca; Alêluia là phần chuẩn bị cho Tin Mừng hơn là đáp lại Bài đọc trước đó; Phục hồi Lời nguyện Tín hữu hay Kinh nguyện Chung;[4] Phần "Dâng lễ" trước đây, nay được coi là "Chuẩn bị Lễ vật", tương ứng với hành động "cầm lấy"; Kết thúc phần này, linh mục sẽ đọc lớn tiếng Lời nguyện Tiến lễ thay vì chỉ là Lời nguyện mang tính cá nhân;[5] Thêm 3 Kinh nguyện Thánh Thể khác (II, III và IV) thay vì chỉ có duy nhất Lễ quy Rôma; Kinh Lạy Cha là lời kinh cộng đồng, không còn lời kinh của riêng vị tư tế nữa;[6]
Một điểm khác biệt nữa liên quan đến chủ đề bàn ở đây, chính là nơi cử hành phụng vụ cũng như vị trí của chủ tế trong cử hành phụng vụ Thánh lễ.
VỊ TRÍ CỦA CHỦ TẾ TRONG THÁNH LỄ
Theo hướng dẫn của Hiến chế Phụng vụ số 50:
Phải làm sao tu chỉnh Nghi thức Thánh lễ để biểu lộ rõ ràng hơn nữa ý nghĩa riêng biệt của mỗi phần, cũng như mối tương quan của chúng, đồng thời để việc tham dự thành kính và linh động của các tín hữu được dễ dàng hơn.
Có thể nói, chiều kích cộng đồng của phụng vụ hay sự tham dự 'thành kính và linh động' của các tín hữu vào cử hành phụng vụ chính là mục tiêu của toàn bộ cuộc cải cách phụng vụ của Công đồng Vatican II đến độ tất cả 7 chương của Hiến chế Phụng vụ đều sử dụng từ THAM DỰ và từ này được nhắc đi nhắc lại đến 26 lần. Sau đây là một vài thay đổi trong phụng vụ nhằm lôi kéo các tín hữu 'tham dự một cách trọn vẹn, ý thức và linh động' vào phụng vụ:[7]
· Sử dụng tiếng mẹ đẻ trong phụng vụ. Nhờ vậy, người tham dự không những dễ dàng hiểu được những gì diễn ra trong cử hành mà còn giúp họ có thể đáp lại và cầu nguyện chung với chủ tế;[8]
· Cho phép các tín hữu công bố Lời Chúa thay vì vị tư tế đứng tại bàn thờ và đọc cả hai Bài đọc Sách Thánh. Do vậy các Bài đọc được lấy ra khỏi Sách lễ để đưa vào cuốn Sách Bài đọc và Sách Phúc Âm.[9]
· Sắp xếp lại không gian phụng vụ:
a. Đưa bàn thờ tách biệt khỏi bức tường đầu cung thánh hầu vị tư tế có thể cử hành Thánh lễ đối diện với cộng đoàn dân chúng cũng như tái thiết lập một cuộc đối thoại thực sự giữa chủ tế và các tín hữu tham dự như đã thực hành trong những vương cung thánh đường ở Rôma cổ xưa;[10]
b. Mỗi Nhà thờ có một cung thánh trong đó có đặt ghế chủ tọa, giảng đài và bàn thờ là ba điểm hướng về (focus points) trong cử hành phụng vụ, để rồi, theo chiều kích "từng chặng" đối với phụng vụ: ở nghi thức đầu lễ, trọng tâm của hành vi phụng vụ là ghế chủ tọa, vị chủ tế cử hành tại đó và mọi người tham dự phải hướng về vị trí này; rồi cộng đoàn sẽ hướng về bục giảng hay giảng đài trong phần phụng vụ Lời Chúa; tiếp theo, họ hướng về bàn thờ trong phần phụng vụ Thánh Thể; và cuối cùng lại quay hướng về ghế chủ tọa ở phần Nghi thức Kết thúc.[11]
Kể từ Nghi thức Thánh lễ (1969) cho đến Sách lễ Roma ấn bản mới nhất (III) năm 2002, chúng ta nhận ra là đã có một sự trở lại với truyền thống xa xưa hơn,[12] nghĩa là giảng đài dành để công bố Sách Thánh trong phần Phụng vụ Lời Chúa, ghế chủ tọa để vị chủ tế cử hành các nghi thức nhập lễ và kết lễ,[13] bàn thờ là điểm hướng về của cộng đoàn chỉ khi bánh và rượu được mang lên đó trong phần Phụng vụ Thánh Thể.[14]
Lượt qua tất cả những hướng dẫn của Giáo Hội sau đây liên quan đến vị trí của tư tế trong nghi thức đầu lễ, người ta nhận ra một sự nhất quán không thay đổi từ năm 1969 cho đến nay, đó là khi vị tư tế tiến đến cung thánh, ngài sẽ cúi chào bàn thờ, hôn kính bàn thờ, (có thể xông hương bàn thờ), và sau đó luôn luôn phải về ghế chủ tọa để bắt đầu Thánh lễ:
· NTTL (1969) số 2: "Đến bàn thờ, bái gối hoặc cúi chào bàn thờ, rồi chủ tế tiến lên cung kính hôn bàn thờ, xông hương tùy nghi, đi xuống ghế."[15]
· QCSL (1970) số 86: "Sau đó, linh mục tới ghế. Khi hát xong ca nhập lễ, mọi người vẫn đứng, linh mục và giáo dân làm dấu thánh giá, linh mục: Nhân danh Cha.."
· NTTL (1975) số 2: "...đến bàn thờ, bái gối hoặc cúi chào bàn thờ, rồi chủ tế tiến lên cung kính hôn bàn thờ, xông hương tùy nghi. Sau đó cùng với các người giúp lễ, về ghế." QCSL (1975) số 86: "Sau đó, linh mục tới ghế. Khi hát xong ca nhập lễ, mọi người vẫn đứng, linh mục và giáo dân làm dấu thánh giá, linh mục đọc: Nhân danh Cha..".; QCSL (1975) số 163: "Khi tới bàn thờ, các vị đồng tế và chủ tế bái chào và hôn kính bàn thờ, rồi về ghế của mình. Chủ tế sẽ tùy nghi xông hương bàn thờ, rồi cũng về ghế của mình."
· NTTL (2002) số 1: "Khi tới bàn thờ, linh mục cùng các thừa tác viên cúi mình sâu chào bàn thờ, rồi linh mục tiến lên hôn kính bàn thờ và tùy nghi xông hương thánh giá và bàn thờ (hoặc xá nhang). Sau đó cùng với các thừa tác viên về ghế." QCSL (2000-2002) số 50: "Sau ca nhập lễ, vị tư tế đứng tại ghế, cùng toàn thể cộng đoàn làm dấu Thánh giá..."; QCSL (2000-2002) số 124: "Sau đó, vị tư tế tới ghế. Khi hát xong ca nhập lễ, mọi người vẫn đứng, vị tư tế và giáo dân làm dấu thánh giá..."; QCSL (2000-2002) số 211: "Khi đến bàn thờ, các vị đồng tế và chủ tế bái sâu chào, rồi hôn kính bàn thờ, sau đó về chỗ ngồi của mình. Vị chủ tế, tùy nghi, xông hương thánh giá và bàn thờ, rồi về ghế.[16]
Khi chú giải QCSL (2002) số 50, có lẽ vì muốn ngăn ngừa các vị chủ tế không tuân thủ hướng dẫn của Giáo Hội, đức ông Joseph Degrocco đã viết một cách dứt khoát rằng:
Nghi thức nhập lễ được mô tả như là một sự liên tục với việc vị tư tế cử hành nghi thức này từ ghế chủ tọa. Điều quan trọng là vị tư tế phải tôn trọng những vị trí khác nhau là nơi mà các hành động phụng vụ diễn ra. Vì bàn thờ liên kết với việc dâng hiến hy lễ và chia sẻ bàn tiệc thánh cho nên chỉ sử dụng bàn thờ cho những nghi thức liên hệ tới hành động này, không nên cử hành toàn bộ Thánh lễ từ nơi bàn thờ. Vì thế, vị tư tế ở tại ghế chủ tọa trong nghi thức nhập lễ.[17]
Khi chú giải QCSL (2002) số 50 và số 124, giáo sư Edward Forley cũng nhấn mạnh những nghi thức này (Nghi thức nhập lễ) diễn ra tại ghế chủ tọa, vị chủ tế phải đứng tại đây để chủ tọa nghi thức nhập lễ chứ không được phép tùy chọn đứng tại bàn thờ hay tại giảng đài; Edward Forley còn nói thêm, có lẽ Quy chế Tổng quát Sách lễ Roma (2002) nhắm đến việc sửa chữa thực hành sai trái của một số vị chủ tế thường cử hành nghi thức nhập lễ từ bàn thờ mà nơi này vốn chưa trở thành điểm hội tụ (hướng về) của hành động phụng vụ cho đến thời điểm chuẩn bị lễ vật và bàn thờ (phụng vụ Thánh Thể).[18]
Ngay từ năm 1972, tức là chỉ 3 năm sau khi Nghi thức Thánh lễ hậu cộng đồng Vatican II được ban hành (1969), vị giáo sư phụng vụ viết bằng tiếng Đức là Johannes H. Emminghaus đã cho biết: ghế chủ tế là một điều gì đó mới mẻ trong số các đối tượng trên cung thánh và vẫn chưa được người ta hiểu tường tận lắm, mặc dầu đây không phải là chuyện canh tân cho bằng chỉ là trở về với thực hành cổ xưa nhất của Giáo Hội. Với sự phát sinh của Thánh lễ tư riêng vào cuối thiên niên kỷ thứ I, vị chủ tế đã luôn luôn đứng tại bàn thờ suốt buổi cử hành Thánh lễ, thế là chỗ ngồi đặc biệt hay ghế chính thức dành cho vị tư tế (chủ tế) biến mất từ đó. Ngày nay, ghế chủ tọa lại trở thành nơi bình thường cho vị chủ tế khi cử hành phụng vụ. Johannes H. Emminghaus viết thêm, từ ghế chủ tọa, vị chủ tế có thể thực thi một số chức năng nào đó như trong nghi thức khai mở và kết thúc Thánh lễ.[19]
Chắc chắn chủ tế nên cử hành nghi thức đầu lễ từ ghế chủ tọa hơn là từ bàn thờ hay giảng đài, nhưng cũng có một vài ngoại lệ, chẳng hạn như khi không gian cung thánh Nhà thờ hay Nhà nguyện quá nhỏ hẹp hoặc khi sách phụng vụ dự liệu cách khác trong những thời điểm và trường hợp đặc biệt, ví dụ: trong "Thánh lễ chỉ có một người giúp".[20]
Tại Nhà thờ chính tòa, khi đức giám mục giáo phận chủ tọa buổi cử hành phụng vụ, trong một số phần của nghi lễ, chẳng hạn trong nghi thức đầu lễ, ngài đứng tại ghế giám mục của mình (cathera).[21] Còn khi một linh mục chủ tế tại Nhà thờ chính tòa, ngài không được sử dụng ghế giám mục chính tòa (cathedra), nhưng một ghế chủ tọa khác dành cho ngài được định vị ở một nơi khác, tách biệt khỏi ghế giám mục.[22] Tưởng cũng nên biết rằng, trong phụng vụ, ghế chủ tọa là dấu hiệu chỉ ra chức vụ của vị tư tế là chủ toạ cộng đoàn và điều khiển kinh nguyện.[23]Theo phụng vụ Roma, ghế chủ tọa không chỉ là một chiếc ghế vật chất hay là một đối tượng vật chất bên trong Thánh đường, mà còn là biểu tượng vừa cho quyền bính của đức giám mục, vừa cho mối hiệp thông của đức giám mục với đức giáo hoàng và các đức giám mục khác trên toàn thế giới.[24] Ghế chủ tọa tại mỗi Nhà thờ giáo xứ sẽ như đại diện cho quyền giảng dạy của đức giám mục khi vị linh mục chủ tế ngồi vào đó. Khi đức giám mục viếng thăm giáo xứ và chủ sự buổi cử hành phụng vụ, ngài sẽ ngồi vào ghế chủ tọa xét như là mộtcathedra tạm thời hay là sự nối dài hữu hình cathedra tại Nhà thờ chính tòa của ngài.[25]
Như vậy, toàn bộ cử hành Thánh lễ sau Công đồng Vatican II không còn chỉ diễn ra tại bàn thờ (hay tại chân bàn thờ) nữa mà mỗi thời khắc khác nhau hay những nghi lễ khác nhau, cộng đoàn sẽ chú ý đến hay tập trung hướng tới những vị trí khác nhau trong một không gian phụng vụ rộng lớn hơn nằm trong cung thánh: ghế chủ tọa, giảng đài và bàn thờ.[26] Như đã nói, ba vị trí này được gọi là ba điểm hội tụ hay hướng về của cử hành phụng vụ Thánh lễ.
LỜI KẾT
Tóm lại, theo hướng dẫn của Giáo Hội, tư tế bắt đầu Thánh lễ ở vị trí ghế chủ tọa. Ghế này, như được các tài liệu của Giáo Hội chỉ rõ phải nói lên vai trò chủ tọa cộng đoàn và điều khiển kinh nguyện. Tại vị trí ghế chủ tọa, có hai thứ cần chuẩn bị: 1) Micro (microphone): hoặc vị tư tế gắn micro không dây vào mình; hoặc một người giúp lễ cầm micro đứng bên cạnh chủ tế; hoặc gắn micro vào giá sách; hoặc gắn micro vào chân micro để gần bên; 2) Giá sách để Sách lễ Roma trước mặt chủ tế. Nếu không dùng giá sách, thì khi tới Lời Tổng nguyện, một người giúp lễ sẽ mang Sách lễ Roma đến trước mặt chủ tế rồi giữ Sách lễ cho ngài đọc.
Hoàn toàn không thích hợp nếu vị tư tế bắt đầu Thánh lễ ở vị trí giảng đài hay bàn thờ, vì mỗi nơi được dành cho những mục đích riêng: giảng đài cho bàn tiệc Lời Chúa và bàn thờ cho Bàn tiệc Thánh Thể.[27] Vì thế, quy tắc phụng vụ chỉ rõ rằng những công việc khác như thông báo, tập hát, dẫn lễ… đều không được diễn ra tại giảng đài, nhưng từ một nơi khác. Cũng vậy, không nên sử dụng bàn thờ vào việc gì trong Thánh lễ từ đầu lễ cho tới lúc Chuẩn bị Lễ vật, nghĩa là không nên biến bàn thờ thành nơi hướng về (focus point) ngay từ đầu Thánh lễ. Tốt hơn, nên để bàn thờ trống không từ đầu lễ, chờ đợi cho tới thời điểm này (Chuẩn bị Lễ vật), các thừa tác viên mới đặt lên trên bàn thờ Sách lễ, bình thánh và những yếu tố phụng vụ khác.[28] Bấy giờ, vị chủ tế mới di chuyển đến bàn thờ để cử hành phần phụng vụ Thánh Thể.[29]
Với những gì vừa trình bày ở trên, có thể nhìn nhận như thế này: thói quen vị chủ tế đứng tại bàn thờ để bắt đầu Thánh lễ, nếu không phải là sự chọn lựa đi trật khỏi những hướng dẫn của Giáo Hội, thì thực hành này đang thực sự bị lạc hậu trước những đổi mới của Công đồng Vatican II. Bởi vậy, thiết tưởng rằng nên chấm dứt tình trạng vẫn đang phổ biến tại Việt Nam , đó là vị chủ tế đứng tại bàn thờ để bắt đầu Thánh lễ.
Lễ Suy tôn Thánh giá 2014
Lm. Giuse Phạm Đình Ái, sss.
[1] Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma (Institutio Generalis Missalis Romani) được chúng tôi viết tắt trong bài viết này là QCSL.
[10] Uwe Michael Lang, "The Reform of the Liturgy and the Position of the Celebrant at the Altar" trong http://www.ignatiusinsight.com/features2009/umlang_introtttl_aug09.asp
[11] Xc. Thomas P. Rausch SJ, Catholicisim - The Third Millenium (Quezon City : Claretians Publications, 2003) - Bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Đức Thông: Đạo Công giáo Thiên niên kỷ thứ III (Nxb Tôn giáo, 2010), 390-391.
[12] Xc. Johannes H. Emminghaus, Die Messe: Wesen-Gestalt-Vollzughe (1972), bản dịch tiếng Anh bởi Linda M. Maloney: Eucharist - Essence, Form, Celebration (Minnesota: The Liturgical Press, 1997), 112; Kevin W. Irwin, Responses to 100 Questions on the Mass (New Jersey : Paulist Press, 1999), 46.
[14] NTTL (1969) số 17: Bắt đầu hát ca dâng lễ. trong lúc đó, các người giúp lễ mang khăn thánh, chén thánh, khăn lau chén và Sách lễ bàn thờ; NTTL (2002) số 21: Dứt lời nguyện tín hữu, bắt đầu hát ca dâng lễ. trong khi đó, các từa tác viên mang khăn thánh, chén thánh, khăn lau chén, tấm đậy chén thánh và Sách lễ lên bàn thờ.
[15] Kết lễ: NTTL (1969) số 111: Chủ tế đứng tại ghế hay lên bàn thờ nói: Chúng ta hãy cầu nguyện ...
[16] Kết lễ: NTTL (2002) số 138: linh mục đứng tại ghế hay tại bàn thờ, hướng về cộng đoàn, chắp tay và nói: "Chúng ta hãy cầu nguyện".
[17] Joseph Degrocco, A Pastoral Commentaty on the General Instruction of the Roman Missal (Chicago : Liturgy Training Publication, 2011), 34-35..
[18] Xc. Edward Foley, "The Structure of the Mass, Its Elements and Its Parts", trong Edward Foley (ed), A Commentary on the General Instruction of the Roman Missal (Minnesota : A Pueblo, The Liturgical Press, 2007), 140. 237-238.
[19] Xc. Johannes H. Emminghaus, The Eucharist - Essence, Form, Celebration (Minnesota: The Liturgical Press, 1997), 112.
[20] QCSL (2000) các số 257-259; QCSL (2002) các số 256-258; Xc. Ủy ban Phụng vụ của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ (USCCB), Introduction to the Order of Mass, số 66 (Washington DC, 2003).
[24] Xc. Kevin W. Irwin, Responses to 100 Questions on the Mass (New Jersey : Paulist Press, 1999), 46.
[27] Có thể giảng từ ghế chủ tọa như biểu tượng của quyền giảng dạy, nhưng thông thường linh mục tại nhiều nơi vẫn chọn giảng đài để giảng lễ.
[29] Xc. Edward McNamara, "Where the Priest Should Begin Mass", Rome , 23/06/2009 (ZENIT) trong http://www.ewtn.com/library/Liturgy/zlitur274.HTM.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét