Tại Việt Nam, lâu nay chúng ta vẫn thấy ở nơi nọ nơi kia, các tân linh mục vừa mới thụ phong cùng ban phép lành kết lễ với Đức Giám mục chủ tế trong ngày chịu chức của mình, hay các cha đồng tế được mời gọi cùng ban phép lành cuối lễ với vị chủ tế ngay trong thánh lễ. Thực hành này có được áp dụng không? Xin thưa ngay là không, vì đây là một thực hành chưa bao giờ xuất hiện trong truyền thống của Hội Thánh và cũng không có cơ sở nào trong luật phụng vụ hiện nay của Hội Thánh mà chỉ là thực hành được áp dụng một cách lầm lẫn về bối cảnh.
I- TRUYỀN THỐNG CỦA HỘI THÁNH
Đọc lướt qua lịch sử về thánh lễ đồng tế trong Giáo hội Công giáo Rôma vốn bị ngắt quãng trong nhiều thế kỷ (khoảng 600 năm), ngoại trừ lễ truyền chức linh mục và giám mục (CIC [1917], số 803) rồi được phục hồi bởi Công đồng Vatican II,[1] chúng ta nhận thấy: tuy kỷ luật cũng như tập tục về đồng tế có khác nhau đôi chút giữa nơi này với nơi kia, nhưng chưa bao giờ Hội Thánh nhắc đến việc các vị đồng tế đồng loạt ban phép lành chung với chủ tế và thực hành như vậy. Thông thường, thực hành ban phép lành vào lúc kết lễ, trong mọi thánh lễ - đồng tế hay không đồng tế - luôn luôn là phần việc riêng của giám mục/ linh mục chủ tế như các tài liệu lịch sử đã chứng minh. Ngoài ra, chủ tế còn những phần việc riêng khác nữa như làm phép nước để hòa với rượu, xông hương, hôn Sách Tin Mừng, rửa tay, đọc bài lễ, đọc kinh Tiền Tụng, làm cử điệu khi truyền phép, đọc Kinh khẩn nài sau kinh Lạy Cha (Embolism) v.v… [2]
Mặc dầu không hề nhắc đến việc các vị đồng tế cùng ban phép lành với chủ tế, nhưng các tài liệu lịch sử lại trình bày rất nhiều chi tiết khác trong thánh lễ đồng tế, ở đây chỉ nêu ra một số điểm đáng lưu ý:[3]
- Vị trí của đồng tế: Các ngài đứng chung quanh / hai bên, hoặc bên cạnh hoặc đằng sau Đức Giám mục chủ tế trong vai trò bảo vệ ngài khỏi kẻ xấu, hỗ trợ ngài trong một số phần việc hoặc có khi chỉ đứng đó như một nhân chứng cho sự kiện; [trong thánh lễ truyền chức trước Công đồng Vatican II], các tân linh mục quỳ phía sau giám mục chủ tế thậm chí vào lúc toàn thể cộng đoàn đang đứng…);
- Kinh nguyện Thánh Thể (Lễ quy bên Tây phương / Anaphora bên Đông phương): Chỉ một mình Đức Giám mục / Đức Giáo hoàng chủ tế thực hiện các bổn phận thánh, đọc Kinh nguyện Thánh Thể. Tại Constantinopoli, chỉ một mình vị thượng phụ đọc kinh Tiến Dâng (Anaphora)] và công thức truyền phép. Còn các vị đồng tế thì không được phép đọc kinh Tiến Dâng (Anaphora) cùng với giám mục chủ tế. Công đồng Seville II (năm 619) cấm linh mục truyền phép khi có giám mục hiện diện. Tại Orleans và tại Rheims cũng vậy, các kinh sĩ đồng tế với Đức Giám mục bị cấm đọc lời truyền phép (từ thế kỷ XVI), Về sau, trong những ngày đại lễ, hoặc có nơi (tại Sens vào một số ngày lễ như lễ quan thầy Stephano, lễ cung hiến và thứ Năm Tuần Thánh)), linh mục đồng tế với ĐGM sẽ đọc lễ quy, truyền phép cùng với ngài và rước lễ dưới 2 hình từ tay ngài; Dịp đồng tế: bình thường các linh mục hỗ trợ chứ không đồng tế, tham gia vào nghi thức tiến lễ và tiếp nhận Thánh Thể. Hành động hỗ trợ cho chủ tế thường thấy là bẻ bánh (co-fraction) đang khi ca đoàn hát “Lạy Chiên Thiên Chúa…” (Agnus) (x. Ordo Romanus I; Ordo Romanus II; Ordo Romanus III). Vào những dịp lễ lớn trong năm, các linh mục hỗ trợ không những bẻ bánh mà còn tiếp nhận lễ phẩm và cho rước lễ. Công đồng Clermont (năm 535) cho phép các linh mục cử hành mầu nhiệm thánh tại làng quê vào các ngày thường vì các tín hữu không thể tham dự thánh lễ của Giám mục, nhưng vào những dịp lễ lớn [như Giáng sinh, Phục sinh, Hiện xuống, thánh Phêrô] họ (các hồng y linh mục) phải quy tụ về thành phố để đồng tế cùng với Đức Giám mục / Đức Giáo hoàng (Ordo Romanus I, 48). Một thời gian dài cho đến trước Công đồng Vatican II, trong Giáo Hội La tinh, không tồn tại thánh lễ đồng tế nữa trừ ra hai trường hợp mà Giáo luật (Canon 803) cho phép đồng tế là lễ truyền chức linh mục và lễ tấn phong Giám mục (các tân linh mục sẽ đọc lời nguyện tiến lễ và toàn bộ lễ quy). Giáo hội tại Lyon vẫn giữ lại tập tục đồng tế vào thứ Năm Thánh.[4] Ngày nay, các dịp có thể đồng tế mở rộng hơn rất nhiều, thậm chí còn phải đồng tế do chính nghi thức đòi buộc. Thêm nữa, Giám mục có quyền ấn định về kỷ luật đồng tế cho giáo phận của mình trong mọi nhà thờ và nhà nguyện (QCSL 199- 205).[5]
Chúng ta hãy xem xét dưới đây nghi thức kết lễ được cử hành thế nào qua dòng thời gian để biết rằng hành động ban phép lành luôn luôn thuộc về vị chủ tế.
Thật vậy, vào cuối thế kỷ IV, người ta biết đến một vài trường hợp kết lễ "đơn giản". Sách Didache (năm 380) cho biết có một lời nguyện cảm tạ dài theo sau việc rước lễ, rồi phó tế nói: “Xin cúi đầu trước Thiên Chúa qua Đức Kitô của Người để lãnh nhận phép lành.” Sau đó, Đức Giám mục đọc một lời nguyện chúc phúc dài. Tiếp theo, thầy phó tế nói: “Hãy ra đi bình an.” Egeria (năm 386) đi hành hương và đã mô tả phần kết của một số cử hành buổi phụng vụ tại Giêrusalem và những nơi gần Đất Thánh rằng: “Sau khi ngài (chủ tế) đọc lời nguyện và chúc lành cho các tín hữu, Đức Giám mục đi ra khỏi cung thánh, lập tức những người hiện diện đến với ngài để hôn tay, ngài chúc lành cho từng người đang khi đi ra ngoài. Và vì thế sự giải tán được công bố, bấy giờ trời còn thanh thiên bạch nhật.”[6]
Theo cuốn Ordo Romanus I, sau khi chủ tế đọc một lời nguyện sau hiệp lễ thì vị tổng phó tế được Đức Giáo hoàng ra hiệu bằng cái gật đầu, sẽ nói: “Ite, missa est,” còn dân chúng đáp lại: “Deo gratias”(Tạ ơn Chúa). Một đoàn rước bao gồm những người mang theo 7 chân nến và hương trầm dẫn đầu tiến ra ngoài. Khi Đức Giáo hoàng đi ngang qua những nhóm người khác nhau, họ nói với ngài: “Iube, domne, benedicere,” và ngài nói với họ rằng “Benedicat vos dominus” (Xin Chúa chúc lành cho anh chị em), dân chúng đáp lại: “Amen”. Sau cùng đoàn rước đi vào phòng thánh.[7]
Nghi thức thánh lễ Frankish cho biết phép lành cuối lễ dường như chỉ được ban khi Đức Giám mục làm chủ tế. Phần kết lễ trong Sách lễ 1570 và được lặp lại trong Sách lễ 1962 cho biết vị chủ tế ban phép lành trên cộng đoàn phụng vụ bằng câu “Benedicat vos omnipotens Deus...” (Xin Thiên Chúa toàn năng chúc lành cho anh chị em…) và dân chúng đáp lại “Amen.” Lòng ước ao đón nhận phép lành cuối lễ bởi bất kỳ ai làm chủ tế phát triển dần dần vào thời Trung cổ. Đầu tiên, chủ tế ban phép lành cho dân bằng Bánh Thánh hay bằng một thánh tích. Trong thế kỷ XIII, việc chúc lành cho dân được sử dụng bằng chén thánh, hoặc đĩa thánh hay khăn thánh. Từ Sách lễ 1570 cho đến hiện nay, việc ban phép lành bn nay, Nghi thức kết lễ được đơn giản hóa rất nhiều như được trình bày trong Quy chế Tổng quát Sách lễ Roma [2002] (= QCSL) tại các số 90, 170 và Nghi thức thánh lễ [2002] (=NTTL) tại các số 140-146. Các bản văn này cho phép chúng ta hiểu là chính chủ tế chứ không ai khác ban phép lành kết lễ.
II- LUẬT PHỤNG VỤ HIỆN NAY
1. Chỉ chủ tế ban phép lành cuối lễ
Trong cử hành phụng vụ nói chung và thánh lễ nói riêng bao giờ cũng gồm 3 yếu tố chính: [i] Vị chủ sự (cá nhân chứ không phải tập thể); [ii] Cộng đoàn (những người tham dự phụng vụ không phải là vị chủ sự); [iii] Các dấu chỉ và biểu tượng, lời và hành động.[9]
Dưới đây là những lý do khiến chúng ta phải thừa nhận rằng chủ tế và chỉ một mình chủ tế mới ban phép lành vào lúc kết thúc thánh lễ:
- Thứ nhất: Trong vai trò là chủ sự, như đã nằm trong truyền thống của Hội Thánh và tiếp tục được các sách phụng vụ hiện nay quy định, vị chủ tế sẽ có những lời đọc, hành động hay cử chỉ riêng được coi là “thuộc về chủ tế”, mà không ai, kể cả các vị tư tế đồng tế được phép “xâm phạm” vào. Chẳng hạn: [i] Chỉ một mình vị chủ tế chính đọc các lời nguyện nhập lễ (QCSL 54, 127, 259; NTTL 6, 9), lời nguyện tiến lễ (QCSL 77, 146, 215; NTTL 18, 30), lời nguyện hiệp lễ (QCSL 89, 165, 184, 271; NTTL 32, 189), vốn được gọi là “Kinh nguyện chủ tọa” mà vị chủ tế thay mặt toàn thể dân thánh cùng những người chung quanh dâng lên Thiên Chúa (QCSL 30, 215); [ii] Chỉ một mình vị chủ tế mới xông hương trong thánh lễ có xông hương (QCSL 211); [iii] Chính chủ tế nói mấy lời dẫn nhập vào Lời nguyện tín hữu và đọc lời nguyện kết thúc phần Lời nguyện chung này (QCSL 71); [iv]Chuẩn bị của lễ (QCSL 139-145) do vị chủ tế chính thực hiện, các vị đồng tế khác ở lại tại chỗ (QCSL 214); [v] Chỉ một mình vị chủ tế đọc hoặc hát Kinh Tiền Tụng (QCSL 216); [vi]Sau lời tung hô “Thánh! Thánh! Chí Thánh!”, một mình vị chủ tế làm các cử chỉ… (QCSL 217, 222); [vii] Một mình chủ tế dang tay đọc: “Lạy Chúa, xin cứu chúng con…” sau kinh Lạy Cha (QCSL 238); [v] Một mình chủ tế cầm Mình Thánh truyền phép nâng cao lên một chút [trên đĩa thánh hoặc trên chén thánh], hướng về cộng đoàn mà đọc: “Đây Chiên Thiên Chúa…” (QCSL 243); [viii] Ở phần kết lễ, chủ tế làm mọi việc khác cho tới cuối lễ như thường lệ (QCSL 166-169), còn các vị đồng tế cứ ở tại chỗ (QCSL 250); trước khi rời khỏi bàn thờ, các vị đồng tế cúi mình trước bàn thờ, chỉ có chủ tế và phó tế mới kính cẩn hôn bàn thờ như thường lệ (QCSL 251).
- Thứ hai: Trong thánh lễ, khi chủ tế xướng đọc: “Anh chị em hãy cầu nguyện để hy lễ của tôi cũng là của anh chị em được Thiên Chúa là Cha toàn năng chấp nhận.” Cộng đoàn [bao gồm cả những vị đồng tế] sẽ đứng lên và thưa: “Xin Chúa nhận hy lễ bởi tay cha, để ca tụng tôn vinh danh Chúa, và mưu ích cho chúng ta cùng toàn thể Hội Thánh Người’ (NTTL 29). Câu đáp “hy lễ bởi tay cha” chứng tỏ chủ tế là người chủ tọa trên toàn bộ cử hành phụng vụ Thánh Thể và vì thế, trong nghi thức, chỉ có mình ngài mới cầm lấy bánh và rượu trong tay tại thời điểm truyền phép cũng như chỉ có ngài mới ban phép lành vào thời điểm kết thúc thánh lễ.
- Thứ ba: Thực hành đồng tế như là bắt chước chính Chúa Giêsu và các tông đồ trong bữa Tiệc ly. Việc đồng tế biểu lộ cách thích đáng sự hợp nhất của chức linh mục, của hy lễ và của toàn thể dân Chúa (QCSL 199).[10] Nếu như các linh mục đồng tế “xâm lấn” vào phần việc dành riêng cho vị chủ tế như kiểu “ban phép lành cuối lễ cùng với vị chủ tế” thì sự hợp nhất của chức linh mục có thể làm lu mờ và sụt giảm sự hợp nhất nền tảng của toàn thể dân Chúa.[11] Chính vì vậy, Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma số 250 xác định rất rõ ràng ở phần nghi thức kết lễ là: “Chủ tế chính làm mọi việc khác cho tới cuối lễ như thường lệ (x. số 166-169), còn các vị đồng tế cứ ở tại chỗ.” Joseph DeGrocco giải thích một cách rõ ràng số luật này rằng: “Các vị đồng tế ở tại ghế của họ và tham dự vào mọi phần khác từ sau Hiệp lễ cho đến khi thánh lễ kết thúc theo cùng một cách thức như các thành viên của cộng đoàn phụng vụ.”[12] Đức Giám mục Peter J. Elliot cũng minh định: “Lúc ban phép lành, các vị đồng tế làm dấu thánh giá trên chính mình. Họ không “đồng tế” ban phép lành cùng với vị chủ tế.”[13] Như vậy, các vị đồng tế cũng chỉ lãnh nhận phép lành như mọi tín hữu khác chứ không thể ban phép lành cùng với vị chủ tế.
- Thứ tư: Theo QCSL số 31: Với tư cách chủ tọa cộng đoàn đã được quy tụ, vị chủ tế còn phải nói ít lời nhắn nhủ đã trù liệu trong chính nghi thức. Nơi nào chữ đỏ cho phép, thì vị chủ tế có thể thích ứng những lời nhắn nhủ cách nào đó, nhằm đáp ứng khả năng tiếp thu của những người tham dự. Vị chủ tế cũng phải điều hành phần Lời Chúa và ban phép lành cuối cùng. Hơn nữa, chính linh mục chủ sự cũng được phép nói ít lời vắn tắt trong những lúc này: a) Sau lời chào đầu lễ và trước hành động thống hối để dẫn các tín hữu vào thánh lễ trong ngày; b) Trước các bài đọc để dẫn vào phụng vụ Lời Chúa; c) Trước Kinh Tiền Tụng để dẫn vào Kinh Nguyện Thánh Thể (Kinh Tạ Ơn), nhưng không bao giờ được nói trong chính Kinh Nguyện Thánh Thể; d) Và trước khi giải tán để kết thúc toàn bộ việc cử hành thánh.
Như vậy thì đã rõ, việc ban phép lành cuối cùng là phần việc thuộc về chủ tế và thuộc về một cá nhân chứ không phải của bất kỳ một vị nào khác hay của một tập thể, trừ ra trường hợp Đức Giám mục hiện diện mà không chủ tế: ngài sẽ chủ sự ít là bằng việc cử hành phụng vụ Lời Chúa (giảng lễ) và bằng việc ban phép lành cuối lễ, nhưng cũng chỉ một mình ngài ban mà thôi.[14]
2. Các vị đồng tế không được ban phép lành cuối lễ
Mặc dù giữ chức năng đồng tế, các vị đồng tế trước hết vẫn thuộc về cộng đoàn phụng vụ [theo sự phân chia ở trên], bởi vậy các ngài vẫn phải đáp lại những lời nguyện / lời xướng / lời đọc của vị chủ tế hay của thừa tác viên khác (đọc sách / công bố Tin Mừng…) y như mọi tín hữu khác trong cộng đoàn phụng vụ (QCSL 214, 250…).
Tuy nhiên, vì là tư tế tham gia vào cử hành phụng vụ, các vị đồng tế được Hội Thánh minh định những phần việc riêng mang tính hỗ trợ [cho chủ tế] hoặc thay thế [cho phó tế/ thừa tác viên khác] theo như tóm lược của QCSL số 208: “Nếu trong thánh lễ đồng tế mà không có phó tế, thì một vài vị đồng tế thi hành những phần việc của phó tế. Nếu không có cả các thừa tác viên khác, thì có thể giao những phần việc của họ cho những tín hữu thích hợp. Nếu không có những tín hữu thích hợp, thì một vài vị đồng tế thi hành những phần việc này.” Cụ thể như sau:
- Nghi thức đầu lễ: nếu không có thầy phó tế, một trong các vị đồng tế sẽ mang Sách Tin Mừng trong cuộc rước nhập lễ;
- Phụng vụ Lời Chúa: nếu thầy phó tế không hiện diện, một trong các vị đồng tế sẽ công bố Phúc Âm (QCSL 66, 212); đảm nhận việc giảng lễ do vị chủ tế uỷ thác (QCSL 66, 213);
- Phụng vụ Thánh Thể: vào lúc truyền phép, các vị đồng tế đọc chung với chủ tế một số phần của Kinh nguyện Thánh Thể (QCSL 227); đặt tay trên lễ phẩm nhưng không ghi hình thánh giá như chủ tế; đang khi đọc lời truyền phép, nếu tiện, đưa tay mặt hướng về bánh và chén thánh; 2 linh mục trong các vị đồng tế dang tay đọc một mình phần còn lại của Kinh nguyện Thánh Thể (QCSL 220, 223, 228, 231, 234); Trong nghi thức chúc bình an: nếu không có phó tế, một trong các vị đồng tế sẽ kêu mời: “Anh chị em hãy chúc bình an cho nhau” (QCSL 82; 239); Trong phần hiệp lễ, các vị đồng tế có thể giúp chủ tế bẻ bánh (QCSL 240);
- Nghi thức kết lễ: nếu không có thầy phó tế, một trong các vị đồng tế sẽ nói lời giải tán (QCSL 90b).
Rõ ràng, dù các vị đồng tế có thể làm nhiều phần việc hỗ trợ cho chủ tế hoặc thay thế cho các thừa tác viên khác/ phó tế/ chủ tế trong một số việc như vừa trình bày ở trên, nhưng tuyệt nhiên, không bao giờ luật phụng vụ minh định là các vị đồng tế, kể cả các Giám mục, cùng ban phép lành với chủ tế trong thánh lễ. Bởi vậy, thực hành này phải coi là tự phát và rơi vào trường hợp mà Hội Thánh vốn đã nhắc nhở thừa tác viên chủ tọa nghi thức phụng vụ rằng họ không phải là chủ nhân nhưng chỉ là “tôi tớ của phụng vụ”, cho nên “không được phép tự tiện thêm bớt hoặc sửa đổi bất cứ điều gì trong việc cử hành thánh lễ” (QCSL 24).[15]
Trường hợp có đông các vị đồng tế, ghế dành cho các ngài có thể được xếp theo hai cách: [i] Cách thứ nhất là tất cả [hoặc một số rất đông] các vị đồng tế đối diện với dân chúng. Thực hành này tạo ấn tượng không hay vì khiến cho các ngài trở thành như thể là ban giám đốc của xí nghiệp hay của nhà trường trong một buổi họp hơn là các tư tế đang trong buổi cử hành mầu nhiệm thánh, vì vậy nên tránh kiểu bố trí như vậy; [ii] Cách thứ hai nên khuyến khích là chỉ có vài ba vị đồng tế ở gần vị chủ tế và đối diện với dân chúng, số các vị đồng tế còn lại được xếp đối diện nhau ở bên phải và bên trái của bàn thờ và đôi khi trên cung thánh không đủ, một số vị còn phải đối diện với cả chủ tế ở phía bàn thờ nữa. Nếu chủ trương các vị đồng tế cùng ban phép lành với chủ tế, thì với kiểu bố trí thứ hai này, cử hành phụng vụ vào lúc kết lễ, có thể nói là rối loạn, vì không biết ai sẽ ban phép lành cho ai đây?
Kết luận
Từ những gì đã trình bày, chúng ta hoàn toàn có thể kết luận như cha Edward McNamara:
- Tại một thánh lễ truyền chức, chính Giám mục chủ phong là người ban phép lành trọng thể cuối lễ. Còn [các] tân linh mục chỉ ban phép lành sau khi thánh lễ kết thúc mà thôi (tức ở bên ngoài thánh lễ). [16]
- Thực hành mời tất cả các Giám mục / linh mục đồng tế cùng ban phép lành trong thánh lễ không phải là một sự thực hành phụng vụ đúng nghĩa, vì việc ban phép lành này là thuộc vị chủ tế và việc ban phép lành đồng loạt của các tư tế không bao giờ được thực hiện tại thánh lễ. [17]
Thực hành mời các vị đồng tế cùng ban phép lành với chủ tế thực chất là do nhầm lẫn về bối cảnh. Trong các buổi tiếp kiến thứ Tư hàng tuần, Đức Thánh Cha thường mời tất cả các Giám mục có mặt cùng tham gia với ngài trong việc ban phép lành. Nhiều tư tế có thể đã bắt chước thực hành này mà quên rằng bối cảnh lúc bấy giờ là ngoài thánh lễ chứ không phải đang trong thánh lễ. Việc ban phép lành cuối lễ trong thánh lễ vốn được quy định một cách nghiêm nhặt hơn rất nhiều.
Lm. Giuse Phạm Ðình Ái, dòng Thánh Thể, SSS
(Theo báo Công giáo và Dân Tộc cgvdt.vn )
[1] Xc. Công đồng Vatican II, Hiến chế Phụng vụ Thánh, các số 57-58.
[2] Xc. Archdale A. King, Concelebration in the Christian Church, 26, 43, 51, 67-69.
[3] Xc. Adrian Fortescue, "Concelebration", The Catholic Encyclopedia, vol. 4 (New York: Robert Appleton Company, 1908), http://www.newadvent.org/cathen/04190a.htm (30 Aug. 2018); Archdale A. King, Concelebration in the Christian Church (London: A. R. Mowbray & Co. Ltd, 1966), 1-96.
[4] Xc. Jean Carroll McGowan, Concelebration: Sign of the Unity of the Church (New York: Herder and Herder, 1964),56.
[5] Xc. Adrian Fortescue, "Concelebration", The Catholic Encyclopedia, vol. 4; Archdale A. King, Concelebration in the Christian Church, 1-96; Jean Carroll McGowan, Concelebration: Sign of the Unity of the Church (New York: Herder and Herder, 1964), 54
[6] Egeria, Itinerarium, XXIV, 2, trích lại từ Michael Witczak, "History of the Latin Text and Rite", trong A Commentary on the Order of Mass of the Roman Missal, gen. ed. Edward Foley (Collegeville, Minnesota: The Liturgical Press, 2011), 628.
[7] Michael Witczak, "History of the Latin Text and Rite", 627-628.
[8] Ibid., 628-629.
[9] Xc. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, các số 1145-1155.
[10] Xc. Archdale A. King, Concelebration in the Christian Church (London: A. R. Mowbray & Co. Ltd, 1966), 64.
[11] Gilber Ostdiek – Andrew Ciferni, “Concelebrated Mass” trong A Commentary on the Order of Mass of the Roman Missal, gen. ed. Edward Foley (Collegeville, Minnesota: The Liturgical Press, 2011), 308.
[12] Joseph DeGrocco, A Pastoral Commentaty on the General Instruction of the Roman Missal (Chicago: Liturgy Training Publication, 2011), 148.
[13] Peter J. Elliott, Ceremonies of the Modern Roman Rite (San Francisco: Ignatius, 2004), số 457.
[14] Sách Lễ nghi Giám mục, các số 175; 184; 1120-1121
[15] Xc. CĐ. Vatican, Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh (Sacrosanctum Concilium), số 22; Giáo luật, số 846#1; Huấn thị Bí tích Cứu độ, số 31.
[16] Edward McNamara, “New Priests Blessing Bishops”, trong The ZENIT Daily Dispatch
© Innovative Media, Inc,/ Zenit.org (28-4 và 12-5-2009)/ http://vietcatholic.org/News/Html/246426.htm
© Innovative Media, Inc,/ Zenit.org (28-4 và 12-5-2009)/ http://vietcatholic.org/News/Html/246426.htm
[17] Ibid.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét