Trong đề thi môn văn kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học năm nay, ở phần đọc hiểu có trích một đoạn nói về sự thấu cảm từ một cuốn sách. Theo đoạn trích này, thì tác giả đã xác định "lòng trắc ẩn có nguồn gốc từ sự thấu cảm". Lòng trắc ẩn (pity, compassion) theo từ điển Oxford có nghĩa là cảm thấy đau buồn trước những bất hạnh của người khác; sự thấu cảm (Empathy) là khả năng hiểu được và chia sẻ cảm giác của người khác. Và không có một từ điển ngôn ngữ nào trên thế giới khẳng định lòng trắc ẩn có nguồn gốc từ sự thấu cảm.
Tác giả của đoạn trích còn nhầm lẫn rất lớn về các khái niệm và lối nói thậm xưng, cường điệu của người Việt khi nói về cảm nhận của cá nhân trước những tác động của môi trường bên trong và bên ngoài cơ thể như "lạnh thấu tuỷ, đau thấu xương" khi sử dụng để giải thích cho luận điểm thấu cảm của ông. Chưa hết, ông còn sử dụng một thuật ngữ chuyên ngành y khoa là "mẫn cảm", vốn để chỉ đến một phản ứng của cơ thể với một thành phần nào đó của thuốc, mà chả liên quan gì đến sự thấu cảm mà ông đang nỗ lực để giải thích.
Đứng trước một hoàn cảnh bi đát của một người, nếu chúng ta không vô cảm, thì chúng ta sẽ có lòng trắc ẩn đối với họ, nhưng đó chưa hẳn là sự thấu cảm. Bởi lẽ, khi đi qua một góc phố, thấy một em bé ngồi dưới trời mưa tầm tã để xin ăn, bạn có thể động lòng trắc ẩn, nghĩa là cảm thấy xót xa và đau buồn cho hoàn cảnh hiện tại của em bé này, nhưng có thể sẽ chẳng thể hiểu hết được cảm nhận của em bé thế nào trong hoàn cảnh này. Và nếu bạn có thể cảm nhận được, nghĩa là thấu cảm, thì điều đó không có nghĩa là lòng trắc ẩn của bạn sinh ra từ sự thấu cảm ấy, vì hai từ ngữ này được sử dụng trong những hoàn cảnh khác nhau xét về mặt tâm lý nội tại nơi một con người. Thấu cảm thì không nhất thiết phải có hoàn cảnh bi đát để có thể phát sinh lòng trắc ẩn như tác gỉa đoạn trích trình bày.
Theo đó, sự thấu cảm là một khả năng mà không phải ai cũng có thể có. Và đó là một khả năng rất cần thiết trong mọi mối tương quan giữa người với người, để biết đặt mình vào hoàn cảnh của người khác mà hành xử hay phán đoán cho chính xác. Trong khi đó, người ta chỉ thể hiện lòng trắc ẩn hay thương cảm trước tình cảnh bi đát của một người đang chịu cảnh bất hạnh nào đó. Người có lòng trắc ẩn thì chưa chắc đã có khả năng thấu cảm. Bởi lẽ, một trẻ em có thể khóc thương hay động lòng trước một hoàn cảnh đau khổ nào đó mà nó chứng kiến, nhưng nó không hề có khả năng thấu cảm, vì nó chẳng hiểu gì về hoàn cảnh ấy hay tâm trạng của người bất hạnh mà nó đang thể hiện lòng trắc ẩn. Hay người ta có thể có lòng trắc ẩn với một loài động vật, nhưng không ai lại thấu cảm một con vật, hay lòng trắc ẩn nào đó phát sinh từ sự thấu cảm đối với con vật ấy. Tương tự, một con vật cũng có thể thể hiện lòng trắc ẩn đối với chủ nhân của nó, nhưng lại không thể có sự thấu cảm như con người.
Tiếng Việt, như chúng ta được dạy, rất phong phú và đa dạng. Nhưng Tiếng Việt xét về cấu trúc ngôn ngữ và tính chặt chẽ và minh bạch, thì là một trong những ngôn ngữ rất lỏng lẻo và thiếu tính minh bạch. Người ta có thể đánh tráo các khái niệm với nhau để làm cho người nghe hiểu sai vấn đề như trường hợp của tác giả viết bài được trích làm đề thi đã đề cập ở trên. Đánh đồng giữa lòng trắc ẩn, sự thấu cảm, ngôn ngữ cường điệu về cảm nhận như "thấu tuỷ", "thấu xương", và mối liên hệ giữa người "mẫn cảm" và sự thấu cảm vốn chả liên quan gì với nhau. Tắt một lời, lòng trắc ẩn và sự thấu cảm là hai từ để diễn tả hai thực tại khác nhau ở nơi mỗi người và không có liên hệ nào mang tính phụ thuộc hay nhân quả cả.
Nhưng lời các con phải: có thì nói có, không thì nói không; nói thêm thắt là do sự dữ mà ra" (Mt 5:37)
Joseph C. Pham
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét