4 thg 10, 2018

Một góc nhìn về Linh Mục quản xứ hôm nay


Có thể nói được rằng ngày nay, 'linh mục quản xứ' là nhân vật được người ta nói đến rất nhiều. Qua truyền thông, truyền hình, sách báo, phim ảnh, dư luận... người ta tự do khen-chê những cái tốt cũng như những cái không tốt của ngài. Nhất là họ trưng ra những yêu sách, nhằm nắn ra một con người 'linh mục quản xứ lý tưởng' theo ý muốn của họ. Vì thế, có rất nhiều định nghĩa về một 'linh mục quản xứ lý tưởng' được nhập khẩu cũng như được cập nhật hoá liên tục hàng ngày:

Linh mục quản xứ lý tưởng là người có cử chỉ dễ thương, có dáng dấp đàng hoàng. Ngài cao lớn, khoẻ mạnh, là một người cân đối, với vẻ mặt tuyệt vời, biểu lộ các nhân đức và luôn giữ trọn mười điều răn...
Linh mục quản xứ lý tưởng là người biết sắm sanh mọi phương tiện hiện đại của thời đại, thành thạo trong cách sử dụng các thiết bị công nghệ, ăn mặc phải model... Tóm lại, phải là một người sành điệu...
Linh mục quản xứ lý tưởng là người có tài làm 'kinh tế', xây dựng được nhiều công trình, và nhất là phải có tài thuyết chửi các 'đồng chí'...
Bên cạnh vài định nghĩa trong vô số định nghĩa mà người ta khoác cho các 'linh mục quản xứ lý tưởng', người viết cũng xin được nêu lên 'một góc nhìn' về linh mục quản xứ được 'bàn dân thiên hạ' đàm luận:
* Cụ nóng và Cụ lạnh
Không biết thuật ngữ 'Cụ nóng và Cụ lạnh' nó được nhập khẩu từ đâu và được ai khéo tài gắn biển cho một số linh mục quản xứ ngày nay. Tiết trời thì chỉ nóng bức vào mùa hè, còn Cụ thì 'nóng bực' cả bốn mùa. Sấm sét chỉ có khi giông tố, còn Cụ thì 'nổ đùng đùng' cả khi bầu trời đang trong sáng bình yên.
Người Cụ thì 'nóng', nhưng 'ốc đảo' của Cụ thì lại 'lạnh': ở phòng lạnh, ăn đồ tủ lạnh, đi xe có máy lạnh... Đặc biệt, tính tình của Cụ 'nóng-lạnh' với những con chiên mà Cụ không ưa hay không có lợi lộc gì...
* Cha 'Tôma Đi-đy-mô'
Cha 'Tôma Đi-đy-mô' là biệt danh được một số 'chiên' trong giáo xứ đặt tên cho cha xứ chỉ sau một thời gian ngắn, ngài chăn dắt đoàn chiên này. Vì cứ đầu tuần là trước phòng cha treo một biển báo: 'cha đi công tác - ai có việc gì, xin gặp ông chủ tịch HĐMV xứ', rồi lên xe 'Đi-đy-mô'??? mà không ai hay biết, mãi đến chiều thứ bảy mới 'come back home' để 'chu toàn bổn phận' của ngày Chúa Nhật. Rồi ngày đầu tuần biển báo: 'cha đi công tác' lại được treo lên. Cả tuần, ngài cứ giao '99 con chiên' của mình cho ông chủ tịch Hội đồng Mục vụ, để đi tìm 'những gì' mà không ai có thể biết ngoài mình Chúa.  
* 'Cha của chiên sống'
Người ta thường nói: giữ đạo là cốt giờ sau hết. Lúc sáp tàn cuộc đời, là kitô hữu, ai cũng chỉ chỉ có một ước nguyện duy nhất là được vị mục tử viếng thăm, an ủi, đỡ nâng qua Bí tích Xức Dầu. Và sau cùng là được vị mục tử cử hành thánh lễ An táng ngay tại nhà thờ của họ hoặc tại tang gia, để mọi người hiệp dâng thánh lễ, cầu nguyện và tiễn đưa tới nơi an nghỉ cuối cùng-chờ ngày sống lại. Nhưng không biết vì lý do sức khoẻ hay đường hướng mục vụ riêng của vị mục tử, mà hầu như không thấy ngài thực thi sứ mạng Đấng chăn chiên lành với những con chiên đau yếu, bệnh tật và qua đời. Ngay cả thánh lễ an táng cũng chưa bao giờ ngài dâng tại nhà thờ con chiên qua đời. Để rồi việc đưa tang được tiến hành như việc đưa đám của những người 'kitô lương'. Có thể nói được như vậy, vì chủ trì việc đưa đám là Ban cán bộ xóm và Ban hành giáo họ.
Khi được nhiều con chiên đặt vấn đề, thì vị mục tử trả lời với nhiều lý do: lễ thì làm ở đâu và lúc này nọ được, bận nhiều việc, sợ mắc hơi lạnh, trời nóng quá mà nhà thờ họ lại quá chật hẹp và gia đình quà nghèo, nên không cần bày ra lắm chuyện làm gì... Nên có người mỉa mai rằng cha xứ mình chỉ là cha xứ của những người sống, khoẻ mạnh và giàu sang... Ngài không có ơn gọi làm lễ an táng đâu, vì chỉ cần nghe tin báo tử qua điện thoại thôi, ngài cũng đã bị mắc hơi lạnh rồi. Người giàu thì không có hơi lạnh, còn người nghèo thì hơi lạnh nhiều...
* 'Cha đại gia'
"Vị mục tử của chiên béo" là đề tài được Chúa Giê su nhắc đến nhiều trong những lời giáo huấn của Ngài về người mục tử. Chính nơi một giáo xứ đồng quê, vị mục tử cũng được chiên phong cho tước hiệu đó. Các 'đại gia' đến nhà xứ thì ung dung bước thẳng vào phòng khách và cha xứ vội vã ra tiếp đón. Đối lại, những 'đại xương' nghèo rách khố khi có việc đến gặp trình cha xứ thì lúm khúm, run run không dám nhấn nút chuông, cũng không dám đi thẳng vào phòng khách, vì họ chỉ là những vị khách ngoài sự mong muốn của ngài. Ngài cứ ở mãi trong 'ốc đạo', không muốn ra tiếp, và nếu có ra thì ngài lên giọng như một quan toà hay một công an đang hỏi cung một tội phạm, chứ không phải cung cách của vị mục tử nhân lành với những con chiên đau yếu...
Trên đây là một vài định nghĩa và một góc nhìn về người mục tử mà người viết được mục kích cũng như được nghe biết. Cho dù những định nghĩa và những hình ảnh trên, có thể là cái nhìn phiến diện và rất trần thế của những người không mấy thiện chí hoặc thiếu tích cực về con người mục tử. Tuy nhiên, những cái nhìn đó cũng có thể nói lên những điều rất thực tế đã và đang xảy ra trong đời sống ơn gọi của người mục tử. Và đây cũng là hồi chuông báo động cho các mục tử, cũng như những mục tử tương lai cần phải biết tự vấn về căn tính và sứ mạng mục tử của mình, hầu sống xứng hợp với ơn gọi mà Chúa và Giáo Hội mong ước.
                                                                                      Paul Vũ Văn Triều

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét