Nhân ngày “truyền giáo” những lời của Đức Chân Phước
Gioan Phaolo II nói từ năm 1990 trong Thông điệp “Sứ Vụ Đấng Cứu Chuộc”
(8/12/1990) đòi tôi phải trả lời cụ thể bằng chính cuộc sống của mình.
“Hình Thức Đầu Tiên của Việc Truyền Giáo là Làm Chứng"
42- Con người ngày nay tin tưởng vào các chứng nhân hơn
là vào các thày dạy (xem ĐTC Phaolô VI, Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, đoạn 41:
loc. cit., 31f), vào nghiệm cảm hơn là vào giảng thuyết, và vào cuộc sống cũng
như hành động hơn là vào các lý thuyết. Chứng từ của đời sống Kitô hữu là thể
thức đầu tiên không thể thay thế của việc truyền giáo: Chúa Kitô, Đấng chúng ta
đang tiếp nối việc truyền giáo của Người, là một “chứng từ” (Rev 1:5, 3:14) tuyệt
nhất, và là mẫu mực cho tất cả mọi chứng từ Kitô giáo. Chúa Thánh Thần đồng
hành với Giáo Hội dọc suốt con đường Giáo Hội đi, và liên kết với Giáo Hội bằng
chứng từ Ngài thực hiện để tỏ hiện Chúa Kitô ra (x. Jn 15:26-27).
Thể thức đầu tiên của việc làm chứng là chính đời sống của
nhà truyền giáo, của gia đình Kitô hữu và của cộng đồng giáo hội, là những gì tỏ
ra cho thấy một lối sống mới. Nhà truyền giáo, người bất chấp mọi giới hạn và yếu
kém của mình, sống một cuộc đời giản dị, lấy Chúa Kitô làm mô phạm, là dấu chỉ
của Thiên Chúa và của các thực tại siêu việt. Thế nhưng, hết mọi người trong
Giáo Hội, bằng việc cố gắng bắt chước Thày Chí Thánh, cũng đều có thể và phải
thực hiện chứng từ đời sống này (xem Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Tín
Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, đoạn 28, 35, 38; Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội
trong Thế Giới Ngày nay Gaudium et Spes, đoạn 43; Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền
Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, đoạn 11-12); trong nhiều trường hợp, chứng từ loại
này là một cách duy nhất khả dĩ để trở thành một nhà truyền giáo.
Chứng từ của phúc âm hết sức cần thiết cho thế giới này
là chứng từ của việc quan tâm đến con người, cũng như đến đức bác ái đối với
thành phần nghèo khó, thành phần yếu kém và những kẻ khổ đau. Tấm lòng hết sức
quảng đại nấp sau thái độ ấy cũng như sau những hành động ấy hoàn toàn đi ngược
lại với tính vị kỷ của con người. Nó gợi lên những thắc mắc xác đáng để dẫn con
người đến cùng Thiên Chúa và Phúc Âm. Việc dấn thân cho hòa bình, cho công lý,
cho nhân quyền, và cho việc cổ võ nhân bản cũng là một chứng từ cho Phúc Âm,
khi chứng từ ấy là một mối quan tâm tới con người và nhắm đến việc phát triển
con người toàn vẹn (xem ĐTC Phaolô VI, Thông Điệp Populorum Progressio –
26/3/1967 – đoạn 21, 42: AAS 59 –1967 – 267f, 278).”
Lạy Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Đức Gioan Phaolo II xin
tha thứ cho sự bất xứng của chúng con và xin ban thần Khí cho chúng con.
Lm. Vinh Sơn Phạm Trung Thành, dcct.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét