Trong Thánh Lễ sáng nay (18/10) tại Nguyện Đường Santa Marta, Đức Giáo Hoàng nói về ba hình thức nghèo mà người môn đệ được mời gọi: đầu tiên là từ bỏ những thứ của cải, với một tâm hồn thoát khỏi tiền bạc, thứ hai là chấp nhận bách hại, lớn hay nhỏ, thậm chí sự thoá mạ, vì Tin Mừng, và thứ ba là sự nghèo của nỗi cô đơn, cảm thấy cô đơn vào cuối đời. Bài suy niệm của Ngài bắt đầu bằng Lời Nguyện Sám Hối, vốn nhấn mạnh rằng qua Thánh Luca, Chúa muốn mạc khải sự yêu thích của Ngài đối với người nghèo. Bài Tin Mừng (Lc 10:1-9) nói về việc sai 72 môn đệ đi vào trong sự nghèo khó – “không mang theo ví, túi hay giày dép” – vì Chúa muốn con đường của người môn đệ phải là một con đường nghèo. Người môn đệ dính bén đến tiền bạc hay sự giàu có thì không phải là môn đệ đích thực.
Người môn đệ nghèo với một tâm hồn thoát khỏi của cải
Do đó, toàn bộ bài giảng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô được đánh dấu bởi “ba giai đoạn” của sự nghèo trong đời sống của người môn đệ, ba con đường để sống sự nghèo. Thực vậy, trước hết, là con đường của việc thoát khỏi đồng tiền và của cải và “điều kiện của việc bắt đầu đời môn đệ”. Điều đó hệ tại ở việc “có một tâm hồn nghèo”, quá nhiều đến mức “nếu trong công việc tông đồ cần phải có những cơ cấu hay tổ chức dường như là một dấu chỉ của sự giàu có, thì sử dụng chúng tốt – nhưng thoát ly”, Đức Giáo Hoàng cảnh báo. Thực vậy, người thanh niên giàu có trong Tin mừng đã đánh động tâm hồn của Chúa Giêsu nhưng rồi sau đó lại không thể đi theo Chúa vì anh ta có “tâm hồn dính bén với những thứ của cải”. “Nếu các bạn muốn theo Chúa, thì hãy chọn con đường của sự nghèo và nếu các bạn có những của cải vì Chúa trao ban chúng cho bạn, thì hãy phục vụ người khác, nhu cầu cần của bạn, thoát ly khỏi chúng. Người môn đệ phải không được sợ sự nghèo, mà trái lại: người ấy phải nghèo”, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rõ ràng.
Nghèo về sự bách hại vì Tin Mừng
Hình thức thứ hai của sự nghèo là hình thức bách hại. Luôn luôn trong Bài Tin Mừng hôm nay, thực vậy, Chúa sai các môn đệ “như cừu giữa bày sói”. Và thậm chí ngày nay có nhiều Kitô Hữu bị bách hại và bị thoá mạ vì Tin Mừng:
Ngày hôm qua, trong Hội Trường Thượng Hội Đồng một vị giám mục từ một trong những nước này nơi có sự bách hại đã nói về một cậu bé Công Giáo đã bị một nhóm các cậu bé ghét giáo hội, những cậu bé cực đoan bắt; cậu đã bị đánh đập và sau đó bị quăng vào bể đầy bùn cho đến khi nó ngập tới cổ cậu: “Hãy nói lần cuối: mày có bỏ Chúa Giêsu Kitô không?” – “Không!”. Họ ném một hòn đá và đã giết cậu. Tất cả chúng ta đã nghe câu chuyện này. Và đây không phải là chuyện của những thế kỷ đầu tiên: chuyện này cách đây hai tháng! Đó là một trường hợp. Biết bao nhiêu Kitô Hữu ngày nay đang đau khổ vì sự bách hại thể lý: “Ôi, đó là điều phạm thượng! Cho vào những giá treo cổ!”
Sau đó Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhắc lại rằng cũng có những hình thức bách hại khác: Có sự bách hại của lời thoá mạ, của những tin đồn, và Kitô Giáo chịu đựng “sự nghèo” này trong thinh lặng. Đôi khi thật cần thiết để bảo vệ bản thân cũng như không tạo ra cớ vấp phạm…Những cuộc bách hại nhỏ nơi lối xóm, trong giáo xứ…nhỏ, nhưng chúng là bằng chứng: bằng chứng của sự nghèo. Đó là hình thức thứ hai của sự nghèo mà Chúa đòi hỏi chúng ta. Đầu tiên, bỏ của cải, không có những tâm hồn gắn liền với của cải; thứ hai, chấp nhận cách khiêm nhường sự bách hại, chịu đựng sự bách hại. Đây là một hình thức của sự nghèo.
Sự nghèo nàn của cảm giác bị bỏ mặc
Do đó, có hình thức thứ ba của sự nghèo: đó là hình thức cô đơn, bỏ mặc. Một trường hợp là Bài Đọc Thứ Nhất hôm nay, được trích từ Thư Thứ Hai gửi Timôthê, mà trong đó “Phaolô vĩ đại”, “là người không sợ bất cứ sự gì”, nói rằng trong phiên bảo vệ thứ nhất của mình tại toà án, không ai hỗ trợ ông: “mọi người đã bỏ mặc tôi”. Nhưng Ngài nói thêm rằng Chúa gần gũi với Ngài và ban cho Ngài sức mạnh. Do đó, Đức Giáo Hoàng đi vào sự bỏ mặc của người môn đệ: chuyện đó có thể xảy ra thế nào với một chàng trai hay cô gái tuổi 17 hay 20, là người với lòng nhiệt thành bỏ lại của cải để đi theo Chúa Giêsu, do đó “với sức mạnh và lòng trung thành” chịu đựng “sự thoá mạn, sự bách hại hằng ngày, sự ghen tương”, “những bách hại lớn nhỏ”, và cuối cùng Chúa cũng có thể đòi hỏi họ “sự cô đơn cuối cùng”:
Tôi nghĩ về người đàn ông cao trọng trong nhân loại, và định nghĩa này xuất phát từ môi miệng của Chúa Giêsu: Gioan Tẩy Giả; người nam cao trọng nhất được sinh ra bởi người phụ nữ. Một nhà đại giảng thuyết: người ta đến với ông để chịu phép rửa. Chuyện ấy kết thúc thế nào? Một mình; trong tù. Hãy nghĩ, cái buồng giam và buồng giam thế nào trong thời ấy, vì nếu chúng giống như bây giờ, hãy nghĩ về những buồng giam…Một mình, bị lãng quên, bị sát hại vì sự yếu đuối của nhà vua, lòng hận thù của một ả dâm đãng và sự nhõng nhẽo của một cô gái: đó là cách câu chuyện kết thúc đối với người nam cao trọng nhất trong lịch sử. Và không đi đâu cho xa, nhiều lần tại những nhà hưu dưỡng nơi mà các linh mục hay nữ tu là những người dành cả đời rao giảng, họ cảm thấy cô đơn, chỉ với Thiên Chúa, không ai khác nhớ đến họ nữa.
Tất cả mọi người môn đệ đều biết cách bước đi con đường của sự nghèo
Có hình thức nghèo mà Chúa Giêsu hứa với chính Phêrô, khi nói với ông: “Khi anh còn trẻ, anh đi nơi anh muốn; khi anh đã già, họ sẽ dắt anh đi nơi anh không muốn đi”. Do đó, người môn đệ là nghèo, theo nghĩa là người ấy không gắn liền với của cải và đây là bước đầu tiên. Do đó người ấy nghèo vì “người ấy nhẫn nại trước những bách hại lớn nhỏ”, và – bước thứ ba – người ấy nghèo vì người ấy bước vào tình trạng tư tưởng cảm thấy bị bỏ mặc vào cuối đời. Thực vậy, con đường của riêng Chúa Giêsu kết thúc với lời cầu nguyện với Chúa Cha: “Lạy Cha, lạy Cha, sao Cha nỡ bỏ con?” Lời mời gọi kết thúc của Đức Giáo Hoàng là, do đó, hãy cầu nguyện cho hết mọi môn đệ, “các linh mục, nữ tu, giám mục, giáo hoàng, giáo dân”, để họ “có thể biết cách đi trên hành trình nghèo như đã được Chúa đòi hỏi”.
Joseph C. Pham (Vatican News)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét