30 thg 3, 2014

Chúa Nhật IV Mùa Chay Năm A

Tin Mừng: Ga 9,1-41
           
Khi ấy, Đức Giê-su nhìn thấy một người mù từ thuở mới sinh. Các môn đệ hỏi Người: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?” Đức Giê-su trả lời: “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng chuyện đó xảy ra là để các việc của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh. Chúng ta phải làm những việc của Đấng đã sai Thầy, khi trời còn sáng; đêm đến, không ai có thể làm việc được. Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian.” Nói xong, Đức Giê-su nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù, rồi bảo anh ta: “Anh hãy đến hồ Si-lô-ác mà rửa (Si-lô-ác có nghĩa là: người được sai phái).” Vậy anh ta đến rửa ở hồ, và khi về thì nhìn thấy được. Các người láng giềng và những kẻ trước kia thường thấy anh ta ăn xin mới nói: “Hắn không phải là người vẫn ngồi ăn xin đó sao?” Có người nói: “Chính hắn đó!” Kẻ khác lại rằng: “Không phải đâu! Nhưng là một đứa nào giống hắn đó thôi!” Còn anh ta thì quả quyết: “Chính tôi đây!” Người ta liền hỏi anh: “Vậy, làm sao mắt anh lại mở ra được như thế?” Anh ta trả lời: “Người tên là Giê-su đã trộn một chút bùn, xức vào mắt tôi, rồi bảo: ‘Anh hãy đến hồ Si-lô-ác mà rửa.’ Tôi đã đi, và sau khi rửa tôi nhìn thấy được.” Họ lại hỏi anh: “Ông ấy ở đâu?” Anh ta đáp: “Tôi không biết.” Họ dẫn kẻ trước đây bị mù đến với những người Pha-ri-sêu. Nhưng ngày Đức Giê-su trộn chút bùn và làm cho mắt anh ta mở ra lại là ngày sa-bát. Vậy, các người Pha-ri-sêu hỏi thêm một lần nữa làm sao anh nhìn thấy được. Anh trả lời: “Ông ấy lấy bùn thoa vào mắt tôi, tôi rửa và tôi nhìn thấy.” Trong nhóm Pha-ri-sêu, người thì nói: “Ông ta không thể là người của Thiên Chúa được, vì không giữ ngày sa-bát”; kẻ thì bảo: “Một người tội lỗi sao có thể làm được những dấu lạ như vậy?” Thế là họ đâm ra chia rẽ. Họ lại hỏi người mù: “Còn anh, anh nghĩ gì về người đã mở mắt cho anh?” Anh đáp: “Người là một vị ngôn sứ!” Người Do-thái không tin là trước đây anh bị mù mà nay nhìn thấy được, nên đã gọi cha mẹ anh ta đến. Họ hỏi: “Anh này có phải là con ông bà không? Ông bà nói là anh bị mù từ khi mới sinh, vậy sao bây giờ anh lại nhìn thấy được?” Cha mẹ anh đáp: “Chúng tôi biết nó là con chúng tôi, nó bị mù từ khi mới sinh. Còn bây giờ làm sao nó thấy được, chúng tôi không biết, hoặc có ai đã mở mắt cho nó, chúng tôi cũng chẳng hay. Xin các ông cứ hỏi nó; nó đã khôn lớn rồi, nó có thể tự khai được.” Cha mẹ anh nói thế vì sợ người Do-thái. Thật vậy, người Do-thái đã đồng lòng trục xuất khỏi hội đường kẻ nào dám tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô. Vì thế, cha mẹ anh mới nói: “Nó đã khôn lớn rồi, xin các ông cứ hỏi nó.” Một lần nữa, họ gọi người trước đây bị mù đến và bảo: “Anh hãy tôn vinh Thiên Chúa. Chúng ta đây, chúng ta biết ông ấy là người tội lỗi.” Anh ta đáp: “Ông ấy có phải là người tội lỗi hay không, tôi không biết. Tôi chỉ biết một điều: trước đây tôi bị mù mà nay tôi nhìn thấy được!” Họ mới nói với anh: “Ông ấy đã làm gì cho anh? Ông ấy đã mở mắt cho anh thế nào?” Anh trả lời: “Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông vẫn không chịu nghe. Tại sao các ông còn muốn nghe lại chuyện đó nữa? Hay các ông cũng muốn làm môn đệ ông ấy chăng?” Họ liền mắng nhiếc anh: “Có mày mới là môn đệ của ông ấy; còn chúng ta, chúng ta là môn đệ của ông Mô-sê. Chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã nói với ông Mô-sê; nhưng chúng ta không biết ông ấy bởi đâu mà đến.” Anh đáp: “Kể cũng lạ thật! Các ông không biết ông ấy bởi đâu mà đến, thế mà ông ấy lại là người đã mở mắt tôi! Chúng ta biết: Thiên Chúa không nhậm lời những kẻ tội lỗi; còn ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý của Người, thì Người nhậm lời kẻ ấy. Xưa nay chưa hề nghe nói có ai đã mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh. Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì.” Họ đối lại: “Mày sinh ra tội lỗi ngập đầu, thế mà mày lại muốn làm thầy chúng ta ư?” Rồi họ trục xuất anh. Đức Giê-su nghe nói họ đã trục xuất anh, và khi gặp lại anh, Người hỏi: “Anh có tin vào Con Người không?” Anh đáp: “Thưa Ngài, Đấng ấy là ai để tôi tin?” Đức Giê-su trả lời: “Anh đã thấy Người. Chính Người đang nói với anh đây.” Anh nói: “Thưa Ngài, tôi tin.” Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người. Đức Giê-su nói: “Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù!” Những người Pha-ri-sêu đang ở đó với Đức Giê-su nghe vậy, liền lên tiếng: “Thế ra cả chúng tôi cũng đui mù hay sao?” Đức Giê-su bảo họ: “Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng: ‘Chúng tôi thấy’, nên tội các ông vẫn còn!”

Sunday IV of Lent Year A

25 thg 3, 2014

CHO VÀ NHẬN

Một người đàn ông bị lạc giữa một sa mạc rộng lớn. Ông mệt lả và khát khô, sẵn sàng đánh đổi bất kì cái gì chỉ để lấy một ngụm nước mát.
Đi mãi đi mãi, đến khi đôi chân của ông đã sưng lên nhức nhối, ông thấy 1 căn lều: cũ, rách nát, không cửa sổ.
Ông nhìn quanh căn lều và thấy ở 1 góc tối, có 1 cái máy bơm nước cũ và rỉ sét. Tất cả trở nên lu mờ đi bên cạnh cái máy bơm nước, người đàn ông vội vã bước tới, vịn chặt vào tay cầm, ra sức bơm. Nhưng không có 1 giọt nước nào chảy ra cả.
Thất vọng, người đàn ông lại nhìn quanh căn lều. Lúc này, ông mới để ý thấy 1 cái bình nhỏ. Phủi sạch bụi cát trên bình, ông đọc được dòng chữ nguệch ngoạc viết bằng cách lấy viên đá cào lên: “Hãy đổ hết nuớc trong bình này vào cái máy bơm. Và trước khi đi, hãy nhớ đổ nước đầy lại vào chiếc bình này”.
Người đàn ông bật cái nắp bình ra, và đúng thật, trong bình đầy nước mát. Bỗng nhiên, người đàn ông rơi vào 1 tình thế bấp bênh. Nếu ông uống ngay chỗ nước trong bình, chắc chắn ông có thể sống sót. Nhưng nếu ông đổ hết nước vào cái bơm cũ gỉ, có thể nó sẽ bơm được nước trong lành từ sâu trong lòng đất - rất nhiều nước.
Ông cân nhắc khả năng của cả hai sự lựa chọn: nên mạo hiểm rót nườc vào máy bơm để có nguồn nước trong lành hay uống nước trong cái bình cũ và coi như không đọc được lời chỉ dẫn? Dù sao, lời chỉ dẫn không biết đã ở đó bao lâu rồi và không biết có còn chính xác nữa không......
Nhưng rồi cuối cùng, ông cũng quyết định rót hết nước váo cái máy bơm. Rồi ông tiếp tục nhấn mạnh cái cần của máy bơm, một lần, hai lần ….chẳng có gì xảy ra cả! Tuy hoảng hốt, nhưng nếu dừng lại, ông sẽ không còn một nguồn hy vọng nào nữa, nên người đàn ông kiên trì bơm lên xuống, lần nữa, lần nữa …. nước mát và trong lành bắt đầu chảy ra từ cái máy bơm cũ kỹ. Người đàn ông vội vã hứng nước vào bình và uống.
Rồi ông hứng đầy bình, dành cho người nào đó có thể không may mắn bị lạc đưòng như ông và sẽ đến đây. Ông đậy nắp bình, rồi viết thêm 1 câu dưới dòng chữ có sẵn trên bình: “Hãy làm theo chỉ dẫn. Bạn phải cho trước khi bạn có thể nhận.”
SƯU TẦM

LỄ TRUYỀN TIN CHO ĐỨC MARIA


Tin Mừng Mt 1,16.18-21.24a
 Ông Gia-cóp sinh ông Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô… Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giu-se, là con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.”… Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy.

Annunciation of the Lord

LỄ TRUYỀN TIN


Vì yêu dấn thân bước trao ban
Ca dao Việt Nam có câu: “Yêu nhau mấy núi cũng trèo, mấy sống cũng lội, mấy đèo cũng qua”, và khi yêu nhau thật sự thì dù có những bất xứng như thế nào người ta cũng tìm cách để làm cho nên cân xứng, tốt đẹp: “Yêu nhau đắp điếm mọi đàng, một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng”. Có lẽ chỉ trong biến có truyền tin hôm nay, chúng ta mới thấy được những câu ca dao này hiện thực nơi mối tình của Thiên Chúa dành cho nhân loại.

Sau khi nguyên tổ phạm tội, người ta thường cho rằng nhân loại mòn mỏi đợi trông Chúa Cứu Thế. Nhưng thực ra, Thiên Chúa còn trông chờ giờ phút giao duyên đó hơn con người gấp bội, để từ đó Ngài đem tình yêu phủ đầy trái tim trống vắng của nhân loại.

Nếu tính theo lịch sử của Kinh Thánh được viết ra, thì khoảng 4000 năm từ khi lời Thiên Chúa nói với con rắn và cũng là lời hứa cho Nguyên Tổ Adam – Eva: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy” (St 3,15), Thiên Chúa luôn theo bước loài người để chờ giây phút tỏ bày tình yêu đó. Nhưng nhân loại như một thiếu nữ xấu xa nhưng lại đỏng đảnh, lẳng lơ, luôn chạy xa Thiên Chúa: Từ Cain giết Abel, đến Giacob – Esau lừa đảo nhau, kế đó, anh em nhà Giacob bán Giuse, rồi nữa, Nam Bắc Israel phân tranh nhau... Nói chung, Israel tượng trưng cho nhân loại, luôn phạm tội chống lại Thiên Chúa và xâu xé lẫn nhau. Dẫu thế, Thiên Chúa vẫn như một gã si tình, cứ chạy theo nhân loại để chờ cơ hội biểu tỏ tình yêu. Thiên Chúa chờ một tấm lòng tuyệt trong tuyệt sạch để Ngài phái gửi Ngôi Lời, Con của Ngài đến làm người, để yêu để thương nhân loại - thụ tạo thấp hèn so với vị trí cao vời của của Thiên Chúa. Thiên Chúa chờ loài suốt 4 thế kỷ theo dòng lịch sử Do-thái và chờ đợi cả hàng triệu năm theo lịch sử của khoa học ngày nay, cho đến khi, Ngài thấy một thiếu nữ Israel, quê ở Nazareth, tên là Maria. Một thiếu nữ mà thiên thần đã phải nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng” (Lc 1,28). Một thiếu nữ, mà đời sống thánh thiện đến nỗi trong trái tim không thiếu một ân sủng nào của Thiên Chúa, thì thật xứng đáng làm Đấng cưu mang Con Thiên Chúa!

Yêu nhau mấy núi cũng trèo; yêu nhau, hàng trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng. Nhiều lần nhân loại đã bội phản tình yêu, đã chối từ Thiên Chúa, đã quay đầu đi theo sự mời mọc, dụ dỗ của ma quỷ. Nhân loại bao lần chìm đắm trong khổ sầu tục lụy nhục dục, ích kỷ, hận thù. Tuy nhiên, Thiên Chúa, Đấng là tình yêu, đã không thể kìm nổi trái tim của mình, Ngài quyết quên chính địa vị tối cao của mình, quên đi sĩ diện của một Thiên Chúa để đến làm một phàm nhân. Sách tiên tri Isaia có lần nói: Như trời cao hơn đất bao nhiêu, thì tư tưởng của Thiên Chúa cũng cao hơn tư tưởng loài người bấy nhiêu (x. Is 55,9). 

Nếu tư tưởng khác biệt như thế, thì phẩm vị cũng vậy. Trong vũ trụ mà có những hành tinh từ trái đất chúng ta đến đó phải đi cả hàng tỉ năm ánh sáng mới tới, mà ngôi sao đó vẫn chưa phải là chóp đỉnh của trời cao, chưa phải là vành rìa của vũ trụ, càng cho thấy phẩm vị của Thiên Chúa cách biệt muôn trùng với phẩm vị của con người. Ấy thế mà Thiên Chúa đã chấp nhận làm một phàm nhân bình thường nơi thôn xóm Nazareth để ở cùng nhân loại. Nhiệm mầu làm sao ai mà hiểu được! Có lẽ vì thế mà thi sĩ tài hoa Hàn Mạc Tử đã thốt lên:

Hỡi Sứ Thần Thiên Chúa Gabriel,
Khi người xuống truyền tin cho Thánh Nữ,
Người có nghe xôn xao muôn tinh tú ?
Người có nghe náo động cả muôn trời ?
Người có nghe thơ mầu nhiệm ra đời
Để ca tụng, -- bằng hoa hương sáng láng
Bằng tràng hạt, bằng sao Mai chiếu rạng
Một đêm xuân là rất đỗi anh linh ?

Một đế vương hạ mình yêu một thôn nữ, một minh tinh màn bạc mà yêu một gái quê đã là việc hết sức xôn xao trong thiên hạ, hết sức ngỡ ngàng cho muôn dân. Ấy thế, Thiên Chúa tối cao, Đấng chí tôn chí thánh, Đấng tự hữu đến mang thân xác phàm nhân để yêu một nhân loại tội lỗi, thụ tạo của mình. Quả tình yêu là một mầu nhiệm mà chỉ có trời mới có thể giải thích nổi, đúng như vị thi sĩ họ Nguyễn tên là Trọng Trí nói:

Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều
Để nghe dưới đáy nước hồ reo
Để nghe tơ liễu rung trong gió
Và để xem trời giải nghĩa yêu ...

 Mong ước của những người yêu nhau đích thực có lẽ chẳng gì khác hơn là được ở cùng nhau, sống bên nhau, và vì thế, khi Thiên Chúa làm người, thì nói như tiên tri Isaia: con người được hạ sinh bởi một trinh nữ có tên là Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng (x. Is 7,14).

Nhưng Thiên Chúa ở cùng không phải là để cho mình được nhận lãnh tình yêu của nhân loại, mà là để cho nhân loại được dư đầy sự sống và hạnh phúc của Người, như thư gửi tín hữu Do Thái nói: Trước hết, Ðức Kitô nói: Hy lễ và hiến tế, lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa đã chẳng ưa, chẳng thích, mà đó chính là những thứ của lễ được dâng tiến theo Lề Luật truyền. Rồi Người nói: Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài. Thế là Người bãi bỏ các lễ tế cũ mà thiết lập lễ tế mới. Theo ý đó, chúng ta được thánh hóa nhờ Ðức Giêsu Kitô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, chỉ một lần là đủ.”

Tình yêu đền đáp tình yêu. Thiên Chúa đã yêu nhân loại bằng mối tình muôn thưở (x.Gr 31,3). Trong mối tình dọc dài thời gian đó, đã có một người đáp trả, có thể nói trọn vẹn nhất, mà hôm nay chúng ta được chiêm ngắm: Đức Maria. Mẹ đã đáp trả và Mẹ đã ngập tràn hạnh phúc; Mẹ đã đi vào vĩnh cửu trong vương quốc tình yêu. Ước mong sao đàn con của Mẹ, theo quy luật “Mẹ nào con nấy”, cũng dám đáp trả tình yêu của Thiên Chúa với trái tim trong sáng và quảng đại nhất, để tình yêu của nhân loại cũng được nối kết với tình yêu bất tử của Thiên Chúa, hầu mỗi người đi vào vĩnh cửu tình mến và thế giới bất hoại muôn đời.

Tác giả Anthony Hoàng

22 thg 3, 2014

Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc chính thức kế nhiệm ĐHY JB. Phạm Minh Mẫn

Hôm nay, ngày 22 tháng Ba 2014, Phòng Báo chí Toà Thánh đã chính thức thông báo về việc “Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp thuận đơn từ nhiệm Tổng giám mục Tổng giáo phận TP. HCM (Việt Nam) của Đức hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, theo khoản 401, §1 của Bộ Giáo luật *. Kế nhiệm Đức hồng y Gioan Baotixita là Đức Tổng giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, Tổng giám mục phó Tổng giáo phận TP. HCM”.
Tóm tắt tiểu sử Đức hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn
cardinal-jb-phamminhman




           













05-03-1934:     Sinh tại Hoà Thành, Cà Mau
1954 – 1956:    Học Triết học tại Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn
1956 – 1961:    Dạy học tại Bạc Liêu.
1961 – 1965:    Học Thần học tại Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn
25-05-1965:     Chịu chức linh mục tại Cần Thơ
1968 – 1971:    Học Đại học Loyola tại Los Angeles, Hoa Kỳ
1971 – 1974:    Giáo sư Tiểu chủng viện Cái Răng, Cần Thơ
1988 – 1993:    Giám đốc tiên khởi Đại chủng viện Cần Thơ
22-03-1993:     Được Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm Giám mục phó Giáo phận Mỹ Tho
01-03-1998:     Được Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm Tổng Giám mục Tổng giáo phận TP.HCM
21-10-2003:     Được Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II phong Hồng y.

Tóm tắt tiểu sử Đức Tổng giám mục Phaolô Bùi văn Đọc
DCPhaoloBuiVanDoc
11-11-1944:    Sinh tại Đà Lạt
1956 – 1963:   Học tại Tiểu chủng viện Thánh Giuse, Sài Gòn
1963 – 1964:   Học tại Đại chủng viện Thánh Giuse, Sài Gòn
1964 – 1970:   Học tại Đại học Truyền giáo Urbaniana, Roma
17-12-1970:    Thụ phong linh mục
1971 – 1975:   Giáo sư Tiểu chủng viện Simon Hoà, Đại chủng viện Minh Hoà và Đại học Đà Lạt.
1975 – 1995:   Giám đốc Đại chủng viện Minh Hoà, giáo phận Đà Lạt
1986 – 2008:   Giáo sư thần học tín lý tại Đại chủng viện Sài Gòn, Hà Nội và Huế
1995 – 1999:   Tổng đại diện giáo phận Đà Lạt
26-03-1999:    được Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm Giám mục chính toà giáo phận Mỹ Tho
28-09-2013:   được Đức giáo hoàng Phanxicô bổ nhiệm Tổng giám mục Phó Tổng giáo phận TP. HCM; đồng thời làm Giám quản Tông toà giáo phận Mỹ Tho.
* Giám mục giáo phận đã trọn bảy mươi lăm tuổi được yêu cầu đệ đơn từ nhiệm lên Đức giáo hoàng, và Đức giáo hoàng sẽ định liệu sau khi cân nhắc tất cả mọi hoàn cảnh. (Bộ Giáo luật 1983, Bản dịch của Hội đồng Giám mục Việt Nam)
(Nguồn: press.catholica.va)
Theo bản tin của website HĐGM VN

Chúa Nhật III Mùa Chay - Năm A

NƯỚC ĐEM LẠI SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI
Tin Mừng: Ga 4,5-42
           
Khi ấy, Đức Giê-su đến một thành xứ Sa-ma-ri, tên là Xy-kha, gần thửa đất ông Gia-cóp đã cho con là ông Giu-se. Ở đấy, có giếng của ông Gia-cóp. Người đi đường mỏi mệt, nên ngồi ngay xuống bờ giếng. Lúc đó vào khoảng mười hai giờ trưa. Có một người phụ nữ Sa-ma-ri đến lấy nước. Đức Giê-su nói với người ấy: “Chị cho tôi xin chút nước uống!” Lúc đó, các môn đệ của Người đã vào thành mua thức ăn. Người phụ nữ Sa-ma-ri liền nói: “Ông là người Do-thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Sa-ma-ri, cho ông nước uống sao?” Quả thế, người Do-thái không được giao thiệp với người Sa-ma-ri. Đức Giê-su trả lời: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: ‘Cho tôi chút nước uống’, thì hẳn chị đã xin, và người ấy ban cho chị nước hằng sống.” Chị ấy nói: “Thưa ông, ông không có gầu, mà giếng lại sâu. Vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống? Chẳng lẽ ông lớn hơn tổ phụ Gia-cóp chúng tôi, là người đã cho chúng tôi giếng này? Chính Người đã uống nước giếng này, cả con cháu và đàn gia súc của Người cũng vậy.” Đức Giê-su trả lời: “Ai uống nước này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời.” Người phụ nữ nói với Đức Giê-su: “Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước.” Người bảo chị ấy: “Chị hãy gọi chồng chị, rồi trở lại đây.” Người phụ nữ đáp: “Tôi không có chồng.” Đức Giê-su bảo: “Chị nói: ‘Tôi không có chồng’ là phải, vì chị đã năm đời chồng rồi, và hiện người đang sống với chị không phải là chồng chị. Chị đã nói đúng.” Người phụ nữ nói với Người: “Thưa ông, tôi thấy ông thật là một ngôn sứ ... Cha ông chúng tôi đã thờ phượng Thiên Chúa trên núi này; còn các ông lại bảo: Giê-ru-sa-lem mới chính là nơi phải thờ phượng Thiên Chúa.” Đức Giê-su phán: “Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giê-ru-sa-lem. Các người thờ Đấng các người không biết; còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do-thái. Nhưng giờ đã đến - và chính là lúc này đây - giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật.” Người phụ nữ thưa: “Tôi biết Đấng Mê-si-a, gọi là Đức Ki-tô, sẽ đến. Khi Người đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự.” Đức Giê-su nói: “Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây.” Vừa lúc đó, các môn đệ trở về. Các ông ngạc nhiên vì thấy Người nói chuyện với một phụ nữ. Tuy thế, không ai dám hỏi: “Thầy cần gì vậy?” Hoặc “Thầy nói gì với chị ấy?” Người phụ nữ để vò nước lại, vào thành và nói với người ta: “Đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Ki-tô sao?” Họ ra khỏi thành và đến gặp Người. Trong khi đó, các môn đệ thưa với Người rằng: “Ráp-bi, xin mời Thầy dùng bữa.” Người nói với các ông: “Thầy phải dùng một thứ lương thực mà anh em không biết.” Các môn đệ mới hỏi nhau: “Đã có ai mang thức ăn đến cho Thầy rồi chăng?” Đức Giê-su nói với các ông: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người. Nào anh em chẳng nói: Còn bốn tháng nữa mới đến mùa gặt? Nhưng này, Thầy bảo anh em: Ngước mắt lên mà xem, đồng lúa đã chín vàng đang chờ ngày gặt hái! Ai gặt thì lãnh tiền công và thu hoa lợi để được sống muôn đời, và như thế, cả người gieo lẫn kẻ gặt đều hớn hở vui mừng. Thật vậy, câu tục ngữ “kẻ này gieo, người kia gặt” quả là đúng! Thầy sai anh em đi gặt những gì chính anh em đã không phải vất vả làm ra. Người khác đã làm lụng vất vả; còn anh em, anh em được vào hưởng kết quả công lao của họ.” Có nhiều người Sa-ma-ri trong thành đó đã tin vào Đức Giê-su, vì lời người phụ nữ làm chứng: ông ấy nói với tôi mọi việc tôi đã làm. Vậy, khi đến gặp Người, dân Sa-ma-ri xin Người ở lại với họ, và Người đã ở lại đó hai ngày. Số người tin vì lời Đức Giê-su nói còn đông hơn nữa. Họ bảo người phụ nữ: “Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian.”

Sunday III of Lent Year A



16 thg 3, 2014

Chúa Nhật II Mùa Chay - Năm A


Tin Mừng: Mt 17,1-9
           
Hôm ấy, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an là em ông Gia-cô-bê đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời,và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng. Và kìa các ông thấy ông Mô-sê và ông Ê-li-a hiện ra đàm đạo với Người. Bấy giờ ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng: “Lạy Ngài, chúng con ở đây, hay quá! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, Ngài một cái, ông Mô-sê một cái, và ông Ê-li-a một cái.” Ông còn đang nói, thì kìa có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và kìa có tiếng từ đám mây phán rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!” Nghe vậy, các môn đệ kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất. Bấy giờ Đức Giê-su lại gần, chạm vào các ông và bảo: “Chỗi dậy đi, đừng sợ!” Các ông ngước mắt lên, không thấy ai nữa, chỉ còn một mình Đức Giê-su mà thôi. Đang khi thầy trò từ trên núi xuống, Đức Giê-su truyền cho các ông rằng: “Đừng nói cho ai hay thị kiến ấy, cho đến khi Con Người từ cõi chết chỗi dậy.”

Sunday II of Lent Year A


8 thg 3, 2014

Chúa Nhật I Mùa Chay Năm A

Tin Mừng: Mt 4,1-11
           
Sau khi chịu phép rửa, Đức Giê-su được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ. Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó, Người thấy đói. Bấy giờ tên cám dỗ đến gần Người và nói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hoá bánh đi!” Nhưng Người đáp: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.” Sau đó, quỷ đem Người đến thành thánh, và đặt Người trên nóc đền thờ, rồi nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá.” Đức Giê-su đáp: “Nhưng cũng đã có lời chép rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.” Quỷ lại đem Người lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy, và bảo rằng: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi.” Đức Giê-su liền nói: “Xa-tan kia, xéo đi! Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi.” Thế rồi quỷ bỏ Người mà đi, và kìa các sứ thần tiến đến hầu hạ Người.

Sunday I of Lent Year A

5 thg 3, 2014

THỨ TƯ LỄ TRO

Tin Mừng: Mt 6,1-6.16-18
           
hôm, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: "Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh. "Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh…"Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh.”

Ash Wednesday


2 thg 3, 2014

GIUSE NGƯỜI ÂM THẦM

 photo 12992529031337149016_574_574_e.jpg
Lc 2, 41-51a
Viết về thánh Giuse, nghĩ về thánh Giuse, có lẽ ai cũng chỉ biết nói lên một tiếng” khâm phục” với tất cả con tim của mình. Mà không khâm phục sao được khi nhân loại đang đối diện với một con người toàn hảo, một con người xem ra rất dân dã, nhưng lại rất khôn ngoan theo ngôn ngữ của Thiên Chúa. Đọc Tin Mừng nhất lãm và Tin Mừng của thánh Gioan, chúng ta không thấy các thánh sử đề cập tới một câu nói nào của Người. Do đó, chúng ta có thể nghiệm ra rằng thánh cả Giuse là con người trầm lắng. Người hành động, Người sống hơn là nói suông. Thái độ của Người là làm theo ý Thiên Chúa. Chính cử chỉ, hành động và lối sống của Người minh chứng thánh Giuse là con người luôn im lặng để lắng nghe Chúa nói và tuân hành ý Chúa.

THÁNH GIUSE LÀ CON NGƯỜI IM LẶNG:

Đọc lại Tin Mừng nhất lãm, chúng ta quả thực hết sức ngạc nhiên về thái độ của thánh Giuse. Vì rằng cả cuộc đời của Người là một sự im lặng kéo dài, nhưng cái im lặng bàng bạc thánh này nói lên tất cả con người siêu người của thánh Giuse. Khi nghiên cứu lại cuộc đời của Người, một chuỗi những biến cố như hiện rõ trước mắt chúng ta: Maria, mang thai bởi phép Chúa Thánh Thần, làm sổ kiểm tra hộ khẩu tại Bêlem, Chúa Giêsu sinh ra tại máng cỏ, trốn sang đất Ai Cập, trở về quê hương Nagiarét…Trước mọi biến cố của cuộc đời, thánh Giuse luôn im lặng làm theo ý Chúa. Do đó, Tin Mừng gồm tóm cả đời sống thánh thiện và gương mẫu của thánh Giuse bằng hai tiếng công chính. Ngôn từ công chính Tin Mừng nói tới gợi lên cho chúng ta lòng khâm phục về thánh cả Giuse, một con người luôn sống hoàn toàn cho Chúa, hiến thân cho ơn cứu chuộc của Chúa.
Nhìn vào thánh Giuse, nhân loại bắt gặp một con người từ tốn, khiêm nhu, đơn sơ, chất phác, dù Người thuộc dòng họ hoàng tộc, nhưng vì gia cảnh sa sút qua bao đời, nên thánh Giuse phải sống cuộc đời lao động vất vả. Dưới con mắt trần gian, thánh Giuse chỉ là một bác thợ mộc nghèo nàn, một con người trầm tư, ít nói. Nhưng trước mặt Thiên Chúa, thánh Giuse lại là cha của Chúa Giêsu và là bạn trăm năm của Đức trinh nữ Maria. Thiên Chúa đã chọn một con người hết sức khiêm tốn để thực hiện công việc cứu thế của Ngài và đã chọn thánh Giuse, và Đức trinh nữ Maria săn sóc, lo lắng cho Chúa Giêsu trong cuộc đời trần thế của Người, đồng thời để hai Đấng tuyệt thánh giữ gìn, bảo vệ đức khiết tịnh mà hai Đấng đã hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa.

SỰ IM LẶNG THÁNH CỦA THÁNH GIUSE SOI CHIẾU CUỘC ĐỜI CỦA MỌI NGƯỜI:

Đương đầu với những thử thách căm go của cuộc đời, thánh Giuse vẫn luôn giữ thái độ im lặng. Một thái độ trầm mặc để vâng theo ý Chúa. Người không la lớn, nói to, Người không bào chữa cho những hành động của Người, nhưng tất cả đều theo ý Thiên Chúa. Thánh Giuse đã im lặng, chấp nhận dù rằng người cũng rất trăn trở, băn khoăn, bồn chồn, lo lắng. Mọi biến cố xẩy đến trong cuộc đời của thánh Giuse đều được Người chấp nhận với lòng tin thâm sâu: Người hy sinh lợi ích riêng cho kế hoạch, cho nhiệm cục cứu rỗi của Thiên Chúa. Sự im lặng thánh, cái trầm mặc thánh của thánh Giuse gợi lên cho nhân loại, cho mỗi người chúng ta biết bao ý nghĩa.
Vì chỉ có sự phó thác thẩm sâu nơi bàn tay nhân từ của Thiên Chúa với tất cả đức tin sâu xa, con người mới nhận ra đôi mắt nhân hiền, trái tim quảng đại và tình thương vô biên của Thiên Chúa đối với từng người. Thánh Giuse đã có mặt trong mọi lúc nguy biến mà Chúa Giêsu và Đức Mẹ cần đến, nhưng tới thời Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai thì cuộc đời của thánh Giuse cũng bắt đầu chấm dứt nơi trần gian này. Rõ ràng sự im lặng kéo dài suốt cuộc đời của thánh Giuse từ lúc Người được sinh ra cho đến ngày Người nhắm mắt xuôi tay. Sự im lặng thánh của thánh Giuse diễn tả cuộc đời của một con người hoàn toàn thuộc về Chúa, cho Chúa và vì Chúa và như thế, thánh Giuse là mẫu gương tuyệt vời cho mọi người noi theo.
Lạy Chúa, Chúa đã giao phó Đức Giêsu cho thánh cả Giuse, và thánh nhân đã trung thành gìn giữ trong giai đoạn đầu của công trình cứu độ. Xin nhận lời thánh nhân cầu thay nguyện giúp, cho Giáo Hội biết luôn luôn cộng tác với Đức Giêsu để hoàn tất công trình Người đã khởi đầu. ( Lời nguyện nhập lễ, lễ Thánh Giuse, Bạn Trăm Năm Đức Maria ).

Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Chúa Nhật VIII Thường Niên - Năm A


Tin Mừng Mt 6,24-34

           Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được. Vì vậy Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao? Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao? Hỏi có ai trong anh em có thể nhờ lo lắng mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang không? Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin! Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.”


Sunday VIII in Ordinary Time - Year A

1 thg 3, 2014

NGUỒN GỐC THÁNG KÍNH THÁNH CẢ GIUSE

 photo 12992529031337149016_574_574_e.jpg- Người khởi xướng việc tôn sùng Thánh Giuse trước tiên trong Giáo Hội là Đức Hồng Y Patricio Daily.   Ngài đã chép sách để cổ võ cho mọi người tin tưởng tôn kính Thánh Cả.
- Thế kỷ 12, thánh Bênađô, thánh Tôma Aquinô, thánh Bonaventura, rao giảng về Thánh Cả Giuse.
- Thế kỷ thứ 15, nhà thần học Gerson Trường Đại Học Paris,  đã tiếp tục việc cổ động này. Trong Hội Nghị thành Constantinô,  trước mặt đông đủ các vị Sứ Thần Tòa Thánh,  các Thần Học Gia.... Ông đã thuyết trình một bài rất hùng hồn về thế lực và lòng nhân lành của Thánh Cả Giuse.  Kết quả Hội Đồng đã tôn nhận Thánh Giuse là Đấng Bảo Trợ Đại Hội.
- Thế  kỷ  thứ  16, bà Thánh Têrêsa Mẹ cổ động lòng sùng kính Thánh Cả. Bà Têrêsa đã dùng chính đời sống mình để làm gương khuyến khích các chị em trong Dòng.   Bà quả quyết rằng :"Chưa  bao  giờ  tôi kêu cầu Thánh Cả Giuse mà Ngài không giúp đỡ tôi.  Nhất là việc nhờ Ngài tu sửa lại Dòng Kín".
- Thế kỷ 17, giám mục Bossuet tại nước Pháp đọc diễn văn ca ngợi Thánh Giuse gây tiếng vang tới Rôma, Đức Ubarnô 8 đã nâng lễ thánh Giuse lên bậc lễ buộc trong nước Pháp.
- Tại nước Austria (Áo), vua Leopoldo nhiệt liệt ca tụng Thánh Giuse, đã xin Tòa thánh cho lập lễ Hôn phối thánh Giuse với Đức Mẹ để ghi ơn thánh Cả đã cho sinh con nối dòng và chiến thắng quân Turkey.
- Thế kỉ 19, năm 1870, Đức Piô 9, theo đề nghị của các nghị phụ Công đồng Vatican I, đặt Thánh Giuse làm Đấng Bảo trợ Giáo hội và truyền mừng lễ ngày 19 tháng 3 hàng năm trọng thể .
Năm 1889, Đức Lêô 13 ra thông điệp về Lòng tôn kính Thánh cả Giuse và truyền lấy tháng Ba hàng năm tôn kính Ngài. (Châu Thủy, Thánh Giuse trong Phúc âm, NSTTĐM, 1989, trang 148-150)
Đức Piô 11 tuyên xưng Thánh cả là  Mẫu gương đời lao công.  Và Đức Thánh Cha Piô 12 đã đặt Thánh Giuse làm chủ các gia đình.
Những việc làm kính Thánh Cả:
1. Hàng ngày :  Năng nguyện tắt: "GiêsuMariaGiuse con mến yêu, xin cứu rỗi các linh hồn", và dâng mình cho ba Đấng.  Cầu xin cùng Thánh cả lúc gặp khó khăn hoặc cơn cám dỗ.
Tối trước khi đi ngủ, đọc kinh Thánh Giuse bầu cử, hay đọc 7 kinh Lạy Cha,  7 kinh Kính Mừng,   kính nhớ 7 sự vui mừng và đau khổ của Ngài, kính Ngài và xin ơn chết lành.
2. Hàng tuần : Ngày Thứ Tư kính Thánh Cả,  làm thêm việc lành tùy hoàn cảnh: như đọc thêm kinh,  đọc sách về Thánh Cả, hãm mình, làm việc bác ái, dự lễ.
3. Tháng  Ba: sửa sang bàn thờ gia đình, thêm hoa nến để kính Ngài. 
Trong dịp trước lễ kính Thánh Giuse (ngày 19 tháng 3), nên làm tuần 3 ngày dọn mình mừng lễ Ngài cho long trọng,  xưng tội, rước lễ,  xin lễ,  tôn kính Ngài.
Ngoài ra còn nhiều việc sùng kính khác như đeo ảnh trong mình, bày tượng ảnh trong nhà,  lập đài nơi khu xóm,  cất đền nơi xứ đạo,  tôn Ngài làm quan thầy Hội đoàn,   phát hành báo chí,  internet, phổ biến tranh ảnh,  bài hát....  kính Ngài  nữa.
Truyện Thánh: 
Con trai được cải hóa, nhờ mẹ và các em cầu nguyện.
Gần thành Granôpoli, nước Pháp, có một gia đình 5 người. Ông chồng chết sớm. Mẹ con làm ăn nuôi nhau. Bà mẹ có lòng đạo đức, luôn lấy lời nói gương sáng khuyên bảo các con. Hai cô em thì ngoan, còn ông anh cả đi học xa ở Paris thì ôi thôi: phần xác thì ốm đau, phần hồn thì bê bối đủ điều, khô khan tội lỗi. Hắn không cầu nguyện, không dự lễ, mà khi thấy mẹ và các em cầu nguyện, hắn lại chê bai. Ba mẹ con hằng khuyên nhủ và kêu xin Chúa  cải thiện hắn, nhưng vô ích, hắn cứng đầu hơn đá.
Mọi năm nhà này cứ tới tháng Ba là làm việc kính Thánh Cả Giuse. Năm ấy mẹ bảo hai con sốt sắng hơn để cầu nguyện cho người anh khô khan, tội lỗi được ơn cải thiện đời sống.
Hôm trước ngày mùng một, mẹ con trang hoàng bàn thờ Thánh Cả với hoa nến đẹp đẽ. Người anh đi đâu về thấy bàn thờ đã dọn thì hỏi: dọn làm gì? Mẹ trả lời:
- Mai là tháng Thánh Giuse, mẹ và các em có ý kính Người hơn mọi năm để cầu xin cho con được ơn ăn năn cải thiện trở về cùng Chúa, sốt sắng giữ đạo.
Con cả nghe vậy cười lớn và lắc đầu, tỏ vẻ khinh thường.
Ngày mùng một, hai, ba, khi mẹ và 2 em quì gối làm việc kính Thánh Cả, thì cậu con ngồi xa xa cười mẹ và các em mê tín dị đoan.
Nhưng từ ngày 7, 8 trở đi, nó không cười nhạo nữa, nhưng ngồi yên lặng coi bộ suy tư lắm. Đến ngày mùng 10, hắn làm dấu Thánh giá và thỉnh thoảng gặt nước mắt trộm vụng kẻo có ai thấy và thở dài kêu thầm: Lạy Ông Thánh Giuse, xin thương linh hồn tôi.
Đến ngày 15, nó đến thú thật với mẹ rằng: Từ khi con bỏ Đức Chúa Trời, con bối rối lo âu luôn luôn. Nhờ dịp này, con quyết ăn năn cải thiện đời sống, xin mẹ cùng 2 em cầu nguyện để con được ơn cải thiện thật lòng.
Anh ta cầu nguyện và xét mình vài ba ngày, rồi đi tìm linh mục xưng tội rước lễ sốt sắng.
Từ ngày ấy trở đi, anh ta sống đạo rất tốt, làm gương cho các em và làm mẹ vui lòng lắm.
Sau 3 năm, anh ta mắc bệnh nặng, và được chết lành êm ái trong tay Thánh Cả Giuse Bổn mạng của anh ta.