29 thg 4, 2017

Mời ông ở lại với chúng tôi (30.4.2017 – Chúa nhật 3 Phục sinh năm A)

Lời Chúa: (Lc 24,13-35)
Chiều ngày phục sinh, 13 có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Emmau, cách Giêrusalem chừng mười một cây số. 14 Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. 15 Ðang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Ðức Giêsu tiến lại gần và cùng đi với họ. 16 Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người. 17 Người hỏi họ: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?” Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu.
18 Một trong hai người tên là Clêôpát trả lời: “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giêrusalem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay.” 19 Ðức Giêsu hỏi: “Chuyện gì vậy?” Họ thưa: “Chuyện ông Giêsu Nadarét. Người là một ngôn sứ đấy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. 20 Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá. 21 Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Ðấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi. 22 Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, 23 không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn còn sống. 24 Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy.”
25 Bấy giờ Ðức Giêsu nói với hai ông rằng: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! 26 Nào Ðấng Kitô chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao? 27 Rồi bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh.
28 Khi gần tới làng họ muốn đến, Ðức Giêsu làm như còn phải đi xa hơn nữa. 29 Họ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.” Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ. 30 Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. 31 Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. 32 Họ mới bảo nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?”
33 Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giêrusalem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. 34 Những người này bảo hai ông: “Chúa chỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Simon.” 35 Còn hai ông thì thuật lại những việc đã xảy ra dọc đường, và mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.
Suy Niệm
Dưới dáng dấp một người khách lạ,
Chúa Giêsu phục sinh đến với hai môn đệ Emmau.
Ngài đến đúng lúc, đúng lúc họ đang bỏ cuộc,
quay quắt và ray rứt vì chuyện đã qua.
Ngài đi cùng với họ, đi gần bên họ,
khiêm tốn trở thành một người bạn đồng hành.
Ngài gợi chuyện, hay đúng hơn,
Ngài muốn tham dự vào câu chuyện dở dang của họ.
Chúa Giêsu không nản lòng trước câu trả lời lạnh nhạt:
“Chắc chỉ có ông mới không biết chuyện vừa xảy ra…”
Ngài không cắt đứt cuộc đối thoại: “Chuyện gì vậy?”
Ngài giả vờ không biết để họ nói cho vơi nỗi buồn.
Chúa Giêsu kiên nhẫn lắng nghe lời họ tâm sự.
“Trước đây, chúng tôi hy vọng rằng…”
Như thế niềm hy vọng này chỉ còn là chuyện quá khứ.
Cả niềm tin cũng trở nên chai lì,
họ đâu có tin vào lời của các bà ra thăm mộ.
Khi lắng nghe, Chúa Giêsu nhận ra cái gút của vấn đề,
những câu hỏi mà họ không tìm ra lời giải đáp.
Tại sao một người của Chúa, người mà họ tin là Ðức Kitô
lại bị đóng đinh như một kẻ bị Thiên Chúa chúc dữ?
Chúa Giêsu vén mở ý nghĩa của mầu nhiệm đau khổ.
Ðau khổ là nhịp cầu mà Ðức Kitô phải vượt qua
để sang bờ bên kia là vinh quang bất diệt.
Ðau khổ không phải là chuyện xui xẻo, rủi ro,
nhưng nó có chỗ đứng trong chương trình cứu độ.
Lời của Chúa Giêsu là Tin Mừng ngọt ngào,
khiến nỗi đau của họ dịu đi, lòng họ như ấm lại.
Họ cố nài ép Ngài ở lại dùng bữa chiều.
Và chính lúc Ngài cầm bánh bẻ ra trao cho họ
thì họ nhận ra vị khách lạ chính là Thầy Giêsu.
Kinh nghiệm của hai môn đệ Emmau cũng là của chúng ta.
Lúc ta tưởng Ngài vắng mặt, thì Ngài lại đang ở gần bên.
Lúc ta nhận ra Ngài ở gần bên, thì Ngài lại biến mất rồi.
Nhưng chính lúc Ngài biến mất,
ta lại cảm nghiệm sâu hơn sự hiện diện của Ngài.
Ngài đến lúc ta không ngờ.
Ngài đi mà ta không giữ lại được.
Ngài ở lại với ta cả khi ta không thấy Ngài nữa.
Ðấng Phục Sinh vẫn đến với ta hôm nay
qua một người bạn hay một người lạ ta gặp tình cờ.
Qua họ, Ngài thổi vào lòng ta niềm hy vọng tin yêu.
Ngài vẫn đến với ta qua từng thánh lễ.
Ngài đích thân giảng Tin Mừng và bẻ bánh trao cho ta.
Sống như Chúa phục sinh là tập đến với tha nhân,
tập đồng hành, tập gợi ý, tập lắng nghe, tập soi sáng…
Hôm nay vẫn có nhiều người bạn đang lê gót về Emmau.
Cầu Nguyện
Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì con cần có Chúa hiện diện
để con khỏi quên Chúa.
Chúa thấy con dễ bỏ Chúa biết chừng nào.
Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì con yếu đuối,
con cần Chúa đỡ nâng để con khỏi ngã quỵ.
Không có Chúa,
con đâu còn nồng nhiệt hăng say.
Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn,
cuộc đời qua đi, vĩnh cửu gần đến.
Con cần được thêm sức mạnh
để khỏi ngừng lại dọc đường.
Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì con cần Chúa trong đêm tối cuộc đời.
Con không dám xin những ơn siêu phàm,
chỉ xin ơn được Ngài hiện diện.
Xin ở lại với con
vì con chỉ tìm Chúa, yêu Chúa
và không đòi phần thưởng nào khác
ngoài việc được yêu Chúa hơn.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

28 thg 4, 2017

Chính Thầy đây (29.4.2017 – Thứ Bảy Tuần 2 Mùa Phục sinh)


Lời Chúa: Ga 6, 16-21
Chiều đến, các môn đệ xuống bờ Biển Hồ, rồi xuống thuyền đi về phía Caphácnaum bên kia Biển Hồ. Trời đã tối mà Ðức Giêsu chưa đến với các ông. Biển động, vì gió thổi mạnh. Khi đã chèo được chừng hai mươi lăm hoặc ba mươi chặng đường, các ông thấy Ðức Giêsu đi trên mặt Biển Hồ và đang tới gần thuyền. Các ông hoảng sợ. Nhưng Người bảo các ông: “Chính Thầy đây, đừng sợ!” Các ông muốn rước Người lên thuyền, nhưng ngay lúc đó thuyền đã tới bờ, nơi các ông định đến.
Suy niệm:
Vào thời Đức Giêsu, người ta chờ Thiên Chúa sai đến một vị vua.
Vị Vua này chính là một Đấng Mêsia hùng mạnh, toàn thắng,
Đấng sẽ giải phóng dân khỏi ách nô lệ của người Rôma.
Sau khi Đức Giêsu cho dân chúng được ăn no nê một cách kỳ diệu,
họ nghĩ ngay Ngài chính là người họ mong đợi từ lâu.
Họ toan bắt Ngài để tôn làm vua,
làm người đứng lên lãnh đạo phong trào cách mạng (Ga 6, 15).
Nhưng Đức Giêsu đã chối từ sự mong mỏi của dân chúng.
Ngài trốn lên núi một mình.
Đức Giêsu biết mình không phải là một Mêsia đầy quyền lực,
để giải phóng dân Israel khỏi ách của người Rôma.
Nhưng Ngài sẽ là một Mêsia như người Tôi Trung đau khổ,
chịu chết ô nhục và sống lại để giải phóng nhân loại khỏi ách tội lỗi.
 Dân chúng hẳn đã bị hụt hẫng khi thấy Đức Giêsu trốn đi.
Các môn đệ chắc đã tiếc ngẩn tiếc ngơ,
vì Thầy bỏ qua cơ hội ngàn năm một thuở để tỏ mình cho dân Israel,
và chính họ cũng mất đi một cơ hội để tiến thân.
Tin Mừng của thánh Gioan không nói cho ta biết tại sao sau đó
các môn đệ lại chèo thuyền qua Caphácnaum, ở bờ bên kia (c. 16).
Nhưng theo Tin Mừng Marcô, Đức Giêsu đã bắt buộc họ (Mc 6, 45).
Ngài rõ ràng không muốn họ dính dáng vào chuyện chính trị này.
 Bị Thầy bắt qua lại bờ bên kia khi chiều đã sụp tối,
trong khi dân chúng và Thầy còn ở bờ bên này,
điều ấy chẳng dễ chịu chút nào cho các môn đệ.
Họ muốn ở lại hưởng chút dư vị của thành công vang dội vừa rồi.
Dù sao các môn đệ đã biết vâng phục.
Chuyến đi qua biển hồ cũng không suôn sẻ gì.
Họ phải chiến đấu với trận cuồng phong bất ngờ gây biển động.
Con thuyền bé nhỏ lênh đênh giữa sóng gió gào thét.
Cả nhóm gặp nguy hiểm mà không có Thầy trong thuyền.
Họ đã cố chèo được chừng năm, sáu cây số.
Có thể họ tự hỏi: tại sao Thầy lại vội sai mình ra khơi giữa đêm đen?
 Cuối cùng Thầy Giêsu cũng đến với họ như họ mong ước.
Nhưng Thầy không đến trên một chiếc thuyền như họ nghĩ.
Thầy đi trên mặt biển mà đến gần thuyền các ông (c. 19).
Cách đến của Thầy thật khác thường khiến họ hoảng sợ.

Có thể họ chưa nhận ra khuôn mặt của Thầy vì trời tối.
“Thầy đây mà, đừng sợ!”, Đức Giêsu vội vã trấn an.
 Giáo Hội hôm nay cũng có kinh nghiệm như nhóm môn đệ ngày xưa,
vất vả một mình chống chọi với sóng gió, khi không có Thầy ở bên.
Nhưng khi Chúa đến, chúng ta lại hoảng sợ, không nhận ra Ngài.
Thật ra Chúa chẳng bỏ chúng ta, dù có lúc Ngài để chúng ta một mình.
Phải tập quen dần với những cách xuất hiện mới mẻ của Chúa
để nhận ra Ngài vẫn có mặt trong thế giới hôm nay.
 Cầu nguyện:
 Lạy Chúa,
xin ban cho chúng con ánh sáng đức tin
để nhận ra Chúa hôm nay và hằng ngày,
nơi khuôn mặt khốn khổ
của tất cả những người bị thử thách:
những kẻ đói, không chỉ vì thiếu của ăn,
nhưng vì thiếu Lời Chúa;
những kẻ khát, không chỉ vì thiếu nước,
nhưng còn vì thiếu bình an, sự thật, công bằng và tình thương;
những kẻ vô gia cư,
không chỉ tìm kiếm một mái nhà,
nhưng còn tìm một con tim hiểu biết, yêu thương;
những kẻ bệnh hoạn và hấp hối,
không chỉ trong thân xác,
nhưng còn trong tinh thần nữa,
bằng cách thực thi lời hy vọng này:
“Điều mà ngươi làm
cho người bé mọn nhất trong anh em
là làm cho chính Ta”
 (Chân phước Têrêxa Calcutta)
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

27 thg 4, 2017

Ăn bao nhiêu tùy ý (28.4.2017 – Thứ sáu Tuần 2 Mùa Phục sinh)


LỜI CHÚA:  Ga 6, 1-15
1 Sau đó, Đức Giê-su sang bên kia Biển Hồ Ga-li-lê, cũng gọi là Biển Hồ Ti-bê-ri-a.2 Có đông đảo dân chúng đi theo Người, bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ đau ốm.3 Đức Giê-su lên núi và ngồi đó với các môn đệ.4 Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái.
5 Ngước mắt lên, Đức Giê-su nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Phi-líp-phê: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây? “6 Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi.7 Ông Phi-líp-phê đáp: “Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút.”8 Một trong các môn đệ, là ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô, thưa với Người:9 “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu! “10 Đức Giê-su nói: “Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi.” Chỗ ấy có nhiều cỏ. Người ta ngồi xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn.11 Vậy, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý.12 Khi họ đã no nê rồi, Người bảo các môn đệ: “Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi.”13 Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng.14 Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giê-su làm thì nói: “Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian! “15 Nhưng Đức Giê-su biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình.
SUY NIỆM
Có người coi tôn giáo như một thứ duy tâm, duy linh,
chỉ để ý đến chuyện linh hồn, chuyện đời  sau,
mà hững hờ với cái đói cái no của thân xác, với chuyện áo cơm thường nhật.
Kitô giáo hẳn không phải là thế.
Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, đã khai mở Nước Thiên Chúa trên trần gian
không phải chỉ bằng việc rao giảng như một thầy dạy,
mà còn bằng việc chữa bệnh thân xác như một thầy thuốc.
Ơn cứu độ do Ngài mang lại có tính toàn diện, cả xác lẫn hồn, 
và ơn cứu độ ấy đã bắt đầu ngay từ đời này rồi.
Trong Mùa Phục sinh, Giáo hội cho ta nghe đọc chương 6 của Tin Mừng Gioan,
bởi lẽ chương này nói về Đức Giêsu là Bánh hằng sống, Bánh ban sự sống.
Chương này khởi đầu bằng phép lạ hóa bánh ra nhiều.
Phép lạ diễn ra ở bên kia hồ Galilê, vào mùa xuân, cỏ mọc xanh mướt. 
Đám đông đến với Đức Giêsu đang ở trên núi với các môn đệ.
Tất cả bắt đầu bằng câu hỏi bất ngờ của Thầy Giêsu :
“Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây ?”
Các câu trả lời của hai ông Philípphê và Anrê thật đáng thất vọng.
Hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ mỗi người một chút (c. 7).
Năm cái bánh lúa mạch và hai con cá khô thì thấm vào đâu (c. 9).
Nhưng Đức Giêsu lại cần năm cái bánh và hai con cá đó.
Ngài đón nhận sự đóng góp của con người, dù là rất nhỏ mọn.
Nhỏ mọn nhưng là tất cả những gì tìm được ở chốn hoang vu này.
Không có sự đóng góp của một em bé, không chắc phép lạ đã xảy ra.
Khi mọi người đã ngồi xuống trên cỏ theo lệnh các tông đồ,
Đức Giêsu cầm lấy bánh, tạ ơn và phân phát cho họ.
Chắc các tông đồ đã giúp Ngài phân phát đến tay dân.
Chính khi bẻ ra để phân phát thì bánh và cá hóa nhiều.
Chúng ta không hiểu được điều gì đang diễn ra.
Mầu nhiệm chia sẻ vẫn làm chúng ta ngỡ ngàng, sửng sốt.
Chia sẻ là biến điều ít ỏi ta đang có trở thành kho báu vô tận cho mọi người.
Chia sẻ làm chúng ta chẳng vơi đi, nhưng còn mãi.
Hơn năm ngàn con người đã được ăn tùy ý, được no nê, được dư thừa.
Gần một tỷ con người sống trên trái đất hôm nay cũng mong được như vậy.
Đức Thánh Cha coi việc liên đới chia sẻ 
như một cách thức để thoát ra khỏi nạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Ước gì việc chúng ta chia sẻ Tấm Bánh thánh trong nhà thờ
giúp chúng ta tiếp tục chia sẻ những tấm bánh vật chất ngoài cuộc sống.
LỜI NGUYỆN
Lạy Chúa, đây là ước mơ của con về thế giới :
Con mơ ước tài nguyên của cả trái đất này
là thuộc về mọi người, mọi dân tộc.
Con mơ ước
không còn những La-da-rô đói ngồi ngoài cổng,
bên trong là người giàu yến tiệc linh đình.
Con mơ ước mọi người đều có việc làm tốt đẹp,
không còn những cô gái đứng đường
hay những người ăn xin.
Con mơ ước
những ngưòi thợ được hưởng lương xứng đáng,
các ông chủ coi công nhân như anh em.
Con mơ ước
tiếng cười trẻ thơ đầy ắp các gia đình,
các công viên và bãi biển đầy người đi nghỉ.
Lạy Chúa của con,
con ước mơ một thế giới đầy màu xanh,
xanh của rừng, xanh của trời, xanh của biển,
và xanh của bao niềm hy vọng
nơi lòng những ai ham sống và ham dựng xây.
Nếu Chúa đã gieo vào lòng con những ước mơ,
thì xin giúp con thực hiện những ước mơ đó.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

26 thg 4, 2017

Đấng từ trên cao mà đến (27.4.2017 – Thứ Năm Tuần 2 Phục sinh)


Lời Chúa: Ga 3, 31-36
Khi ấy, ông Gioan nói để làm chứng về Chúa Giêsu rằng: “Đấng từ trên cao mà đến thì ở trên mọi người; kẻ từ đất mà ra thì thuộc về đất và nói những chuyện dưới đất. Đấng từ trời mà đến thì ở trên mọi người; Người làm chứng về những gì Người đã thấy đã nghe, nhưng chẳng ai nhận lời chứng của Người. Ai nhận lời chứng của Người, thì xác nhận Thiên Chúa là Đấng chân thật. Quả vậy, Đấng được Thiên Chúa sai đi, thì nói những lời của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa ban Thần Khí cho Người vô ngần vô hạn. Chúa Cha yêu thương người Con và đã giao mọi sự trong tay Người. Ai tin vào người Con thì được sự sống đời đời; còn kẻ nào không chịu tin vào người Con thì không được sự sống, nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đè nặng trên kẻ ấy.”
Suy nim:
Giêsu ơi! Ngài từ đâu đến?
Tôi là Đấng từ trên cao mà đến.
Tôi là Đấng từ trời mà đến (c.31).
Tôi sinh ra trên đất, sống trên đất, chết trên đất.
Nhưng tôi không thuộc về đất, đất không phải là gốc của tôi.
Gốc của tôi ở nơi cung lòng Thiên Chúa (Ga 1, 18).
Dù cư ngụ trên mặt đất, tôi vẫn luôn hướng về Cha tôi trên trời.
Khi làm xong sứ mạng, tôi sẽ trở về với gốc của tôi.
Giêsu ơi! Ngài làm gì vậy?
Tôi làm chứng về điều tôi đã thấy và đã nghe (c. 32).
Tôi làm chứng về Thiên Chúa là Cha của tôi.
Tôi đã thấy việc Người làm và đã nghe tiếng Người nói.
Nhiều vĩ nhân diễn tả rất hay, rất đúng về Thiên Chúa 
và cũng có kinh nghiệm rất sâu về Người.
Nhưng họ không phải là Con như tôi.
Họ chẳng thể nào gần mầu nhiệm Thiên Chúa như tôi.
Chẳng ai biết Cha bằng Con, không ai biết Cha trừ ra Con (Lc 10, 22).
Chỉ mình tôi mới có thể vén mở trọn vẹn khuôn mặt Thiên Chúa.
Giêsu ơi! Ngài là ai?
Tôi là người được Thiên Chúa sai đến với nhân loại trên mặt đất (c. 34).
Chẳng có giây phút nào tôi quên mình là Con, người được sai.
Chẳng có giây phút nào tôi quên Cha tôi là Đấng sai tôi.
Khi nhận mình triệt để tùy thuộc vào Cha, tôi chẳng hề xấu hổ.
Tôi đáng tin vì chính sự tùy thuộc đó.
Tôi chẳng làm điều gì tự mình, 
tôi chỉ làm điều tôi đã thấy Cha tôi làm (Ga 5, 19).
Tôi chẳng nói điều gì tự mình, 
tôi chỉ nói điều tôi đã nghe Cha tôi nói (Ga 8, 26).
Chính khi tôi tùy thuộc trọn vẹn vào Cha mà tôi được tự do.
Giêsu ơi! Ngài có hạnh phúc không?
Tôi hạnh phúc vì tôi yêu và được yêu.
Cha tôi yêu mến tôi và tôi ở lại trong tình yêu của Cha (Ga 15, 10),
Người vẫn ở với tôi và không để tôi cô độc (Ga 8, 29).
Người yêu mến tôi vì tôi dám hy sinh mạng sống cho đoàn chiên (Ga 10, 17).
Tình yêu của Cha thể hiện qua việc Người trao phó mọi sự trong tay tôi (c. 35).
Tôi có quyền phán xét, quyền cho sống lại ngày sau hết, quyền trên mọi xác phàm.
Bởi vậy tôi mới nói mọi sự Cha có là của tôi (Ga 16, 15).
Hãy đón nhận lời chứng của tôi (c. 33).
Hãy tin vào tôi để được sự sống vĩnh hằng ngay từ đời này (c. 36).
Hãy đến với tôi để được chia sẻ cùng một sứ mạng và vinh quang.
Cầu nguyn:
Lạy Cha,
con phó mặc con cho Cha,
xin dùng con tùy sở thích Cha.
Cha dùng con làm chi, con cũng xin cảm ơn.
Con luôn sẵn sàng, con đón nhận tất cả.
Miễn là ý Cha thực hiện nơi con
và nơi mọi loài Cha tạo dựng,
thì, lạy Cha, con không ước muốn chi khác nữa.
Con trao linh hồn con về tay Cha.
Con dâng linh hồn con cho Cha,
lạy Chúa Trời của con,
với tất cả tình yêu của lòng con,
Vì con yêu mến Cha,
vì lòng yêu mến
thúc đẩy con phó dâng mình cho Cha,
thúc đẩy con trao trọn bản thân về tay Cha,
không so đo,
với một lòng tin cậy vô biên,
vì Cha là Cha của con.
(Charles de Foucauld)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J

25 thg 4, 2017

Thiên Chúa yêu thế gian (26.4.2017 – Thứ Tư Tuần 2 Phục sinh)


SUY NIỆM
Khi nghĩ về Thiên Chúa, người ta hình dung ra Ngài với nhiều khuôn mặt.
Có khi Thiên Chúa giống một ông cảnh sát, luôn để ý theo dõi để trừng phạt,
hay như một quan tòa cứ theo pháp luật mà kết án nghiêm minh.
Có khi Thiên Chúa giống một nhà buôn, tính toán sòng phẳng,  
chỉ ban ơn khi nhận được một lợi lộc nào đó, có qua có lại.
Có khi Thiên Chúa giống một nhà độc tài, áp đặt quyền lực trên con người,
không cho con người được tự do, bắt con người phải theo một định mệnh có sẵn.
Có khi Thiên Chúa như một thứ ô dù để người ấu trĩ dựa dẫm trong lúc khó khăn,
hay như một sản phẩm của người bị áp bức tự ru ngủ mình.
Có bao nhiêu hình ảnh méo mó về Thiên Chúa như vậy.
May mắn đó không phải là khuôn mặt Thiên Chúa của các kitô hữu.
Ngài chẳng phải là cảnh sát hay quan tòa, là nhà buôn hay nhà độc tài.
Ngài cũng chẳng phải là người cha độc đoán không muốn cho con mình khôn lớn.
Đơn giản Thiên Chúa là Tình Yêu (1 Ga 4, 8).
Và Tình Yêu vô lượng ấy được thể hiện bằng hành động :
“Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một…” (c. 16).
Tình yêu của Thiên Chúa Cha ôm lấy thế gian, dù nó nghiêng chiều về sự dữ.
Như Abraham yêu quý đứa con một là Isaac, và đã chịu sát tế con cho Chúa,
Thiên Chúa Cha cũng yêu quý người Con Một của Ngài là Đức Giêsu,
và đã trao ban người Con ấy cho thế gian.
Cha trao ban Con khi sai Con vào đời mang thân phận xác phàm (Ga 1, 14).
Cha còn trao ban Con cho thế gian qua cái chết của Con trên thập giá.
Nơi máng cỏ Belem hay nơi đồi Sọ,
ta thấy Cha đưa hai tay ra để trao món quà tình yêu quý giá nhất cho loài người.
Và Cha chờ con người đáp lại bằng cách đưa hai tay đón nhận.
Con người vẫn có tự do để đón nhận hay từ chối món quà ấy
qua việc tin hay không tin Đức Giêsu.
 Đứng trước Đức Giêsu, Con Một Thiên Chúa,
là đứng trước một chọn lựa nghiêm chỉnh có liên quan đến vận mệnh con người.
Ai tin vào Ngài thì có ánh sáng, ơn cứu độ và sự sống vĩnh cửu (cc. 16.17.19).
Tiếc thay có kẻ ghét ánh sáng và thích bóng tối hơn ánh sáng.
Hãy từ bỏ những việc làm tối tăm, dối trá, xấu xa,
bạn sẽ dễ dàng đến cùng ánh sáng Giêsu.
LỜI NGUYỆN
 Lạy Chúa Giêsu,
ánh sáng và bóng tối thì dễ phân biệt,
còn bóng mờ thì khó nhận ra hơn.
Con đã mạnh dạn khước từ bóng tối
nhưng khi nhìn thật sâu vào lòng mình,
con vẫn thấy có nhiều bóng mờ tác động.
Con an tâm ở lại trong bóng mờ,
vì thấy đó chưa phải là một tội.
Nhưng con cũng áy náy
vì biết rằng bóng mờ là nơi
ánh sáng Chúa chưa thấm nhập trọn vẹn.
Con không muốn bóng mờ thành ánh sáng,
vì con vẫn muốn giữ lại
một điều gì đó rất quý đối với con.
Xin giải phóng con khỏi những tình cảm lệch lạc
để con được tự do yêu mến và phụng sự Chúa hơn.
Xin chinh phục những bóng mờ trong lòng con
để con được thuộc trọn về Chúa.
Xin kéo con ra khỏi thái độ lấp lửng, nước đôi,
để dứt khoát đặt Chúa trên mọi sự.
Ước gì con có đủ can đảm
để dám nhìn thẳng vào những bóng mờ trong đời con.
Và ước gì con được trở nên trong suốt
nhờ để ánh sáng Chúa
tràn ngập mọi vùng mờ tối nơi con. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

24 thg 4, 2017

Ai tin được sống muôn đời (25.4.2017 – Thứ ba Tuần 2 Phục Sinh)


LỜI CHÚA:  Ga 3, 7b-15
7 Ông đừng ngạc nhiên vì tôi đã nói: các ông cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên.8 Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy.”
9 Ông Ni-cô-đê-mô hỏi Người: “Làm sao những chuyện ấy có thể xảy ra được? “10 Đức Giê-su đáp: “Ông là bậc thầy trong dân Ít-ra-en, mà lại không biết những chuyện ấy!11 Thật, tôi bảo thật ông: chúng tôi nói những điều chúng tôi biết, chúng tôi làm chứng về những điều chúng tôi đã thấy, nhưng các ông không nhận lời chứng của chúng tôi.12 Nếu tôi nói với các ông về những chuyện dưới đất mà các ông còn không tin, thì giả như tôi nói với các ông về những chuyện trên trời, làm sao các ông tin được? “13 Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống.14 Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy,15để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.
SUY NIỆM
Con người hôm nay vừa bị hấp dẫn bởi cái chết,
vừa bị lôi kéo bởi cuộc sống đời này.
Cuộc sống hôm nay cho chúng ta nhiều tiện nghi thoải mái.
Nó mời chúng ta hưởng thụ, mua sắm, tiêu dùng.
Luôn luôn xuất hiện những mẫu mã mới hơn, tốt hơn, đẹp hơn.
Con người vất vả làm việc để có thể mua được món hàng do mình chế tạo.
Cuộc sống vừa dễ chịu hơn, vừa mệt mỏi hơn bởi vô số những nhu cầu.
Con người hôm nay có hạnh phúc hơn xưa không ?
Những thức ăn trần thế có đủ làm con người mãn nguyện không ?
Người kitô hữu quý chuộng cuộc sống ở trần thế này,
nhưng họ hiểu tính chất mau qua và tương đối của nó.
Như Đức Giêsu, họ cũng phải đi qua cuộc sống đời này,
nếm đủ mọi mùi vị của phận người, chịu đựng mọi khó khăn thách đố, 
trước khi về với điểm đến chung cục là cuộc sống đời sau.
Thiên đàng, Nước Thiên Chúa hay sự sống vĩnh cửu
là những từ diễn tả hạnh phúc đang chờ đợi người kitô hữu sau cái chết.
Họ biết mình từ đâu đến và biết mình sẽ đi đâu.
Họ biết phân biệt những ga xép với đích đến cuối cùng.
Trong bài Tin Mừng hôm qua, Đức Giêsu khẳng định 
chẳng ai được vào Nước Thiên Chúa nếu không được sinh ra bởi Thần Khí.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Ngài lại khẳng định :
“Ai tin vào Con Người thì có sự sống vĩnh cửu” (c.15).
Vào Nước Thiên Chúa đồng nghĩa với có sự sống vĩnh cửu.Như Môsê giương cao con rắn trong sa mạc để ai nhìn lên thì được khỏi,
Con Người cũng phải được giương cao để ai tin thì được sự sống vĩnh cửu.
Sự sống vĩnh cửu là hoa quả của mầu nhiệm được giương cao.
Đức Giêsu được giương cao khi bị treo trên thập giá,
được giương cao khi được Cha phục sinh, 
và được giương cao khi được Cha đưa về trời.
Chính vì Đức Giêsu bị đóng đinh, được phục sinh và về trời 
nên chúng ta được sinh lại từ trên nhờ Thần Khí, 
được vào Nước Thiên Chúa và có sự sống vĩnh cửu.
Kitô hữu là người đang trên đường về quê hương đích thật.
Đấng từ trời xuống nay đã lên trời (c. 13),
và lôi kéo chúng ta lên với Ngài (Ga 12, 32).
Làm thế nào chúng ta thoát khỏi sức kéo xuống của vật chất ?
Làm thế nào chúng ta sống nhẹ nhàng hơn để kéo thế giới quanh ta bay lên ?
LỜI NGUYỆN
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh
Chúa đã sống đến cùng cuộc Vượt qua của Chúa,
xin cho con biết sống cuộc Vượt qua mỗi ngày của con,
Vượt qua sự nhỏ mọn và ích kỷ.
Vượt qua những đam mê đang kéo ghì con xuống.
Vượt qua nỗi sợ khổ đau và nhục nhã.
Vượt qua đêm tăm tối cô đơn của Vườn Dầu.
Vượt qua những khắc khoải của niềm tin.
Vượt qua những thành kiến con có về người khác…
Chính vì Chúa đã phục sinh
nên con vui sướng và can đảm vượt qua,
dù phải chịu mất mát và thua thiệt.
Ước gì con biết noi gương Chúa phục sinh
gieo rắc khắp nơi bình an và hy vọng,
tin tưởng và niềm vui.
Ước gì ai gặp con
cũng gặp thấy sự sống mãnh liệt của Chúa.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Được sinh ra từ trên (24.4.2017 – Thứ hai Tuần 2 Phục sinh)


LỜI CHÚA: Ga 3, 1-8
1 Trong nhóm Pha-ri-sêu, có một người tên là Ni-cô-đê-mô, một thủ lãnh của người Do-thái.2 Ông đến gặp Đức Giê-su ban đêm. Ông nói với Người: “Thưa Thầy, chúng tôi biết: Thầy là một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến. Quả vậy, chẳng ai làm được những dấu lạ Thầy làm, nếu Thiên Chúa không ở cùng người ấy.”3 Đức Giê-su trả lời: “Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên.”4 Ông Ni-cô-đê-mô thưa: “Một người đã già rồi, làm sao có thể sinh ra được? Chẳng lẽ người đó có thể trở vào lòng mẹ lần thứ hai để sinh ra sao? “5 Đức Giê-su đáp: “Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí.6 Cái bởi xác thịt sinh ra là xác thịt; cái bởi Thần Khí sinh ra là thần khí.7 Ông đừng ngạc nhiên vì tôi đã nói: các ông cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên.8 Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy.”
SUY NIỆM
Mùa Phục sinh là thời gian những người dự tòng lãnh bí tích Thanh Tẩy.
Tuy họ là những người đã lớn khôn trưởng thành,
nhưng bí tích Thanh Tẩy đưa họ vào một cuộc sống mới,
cuộc sống như trẻ thơ được sinh lại nhờ Thánh Thần.
Để bước vào cuộc đời này, cần có một người cha sinh ra mình.
Để vào Nước Thiên Chúa, con người cần được Cha trên trời sinh ra.
Con người có sự sống đời này khi Chúa còn ban hơi thở tự nhiên.
Con người có sự sống vĩnh cửu khi được Chúa ban Thần Khí.
Bài Tin Mừng hôm nay nói về sự sinh ra bởi Thần khí, sinh ra từ trên.
Trong đêm tối, ông Nicôđêmô, một vị chức sắc của Thượng Hội Đồng,
đến gặp Đức Giêsu, người mà ông kính trọng gọi là Rabbi.
Ông tin Thầy Giêsu đến từ Thiên Chúa, 
và vì Thầy có Thiên Chúa ở cùng nên Thầy mới làm được nhiều dấu lạ.
Có vẻ ông định hỏi Thầy về việc làm sao vào được Nước Thiên Chúa.
Đức Giêsu cho biết phải được sinh ra từ trên (anôthen).
Trong tiếng Hy-lạp, anôthen còn có nghĩa là lại, lần nữa.
Có lẽ vì thế mà Nicôđêmô tưởng là Đức Giêsu nói đến việc sinh lại.
Chính vì thế ông nêu lên thắc mắc :
“Một người đã già rồi, làm sao người ấy có thể được sinh lại lần nữa.”
Dĩ nhiên chúng ta không cần phải vào lòng mẹ lần thứ hai.
Nhưng kitô hữu thực sự phải là người đã được sinh ra bởi Thần Khí.
Tương tự như gió ở chung quanh ta.
Chúng ta chỉ có thể thấy những hậu quả của gió, nhưng không thấy được gió.
Người được sinh bởi Thần Khí cũng vậy.
Chúng ta cũng không rõ cách thức Thần Khí hoạt động nơi người ấy,
nhưng chúng ta nhìn thấy sự biến đổi sâu xa nơi cuộc đời mỗi người.
Mùa Phục sinh là thời gian của sự sống.
Chúng ta đã được sinh lại từ khi lãnh nhận Phép Rửa.
Hãy để cho sự  sống đó được làm mới lại và được lớn lên từng ngày.
Hãy để Thần Khí của Đấng Phục sinh nâng chúng ta lên cao,
để chúng ta thực sự là những người được sinh ra từ trên.
LỜI NGUYỆN 
Lạy Chúa Giêsu phục sinhxin ban cho con sự sống của Chúa,
sự sống làm đời con mãi mãi xanh tươi.
Xin ban cho con bình an của Chúa,
bình an làm con vững tâm giữa sóng gió cuộc đời.
Xin ban cho con niềm vui của Chúa,
niềm vui làm khuôn mặt con luôn tươi tắn.
Xin ban cho con hy vọng của Chúa,
hy vọng làm con lại hăng hái lên đường.
Xin ban cho con Thánh Thần của Chúa,
Thánh Thần mỗi ngày làm mới lại đời con.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

22 thg 4, 2017

Chúng tôi đã thấy Chúa (23.4.2017 – Chúa nhật 2 Phục Sinh, Năm A – Kính Lòng thương xót của Chúa)


Lời Chúa: (Ga 20,19-31)
19 Chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do thái. Ðức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” 20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. 21Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” 22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. 23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”
24 Một người trong Nhóm Mười Hai tên là Tôma, cũng gọi là Ðiđymô, không ở với các ông khi Ðức Giêsu đến. 25 Các môn đệ khác nói với ông: “Chúng tôi đã thấy Chúa!” Ông Tôma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” 26 Tám ngày sau, các môn đệ Ðức Giêsu lại có mặt trong nhà, có cả ông Tôma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Ðức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em.” 27 Rồi Người bảo ông Tôma: “Ðặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Ðưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Ðừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” 28 Ông Tôma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” 29 Ðức Giêsu bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!”
30 Ðức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. 31 Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Ðức Giêsu là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người.
 Suy Niệm
Sau khi được phục sinh, Ðức Giêsu được tôn vinh lên làm Chúa,
nhưng Ngài vẫn dễ thương như xưa.
Nỗi bận tâm lớn nhất của Ngài là các môn đệ.
Việc làm quan trọng nhất của Ngài là đi thăm các ông.
Ngài đưa các ông ra khỏi nỗi sợ hãi co quắp,
khỏi căn nhà đóng kín cửa âm u.
Ngài chúc cho họ bình an ba lần (c.19.21.26),
thứ bình an ngay giữa những bất an, dao động.
Ðức Giêsu phục sinh cho họ xem các vết thương.
Thân xác chiến thắng của Ngài
sẽ mãi mãi mang dấu tích của cuộc khổ nạn.
Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa,
vì được Ngài cho tham dự vào cùng một sứ mạng:
“Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em.”
Chỉ có một người không vui, đó là ông Tôma.
Ông này vốn có óc thực tiễn (Ga 11,16; 14,5).
Chẳng rõ vì sao ông hụt gặp Ðức Giêsu phục sinh.
Chỉ biết ông đã “không ở với” các môn đệ, lúc Ngài đến.
Có vẻ giữa ông và cả nhóm có cái gì xa cách.
Sự xa cách này trở nên rõ rệt hơn,
khi ông thẳng thắn từ chối tin vào lời chứng của các bạn:
“Chúng tôi đã thấy Chúa.”
Nhưng ông lại rất tin vào chính mình, vào giác quan.
“Nếu tôi không thấy… nếu tôi không xỏ ngón tay…
nếu tôi không thọc bàn tay… tôi sẽ chẳng tin đâu.”
Ông có thái độ như một nhà khoa học thực nghiệm.
Ðức Giêsu phục sinh đến với nhóm, nhưng không quên một ai.
Ngài muốn cho Tôma được toại nguyện.
Tuần sau, khi Tôma ở với nhóm, thì Ngài hiện đến.
Ngài chê ông cứng lòng trước những lời chứng của anh em,
nhưng Ngài vẫn thoả mãn từng điều ông đòi hỏi.
Rốt cuộc Tôma cũng được thấy và tin như anh em.
Ðức tin của chúng ta hôm nay
dựa trên đức tin của những người đã thấy và đã tin,
đã dám hy sinh mạng sống để nói rằng Ngài sống lại.
Quanh chúng ta vẫn có nhiều người giống Tôma.
Họ đòi “thấy và chạm đến” những thực tại vô hình,
như Thiên Chúa, linh hồn, đời sau.
Nếu “thấy và chạm” có nghĩa là “có cảm nghiệm”,
thì đòi hỏi trên thật là chính đáng.
Ðức Giêsu đã cho Tôma được thấy và chạm đến Ngài.
Chúng ta cũng phải có khả năng giúp người khác
thấy và chạm đến những điều vô hình nhưng có thật.
Chúng ta cần sống như người đang thấy Thiên Chúa,
cần thanh thoát như người đã đụng đến trời cao,
cần bay lên khỏi cái nặng nề của thân xác
như người đã cảm được cái nhẹ bổng của linh hồn.
Truyền giáo là làm cho người ta tin,
làm cho người ta thấy và chạm đến Thiên Chúa.
Nhưng trước hết, mỗi người chúng ta phải nói được rằng:
“Tôi đã thấy Chúa” (Ga 20,18).
Và tất cả cộng đoàn chúng ta phải nói được rằng:
“Chúng tôi đã thấy Chúa” (Ga 20,25).
 Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu phục sinh,
Chúa đã sống đến cùng cuộc Vượt qua của Chúa,
xin cho con biết sống cuộc Vượt qua mỗi ngày của con,
Vượt qua sự nhỏ mọn và ích kỷ.
Vượt qua những đam mê đang kéo ghì con xuống.
Vượt qua nỗi sợ khổ đau và nhục nhã.
Vượt qua đêm tăm tối cô đơn của Vườn Dầu.
Vượt qua những khắc khoải của niềm tin.
Vượt qua những thành kiến con có về người khác…
Chính vì Chúa đã phục sinh
nên con vui sướng và can đảm vượt qua,
dù phải chịu mất mát và thua thiệt.
Ước gì con biết noi gương Chúa phục sinh
gieo rắc khắp nơi bình an và hy vọng,
tin tưởng và niềm vui.
Ước gì ai gặp con
cũng gặp thấy sự sống mãnh liệt của Chúa.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

21 thg 4, 2017

Vẫn không tin (22.4.2017 – Thứ Bảy trong Tuần Bát nhật Phục sinh)


Lời Chúa: Mc 16, 9-15

Sau khi sống lại vào lúc tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giêsu hiện ra trước tiên với bà Maria Mácđala, là kẻ đã được Người trừ cho khỏi bảy quỷ. Bà đi báo tin cho những kẻ đã từng sống với Người mà nay đang buồn bã khóc lóc. Nghe bà nói Người đang sống và bà đã thấy Người, các ông vẫn không tin. Sau đó, Người tỏ mình ra dưới một hình dạng khác cho hai người trong nhóm các ông, khi họ đang trên đường đi về quê. Họ trở về báo tin cho các ông khác, nhưng các ông ấy cũng không tin hai người này. Sau cùng, Người tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa. Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy. Người nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.”
Suy niệm 
Theo các nhà chú giải, sách Tin Mừng Máccô kết thúc ở chương 16, câu 8, 
với việc các phụ nữ sợ hãi, chạy trốn, không dám nói gì với các môn đệ. 
Sách này cũng không nói đến việc Đức Giêsu phục sinh hiện ra gặp các ông. 
Kết thúc khác thường này của Máccô làm chúng ta ngày nay chưng hửng. 
Cả các Kitô hữu thế kỷ thứ hai cũng bị ngỡ ngàng, 
vì vào thời đó họ đã có trong tay các sách Tin Mừng khác. 
Các sách này đều kể chuyện các phụ nữ đã đi gặp các môn đệ, 
chuyện Đức Giêsu phục sinh hiện ra gặp các bà trước tiên; 
rồi sau đó, Ngài đã hiện ra với các môn đệ 
và sai các ông đi loan báo Tin Mừng (Mt 28,19-20; Lc 24, 46-48; Ga 20, 21).
Để giải quyết khó khăn do phần kết của sách Tin Mừng Máccô đặt ra, 
một tác giả được ơn linh hứng đã viết thêm phần phụ lục (Mc 16, 9-20), 
dựa trên các sách Tin Mừng khác và sách Công vụ Tông đồ. 
Năm 1546, phần này đã được Công đồng Trentô nhìn nhận là Lời Chúa. 
Bài Tin Mừng hôm nay nhấn mạnh đến thái độ không tin của các môn đệ.
Đức Giêsu phục sinh hiện ra trước tiên cho bà Maria Mácđala. 
Bà đi báo tin Thầy sống lại cho những môn đệ đang buồn bã khóc lóc, 
nhưng họ không tin (cc. 9-11). 
Lần thứ hai, Đức Giêsu tỏ mình cho hai môn đệ khi họ trên đường về quê. 
Khi hai ông này báo tin cho những môn đệ khác, thì họ cũng không tin (cc. 12-13). 
Lần thứ ba, Đức Giêsu đích thân tỏ mình cho nhóm Mười Một. 
Ngài khiển trách họ về tội không tin những kẻ đã thấy Ngài phục sinh (c. 14).
Xem ra tin Thầy Giêsu phục sinh không phải là chuyện dễ, ngay cả đối với các môn đệ, 
dù họ đã được nghe Thầy báo trước nhiều lần khi còn sống bên Thầy, 
dù có những người trong nhóm làm chứng mình đã thấy Thầy sống lại. 
Ở lại trong nỗi thất vọng, buồn phiền thì dễ hơn sống lạc quan vui tươi. 
Các môn đệ không ra khỏi được nỗi đau do cái chết của Thầy. 
Có những nỗi đau làm con người khép kín và khoanh tay bất động. 
Nhưng Đức Giêsu phục sinh vẫn không bỏ rơi các học trò cứng cỏi của mình. 
Ngài kiên trì chinh phục họ bằng cách đến với họ và dùng bữa. 
Ngài đưa họ ra khỏi thế giới nhỏ bé của họ và giao cho họ một sứ mạng lớn lao. 
“Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (c. 15).
Tin Đức Giêsu phục sinh cũng không dễ đối với chúng ta hôm nay. 
Nếu thực sự tin vào sự phục sinh ở đời sau, chắc chúng ta sẽ sống khác. 
Thanh thoát hơn, nhẹ nhàng hơn, quảng đại hơn, vui tươi hơn… 
Nhiều khi chúng ta vẫn loan báo Tin Mừng với vẻ mặt buồn bã, 
vẫn nói về đời sau mà lòng còn quá nặng với vinh hoa đời này. 
Chỉ mong chúng ta được thực sự phục sinh như Thầy Giêsu, 
để làm tròn sứ mạng Thầy trao phó.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa phục sinh,
vì Chúa đã phục sinh
nên con thấy mình chẳng còn gì phải sợ.
Vì Chúa đã phục sinhnên con được tự do bay cao,không bị nỗi sợ hãi của phận người chi phối,
sợ thất bại, sợ khổ đau,
sợ nhục nhã và cái chết lúc tuổi đời dang dở.
Vì Chúa đã phục sinh
nên con hiểu cái liều của người Kitô hữu
là cái liều chín chắn và có cơ sở.
Cái liều của những nữ tu phục vụ ở trại phong.
Cái liều của cha Kolbê chết thay cho người khác.
Cái liều của bậc cha ông đã hiến mình vì Đạo.
Sự Phục Sinh của Chúa là một lời mời gọi
mang một sức thu hút mãnh liệt
khiến con đổi cái nhìn về cuộc đời :
nhìn tất cả từ trên cao
để nhận ra giá trị thực sự của từng thụ tạo.
Sự Phục Sinh của Chúa
giúp con dám sống tận tình hơn
với Chúa và với mọi người.
Và con hiểu mình chẳng mất gì,
nhưng lại được tất cả.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J

Chúa đó (21.4.2017 – Thứ Sáu trong Tuần Bát nhật Phục sinh)


Lời Chúa: Ga 21,1-14
Khi ấy, Ðức Giêsu lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển Hồ Tibêria. Người tỏ mình ra như thế này. Ông Simon Phêrô, ông Tôma gọi là Ðiđymô, ông Nathanaen người Cana miền Galilê, các người con ông Dêbêđê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau. Ông Simon nói với các ông: “Tôi đi đánh cá đây.” Các ông đáp: “Chúng tôi cùng đi với anh.” Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả.
Khi trời đã sáng, Ðức Giêsu đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Ðức Giêsu. Người nói với các ông: “Này các chú, không có gì ăn ư?” Các ông trả lời: “Thưa không.” Người bảo các ông: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, anh em sẽ bắt được cá.” Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá. Người môn đệ được Ðức Giêsu thương mến nói với Phêrô: “Chúa đó!” Vừa nghe nói “Chúa đó!”, ông Simon Phêrô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước. Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. Ðức Giêsu bảo các ông: “Ðem ít cá mới bắt được tới đây!” Ông Simon Phêrô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách. Ðức Giêsu nói: “Anh em đến mà ăn!” Không ai trong các môn đệ dám hỏi “ông là ai?”, vì các ông biết rằng đó là Chúa. Ðức Giêsu đến, cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy. Ðó là lần thứ ba Ðức Giêsu tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi trỗi dậy từ cõi chết.
Suy Niệm:
Bảy môn đệ trở về với nghề xưa, 
trở về Biển Hồ quen thuộc đầy ắp kỷ niệm thầy trò. 
Dù đã chối Chúa, Phêrô vẫn được coi là thủ lĩnh. 
Ông không ra lệnh, nhưng đưa ra lời mời kín đáo: 
“Tôi đi đánh cá đây.” 
Các bạn khác hiểu ngay và mau mắn đáp lại: 
“Chúng tôi cùng đi với anh.” 
Có một bầu khí dễ chịu, đầm ấm trong nhóm. 
Ðây quả thực là một nhóm bạn lý tưởng. 
Họ ở với nhau, làm việc với nhau cả đêm, 
và lặng lẽ cùng nhau chia sẻ một thất bại. 
Tuy nhiên, họ cũng là những người có tính tình khác nhau. 
Người môn đệ được Ðức Giêsu thương mến 
thì nhạy cảm hơn, nhận ra Chúa Phục Sinh đứng trên bờ. 
Nhưng sau đó, ông cứ điềm nhiên ngồi lại trong thuyền. 
Còn Phêrô thì nồng nhiệt hơn, vội vã mặc áo, 
nhảy tùm xuống nước bơi vào, vì nóng lòng muốn gặp Chúa. 
Hai phản ứng khác nhau nhưng cùng diễn tả một tình yêu. 
Có thể coi nhóm môn đệ trên là hình ảnh của Hội Thánh. 
Hội Thánh hiệp nhất ngay giữa những khác biệt. 
Sự hiệp nhất lại làm nổi bật bản sắc mỗi người.
Ðây không phải là một nhóm bạn khép kín, 
nhưng là nhóm bạn được Chúa Phục Sinh sai ra khơi. 
Chính sự hiện diện và lệnh truyền của Ngài 
là bảo đảm cho thành công của những lần buông lưới. 
Hội Thánh là một nhóm nhỏ được sai vào thế giới. 
“Không có Thầy anh em chẳng làm gì được.” (Ga 15,5). 
Nhưng có Thầy, anh em sẽ được những mẻ cá lớn.
Nhóm bạn được sai đi cũng là nhóm bạn được quy tụ, 
được sai đi bởi Chúa và được quy tụ bên Chúa. 
Chúa Phục Sinh trở thành người dọn bữa ăn sáng. 
Ngài cầm lấy bánh trao cho các ông. 
Cử chỉ này gợi cho ta về những thánh lễ. 
Chúng ta thường quên thánh lễ là một bữa ăn. 
qua đó Chúa Phục Sinh nuôi ta bằng con người Ngài. 
Chúng ta được mời dùng bữa trong niềm hân hoan vui sướng. 
Hội Thánh truyền giáo phải được nuôi bằng Thánh Thể. 
Hội Thánh vừa lan rộng khắp nơi, vừa tập trung nơi thánh lễ. 
Ðó là nhịp thở đều đặn và cần thiết cho Hội Thánh.
Ngài cầm lấy bánh trao cho các ông và nói: “Anh em đến mà ăn” (c.12). 
Chúa phục sinh vẫn đến với chúng ta giữa đời  thường, 
giữa những vất vả lo âu, giữa những thất bại trống vắng. 
Chúa vẫn đứng trên bờ mà ta cứ tưởng người xa lạ. 
Ngài vẫn nhẹ nhàng chạm đến nỗi đau của ta: “Các con không có gì ăn ư?” 
Ngài vẫn mời ta bắt đầu lại dù mệt nhọc và thất vọng: 
“Hãy thả lưới bên phải mạn thuyền.” 
Chúa phục sinh quyền năng vẫn phục vụ như xưa. 
Bàn tay mang dấu đinh là bàn tay bây giờ nhen lửa và nướng cá. 
Bàn tay trao tấm bánh đời mình trong bữa Tiệc Ly 
bây giờ trao tấm bánh mình mới nướng cho môn đệ.
Hãy nếm bầu khí huynh đệ của buổi sáng hôm ấy bên bờ hồ. 
Các môn đệ ngồi vòng tròn quanh Thầy xưa. 
Họ hết mệt, hết đói vì có cá và bánh. 
Họ được hong ấm nhờ lửa than hồng, và nhất là nhờ được gần Thầy. 
Hôm nay tôi cũng được mời sống cho người khác như Đấng phục sinh.
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu phục sinh
lúc chúng con tìm kiếm Ngài trong nước mắt,
xin hãy gọi tên chúng con
như Chúa đã gọi tên chị Maria đứng khóc lóc bên mộ.
Lúc chúng con chản nản và bỏ cuộc,
xin hãy đi với chúng con trên dặm đường dài
như Chúa đã đi với hai môn đệ Emmau.
Lúc chúng con đóng cửa vì sợ hãi,
xin hãy đến và đứng giữa chúng con
như Chúa đã đến đem bình an cho các môn đệ.
Lúc chúng con cố chấp và xa cách anh em,
xin hãy kiên nhẫn và khoan dung với chúng con
như Chúa đã không bỏ rơi ông Tôma cứng cỏi.
Lúc chúng con vất vả suốt đêm mà không đươc gì,
xin hãy dọn bữa sáng cho chúng con ăn,
như Chúa đã nướng bánh và cá cho bảy môn đệ.
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh,
xin tỏ mình ra
cho chúng con thấy Ngài mỗi ngày,
để chúng con tin là Ngài đang sống, đang đến,
và đang ở thật gần bên chúng con. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

19 thg 4, 2017

Anh em là chứng nhân (20.4.2017 – Thứ Năm trong Tuần Bát nhật Phục sinh)


Lời Chúa: Lc 24, 35-48
Hai môn đệ từ Emmau trở về, thuật lại cho Nhóm Mười Một và các bạn hữu những việc đã xảy ra dọc đường và mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh. Các ông còn đang nói, thì chính Ðức Giêsu đứng giữa các ông và bảo: “Bình an cho anh em!” Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. Nhưng Người nói: “Sao anh em lại hoảng hốt? Sao còn ngờ vực trong lòng? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?” Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. Vì mừng quá, các ông vẫn chưa tin và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: “Ở đây anh em có gì ăn không?” Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông. Rồi Người bảo: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Môsê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm.”
Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh và bảo: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Ðấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại, và phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân của những điều này”.
Suy niệm:
Sợ ma không phải chỉ là chuyện của trẻ con.
Cả người lớn như các tông đồ cũng sợ ma.
Có lần Ðức Giêsu đi trên mặt nước mà đến với họ,
nhưng họ kinh hoàng tưởng Thầy là ma.
Khi Ðức Giêsu phục sinh hiện ra với các môn đệ,
họ cũng hoảng hốt tưởng là thấy ma.
Ðấng sống lại đã kiên nhẫn làm hết cách
để đưa các môn đệ ra khỏi nỗi ám ảnh kinh khủng.
Ngài mời họ xem và đụng đến tay chân Ngài
để thấy Ngài là người bằng xương bằng thịt.
Ngài còn ăn một miếng cá nướng
để cho họ thấy Ngài không phải là một bóng ma.

Khi các môn đệ yếu đức tin,
họ coi Ðức Giêsu phục sinh chỉ là bóng ma.
Nhưng khi đức tin của họ được củng cố,
họ mới thấy Ngài có thực.
Lắm khi chúng ta vẫn tưởng Chúa là bóng ma đe dọa,
vì Chúa đến gặp ta một cách quá bất ngờ,
giữa lúc con thuyền đời ta chòng chành vì gió ngược,
hay lúc căn nhà lòng ta khép kín vì nỗi buồn đau.
Chúa vẫn đến lúc ta tưởng Ngài không thể đến.
Ngài mời gọi ta làm chứng nhân cho Ngài.
Kitô hữu là chứng nhân của niềm hy vọng.
Ðức Giêsu bị đóng đinh đã sống lại ra khỏi mồ.
Bạo lực, bất công, dối trá, hận thù bị thảm bại.
Quyền lực của bóng tối chỉ là tạm thời.
Chiến thắng cuối cùng thuộc về Tình Yêu và Ánh Sáng.
Bởi thế người Kitô hữu vẫn hy vọng không ngơi
ngay giữa lúc sự dữ có vẻ thắng thế.
Kitô hữu là chứng nhân của sự sống.
Thế giới hôm nay bị mê hoặc bởi sự chết.
Những cuộc chiến tranh, xung đột, ám sát, bạo động.
Những loại ma tuý khiến người ta chết không ra người.
Những vụ phá thai quá dễ dàng nơi các cô gái trẻ.
Những vụ tự tử chỉ vì những lý do không đâu.
Kitô hữu phải làm cho sự sống có mặt,
và hấp dẫn gấp ngàn lần sự chết.
Họ phải là nguồn sống dồi dào,
sống đơn sơ, thanh bạch, nhưng hạnh phúc.
Kitô hữu là chứng nhân của niềm vui.
Bao trẻ thơ buồn vì thiếu thầy cô, thiếu trường học.
Bao bệnh nhân ở xa thành phố, cần đến thầy thuốc.
Bao người nghèo khổ sống trong nỗi muộn phiền.
Nếu chúng ta thực sự có niềm vui của Chúa,
nếu chúng ta đã ra khỏi nỗi âu lo về mình,
chắc chúng ta sẽ ra đi công bố Tin Mừng Phục Sinh,
bằng việc đem lại nụ cười cho những người bất hạnh.
Chuyện Ðức Giêsu phục sinh là chuyện khó tin.
Nhưng nếu chúng ta sống quên mình phục vụ
thì người ta có thể gặp đươc Ðấng đang sống.
Cầu nguyện:
Giữa một thế giới
chạy theo tiện nghi, hưởng thụ,
xin cho con biết bằng lòng với cuộc sống đơn sơ.
Giữa một thế giới còn nhiều người đói nghèo,
xin cho con đừng thu tích của cải.
Giữa một thế giới mà sự sống bị chà đạp,
xin cho con biết quý trọng phẩm giá từng người.
Giữa một thế giới không tìm thấy hướng sống,
xin cho con biết xây lại niềm tin.
Lạy Chúa Giêsu
xin cho con cảm được
cơn đói đang giày vò bao người,
xin cho con nghe được lời mời của Chúa:
“Các con hãy cho họ ăn đi.”
Ước gì chúng con dám trao
tất cả những gì chúng con có cho Chúa,
để Chúa trao tất cả những gì Chúa có
cho chúng con và cho cả nhân loại.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ