30 thg 4, 2018

Đức Giêsu về quê (01.5.2018 – Thứ Ba – Thánh Giuse Thợ)


Lời Chúa: Mt 13, 54-58
Khi ấy, Đức Giêsu về quê, giảng dạy dân chúng trong hội đường của họ, khiến họ sửng sốt và nói: “Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế? Ông không phải là con bác thợ mộc sao? Mẹ của ông không phải là bà Maria; anh em của ông không phải là các ông Giacôbê, Gioxép, Simon và Giuđa sao? và chị em của ông không phải đều là bà con lối xóm vói chúng ta sao? Vậy bởi đâu ông ta được như thế?” Và họ vấp ngã vì Người. Nhưng Ðức Giêsu bảo họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình và trong gia đình mình mà thôi” .Người không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ không tin.
Suy nim:
Sau khi đã chịu phép Rửa, vào hoang địa để cầu nguyện, ăn chay, 
có một ngày nào đó, Đức Giêsu chia tay Đức Mẹ để lên đường. 
Lên đường là bỏ lại ngôi làng Nazareth dấu yêu với bao kỷ niệm. 
Chính tại đây Ngài đã sống hơn ba mươi năm trong bầu khí gia đình. 
Chính tại nơi này, Ngài đã lớn lên quân bình về thân xác, trí tuệ, tâm linh. 
Nazareth như một ngôi trường lớn, chuẩn bị cho Ngài chững chạc đi sứ vụ.
Tại đây, Đức Giêsu đã là con bác thợ Giuse (c. 55), 
và đã trở thành thợ theo truyền thống cha truyền con nối. 
Ngài đã được dạy nghề và hành nghề để kiếm sống cho bản thân và gia đình. 
Đức Giêsu là một người thợ tại Nazareth, phục vụ cho nhu cầu dân làng. 
Ngài biết đến cái vất vả của công việc chân tay nặng nhọc. 
Đức Giêsu không thuộc giới trí thức, thượng lưu, quyền quý. 
Lao động làm Ngài gần với người nghèo và thấy sự đơn sơ của tâm hồn họ. 
Cũng tại Nazareth, đời sống cầu nguyện của Đức Giêsu được nuôi dưỡng. 
Ngài học được lối cầu nguyện một mình ở nơi vắng vẻ. 
Đức Giêsu có khả năng thấy sự hiện diện yêu thương của Cha nơi mọi sự, 
nơi một bông hoa, nơi chim trời, nơi ánh nắng và cơn mưa. 
Tình thân của Con đối với Cha ngày càng trở nên sâu đậm. 
Ngài tìm ý Cha mỗi lúc và để Cha chi phối trọn vẹn đời mình.
Hôm nay Đức Giêsu trở về làng cũ sau một thời gian đi sứ vụ. 
Ngài vào lại hội đường quen thuộc, gặp lại những khuôn mặt đồng hương. 
Không rõ trước đây có lần nào bác thợ Giêsu được mời giảng ở đây chưa. 
Nhưng lần này, khi trở về với tiếng tăm từ những phép lạ làm ở nơi khác, 
Đức Giêsu đã khiến dân làng sửng sốt vì sự khôn ngoan trong lời giảng dạy. 
Hai lần họ đặt câu hỏi: Bởi đâu ông ta được như thế? (cc. 54. 56). 
Một câu hỏi rất hay, nếu được tìm hiểu một cách nghiêm túc. 
Câu hỏi này có thể đưa họ đi rất xa, để gặp được căn tính của Đức Giêsu.
Tiếc thay, dân làng Nazareth lại không quên được nghề nghiệp của cha Ngài. 
Họ nhớ rất rõ họ hàng gần xa của Ngài là mẹ và các anh chị. 
Họ có thể kể tên từng anh chị em của Ngài, vì đều là bà con lối xóm (c. 55). 
Đức Giêsu là người mà họ biết quá rõ từ thuở ấu thơ. 
Làm sao con người bình thường, ít học đó lại có thể là một vị ngôn sứ? 
Làm sao từ ngôi làng Nazareth vô danh này lại xuất hiện ngôn sứ được? 
Và họ vấp ngã vì Đức Giêsu, nghĩa là họ đã không tin vào Ngài. 
Cái biết gần gũi của họ về Ngài lại trở nên thành kiến 
khiến họ không thể tiến sâu hơn vào mầu nhiệm con người Đức Giêsu. 
Người đồng hương của Ngài đã không trả lời được câu hỏi: Bởi đâu…?
Mỗi con người là một mầu nhiệm mà ta phải khám phá mãi. 
Có những mầu nhiệm lớn ẩn trong lớp áo tầm thường. 
Dân làng Nazareth đã không nhận ra hồng phúc mà họ đang hưởng. 
Chúng ta cũng cần được giải thoát khỏi những cái biết hẹp hòi, 
để thấy mình hạnh phúc khi sống với người khác gần bên.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
dân làng Nazareth đã không tin Chúa
vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công.
Các môn đệ đã không tin Chúa
khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự.
Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa
chỉ vì Chúa sống như một con người,
Cũng có lúc chúng con không tin Chúa
hiện diện dưới hình bánh mong manh,
nơi một linh mục yếu đuối,
trong một Hội thánh còn nhiều bất toàn.
Dường như Chúa thích ẩn mình
nơi những gì thế gian chê bỏ,
để chúng con tập nhận ra Ngài
bằng con mắt đức tin.
Xin thêm đức tin cho chúng con
để khiêm tốn thấy Ngài
tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

28 thg 4, 2018

Ở lại trong Thầy (29.4.2018 – Chúa nhật 5 Phục sinh, năm B)


Lời Chúa: (Ga 15, 1-8)
Khi ấy, Ðức Giêsu nói với các môn đệ rằng: 1 “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn. 3 Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em. 4 Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy. 5 Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. 6 Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi. 7 Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin. anh em sẽ được như ý. 8 Ðiều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.”
Suy Niệm
Thế giới hôm nay tiến bộ nhanh chóng về nhiều mặt:
nghiên cứu sự sống trên sao Hỏa, nối mạng Internet,
thành công trong phương pháp sinh sản vô tính…
Tưởng như chẳng có gì con người không làm được.
Nhưng thế giới vẫn lo âu vì chất thải ở khắp nơi,
môi trường sống bị hư hoại, chênh lệch giữa giàu nghèo,
nạn tham nhũng ở châu Á, sự hư hỏng của các bạn trẻ.
Cái vòng luẩn quẩn: ma túy, tình dục, AIDS, tội phạm
dẫn đến các chết bi đát cho nhiều thanh thiếu niên.
Con người đủ thông minh để tạo ra sản phẩm
nhưng lại không đủ bản lãnh để làm chủ chúng,
nên chúng quay trở lại làm chủ con người.
Khoa học vừa giải quyết, vừa gây thêm rắc rối.
Con người hôm nay bơ vơ, loay hoay, không cứu nổi mình.
Thế giới bế tắc, cần đến ơn cứu độ.
Ðoạn Tin Mừng mời ta nhìn lại sự cằn cỗi
của mình, của Hội Thánh, của cả thế giới.
Ðức Giêsu phục sinh như cây nho, các Kitô hữu là cành.
Cây và cành có cùng một sự sống, cùng một dòng nhựa.
Sự sống từ cây, làm cho cành sinh trái.
Cụm từ sinh hoa trái được nhắc đến 6 lần.
Cụm từ ở lại trong Thầy được nhắc đến 5 lần.
Không ở lại trong Thầy thì không thể sinh hoa trái.
Cứ nhìn hoa trái thì biết mức độ gắn bó của cành.
Có cành chỉ vờ gắn liền với cây nên không có trái.
Có cành đã sinh trái, nhưng cần sinh hoa trái hơn (c.2),
sinh hoa trái nhiều (c.8), sinh hoa trái bền vững (c.16).
Chúng ta vẫn chưa sinh trái như lòng Chúa mong
vì chúng ta không chịu để Ngài cắt tỉa.
Vinh quang của Thiên Chúa là chúng ta sinh nhiều hoa trái.
Thất bại của Thiên Chúa là sự cằn cỗi của con người.
Hoa trái là ước mơ của người trồng nho,
và cũng là sự triển nở của cây và cành nho.
Chẳng hề có sự xung đột giữa vinh quang Thiên Chúa
và vinh quang đúng nghĩa của con người.
Chỉ trong Chúa, con người mới thực sự triển nở, hạnh phúc.
Một sự độc lập khờ khạo sẽ dẫn đến héo khô.
Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em.
Một lời mời gọi gần như là một lời nài van.
Sự ở lại chỉ hoàn hảo khi có đủ hai chiều.
Con người mãi mãi có tự do khước từ nguồn sống.
Ở lại trong Chúa không phải là lối nói văn chương.
Ðể ở lại cần phải trả giá.
Muốn được hưởng nguồn sống của Ðấng Phục Sinh,
ta cũng phải chia sẻ thập giá của Ngài.
Chính Ðức Giêsu cũng được cắt tỉa qua khổ đau và cái chết.
Hãy đón lấy sự sống của Chúa Phục Sinh,
như dòng nhựa nguyên tươi mới.
Hãy đóng góp những hoa trái tốt lành cho nhân loại,
để nhân loại nhận ra Cây Nho thật là Ðức Kitô,
và Người Trồng Nho là chính Thiên Chúa.
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
sống cho Chúa thật là điều khó.
Thuộc về Chúa thật là một thách đố cho con.
Chúa đòi con cho Chúa tất cả
để chẳng có gì trong con lại không là của Chúa.
Chúa thích lấy đi những gì con cậy dựa
để con thực sự tựa nương vào một mình Chúa.
Chúa thích cắt tỉa con khỏi những cái rườm rà
để cây đời con sinh thêm hoa trái.
Chúa cương quyết chinh phục con
cho đến khi con thuộc trọn về Chúa.
Xin cho con dám ra khỏi mình,
ra khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan
để sống theo những đòi hỏi bất ngờ của Chúa,
dù phải chịu mất mát và thua thiệt.
Ước gì con cảm nghiệm được rằng
trước khi con tập sống cho Chúa
và thuộc về Chúa
thì Chúa đã sống cho con
và thuộc về con từ lâu. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J

27 thg 4, 2018

Làm những việc lớn hơn nữa (28.4.2018 – Thứ bảy Tuần 4 Phục sinh)


LỜI CHÚA: Ga 14, 7-14
7 Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người.” 8 Ông Phi-líp-phê nói: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện.”9 Đức Giê-su trả lời: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Phi-líp-phê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: “Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha”?10 Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình.11 Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm.12 Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha.13 Và bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm, để Chúa Cha được tôn vinh nơi người Con.14 Nếu anh em nhân danh Thầy mà xin Thầy điều gì, thì chính Thầy sẽ làm điều đó.
SUY NIỆM
Sau khi ông Tôma hỏi Thầy Giêsu về đường (Ga 14, 5),
thì ông Philípphê lại xin Thầy cho các môn đệ thấy Chúa Cha (c. 8).
Không rõ Philípphê muốn thấy Thiên Chúa theo kiểu nào,
bởi lẽ theo niềm tin chung của người Do-thái
không ai thấy Thiên Chúa chí thánh mà sau đó còn sống được (x. Xh 33, 20).
Dù sao khát vọng được thấy Thiên Chúa là ước mơ chính đáng.
Thiên Chúa đã thỏa mãn ước mơ mà Ngài đã đặt vào lòng con người.
Nơi Đức Giêsu, là Ngôi Lời nhập thể và là Con Thiên Chúa,
chúng ta có thể thấy được Thiên Chúa bằng mắt phàm.
“Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (c. 9).
Nhìn ngắm khuôn mặt Thiên Chúa nơi Đức Giêsu
chúng ta chẳng những không phải chết, nhưng được sống.
Theo quan niệm của người Do-thái, 
sứ giả là đại diện trọn vẹn cho người sai mình.
Đức Giêsu đã là sứ giả cho Cha một cách tuyệt vời.
Ngài là một với Thiên Chúa, Đấng sai Ngài :
“Thầy ở trong Chúa Cha, và Chúa Cha ở trong Thầy” (c. 11).
Các lời Ngài nói, Ngài không tự mình nói.
Các việc Ngài làm, Ngài không tự mình làm.
“Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy,
chính Người làm những việc của mình” (c. 10).
Nhìn những việc Đức Giêsu làm, chúng ta nhận ra đó là việc của Cha.
Cha làm việc của Cha qua Con của mình là Đức Giêsu.
“Ai tin vào Thầy, người đó sẽ làm được những việc Thầy làm.
Người đó còn làm được những việc lớn lao hơn nữa, 
bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha” (c. 12).
Chúng ta vẫn ở trong mùa Phục sinh, mùa của sự sống chiến thắng.
Đức Giêsu đã về với Chúa Cha và được vào trong vinh quang.
Khi tin vào Ngài, khi gắn bó với một Đấng phục sinh quyền năng như thế,
chúng ta có thể làm được những điều như Ngài đã làm :
trừ quỷ, chữa bệnh, hoàn sinh kẻ chết (Mc, 16, 17-18; Cv 9, 34.40).
Và như Đức Giêsu, điều vĩ đại mà chúng ta có thể làm cho thế giới hôm nay 
là yêu thương, yêu như Thầy đã yêu, yêu đến hiến mạng.
Hãy mạnh dạn nhân danh Đức Giêsu mà xin,
vì biết thế nào Ngài cũng làm cho người gắn bó với Ngài.
Tất cả để Cha được tôn vinh nơi Con (c. 14).
LỜI NGUYỆN 
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con biết con,
xin cho con biết Chúa.
Xin cho con chỉ khao khát một mình Chúa,
quên đi chính bản thân,
yêu mến Chúa và làm mọi sự vì Chúa.
Xin cho con biết tự hạ,
biết tán dương Chúa và chỉ nghĩ đến Chúa.
Ước gì con biết hãm mình và sống trong Chúa.
Ước gì con biết nhận từ Chúa
tất cả những gì xảy đến cho con
và biết chọn theo chân Chúa luôn.
Xin đừng để điều gì quyến rũ con, ngoài Chúa.
Xin Chúa hãy nhìn con, để con yêu mến Chúa.
Xin Chúa hãy gọi con, để con được thấy Chúa.
Và để con hưởng nhan Chúa đời đời. Amen.
Thánh Âu Tinh
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

26 thg 4, 2018

Thầy là đường (27.4.2018 – Thứ Sáu Tuần 4 Phục sinh)


LỜI CHÚA: Ga 14, 1-6
1 Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy.2 Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em.3 Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó.4 Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi.” 5 Ông Tô-ma nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường? “6 Đức Giê-su đáp: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.
SUY NIỆM
Sách Công vụ Tông đồ có một lối nói đặc biệt để chỉ kitô giáo.
Tôn giáo mới này được gọi Đường của Chúa (Cv 18, 25-26),
hay thường xuyên hơn, được gọi là Đường (Cv 19, 9. 23; 22, 4; 24, 14. 22).
Sách Công vụ cũng có lối nói đặc biệt để chỉ các kitô hữu.
Họ được gọi là những người thuộc về Đường (Cv 9, 2),
và họ đã chịu bách hại vì theo con đường này, theo Đạo này.
Trong bài Tin Mừng hôm nay,
chúng ta nghe Đức Giêsu nói : “Chính Tôi là Đường” (c. 6).
Phải chăng vì thế kitô giáo được sách Công vụ gọi là Đường của Chúa,
và các kitô hữu đầu tiên được gọi là những người thuộc về Đường ?
Đối với kitô hữu, theo đạo chính là theo một Con Đường.
Con Đường ấy không phải chỉ là một số lễ nghi hay giáo lý phải giữ,
cũng không phải là những minh triết khôn ngoan phải theo.
Con Đường ấy hiện thân nơi một con người.
Theo đạo chính là theo Con Đường mang tên Giêsu,
là gắn bó sống chết với Giêsu, chia sẻ sứ mạng của Giêsu,
Con Thiên Chúa làm người bằng xương bằng thịt.
Đức Giêsu không chỉ là người dẫn đường.
Chính Ngài là Đường, là Đạo.
Hơn thế nữa, Ngài là Con Đường duy nhất dẫn ta đến với Chúa Cha.
“Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (c. 6).
Phải qua Con Đường Giêsu chúng ta mới vào được thế giới của Thiên Chúa,
bởi lẽ chỉ Đấng từ trời xuống mới có thể đưa chúng ta lên trời.
Ngày nay người ta nói đến nhiều con đường khác để được cứu độ.
Nhưng con đường nào cũng phải đi qua Con Đường Giêsu.
Nơi Con Đường này chúng ta gặp được Sự Thật trọn vẹn về Thiên Chúa. 
Nơi đây chúng ta gặp được Sự Sống viên mãn của chính Thiên Chúa.
Khi các môn đệ xao xuyến vì đến giờ chia tay,
Thầy Giêsu cho biết Ngài đi về với Cha để dọn chỗ cho họ (c. 2).
Chỗ ở vĩnh viễn của họ là nơi Thầy trò được ở với nhau mãi mãi.
“Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy,
để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14, 3; x. 12, 26; 17, 24).
Thiên đàng là nơi Thầy trò được ở bên nhau, không gì ngăn cách nổi.
Tình Thầy trò đã bắt đầu ở đời này và sẽ kéo dài đến vĩnh cửu.
Là người theo Đạo Giêsu, chúng ta biết mình từ đâu đến và sẽ đi đâu.
Chúng ta không đi loanh quanh cho đời mỏi mệt.
Chúng ta biết hạnh phúc đang chờ mình ở cuối đường.
Nhưng nếu chúng ta không có tình bạn thiết thân với Giêsu ở đời này
thì vào thiên đàng để làm gì ?
LỜI NGUYỆN 
Con đã yêu Chúa quá muộn màng!
Ôi lạy Chúa là vẻ đẹp vừa cổ kính,
vừa luôn mới mẻ,
con đã yêu Chúa quá muộn màng!
Bấy giờ Chúa ở trong con
     mà con thì ở ngoài,
con cứ chạy đi tìm Chúa ở ngoài.
 Con thật hư hỏng,
khi chạy theo các thụ tạo xinh đẹp.
Bởi thế, bấy giờ Chúa ở với con
mà con lại không ở với Chúa.
Các thụ tạo xinh đẹp kia cứ giữ con ở xa Chúa,
trong khi chúng hiện hữu được là nhờ Chúa.
 Chúa đã gọi con, đã gọi to
và phá tan sự điếc lác của con.
Chúa đã soi sang
và xua đi sự mù lòa của con.
Chúa đã tỏa hương thơm ngát
để con được thưởng thức,
và giờ đây hối hả quay về với Chúa.
Con đã nếm thử Chúa
và giờ đây con đói khát Người.
Chúa đã chạm đến con,
nên giờ đây con nóng long
chạy đi tìm anh bình nơi Chúa.
                  Thánh Âu Tinh
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

25 thg 4, 2018

Thật phúc cho anh em (26.4.2018 – Thứ năm Tuần 4 Phục sinh)


LỜI CHÚA: Ga 13, 16-20  
16 Thật, Thầy bảo thật anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi.17 Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em!18 Thầy không nói về tất cả anh em đâu. Chính Thầy biết những người Thầy đã chọn, nhưng phải ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con.19 Thầy nói với anh em điều đó ngay từ lúc này, trước khi sự việc xảy ra, để khi sự việc xảy ra, anh em tin là Thầy Hằng Hữu.20 Thật, Thầy bảo thật anh em: ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.”      
SUY NIỆM
Khi giảng cho các Giám mục Anh Giáo, 
ông Jean Vanier có kể câu chuyện như sau xảy ra tại cộng đoàn của ông, 
một cộng đoàn được lập tại nước Pháp để giúp những người cơ nhỡ.
Nhà ông có nhận nuôi anh Eric, 16 tuổi, vừa mù lại vừa điếc.
Anh không đi được, không muốn ăn, chỉ quậy phá và muốn chết.
Anh thật là mối kinh hoàng cho những ai phải chăm lo cho anh.
Làm sao để anh yêu cuộc sống này ?
Làm sao để anh thấy mình được yêu và đáng quý,
bất chấp những khiếm khuyết của mình ?
Tìm đâu thứ ngôn ngữ để một người vừa mù vừa điếc hiểu được điều ấy ?
Ông Jean Vanier có nhiệm vụ tắm cho anh mỗi sáng.
Và ông đã tìm ra được thứ ngôn ngữ mà anh hiểu được, cảm được,
thứ ngôn ngữ của bàn tay, ngôn ngữ của thịt.
“Lời đã thành thịt, để thịt của chúng ta thành lời,” ông đã nói như thế.
Khi Thầy Giêsu chạm tay của mình vào chân các môn đệ để rửa
với sự trân trọng và yêu thương,
chắc họ đã cảm được thứ ngôn ngữ không lời đó.
Kinh nghiệm được Thầy rửa chân là kinh nghiệm chẳng thể nào quên.
Thầy muốn các môn đệ tiếp tục làm điều Thầy đã làm:
“Thầy đã nêu gương cho anh em,
để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13, 15).
Thầy Giêsu nhắc các môn đệ về vị thế của họ,
vị thế của người tôi tớ, người được sai.
Vị thế này hẳn thấp hơn vị thế của Thầy là chủ, là người sai họ đi (c. 16).
Bởi đó việc rửa chân cho nhau giữa các tôi tớ là một đòi buộc (c. 14).
“Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành,
thì thật phúc cho anh em !” (c. 17).
Đức Giêsu đã biến hành vi rửa chân thành mối phúc.
Con người thường tìm hạnh phúc nơi việc được phục vụ, được tôn vinh.
Thầy Giêsu dạy ta tìm hạnh phúc nơi việc cúi xuống khiêm hạ.
Nhiều kitô hữu đã nếm được thứ hạnh phúc này, 
trong đó có ông Jean Vanier, Mẹ Têrêsa, cha Đamiêng, Đức Cha Cassaigne…
Họ đã tình nguyện dâng đời mình cho những người cùng khổ.
Hôm nay, Đức Giêsu vẫn ở nơi những người cần được rửa vết thương,
vết thương thể chất và tinh thần.
Hôm nay, Ngài vẫn ở nơi những người đang cúi xuống,
âm thầm, nhẹ nhàng băng bó các vết thương của thế giới.
LỜI NGUYỆN
Lạy Thầy Giêsu,
khi Thầy rửa chân cho các môn đệ
chúng con hiểu rằng Thầy đã làm một cuộc cách mạng lớn.
Thày dạy chúng con một bài học rất ấn tượng
khi Thầy bưng chậu nước, bất ngờ đến với các môn đệ trong bữa ăn,
khi Thầy cúi xuống, dùng bàn tay của mình để rửa chân rồi lau chân cho họ.
Chắc Thầy đã nhìn thật sâu vào mắt của từng môn đệ và gọi tên từng người.
Giây phút được rửa chân là giây phút ngỡ ngàng và linh thánh.
Lạy Thầy Giêsu,
thế giới chúng con đang sống rất thấm bài học của Thầy.
Chúng con vẫn xâu xé nhau chỉ vì chức tước và những đặc quyền, đặc lợi.
Ai cũng sợ phải xóa mình, quên mình.
Ai cũng muốn vun vén cho cái tôi bất chấp lương tri và lẽ phải.
Khi nhìn Thầy rửa chân, chúng con hiểu mình phải thay đổi cách cư xử.
Không phải là ban bố như một ân nhân, nhưng khiêm hạ như một tôi tớ.
Từ khi Thầy cúi xuống rửa chân cho anh Giuđa, kẻ sắp nộp Thầy,
chúng con thấy chẳng ai là không xứng đáng cho chúng con phục vụ.
Lạy Thầy Giêsu,
Thầy để lại cho chúng con một di chúc bằng hành động.
Thầy đã nêu gương cho chúng con noi theo,
để rửa chân chẳng còn là chuyện nhục nhã, nhưng là mối phúc.
Xin cho chúng con thấy Thầy vẫn cúi xuống trên đời từng người chúng con,
để nhờ đó chúng con có thể cúi xuống trên đời những ai khổ đau bất hạnh.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.