29 thg 11, 2019

Hãy đi theo tôi (30.11.2019 – Lễ thánh Anrê)


Lời Chúa: Mt 4, 18-22

18 Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy hai anh em kia, là ông Si-môn, cũng gọi là Phê-rô, và người anh là ông An-rê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá.19 Người bảo các ông: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.”20 Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người. 21 Đi một quãng nữa, Người thấy hai anh em khác con ông Dê-bê-đê, là ông Gia-cô-bê và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang cùng với cha là ông Dê-bê-đê vá lưới ở trong thuyền. Người gọi các ông.22 Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người.

Suy nim:

Như một sự tình cờ, lúc đang đi dọc theo bờ hồ Galilê,
Đức Giêsu thấy bóng dáng các anh đánh cá quen thuộc.
Hẳn họ đã có lần nghe Ngài giảng và thấy Ngài chữa lành bệnh nhân.
Đức Giêsu yên lặng nhìn các anh làm việc.
Họ đang quăng lưới bắt cá hay ngồi trong khoang vá lưới với cha.
Cảnh tượng rất đời thường và ấm áp.
Đẹp biết mấy chuyện con người làm việc chung với nhau.
Sau này họ sẽ biết cách làm việc với nhau trên con thuyền Giáo Hội.

Chúa Giêsu hôm nay cũng thấy tôi.
Tôi thế nào, Ngài thấy tôi thế ấy.
Cái nhìn của Ngài không làm tôi bị tê liệt, nhưng cho tôi tự do.
Ngài chấp nhận trọn vẹn con người tôi, cả tội lỗi và yếu đuối.
Chẳng cần son phấn, tôi thu hút Ngài bằng cái mộc mạc của tôi.
Ngài gặp tôi hôm nay lúc tôi đang mải mê làm một việc gì đó.
Ngài gặp tôi giữa cái vất vả kiếm sống của đời thường.
Hạnh phúc cho người nào được thấy Thiên Chúa (Mt 5, 8),
và cũng thật hạnh phúc cho người nào được Thiên Chúa thấy.

Các anh hãy theo tôi”: đây là một lời mời dành cho mọi Kitô hữu.
Ơn gọi Kitô hữu khởi đi từ tiếng gọi của Thầy Giêsu.
Người Do Thái thường tầm sư học đạo,
còn ở đây, chính Thầy Giêsu đi chọn môn đệ cho mình (Ga 15, 16).
Ngài mời ta đi theo chính con người của Ngài,
chứ không phải theo một lý tưởng cao đẹp hay một dự án hấp dẫn.
Tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ lưới con người.
Một cuộc đổi đời thực sự, từ lưới cá đến lưới con người.
Con người của mọi dân tộc là mối bận tâm của Thiên Chúa.
Theo Chúa Giêsu là chia sẻ nỗi thao thức của Ngài về nhân loại,
và đồng lao cộng khổ với Ngài trong sứ mạng cứu độ thế giới.

Simon và Anrê đã bỏ chài lưới, Giacôbê và Gioan bỏ thuyền và cha.
Sự từ bỏ nào cũng gây ít nhiều xót xa đau đớn.
Biển cả, sóng nước, thuyền bè, lưới cá, người cha, người vợ:
biết bao giá trị phải bỏ lại, những người tôi đã và vẫn còn yêu mến.
Từ bỏ chỉ khả thi nếu tôi gặp một giá trị cao hơn, một tình yêu lớn hơn.
Chúa không đòi mọi người phải sống đời tu, nhưng đòi phải từ bỏ mình.
Từ bỏ đơn giản là đặt Thiên Chúa lên trên mọi thụ tạo khác,
là chọn Giêsu trong giây phút hiện tại, là đón lấy cái bấp bênh.
Bốn anh ngư phủ đã lên bờ để đi theo một ông thợ mộc bỏ nghề.
Đời họ đã sang một trang mới.

Hôm nay Chúa vẫn đi ngang qua đời tôi như một sự tình cờ.
Ngài vẫn thấy, vẫn gọi, để tôi bỏ và đi theo.
Không thấy và gọi, thì cũng chẳng ai từ bỏ và đi theo.
Tiến trình này được lặp lại nhiều lần, làm nên hành trình Kitô hữu.
Hôm nay tôi mong theo Chúa hơn hôm qua, và ngày mai hơn hôm nay.

Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu thương mến,
xin ban cho chúng con
tỏa lan hương thơm của Chúa
đến mọi nơi chúng con đi.

Xin Chúa hãy tràn ngập tâm hồn chúng con
bằng Thần Khí và sức sống của Chúa.
Xin Chúa hãy xâm chiếm toàn thân chúng con
để chúng con chiếu tỏa sức sống Chúa.
Xin Chúa hãy chiếu sáng qua chúng con,
để những người chúng con tiếp xúc
cảm nhận được Chúa đang hiện diện nơi chúng con.

Xin cho chúng con biết rao giảng về Chúa,
không phải bằng lời nói suông,
nhưng bằng cuộc sống chứng tá,
và bằng trái tim tràn đầy tình yêu của Chúa.
(Mẹ Têrêxa Calcutta)

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

28 thg 11, 2019

Sắp được cứu chuộc (28.11.2019 – Thứ năm Tuần 34 Thường niên)


Lời Chúa: Lc 21, 20-28

20 “Khi anh em thấy thành Giê-ru-sa-lem bị các đạo binh vây hãm, bấy giờ anh em hãy biết rằng đã gần đến ngày khốc hại của thành.21 Bấy giờ, ai ở miền Giu-đê, hãy trốn lên núi; ai ở trong thành, hãy bỏ đi nơi khác; ai ở vùng quê, thì chớ vào thành.22 Thật vậy, đó sẽ là những ngày báo oán, ngày mà tất cả những gì đã chép trong Kinh Thánh sẽ được ứng nghiệm. 23 Khốn thay những người mang thai và những người đang cho con bú trong những ngày đó! “Vì sẽ có cơn khốn khổ cùng cực trên đất này, và cơn thịnh nộ sẽ giáng xuống dân này. 24 Họ sẽ ngã gục dưới lưỡi gươm, sẽ bị đày đi khắp các dân các nước, và Giê-ru-sa-lem sẽ bị dân ngoại giày xéo, cho đến khi mãn thời của dân ngoại. 25 “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét.26 Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển.27 Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến.28 Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc.”

Suy nim:

Theo Josephus, một sử gia người Do Thái đáng tin cậy,
bốn quân đoàn của vị tướng Rôma là Titus
đã vây hãm thành phố Giêrusalem vào lễ Vượt Qua năm 70,
khiến người dân trong thành rơi vào cảnh đói khát cùng cực.
Ông kể chuyện một phụ nữ quê ở Pêrêa vì quá đói
đã túm lấy đứa con còn thơ dại, giết con và nướng để ăn.
Cũng theo sử gia này, quân Rôma đã dùng gươm
để giết hơn một triệu người ở Giêrusalem và Giuđê.
Những người Do Thái bị bắt làm tù binh là gần một trăm ngàn.

Ai có thể tưởng được điều khủng khiếp như vậy đã xảy ra
chỉ bốn mươi năm, sau khi Đức Giêsu nói những lời tiên báo.
Giêrusalem là thành trì vững chắc, nơi trú ẩn an toàn,
bây giờ lại là nơi nguy hiểm, cần phải tránh xa (c. 21).
Tai họa ập xuống trên phụ nữ mang thai và cho con bú (c. 23).
trên cả tội nhân lẫn trẻ thơ vô tội.
Thành đô đã bị bao vây, bị thiêu rụi, bị quân Rôma giày xéo.
Dân thành bị ngã gục, bị đi đày, phải tản mác khắp nơi.

Sự sụp đổ của thành đô đã là một biến cố trên đất Ítraen.
Nhưng trước khi Đức Giêsu ngự đến trên mây trời
như Con Người đầy quyền năng và vinh hiển (c. 27),
sẽ có những dấu lạ đáng sợ khác trên bầu trời và ngoài biển cả (c. 25).
Thánh Máccô nói đến hiện tượng mặt trời, mặt trăng mất sáng,
và các vì sao sa xuống từ trời (Mc 13, 24-25).
Thánh Luca nói đến cảnh biển gào, sóng thét.
Những điều đó làm muôn dân hoang mang, hồn xiêu phách lạc,
nhưng không làm các môn đệ hoảng hốt, âu lo.
Ngược lại họ mừng vui vì Đấng họ chờ đợi từ lâu nay đã đến.
“Anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên” (c. 28).
Đứng thẳng để đón Đấng mà họ đã suốt đời thắp đèn chờ đợi.
Ngẩng đầu để mừng giây phút ơn cứu chuộc đã đến gần.
Chỉ khi Đức Giêsu phục sinh trở lại như Đấng xét xử quyền năng,
Ngài mới trọn vẹn hoàn thành Nước Thiên Chúa trên mặt đất.

Vào cuối năm phụng vụ, Lời Chúa nói với chúng ta về ngày tận thế.
Đó là ngày vừa đáng sợ, vừa chan chứa niềm vui,
ngày được gặp mặt Đấng chúng ta đã tin tưởng, mến yêu và hy vọng.
Người ta vẫn hay đoán già đoán non về ngày tận thế.
Nhiều người tưởng là năm 2000, gần đây có người lại nói là 2012.
Điều quan trọng là làm sao tôi có thể đứng thẳng, ngẩng đầu khi Ngài đến,
làm sao nhân loại trên trái đất này sẵn sàng ra nghênh đón Ngài
như đón Đấng Cứu Tinh mà họ nóng lòng chờ đợi.

Nếu ngày mai Ngài đến với cả thế giới hay đến với riêng mình tôi,
tôi có sẵn sàng chưa hay còn bị còng lưng, cúi đầu vì bao gánh nặng?
Mỗi người đều có ngày tận thế của mình. |
Xin cho tôi được bình an khi ngày ấy đến mà không có điềm lạ nào báo trước.

Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu,
nếu ngày mai Chúa quang lâm,
chắc chúng con sẽ vô cùng lúng túng.
Thế giới này còn bao điều khiếm khuyết, dở dang,
còn bao điều nằm ngoài vòng tay của Chúa.
Chúa đâu muốn đến để hủy diệt,
Chúa đâu muốn mất một người nào…

Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa
xây dựng một thế giới yêu thương và công bằng,
vui tươi và hạnh phúc,
để ngày Chúa đến thực là một ngày vui trọn vẹn
cho mọi người và cho cả vũ trụ.

Xin nuôi dưỡng nơi chúng con
niềm tin vững vàng
và niềm hy vọng nồng cháy,
để tất cả những gì chúng con làm
đều nhằm chuẩn bị cho ngày Chúa trở lại.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

26 thg 11, 2019

Một sợi tóc (27.11.2019 – Thứ tư Tuần 34 Thường niên)


Lời Chúa: Lc 21, 12-19

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, vì sẽ có nhiều người mạo danh Thầy đến nói rằng: “Chính ta đây”, và: “Thời kỳ đã đến gần”; anh em chớ có theo họ. Khi anh em nghe có chiến tranh, loạn lạc, thì đừng sợ hãi. Vì những việc đó phải xảy ra trước, nhưng chưa phải là chung cục ngay đâu.” Rồi Người nói tiếp: “Dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ. Sẽ có những trận động đất lớn, và nhiều nơi sẽ có ôn dịch và đói kém; sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời xuất hiện. Nhưng trước khi tất cả các sự ấy xảy ra, thì người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp cho các hội đường và nhà tù, và điệu đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy. Ðó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy. Vậy anh em hãy ghi lòng tạc dạ điều này, là anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào. Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thủ của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được. Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ giết một số người trong anh em. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu. Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.”

Suy nim:

Lúc trời còn tối, ngày 16 tháng 11 năm 1989, tại nước El Salvador,
một nhóm người có vũ trang đã xâm nhập vào Đại Học Trung Mỹ.
Chúng đã giết sáu linh mục Dòng Tên và hai mẹ con người nấu ăn.
Giết xong chúng đã kéo xác ra ngoài vườn và làm những trò man rợ.
Các linh mục này đều là những nhà trí thức, có ảnh hưởng trong xã hội.
Họ muốn nói lên tiếng nói của người nghèo, chịu cảnh bất công,
muốn chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài khiến hơn 70 ngàn người chết.
Họ đã phải trả giá bằng vụ thảm sát bất ngờ,
đã chết như những chứng nhân, những vị tử đạo thời mới.
Chuyện ấy đã xảy ra cách đây hai mươi năm rồi.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu nói về những cuộc bách hại
xảy ra trước khi Ngài trở lại trong ngày tận thế.
Các môn đệ sẽ phải chịu những gì Thầy mình đã chịu.
Họ sẽ bị bắt, bị ngược đãi, bị tù đày, bị đem ra tòa đạo, tòa đời (c. 12).
Họ sẽ bị nộp bởi chính người thân, bị mọi người thù ghét,
và thậm chí bị giết hại (cc. 16.17).
Tất cả những gì các môn đệ phải chịu đều là vì danh Thầy (cc. 12. 17).

Chính tình yêu trung tín đối với Thầy và giáo huấn của Thầy
đã khiến bao Kitô hữu tự nguyện đón nhận khổ đau và cái chết.
Không phải chỉ chối Thầy cách công khai mới mang tội bất trung.
Không phải chỉ bước qua thập giá mới là phản bội.
Bất cứ khi nào chúng ta bước qua những giá trị ngàn đời của Kitô giáo,
như sự thật, sự sống, công bằng, bác ái, nhân phẩm, tự do, lương tâm,
khi ấy chúng ta chối bỏ Đức Kitô Giêsu.
Bất cứ khi nào chúng ta dám xả thân để sống cho những giá trị đó,
chúng ta đã làm chứng cho Ngài rồi.
Gioan Tẩy Giả đã chết vì nói sự thật mất lòng với Hêrôđê.
Maria Goretti đã chết vì muốn sống trong sạch.
Maximilien Kônbê đã xin chết thay cho người khác vì lòng bác ái.
Tất cả đều được Giáo Hội tôn kính như những vị tử đạo,
dù họ không chết vì tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu.

Đối với Đức Giêsu, giây phút đứng trước tòa là giây phút quan trọng.
Người môn đệ có cơ hội công khai làm chứng cho Thầy (c. 13).
Đức Giêsu không để họ một mình đối diện với sức mạnh của quyền uy.
Ngài hứa sẽ giúp họ trả lời những cáo buộc của tòa án (c. 15; Cv 6, 10).
Thế nên họ chẳng có gì phải xao xuyến, lo âu (c. 14).
Tòa án trở thành nơi làm chứng tuyệt vời của người môn đệ.
Điều quan trọng khi bị bách hại là phải kiên trì (c. 19).
Có nhiều kiểu hành hạ nhằm làm cho người môn đệ bỏ cuộc.
Nhưng một sợi tóc anh em cũng không bị mất (c. 18)
nghĩa là Chúa sẽ lo từng li từng tí cho môn đệ của mình.
Mạng sống của các môn đệ ở đời này có thể bị mất (c. 16),
nhưng nếu họ kiên trì và trung tín, họ sẽ giữ được nó ở đời sau.
Chúng ta cầu cho nhau được ơn kiên trì giữa thử thách của thời đại mới.

Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu, vị tử đạo tuyệt vời,
Chúa đưa chúng con vào thế giằng co liên tục.
Chúa vừa chọn chúng con ra khỏi thế gian,
lại vừa sai chúng con vào trong thế gian đó.
Thế gian này vàng thau lẫn lộn.
Có khi vàng chỉ là lớp mạ bên ngoài.

Xin cho chúng con giữ được bản lãnh của mình,
giữ được vị mặn của muối,
và sức tác động của men,
để đem đến cho thế gian
một linh hồn, một sức sống.
Chúng con chẳng sợ mình bỏ đạo,
chỉ sợ mình bỏ sống đạo
vì bị quyến rũ bởi bao thú vui trần thế.

Xin cho chúng con đừng bao giờ quên rằng
chúng con mang dòng máu của các vị tử đạo,
những người đã đặt Chúa lên trên mạng sống.
Lạy Chúa Giêsu, nếu thế gian ghét chúng con,
thì xin cho chúng con cảm thấy niềm vui
của người được diễm phúc nên giống Chúa. Amen.

 Lm.  Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

25 thg 11, 2019

Sống Đạo 97 đặc biệt: KINH MƯỜI ĐIỀU RĂN: Điều răn thứ 7 - Chớ lấy của n...

Nhắc nhau bảo vệ môi trường


Từ khi sống ở trời Âu, tôi mới nhận thức rõ hơn: Tại sao Châu Âu và người dân ở đây luôn ý thức bảo vệ môi trường? Họ được học, được tập và được nhắc nhở từ thuở đến trường. Lớn lên một chút, lời căn dặn ấy trở thành thói quen. Đó còn là cách hành xử của người lịch sự. Điều này quan trọng, vì khi bước vào xã hội, môi trường kinh tế, kinh doanh sản xuất và trong mọi lãnh vực, họ thường ý thức môi trường xanh sạch là xu thế toàn cầu. Bởi đó, những sản phẩm thân thiện với thiên nhiên, những công ty ít tác động đến môi trường thường được nhà nước và người dân ủng hộ. Hơn nữa, từ khi Giáo Hội Công Giáo ban hành Tông Huấn Laudato si’”, người ta lại càng nhắc nhau bảo vệ môi trường hơn.

Đối với người Việt, có lẽ từ Latinh trên đây khá lạ lẫm. Nếu hiểu nghĩa nó, thì thử hỏi mấy ai nhắc nhau bảo vệ môi trường bằng cụm từ này? Dẫu sao, Laudato si’ có nghĩa là: Chúc tụng Thiên Chúa. Đó là tên chính của Tông Huấn được Đức Giáo Hoàng Phanxicô công bố ngày 18 tháng 6 năm 2015. Bên dưới Tông Huấn có phụ tựa: Chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta. Ngoài ra, Laudato si’ cũng gợi cho người đọc nhớ đến một vị thánh nổi tiếng thân thiện và luôn chăm sóc thiên nhiên: Thánh Phanxicô Assisi. Chẳng hạn bài ca về Thiên Nhiên nổi tiếng của ngài âm vang: “Chúc tụng Chúa, lạy Thiên Chúa của con, ngang qua người Chị của chúng con, Mẹ Trái Đất, là người duôi dưỡng và điều hành chúng con, và là người sản sinh ra nhiều hoa trái khác nhau với nhiều loại hoa muôn sắc và cỏ cây.” (Laudato si’ số 1).

Tôi không muốn đi vào nội dung Tông Huấn, vì chúng ta có thể dễ dàng tìm đọc bản Tiếng Việt trên Internet hoặc trong sách. Ở đây, điều thú vị là nếu chúng ta nhắc nhở nhau bảo vệ môi trường, thì ngôi nhà chung Việt Nam của chúng ta sẽ tốt hơn nhiều. Sẽ là thoái lui nếu cứ mang thành kiến: nhắc nhau thì được gì, quan trọng là làm. Đúng vậy! Nhưng trước khi hành động, người ta cần ý thức và nhắc nhau về một vấn nạn khủng hoảng môi trường đang xảy ra. Từ đó chính người nhắc cũng có thêm động lực để bảo vệ môi trường nơi những điều cụ thể. Hãy tưởng tượng từ thuở học sinh, các em được thầy cô dạy bảo, nhắc nhở và tập cho những việc làm nho nhỏ bảo vệ thiên nhiên; từ từ các em sẽ có thói quen gìn giữ ngôi nhà chung của chúng ta. Đúng là thà thắp lên một ngọn nến còn hơn ngồi đó nguyền rủa bóng đêm. Bắt đầu từ suy nghĩ, từ bản thân và từ gia đình!

Chắc có người cho rằng nhắc nhau như thế cũng chẳng đi đến đâu, bởi môi trường thiên nhiên ở Việt Nam hiện quá ô nhiễm. Các thông tin báo chí thường đưa tin đây đó ô nhiễm nguồn nước, không khí và thực phẩm. Vì các dự án, nhiều hàng cây xanh bị chặt hạ, nhiều cánh rừng biến mất. Vì nhiều tư lợi, các công ty ô nhiễm vẫn ngang nhiên hoạt động, xả thải. Hoặc chính mỗi người cũng cảm thấy môi trường bị ô nhiễm đang bào mòn sức sống người Việt. Nhiều người đùn đẩy trách nhiệm ấy cho nhà nước. Bởi, để giải quyết vấn đề này cần mang tầm mức quốc gia. Điều ấy đúng! Nhưng thực tế mỗi người, mỗi gia đình cũng có thể làm được chút nào đó góp phần bảo vệ môi trường. “Hãy cùng nhau Laudato si’!”

Tại nhiều nước tiên tiến, người ta đánh giá mức độ văn minh của một người khi nhìn vào cách người ấy đối xử với môi trường như thế nào. Xả rác bừa bãi dĩ nhiên là một người bất lịch sự. (Có khi trong lời nói cũng đầy rác thải). Gây tổn hại đến thiên nhiên, nơi công ích cũng là người thiếu văn minh. Lãng phí khi sử dụng đồ ăn, thức uống cũng là người chưa văn hóa. Vài ví dụ ấy cho thấy cung cách sống thân thiện với thiên nhiên là xu hướng đang được người ta để tâm tập tành. Có thể ý tưởng này chưa phổ biến ở Việt Nam, nhưng đã đến lúc trẻ em cần được dạy bảo, người lớn cần sửa đổi, nếu thấy mình đang “có lỗi” với thiên nhiên.
Khi nhắc nhau bảo vệ môi trường, chúng ta cũng tránh được thái độ thờ ơ với người khác và thiên nhiên. Tôi nhớ nhiều lần chúng bạn (có khi cả chính tôi) nói rằng: người ta có bảo vệ thiên nhiên đâu, nên tôi cũng chẳng cần làm. “Ai làm sao, tôi làm vậy” không còn hợp thời nữa! Nhất là trong khi chung sống với Mẹ Thiên Nhiên, nhiều người làm sai, nhưng tôi hẳn là không muốn đi vào lối mòn ấy. Nói thì dễ, nhưng để thay đổi không phải một sớm một chiều. Tuy vậy, cần nhắc nhau, cần nói trên phương tiện truyền thông, cần bàn trong những kế hoạch dự án, cần tạo nên làn sóng bảo vệ môi trường. Khi đó, nhân loại, cách riêng là người Việt, mới có hy vọng được hít thở bầu không khí trong lành, được sử dụng nguồn nước trong sạch và môi trường sống xanh tươi.

Nếu người Việt ngả mũ khen nước Nhật là văn minh, phát triển và xanh sạch, thì chúng ta nhớ họ đã từng nhắc nhở nhau bảo vệ môi trường. Họ đã từng là nước ô nhiễm trầm trọng, nhất là sau hai cuộc thế chiến. Tuy nhiên, ngoài chính sách vĩ mô, tại Nhật “có hàng nghìn tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực môi trường, hàng trăm tờ báo chuyên về môi trường, về xử lý chất thải và bảo tồn đa dạng sinh học. Khắp nơi đâu đâu cũng có các thông điệp về bảo vệ môi trường, tràn ngập trên các dãy phố, trên mọi phương tiện thông tin đại chúng, tác động vào nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân Nhật Bản về tình yêu đối với môi trường và cuộc sống, vì một màu xanh cho thế hệ mai sau.[1] Ngoài ra, giáo dục về vấn đề này ở trường lớp cũng nằm trong chính sách của cả nước Nhật. Nếu người Việt cũng muốn hưởng môi trường sống như thế, mỗi người cần bắt đầu với việc nhắc nhau và chung tay làm những điều có thể.

Đó là ước mơ của mỗi người. Trước khi nói đến phát triển, làm giàu và tương lai, phải chăng môi trường nhiên nhiên, ngôi nhà chung vốn tác động trực tiếp đến sức khỏe của con người, lại không quan trọng hơn sao. Ước gì mỗi người tập nhắc cho em nhỏ, nhắc chính mình và bạn bè hãy yêu quý thiên nhiên. Từ đó, chúng ta tin rằng có rất nhiều ý tưởng, sáng kiến trong việc làm mới lại môi trường đang ô nhiễm này.
Tôi muốn kết thúc chủ đề này với lời nguyện thật đẹp của Tông Huấn Laudato si’ – Một lời cầu nguyện cho trái đất của chúng ta:

Lạy Thiên Chúa toàn năng,
Cha đang hiện diện trong toàn thể vũ trụ
và trong các loài thọ tạo nhỏ bé nhất của Cha.
Cha ôm lấy tất cả mọi sự đang hiện hữu
bằng sự dịu dàng của Cha.

Xin đổ tràn trên chúng con sức mạnh của tình yêu Cha,
để chúng con có thể bảo vệ sự sống và vẻ đẹp.
Xin đổ tràn đầy sự bình an trên chúng con,
để chúng con có thể sống như những anh chị em,
mà không làm hại một ai.

Ôi lạy Thiên Chúa của người nghèo, xin giúp chúng con
biết cứu người bị bỏ rơi và bị lãng quên của trái đất này,
vốn quá quý giá trước nhan thánh Cha.

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ