30 thg 9, 2017

Đức Chúa ở cùng bà (1.10.2017 – Lễ Đức Mẹ Mân Côi)


Lời Chúa: (Lc 1,26-38)
26 Bà Elisabét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáprien đến một thành miền Galilê, gọi là Nadarét, 27 gặp một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc nhà Ðavít. Trinh nữ ấy tên là Maria. 28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Ðấng đầy ân sủng, Ðức Chúa ở cùng bà. 29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. 30 Sứ thần liền nói: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. 31 Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. 32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Ðức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Ðavít, tổ tiên Người. 33Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.” 34Ba Maria thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” 35 Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Ðấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, người con sinh ra sẽ là thánh, và được gọi là Con Thiên Chúa. 36 Kìa bà Êlisabét, người họ hàng với bà, tuy gìa rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. 37 Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.38 Bấy giờ bà Maria nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Rồi sứ thần từ biệt ra đi.
Suy Niệm
Con người hôm nay mệt mỏi, lo âu, căng thẳng, vội vã.
Chuỗi Mân Côi làm lòng ta lắng xuống, thanh thản bình an
để chiêm ngắm cuộc đời Chúa Giêsu và ca ngợi Mẹ.
Kính Mừng Maria đầy ơn phúc.
Ðây là lời sứ thần chào Mẹ lúc truyền tin,
lời mời Mẹ vui lên vì ơn cứu độ nay đã đến.
Mẹ đầy ơn phúc vì được Thiên Chúa đặc biệt yêu thương.
Tình thương Chúa chở che Mẹ ngay từ lúc chưa chào đời,
và tình thương ấy còn bao bọc Mẹ mãi mãi.
Mẹ được tuyển chọn làm Mẹ Ðấng Cứu Thế,
nên Mẹ được giữ gìn khỏi vết nhơ nguyên tội.
Chúng ta được dự phần vào niềm vui và ân phúc của Mẹ
vì chúng ta cũng được Thiên Chúa tuyển chọn, yêu thương
được tẩy xóa nguyên tội để trở nên thụ tạo mới.
Ðức Chúa Trời ở cùng Bà.
Trong Cựu Ước, có bao người được Thiên Chúa ở cùng,
để rồi được Ngài sai đi phục vụ Dân Chúa.
Nhưng Thiên Chúa ở cùng Mẹ một cách độc nhất vô nhị.
Khi được đầy tràn Thánh Thần và cưu mang Ngôi Lời,
Mẹ trở nên như Hòm Bia, như Ðền Thánh,
nơi vinh quang Thiên Chúa hiện diện giữa con người.
Nhiều lần trong mỗi Thánh Lễ,
vị linh mục chúc chúng ta: Chúa ở cùng anh chị em.
Kitô hữu là người có Ðức Kitô ở cùng
và được mời gọi đem Ngài đến cho thế giới.
Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ.
Ðó là lời bà Êlisabét ca ngợi Mẹ (Lc 1, 42)
vì chỉ mình Mẹ được diễm phúc sinh hạ Ðấng Mêsia.
Mẹ đã cưu mang Người và cho Người bú mớm (Lc 11, 27).
Nhưng sau đó bà Êlisabét còn ca ngợi Mẹ có phúc
vì đã tin Chúa sẽ thực hiện điều Ngài nói với Mẹ (Lc 1, 45).
Tin là dám buông đời mình trong tay Chúa
và để Ngài dẫn đi trong đêm tối của lòng tin.
Mọi tín hữu đều được mời sống hành trình đức tin như Mẹ,
để được cùng Mẹ chung hưởng hạnh phúc:
“Phúc cho ai không thấy mà tin” (Ga 20, 29)
Thánh Maria, Ðức Mẹ Chúa Trời.
Chỉ Thiên Chúa là Ðấng Thánh và là nguồn mọi sự thánh thiện.
Mẹ được chia sẻ sự thánh thiện ấy cách tuyệt vời,
vì Mẹ được chọn làm Mẹ Ðức Giêsu, Mẹ Thiên Chúa,
và vì chẳng ai thực thi ý Chúa trọn vẹn như Mẹ.
Chúng ta chẳng được diễm phúc sinh ra Ðức Giêsu,
nhưng chính Ngài lại mời gọi ta làm mẹ của Ngài:
“Mẹ tôi và anh em tôi là những ai
nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8,21).
Khi thực thi Lời Chúa trong cuộc sống,
chúng ta sinh Ðức Giêsu cho nhân loại hôm nay.
Ngài vẫn cần những người mẹ để có mặt đến tận thế.
Chẳng có gì Ðức Maria được hưởng cách viên mãn,
mà Hội Thánh và từng người lại không được dự phần.
Xin Mẹ cầu cho ta khi này và trong giờ lâm tử.
 Cầu Nguyện
Lạy Mẹ Maria,
khi đọc Phúc Âm,
lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường.
Mẹ đi giúp bà Isave, rồi đi Bêlem sinh Ðức Giêsu.
Mẹ đưa con đi trốn, rồi dâng Con trong đền thờ.
Mẹ tìm con bị lạc và đi dự tiệc cưới ở Cana.
Mẹ đi thăm Ðức Giêsu khi Ngài đang rao giảng.
Và cuối cùng Mẹ đã theo Ngài đến tận Núi Sọ.
Mẹ lên đường để đáp lại một tiếng gọi
âm thầm hay rõ ràng, từ ngoài hay từ trong,
từ con người hay từ Thiên Chúa.
Chúng con thấy Mẹ luôn đi với Ðức Giêsu
trong mọi bước đường của cuộc sống.
Chẳng phải con đường nào cũng là thảm hoa.
Có những con đường đầy máu và nước mắt.
Xin Mẹ dạy chúng con
đừng sợ lên đường mỗi ngày,
đừng sợ đáp lại những tiếng gọi mới của Chúa
dù phải chấp nhận đoạn tuyệt chia ly.
Xin giữ chúng con luôn đi trên Ðường-Giêsu
để chúng con trở thành nẻo đường khiêm hạ
đưa con người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

29 thg 9, 2017

Không hiểu lời đó (30.9.2017 – Thứ bảy Tuần 25 Thường niên)


Lời Chúa: Lc 9, 43b-45
 
Khi ấy, Ðức Giêsu nói với các môn đệ: “Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời.” Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì đối với các ông, lời đó còn bị che khuất, đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa. Nhưng các ông sợ không dám hỏi lại Người về lời ấy.
 
Suy niệm:
 
Bài Tin Mừng hôm nay là lời tiên báo cuộc Thương Khó lần thứ hai.
Bài này nằm ngay sau chuyện Đức Giêsu trừ quỷ cho một bé trai.
Quyền năng trừ quỷ của Ngài làm mọi người kinh ngạc, bỡ ngỡ (c. 43).
Chính vào giây phút thành công vẻ vang này,
Đức Giêsu lại bất ngờ tiên báo về cuộc Thương Khó sắp đến.
“Con Người sắp bị nộp vào tay người đời” (c. 44).
Một Giêsu đầy uy lực sẽ phải lùi bước trước một thế lực khác.
Một Giêsu có quyền năng cao cả của Thiên Chúa lại phải chịu thua.
Hẳn lời tiên báo này đã làm các môn đệ hết sức bối rối.
Thánh Luca nhấn mạnh đến chuyện họ không hiểu:
“Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì nó bị che khuất khỏi các ông,
đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa” (c. 45).
Điều gì đã che khuất ý nghĩa của lời Đức Giêsu tiên báo
về việc mình sắp bị nộp, phải chịu đau khổ và chịu chết?
 
Lý do đầu tiên có thể là lòng ham muốn quyền lực.
Ngay sau đoạn Tin Mừng này, các môn đệ vẫn loay hoay với vấn đề
ai là người lớn nhất trong nhóm (c. 46).
Sau bữa Tiệc ly, Đức Giêsu đã nhận mình là người phục vụ (Lc 22, 27).
Việc phục vụ suốt đời này lên đến cao điểm nơi cái chết hy sinh.
Các môn đệ thì chỉ thích làm lớn, làm đầu, hơn là phục vụ,
nên chẳng lạ gì nếu họ không hiểu được con đường Thầy sắp đi,
con đường hẹp, nơi cái tôi như bị xóa bỏ, để hiến dâng.
 
Có lý do khác khiến các môn đệ không hiểu được lời tiên báo của Thầy.
Đó là khi quá nôn nóng mong đợi ngày Thầy đến trong vinh quang,
họ đã quên việc Thầy phải trải qua khổ đau và cái chết trước đã.
Họ tưởng Nước Thiên Chúa sắp xuất hiện đến nơi rồi (Lc 19, 11),
và tưởng Thầy Giêsu sẽ cứu chuộc Ítraen ngay lập tức (Lc 24, 21).
Ngay sau khi Đức Giêsu phục sinh, họ đã hỏi Ngài (Cv 1, 6):
“Có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ítraen không?”
Các môn đệ nóng lòng mong đợi vinh quang cho Thầy,
thật ra là mong đợi vinh quang cho chính họ.
Họ bị ám ảnh về quyền lực, cũng là ám ảnh về vinh quang,
nên thất bại và cái chết nhục nhã là điều họ khó hiểu và khó chấp nhận.
 
Như các môn đệ, chúng ta cũng không hiểu được
làm sao một ngôn sứ như Đức Giêsu lại có thể bị loại trừ và thủ tiêu.
Chúng ta không chấp nhận vai trò của đau khổ, nhục nhã và cái chết,
trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa (Lc 24, 25-27).
Đức Giêsu đã phải soi sáng cho hai môn đệ Emmau về mầu nhiệm này.
Chúng ta cũng phải đối diện với mầu nhiệm đau khổ nơi chính mình.
Và chúng ta thường thấy nó vô nghĩa, vô lý, vô duyên.
Đau khổ mãi mãi là một mầu nhiệm mà chúng ta muốn chối bỏ vì sợ hãi.
Kitô giáo đã không dạy ta con đường tránh đau khổ bằng mọi giá.
Đức Giêsu đã giang tay đón lấy đau khổ với một tình yêu bao dung,
lập tức đau khổ ấy có ý nghĩa và nở hoa.
 
Nơi thập giá chúng ta thấy rõ nhất tình yêu vô lượng của Cha,
và tình yêu mênh mông của Đức Giêsu đối với nhân loại.
Nơi thập giá chúng ta thấy sự kinh khủng của tội ác con người,
và sự tha thứ vô bờ của Thiên Chúa.
Như thế là ta đã bắt đầu hiểu được ý nghĩa của thập giá và đau khổ.
Thật ra các môn đệ chỉ hiểu được cuộc Thương Khó nhờ Phục Sinh.
Khi sống lại, Chúa Giêsu cho tất cả những cái vô lý một ý nghĩa.
Khi được nếm trước mầu nhiệm phục sinh ngay từ đời này,
chúng ta thấy dễ đón nhận đau khổ hơn.
 
Hãy mạnh dạn hỏi Đức Giêsu về ý nghĩa cuộc Thương Khó của Ngài,
cuộc Thương Khó của cả nhân loại và của chính bản thân tôi.
Đừng sợ hỏi, nhưng “hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời Ngài nói” (c. 44).
 
Cầu nguyện:
 
Lạy Chúa Giêsu phục sinh
Chúa đã sống đến cùng cuộc Vượt qua của Chúa,
xin cho con biết sống
cuộc Vượt qua mỗi ngày của con,
 
Vượt qua sự nhỏ mọn và ích kỷ.
Vượt qua những đam mê đang kéo ghì con xuống.
Vượt qua nỗi sợ khổ đau và nhục nhã.
Vượt qua đêm tăm tối cô đơn của Vườn Dầu.
Vượt qua những khắc khoải của niềm tin.
Vượt qua những thành kiến con có về người khác...
 
Chính vì Chúa đã phục sinh
nên con vui sướng và can đảm vượt qua,
dù phải chịu mất mát và thua thiệt.
 
Ước gì con biết noi gương Chúa phục sinh
gieo rắc khắp nơi bình an và hy vọng,
tin tưởng và niềm vui.
 
Ước gì ai gặp con
cũng gặp thấy sự sống mãnh liệt của Chúa.
 
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

28 thg 9, 2017

CÁC TỔNG LÃNH THIÊN THẦN (29.09)


Các Thiên Thần của Thiên Chúa, nhất là Tổng lãnh Thiên Thần Michael, là Sứ giả của Thiên Chúa gửi sai đến cùng đồng hành trợ giúp con người trong mọi hoàn cảnh đời sống thể hiện tình bác ái vị tha.

Tổng lãnh Thiên Thần Michael còn có danh hiệu “Quis ut Deus – Ai bằng Thiên Chúa”. Tổng lãnh Thiên Thần Michael ngày xưa đứng ra chống lại qủi dữ Luxiphe, sự tội lỗi. Ngài đứng về phía Thiên Chúa phù hộ cho con người. Thiên Chúa, Đấng là nguồn sự sống, không gì có thể thay thế vào chỗ Ngài được.
  
Tổng lãnh thiên thần Micae
Micae, danh từ Hêbrô có nghĩa “Ai bằng Thiên Chúa” ám chỉ sự siêu việt của Thiên Chúa, được nói đến trong sách Đamien (10, 13-21) và trong sách Khải Huyền của Thánh Gioan (12,7) như vị chiến thắng ma quỷ.
Thánh Micae đã chống lại thần dữ để bênh vực quyền tối cao của Thiên Chúa. Giáo Hội nhận thánh Micae như Ðấng bảo trợ và tin rằng ngài vẫn dâng lời cầu nguyện của chúng ta lên ngai tòa Chúa. Ngài được tôn kính ngay từ những ngày xa xưa bên Đông phương. Tại Tây phương, nhiều cuộc hiển linh của thánh Micae càng làm cho việc sùng kính khởi sắc hơn, như tại núi Gargano miền nam nước Ý, dưới thời đức Gelase (192-196).
Tại Pháp, thánh Thiên Thần là một thánh quan thầy. Tổng Lãnh Thiên Thần Micae cũng đã hiện ra với nhiều người, đặc biệt năm 708, ngài hiện ra với Ðức Giám Mục thành Arranche và Ðức Giám Mục đã xây một thánh đường nguy nga để kính dâng Ðức Micae tại Mont Saint Michel. Từ đó, nơi đây đã trở nên một vị trí hành hương lớn.
Theo thánh nữ Jeanne d’Arc, Thánh Micae đã thúc dục bà đi gặp vua Charles VII để lên đường đi cứu nước
Thánh Micae là quan thầy những người làm nghề phải dùng đến lò nung như người làm bánh, người thợ rèn,… Thánh Thiên Thần cũng là quan thầy đoàn lính dù. Nhiều thành phố đã mang tên Người. Thánh Micae cũng được cầu khi giúp bệnh nhân sắp chết.
Tổng Lãnh Thiên Thần Raphael
Danh xưng Raphael tiếng Hêbrô có nghĩa là “Thiên Chúa chữa lành” hoặc “Thầy thuốc của Thiên Chúa”.
Sách Tobia cho biết, chính ngài đã được Thiên Chúa sai đến giúp đỡ gia đình ông Tobit trong cơn hoạn nạn. Trong câu chuyện này, ngài xuất hiện để dẫn dắt con ông Tobit là Tobia qua những cuộc mạo hiểm dị thường mà sau cùng dẫn đến một kết quả thật tốt đẹp: Tobia kết hôn với Sarah, ông Tobit được chữa khỏi mù mắt và tài sản của gia đình ông được hồi phục. Người đã cho hai cha con biết: “Ta là Raphael, một trong bảy khâm sai của Thiên Chúa hằng ở bên cạnh Ngài trong huy hoàng của Ngài hiện diện.”
Mục đích của câu chuyện là để minh chứng sự Thiên Chúa quan phòng hằng hoạt động trong đời con người và hằng nghe lời cầu xin. Raphael được cầu xin cho thể xác khang an, linh hồn khỏe mạnh và là quan thầy người đi đường.
Trước đây, Thánh Raphael được giáo hội kính nhớ vào ngày 24 tháng 10 hằng năm. Điều này đã được thêm vào niên lịch Giáo Hội La Mã trong những năm 1921. Vào năm 1970, khi duyệt lại niên lịch, Giáo Hội đã đưa ngày lễ kính thánh Raphael vào chung một ngày với thánh Micae và thánh Gabriel.
Tổng Lãnh Thiên Thần Gabiriel
Gabriel, danh xưng Hêbrô có nghĩa là “Thiên Chúa là sức mạnh”, cũng còn được gọi là “Sứ thần truyền tin”, được gửi đến để báo tin Thiên Chúa can thiệp vào việc cứu rỗi nhân loại và đấng Messia sẽ đến thực hiện. Gabriel được gửi đến với ngôn sứ Danien (Dn 8, 16;9,21-27), với ông Giacaria và Đức Mẹ (Lc 1,11-38;8,16-27;9,21-27). Đây cũng là sứ thần đã nhiều lần hiện ra báo mộng cho Thánh Giuse.
Việc tôn sùng thánh Gabriel nổi bật vào thế kỷ X. Năm 1951, đức Piô XII đặt làm quan thầy các chuyên viên truyền thông (truyền thanh, truyền hình, điện thoại).
Thánh Bernard nhận định: Trong tất cả các thiên thần, đức Gabriel đã được thấy là vị xứng đáng loan báo những chương trình của Thiên Chúa cho Đức Mẹ và đón nhận lời fiat (xin vâng) của Mẹ
Từ những thế kỷ đầu của kỷ nguyên Kitô Giáo, đức tổng thần Gabriel đã được phụng vụ tôn kính. Vào thế kỷ IX, tên ngài đã thấy xuất hiện trong danh bộ các thánh, được mừng vào ngày 24 tháng 3, gắn liền với lễ Truyền Tin. Vào năm 1921, Đức Biển Đức XV tuyên bố một ngày lễ kính tổng thần Gabriel trong toàn thể Giáo Hội. Hiện nay, ngài được mừng chung với tổng thần Micae và tổng thần Raphael vào ngày 29 tháng 9
Cả 3 vị tổng lãnh thiên thần: Micae, Raphael, Gabriel đều được Giáo Hội mừng kính vào ngày 29 tháng 9 hằng năm (lễ kính các tổng lãnh thiên thần)
Ngoài ra, theo một số tài liệu, có tất cả 7 thiên thần quyền quý thường hầu cận bên Thiên Chúa. Sau 3 tổng lãnh thiên thần nêu trên, các vị còn lại là Uriel, Selphiel, Jegudiel, và Barachiel

Trong bức tranh vẽ trên trần nhà, tường vách thánh đường kính các Thiên Thần ở Palermo có hình cùng tên và chức vị của bảy vị Tổng lãnh Thiên Thần:

1.Michael - Victoriosus - Người chiến thắng
2.Gabriel – Nuntius - Sứ giả
3.Raphael – Medicus - Thầy thuốc
4.Uriel – Fortis Socius – Người đồng hành mạnh mẽ
5.Jehudiel – Remunerator - Người làm ơn
6.Barachiel – Adjutor - Người trợ giúp
7. Selphiel – Oarator - Người bầu cử


Tên Tổng lãnh Thiên Thần Michael đứng đầu bảy vị Tổng lãnh Thiên Thần của Thiên Chúa. Tiên Tri Daniel đã diễn tả Tổng lãnh Thiên Thần Michael đứng về phía Thiên Chúa: “Thời đó, Michael là đấng vẫn thường che chở dân người.” ( Daniel 12,1).

Các thiên thần của Thiên Chúa (29.9.2017 – Thứ Sáu, Các Tổng lãnh thiên thần Micae, Gabrien, Raphaen)



Lời Chúa: Ga 1, 47-51
47 Đức Giê-su thấy ông Na-tha-na-en tiến về phía mình, liền nói về ông rằng: “Đây đích thật là một người Ít-ra-en, lòng dạ không có gì gian dối.”48 Ông Na-tha-na-en hỏi Người: “Làm sao Ngài lại biết tôi? ” Đức Giê-su trả lời: “Trước khi Phi-líp-phê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi.”49 Ông Na-tha-na-en nói: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ít-ra-en! “50 Đức Giê-su đáp: “Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa.”51Người lại nói: “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.”
Suy niệm:
Trong kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa, 
Đấng dựng nên muôn vật hữu hình cùng vô hình. 
Các thụ tạo vô hình ở đây chính là chư vị thiên thần. 
Chư vị này sống gần bên Thiên Chúa để phục vụ Ngài và nhân loại.
Hơn nữa, các thiên thần là những người đã phục vụ Đức Giêsu Kitô, 
từ khi Ngài chào đời đến khi Ngài quang lâm. 
Sứ thần Gabrien được Thiên Chúa sai đến với trinh nữ Maria 
để loan báo về sự hạ sinh của Đấng Cứu Độ (Lc 1, 26). 
Ta nghe tiếng ngợi khen của muôn vàn thiên binh cùng với sứ thần 
trong đêm Con Thiên Chúa giáng sinh trên trái đất (Lc 2, 13). 
Ta cũng thấy các thiên thần hiện ra để phục vụ Đức Giêsu (Mt 4, 11), 
sau khi Ngài chiến thắng những cám dỗ của quỷ dữ nơi hoang địa. 
Khi Đức Giêsu bị xao xuyến trước cái chết sắp đến, 
một thiên thần từ trời đã đến tăng sức cho Ngài (Lc 22, 43). 
Ngài đã không tránh né cái chết 
bằng cách xin Cha cấp cho mình mười hai đạo binh thiên thần (Mt 26, 53). 
Tin Vui Phục sinh được loan báo bởi các thiên thần từ mộ trống (Lc 24, 6). 
Vào ngày tận thế, các thiên thần của Đức Giêsu sẽ đi theo Ngài 
khi Ngài trở lại trong vinh quang để phán xét cả thế giới (Mt 16, 27). 
Đức Giêsu nay ngự bên hữu Thiên Chúa trên trời, 
trổi vượt trên các thiên thần và được các thiên thần thờ lạy (Dt 1, 4. 6).
Câu cuối của bài Tin Mừng hôm nay 
cũng nói đến tương quan giữa Đức Giêsu và các thiên thần. 
Trong lần gặp gỡ với Nathanaen và các bạn của ông 
Đức Giêsu đã long trọng hứa là họ sẽ thấy trời rộng mở, 
và “các thiên thần lên lên xuống xuống trên Con Người” (c. 51). 
Trong một giấc mộng, Giacóp đã chiêm bao thấy 
“một chiếc thang dựng dưới đất, đầu thang chạm tới trời, 
trên đó có các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống” (St 28, 12). 
Đức Giêsu nhận mình chính là chiếc thang đó, là Đấng Trung Gian 
nối đất với trời, nối Thiên Chúa với nhân loại. 
Các thiên thần cũng phải qua Ngài mà đến phục vụ con người. 
Các thiên thần cũng là những đấng trung gian được sai đi, 
nhưng họ phải qua Đấng Trung Gian duy nhất và đích thực, 
vì Đấng đó vừa trọn vẹn là người, vừa trọn vẹn là Thiên Chúa.
Lên lên xuống xuống trên thang Giêsu là việc của các thiên thần. 
Lên với Thiên Chúa để dâng cho Ngài nỗi thống khổ của nhân loại. 
Xuống với nhân loại để mang cho họ ân lộc và sứ điệp từ trời. 
Thiên thần vừa gần với con người, vừa gần với Thiên Chúa, 
vừa tựa trên đất, vừa đụng tới trời, nên kéo trời xuống đất và đưa đất lên trời. 
Xin được quyền năng của Sứ thần Micae: Ai bằng Thiên Chúa. 
Xin được sức mạnh của Sứ thần Gabrien: Thiên Chúa hùng dũng.
Xin được ơn lành mạnh của Sứ thần Raphaen: Thiên Chúa chữa lành. 
Kitô hữu là người hạnh phúc vì biết mình được nâng đỡ chở che.
Cầu nguyện:
Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi là Đấng con tôn thờ,
xin giúp con quên mình hoàn toàn
để ở lại trong Chúa.
lặng lẽ và an bình
như thể hồn con đã sống trong vĩnh cửu.
Lạy Đấng thường hằng bất biến,
mong sao không gì có thể khuấy động
sự bình an của con,
hay làm cho con ra khỏi Chúa ;
nhưng ước chi mỗi phút lại đưa con
tiến xa hơn vào chiều sâu của mầu nhiệm Chúa !
Xin làm cho hồn con bình an thanh thản,
xin biến hồn con thành chốn trời cao,
thành nơi cư ngụ dấu yêu của Chúa,
nơi Chúa nghỉ ngơi.
Ước chi
con không bao giờ để Chúa ở đó một mình
nhưng con luôn có mặt, với trọn cả con người,
với thái độ nhạy bén trong đức tin,
cung kính tôn thờ
và phó mình cho Chúa sáng tạo.
(Lời nguyện của chân phước Elisabeth de Trinité)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

27 thg 9, 2017

Ông này là ai? (28.9.2017 – Thứ năm Tuần 25 Thường niên)


Lời Chúa: Lc 9, 7-9
7 Tiểu vương Hê-rô-đê nghe biết tất cả những gì đã xảy ra, thì phân vân lắm. Thật vậy, có kẻ nói: “Đó là ông Gio-an từ cõi chết trỗi dậy.”8 Kẻ khác nói: “Ông Ê-li-a xuất hiện đấy! ” Kẻ khác nữa lại nói: “Đó là một ngôn sứ thời xưa sống lại.”9 Còn vua Hê-rô-đê thì nói: “Ông Gio-an, chính ta đã chém đầu rồi! Vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế? ” Rồi vua tìm cách gặp Đức Giê-su.
 Suy niệm:
Đức Giêsu với các môn đệ của Ngài đã nổi tiếng ở vùng Galilê,
qua các hoạt động rao giảng và chữa bệnh.
Tiếng đồn về Ngài ngày càng lan rộng (Lc 5, 15).
Điều đó hẳn đã đến tai của Hêrôđê (c. 7),
vị tiểu vương cai quản vùng Galilê trong hơn bốn mươi năm (Lc 3, 1).
Hêrôđê bối rối và lúng túng trước những tin mình nhận được.
Ông đã cho chém đầu Gioan Tẩy giả, kẻ được coi là ngôn sứ (c. 9).
Bây giờ lại nổi lên một người khác tên là Giêsu.
Người ta đồn đãi nhiều về nhân vật Giêsu này.
Có một số người nói ông này là Gioan bị chém đầu nay sống lại.
Có những người khác nói đó là ông Êlia tái giáng
sau khi đã được đưa về trời trong cơn gió lốc (2V 2, 11).
Cũng có những kẻ nói Giêsu là một ngôn sứ nào đó thời xưa sống lại.
Quả thật nhìn việc làm, lời giảng và lối sống của Giêsu,
người ta dễ thấy Ngài là một ngôn sứ (x. Lc 7, 16-17).
Mà chính Đức Giêsu cũng nhận mình là ngôn sứ (Lc 4, 24; 13, 33).
“Ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế?”
Hêrôđê tò mò muốn biết Ngài là ai.
Ông không tin Đức Giêsu là Gioan bị chém đầu, nay sống lại.
Và ông tìm cách gặp mặt Ngài (c. 9).
Hêrôđê đã được gặp Đức Giêsu trong cuộc Khổ Nạn (Lc 23, 6-12).
Lúc ấy Ngài xuất hiện trong tư cách một phạm nhân.
Dù vậy Hêrôđê cũng vui sướng vì ước ao của mình được thỏa nguyện.
Ông đã nghe Ngài làm được những phép lạ lớn lao,
nên ông ước mong được chứng kiến tận mắt một vài phép lạ.
Tiếc thay Đức Giêsu đã không muốn chiều Hêrôđê.
Ngài đã không trả lời ông, cũng chẳng làm một phép lạ nào.
Ngài thanh thản bình an trước những lời tố cáo của các thượng tế.
Ngài không muốn tránh cái chết mà Ngài biết nằm trong ý định của Cha.
“Ông này là ai ?”, Hêrôđê đã tìm thấy câu trả lời khiến ông bị hụt hẫng.
Giêsu chỉ là một anh khờ dại, chỉ đáng bị khinh bỉ và chế giễu.
Cuộc tìm kiếm với nhiều tò mò của Hêrôđê kết thúc.
Ông chẳng bao giờ biết được Đức Giêsu thật sự là ai.
Nhiều người đã đặt câu hỏi: “Ông Giêsu này là ai?” (Lc 5,21; 7,49; 8,25).
Hôm nay nhân loại vẫn đặt câu hỏi quan trọng đó.
Để trả lời, phải bước vào một cuộc hành trình, bỏ lại những thành kiến.
Tò mò, thích những điều giật gân, muốn thấy những điều lạ thường:
tất cả những điều ấy không giúp ta khám phá mầu nhiệm một con người.
Sự thật về Giêsu có khi lại được nhận ra qua cái im lặng cam chịu,
qua sự bất lực đớn đau trên thập giá hơn là qua sự thi thố quyền năng.
Phải đổi toàn bộ cái nhìn của mình để nhận ra được Giêsu là ai,
để không vội vã đánh giá Ngài dựa trên tiêu chuẩn người đời.
Như Hêrôđê, chúng ta có thể có cơ hội gặp mặt Giêsu,
nhưng vẫn không biết Ngài là ai.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
khi đến với Chúa
con tháo bỏ đôi giày: những tham vọng của con
con cởi bỏ đồng hồ: thời khóa biểu của con,
con đóng lại bút viết: các quan điểm của con,
con bỏ xuống chìa khóa: sự an toàn của con,
để con được ở một mình với Ngài,
lạy Thiên Chúa duy nhất và chân thật.
Sau khi được ở với Ngài,
con sẽ xỏ giày vào
để đi theo đường của Chúa,
con sẽ đeo đồng hồ
để sống trong thời gian của Chúa,
con sẽ đeo kính vào
để nhìn thế giới của Chúa,
con sẽ mở bút ra
để viết những tư tưởng của Chúa,
con sẽ cầm chìa khóa lên
để mở những cánh cửa của Chúa.
(Graham Kings)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.