29 thg 6, 2019

Trước đã (30.6.2019 – Chúa nhật 13 Thường niên năm C)

Lời Chúa: (Lc 9,51-62)
51 Khi đã tới ngày Ðức Giêsu được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giêrusalem. 52 Người sai mấy sứ giả đi trước. Họ lên đường và vào một làng người Samari để chuẩn bị cho Người đến. 53 Nhưng dân làng không đón tiếp Người, vì Người đang đi về hướng Giêrusalem. 54 Thấy thế, hai môn đệ Người là ông Giacôbê và ông Gioan nói rằng: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không?” 55 Nhưng Ðức Giêsu quay lại quở mắng các ông. 56 Rồi Thầy trò đi sang làng khác.
57 Thầy trò còn đang đi trên đường, thì có kẻ thưa Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo”. 58 Người trả lời: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu”.
59 Ðức Giêsu nói với một người khác: “Anh hãy theo tôi !” Người ấy thưa: “Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã”. 60 Ðức Giêsu bảo: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Ðại Thiên Chúa”.
61 Một người khác nữa lại nói: “Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy, nhưng xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã”. 62 Ðức Giêsu bảo: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa”.
Suy Niệm
Theo một tôn giáo thường được gọi là theo đạo.
Theo đạo là theo một con đường.
Ðiều này đặc biệt đúng đối với Kitô giáo (x.Cv 9,2).
Làm môn đệ Ðức Kitô là theo Ngài trên con đường Ngài đi,
con đường đất quanh co trong xứ Palestine
hay con đường đầy chông gai nhọc nhằn của sứ vụ.
Ðức Kitô chẳng những dạy Ðạo, Ngài còn là Ðạo (x.Ga 14,6).
Theo đạo là theo một ngôi vị hơn là theo một giáo lý.
Sống đạo là sống như Ngài, với Ngài, cho Ngài và trong Ngài.
Phần cuối của đoạn Tin Mừng hôm nay
thuật lại chuyện ba người muốn theo Chúa.
Chúng ta chẳng biết họ là ai,
cũng chẳng rõ cuối cùng họ có theo Chúa hay không,
nên mỗi người chúng ta dễ thấy mình nơi hình ảnh họ,
để rồi chúng ta phải đưa ra lời đáp trả của mình.
Người thứ nhất hăng hái xin theo Ngài đi bất cứ nơi đâu.
Ðức Giêsu không giấu anh hoàn cảnh bấp bênh của mình.
Ngài sống cuộc đời phiêu bạt, không mái nhà để trú,
lúc nào cũng ở trong tư thế lên đường.
Chấp nhận theo Ngài là chịu bỏ mọi an toàn, ổn định,
là sống thân phận lữ khách trên mặt đất (x. 1Pr 2,11).
Theo Ngài là theo Ðấng có chỗ tựa đầu,
chỗ tựa đầu tiên là máng cỏ, chỗ tựa cuối là thập giá.
Cuộc sống nghèo làm Ngài tự do hơn, sẵn sàng hơn
trước những đòi hỏi bất ngờ của Cha và nhân loại.
Người thứ hai chấp nhận theo Chúa với điều kiện
cho anh về chôn cất người cha mới qua đời trước đã.
Anh muốn chu toàn bổn phận thiêng liêng của người con.
Ðức Giêsu coi trọng việc hiếu kính mẹ cha (x.Mt 15,3-9),
nhưng Ngài đòi anh dành ưu tiên cho việc loan báo Tin Mừng.
Câu trả lời của Ngài làm chúng ta bị sốc thực sự.
Loan báo Tin Mừng ư? Cần gì phải vội vàng đến thế!
Dầu sao cái sốc giúp ta nhận ra mình vẫn quen thờ ơ
trước một bổn phận thiêng liêng và hết sức cấp bách.
Người chết nằm xuống thật đáng kính trọng.
nhưng có bao người sống đang cần phục vụ khẩn trương.
Người thứ ba xin về từ giã gia đình trước đã.
Ðức Giêsu đòi anh dứt khoát thẳng tiến như người cầm cày,
không quay lại với những kỷ niệm quá khứ,
không bị cản trở bởi những ràng buộc gia đình,
để tận tâm tận lực lo cho Nước Thiên Chúa.
Trong đời sống, nhiều lúc ta phải chọn lựa.
Chọn lựa là chấp nhận hy sinh, bỏ một trong hai.
Ðức Giêsu không dạy ta sống vô cảm hay bất hiếu…
Ngài dạy ta can đảm tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước đã.
Có bao nhiêu cái trước đã chi phối đời ta?
Ðâu là lựa chọn ưu tiên một?
Chúng ta cần sắp xếp lại thứ tự các ưu tiên cho đúng.
Nếu Ðức Giêsu gặp tôi hôm nay và mời tôi theo Ngài,
tôi có xin phép Ngài để làm cái gì đó trước đã không?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
giàu sang, danh vọng, khoái lạc
là những điều hấp dẫn chúng con.
Chúng trói buộc chúng con
và không cho chúng con tự do ngước lên cao
để sống cho những giá trị tốt đẹp hơn.
Xin giải phóng chúng con
khỏi sự mê hoặc của kho tàng dưới đất,
nhờ cảm nghiệm được phần nào
sự phong phú của kho tàng trên trời.
Ước gì chúng con mau mắn và vui tươi
bán tất cả những gì chúng con có,
để mua được viên ngọc quý là Nước Trời.
Và ước gì chúng con không bao giờ quay lưng
trước những lời mời gọi của Chúa,
không bao giờ ngoảnh mặt
để tránh cái nhìn yêu thương
Chúa dành cho từng người trong chúng con. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

NÓI THÊM VỀ VẤN ĐỀ DANH XƯNG TRONG GIÁO HỘI


Tôi cần nói thêm một lần nữa về vấn đề này. Lý do là cho đến nay còn một số ít người vẫn đặt vấn đề danh xưng trong Giáo Hội Việt nam và giải thích sai lạc cũng như đòi hỏi sửa đổi không hợp lý về một số danh xưng quen dùng từ lâu trong giới Công giáo Việtnam.
- Cụ thể, có người đặt vấn đề thay đổi các danh xưng như: Cha, Thầy, Sơ, Đức Ông, Đức Cha, Đức Hồng Y, Đức Thánh Cha.. cũng như một số hình dung từ (metaphor)như con chiên, đàn chiên, chủ chăn… và cả danh từ giáo dân (laity) nữa.
- Nhận định của một vài tác giả về vấn đề này chỉ là ý kiến riêng, không dựa trên căn bản truyền thống, giáo lý hay Kinh Thánh nào của Giáo Hội nên chắc chắn không có giá trị thuyết phục và chắc chắn tuyệt đại đa số giáo dân Viêtnam không ai để ý đến. Tuy nhiên, đối với những người ngoài Công Giáo và riêng với một vài nhóm thù nghịch Giáo Hội Công Giáo, thì những ý kiến này có thể giúp ích cho họ trong việc tiếp tục đả kích Giáo Hội.
Và đây là lý do khiến tôi phải lên tiếng một lần nữa dù có bị các tác giả kia gán cho nhãn hiệu “bảo thủ, lỗi thời… cố chấp... ”
- Trước hết, phải nhận rằng chỉ trong giới Công Giáo Viêtnam mới có nhửng danh xưng mà các tín hữu khác trong toàn Giáo Hội không có. Và chỉ trong ngôn ngữ Việtnam chúng ta mới có những kiểu nói, nhửng danh xưng mà tuyệt nhiên không tìm thấy trong một ngôn ngữ nào trên thế giới.
- Người ngoại quốc, khi học tiếng Việt, rất khổ tâm vì không biết khi nào phải gọi người đối diện bằng cụ, ông, bà, cô, bác, chú,anh, chị , em ..v.v và lúc nào phải xưng hô là con, cháu, tôi, chúng tôi, mày/tao… Sở dĩ thế, vì chỉ trong ngôn ngữ Việtnam, mới có những cặp danh xưng như ông-bà /cháu, cha-mẹ-ba- má../con, anh-chị/em . Quí vị/tôi-chúng tôi, mi, mày /tao … Lại nữa, thật vô cùng khó khăn cho họ để hiểu và phân biệt nghĩa của những tiếng như : cái nhà, con cái , thằng bé, đứa bé, con chó, con bé , trẻ con ..
Trong moi ngôn ngữ tây phương thì chỉ có cặp đại từ (pronouns) I/you; Je/ Tu-Vous.
Yo/ Tu-Usted…Io/Tu- Lei …được dùng trong mọi trường hợp từ gia đình, đến mọi tương giao xã hội và ngày cả trong cầu nguyện với Chúa, Đức Mẹ và các Thánh.
Người Mỹ khi gặp một Giám Mục thì chào : Good morning Bishop, nhưng khi nói chuyện tiếp , thì dùng I/you hay We/you , ..trong khi người Công giáo Viêtnam thì lúc nào cũng phải Thưa Đức Cha, /con hay chúng con vì trong ngôn ngữ Việtnam không có cặp I/You., Je/ Vous …như trong Anh và Pháp Ngữ
- Vì thế, thực buồn cười khi có người nói: Đức Tân Giáo Hoàng Bênêdictô XVI đã tỏ ra “bình dân” hơn các Giáo Hoàng trước khi ngài dùng chữ Tôi” thay vì “Ta”, “anh chi em”, thay vì “các con” trong lúc nói với giáo dân !.Tức cười là vì Ngài nói bằng tiếng Ý và tiếng Anh hay tiếng Đức thì làm gì có từ ngữ nào là “Tôi hay Ta hoặc “các con” ? Ngài chỉ dùng đại đanh từ” I hay Io” và người dịch đã Việt hóa thành “Tôi hay Ta” “anh chị em” (brothers and sisters” thành “các con”chứ trong tiếng Ý hay bất cứ ngôn ngữ Tây phương nào khác thì làm gì có chữ nào là “tôi hay Ta” như trong tiếng Việt !
Vây mà người ta cũng nêu chi tiết trên để bênh vực cho điều mình muốn chỉ trích và đòi thay đổi về một số danh xưng quen dùng trong giới Công Giáo Việtnam , đại để như sau :
I- Danh xưng Đức Ông, Đức Cha, Đức Hồng Y, Đức Thánh Cha
Người ta nêu lý do là các chữ “ đức” ở trên lẫn lộn với chữ “Đức” trong ngữ cảnh “Đức Chúa, Đức Kitô, Đức Mẹ”
Thật ra thì đây chỉ là thói quen đã dùng từ lâu nên đã trở thành thông dụng trong giới Công Giáo Việtnam. Mặt khác, đứng về mặt văn phạm (grammar) thì đây lại là thí dụ cụ thể về nét đặc thù và đa dạng của các mạo từ ( articles) trong Việt ngữ.
Tiếng Pháp chỉ có các mạo từ le, la, les, un, une, des để chỉ giống và số (genre et nombre) trong khi tiếng Việt có biết bao mạo từ khác nhau và dũng lẫn lộn gây nhiều khó khăn cho người ngoại quốc học tiếng Việt.
Trong các danh xưng nêu trên thì chữ “đức” có thể được phân tích như tiếng mạo từ (article) đặt trước danh từ chung, tương tự như cái nhà. Cái ông này, con chó, con mắt..nhưng cũng có thể hiểu như là thành phần của một danh từ chung (common noun) không thể tách rời ra được vì sẽ làm vô nghĩa hay tối nghĩa cho danh từ chung này . Thí dụ Đức Cha là danh xưng chỉ Giám Mục. Nếu bỏ chữ “Đức” đi thì chỉ còn lại chữ “cha” tiếng chung chỉ Linh Mục nên sẽ làm mất nội dung của từ ngữ muốn chỉ chức Giám Mục.
Nếu ta bắt bẻ rằng gọi Giám Mục là Đức Cha, Hồng Y là Đức Hồng Y thì sẽ lẫn lộn với chữ Đức trong “Đức Kitô, Đức Mẹ”. Điều này xem ra bề ngoài có vẻ hợp lý nhưng nếu đi sâu vào ngữ pháp Việtnam thì khó có thể giải thích xuôi tai được vấn nạn sau đây:
Nếu tiếng “Đức” chỉ được dùng để nói về Chúa như Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con , Đức Chúa Thánh Thần hoặc Đức Mẹ Maria thì tiếng Việt còn danh từ kép là “đức ông chồng hay “ đức lang quân” Đức Từ Cung ( Mẹ Vua) Đức Khổng Tử, Đức Phật Thích Ca nữa thì sao ?Những chữ “Đức” ở đây có đồng nghĩa không và dùng lẫn lộn như vậy thì anh em Phật tử và những người theo Đạo Nho có phiền hà gì không ?
Lại nữa, chữ CON trong từ Con Người=Son of Man= Hijo del Hombre=Fils de L’ Homme là từ ngữ chỉ Chúa Giêsu Ngôi Lời nhập thể, có đồng nghĩa với chữ con trong các từ ngữ con khỉ , con gái, con trai, con hoang…không và như vậy có lẫn lộn và xúc phạm đến Chúa Giêsu hay không ?
Và giới từ “cái” trong các từ ngữ cái xẻng, cái răng, cái ông này, cái chị này… có đồng nghĩa với nhau không ?
Tôi thiết nghĩ không ai lại “vạch lá tìm sâu” để thắc mắc về việc dùng các mạo từ “con”, “cái” và “đức” trong các ngữ cảnh trên đây vì đó là nét phong phú và đa dạng của Việt ngữ và được dùng với nghĩa chung của danh từ đi kèm thay vì tách rời ra với nghĩa riêng của nó để phải lấn cấn với một số ngữ cảnh quen dùng.
Nói khác đi, khi người Công giáo nói Đức Chúa Giêsu hay Đức Mẹ thì chữ Đức đi kèm để nói lên mức tôn thờ, (adoration) tôn kính (veneration) đặc biệt dành cho Chúa và Mẹ, nhưng khi nói Đức Ông, Đức Cha, Đức Hồng Y .. thì chỉ muốn nói đến tước vị trong Giáo Hội của các chức sắc này chứ không nhằm biểu dương mức tôn thờ, tôn kính như khi nói Đức Chúa Cha... Đức Maria mặc dù về từ ngữ thì giống nhau trong cả hai trường hợp. Thật ra, các từ ngữ Đức Ông, Đức Cha, Đức Hồng Y, Đức Giáo Hoàng cũng không được dịch sát nghĩa các từ Monsignor, Bishop, Cardinal, Pope trong tiếng Anh và các tiếng Tây phương khác.
Nhưng vì người Công giáo Việtnam quen dùng từ xưa đến nay và người có thẩm quyền thay đổi là Hội Đồng Giám Mục Việtnam lại không chính thức nói gì thì AI có tư cách để đòi thay đổi ?
Ta hãy xem các giáo hữu Âu Mỹ xưng hô thế nào trong những trường hợp trên.
Trong các ngôn ngữ Tây Phương người ta không có kiểu nói Đức Ông ,Đức Cha, Đức Hồng Y.. Đức Giáo Hoàng như chúng ta , nhưng khi đối thoại với các vị này người ta lại có kiểu nói mà mình không có và dịch tương đương được ,thí dụ khi thưa Đức Cha, thì người Anh- Mỹ –Pháp nói : Your Excellency = Éxcellence = Mon Seigneur
Thưa Đức Hồng Y = Your Eminence = Votre Éminence; Thưa Đức Thánh Cha = Your Holiness = Votre Sainteté…
Riêng từ Đức Ông( Monsignor) thì không biết từ đâu có lối xưng hô này vì Việt ngữ không có từ tương đượng cùng ý nghĩa với danh xưng này trong Anh hay Pháp Ngữ.
Điều quan trọng là phải giải thích cho giáo dân và cả người ngoài Công Giáo biết rằng Đức Ông (Monsignor) chỉ là một tước vị ( title) danh dự mà Giáo Hội ban tặng cho một Linh mục xuất sắc nào đó hay cho các nhân viên của Tòa Thánh làm việc trong các Cơ Quan trung ương ở Giáo Đô hay trong các phái bộ ngoại giao của Vatican ở các quốc gia trên thế giới. Tước Đức Ông không phải là một chức thánh ( ordo) nên Đức Ông cũng chỉ là một linh mục thôi. Ngược lại ,danh tước Đức Cha là tước vị của một Giám Mục ,tức là người có chức thánh cao nhất trong Giáo Hội. Hồng Y là một tước vị cao nhất mà Giáo Hội ban cho một Giám Mục và đôi khi cũng cho một Linh mục xuất sắc nào đó ( như trường hợp các linh mục Every Dulles và Henri de Lubac thuộc Dòng Tện và Yves Congar Dòng Đaminh đã được vinh thăng làm Hồng Y ). Theo Giáo Luật số 349 thì “ Các Hồng Y họp thành Hồng Y Đoàn riêng biệt với thẩm quyền bầu cử Đức Thánh Cha và phụ giúp Đức Thánh Cha trong việc quản trị Giáo Hội hoàn vũ”. Hồng Y không phải là một thánh chức mà chỉ là một tước vị cao nhất do Đức Thánh Cha ban tặng và bổ nhiệm với quyền chọn lựa Giáo Hoàng mới khi đương kim Giáo Hoàng qua đời. Hồng Y và ngay cả Đức Thánh Cha cũng chỉ có chức Giám Mục mà thôi nhưng với quyền hạn và trách nhiệm lớn hơn Giám Mục.
II. Danh xưng “Giáo Dân= laity”
Có người đề nghị đổi danh xưng này thành “người tín hữu” hay Kitô hữu.
Thật ra, trong Giáo Hội thì mọi thành phần Dân Chúa từ Giáo Hoàng, Hồng Y, Giám Mục. Linh mục, Phó Tế, Nam tu, Nữ tu và Giáo dân đều là Người tín hữu ( faithful) Chúa Kitô hay Kitô hữu ( Christians ) vì đều tin và nhận Chúa Kitô là Đấng Cứu Thế (Savior). Qua Phép Rửa, tất cả đều bình đẳng và có phẩm giá (dignity) như nhau trước mặt Chúa và trong tư cách làm con cái Chúa và anh chị em với nhau trong Chúa Kitô.
Có khác chỉ khác nhau về ơn gọi (vocation) và đặc sủng (charism) để đảm trách những nhiệm vụ khác nhau trong Giáo Hội mà thôi.
Thánh Công Đồng Vaticanô II đã định nghĩa như sau về người giáo dân (laity) “ Danh hiệu giáo dân ở đây được hiểu là tất cả những Kitô hữu không có chức thánh hoặc bậc tu trì được Giáo Hội công nhận..” ( x.Lumen Gentium (LG) , số 31).Nói khác đi, giáo dân là thành phần không thuộc hàng giáo sĩ (clergy) và Tu Sĩ (Religious) nhưng cùng với các thành phần này họp thành Dân Chúa ( God’s People) trong Giáo Hội.
Như thế phải nói với danh hiệu giáo dân để phân biệt với hàng giáo sĩ và tu sĩ. Nếu dùng danh hiệu Kitôhữu thì chỉ đúng một phần về nội dung những không nói rõ được ơn gọi và địa vị của mình trong Giáo Hội vì giáo sĩ và tu sĩ cũng là Kitôhữu như giáo dân qua Phép rửa.(baptism) và chỉ khác giáo dân về ơn gọi (vacation) mà thôi.
Mặt khác, trên thực tế, danh hiệu Kitôhữu (Christian) không nói lên đúng được căn tính (identity) của Người tín hữu Chúa Kitô thuộc Giáo Hội Công Giáo (Roman Catholic Church). Lý do : tất cả các anh em Tin lành thuộc mọi giáo phái tin nhận Chúa Kitô đều xưng mình là Kitô hữu (Christian). Do đó, nếu một người Công Giáo chỉ nói mình là Kitôhữu không thôi, thì làm sao cho người ta nhận ra mình là giaó dân trong Giáo Hội Công Giáo ? Người Anh, Mỹ phân biệt rất rõ : hoặc nhận mình là Catholic (Công giáo) Anglican (Anh Giáo) Baptist, Methodist, hay Lutheran v.v. Người giaó dân nói tiếng Anh luôn luôn nói mình là Catholic chứ không chỉ là Christian thôi vì Christian là danh hiệu chung cho mọi người tin Chúa Kitô thuộc các giáo phái Tin lành kể cả người Công Giáo. Người ta có thể là vừa là Catholic và là Christian (như người Công giáo). Nhưng là Christian thì không hẳn có nghĩa là Catholic (trường hợp anh em tin lành). Chúng ta phải hoan hỉ xưng mình là người Công giáo vì thuộc về Giáo Hội do chính Chúa Giêsu thiết lập trên nền tảng các Tông Đồ với ba đặc tình căn bản là thánh thiên (sanctam) ( công giáo) (catholicam) và tông truyền (apostolicam). Công giáo vì là Giáo Hội dành cho và mời gọi hết mọi người gia nhập chứ không riêng cho một dân tộc nào. Đây là đặc tính phổ quát (universality) của ơn cứu độ do Chúa Kitô mang đến cho toàn thể nhân loại. Có người không hiểu lý do sâu xa này nên đã giải thích sai lầm công giáo là công cộng (public) và dịch Đạo Công Giáo là ( Public Religion) một từ ngữ không có trong danh mục các tôn giáo trên thế giới.
Từ ngày Đạo Công giáo được du nhập vào Việtnam, từ lâu chúng ta đã có danh xưng “giáo dân” để phân biệt với “lương dân” tức là những người chưa gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Danh xưng “giáo dân’(laity) vừa nói lên bậc sống và ơn gọi của người Kitô hữu sống giữa trần thế và trong Giáo Hội bên cạnh các thành phần giáo sĩ và tu sĩ,vừa diễn tả đúng căn tính của mình là người Kitôhữu Công giáo ( Catholic christian) Nghĩa là không muốn bị lẫn lộn với những anh chị em tin Chúa Kitô nhưng đang sống bên ngoài Giáo Hội Công Giáo như đã nói ở trên.
Vậy, đề nghị bỏ danh xưng : “giaó dân” để thay bằng “Kitôhữu” là điều không hợp lý xét về hai khía cạnh thần học và thực hành.
III- Danh xưng “Cha-con”.
Tôi lại bất đắc dĩ phải nói một lần nữa về vấn đề này vì một số người vẫn cố tình không hiểu hoặc hiểu sai lạc nhưng vẫn nói như thể mình biết chính xác và đòi hỏi một điều hợp lý. Tôi phải nói dù cho người ta có hiểu lầm và chỉ trích rằng tôi cố “ăn thua đủ” để được làm “cha” hoặc “sống như cha” thì quan trọng hơn “là cha’.
Vấn đề ở đây không phải là đòi được “làm cha” và bắt ai phải “xưng con” với mình, mà chủ yếu là để giải thích và bênh vực lý do Giáo Hội cho phép gọi linh mục là “cha” dựa trên giáo lý của Thánh Phaolô và truyền thống lâu đời trong Giáo Hội..
Tôi cũng không muốn “ bút chiến” với ai về vần đề này. Nhưng vì có người vẫn hiểu sai và chỉ trích Giáo Hội về việc này nên buộc lòng tôi phải nói lên thêm một lần nữa mà thôi.
Trước hết tôi xin nói danh xưng ‘cha” dành cho các linh mục Công Giáo là một truyền thống có từ lâu trong Giáo Hội. Sự kiện cụ thể là không phải chỉ có người Công giáo Việtnam gọi linh mục là “cha” mà tất cả các tín hữu Công giáo trên thế giới cho đến nay đều gọi như vậy., và quan trọng là không có ai thắc mắc gì về vấn đề nay,trừ mấy anh em Tin lành trước đây và nay có thêm vài người Công Giáo Việtnam ở Mỹ.
Trong thực tế , không ai chối cãi được sự kiện này: Người Anh Mỹ gọi linh mục là Father, người Pháp gọi Père, Người Ý và Tây Ban Nha gọi Padre… Đặc biệt người Pháp và Ý còn gọi Révérend Père (Reverendissimo Padre) tức là Cha đáng kính nữa!. Người Mỹ khi gặp một linh mục thì chào Good morning Father, chứ không hề chào là Good morning Priest bao giờ! Người Pháp cũng nói Bonjour Mon Père! .Người Tây Ban Nha chào Buenos Dias Padre …Vậy họ quá “lạc hậu” ,”ngu dốt” hay sao mà xưng hô “kỳ cục” như vậy? Nếu thế thì phải nhờ mấy người “ Việtnam tiến bộ ” ở Mỹ dạy cho họ biết mà thay đổi cho hợp thời hơn.
Nhưng các Giám mục (Việtnam hay ngoại quốc), sau khi truyền chức cho tân linh mục và khi bổ nhiệm linh mục thì đều dùng danh xưng cha khi nói cũng như viết trên giấy tờ.
Vậy, tại sao Giáo Hội khắp nơi lại cho làm việc “ vô lý” như thế ?
Để trả lời cho câu hỏi này, một lần nữa, đây là căn bản Kinh Thánh : “ ..Trong Đức Kitô Giêsu, nhờ Tín Mừng, chính tôi đã sinh ra anh em” ( 1Cr 4:15). Vì thế Thánh Phaolô đã gọi Timôthê là “ người con tôi đã sinh ra trong đức tin” (1 Tim 1:2).
Đồng một quan điểm, Thánh Pherô cũng dạy: “ Vì anh em đã được tái sinh, không phải do hạt giống mục nát mà do hạt giống bất diệt ,nhờ Lời Thiên Chúa hằng sống và tồn tại mải mãi… Đó chính là Lời đã được loan báo cho anh em như một Tin Mừng” (1 P 1: 23-25).
Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã trao nhiệm vụ loan báo, giảng dạy Tin Mừng và làm phép rửa trước hết cho các Tông Đồ và tiếp theo cho những người kế vị là các giám mục va các phụ tá là hàng linh mục thừa tác (ministerial priesthood)( x. Mt 28:19-20).
Cho nên, dựa vào lệnh truyền của Chúa Giêsu và giáo lý của Thánh Phaolô và Phêrô, Thánh Công Đồng Vaticanô II đã dạy như sau trong Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium: “Linh mục phải săn sóc các tín hữu như những người cha trong Chúa Kitô vì đã sinh họ cách thiêng liêng nhờ phép rửa và giáo huấn" (x.1 Cor 4,15và 1P 1.23) ( x. LG.số 28)
Nói khác đi, cùng với các giám mục, linh mục được trao phó cho nhiệm vụ thánh hóa, giảng dạy để “tái sinh” con người nhờ hạt giống bất diệt là Lời Chúa và phương tiện cứu độ là Phép rửa. Đây là vai trò và sứ vụ “Người Cha thiêng liêng”( Spiritual Fatherhood) của hàng giáo sĩ thừa tác (Ministerial clerics= Giám mục ,Linh mục).
Ai muốn thông hiệp với Giáo Hội thì phải tuân theo giáo lý này của Giáo Hội, dựa trên nền tảng Kinh Thánh. Đây không phải là lý thuyết vô căn cứ của ai hay một nhóm người nào, mà là giáo lý, tín lý và truyền thống của Giáo Hội. Đây là vần đề có liên quan mật thiết đến đức tin Công Giáo, vì nếu không tin giáo sĩ thừa tác là những người đang tiếp tục sứ vụ của các Thánh Tông Đồ, đang thay mặt Chúa Giêsu để giảng dạy và cử hành các Bí Tích thì giáo dân dựa vào căn bản nào để nghe giảng dạy và lãnh nhận các Bí tích, đặc biệt là bí tích Rửa Tội,Thánh Thể và Hòa giải từ tay Giám mục và Linh mục ?
Như vậy, khi gọi các giáo sĩ thừa tác là “Cha” có nghĩa là chấp nhận giáo lý của Thánh Phaolô, người đã “sinh ra Timôthê qua Tin Mừng và Phép Rửa” và Công Đồng Vaticanô II đã nhắc lại trong Hiến Chế Tín Lý (Dogmatic Constitution) Lumen Gentium như đã trích trên đây. Nếu đây không phải là tiêu chuẩn vững chắc để tin và thực hành thì những ai chống đối dựa vào căn bản nào để phi bác và đòi thay đổi ?
Sở dĩ người giáo dân Việtnam gọi các Giám mục, linh mục là “cha” và xưng “con” là vì nét đặc thù của văn hóa và ngôn ngữ Việtnam, một điều không tìm được trong bất cứ ngôn ngữ nào trên thế giới.. Trong gia đình, theo văn hóa và ngôn ngữ Việtnam, con cái phải luôn luôn nhận mình là con khi nói chuyện hay thưa gửi cha mẹ. Phải xưng “cháu” hay “con” khi nói với ông bà, cô, chú, bác, cậu mợ. Điều này tuyệt nhiên không có trong bất cứ ngôn ngữ nào trên thế giới đặc biệt là ngôn ngữ tây phương, mặc dù người Mỹ, Pháp, Ý, Đức Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha .v.v đều gọi linh mục là “ Cha’ ( Pater, Father, Père, Padre..) Họ không xưng “con” vì trong ngôn ngữ của họ không có lối nói này chứ không vì họ muốn bình đẳng với cha mẹ hay với linh mục, giám mục.
Những người chỉ trích danh xưng “cha-con” đã nại lý do một cha trẻ đáng tuổi con cháu không lẽ bắt cụ già phải chào là “cha” hay sao ? Hỏi như vậy là đã đi từ phạm vi niềm tin sang lãnh vực văn hóa, phong tục. Nhưng trước hết phải nói ngay là có ai bắt cụ già kia gọi thế đâu mà buộc tội vô lý? Nếu cụ tình nguyện gọi linh mục trẻ là “cha’ thì cụ phải hiểu rằng cụ gọi thế vì tôn trọng vai trò đại diện Chúa Kitô của linh mục, dù già hay trẻ chứ không phải vì văn hóa phong tục hay bị ai bắt phải gọi như vậy.
Nhưng đây là thực tế: khi cụ già kia đến Nhà thờ, vào tòa xưng tội với một linh mục trẻ thì cụ sẽ nói thế nào? cụ có nói theo văn hóa Việtnam rằng “ này cháu , cháu giải tội cho ông đi” hay sẽ nói theo niềm tin Công Giáo là: Xin Cha giải tội cho tôi hoặc con? Tôi không tin có cụ già Việtnam nào, và ngay cả cha mẹ ruột của linh mục lại xưng hô kiểu ” văn hóa tôn ti” như trên trong trường hợp này.
Vậy tại sao khi lãnh Bí tích thì nhìn nhận linh mục là đại diện của Chúa Kitô để không phân biệt tuổi tác, liên hệ gia đình mà gọi linh mục là cha, nhưng khi ra khỏi nhà thờ thì lại không muốn gọi vì nại lý do tôn ti văn hóa, không cho phép người già gọi người trẻ như thế ? Vậy đức tin đứng chỗ nào trong thực hành ?
Và một câu hỏi lần chót cho những ai không đồng ý gọi linh mục là cha: quí vị căn cứ vào tiêu chuẩn nào, căn bản nào để đả kích truyền thống này của Giáo Hội vốn có từ lâu trong mọi nền văn hóa, ngôn ngữ ?
Nếu dựa vào lời Chúa Giêsu trong Mt 23:9 theo đó Chúa nói “đừng gọi ai dưới đất là cha” thì chỉ có các nhóm Tin lành (protestants) quen đọc và giải thích Kinh Thánh theo nghĩa đen của từ ngữ (literal meaning) nên mới đả kích Giáo Hội Công Giáo về việc này mà thôi. Giáo Hội Công Giáo không đồng quan điểm với họ nên vẫn tiếp tục dùng danh xưng “Cha” trong nhiều trường hợp như sau:
Trước hết, trong truyền thống có từ mấy thế kỷ sơ khai, Giáo Hội đã tôn phong một số giáo sĩ –và sau này trở thành Thánh- vào bậc “Giáo Phụ của Giáo Hội” (Church Fathers). Đó là các Thánh Augustine (354-430) Ambrosio(339-397, Jerome(347-420) John Chrysostom(344-407 )… tức là những vị đã sống gần thời đại các Tông Đồ, có đời sống thánh thiện và có giáo lý vững chắc khi giảng dạy.
Mới đây nhất, Đức tân Giáo Hoàng ,trong bài giảng đầu tiên ngày 7 tháng 5 vừa qua tại Đền Thánh John Latran , đã mở đầu như sau:
- Dear Father Cardinals (Thưa quí Giáo Phụ Hồng Y)
- Dear brothers in the Episcopate ( Thưa Chư Huynh Giám mục)
- Dear Brothers and Sisters ( Anh chi em thân mến)
Nếu không được gọi ai dưới đất là “Cha” thì Đức Tân Giáo Hoàng, người từng nắm giữ kho tàng giáo lý đức tin Công Giáo trong hơn 20 năm qua, có xúc phạm đến Thiên Chúa là CHA khi ngài gọi các Hồng Y là các “ Cha= Fathers" hay không ?
Và ngay chính ngôi vị Giáo Hoàng, cả Giáo Hội đều gọi là Đức Thánh Cha (Holy Father) mà sao chưa thấy Giáo Hoàng nào lên tiếng sửa sai ai về danh xưng này dành cho mình ?
Thứ đến, trong các Dòng Tu, danh xưng Cha Bề Trên (Father Superior=Père Supérieur) vẫn thông dụng cho đến ngày nay ở khắp nơi trong Giáo Hội.
Vậy có trái với tinh thần câu Kinh Thánh Mt 23:9 không ?
Trong một bài viết trước đây, tôi đã có dịp giải thích về câu Kinh Thánh trên đây. Tôi chỉ nhắc lại ở đây điểm then chốt là câu nói trên của Chúa Giêsu phải được hiểu trong tâm cảnh (mentality) một lời lên án thái độ háo danh, đạo đức giả của nhóm Biệt phái Pharisi thời đó hơn là một lời ngăn cấm con người dùng danh xưng “Cha” với nội dung xúc phạm đến Thiên Chúa là CHA.
Trong phụng vụ thánh của Giáo Hội thì Latria là mức tôn thờ, kính trọng cao nhất dành riêng cho một mình Thiên Chúa. Đức Mẹ Maria được tôn kính (veneration) ở mức Hyperdulia, tức là dưới mức tôn thờ (adoration) Latria dành riêng cho Thiên Chúa mà thôi. Mức tôn kính cuối dùng dành cho các Thánh Nam Nữ là Dulia.
Như thế, Chúa Giêsu chỉ cấm chúng ta dành cho bất cứ tạo vật nào dưới đất mức tôn thờ Latria dành riêng cho một Chúa Cha chứ không ngăn cấm việc gọi những người cộng tác với Thiên Chúa trong chương trình sáng tạo và cứu chuộc con người là cha me thể lý hay tinh thần.
Thật vậy, từ thời Cựu Ước, Chúa đã ban điều răn thứ 4 dạy con cái loài người như sau:
“Ngươi hãy thờ cha kính mẹ để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi” (Xh 20:12)
“Honour your father and your mother so that you may have a long life in the land Yaweh your God has given to you”
Như thế, Chúa đâu có cấm gọi ai dưới đất là “cha”. Ngược lại, Chúa dạy con cái loài người phải gọi những người sinh ra mình về mặt thể lý là cha, là mẹ vì vai trò cộng tác với Chúa trong chương trình sáng tạo (procreation)l oài người. Về mặt thiêng liêng, các Tông đồ và nay là các giáo sĩ thừa tác (Giám mục, linh mục) cộng tác với Chúa để tái sinh (rebear) con người qua Tin Mừng và phép rửa như Thánh Phaolô và Phêrô dạy Vì thế Giáo Hội đã cho phép dùng danh xưng “cha” cho các vị này trong mọi nền văn hóa nhân loại từ bao lâu nay.
Các Giám mục đều gọi linh mục là Cha và giới thiệu với giáo dân như vậy trong mọi hoàn cảnh mục vụ, nên giáo dân khắp nơi mới dùng danh xưng này mỗi khi phải tiếp xúc với một linh mục. Khi nói đến danh xưng “linh mục” là nói đến một thánh chức, một bậc sống được tuyển chọn để phục vụ, nhưng khi gọi linh mục là ‘cha” Giáo Hội muốn nhắc người tín hữu về vai trò đại diện cho Chúa Kitô trước hết của các Thánh Tông Đồ và nay là hàng giáo sĩ thừa tác (ministerial clergy) trong Giáo Hội như Chúa Giêsu đã nói rõ như sau :
“ Ai nghe anh em là nghe Thầy; ai khước từ anh em là khước từ Thầy;
mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy” ( Lc 10: 16)
Từ Đức Thánh Cha xuống đến hàng linh mục đều nhất thiết nhân danh Chúa Kitô (in persona Christi) mà thi hành mọi thừa tác vụ (ministerium) thánh để phục vụ cho lợi ích thiêng liêng của dân Chúa như những “Mục tử được giao phó nhiệm vụ chăn dắt đoàn chiên thay mặt cho Con Chúa”. Như vậy, gọi Đức Thánh Cha, Đức Cha, các Cha là vì kính trọng Chúa là CHA mà các ngài là những đại diện bí tích chứ không vì cá nhân các vị này.. Danh xưng này cũng đồng thời nói lên mối dây thiêng liêng thắm thiết giữa người thay mặt, nhân danh Chúa Kitô để giảng dạy và người nhận sự dạy dỗ, săn sóc này vì đức tin. Chính trong giây thân tình thiêng liêng này mà Thánh Phaolô đã tự ví mình như “người cha” để “tái sinh con thiêng liêng” cho Chúa Kitô.
Dầu vậy Giáo Hội không bắt buộc ai phải gọi Giám mục, Linh mục là Cha mà chỉ cho phép dùng danh xưng này để nói lên mối tình thiêng liêng thắm thiết giữa các thừa tác viên đã được thánh hiến và dân Chúa được phục vụ mà thôi. Ai không muốn hiểu và thực hành điều này thì đó là quyền tự do của họ, nhưng nếu nói đó là điều phi lý thì quả là hồ đồ, không có căn bản giáo lý nào. Người giáo dân Việtnam gọi cha và tự động xưng con là vì văn hóa và ngôn ngữ Việtnam không có lối nói I/you, Je/Tu …như các ngôn ngữ Tây phương mặc dù người ta vẫn gọi linh mục là “cha”. Trong một viết trước đây, tôi đã nói : khi được giáo dân gọi mình là cha, thì linh mục được nhắc nhở về sứ vụ thiêng liêng mà mình được lãnh nhận qua thánh chức chứ không phải một thứ đặc ân, ưu quyền nào khác. Vì thế, về phần linh mục, không ai lại “lố bịch” tự xưng cha với giáo dân và gọi người khác bằng con, trừ với mấy em nhỏ thiếu nhi. Nhưng danh xưng ‘cha’ mà Giáo Hội cho phép gọi linh mục, giám mục là một truyền thống có căn bản Kinh Thánh trong Giáo Hội nên mọi ý kiến chống đối danh xưng này đều không có nền tảng vững chắc nào.Hơn thế nữa, còn cho thấy thái độ khinh thường, nếu không muốn nói là tị hiềm của một số người đối với hàng giáo sĩ Công giáo. Điều này thể hiện rõ qua chứng lý mà họ viện dẫn để đòi thay đổi: họ nêu vấn đề một số giáo sĩ “bất xứng”, “hách dịch” trong cách cư xử với giáo dân, chuyện tai tiếng của một số linh mục mắc tội “lạm dụng tính dục trẻ em”v.v
Chuyện “xứng “ hay “bất xứng’ của một số nhỏ, nếu có, đâu phải là lý do bác bỏ, bôi nhọ cả tập thể? Vả lại, họ là ai mà muốn “ném đá” lên án người khác là “bất xứng, không đạo đức” ?
Trong một xã hội mà công lý thuộc về kẻ có nhiều tiền,có thế lực và sợ áp lực quần chúng như xã hội chúng ta đang sống thì mọi phán đoán của xã hội về đạo đức, luân lý, tác phong hành động .. có luôn công bằng, khách quan và đáng quan tâm hay không ?
III- Từ ngữ “con chiên” “chủ chiên ;
Có người cũng đòi thay đổi các từ ngữ này vì xét ra không hợp với địa vị và tương quan giữa giáo dân và linh mục. Nó rõ hơn, họ không muốn nhận mình là “con chiên” đặt dưới sự dẫn dắt của hàng giáo sĩ ví như các “chủ chăn”. Tương quan này xem ra bất bình đẳng đối với họ (...) Chính vì quan niệm như vậy, nên một số người đã không hài lòng với những từ ngữ quen dùng trong Giáo Hội ở khắp nơi chứ không riêng ở Việtnam như “con chiên” “đàn chiên” “chủ chăn”. Chỉ có điều lạ là các tín hữu Tây phương và cả Á, Phi châu chưa hề có ai lên tiếng phản đối hay đòi thay đổi các từ ngữ brebis, berger, pasteur, sheep, flock, shepherd… quen dùng trong ngôn ngữ của họ mà nay chỉ thấy có vài người Công giáo Việtnam “tiến bộ” hơn đòi mà thôi!
Đòi hỏi này thực không hợp lý chút nào vì nó cho thấy các tác giả kia không biết gì về ngôn từ mà chính Chúa Giêsu đã dùng trong Tin Mừng như sau :
“ Ta chính là Mục Tử nhân lành.
Ta biết chiên của Ta
Và chiên của Ta biết ta (Jn 10:14)
Chúa cũng trao cho Phêrô nhiệm vụ sau trước khi Người về trời:
“Hãy chăm sóc chiên con của Thầy” (Jn 21:15)
“ Hãy chăn dắt chiên của Thầy" ( Jn 21:16)
Kinh Thánh Cựu Ước cũng có những lời sau đây :
“Hãy nhìn nhận CHÚA là Thượng Đế
Chính Người dựng nên ta, ta thuộc về Người
Ta là dân Người, là đoàn chiên Người dẫn dắt” ( Tv 100 : 3)
Trong Kinh Tiền Tụng ( preface) Lể kính các Thánh Tông Đồ, Giáo Hội đọc :
“Chúa là Mục Tử hằng hữu, không bỏ rơi đoàn chiên Chúa, nhưng nhờ các Thánh Tông Đồ, Chúa luôn luôn che chở, giữ gìn, để đoàn chiên được hướng dẫn nhờ các vị lãnh đạo Chúa đã đặt làm mục tử coi sóc đoàn chiên thay thế Con Chúa..”
Vậy Xin hỏi những ai “dị ứng” về từ ngữ “chiên” và “đoàn chiên” nói trong những câu Kinh Thánh và lời cầu nguyện trên đây: con chiên hay đoàn chiên nói trên là những con vật đang ăn cỏ và kêu be be ngoài đồng hay đúng ra là hình dung từ (metaphors) chỉ Dân Thiên Chúa cả trong thời Cựu lẩn Tân Ước ?
Và người Mục Tử nói trên có phải là người chăn chiên, chăn cừu ngoài đồng cỏ hay cũng là hình dung từ chỉ các giáo sĩ như Giáo hoàng, Giám mục và Linh mục trong trong nhiệm vụ coi sóc dân Chúa ngày nay trong Giáo Hội? Ngôn từ và hình ảnh này đã được chính Chúa Giêsu dùng trước đây để nói lên tương quan gần gũi thân tình giữa Chúa và dân được cứu chuộc nhờ máu của Người đổ ra trên thập giá. Ngôn từ và hình ảnh ấy được Chúa trao lại cho các Tông Đồ và những người kế tục Sứ Vụ rao giảng Tin Mừng và cử hành các bí tích cứu độ. Vậy tại sao lại đòi thay đổi ?
Đòi hỏi như vậy có phù hợp với Lời Chúa trong Kinh Thánh và áp dụng mục vụ của Giáo Hội ngày nay không? .
Tóm lại, khi đòi hỏi hay phê bình Giáo Hội về vấn đề gì thì thiết yếu phải có thành tâm thiện chí và kiến thức phải dựa trên những dữ kiện căn bản hợp lý. Không thể dựa vào cảm quan hay thiên kiến của mình để nói vung vít thiếu nền tảng giáo lý, thần học, Kinh Thánh và Truyền thống là những tiêu chuẩn phải dựa khi suy tư về Giáo Hội
Không ai ngăn cấm giáo dân góp ý xây dựng Giáo Hội, nhưng góp Ý xây dựng khác với phê bình chỉ trích vô căn cớ, chỉ gây hoang mang hiểu lầm và gương xấu.
Không nên vì cung cách cư xử hay đời sống của một thiểu số giáo sĩ nào đó mà có thành kiến chung với tập thể giáo sĩ, tu sĩ cũng như với Giáo Hội nói chung.
Ước mong những điều giải thích trên đây của tôi giúp quí độc giả bốn phương hiểu rõ vấn đề khúc mắc đang được đặt ra trên báo chí, truyền thông ở vài nơi trong và ngoài Việtnam..
LM. Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn (Houston, Texas)

28 thg 6, 2019

Anh là tảng đá (29.6.2019 – Lễ thánh Phêrô và thánh Phaolô, tông đồ)

Lời Chúa: Mt 16, 13-19
13 Khi Đức Giê-su đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai? “14 Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ.”15 Đức Giê-su lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? “16 Ông Si-môn Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.”17 Đức Giê-su nói với ông: “Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.18 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.19 Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.”
Suy nim:
Trong ngày lễ kính thánh Phêrô và thánh Phaolô,
chúng ta được mời gọi chiêm ngắm hai khuôn mặt,
rất khác nhau mà cũng rất giống nhau.
Phêrô, một người đánh cá ít học, đã lập gia đình.
Ông theo Thầy Giêsu ngay từ buổi đầu sứ vụ.
Còn Phaolô là người có nhiều điều để tự hào,
về gia thế, về học thức, về đời sống đạo hạnh.
Ông chưa hề gặp mặt Ðức Giêsu khi Ngài còn sống.
Nhưng hai ông có nhiều nét tương đồng.
Cả hai đều được Ðức Giêsu gọi.
Phêrô được gọi khi ông đang thả lưới bắt cá nuôi vợ con.
Phaolô được gọi khi ông hung hăng tiến vào Ðamát.
Cả hai đã từ bỏ tất cả để theo Ngài.
Tất cả của Phêrô là gia đình và nghề nghiệp.
Tất cả của Phaolô là những gì ông cậy dựa vênh vang.
Bỏ tất cả là chấp nhận bấp bênh, tay trắng.
Cả hai đều đã từng có lần vấp ngã.
Vấp ngã bất ngờ sau khi theo Thầy như Phêrô,
trong một phút giây quá tự tin vào sức mình.
Ngã ngựa bất ngờ và trở nên mù lòa như Phaolô,
trong lúc tưởng mình sáng mắt và đi đúng hướng.
Vấp ngã nào cũng đau và in một dấu không phai.
Vấp ngã bẻ lái đưa con người đi vào hướng mới.
Phêrô và Phaolô đều yêu Ðức Giêsu cách nồng nhiệt,
vì họ cảm nhận sâu xa mình được Ngài yêu.
“Này anh Simon, anh có mến Thầy không?
Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” (Ga 21,16)
Cả Phaolô cũng yêu Ðấng ông chưa hề chung sống,
vì Ngài là “Con Thiên Chúa,
Ðấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi.” (Gl 2, 20)
Phaolô đã không ngần ngại khẳng định:
Không gì có thể tách được chúng ta
ra khỏi Tình Yêu của Ðức Kitô (x. Rm 8, 35.39)
Tình yêu Ðức Kitô là linh hồn của đời truyền giáo,
vì nói cho cùng truyền giáo chính là
giúp người khác nhận ra và yêu mến
Ðấng đã yêu tôi và yêu cả nhân loại.
Cả hai vị tông đồ đều hăng say rao giảng,
bất chấp muôn vàn nguy hiểm khổ đau.
Phêrô đã từng chịu đòn vọt ngục tù (x. Cv 5,40)
Còn nỗi đau của Phaolô thì không sao kể xiết (x. 2C 11, 23-28).
“Tôi mang trên mình tôi những thương tích của Ðức Giêsu” (Gl 6, 1-7)
Cả hai vị đã chết như Thầy.
Phêrô bị dẫn đến nơi ông chẳng muốn (x. Ga 21, 18).
Phaolô đã chiến đấu anh dũng cho đến cùng,
và đã đổ máu ra làm lễ tế (x. 2Tm 4, 6).
Hội Thánh hôm nay vẫn cần những Phêrô và Phaolô mới,
dám bỏ, dám theo và dám yêu
dám sống và dám chết cho Ðức Kitô và Tin Mừng.
Hội Thánh vẫn cần những chiếc cột và những tảng đá.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa,
chúng con không hiểu tại sao Chúa chọn Simon,
một người đánh cá ít học và đã lập gia đình,
để làm vị Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo Hội.
Chúa xây dựng Giáo Hội
trên một tảng đá mong manh,
để ai nấy ngất ngây trước quyền năng của Chúa.
Hôm nay Chúa cũng gọi chúng con
theo Chúa, sống cho Chúa,
đặt Chúa lên trên mọi sự:
gia đình, sự nghiệp, người yêu.
Chúng con chẳng thể nào từ chối
viện cớ mình kém đức kém tài.
Chúa đưa chúng con đi xa hơn,
đến những nơi bất ngờ,
vì Chúa cần chúng con ở đó.
Xin cho chúng con một chút liều lĩnh của Simon,
bỏ mái nhà êm ấm để lên đường,
hạnh phúc vì biết mình đang đi sau Chúa. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

27 thg 6, 2019

Mừng rỡ vác lên vai (28.6.2019 – Thứ sáu, Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu)

Lời Chúa: Lc 15, 3-7
Khi ấy, Ðức Giêsu kể cho dân chúng dụ ngôn này: “Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: ‘Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó.’ Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.”
Suy nim:
Dụ ngôn về con chiên bị lạc mất được đọc trong lễ Thánh Tâm. 
Đức Giêsu nói dụ ngôn đơn sơ này 
vì thấy những người Pharisêu và các kinh sư khó chịu 
khi Ngài đón tiếp các tội nhân và hồn nhiên ăn uống với họ. 
Ngài không xa lánh họ vì họ dám đến gần Người để nghe (Lc 15, 1-2). 
Từ nơi Đức Giêsu toát ra một sự hấp dẫn những ai bị xã hội loại trừ. 
Họ biết mình được Ngài yêu thương đón nhận. 
Họ biết mình có chỗ trong trái tim nhân hậu của Ngài.
Dụ ngôn con chiên bị mất là dụ ngôn về một trái tim. 
Trái tim nhói đau của người có đàn chiên một trăm con, và mất một. 
Anh không coi nhẹ sự mất mát này, vì anh quý từng con chiên. 
Con chiên bị lạc mất làm anh nặng lòng, không yên, 
dù một con trong đàn chiên trăm con có thể chẳng là gì cả. 
Trái tim nhói đau cũng là trái tim tìm kiếm. 
Để tìm kiếm, anh phải để lại chín mươi chín con kia trong hoang địa. 
Có thể anh phải gửi đàn chiên mình cho người bạn chăn nuôi. 
Lòng của anh bây giờ tập trung hoàn toàn vào con chiên lạc mất, 
đến độ có vẻ như anh bỏ rơi những con còn  lại. 
Ta chẳng rõ anh đi tìm ở những nơi nào và bao lâu. 
Hẳn anh đã đến mọi nơi mà con chiên này có thể ẩn nấp. 
Điều chắc chắn là anh đã muốn tìm nó cho kỳ được (c. 4). 
Anh không muốn bỏ dở nửa chừng cuộc tìm kiếm vất vả này.
Trái tim âu lo tìm kiếm cũng là trái tim nhảy mừng khi tìm thấy. 
Thấy bóng dáng con chiên lạc từ một hố sâu, 
hay nghe tiếng kêu quen thuộc của nó từ bụi rậm, 
điều đó làm anh quên hết mọi nhọc nhằn. 
Niềm vui rộn lên trong lòng anh. 
Cách anh biểu hiện niềm vui là vác con chiên tìm thấy trên vai, 
và để nó ngang đầu mình, mặt mình. 
Có thể anh không muốn dắt nó đi vì anh sợ nó mệt, 
thay vì anh không muốn mất nó một lần nữa.
Trái tim nhảy mừng cũng là trái tim muốn chia sẻ niềm vui. 
Khi về nhà, anh đã mời bạn bè, hàng xóm lại và nói với họ: 
“Hãy chung vui với tôi, vì tôi đã tìm thấy con chiên bị mất” (c. 6). 
Niềm vui lớn quá nên không thể giữ riêng trong lòng mình được. 
Niềm vui đòi nói ra, đòi chia sẻ để được nhân lên.
Trái tim của Đức Giêsu là trái tim của người chăn chiên, 
buồn khi mất chiên, vất vả đi tìm và nhảy mừng khi tìm thấy. 
Khi ngồi ăn với những tội nhân trên đường hoán cải, 
Đức Giêsu nếm trải niềm vui tột độ của người tìm được chiên. 
Tiếc thay những người Pharisêu không muốn chung vui với Ngài. 
Họ không hiểu được niềm vui của cả thiên đàng khi một tội nhân hoán cải. 
Đơn giản vì Thiên Chúa quý từng người và không muốn mất một ai. 
Chỉ mong mỗi linh mục có trái tim của Giêsu, người mục tử nhân hậu.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa, 
xin cho con quả tim của Chúa.
Xin cho con đừng khép lại trên chính mình, 
nhưng xin cho quả tim con quảng đại như Chúa 
vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường 
để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ. 
Xin cho con vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen, 
mọi trả thù ti tiện.
Xin cho con cứ luôn bình an, trong sáng, 
không một biến cố nào làm xáo trộn, 
không một đam mê nào khuấy động hồn con.
Xin cho con đừng quá vui khi thành công, 
cũng đừng quá bối rối khi gặp lời chỉ trích. 
Xin cho quả tim con đủ lớn 
để yêu người con không ưa. 
Xin cho vòng tay con luôn rộng mở 
để có thể ôm cả những người thù ghét con.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.