31 thg 10, 2018

Nước trời là của họ (01.11.2018 – Lễ Các thánh nam nữ)

Lời Chúa: Mt 5, 1-12a
1 Thấy đám đông, Đức Giê-su lên núi.
Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên.
2 Người mở miệng dạy họ rằng:3 “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó,
vì Nước Trời là của họ.
4 Phúc thay ai hiền lành,
vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.
5 Phúc thay ai sầu khổ,
vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.
6 Phúc thay ai khát khao nên người công chính,
vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.
7 Phúc thay ai xót thương người,
vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
8 Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch,
vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
9 Phúc thay ai xây dựng hoà bình,
vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
10 Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính,
vì Nước Trời là của họ.
11 Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả,
bách hại và vu khống đủ điều xấu xa.
12 Anh em hãy vui mừng hớn hở,
vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.
Suy nim:
Nếu chúng ta được lên trời để thăm các thánh,
hẳn chúng ta sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước sự đa dạng.
Các thánh không phải chỉ là những vị được tôn phong,
mà là tất cả những ai đang hưởng hạnh phúc trên trời.
Các thánh thật khác nhau về nhiều mặt:
giới tính, tuổi tác, màu da, tiếng nói, nghề nghiệp,
hoàn cảnh, thời đại, bậc sống, khả năng, tính tình…
Có người không biết viết như thánh nữ Catarina Siêna.
Có người đậu tiến sĩ triết hạng tối ưu như thánh Edith Stein.
Có người làm bao phép lạ phi thường như ngôn sứ Êlia.
Có người sống âm thầm như chị Têrêsa nhỏ.
Nói chung chẳng gì có thể ngăn cản chúng ta nên thánh,
vì Thiên Chúa muốn mọi người nên thánh chẳng trừ ai.
Các mối phúc là con đường nên thánh.
Con đường này chính Ðức Kitô đã đi và mời ta cùng đi.
Ngài mời ta có tâm hồn nghèo khó, hiền lành,
nghĩa là hoàn toàn tín thác vào một mình Thiên Chúa,
có lòng khát khao sự công chính, chỉ mong làm trọn ý Ngài.
Trong tương quan với tha nhân, Ðức Kitô mời ta
có lòng thương xót, biết đau nỗi đau của người khác,
có tâm hồn trong sạch, nghĩa là sống ngay thẳng, chân thành,
có tinh thần xây dựng hòa bình và công bằng xã hội,
nghĩa là chăm lo phát triển toàn diện từng người và mọi người.
Sống các mối phúc trên là chấp nhận mối phúc bị bách hại.
Mỗi vị thánh đều sống nổi bật trong một số mối phúc.
Họ đã nếm phần nào hạnh phúc từ đời này
trước khi hưởng hạnh phúc trọn vẹn bền vững trên trời.
Chúng ta thường nghĩ nên thánh là chuyện cao siêu
dành cho một thiểu số hết sức đặc biệt.
Thật ra mọi Kitô hữu đều được mời gọi nên thánh.
“Các con hãy nên trọn lành như Cha trên trời.”Chỉ Thiên Chúa mới là nguồn mọi sự thánh thiện.
Ngài mời chúng ta chia sẻ sự thánh thiện của Ngài.
Nên thánh là đáp trả lời mời đó.
Khi chiêm ngắm các thánh, ta có thể hiểu nên thánh là gì.
Nên thánh là để cho tình yêu chi phối toàn bộ cuộc sống,
là ra khỏi cái tôi hẹp hòi của mình
đẻ sống hết tình cho Thiên Chúa và tha nhân.
Nên thánh là luôn lắng nghe tiếng Chúa
và trung thành đáp lại trong giây phút hiện tại.
Nên thánh là yêu mến cuộc sống mà Chúa tặng trao,
là để cho Chúa yêu mình, nắm tay mình,
dắt mình vào thế giới riêng tư của Chúa.
Nên thánh là thuộc trọn về Chúa và về anh em,
là để Chúa dần dần chiếm lấy mọi chỗ của đời mình.
Chúa mời tôi nên thánh với con người và hoàn cảnh riêng.
với sa ngã của quá khứ và mỏng giòn của hiện tại,
với cái dằm vẫn thường xuyên làm tôi nhức nhối.
Chúa muốn tôi nên thánh với mặt mạnh, mặt yếu của tôi.
Ước gì đời tôi vén mở một nét nào đó của Chúa.
Cầu nguyn:
Lạy Cha,
con phó mặc con cho Cha,
xin dùng con tùy sở thích Cha.
Cha dùng con làm chi, con cũng xin cảm ơn.
Con luôn sẵn sàng, con đón nhận tất cả.
Miễn là ý Cha thực hiện nơi con
và nơi mọi loài Cha tạo dựng,
thì, lạy Cha, con không ước muốn chi khác nữa.
Con trao linh hồn con về tay Cha.
Con dâng linh hồn con cho Cha,
lạy Chúa Trời của con,
với tất cả tình yêu của lòng con,
Vì con yêu mến Cha,
vì lòng yêu mến
thúc đẩy con phó dâng mình cho Cha,
thúc đẩy con trao trọn bản thân về tay Cha,
không so đo,
với một lòng tin cậy vô biên,
vì Cha là Cha của con.
(Chân phước Charles de Foucauld)
  Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

30 thg 10, 2018

Cửa hẹp (31.10.2018 – Thứ tư Tuần 30 Thường niên)

Lời Chúa: Lc 13, 22-30
Hồi ấy, trên đường lên Giêrusalem, Ðức Giêsu đi ngang qua các thành thị và làng mạc mà giảng dạy. Có kẻ hỏi Người: “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?” Người bảo họ: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được. Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khoá cửa lại, mà anh em còn đứng ở ngoài, bắt đầu gõ cửa và nói: ‘Thưa ngài, xin mở cho chúng tôi vào!’, thì ông sẽ bảo anh em: ‘Các anh đấy ư? Ta không biết các anh từ đâu đến!’ Bấy giờ anh em mới nói: ‘Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi’. Nhưng ông sẽ đáp với anh em: ‘Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!’. Ở đó anh em sẽ khóc lóc nghiến răng, khi thấy các ông Ápraham, Ixaác và Giacóp cùng tất cả các ngôn sứ được ở trong Nước Thiên Chúa, còn mình lại bị đuổi ra ngoài. Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa. Và kìa có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót.”
Suy nim:
Cuộc đời thật ra gồm nhiều cửa hẹp. 
Cửa hẹp khi thi vào đại học. 
Cửa hẹp khi đi xin việc làm. 
Cửa hẹp khi muốn đưa trái banh vào lưới. 
Sống là phấn đấu bước qua nhiều cửa hẹp.
Cửa càng hẹp, càng phải cố gắng nhiều. 
Cửa hẹp mà vào được mới quý. 
Nếu thiên đàng có cửa, 
thì hẳn vào cửa thiên đàng chẳng phải như dạo chơi. 
“Hãy chiến đấu để vào qua cửa hẹp” (Lc 13,24), 
vì “cửa hẹp dẫn đến sự sống” (Mt 7,14).
Chiến đấu ở đây là chiến đấu với chính mình, 
với cái tôi cồng kềnh của mình, 
nặng nề vì những vun vén cá nhân, 
phình to vì tự hào và tham vọng. 
Thật ra cửa vào sự sống không hẹp 
nhưng hẹp vì cái tôi của tôi to quá. 
Cần nỗ lực liên tục để giữ cho cái tôi nhỏ lại, 
khiêm hạ trước Thiên Chúa, cởi mở trước anh em. 
Cần có một cái tôi như trẻ thơ 
mới được vào Nước Trời (Mt 18,3). 
Cái tôi của chúng ta luôn có khuynh hướng bành trướng 
nhờ thu tích nơi mình tri thức, tiền bạc, khả năng. 
Cả kinh nghiệm, tuổi tác, đạo đức, chức vụ, 
cũng có thể làm cái tôi xơ cứng và khép lại. 
Ðể “người lớn” trở nên hồn hậu như trẻ thơ, 
cần phải biến đổi và tự hạ (x. Mt 18,3-4). 
Ðây thật là một cuộc chiến với chính mình. 
Khi hủy mình ra không, ta sẽ dễ đi qua cửa hẹp.
Nhiều người Do Thái đến chậm, khi cửa đã đóng. 
Họ gõ cửa và đòi vào. 
Họ tưởng thế nào mình cũng có một chỗ nơi bàn tiệc, 
bởi lẽ mình đã từng ngồi đồng bàn với Ðức Giêsu, 
và đã nhiều lần nghe Ngài giảng dạy. 
Tiếc thay, tương quan đó lại quá hời hợt 
đến độ Chúa phải lên tiếng nói với họ: 
“Ta không biết các anh từ đâu đến!”Chúa cũng có thể nói với chúng ta như vậy, 
dù chúng ta đã dự lễ, rước lễ, nghe giảng, tĩnh tâm… 
Chúa vẫn không quen biết chúng ta 
vì chúng ta chẳng để cho Ngài đi vào đời mình. 
Chúng ta vẫn là những người xa lạ trước mắt Chúa.
Ðời sống Kitô hữu là một cuộc chiến đấu liên tục. 
Chiến đấu để qua cửa hẹp nhờ bỏ cái tôi ích kỷ. 
Chiến đấu để vào trước khi cửa đóng lại. 
Cứu độ là một ơn Chúa ban, 
nhưng ta phải nỗ lực mới dám đưa tay đón nhận. 
Ước gì chúng ta đừng tự hào vì đã biết Chúa, 
nhưng phải làm sao để Chúa biết ta và reo lên: 
“Ðây là đầy tớ tốt lành và trung tín.”
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con dám hành động
theo những đòi hỏi khắt khe nhất của Chúa.
Xin dạy con biết theo Chúa vô điều kiện,
vì xác tín rằng
Chúa ngàn lần khôn ngoan hơn con,
Chúa ngàn lần quảng đại hơn con,
và Chúa yêu con hơn cả chính con yêu con.
Lạy Chúa Giêsu trên thập giá,
xin cho con dám liều theo Chúa
mà không tính toán thiệt hơn,
anh hùng vượt trên mọi nỗi sợ,
can đảm lướt thắng sự yếu đuối của quả tim,
và ném mình trọn vẹn cho sự quan phòng của Chúa.
Ước gì khi dâng lên Chúa
những hy sinh làm cho tim con rướm máu,
con cảm nghiệm được niềm vui bất diệt
của người một lòng theo Chúa.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

29 thg 10, 2018

❖ Nên mừng lễ Halloween theo ý nghĩa ban đầu của nó


Bạn thân mến,
Thú thật tôi chưa tham gia lễ hội Halloween bao giờ, nên chưa biết nó rùng rợn và thú vị đến mức nào. Nhưng vào những ngày cuối tháng 10, chúng ta dễ bắt gặp những người hóa trang lạ thường, khiếp đảm không chỉ với con nít mà cả với người lớn nữa. Khi thấy những điều ấy, người ta biết ngay chúng xuất phát từ lễ hội hóa trang Halloween.
Điều ngạc nhiên đối với các tín hữu là nguồn gốc của lễ hội này bắt nguồn từ Kitô giáo. Halloween là cách viết khác của cụm từ “All Hallows Eve”, nghĩa là “Lễ Vọng Các Thánh”. Theo đó, người Kitô hữu chuẩn bị tâm hồn hướng lòng mình đến ngày lễ Các Thánh được Giáo Hội cử hành long trọng vào mùng 1 tháng 11, để chung vui với những người đã khuất đang hưởng nhan thánh Chúa. Cả ngày lễ vọng và ngày lễ chính đều được cử hành từ đầu thế kỷ VIII. Hai lễ này được ĐGH Grêgôriô III thiết lập ở Rôma; một thế kỷ sau, ĐGH Grêgôriô IV mở rộng cho cả Giáo Hội.
 Là lễ vọng các thánh, dĩ nhiên Giáo Hội không có những nghi thức hóa trang, giả dạng ma quỷ hay rước quỷ ma vào nhà. Đó là những phát sinh xa đà sau này, khi người ta “quên” đi nguồn gốc ban đầu của ngày lễ. Đầu tiên phải kể đến văn hóa của người dân Celtic. Họ là một nhóm đa dạng các bộ lạc, bộ tộc sống vào  thời Trung Cổ ở Châu Âu. Sau khi thu hoạch mùa xong, họ thường đốt lửa ăn mừng (như lửa trại vậy) để nhảy múa thâu đêm. Họ thường chạm trổ củ cải đỏ (ngày nay dùng quả bí ngô). Trong ngày lễ này, người ta đi từ nhà này sang nhà khác để ca hát và nhận quà.
Vả lại, quỷ ma hay thế giới huyền bí cũng xuất phát từ thế giới Công giáo. Trong Tin Mừng chúng ta thường nghe Chúa Giêsu bị ma quỷ cám dỗ, Người trừ quỷ và nhất là Người đã chiến thắng thần chết khi Người phục sinh. Cần phải thêm rằng ngày xưa người Công giáo tin rằng vào thời điểm nào đó trong năm, tấm màn ngăn cách thế gian với luyện ngục, thiên đàng, và cả hỏa ngục, trở nên mỏng manh hơn, các linh hồn nơi luyện ngục và ma quỷ có thể được nhìn thấy!
Vậy nguồn gốc tốt đẹp như thế tại sao chúng ta lại bài trừ! Thực ra, đó là những cuộc phản đối của những người muốn chống lại Giáo Hội. Vào thời Cải cách ở Anh quốc thế kỷ 17, luật pháp cấm họ cử hành lễ Vọng Các Thánh và cả lễ Giáng Sinh nữa. Cuộc chống đối ấy sớm rơi vào quên lãng và Lễ Vọng Các Thánh – Halloween – tiếp tục được cử hành. Tuy nhiên một vấn đề phát sinh là người ta sáng tạo ra nhiều thứ trong ngày lễ này khiến nó dần mất đi ý nghĩa thánh thiêng. Trước sự hấp dẫn của ngày lễ này, thị trường thương mại nhảy vào nhằm đáp ứng những nhu cầu hóa trang, thị hiếu của người dân, nhất là của giới trẻ về một thế giới quỷ ma huyền bí. Hơn nữa, có nhiều phim kinh dị, nhất là phim bạo lực hồi thập niên 1970 và 1980, làm cho lễ hội Halloween mang tiếng xấu. Bởi đó người chống Kitô giáo lại có dịp phản đối ngày lễ này vì cho rằng lễ hội Halloween là “đêm của ma quỷ”. Cuối thập niên 1990 (ngày nay cũng vậy), nhiều cha mẹ Công giáo cấm con cái tham gia lễ hội Halloween. Thực ra cha mẹ có lý vì không muốn con cái của họ tiếp xúc với những hóa trang khiếp khủng ấy.
Thực ra lễ hội Halloween dường như cũng chung số phận với lễ hội Giáng sinh khi người ta lạm dụng để thương mại, để vui chơi hơn là chú tâm vào ý nghĩa ban đầu của nó. Thực vậy, thay vì mừng “Bữa Tiệc Lễ Các Thánh”, ngày nay người ta mừng đón ma quỷ ác thần. Thay vì ăn mặc giống các vị thánh, họ hóa trang thành những người kinh dị. Thay vì có những nghi thức giúp người ta hướng đến Thiên Đàng, họ lại tạo ra những thứ liên quan đến Hỏa Ngục, vân vân và vân vân. Do đó, ngày nay nhiều giáo xứ trở về nguồn của ngày lễ này bằng những lễ hội lành mạnh. Họ hóa trang thành những nhân vật trong Kinh Thánh. Họ hát thánh ca mừng các thánh và họ nhắc nhở nhau về một thế giới vĩnh hằng, Nước Thiên Chúa đang chờ đón họ. Để ngày hôm sau, ai ai cũng thấy được niềm vui của Các Thánh trên Thiên đàng.
Như vậy, chúng ta thấy nhiều người chống đối Halloween vì nó đi quá xa với ý nghĩa ban đầu. Người ta lạm dụng hóa trang kinh tởm, hành động kỳ dị. Trong ý hướng này, chúng ta không nên theo bởi tính bạo lực của nó. Ngược lại, trong ngày lễ Vọng Các Thánh, chúng ta cùng nhau tạo một không gian lành thánh cho các em, cho người trẻ và cộng đoàn. Nơi đó, cũng như đêm vọng Phục Sinh, chúng ta chờ mong mừng ngày Lễ Các Thánh. Ngày đó quan trọng vì chúng ta được chung vui với các thánh là những ông bà tổ tiên của chúng ta được hạnh phúc trong Nước Thiên Đàng.
Chúc các bạn một ngày Halloween lành thánh và vui tươi!
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

Lớn lên và trở thành (30.10.2018 – Thứ ba Tuần 30 Thường niên)


Lời Chúa: Lc 13, 18-21
18 Vậy Người nói: “Nước Thiên Chúa giống cái gì đây? Tôi phải ví Nước ấy với cái gì?19 Nước Thiên Chúa giống như chuyện một hạt cải người nọ lấy gieo trong vườn mình. Nó lớn lên và trở thành cây, chim trời làm tổ trên cành được.”20 Người lại nói: “Tôi phải ví Nước Thiên Chúa với cái gì?21 Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.”

Suy niệm:
Hai dụ ngôn trên đây tỏ ra lạc quan và hy vọng. 
Nước Thiên Chúa đã được Đức Giêsu khai mở và loan báo. 
Nước ấy cần có thời gian để lớn lên, để tác động trên con người. 
Chắc chắn kết quả cuối cùng sẽ rất tốt đẹp.
Một người đàn ông ném vào khu vườn của mình một hạt cải nhỏ bé. 
Ông có ước mơ mong mỏi gì không? 
Vậy mà theo thời gian, hạt cải ấy đã lớn lên và trở thành một cây. 
Cây vững đến nỗi chim trời đến làm tổ trên cành của nó được (c. 19). 
Đức Giêsu muốn làm nổi bật sự phát triển mạnh mẽ của Nước Trời. 
“Lớn lên và trở thành” là một tiến trình do Thiên Chúa dẫn dắt. 
Bất chấp những khó khăn trong hiện tại, Nước Trời vẫn cứ lớn lên, 
để rồi sẽ là nơi trú ngụ cho nhiều người ở khắp nơi tìm đến.
Một phụ nữ lấy men và vùi nó vào một lượng bột rất lớn. 
Men không nhiều, lại được vùi sâu, nên có vẻ như không hiện hữu. 
Nhưng trong thực tế, men đã có đó rồi và đang tác động trên bột. 
Với thời gian, men làm cả khối bột dậy men. 
Bấy giờ sức biến đổi của men mới được mọi người nhận biết. 
Khối bột lên men đã sẵn sàng trở nên những ổ bánh ngon lành. 
Đức Giêsu làm nổi bật sức mạnh của Nước Thiên Chúa 
trong việc biến đổi thế giới này từ bên trong. 
Chính sự tiếp xúc trực tiếp, sự thâm nhập của men vào bột 
đã tạo ra sự biến đổi kỳ diệu ấy.
Những lời giảng của Đức Giêsu đã vang lên từ hai mươi thế kỷ. 
Nước Thiên Chúa đã được Ngài khai mở và vun trồng mãi đến nay. 
Kitô giáo vẫn là một tôn giáo lớn, chiếm một phần ba dân số thế giới. 
Nhưng có những lúc chúng ta có cảm tưởng như nó bị chựng lại. 
Khi có nhiều nhà thờ phải bán đi vì không có người đi lễ Chúa nhật, 
khi các chủng viện hay dòng tu trở nên vắng vẻ, già nua, 
khi ở nhiều nơi số linh mục thiếu một cách trầm trọng, 
khi tỷ lệ tăng của Kitô hữu không bằng với tỷ lệ tăng của dân số thế giới. 
Kitô giáo có tương lai không? Kitô giáo có thể bị tàn lụi không? 
Những câu hỏi đó làm nhiều người bận tâm và lo lắng. 
Hai dụ ngôn của Đức Giêsu hôm nay đem lại cho ta niềm lạc quan. 
Nhưng đó không phải là thứ lạc quan vô trách nhiệm. 
Làm cho Nước Thiên Chúa lớn lên và thâm nhập vào thế giới hôm nay, 
đó không phải chỉ là chuyện của Thiên Chúa. 
Đó là chuyện của từng Kitô hữu chúng ta. 
Để hạt cải thành cây, cần một chút chăm bón. 
Ai trong chúng ta cũng là một nhúm men nhỏ được vùi trong đống bột, 
đống bột của trường học hay công ty, của một tập thể hay cộng đồng. 
Làm sao để men của chúng ta tạo ra những tác dụng tốt? 
Không cần phải làm những việc lớn lao để thay đổi bộ mặt thế giới. 
Chỉ xin làm một nhúm men nhỏ để đến với những người tôi gặp hôm nay.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xin thương nhìn đến Hội Thánh
là đàn chiên của Chúa.
Xin ban cho Hội Thánh
sự hiệp nhất và yêu thương,
để làm chứng cho Chúa
giữa một thế giới đầy chia rẽ.
Xin cho Hội Thánh
không ngừng lớn lên như hạt lúa.
Xin đừng để khó khăn làm chúng con chùn bước,
đừng để dễ dãi làm chúng con ngủ quên.
Ước gì Hội Thánh trở nên men
được vùi sâu trong khối bột loài người
để bột được dậy lên và trở nên tấm bánh.
Ước gì Hội Thánh thành cây to bóng rợp
để chim trời muôn phương rủ nhau đến làm tổ.
Xin cho Hội Thánh
trở nên bàn tiệc của mọi dân nước,
nơi mọi người được hưởng niềm vui và tự do.
Cuối cùng xin cho chúng con
biết xây dựng một Hội Thánh tuyệt vời,
nhưng vẫn chấp nhận cỏ lùng trong Hội Thánh.
Ước gì khi thấy Hội Thánh ở trần gian,
nhân loại nhận ra Nước Trời ở gần bên. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

28 thg 10, 2018

■ Chúa Nhật XXX Thường Niên B - Ca đoàn Gioan Phaolo II






Đứng thẳng được (29.10.2018 – Thứ hai Tuần 30 Thường niên)

Lời Chúa: Lc 13, 10-17
10 Ngày sa-bát kia, Đức Giê-su giảng dạy trong một hội đường.11 Ở đó, có một phụ nữ bị quỷ làm cho tàn tật đã mười tám năm. Lưng bà còng hẳn xuống và bà không thể nào đứng thẳng lên được.12 Trông thấy bà, Đức Giê-su gọi lại và bảo: “Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền! “13 Rồi Người đặt tay trên bà, tức khắc bà đứng thẳng lên được và tôn vinh Thiên Chúa.14 Ông trưởng hội đường tức tối vì Đức Giê-su đã chữa bệnh vào ngày sa-bát. Ông lên tiếng nói với đám đông rằng: “Đã có sáu ngày để làm việc, thì đến mà xin chữa bệnh những ngày đó, đừng có đến vào ngày sa-bát! “15 Chúa đáp: “Những kẻ đạo đức giả kia! Thế ngày sa-bát, ai trong các người lại không cởi dây, dắt bò lừa rời máng cỏ đi uống nước?16 Còn bà này, là con cháu ông Áp-ra-ham, bị Xa-tan trói buộc đã mười tám năm nay, thì chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày sa-bát sao? “17 Nghe Người nói thế, tất cả những kẻ chống đối Người lấy làm xấu hổ, còn toàn thể đám đông thì vui mừng vì mọi việc hiển hách Người đã thực hiện.
Suy niệm:
Trong dòng tiến hóa từ vượn lên đến người, 
có một thay đổi bên ngoài khá rõ nét. 
Càng tiến hóa thì lưng con vật càng thẳng hơn. 
Khi con người có thể đứng thẳng, tầm nhìn sẽ rộng hơn, xa hơn. 
Hai chi trước được tự do nên có thể làm được nhiều điều phức tạp. 
Đứng thẳng đúng là một nét đặc trưng của con người.
Người phụ nữ trong bài Tin Mừng hôm nay bị còng lưng đã lâu. 
Mười tám năm không thể nào đứng thẳng lên được (c. 11). 
Lưng bà còng hẳn xuống khiến tầm nhìn của bà bị giới hạn. 
Có lẽ bà chỉ nhìn thấy mảnh đất nhỏ trước mặt hơn là thấy bầu trời cao. 
Bệnh này thật khó chịu, khiến bà đi đứng khó khăn. 
Vậy mà bà vẫn có mặt ở hội đường vào ngày sabát, khi Đức Giêsu giảng. 
Dù bà thấp vì còng lưng, Ngài vẫn trông thấy bà. 
Dù bà chẳng xin gì, Ngài vẫn chủ động gọi để gặp bà (c. 12).
 Đức Giêsu nhìn thấy sự trói buộc do cơn bệnh dai dẳng. 
“Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền.” 
Chữa bệnh chính là đem lại giải thoát cho người phụ nữ. 
Hơn nữa, Đức Giêsu còn đặt tay trên bà như một cử chỉ yêu thương. 
Tức khắc bà còng lưng đã có thể đứng thẳng lên được. 
Điều mơ ước từ mười tám năm, bỗng chốc thành hiện thực. 
Bà có thể nhìn thấy bầu trời và cất lời tôn vinh Đấng ngự trên đó (c. 13). 
Đức Giêsu coi bệnh của bà như một sự trói buộc của Xatan (c. 16). 
Không phải chỉ là trói buộc bằng dây như người ta cột bò lừa (c. 15), 
mà là trói buộc bằng xiềng xích. 
Chính vào ngày sabát, Đức Giêsu đã cởi xiềng xích đó cho bà, 
để bà được tự do, được đứng thẳng như một người bình thường. 
Bà còng lưng bị trói buộc bởi gánh nặng của bệnh tật. 
Nhưng có bao thứ trói buộc khác làm con người mất tự do. 
Như người phụ nữ này, chúng ta muốn và cố làm cho mình đứng thẳng, 
nhưng hoàn toàn bó tay từ nhiều năm qua. 
Có những thứ trói buộc do tác động bên ngoài, 
|nhưng có thứ xiềng xích do chính chúng ta đúc nên để tự giam mình. 
Tôi bị trói buộc bởi lòng ích kỷ, tham vọng, thèm muốn… 
Chúng ta cần thú nhận mình không tự giải thoát mình được, 
không tự đứng thẳng được, không tự cắt đứt những thứ trói buộc mình. 
Chúng ta cần Đức Giêsu đặt tay của Ngài trên đời ta để ta được tự do.
Đâu phải chỉ người phụ nữ còng lưng mới bị trói buộc. 
Tôi cũng bị trói buộc bởi những giá trị mập mờ của thế tục. 
Làm sao để tôi được tự do với cái cell phone tôi đang dùng, 
với những hình ảnh mà tôi tìm kiếm trên internet, 
với lối sống mà ngày nay bao người coi là đáng ước mơ? 
Xin cho tôi không chỉ cúi xuống nhìn thấy miếng đất be bé trước mặt, 
nhưng có thể ngước lên để thấy bầu trời mênh mông trên cao.
Cầu nguyện:
Chỉ mong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế Người là tất cả của tôi.
Chỉ mong ý muốn trong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế tôi cảm thấy Người ở mọi nơi,
đến với Người trong mọi sự,
và dâng Người tình yêu trong mọi lúc.
Chỉ mong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế tôi không bao giờ muốn tránh gặp Người.
Chỉ mong mọi ràng buộc trong tôi chẳng còn gì,
nhờ đó tôi gắn bó với ý muốn của Người
và thực hiện ý Người trong suốt đời tôi.
(R. Tagore)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.