31 thg 1, 2018

Không được mang gì (1.2.2018 – Thứ Năm Tuần 4 Thường niên)


Lời Chúa: Mc 6, 6b-13
images7 Người gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một. Người ban cho các ông quyền trừ quỷ.8 Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng;9được đi dép, nhưng không được mặc hai áo.10 Người bảo các ông: “Bất cứ ở đâu, khi anh em đã vào nhà nào, thì cứ ở lại đó cho đến lúc ra đi.11 Còn nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ.”12 Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối.13 Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh.
Suy nim:
Đức Giêsu đã chọn nhóm Mười Hai 
để họ ở với Ngài và để được Ngài sai đi rao giảng và trừ quỷ (Mc 3, 14-15). 
Bây giờ, sau một thời gian sống gần gũi bên Thầy, 
đã đến lúc họ được sai đi để làm những điều họ thấy Thầy làm: 
kêu gọi người ta hoán cải, trừ quỷ, xức dầu chữa bệnh nhân (cc. 12-13). 
Các môn đệ trở nên cánh tay nối dài của Thầy. 
Họ được Thầy Giêsu tin tưởng cho chia sẻ cùng một sứ mạng.
Các môn đệ mang gì khi lên đường? 
Một lệnh sai đi, một người bạn đồng hành, một quyền lực trên thần ô uế. 
Đức Giêsu cho phép họ mang một cái gậy và đôi dép để đi đường xa. 
Tất cả hành trang chỉ có thế! 
Những thứ bị cấm mang khi đi đường 
là những thứ vốn tạo ra sự bảo đảm hay dư thừa không cần thiết: 
lương thực, bao bị, tiền giắt lưng, hai áo trong
Như thế người được sai đi phải hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa lo liệu, 
và phải hoàn toàn cậy dựa vào lòng tốt mỗi ngày của tha nhân.
Nhẹ nhàng, đơn sơ là thái độ của người luôn sẵn sàng ra đi. 
Siêu thoát, vô vị lợi là thái độ của người không dính bén với vật chất. 
Người tông đồ cũng không dính bén đến cơ sở hay tiện nghi. 
Họ không tìm cách đổi chỗ ở để có chỗ tốt hơn (c. 10). 
Hơn nữa họ chấp nhận sự thất bại, sự từ chối không muốn đón tiếp (c.11), 
vì chính Thầy của họ cũng đã chịu cảnh ngộ tương tự ở quê nhà.
Nhóm Mười Hai đã ra đi theo lệnh Thầy Giêsu 
và đã làm được những điều họ không dám mơ (cc. 12-13). 
Họ đã học được kinh nghiệm về tin tưởng, khó nghèo, siêu thoát. 
Họ đã thấy sức mạnh của Nước Trời đang thu hẹp lại mảnh đất của Satan. 
Họ đã đem lại niềm vui cho bệnh nhân và người khao khát Tin Mừng.
Giáo Hội mọi thời vẫn được nhắc nhở từ đoạn Lời Chúa trên đây. 
Chẳng ai giữ từng chữ của bản văn, nhưng tinh thần thì không được bỏ. 
Sự nhẹ nhàng, cơ động của một Giáo Hội đến phục vụ con người, 
luôn kéo chúng ta ra khỏi những nặng nề, trì trệ dễ vướng phải. 
Hôm nay Chúa cho phép tôi được mang gì 
và cấm tôi mang gì?
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu, 
xin sai chúng con lên đuờng 
nhẹ nhàng và thanh thoát, 
không chút cậy dựa vào khả năng bản thân 
hay vào những phương tiện trần thế.
Xin cho chúng con làm đuợc những gì Chúa đã làm: 
rao giảng Tin Mừng, trừ quỷ, 
chữa lành những người ốm đau.
Xin cho chúng con biết chia sẻ Tin Mừng 
với niềm vui của người tìm đuợc viên ngọc quý, 
biết nói về Ngài như nói về một người bạn thân.
Xin ban cho chúng con khả năng 
đẩy lui bóng tối của sự dữ, bất công và sa đọa. 
Xin giúp chúng con lau khô những giọt lệ 
của bao người đau khổ thể xác tinh thần.
Lạy Chúa Giêsu, 
thế giới thật bao la 
mà vòng tay chúng con quá nhỏ. 
Xin dạy chúng con biết nắm lấy tay nhau 
mà tin tưởng lên đuờng, 
nhẹ nhàng và thanh thoát.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

30 thg 1, 2018

Quê quán của Người (31.1.2018 – Thứ Tư Tuần 4 Thường niên)


Lời Chúa: Mc 6, 1-6
1 Đức Giê-su ra khỏi đó và đến nơi quê quán của Người, có các môn đệ đi theo.2 Đến ngày sa-bát, Người bắt đầu giảng dạy trong hội đường. Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên. Họ nói: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì?3 Ông ta không phải là bác thợ, con bà Ma-ri-a, và anh em của các ông Gia-cô-bê, Giô-xết, Giu-đa và Si-môn sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao? ” Và họ vấp ngã vì Người.4 Đức Giê-su bảo họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi.”5Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ.6 Người lấy làm lạ vì họ không tin.
Suy nim:
Chẳng rõ Đức Giêsu đã xa gia đình, xa ngôi làng Nadarét bao lâu rồi. 
Nhưng hôm nay, Ngài lại trở về với hội đường của làng vào ngày sabát. 
Dù sao Ngài đã có danh tiếng trước đám đông, lại có môn đệ đi theo… 
Trở về với hội đường thân quen, Ngài được mời đọc sách thánh và giảng dạy. 
Nghe lời Ngài giảng, nhiều người sửng sốt ngỡ ngàng.
Bởi đâu ông này được như thế? 
Ông được khôn ngoan như vậy nghĩa là làm sao?
Ông làm được những phép lạ như thế nghĩa là gì?”
 (c. 2). 

Những câu hỏi cho thấy người dân Nadarét nhìn nhận 
sự khôn ngoan trong lời giảng và quyền năng trong việc làm 
mà họ bắt gặp nơi con người ông Giêsu, người cùng làng với họ. 
Chỉ có điều là họ nghĩ không ra nguồn gốc của những chuyện đó.
Tại sao họ lại không coi Đức Giêsu là người của Thiên Chúa, 
và coi Thiên Chúa là nguồn gốc mọi khả năng lạ lùng của Ngài? 
Câu trả lời là vì người dân làng đã quá quen với ông Giêsu. 
Họ tự hào biết rất rõ về nghề nghiệp của ông: một bác thợ. 
Họ tự hào biết rất rõ về họ hàng ruột thịt: mẹ và anh chị em của ông, 
những người họ có thể kể tên, những người đang là bà con lối xóm với họ. 
Họ cũng biết rõ quãng đời thơ ấu và trưởng thành của ông Giêsu. 
Chính cái biết này đã ngăn cản 
khiến họ không thể tin ông Giêsu là một ngôn sứ. 
Hay đúng hơn chính vì họ có một hình ảnh rất cao cả về một ngôn sứ 
nên quá khứ bình thường của Đức Giêsu khiến họ không thể tin được.
Người dân Nadarét đã không ngờ mình có người làng cao trọng đến thế: 
một ngôn sứ, một Đấng Kitô, một Thiên Chúa làm người, ở với họ. 
Và họ cũng không ngờ sự cao trọng đó lại được gói trong lớp áo tầm thường, 
không ngờ Đức Giêsu sẽ là người làm cho cả thế giới biết đến Nadarét. 
Làm thế nào chúng ta tránh được sai lầm của người Nadarét xưa? 
Cần tập nhận ra Chúa đến với mình trong cái bình thường của cuộc sống. 
Cần thấy Chúa nơi những người tầm thường mà ta quen gặp mỗi ngày.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
dân làng Nadarét đã không tin Chúa
vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công.
Các môn đệ đã không tin Chúa
khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự.
Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa
chỉ vì Chúa sống như một con người.
Cũng có lúc chúng con không tin Chúa
hiện diện dưới hình bánh mong manh,
nơi một linh mục yếu đuối,
trong một Hội thánh còn nhiều bất toàn.
Dường như Chúa thích ẩn mình
nơi những gì thế gian chê bỏ,
để chúng con tập nhận ra Ngài
bằng con mắt đức tin.
Xin thêm đức tin cho chúng con
để khiêm tốn thấy Ngài
tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống.

29 thg 1, 2018

Đụng đến áo (30.1.2018 – Thứ Ba Tuần 4 Thường niên)


Lời Chúa: Mc 5, 21-43
21 Đức Giê-su xuống thuyền, trở  lại sang bờ bên kia. Một đám rất đông tụ lại quanh Người. Lúc đó, Người đang ở trên bờ Biển Hồ.22 Có một ông trưởng hội đường tên là Gia-ia đi tới. Vừa thấy Đức Giê-su, ông ta sụp xuống dưới chân Người,23 và khẩn khoản nài xin: “Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu thoát và được sống.”24 Người liền ra đi với ông. Một đám rất đông đi theo và chen lấn Người.
25 Có một bà kia bị băng huyết đã mười hai năm,26 bao phen khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc đã nhiều đến tán gia bại sản, mà vẫn tiền mất tật mang, lại còn thêm nặng là khác.27 Được nghe đồn về Đức Giê-su, bà lách qua đám đông, tiến đến phía sau Người, và sờ vào áo của Người.28 Vì bà tự nhủ: “Tôi mà sờ được vào áo Người thôi, là sẽ được cứu.”29 Tức khắc, máu cầm lại, và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh.30 Ngay lúc đó, Đức Giê-su thấy có một năng lực tự nơi mình phát ra, Người liền quay lại giữa đám đông mà hỏi: “Ai đã sờ vào áo tôi? “31 Các môn đệ thưa: “Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy như thế mà Thầy còn hỏi: Ai đã sờ vào tôi? “32 Đức Giê-su ngó quanh để nhìn người phụ nữ đã làm điều đó.33 Bà này sợ phát run lên, vì biết cái gì đã xảy đến cho mình. Bà đến phủ phục trước mặt Người, và nói hết sự thật với Người.34 Người nói với bà ta: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh.”
35 Đức Giê-su còn đang nói, thì có mấy người từ nhà ông trưởng hội đường đến bảo: “Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa? “36 Nhưng Đức Giê-su nghe được câu nói đó, liền bảo ông trưởng hội đường: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi.”37 Rồi Người không cho ai đi theo mình, trừ ông Phê-rô, ông Gia-cô-bê và em ông này là ông Gio-an.38 Các ngài đến nhà ông trưởng hội đường. Đức Giê-su thấy người ta khóc lóc, kêu la ầm ĩ.39 Người bước vào nhà và bảo họ: “Sao lại náo động và khóc lóc như vậy? Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy! “40 Họ chế nhạo Người. Nhưng Người bắt họ ra ngoài hết, rồi dẫn cha mẹ đứa trẻ và những kẻ cùng đi với Người, vào nơi nó đang nằm.41 Người cầm lấy tay nó và nói: “Ta-li-tha kum”, nghĩa là: “Này bé, Thầy truyền cho con: trỗi dậy đi! “42 Lập tức con bé đứng dậy và đi lại được, vì nó đã mười hai tuổi. Và lập tức, người ta kinh ngạc sững sờ.43 Đức Giê-su nghiêm cấm họ không được để một ai biết việc ấy, và bảo họ cho con bé ăn.
Suy nim:
Giữa đám đông chen lấn chung quanh Ðức Giêsu, 
có những người đụng vào áo Ngài. 
Nhưng chỉ có một cái đụng cố ý, 
đụng lén như sợ bị bắt quả tang. 
Ðó là cái đụng của một người phụ nữ, 
mười hai năm mắc bệnh băng huyết, 
mười hai năm tìm thầy chạy thuốc mà không khỏi, 
mười hai năm bị coi là ô nhơ: 
không được đụng đến người khác, 
không được tham dự nghi lễ ở Ðền thờ.
Người phụ nữ đụng vào áo Ðức Giêsu 
bằng tay và bằng lòng tin, 
một lòng tin đơn sơ mà mạnh mẽ. 
“Dầu tôi chỉ đụng vào áo Ngài, tôi sẽ được khỏi.” 
Cái đụng của lòng tin đã cứu bà khỏi bệnh.
Trong đời sống Kitô hữu, 
chúng ta đã nhiều lần đụng vào Chúa. 
Ðụng đến Lời Ngài, đụng đến Mình Máu Thánh Ngài. 
Ðụng bằng tay, bằng miệng, bằng rung động của trái tim. 
Có những lần đụng chạm hời hợt vì thói quen, 
không để lại một âm vang nào, 
không đem lại một biến đổi nào trong cuộc sống. 
Nhưng cũng có lần, như người phụ nữ, 
ta run rẩy đụng vào Ngài, dù biết mình ô nhơ tội lỗi. 
Hay nói đúng hơn, 
vì biết mình ô nhơ tội lỗi mà ta cả dám đụng vào Ngài. 
Ðụng vào Ðấng Thánh để được nên trong sạch.
Chúng ta cần đụng đến Ðức Giêsu mỗi ngày 
và chúng ta cũng cần được Ngài đụng đến. 
Ông trưởng hội đường xin Ngài đặt tay trên con mình. 
Ngài đã cầm tay cô bé để kéo cô ra khỏi cái chết. 
Như con gái của ông trưởng hội đường, 
chúng ta cần được Chúa cầm tay và bảo: “Hãy trỗi dậy.” 
Trỗi dậy khỏi bệnh tật và cái chết. 
Trỗi dậy và đi lại, ăn uống như người bình thường. 
Trỗi dậy và sống vui tươi, tự do như con cái Thiên Chúa.
Hai phép lạ xảy ra nhờ có lòng tin. 
Ðức Giêsu xác nhận lòng tin vững vàng của người phụ nữ: 
“Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con” (c.34). 
Ngài nâng đỡ lòng tin đang chao đảo của Giarô: 
“Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi” (c.36). 
Cần có lòng tin khi đụng chạm Chúa Giêsu. 
Cần nhạy cảm để nhận ra cái đụng nhẹ của Ngài. 
Khi đụng vào Thân Mình Ngài nơi bí tích Thánh Thể, 
ta được mời gọi đụng đến nỗi khổ của anh em, 
là những chi thể của Nhiệm Thể Ngài. 
Khi đụng đến Lời Chúa nơi những trang Tin Mừng, 
ta được mời gọi chạm đến Lời Chúa nơi mọi biến cố. 
Chỉ cần để Chúa đụng đến bạn một lần thôi, 
đời bạn sẽ hoàn toàn đổi mới.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
dân làng Nazareth đã không tin Chúa
vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công.
Các môn đệ đã không tin Chúa
khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự.
Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa
chỉ vì Chúa sống như một con người,
Cũng có lúc chúng con không tin Chúa
hiện diện dưới hình bánh mong manh,
nơi một linh mục yếu đuối,
trong một Hội thánh còn nhiều bất toàn.
Dường như Chúa thích ẩn mình
nơi những gì thế gian chê bỏ,
để chúng con tập nhận ra Ngài
bằng con mắt đức tin.
Xin thêm đức tin cho chúng con
để khiêm tốn thấy Ngài
tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống.
 Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

27 thg 1, 2018

Hãy Xuất Khỏi Người Này (28.01.2018 – Chúa nhật 4 Thường niên B)


Lời Chúa: (Mc 1, 21-28)
Một hôm, 21 Ðức Giêsu và các môn đệ đi vào thành Caphácnaum. Ngay ngày sabát, Người vào hội đường giảng dạy. 22 Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Ðấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư. 23 Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên 24 rằng: “Ông Giêsu Nadarét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Ðấng Thánh của Thiên Chúa!” 25 Nhưng Ðức Giêsu quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!” 26 Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta. 27 Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: “Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có thẩm quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!” 28 Lập tức danh tiếng Ngươi đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Galilê.
 Suy Niệm
Một ông thợ ở Nadarét được mời giảng trong hội đường.
Mác-cô không cho ta biết Ðức Giêsu đã giảng gì.
Chỉ biết nội dung của lời giảng thì mới mẻ,
và cách giảng thì khác hẳn với các kinh sư.
Kinh sư thì giải thích Kinh Thánh với thẩm quyền.
Còn Ðức Giêsu giải thích Kinh Thánh với uy quyền.
Ngài chẳng phải dựa vào sách vở, vào truyền thống có sẵn.
Một cách mới mẻ và đầy uy quyền,
Ðức Giêsu loan báo Triều đại Thiên Chúa đã đến,
triều đại của Xa-tan phải bị đẩy lui.
Quả vậy, sự hiện diện của Ngài trong hội đường ngày hôm ấy
đã khiến cho thần ô uế phải chường mặt ra và khiếp sợ.
Ðức Giêsu ra lệnh: “Hãy câm đi và xuất khỏi người này.”
Thần ô uế chẳng muốn từ bỏ căn nhà nó đã ở.
Nó chỉ ra sau khi đã vật vã người ấy và thét lên.
Ðức Giêsu đã chiến thắng và giải phóng ta khỏi nô lệ.
Ngài khai mở Nước Thiên Chúa trên mặt đất.
Nhưng cuộc chiến với Xa-tan còn kéo dài đến tận thế.
Chúng ta phải cộng tác để Nước Chúa mau thành tựu.
Quỷ thường được vẽ như một con vật xấu xí đáng sợ.
Nếu thế thì ta rất dễ nhận ra nó,
và nó cũng khó lòng cám dỗ được ta.
Trong thực tế, quỷ mang dáng dấp xinh đẹp và hấp dẫn.
Nó tấn công ta bằng những thủ đoạn tinh tế, ngọt ngào.
Nó nắm rõ điểm yếu nhất của từng cá nhân, tập thể.
Xưa nay, người bị quỷ nhập thực sự chắc không nhiều.
Nhưng hẳn nhiều người bị quỷ lèo lái mà không biết.
Kitô giáo không bịa ra quỷ để hù dọa tín đồ.
Quỷ là những mãnh lực xấu xa, cố kéo ta xa Chúa.
Chúng chống lại Thiên Chúa và hạnh phúc đích thực của con người.
Quỷ phỉnh phờ con người bằng thứ hạnh phúc giả tạo.
“Nếu ông sấp mình thờ lạy tôi, tôi sẽ cho tất cả”.
Làm gì có hạnh phúc vững bền khi ta quay lưng với Thiên Chúa!
Chúng ta tự hào mình không bị quỷ ám.
Nhưng thế giới hôm nay vẫn bị ám ảnh bởi nhiều thứ khác:
tham vọng và dục vọng, sợ hãi và oán thù, ích kỷ và hưởng thụ…
Có những điều vốn không xấu cũng trở thành ngẫu tượng:
tiền bạc, tiện nghi, thời trang, công việc làm ăn, phim ảnh…
Cái ám nào cũng làm ta bớt tự do, bớt là mình.
Cái ám từ ngoài vào, ở lại trong ta và không chịu ra.
Cái ám khi trở thành tuyệt đối thì làm ta trở nên ô uế.
Nó bắt ta phải nghĩ, phải sống như theo một lập trình.
Ta không thể làm khác, không thắng được bản năng và thói quen.
Ta thấy mình bất lực, nên cần Ðấng Thánh của Thiên Chúa.
“Hãy xuất ra khỏi người này”:
Hôm nay Chúa muốn nói với tà thần ở trong tôi như vậy.
Tôi cầu xin Ngài trục xuất khỏi tôi điều gì?
“Hãy xuất ra khỏi thế giới này”:
Nhờ ơn Chúa, tôi cũng phải ra lệnh cho ma quỷ như vậy.
Cầu Nguyện
Lạy Cha,
thế giới hôm nay cũng như hôm qua
vẫn có những người bơ vơ lạc hướng
   vì không tìm được một người để tin;
vẫn có những người đã chết từ lâu
   mà vẫn tưởng mình đang sống;
vẫn có những người bị ám ảnh bởi thần ô uế,
    ô uế của bạc tiền, của tình dục, của tiếng tăm;
vẫn có những người mang đủ thứ bệnh hoạn,
    bệnh hoạn trong lối nhìn, lối nghĩ, lối sống;
vẫn có những người bị sống bên lề xã hội,
    dù không phải là người phong…
Xin Cha cho chúng con nhìn thấy họ
    và biết chạnh lòng thương như Con Cha.
Nhưng trước hết,
xin cho chúng con nhìn thấy chính bản thân chúng con
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.