31 thg 8, 2018

CÂY NẾN


Trong ngọn lửa của cây nến, người ta tin rằng tất cả hoạt động của thiên nhiên đang vận hành. Sáp, tim nến, lửa, không khí hợp nhất trong ngọn lửa đang cháy, linh động và thiêu đốt, thắp sáng và tàn lụi, sắc màu và bóng tối. ý nghĩa những đối lập thật lớn lao. Vì thế, nến tập trung trong mình nó những biểu tượng thật quan trọng.

Nến biểu trưng sự sống hạnh phúc:

Bên bờ sông Hằng vào những ngày lễ hội Hoa Đăng, các thiếu nữ thắp nến đời mình, đi từ nhà ra bến sông, với hai tay che chắn gió khỏi thổi tắt vào giữa đêm thâm u, các thiếu nữ nâng niu ngọn nến đời mình, những ngọn nến được cắm trên mẩu bẹ chuối, thả trôi trên sông. Số phận của đời mình tùy thuộc vào ngọn nến tin yêu ấy.

Các thiếu nữ ngắm nhìn cây nến mình vừa thả trên sông cho đến khi khuất tầm mắt, ngọn lửa nào thiêu đốt hết cây nến, thì báo hiệu điềm lành hạnh phúc, ngọn lửa nào tắt giữa chừng, tín hiệu của những ngày không vui. Bao nhiêu niềm mơ ước hạnh phúc ký gửi vào ngọn nến ấy, cho nên các thiếu nữ đã chuẩn bị thật kỹ trước khi ra sông thả đèn. Những ngọn nến lung linh sắc mầu cùng thả trên sông làm nên lễ hội của mừng vui. Sự mừng vui gói trọn trong đó tuổi đời dâng hiến cho bầu trời, bầu trời ấy là Đấng Tối Cao đón nhận để rồi ban lại hạnh phúc.

Trong niềm tin ấy, họ tin rằng Đấng Tối Cao vừa là bầu trời và cũng là Tổ Ấm, Người lấy âm thanh, màu sắc, thanh hương để ấp ủ tâm hồn. Bằng Tình Yêu, Người biến đổi sáp kia nên ngọn nguồn hơi ấm và tin yêu.

Thế nên, các thiếu nữ bên Sông Hằng đã chẳng đem thắp sáng cho chàng trai nào trước khi dâng ngọn đèn của mình cho bầu trời. Ta có thể nghe những dòng tâm tư của các thiếu nữ ấy qua bài thơ số 64, trong tập thơ Lời Dâng của Tagore: “Lúc chiều tối tịch mịch tôi hỏi nàng: “Trinh nữ ơi, đèn của em thắp sáng cả rồi, vậy còn mang đèn đi đâu nữa? Nhà tôi tối om, cô quạnh lắm, cho tôi mượn đèn nào!” Ngước mắt thâm u nhìn tôi, nàng đứng nghi ngờ một lúc. Cuối cùng nàng nói: “Em đem đèn dâng bầu trời”. Tôi đứng ngắm ngọn đèn cháy vô ích trong khỏang không”. Đối với chàng trai thì vô ích, nhưng với nàng thiếu nữ thì đầy một lòng tin tưởng: “Nơi ấy, Bầu Trời vô hạn trải rộng để linh hồn bay bổng vào trong, vẫn ngự trị vẻ huy hòang nguyên vẹn, trắng tinh. Ở đấy không có ngày đêm, không có hình thù, mầu sắc và chẳng bao giờ có lấy một lời” (Bài 67, Lời Dâng).

Giải thoát là chốn ấy, trong cõi đời trần tục này, cần có những giờ phút linh thiêng để dâng hiến cho bầu trời khối lòng tinh bạch, lời nguyện cầu của hương kinh, niềm khát khao giữa miền u tối, để thấy niềm hạnh phúc.

L.m Giuse Hoàng Kim Toan

► NÊN HÌNH BÓNG NGÀI



Để Con Nên Hình Bóng Ngài
Sáng tác: Lê Đức Hùng
Tiếng hát: Tố Hà
Từng ngày xin hãy ở cùng con, từng ngày xin đỡ nâng đời con, từng ngày xin đồng hành với con, Chúa ơi. Từng ngày xin biến đổi lòng con, từng ngày xin biến đổi tim con, để đời con đổi thay đẹp hơn.
Chúa ơi, Chúa ơi, Chúa ơi!

Để con có trái tim của Chúa, trái tim đầy ắp yêu thương nồng nàn.
Để con có đôi tay của Chúa đôi tay trìu mến đỡ nâng dịu dàng.
Để con có ánh mắt từ nhân để con có tấm lòng khoan dung.
Để con biết nói lời tha thứ, sống đời yêu mến.

Từ nay sẽ không là con sống nhưng là Chúa sống trong con từng ngày.
Cùng với Chúa con về muôn nối gieo tình yêu mới đắm say tình người.
Để con nên như là tấm gương phản chiếu bóng hình Chúa tình thương.
Rồi nơi con qua, và nơi con đến tràn ngập yêu thương, chan hòa niềm vui. 

► LẶNG





1. Lặng...để nghe tiếng sóng, sóng xô, xô trong lòng ta
Lặng...để nghe tiếng gió, gió cuốn cơn đau ngày sau.
Lặng... để nghe nước mắt hắt hiu trên đôi bờ mi xanh.
Đời sao vắng tanh cho trái tim xanh tàn nhanh.

Nhìn...nhìn lên Thánh Giá, Chúa đang dang tay lặng im.
Từ...từ trên Thánh Giá, Chúa có nghe con nài van!
Vì...vì sao Chúa hỡi cứ như...như vô tình không nghe?
Lòng con sắt se ôm nỗi đâu riêng Ngài ơi!

ĐK:
Vì sao Chúa hỡi, Ngài đành mặc bỏ con vậy sao?
Đời con lao đao bao nhiêu yêu thương sầu tim vỡ...
Vì sao Chúa nỡ lặng nhìn và muốn con lặng thinh?
Nhận bao hi sinh đau thương như Chúa trên Thập hình.

2.
Lặng...để nghe tiếng Chúa, nói trong trong tâm hồn ta
Lặng...để nghe Chúa nói...Thánh Giá Ta mang vì ai...
Lặng...để nghe Chúa khóc, khóc khi ta vô tình quay đi
Nhiều khi vấn nghi ơn Chúa trên bao ngày qua.

Lặng...để ta thấy Chúa bước đi song song cùng ta
Lặng...để ta thấy Chúa đau đớn hơn ta khổ đau
Lặng...để ta thấy Chúa sớt chia bao vui buồn không tên
Ngài luôn ở bên, con có hay đâu Ngài ơi...

► MÃI THUỘC VỀ NGÀI


Chỉ là chút nắng sau mưa
Mà cứ tưởng kim cương lấp lánh!

Xin cho con "Mãi thuộc về Ngài"
Sáng tác: Lê Đức Hùng  - Tiếng hát: Hoàng Hiệp


MÃI THUỘC VỀ NGÀI 

1. Đời cho con một chút danh, chút danh phù phím mỏng manh.Một chút danh dẫu nhỏ thôi nhưng đã khiến con xa rời, xa rời tình Chúa. Đời cho con một chút quyền, chút quyền chông chênh bấp bênh, con ngả nghiêng tâm đảo điên, con tự lánh xa tình Ngài. Bờ bến bình yên... 

Khi con yêu danh tiếng lực quyền, khi con mê lạc thú hưởng thụ, Chúa đâu còn đâu còn chổ trong tim con. Xin ra tay cứu vớt đời con, xin mau mau chiếm lấy hồn con, Chúa ơi! Chúa ơi!..Để con mãi thuộc về Ngài, mãi thuộc về Ngài. 

2. Đời đưa con tìm cái tôi, cái tôi hào nhoáng rỗng không, một cái tôi bé nhỏ thôi nhưng đã khiến con xa rời, xa rời tình Chúa. Đời rêu rao một chữ tiền con đổi trao ngay trái tim, tâm rối ren, đời tối đen, con tự lánh xa tình Ngài. Bờ bến bình yên... 

Khi tranh đua hơn kém cùng đời, khi mưu toan thu vén vạn lời, Chúa đâu còn đâu còn chổ trong tim con. Xin ra tay cứu vớt đời con, xin mau mau chiếm lấy hồn con, Chúa ơi! Chúa ơi!..Để con mãi thuộc về Ngài, mãi thuộc về Ngài.


Vào mà hưởng niềm vui (01.9.2018 – Thứ Bảy Tuần 21 Thường niên)

Lời Chúa: Mt 25, 14-30
Khi ấy, Đức Giêu nói với các môn đệ rằng: 14 “Quả thế, cũng như có người kia sắp đi xa, liền gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải mình cho họ.15 Ông cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tuỳ khả năng riêng mỗi người. Rồi ông ra đi. Lập tức,16 người đã lãnh năm yến lấy số tiền ấy đi làm ăn buôn bán, và gây lời được năm yến khác.17 Cũng vậy, người đã lãnh hai yến gây lời được hai yến khác.18Còn người đã lãnh một yến thì đi đào lỗ chôn giấu số bạc của chủ.19 Sau một thời gian lâu dài, ông chủ đến tính sổ với các đầy tớ và thanh toán sổ sách với họ.20 Người đã lãnh năm yến tiến lại gần, đưa năm yến khác, và nói: “Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi năm yến, tôi đã gây lời được năm yến khác đây.”21 Ông chủ nói với người ấy: “Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh! “22 Người đã lãnh hai yến cũng tiến lại gần và nói: “Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi hai yến, tôi đã gây lời được hai yến khác đây.”23 Ông chủ nói với người ấy: “Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh! “24 Rồi người đã lãnh một yến cũng tiến lại gần và nói: “Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi.25 Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất. Của ông đây, ông cầm lấy! “26 Ông chủ đáp: “Hỡi đầy tớ tồi tệ và biếng nhác! Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi,27 thì đáng lý anh phải gởi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ!28 Vậy các ngươi hãy lấy yến bạc khỏi tay nó mà đưa cho người đã có mười yến.29 Vì phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi.30 Còn tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng.”
Suy nim:
Người ta vẫn hay có cái nhìn tĩnh và buồn về đời sống Kitô hữu.
Đó là một đời sống cam chịu, nhẫn nhục, cúi đầu vâng phục Ý Chúa,
một đời sống khổ đau vì phải bước theo Chúa Giêsu vác thánh giá.
Nhìn như thế đúng nhưng không đủ.
Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta một cái nhìn khác,
tươi tắn hơn nhiều, chủ động và tích cực hơn nhiều.
Thiên Chúa được ví như một ông chủ sắp đi xa.
Vì tin tưởng các đầy tớ của mình, nên khi vắng nhà (c. 14),
ông không ngại giao phó cho họ những món tiền rất lớn, tùy khả năng.
Người được năm yến, kẻ được hai, người được một (c. 15).
Mỗi yến bạc tương đương với sáu ngàn ngày công.
Hẳn các đầy tớ hiểu ý chủ muốn mình đầu tư sinh lợi.
Anh nhận được năm yến đã đi ngay lập tức và làm ăn với số vốn ấy.
Chúng ta không rõ anh đã đầu tư thế nào và bao lâu,
chỉ biết anh đã sử dụng cách hiệu quả những gì anh nhận được.
Sau một thời gian, tiền lời bằng số vốn bỏ ra.
Anh nhận được hai yến cũng vậy, cũng sinh lợi được hai yến khác.
Anh được một yến cũng đi, 
nhưng là đi đào lỗ dưới đất để chôn giấu yến bạc (c. 18).
Anh không dám đầu tư vì sợ làm ăn lỗ lã.
Anh sợ số bạc lớn bị mất, nên anh muốn chôn giấu nó cho an toàn.
Khi ông chủ trở về để nghe báo cáo sổ sách của các đầy tớ,
ông đã khen hai anh đầy tớ vất vả làm ăn bằng những lời giống nhau:
“Khá lắm! Anh đúng là tôi tớ tốt lành và trung tín!
Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh.
Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh” (c. 21. 23).
Còn anh đầy tớ chôn giấu yến bạc dưới đất vì sợ hãi ông chủ,
đã bị chủ chê là đầy tớ xấu xa và biếng nhác.
Yến bạc của chủ còn nguyên chẳng hề là điều đáng tự hào.
Ông chủ ngạc nhiên vì tại sao anh lại không gửi tiền vào ngân hàng
để đồng vốn có thể sinh lợi (c. 27).
Anh bị tước mất yến bạc anh đã giữ kỹ, và tống vào chỗ tối tăm.
Một đầy tớ không sinh lợi từ số vốn được trao là một đầy tớ vô dụng (c. 30).
Mỗi Kitô hữu cũng là một người đầy tớ, một quản lý của Chúa,
được tin cậy giao phó, được yêu cầu đầu tư, được mong mỏi sinh lợi.
Sống đời Kitô hữu là chấp nhận dùng tất cả khả năng của mình (c. 15)
để làm cho những gì Chúa ban sinh lợi nhiều nhất.
Điều đó cần đến công sức, tính toán, sáng tạo, và nhất là tình yêu.
Yến bạc là khả năng và hoàn cảnh thuận lợi để ta làm việc cho Chúa.
Kitô hữu không phải là người thích an nhàn hay hưởng thụ.
Họ nỗ lực phấn đấu từng ngày để đời mình sinh hoa trái cho Chúa.
Ngày Phán xét, chúng ta sẽ bị xét xử dựa trên nỗ lực sinh lợi của mình.
Mỗi người chúng ta không rõ mình đã nhận bao nhiêu yến bạc.
Điều quan trọng là không được giấu đi, và vui vẻ tận dụng điều mình có.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
nếu ngày mai Chúa quang lâm,
chắc chúng con sẽ vô cùng lúng túng.
Thế giới này còn bao điều khiếm khuyết, dở dang,
còn bao điều nằm ngoài vòng tay của Chúa.
Chúa đâu muốn đến để hủy diệt,
Chúa đâu muốn mất một người nào…
Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa
xây dựng một thế giới yêu thương và công bằng,
vui tươi và hạnh phúc,
để ngày Chúa đến thực là một ngày vui trọn vẹn
cho mọi người và cho cả vũ trụ.
Xin nuôi dưỡng nơi chúng con
niềm tin vững vàng
và niềm hy vọng nồng cháy,
để tất cả những gì chúng con làm
đều nhằm chuẩn bị cho ngày Chúa trở lại.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

✠ TƯỢNG ĐỨC MẸ DƯỚI LÒNG ĐẤT



30 thg 8, 2018

❖ Lm Fx. Vũ Thế Toàn giải đáp về phụng vụ và đời sống hôn nhân



Vừa mang đèn, vừa mang dầu (31.8.2018 – Thứ Sáu Tuần 21 Thường niên)

Lời Chúa: Mt 25, 1-13
1 “Bấy giờ, Nước Trời sẽ giống như chuyện mười trinh nữ cầm đèn ra đón chú rể.2Trong mười cô đó, thì có năm cô dại và năm cô khôn.3 Quả vậy, các cô dại mang đèn mà không mang dầu theo.4 Còn những cô khôn thì vừa mang đèn vừa mang chai dầu theo.5 Vì chú rể đến chậm, nên các cô thiếp đi, rồi ngủ cả.6 Nửa đêm, có tiếng la lên: “Chú rể kia rồi, ra đón đi! “7 Bấy giờ tất cả các trinh nữ ấy đều thức dậy, và sửa soạn đèn.8 Các cô dại nói với các cô khôn rằng: “Xin các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em tắt mất rồi! “9 Các cô khôn đáp: “Sợ không đủ cho chúng em và cho các chị đâu, các chị ra hàng mà mua lấy thì hơn.”10 Đang lúc các cô đi mua, thì chú rể tới, và những cô đã sẵn sàng được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới. Rồi người ta đóng cửa lại.11 Sau cùng, mấy trinh nữ kia cũng đến gọi: “Thưa Ngài, thưa Ngài! mở cửa cho chúng tôi với! “12 Nhưng Người đáp: “Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai cả! “13 Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.
Suy niệm
Nếu nhìn bề ngoài mười cô trinh nữ,
chúng ta khó lòng phân biệt được ai khôn ai dại.
Mười cô có thể là những cô phù dâu đang ở bên nhà gái,
Các cô đều mang theo đèn, hay đúng ra là những ngọn đuốc nhỏ,
vì chỉ đuốc mới không tắt khi gặp cơn gió ngoài đường.
Xúng xính trong những bộ áo đẹp,
các cô ngóng chờ chàng rể đến, để ra đón với đuốc sáng trên tay,
và để sau đó tất cả tiến vào nhà gái dự tiệc.
Nhưng vì chàng rể và nhà trai đến chậm, nên mười cô đều ngủ cả.
Đến bây giờ vẫn không thể phân biệt được năm cô khôn và năm cô dại.
Chẳng rõ các cô đã chợp mắt được bao lâu,
nhưng đến nửa đêm có tiếng la lên, báo tin chàng rể đến.
Cả mười cô đều hối hả thức dậy và lo sửa soạn đèn,
vì đèn là điều quan trọng và cần thiết để ra nghênh đón chàng rể.
Bây giờ người ta mới nhận ra trong mười cô, ai dại, ai khôn.
Vì chàng rể đến muộn quá, nên mọi ngọn đuốc của các cô đã hầu tàn.
Phải châm thêm dầu thì mới có đuốc sáng ra đón chàng rể.
Năm cô khôn dễ dàng làm cho đuốc sáng lên, vì họ đem theo dầu dự trữ.
Còn năm cô dại thì lúng túng không biết phải làm sao.
“Xin các chị cho chúng em chút dầu, vì đuốc chúng em sắp tắt rồi” (c. 8).
Các cô khôn cũng cần có đủ dầu cho cuộc đón rước sắp tới, nên đã từ chối.
Không phải vì độc ác, nhưng vì số dầu đem theo chỉ đủ cho riêng họ.
Cách giải quyết tốt nhất là đề nghị các cô dại đi mua nơi cửa hàng.
Chuyện này không khó vì các cửa hàng vẫn thường mở đến khuya.
Tiếc thay, đang lúc các cô đi mua, thì chàng rể tới.
Chỉ có năm cô mang đuốc sáng ra đón chàng rể.
Chỉ có năm cô được coi là sẵn sàng, theo chàng vào dự tiệc cưới.
Cửa được đóng lại, ngăn cách giữa người được dự tiệc và người không.
Năm cô dại cuối cùng đã có dầu, đuốc đã sáng, trở về, gõ cửa.
“Thưa Ngài, thưa Ngài, xin mở cửa cho chúng tôi với !” (c. 11).
Nhưng các cô bị từ chối thẳng : “Tôi không biết các cô là ai” (c. 12).
Dụ ngôn này có một kết thúc không vui trọn vẹn.
Tiệc cưới rất vui ở bên trong, năm cô đứng ngoài không được vào.
Chúng ta thấy tiếc cho năm cô dại.
Dại ở đây không phải vì không có thiện chí hay làm điều gian ác.
Khôn hay dại chỉ khác nhau ở chỗ sẵn sàng hay không sẵn sàng,
đuốc có sáng khi chàng rể đến hay không.
Các cô khôn đã phải tính đến chuyện lỡ chàng rể đến muộn,
làm sao có đủ dầu để thắp cho cây đuốc sáng mà ra đón.
Ai mà có đủ dầu dự trữ rồi thì ngủ cũng yên tâm.
Chúng ta cần nếm nỗi đau của năm cô đứng ngoài, khi cửa đã đóng lại.
Muộn mất rồi, mọi chuẩn bị háo hức trở nên vô ích.
Đức Giêsu chính là Chàng Rể đến bất chợt giữa đêm khuya.
Chỉ mong ta không phải năn nỉ xin dầu và vội vã đi mua dầu trong đêm.
Lời nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đã yêu trái đất này,
Và đã sống trọn phận người ở đó.
Chúa đã nếm biết
Nỗi khổ đau và hạnh phúc,
Sự bi đát và cao cả của phận người.
Xin dạy chúng con biết đường lên trời,
Nhờ sống yêu thương đến hiến mạng cho anh em.
Khi ngước nhìn lên quê hương vĩnh cửu,
Chúng con thấy mình được thêm sức mạnh
Để xây dựng trái đất này,
Và chuẩn bị nó đón ngày Chúa trở lại.
Lạy Chúa Giêsu đang ngự bên hữu Thiên Chúa,
Xin cho những vất vảcủa cuộc sống ở đời
Không làm chúng con quên trời cao;
Và những vẻ đẹp của trần gian
Không ngăn bước chân con tiến về bên Chúa.
Ước gì qua cuộc sống hằng ngày của chúng con,
Mọi người thấy nước trời đang tỏ hiện.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

29 thg 8, 2018

Những câu Kinh thánh hay bị hiểu sai và áp dụng bậy: Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị xét đoán (Mt 7,1)


Quả thực cụm từ này đã được dẫn ra không biết bao nhiêu là lần, khi người ta cà khịa, cãi vã, hay để thủ thế khi người ta bị công kích về cách cư xử của họ: "Đừng xét đoán, để khỏi bị xét đoán". Những lời nổi tiếng của Đức Giê-su được nhiều người trích dẫn, nhưng cũng đã bị hiểu một cách tầm bậy. Dù gì cũng phải công nhận rằng, cho đến nay, Mt 7,1 chính là câu thường bị áp dụng bậy nhất trong cả bộ Kinh Thánh, trưng dẫn và bị lạm dụng bởi cả người Ki-tô hữu lẫn những anh chị em ngoài Ki-tô giáo. 

Những người cố ý hiểu sai thường dùng câu này như “cái khiên che chắn tội lỗi”, như vách ngăn để người khác không đụng được đến họ, để họ biện minh cho lối sống mà họ thích, bất chấp những giới hạn hay trách nhiệm luân lý. Họ thường phản pháo thế này: "Ai mà chả có tội cơ chứ? Chúng ta lấy quyền gì mà đưa ra những nhận xét về phẩm cách đạo đức của người khác? Đấy chẳng phải là việc của Thiên Chúa sao?"

Tuy nhiên, khi tìm hiểu kỹ văn cảnh của Mt 7 cũng như giáo huấn của những phần khác trong Kinh Thánh, chúng ta nhận ra rằng, rõ ràng, câu Kinh Thánh này không thể được dùng để biện minh cho một thứ tự do, tự quản, và độc lập vô hạn về mặt luân lý. Đấy không phải là nội dung mà Đức Giê-su diễn tả. Người không cổ suý cho một lối hiểu, lối tiếp cận tuỳ hứng về trách nhiệm luân lý, Người cũng không cấm việc người ta được đưa ra những nhận định về mặt luân lý trong một số trường hợp. 

Trái lại, Đức Giê-su đương thẳng thừng quở trách thói đạo đức giả của những người Pha-ri-sêu, họ là những người mau mắn xét nét lỗi phạm của người khác, nhưng lại mù quáng và không sẵn lòng tự mình nhận lấy cùng một trách nhiệm như họ đang áp đặt trên hay đòi hỏi từ kẻ khác. Chút nữa, chúng ta sẽ tìm hiểu về điểm này rõ hơn. 

Nhưng trước tiên, chúng ta hãy cùng tập chú đến Mt 7,1. Trong Kinh Thánh, Bài giảng trên núi chính là chỗ, Đức Giê-su đã giáo huấn về chuyện thế nào là trung tín, trung tín là sống như một môn đệ dấn thân cho Đức Ki-tô, cũng như theo đuổi sự thánh thiện vì lòng kính sợ Thiên Chúa. Đức Giê-su đưa ra những đòi hỏi luân lý thực sự, xứng tầm với việc người ta được kêu mời trở thành những công dân trong Vương Quốc của Thiên Chúa. 

Nói cách khác, những ai sám hối và đặt lòng tin nơi Đức Giê-su và chỉ nơi Người mà thôi, trông cậy ơn cứu độ từ Người, thì họ trở thành “con cái Thiên Chúa”, được gia nhập vào gia đình của Thiên Chúa, và trở thành những thành viên trong vương quốc thiêng liêng mà Người đã thiết lập trên trần gian này. Sống trong vương quốc này, những người tin được kêu mời hãy “sống khác”, và Đức Giê-su đã đưa ra những giải thích hết sức thực tế cho lối sống này. Người dùng những từ ngữ dễ hiểu, đưa ra một tiêu chuẩn đạo đức có tính kiên quyết, với điểm quy chiếu là: hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng hết sức và yêu mến người thân cận như chính mình. Còn ở đây thì khác, vấn đề Đức Giê-su nêu lên ở đây là thói đạo đức giả. Vì Người nói: 

"Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy; và anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em. Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới? Sao anh lại nói với người anh em: “Hãy để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt bạn”, trong khi có cả một cái xà trong con mắt anh? Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em (Mt 7,1-5). 

Tôi cứ thắc mắc, không biết khi nói những điều này, Đức Giê-su có nhìn thẳng vào mặt những người Pha-ri-sêu kia hay là không. Nhiều lần trong Tin Mừng, Đức Giê-su đã quở trách những người Pha-ri-sêu vì thói đạo đức giả rành rành của họ, cũng như vì những thói tục quá quắt do họ đặt ra. Họ chỉ chuyên đi bới móc những thiếu sót của người khác, trong khi chính lúc đó, bản thân họ cũng là những kẻ bị lên án do đang mắc phải cũng chính những lỗi phạm ấy. 

Thật là lố bịch hết sức! Đức Giê-su khẳng định, xét đoán thì sẽ được “lại quả”, được đáp trả lại y chang. Nói cách khác, người ta lấy thước nào mà đo, mà lượng định cuộc sống của người khác, thì Thiên Chúa cũng dùng chính cây thước ấy mà đo, mà lượng định cuộc sống của họ. Nhưng này nhé, bị người đời đo, bị người đời đếm là một chuyện, bị chính Thiên Chúa đo, đếm lại là chuyện hoàn toàn khác. Những người Pha-ri-sêu giả hình đang vướng phải nguy cơ thứ hai. 

Xin cũng để ý ở điểm này, Đức Giê-su bảo kẻ đạo đức được nói đến là người đang mắc phải một vấn đề còn lớn hơn nữa cơ. Tại sao? Vì lỗi phạm của họ không chỉ được ví như một hạt bụi, nhưng lớn hơn, như một cái xà (khác biệt hoàn toàn). Và họ không chịu lấy nó ra, vứt nó đi. 

Điều này hàm nghĩa rằng, một sự xét đoán nặng nề hơn sẽ được dành riêng cho kẻ cứ chăm chăm xét nét những lỗi phạm của người khác, trong khi cố ý xem nhẹ những tội lỗi còn lớn hơn và tày đình của mình. Không thể như thế mà phải thay đổi, Đức Giê-su nhấn mạnh, Người đưa ra hai lệnh truyền: "Bỏ ngay cái thói giả hình xét nét người khác, và loại bỏ tội lỗi ra khỏi cuộc sống bản thân".

Thế là đã rõ. Ý của Đức Giê-su không phải là, chúng ta không được quyền đưa ra nhận định luân lý về cách người ta ứng xử, và chắc chắn, Người cũng không có ý bảo rằng, chúng ta không có quyền đòi người khác phải cư xử có trách nhiệm. Người không chỉ trích sự giải trình qua lại giữa người với người, không phủ nhận việc người ta phải chịu trách nhiệm luân lý, không phủ nhận chuyện trong Giáo hội có lúc, vấn đề tội lỗi cũng phải được nhắc đến hay bàn thảo – Người đang muốn nói đến thói đạo đức giả. 

Nhưng chả hợp lý chút nào, đi tiếp cận một anh chị em Ki-tô hữu để góp ý về một thứ tội nào đó của họ (cứ cho điều bạn làm là chính đáng và nên làm đi chăng nữa), trong khi chính bạn đang phạm cùng một thứ tội như thế, đã thế lại cứng lòng không chịu chấp nhận, trốn chạy sự việc. 

Chẳng hạn, nghe biết một anh em tín hữu khác mắc lỗi chửi bới linh tinh, thế là bạn, một cách riêng tư, khiêm tốn, nhẹ nhàng và yêu thương, đến để sửa lỗi người ấy, nhưng liền ngay sau đó, bạn điện thoại với bạn bè để tọc mạch chuyện của một người khác trong giáo xứ. Chẳng lẽ bạn sửa lỗi người ta ăn nói không đoan chính, còn chính bạn thì lại không biết tự chỉnh đốn, kềm chế miệng lưỡi mình sao? 

Hoặc là bạn thử tưởng tượng: một người cha bận tâm đến cách phục trang của con gái mình khi cô ấy đi chơi (ông muốn cô giữ gìn sự đoan chính, và ông hiểu những cám dỗ đám con trai sẽ gặp phải trong tình huống này). Ông ta có quyền quan tâm như thế hay không? Dĩ nhiên là có. Trong tư cách một người cha có trách nhiệm và một người trưởng thành, ông có quyền đưa ra những quy định đạo đức theo những nguyên tắc được nêu ra trong Kinh Thánh (trong trường hợp này là sự nhu mì). 

Ngay khi cô con gái đi chơi, bạn thử tượng tượng nhé, cũng chính người cha đó ở nhà một mình. Ngay lập tức, ông ta bật máy vi tính lên, và bắt đầu chúi mũi vào những trang web khiêu dâm. Phút trước ông nhắc con gái mình phải ăn mặc giản dị chừng mực (và làm thế là đúng), rồi ngay phút sau đó, ông trụy lạc dâm dục trơ trẽn trong chính con mắt và tâm hồn mình. Thưa anh chị em, đấy là đạo đức giả, và Đức Giê-su lên án lối hành xử như vậy. Một người cha không nên đưa ra chuẩn mực cho con gái mình, cái chuẩn mực mà chính ông không sẵn lòng tuân theo. 

Khốn thay, nhiều tổn hại to lớn về mặt danh dự đã xảy tới cho Giáo hội do bởi, các Ki-tô hữu nói một đàng làm một nẻo. Không có nghĩa nhất quyết, bắt buộc chúng ta phải trở nên hoàn hảo, nhưng điều can hệ tối thượng là chúng ta sống đời sống của mình sao cho trung tín, và sao cho có vuông có tròn, để danh Đức Ki-tô, là Đấng mà chúng ta đại diện, và danh tiếng của Giáo hội Người nữa luôn được luôn tỏ bày ra. 

Vấn đề cốt lõi là, chúng ta thực sự thấy hối tiếc, thấy buồn vì tội lỗi của chính mình. Khi nhìn vào nó, chúng ta nhận diện, chỉ mặt đặt tên được nó, thú nhận, và vì kính tin Thiên Chúa chúng ta từ bỏ nó. Chỉ khi chính chúng ta kiên định, không ngơi nghỉ, thực hiện cho được điều này nơi chính mình, thì chúng ta mới có đủ tư cách và có khả năng để thực hiện một việc thuộc về phần trách nhiệm của chúng ta, đó là, “chỉ mặt đặt tên” được đâu là tội lụy còn đó trong cuộc sống của anh chị em mình nơi Giáo hội. 

Kinh Thánh nói rõ ràng này, chúng ta có bổn phận khuyến khích nhau sống theo đúng ý Thiên Chúa. Trước tiên, cuộc sống chúng ta phải chứng tỏ được rằng, chúng ta thực sự hối tiếc vì tội lỗi của mình, và chứng tỏ chúng ta đã thực sự tin, đã đón nhận được Đức Ki-tô. Để rồi, sẽ có những lúc cần thiết, chúng ta còn được nhắc bảo là hãy sửa lỗi, nhắc nhở, và động viên nhau trong tình mến. 

Xin được một lần nữa nhắc lại rằng, không ai có thể nên hoàn hảo ở đời này, nhưng cùng nhau chúng ta tuyên chiến chống lại, và từ bỏ tội lỗi là hệ quả của việc sống theo tính xác thịt vốn đã hư hoại. Tức là, chúng ta phải “cởi bỏ con người cũng với nếp sống xưa”, và “mặc lấy con người mới”, tôn kính Thiên Chúa và sống thánh thiện. Nhưng chúng ta sẽ không làm được nếu không có Chúa Thánh Thần ở cùng, nếu không có sự động viên, sự tương tác góp ý, giải trình qua lại giữa các anh chị em đồng đạo trong Đức Ki-tô. Chỉ một mình, chúng ta không làm được, chúng ta cần nhau! 

Đó là lý do khiến các thánh Tông đồ kêu mời chúng ta hãy trợ giúp nhau trong cuộc đấu chống lại tội lỗi. Chẳng hạn, thánh Gia-cô-bê đã viết: "Thưa anh em, nếu có người nào trong anh em lạc xa chân lý và có ai đưa người ấy trở về, thì anh em hãy biết rằng: kẻ nào làm cho một tội nhân bỏ đường lầm lạc mà trở về, thì cứu được linh hồn ấy khỏi chết và che lấp được muôn vàn tội lỗi của mình" (Gc 5,19-20). 

Thánh Phao-lô cũng viết những lời tương tự trong thư Ga-lát: "Thưa anh em, nếu có ai vướng mắc tội nào, thì anh em, những người được Thần Khí thúc đẩy, hãy lấy tinh thần hiền hoà mà sửa dạy người ấy; phải tự đề phòng kẻo chính mình cũng bị cám dỗ. Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Ki-tô" (Gl 6,1-2). 

Xin lưu ý, cả thánh Gia-cô-bê và thánh Phao-lô đều giả định hai điều sau. Thứ nhất, sẽ có những anh chị em tín hữu đi chệch khỏi đường ngay nẻo chính. Thứ hai, các vị ấy cũng giả định rằng, những Ki-tô hữu khác, vì tình mến thương, sẽ tìm cách đồng hành với những anh chị em này, nhằm cố gắng giúp người ấy bỏ con đường lầm lạc của họ mà trở về, cứu họ thoát khỏi sức huỷ hoại của tội (xc. cách thức Đức Giê-su nói đến trong Mt 18,15-17). 

Bởi lẽ, chúng ta được uỷ quyền loan báo sứ điệp hãy sám hối và tin cho những ai ở bên ngoài Giáo hội, cho những ai cần nghe Tin Mừng, thế nên, đương nhiên, chúng ta cũng cần loan báo sứ điệp này cho những ai ở trong Giáo hội. 

Do vậy, Đức Giê-su không cấm người ta đưa ra những nhận định luân lý hay miễn cho người ta khỏi phải chịu trách nhiệm. Đúng hơn, Người cấm những xét đoán nhẫn tâm, kiêu căng và giả hình, những đoán định nhằm kết tội người khác một cách trơ trẽn mà không biết tự xét xem tình trạng thiêng liêng bản thân ra sao, mình đã thật tâm từ bỏ tội lỗi hay là chưa. 

Theo thiển ý của tôi, việc rất nhiều người lạm dụng câu “đừng xét đoán” cho thấy một thực trạng là, những năm gần đây, việc học hỏi Kinh Thánh đã không được chú trọng, hay chỉ được thực hiện qua loa, chiếu lệ. Còn hơn thế nữa, điều ấy cho thấy hiện trạng văn hoá của thời chúng ta, một thứ văn hoá chỉ nhăm nhe trốn tránh trách nhiệm, không dám chịu trách nhiệm, hay giải trình về những việc làm của chính mình. 

Khuynh hướng và thói tật hiện thời như thế đi ngược lại với các giáo huấn của Kinh Thánh. Bởi vì, giáo huấn của Kinh Thánh đều trước sau khẳng định, được tạo dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, nên người ta sẽ có những trách nhiệm luân lý, trước Chúa và với nhau. Do đó, cứ vin vào câu “đừng xét đoán” để mà phủ nhận những trách nhiệm cá nhân, là đã hiểu và làm cho câu đó hoá ra đối ngược lại với phần còn lại của Kinh Thánh. 

Chúng ta cũng nên nhắc nhớ với nhau rằng: “trọn bộ Kinh Thánh là Lời Thiên Chúa”, hay nói cách khác, được Chúa Thánh Thần linh hứng, vì lẽ đó, nó không thể sai lầm hay tự mâu thuẫn được (bởi lẽ Thiên Chúa không bao giờ lại tự mâu thuẫn với chính Người được). Bởi vậy, khi giải thích một trích đoạn nào đó trong Kinh Thánh, tốt nhất là hãy so sánh nó với những nguyên tắc và các giáo huấn đã được đưa ra ở vào những chỗ khác trong Kinh Thánh. Đấy là cách làm quân bình, đảm bảo được sự hài hoà, giúp chúng ta tránh đi việc hiểu sai, tránh được những kết luận mâu thuẫn cùng với những áp dụng không thích đáng. 

Chuyển dịchNhóm phiên dịch Mai Khôi, trích dịch từ tác phẩm "The Most Misused Verses in the Bible: Surprising Ways Gods Word Is Misunderstood"Eric J. Bargerhuff.

Hãy sẵn sàng (30.8.2018 – Thứ Năm Tuần 21 Thường niên)

Lời Chúa: Mt 24, 42-51
42 “Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến.43 Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông đã thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu.44 Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.45 “Vậy thì ai là người đầy tớ trung tín và khôn ngoan mà ông chủ đã đặt lên coi sóc gia nhân, để cấp phát lương thực cho họ đúng giờ đúng lúc?46 Phúc cho đầy tớ ấy nếu chủ về mà thấy anh ta đang làm như vậy.47 Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình.48 Nhưng nếu tên đầy tớ xấu xa ấy nghĩ bụng: “Còn lâu chủ ta mới về”,49 thế rồi hắn bắt đầu đánh đập các đồng bạn, và chè chén với những bọn say sưa,50 chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không chờ, vào giờ hắn không biết,51 và ông sẽ loại hắn ra, bắt chung số phận với những tên giả hình: ở đó, người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng.”
Suy niệm
Châm ngôn của hướng đạo sinh là Sắp Sẵn, nghĩa là hãy sẵn sàng.
Không rõ ông tổ của phong trào hướng đạo 
có được gợi hứng từ bài Tin Mừng hôm nay không.
Nhưng hãy sẵn sàng đúng là châm ngôn của mọi kitô hữu,
từ những kitô hữu sống ở thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ 21 và cho đến tận thế.
Hãy sẵn sàng vì từng kitô hữu cũng như cả Kitô giáo 
vẫn luôn ở trạng thái chờ Chúa Kitô trở lại.
Ngài đã đến làm người cách đây hai ngàn năm, 
Ngài đã cứu độ nhân loại bằng cuộc sống và cái chết trên thập giá,
Ngài vẫn đang ở với Giáo Hội nhờ Thánh Thần,
nhưng Ngài sẽ trở lại trong vinh quang như Đấng phán xét cả thế giới.
Đó là điều chúng ta chờ mong, điều duy nhất Ngài chưa thực hiện.
Nếu chủ nhà biết canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông sẽ canh thức,
không để nó khoét vách nhà mình (c. 43).
Còn người kitô hữu, vì không biết ngày nào, giờ nào Chúa trở lại,
nên họ phải canh thức luôn luôn, phải sẵn sàng liên lỉ.
Canh thức không phải là không ngủ.
Canh thức là sống đời sống kitô hữu của mình cách trung tín, quảng đại.
Canh thức không làm chúng ta bị căng thẳng thường xuyên,
vì thấy mình như bị đe dọa bởi một tai họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Chúa cũng không cố ý đến bất ngờ, để ta không kịp trở tay.
Đơn giản là chúng ta biết chắc chắn Ngài sẽ đến,
nên chúng ta luôn sẵn sàng.
Chuyện khi nào Ngài đến, không làm chúng ta lo âu và sợ hãi nữa,
vì cả cuộc sống của chúng ta đã là một chuẩn bị, một đợi chờ.
Canh thức cũng có nghĩa là làm tròn phận sự được Chúa trao.
Ông chủ đi vắng nên trao cho người đầy tớ quyền cấp phát lương thực.
Đó là quyền hành mà cũng là phận sự trên các gia nhân.
Nếu khi trở về, ông chủ thấy người đầy tớ ấy đang phục vụ nghiêm chỉnh,
thì phúc cho anh ấy, vì anh sẽ được coi sóc toàn bộ tài sản của ông (c. 47).
Nhưng nếu anh ấy nghĩ rằng ông chủ sẽ về muộn,
anh còn nhiều thời giờ để vui chơi hơn là chu toàn bổn phận.
Nếu anh ấy lạm dụng quyền lực trong tay để đánh đập các đầy tớ khác,
nếu anh ấy nhậu nhẹt với bọn say sưa, nên không còn tỉnh thức đủ,
thì ông chủ sẽ về bất ngờ, vào ngày và giờ sớm hơn anh nghĩ.
Lúc ấy khuôn mặt thật của anh sẽ lộ ra, khuôn mặt giả hình.
Và anh sẽ chịu chung số phận với những người đạo đức giả (c. 51).
Anh đầy tớ xấu xa nghĩ chủ sẽ về trễ, nào ngờ chủ về sớm.
Kitô giáo đã chờ Chúa quang lâm từ gần hai mươi thế kỷ.
Có người nản lòng, nên cho rằng chắc còn lâu lắm mới đến ngày đó.
Có người đồn thổi lung tung về ngày tận thế sắp đến tới nơi rồi.
Cả hai thái độ đều không đúng.
Điều quan trọng đối với người môn đệ là trung tín chu toàn công việc.
Tỉnh thức và sẵn sàng giúp ta luôn bình an, dù ngày mai tận thế.
Lời nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
nếu ngày mai Chúa quang lâm,
chắc chúng con sẽ vô cùng lúng túng.
Thế giới này còn bao điều khiếm khuyết, dở dang,
còn bao điều nằm ngoài vòng tay của Chúa.
Chúa đâu muốn đến để hủy diệt,
Chúa đâu muốn mất một người nào…
Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa
xây dựng một thế giới yêu thương và công bằng,
vui tươi và hạnh phúc,
để ngày Chúa đến thực là một ngày vui trọn vẹn
cho mọi người và cho cả vũ trụ.
Xin nuôi dưỡng nơi chúng con
niềm tin vững vàng
và niềm hy vọng nồng cháy,
để tất cả những gì chúng con làm
đều nhằm chuẩn bị cho ngày Chúa trở lại.
 Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J