28 thg 2, 2019

Một xương một thịt (01.3.2019 – Thứ Sáu Tuần 7 Thường Niên)


Lời ChúaMc 10,1-12
1 Đức Giê-su bỏ nơi đó, đi tới miền Giu-đê và vùng bên kia sông Gio-đan. Đông đảo dân chúng lại tuôn đến với Người. Và như thường lệ, Người lại dạy dỗ họ.2 Có mấy người Pha-ri-sêu đến gần Đức Giê-su và hỏi rằng: “Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không? ” Họ hỏi thế là để thử Người.3 Người đáp: ” Thế ông Mô-sê đã truyền dạy các ông điều gì? “4 Họ trả lời: “Ông Mô-sê đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ.”5Đức Giê-su nói với họ: “Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê mới viết điều răn đó cho các ông.6 Còn lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ;7 vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình,8 và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt.9 Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.”10 Khi về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điều ấy.11 Người nói: “Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình;12 và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình.”
Suy nim:
“Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phép phân ly.”
Lời của Đức Giêsu đã vang vọng qua hai mươi thế kỷ,
và vẫn thường được chọn để in trên thiệp cưới.
Phải chăng người ta ngầm nhắc nhau rằng 
ly dị là từ không nên có trong từ điển của các đôi vợ chồng.
Tiếc thay số vụ ly hôn nơi các kitô hữu đã gia tăng đáng kể.
Sống với nhau đến đầu bạc răng long lại trở thành một giấc mơ.
Có mấy người Pharisêu đến hỏi Đức Giêsu về chuyện chồng ly dị vợ.
Đức Giêsu hỏi ngược họ xem ông Môsê đã truyền dạy thế nào (c. 3).
Những người Pharisêu trích sách Đệ Nhị Luật (24, 1)
để cho thấy ông Môsê cho phép viết giấy ly dị và sau đó ly dị (c. 4).
Dĩ nhiên, cho phép không phải là truyền dạy!
Đức Giêsu đã trích sách Sáng Thế (2, 24)
để nhấn mạnh sự hiệp nhất vĩnh viễn giữa đôi vợ chồng.
“Cả hai thành một xương một thịt” không chỉ về mặt thân xác (c. 8),
mà còn trở nên một lòng, một ý, một ước mơ, một hành động.
Ngài khẳng định điều này đã có từ thuở ban đầu (c. 6) 
và nằm trong ý định nguyên thủy của Thiên Chúa.
Việc Môsê cho phép ly dị chỉ là một nhượng bộ tạm thời (c. 5).
Đức Giêsu mới là Đấng đến để hoàn chỉnh Luật Môsê 
và khai mở ý muốn trọn vẹn của Thiên Chúa về hôn nhân.
Trong xã hội, văn hóa và Do-thái giáo thời Đức Giêsu,
người phụ nữ không được bình đẳng với nam giới.
Vì vợ là một thứ tài sản thuộc sở hữu của người chồng,
nên thực tế chỉ vợ mới có thể phạm tội ngoại tình đối với chồng,
và chỉ người chồng mới có quyền ly dị vợ.
Đức Giêsu không chấp nhận chuyện coi vợ như một món hàng,
mua về, thích thì dùng, không thích thì bỏ đi.
Vợ đã trở nên xương thịt của chồng, ngang hàng với chồng,
nên khi chồng thiếu chung thủy với vợ, ly dị vợ mà cưới vợ khác
thì anh ta cũng phạm tội ngoại tình đối với vợ (c. 11).

Hôn nhân không phải chỉ là chuyện của hai người yêu nhau và lấy nhau.
Trong Lễ Cưới có sự hiện diện của Thiên Chúa là Đấng phối hợp.
Ngài tiếp tục bảo vệ tình yêu, cả khi hai người cùng muốn chia tay.
Hôn nhân không phải là một bản hợp đồng 
mà hai bên được phép xé bỏ khi muốn.
Chung thủy mãi mãi là chuyện khó đối với con người thời nay.
Khi thịnh vượng, lúc gian nan, khi mạnh khỏe, lúc đau yếu,
khi buồn chán và thất vọng về nhau, khi yếu đuối và vấp ngã,
khi đổ vỡ quá lớn tưởng như không sao hàn gắn được,
khi đời sống vợ chồng thành như hỏa ngục trần gian…
khi ấy người ta cần Thiên Chúa để tiếp tục yêu thương và kính trọng nhau.
Xin bớt một chút ích kỷ tự ái, thêm một chút khiêm hạ yêu thương,
bớt một chút tự do đam mê,  thêm một chút hy sinh tha thứ…
để gìn giữ tình nghĩa vợ chồng như quà tặng mong manh của trời cao.
Cầu nguyn:
Lạy Cha nhân ái, từ trời cao,
xin Cha nhìn xuống
những gia đình sống trên mặt đất
trong những khu ổ chuột tồi tàn
hay biệt thự sang trọng.
Xin thương nhìn đến
những gia đình thiếu vắng tình yêu
hay thiếu những điều kiện vật chất tối thiểu,
những gia đình buồn bã vì vắng tiếng cười trẻ thơ
hay vất vả âu lo vì đàn con nheo nhóc.
Xin Cha nâng đỡ những gia đình đã thành hỏa ngục
vì chứa đầy dối trá, ích kỷ, dửng dưng.
Lạy Cha, xin nhìn đến những trẻ em trên thế giới,
những trẻ em cần sự chăm sóc và tình thương
những trẻ em bị lạm dụng, bóc lột, buôn bán,
những trẻ em lạc lõng bơ vơ, không được đến trường,
những trẻ em bị đánh cắp tuổi thơ và trở nên hư hỏng.
Xin Cha thương bảo vệ gìn giữ
từng gia đình là hình ảnh của thánh Gia Thất,
từng trẻ em là hình ảnh của Con Cha thuở ấu thơ.
Xin Cha sai Thánh Thần Tình Yêu
đem đến hạnh phúc cho mỗi gia đình ;
nhưng xin cũng nhắc cho chúng con nhớ
hạnh phúc luôn ở trong tầm tay
của từng người chúng con. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

27 thg 2, 2019

Làm cớ cho anh sa ngã (28.2.2019 – Thứ Năm Tuần 7 Thường Niên)

Lời Chúa: Mc 9, 41-50
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Ðấng Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu. Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn. Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt. Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục, Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục, nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt. Quả thật, ai nấy sẽ được luyện bằng lửa như thể ướp bằng muối. Muối là cái gì tốt. Nhưng muối mà hết mặn, thì anh em sẽ lấy gì ướp cho mặn lại? Anh em hãy giữ muối trong lòng anh em, và sống hoà thuận với nhau”.
Suy nim:
Khi nghe một người chịu tháo khớp vì mắc bệnh tiểu đường, 
chúng ta chẳng ngạc nhiên mấy. 
Mất đi bàn chân mà kéo dài được sự sống 
thì còn hơn là giữ lại mà phải chết. 
Có bao nhiêu người chịu giải phẫu mỗi ngày. 
Họ chấp nhận cắt bỏ một phần thân thể bị hư hoại, 
để mong giữ lại được cả mạng sống. 
Tuy việc cắt bỏ luôn đi kèm với đau đớn và mất mát suốt đời, 
nhưng người ta vẫn vui vì thấy mình còn sống. 
Bài Tin Mừng hôm nay có thể làm ta ngạc nhiên và không vui. 
Bài này có nhiều câu được lặp lại như một điệp khúc. 
“Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì anh hãy chặt nó đi… 
Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì anh hãy chặt nó đi… 
nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã thì anh hãy móc nó đi…” 
Có cần phải chặt tay, chặt chân hay móc mắt không ? 
Có cần phải hiểu các câu này của Chúa theo nghĩa đen không? 
Nếu hiểu theo nghĩa đen, chắc khó mà có một kitô hữu lành lặn. 
Bởi vậy chúng ta thường dễ bỏ qua hay hiểu theo nghĩa bóng, 
và có nguy cơ làm yếu đi sứ điệp mà Đức Giêsu muốn chuyển tải. 
Giá Trị tối hậu mà Đức Giêsu muốn chúng ta coi trọng 
đó là Sự Sống vĩnh hằng, là Nước Thiên Chúa (cc. 43-47). 
Để có được Giá Trị này, ta phải chấp nhận hy sinh nhiều giá trị khác. 
Hơn nữa, chúng ta lại càng phải từ bỏ hy sinh 
những gì cản trở khiến ta không thể đạt tới mục đích mình theo đuổi. 
Tay, chân, mắt là những bộ phận rất quan trọng trong cơ thể. 
Chúng là những chi thể không thể thiếu để có một đời sống bình thường. 
Tuy nhiên, chúng có thể trở thành duyên cớ khiến ta vấp phạm, sa ngã. 
Sa ngã ở đây là thứ sa ngã đưa chúng ta vào cõi chết đời đời, 
nơi toàn bộ cuộc đời chúng ta bị đổ vỡ nát tan không sao hàn gắn. 
Vì cuộc đời của chúng ta là vô giá, 
một cuộc đời đã được chuộc bằng chính Máu Con Thiên Chúa, 
một cuộc đời mà chính chúng ta đã dày công xây đắp, 
nên việc cắt bỏ những điều phá hoại cuộc đời ấy là chuyện tự nhiên. 
Chặt tay, chặt chân hay móc mắt là những điều kinh khủng, gây đau đớn. 
Bị què tay, què chân hay chột mắt ở đời này là điều chẳng ai mong. 
Nhưng Đức Giêsu mời chúng ta nghĩ đến giá trị của đời sống vĩnh cửu, 
để có can đảm cắt đứt với những thụ tạo đang làm hư hỏng đời ta. 
Cắt đứt với một thói quen xấu lâu năm, 
hay cắt đứt tương quan tội lỗi với một người, 
những điều ấy nhiều khi còn khó hơn việc móc mắt hay chặt tay. 
Chúng ta chỉ có thể sống Lời Chúa hôm nay 
nếu chúng ta không bị hút bởi khoái lạc trần gian ngay trước mắt. 
Xin Chúa giúp ta thực hiện những cuộc giải phẫu mỗi ngày, 
để đau đớn của đoạn tuyệt hôm nay đem lại hạnh phúc trọn vẹn mãi mãi.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
giàu sang, danh vọng, khoái lạc
là những điều hấp dẫn chúng con.
Chúng trói buộc chúng con
và không cho chúng con tự do ngước lên cao
để sống cho những giá trị tốt đẹp hơn.
Xin giải phóng chúng con
khỏi sự mê hoặc của kho tàng dưới đất,
nhờ cảm nghiệm được phần nào
sự phong phú của kho tàng trên trời.
Ước gì chúng con mau mắn và vui tươi
bán tất cả những gì chúng con có,
để mua được viên ngọc quý là Nước Trời.
Và ước gì chúng con không bao giờ quay lưng
trước những lời mời gọi của Chúa,
không bao giờ ngoảnh mặt
để tránh cái nhìn yêu thương
Chúa dành cho từng người trong chúng con. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

26 thg 2, 2019

Đừng ngăn cản người ta (27.2.2019 – Thứ Tư Tuần 7 Thường niên)

Lời ChúaMc 9, 38-40
Khi ấy, Gioan thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con thấy có kẻ nhân danh Thầy mà trừ quỷ, kẻ đó không theo ta, và chúng con đã ngăn cấm y”. Nhưng Chúa Giêsu phán: “Ðừng ngăn cấm y, vì chẳng ai có thể nhân danh Thầy mà làm phép lạ, rồi liền đó lại nói xấu Thầy. Ai chẳng chống đối các con, là ủng hộ các con”.
Suy niệm:
Sau khi Thầy Giêsu loan báo cuộc Khổ Nạn và Phục sinh lần hai,
các môn đệ đã cãi nhau ngay ngoài đường xem ai là người lớn nhất.
Như thế tham vọng cá nhân vẫn tồn tại
cả nơi những người đã bỏ mọi sự mà theo Thầy (Mc 9, 33-37).
Sau vụ tranh cãi có tính nội bộ trên,
bài Phúc Âm hôm nay kể lại chuyện tranh cãi với người ngoài nhóm.
Gioan, “con của Thiên Lôi”, là người khởi đầu câu chuyện.
Thực ra ông chỉ là người nói lên phản ứng chung của các anh em.
Họ bực bội vì có người “không theo chúng ta”, không ở trong nhóm,
mà lại dám lấy Danh Thầy Giêsu để trừ quỷ (c. 38).
Và thực sự người đó đã trừ được một cách thành công.
Danh Giêsu có sức mạnh trừ quỷ, đó là điều không thể chối cãi.
Nhưng đối với Gioan và các bạn của ông, 
chỉ những người trong nhóm mới có quyền dùng Danh ấy. 
Chính vì thế Gioan thú nhận, “chúng con đã cố ngăn cản…” 
Họ muốn độc quyền sử dụng Danh Thầy,
nghĩa là muốn bảo vệ quyền lợi và chỗ đứng của nhóm. 
Nếu ai cũng lấy Danh Giêsu mà trừ quỷ, thì còn thế giá gì cho các ông!
Chẳng rõ các môn đệ đã làm gì để ngăn cản người kia,
Chỉ biết Thầy Giêsu không chấp nhận thái độ cấm đoán ấy (c. 39).
Thầy bao dung và cởi mở hơn nhiều.
Thầy có cái nhìn lạc quan về người đã nhân danh Thầy mà trừ quỷ.
Hẳn người ấy có niềm tin nào đó vào Thầy, vào quyền năng của Danh Thầy.
Như thế anh ấy đã có tương quan ít nhiều với Thầy,
dù không theo Thầy làm môn đệ chính thức trong nhóm.
“Ai không chống chúng ta là ủng hộ chúng ta” (c. 40).
Nguyên tắc này của Đức Giêsu khiến chúng ta có thêm nhiều bạn,
và bớt số người mà ta nghĩ là kẻ thù. 
Nó khiến chúng ta ra khỏi sự lo sợ vì quyền lợi mình bị đe dọa,
và tránh được những tranh chấp không đáng có.
Thật ra thái độ khép kín và độc quyền thường bắt nguồn từ sự ích kỷ
chứ không từ lòng đạo đức thực sự.
Có thứ khép kín ích kỷ của một cá nhân,
nhưng cũng có sự khép kín ích kỷ của một tập thể, 
một họ đạo, một dòng tu, một tôn giáo, một quốc gia.
Đức Giêsu mời chúng ta vượt ra khỏi ranh giới của nhóm mình,
để mở ra với thế giới, với các kitô hữu khác, với những người không tin.
Chúng ta cần thấy những điều chân thiện mỹ nơi họ như những tia nắng 
đến từ Vừng Đông rực rỡ là Đức Giêsu,
và cảm được mối dây thầm kín kết nối họ với Thiên Chúa.
Cần tập nhận ra Đức Giêsu đang hiện diện và hoạt động
ở những nơi, những tổ chức và những người mà ta không ngờ.
Rao giảng Tin Mừng cho một người là nói với người ấy rằng 
anh đã quen biết Giêsu và Giêsu đã ở trong anh từ lâu.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
xin cất khỏi con mọi lo lắng bề ngoài.
Xin tha thứ cho con
vì đã quá bận tâm
đến những điều mình nói,
đến ảnh hưởng của mình,
đến những điều người ta nói và nghĩ về con.
Xin tha thứ cho con
vì muốn nên giống kẻ khác
mà quên mất chính mình,
vì khao khát có được những đức tính của họ,
mà quên phát triển bản thân.
Xin tha thứ cho con
vì đã mất nhiều thời gian
cho việc phô trương
hơn là cho việc xây dựng bản thân.
Xin cho con biết cởi mở với anh em;
nhờ đó Chúa có thể đến với con
như đến với một người bạn.
Và Chúa sẽ làm cho con nên “người”
mà Chúa mong muốn trong tình yêu của Ngài
vì con là con của Chúa
và là anh em của mọi người.
Michel Quoist
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.


25 thg 2, 2019

Cãi nhau (26.2.2019 – Thứ ba Tuần 7 Thường niên)

Lời ChúaMc 9, 30-37
30 Đức Giê-su và các môn đệ ra khỏi đó, đi băng qua miền Ga-li-lê. Nhưng Đức Giê-su không muốn cho ai biết,31 vì Người đang dạy các môn đệ rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại.”32 Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người.
33 Sau đó, Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Ca-phác-na-um. Khi về tới nhà, Đức Giê-su hỏi các ông: “Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy? “34 Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả.35 Rồi Đức Giê-su ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.”36 Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói:37 “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy.”
Suy nim:
Ngoài chuyện chậm tin, chậm hiểu, 
các môn đệ còn có một điểm yếu là hay cãi nhau.
Họ cãi nhau xem ai là người lớn nhất trong nhóm.
Người ấy sẽ là người đứng đầu trong Nước sắp tới của Đấng Mêsia.
Tiếc thay trong bài Tin Mừng hôm nay, 
họ lại cãi nhau khi đang đi ngoài đường (c. 33).
Tệ hơn nữa, họ cãi nhau ngay sau khi Thầy Giêsu loan báo lần thứ hai 
về cái chết và sự phục sinh sắp đến của mình (c. 31).
Hẳn Thầy Giêsu rất đau vì thấy học trò của mình khá trần tục.
Dù đang đi với Thầy trên cùng một con đường,
nhưng họ vẫn để lòng mình theo đuổi vinh quang thế gian.
Đức Giêsu quả là một bậc thầy về sự điềm đạm.
Ngài đợi tới khi về nhà ở Caphácnaum mới gợi lại chuyện trên đường.
Ngài làm như mình không rõ về đề tài câu chuyện :
“Dọc đường anh em đã bàn tán điều gì vậy ?”Khi các ông mắc cỡ làm thinh, không dám nói ra chuyện cãi nhau (c. 34),
Thầy Giêsu cũng chẳng nỡ ép các ông phải nói.
Ngài ngồi xuống như một vị thầy bắt đầu giảng dạy (c. 35), 
gọi Nhóm Mười Hai lại – nhóm các nhà lãnh đạo tương lai của Giáo Hội –
và đưa ra một nguyên tắc chi phối việc quản trị cộng đoàn :
“Nếu ai muốn làm người đứng đầu thì phải làm người rốt hết của mọi người
và làm người phục vụ cho mọi người 
(c. 35).
Câu nói trên của Đức Giêsu mở ra một cuộc cách mạng nơi tâm con người.
Đức Giêsu không dạy ta lật đổ người đứng đầu để chiếm lấy quyền lực.
Ngài cũng không đòi ta bỏ ước mơ làm lớn.
Ngài dạy cho ta cách trở nên lớn lao thực sự trước mặt Thiên Chúa.
Đó là trở nên người phục vụ mọi người, sống như ngài đã sống :
“Suốt đời Thầy đã sống giữa anh em như một người phục vụ” (Lc 22, 27).
Nếu làm đầu mà phải phục vụ thì có ai muốn làm người đứng đầu nữa không ?
 Lịch sử của nhân loại là lịch sử của những cuộc cãi nhau không ngớt
giữa các quốc gia, các tôn giáo, các bộ tộc, và ngay trong giáo xứ, gia đình.
Đề tài muôn thuở vẫn là quyền lực, chức tước, địa vị, tiếng tăm.
Ai cũng muốn làm đầu, làm lớn để được phục vụ, để khỏi phải hầu bàn.
Ước gì chúng ta hiểu rằng quyền uy chỉ là giấy phép để phục vụ.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa,
xin cất khỏi con mọi lo lắng bề ngoài.
Xin tha thứ cho con
vì đã quá bận tâm
đến những điều mình nói,
đến ảnh hưởng của mình,
đến những điều người ta nói và nghĩ về con.
 Xin tha thứ cho con
vì muốn nên giống kẻ khác
mà quên mất chính mình,
vì khao khát có được những đức tính của họ,
mà quên phát triển bản thân.
Xin tha thứ cho con
vì đã mất nhiều thời gian
cho việc phô trương
hơn là cho việc xây dựng bản thân.
Xin cho con biết cởi mở với anh em;
nhờ đó Chúa có thể đến với con
như đến với một người bạn.
Và Chúa sẽ làm cho con nên “người”
mà Chúa mong muốn trong tình yêu của Ngài
vì con là con của Chúa
và là anh em của mọi người.
Michel Quoist
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

24 thg 2, 2019

Nếu Thầy có thể (25.2.2019 – Thứ hai Tuần 7 Thường niên)

Lời ChúaMc 9, 14-29
14 Khi Đức Giê-su và ba môn đệ trở lại với các môn đệ khác, thì thấy một đám người rất đông đang vây quanh các ông, và các kinh sư tranh luận với các ông.15 Thấy Đức Giê-su, lập tức tất cả đám đông kinh ngạc. Họ chạy lại chào Người.16 Người hỏi các môn đệ: “Anh em tranh luận gì với họ thế? “17 Một người trong đám đông trả lời: “Thưa Thầy, tôi đã đem con trai tôi lại cùng Thầy; cháu bị quỷ câm ám.18 Bất cứ ở đâu, hễ quỷ nhập vào là vật cháu xuống. Cháu sùi bọt mép, nghiến răng, cứng đờ người ra. Tôi đã nói với các môn đệ Thầy để họ trừ tên quỷ đó, nhưng các ông không làm nổi.”19 Người đáp: “Ôi thế hệ cứng lòng, không chịu tin! Tôi phải ở cùng các người cho đến bao giờ, còn phải chịu đựng các người cho đến bao giờ nữa? Đem nó lại đây cho tôi.”20 Người ta đem nó lại cho Người. Vừa thấy Người, quỷ liền lay nó thật mạnh, nó ngã xuống đất, lăn lộn, sùi cả bọt mép.21 Người hỏi cha nó: “Cháu bị như thế từ bao lâu rồi? ” Ông ấy đáp: “Thưa từ thuở bé.22 Nhiều khi quỷ xô nó vào lửa hoặc đẩy xuống nước cho nó chết. Nhưng nếu Thầy có thể làm được gì, thì xin chạnh lòng thương mà cứu giúp chúng tôi.”23 Đức Giê-su nói với ông ta: “Sao lại nói: nếu Thầy có thể? Mọi sự đều có thể đối với người tin.”24 Lập tức, cha đứa bé kêu lên: “Tôi tin! Nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi! “25 Khi thấy đám đông tuôn đến, Đức Giê-su quát mắng tên quỷ: “Thần câm điếc kia, Ta truyền cho ngươi: ra khỏi đứa bé và không được nhập vào nó nữa! “26 Quỷ thét lên, lay nó thật mạnh, rồi ra khỏi. Đứa bé ra như chết, khiến cho nhiều người nói: “Nó chết rồi! “27 Nhưng Đức Giê-su cầm lấy tay nó, đỡ nó dậy, và nó đứng lên.28 Khi Người vào nhà, các môn đệ mới hỏi riêng Người: “Tại sao chúng con đây lại không trừ nổi tên quỷ ấy? “29 Người đáp: “Giống quỷ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi.”
Suy nim:
Cha mẹ thường phải chịu đau khổ vì con.
Đức Giêsu đã từng đối diện với sự bối rối của ông trưởng hội đường
khi cô con gái mười hai tuổi của ông gần chết (Mc 5, 22-23).
Ngài cũng đối diện với sự kiên trì của người phụ nữ dân ngoại 
khi bà xin ngài chữa cho cô con gái của bà bị quỷ ám ở nhà (Mc 7, 25).
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đứng trước nỗi đau của một người cha
có đứa con trai nhỏ mang triệu chứng của bệnh động kinh.
Nhưng đối với ông, hẳn con ông là người bị quỷ ám.
Ông đã đem cậu con đến với Đức Giêsu, tiếc thay lại không gặp (c. 17).
Bởi vậy ông đã xin các môn đệ của ngài đuổi quỷ dùm.
Tiếc thay họ không làm được (c. 18).
Bây giờ gặp được ngài, ông tha hồ kể về bệnh tình của con ông.
Mỗi lần quỷ nhập – hay mỗi lần lên cơn động kinh –
con ông bị vật xuống đất, sùi bọt mép, nghiến răng, cứng đờ (c.18).
Nhiều khi quỷ còn xô cậu bé vào nước hay lửa cho chết (c. 22).
Vì chuyện buồn này diễn ra từ hồi cậu còn nhỏ,
nên người cha hẳn đã đau khổ triền miên và căng thẳng từ nhiều năm qua.
Ông gặp Đức Giêsu chỉ mong ngài giải phóng con mình khỏi quỷ.
“Xin chạnh lòng thương mà giúp chúng tôi.”
Rõ ràng nhiều người khác trong gia đình ông cũng phải chịu đau khổ.
 “Nếu Thầy có thể làm được gì”, câu này cho thấy ông tin không mạnh lắm.
Vì thế Đức Giêsu đã bắt bẻ câu nói của ông.
Mọi sự đều có thể đối với người tin” (c. 23).
Đức Giêsu buồn vì phải ở với và chịu đựng một thế hệ cứng lòng tin (c. 19).
Các môn đệ không đuổi được quỷ vì họ chưa đủ đức tin.
Người cha muốn con mình được khỏi, ông cũng cần có thêm đức tin.
Thái độ nửa tin, nửa ngờ cũng là thái độ của thế hệ chúng ta.
Đức tin là lời đáp trả của con người,
nhưng đức tin cũng là ơn ban của Thiên Chúa.
Có lúc chúng ta cũng kêu lên như người cha đang chới với :
“Tôi tin ! Nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi !” (c. 24).
Chúa có khả năng nâng đỡ đức tin của ta trong lúc khủng hoảng.
Có lúc chúng ta thấy không thắng nổi sức mạnh của xác thịt, của quỷ ma.
Và như các môn đệ, chúng ta tự hỏi tại sao (c. 28).
“Giống quỷ ấy chỉ trừ được bằng cầu nguyện” (c. 29).
Cầu nguyện là xin Đức Giêsu thêm sức mạnh và thêm lòng tin cho ta.
Cầu nguyn:
Lạy Cha,
thế giới hôm nay cũng như hôm qua
vẫn có những người bơ vơ lạc hướng
vì không tìm được một người để tin ;
vẫn có những người đã chết từ lâu
mà vẫn tưởng mình đang sống ;
vẫn có những người bị ám ảnh bởi thần ô uế,
ô uế của bạc tiền, của tình dục, của tiếng tăm;
vẫn có những người mang đủ thứ bệnh hoạn,
bệnh hoạn trong lối nhìn, lối nghĩ, lối sống ;
vẫn có những người bị sống bên lề xã hội,
dù không phải là người phong…
Xin Cha cho chúng con nhìn thấy họ
và biết chạnh lòng thương như Con Cha.

Nhưng trước hết,
xin cho chúng con
nhìn thấy chính bản thân chúng con.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.