31 thg 3, 2019

Trở về (31.3.2019 – Chúa nhật 4 Mùa Chay năm C)


Lời Chúa: (Lc 15,1-3.11-32)
1 Tất cả những người thu thuế và những người tội lỗi thường đến gần Ðức Giêsu mà nghe Người. 2 Còn những người thuộc phái Pharisêu và các kinh sư thì lẩm bẩm: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng”.
3 Ðức Giêsu mới kể cho họ dụ ngôn này: 11 “Một người kia có hai con trai. 12 Người con thứ nói với cha rằng: “Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng”. Và người cha đã chia của cải cho hai con. 13 Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình. 14 “Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, 15 nên phải đi ở cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. 16 Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. 17 Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: “Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! 18 Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, 19 chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy”.
20 Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha. “Anh ta còn ở đàng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm chồm anh ta và hôn lấy hôn để. 21Bấy giời người con nói rằng: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa…” 22 Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, 23Rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng ! 24 Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy”. Và họ bắt đầu ăn mừng.
25 “Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, 26 liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. 27 Người ấy trả lời: “Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì được lại cậu ấy mạnh khoẻ”. 28 Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ. 29 Cậu trả lời cha: “Cha ơi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. 30 Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!”
31 “Nhưng người cha nói với anh ta: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. 32 Nhưng chúng ta phải ăn mừng và hoan hỷ, vì em con đây đã chết, nay lại sống, đã mất, nay lại tìm thấy”.
Suy Niệm
Người cha không đi tìm đứa con út như tìm chiên lạc.
Nó đã dùng tự do để quyết định ra đi,
và người cha tôn trọng quyết định đó.
Nhưng ông vẫn ngong ngóng chờ con.
Niềm hy vọng vẫn không ngừng nhen nhúm.
Người cha thấy con trước khi nó kịp thấy cha.
Con ốm yếu, hôi hám, bội bạc, chẳng làm cha xa tránh.
Tình thương trào dâng khiến bước chân cha vội vã.
Vòng tay cha lớn quá, nụ hôn cha nồng nàn.
Áo đẹp, dép mới, nhẫn đeo tay, ca nhạc, tiệc tùng, múa nhảy:
tất cả chỉ để thông báo cho mọi người biết rằng
đây là con tôi, vẫn là con vì chưa bao giờ không là con.
Nhưng người cha không chỉ thương con út.
Con cả mới là đích nhắm của câu chuyện này.
Anh quá hiếu thảo, quá vâng phục cha từng li từng tí.
Anh không đi hoang, không ăn chơi, chỉ chăm lo đồng áng.
Ai cũng thấy anh là người con mẫu mực.
Nhưng biến cố đứa em trở về đã làm lộ con người thật của anh.
Tuy luôn ở trong nhà cha, nhưng anh lại ở ngoài tim cha.
Anh không hiểu được tại sao cha lại nhu nhược đến thế,
bao dung đến độ bất công với anh.
Ðãi tiệc với thịt bê béo để mừng đứa con hoang đàng,
còn anh, một con dê để lai rai với bạn bè cũng không có.
Anh không thể vui với cha, càng không thể vui với em.
Anh tức giận vì thấy quyền lợi mình bị xâm phạm.
Rốt cuộc anh không chịu vào nhà!
Hóa ra cả hai người con vừa khác, lại vừa rất giống nhau.
Cả hai đều ở ngoài nhà cha, chấp nhận chịu đói.
Con út không thấy hạnh phúc bên cha nên ra đi.
Con cả không chia sẻ được hạnh phúc của cha nên không vào.
Sám hối là trở về với tình cha.
Cả hai người con đều cần trở về, trở vào.
Sám hối là trở lại với tình yêu, niềm vui, sự sống.
Nhưng trở về chẳng phải là chuyện dễ dàng.
Chẳng ai muốn nhận là mình đã đi lầm đường.
Người anh cả cần dẹp bỏ tự ái để vui vẻ vào nhà.
Người em út cần khiêm tốn mới gặp cha và gia nhân
trong tình trạng thân tàn ma dại.
Ðể trở về cần đứng lên hay bỏ chỗ mình đang đứng.
Từ bỏ thì đớn đau nhưng hạnh phúc thật tuyệt vời.
Hạnh phúc lớn nhất không phải là tài sản vật chất,
mà là khám phá ra mình có chỗ trong trái tim cha.
Cha yêu mình dù mình hư hỏng, bất trung.
Cha yêu mình không phải vì mình ngoan ngoãn, được việc.
Cha yêu mình chỉ vì mình là con.
Cha không muốn mất một đứa con nào.
Trở về với Cha đòi ta giang tay đón lấy người em.
Ðó không phải là “thằng con của cha”, nhưng là “em của con”.
Trở về với Cha, với tha nhân cũng là trở về với mình.
Tôi chợt nhận ra mình quá ư giàu có.
 Cầu Nguyện
Lạy Cha,
người con thứ đã muốn tự định đoạt lấy đời mình.
Chúng con vẫn rơi vào tội của người con thứ,
khi coi Cha như người cản trở hạnh phúc của chúng con.
Chúng con thèm được tự do bay nhảy
ngoài vòng tay của Cha.
nhưng tự do ấy lại biến chúng con thành nô lệ.
Hạnh phúc do thế gian ban tặng thì bọt bèo.
Như người con thứ,
chúng con bỗng thấy mình tay trắng,
rơi xuống chỗ cùng cực và bị cái chết đe dọa.
Lạy Cha đầy lòng bao dung,
xin kéo chúng con trở về với Cha mỗi ngày,
giúp chúng con điều chỉnh những đam mê lệch lạc.
Xin nâng chúng con đứng lên trong niềm vui
vì tin rằng tình Cha lớn hơn tội chúng con vạn bội.
Ước gì những vấp ngã khiến chúng con lớn lên,
thấy mình mong manh, thấy Cha rộng lượng.
Ước gì sau mỗi lần được Cha tha thứ,
chúng con lại thấy mình hiền hoà hơn với tha nhân.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

29 thg 3, 2019

Tự hào và khinh người (30.3.2019 – Thứ bảy Tuần 3 Mùa Chay)

Lời Chúa: Lc 18, 9-14
9 Đức Giê-su còn kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác:10 “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế.11 Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia.12 Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.13 Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.14 Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”
 Suy niệm:  
Tự hào về sự đạo đức của mình và khinh người khác, 
Đó chẳng phải chuyện của các ông Pharisêu ngày xưa. 
Đó là chuyện của con người mọi thời, của chính các môn đệ hôm nay. 
Chúng ta nghe Đức Giêsu kể dụ ngôn này cho mình trong Mùa Chay thánh.
 Hai nhân vật đối lập nhau, được đặt bên nhau trong dụ ngôn. 
Họ ở trong cùng một đền thờ, cùng đứng cầu nguyện trước nhan Chúa. 
Họ là một ông Pharisêu thánh thiện và một người thu thuế tội lỗi. 
Nghe lời cầu nguyện của họ, chúng ta biết được lòng họ. 
Người Pharisêu không xin gì cho mình, ông chỉ tạ ơn Thiên Chúa. 
Ông kể ra những điều xấu mà ông không làm như bao kẻ khác, 
hay như tên thu thuế mà ông thoáng thấy đứng cuối đền thờ (c. 11). 
Ông còn kể những việc đạo đức tự nguyện về ăn chay và dâng cúng 
mà ông đã làm vượt quá những gì Luật đòi buộc. 
Lời cầu nguyện của ông khiến nhiều người Do-thái tử tế phải thèm. 
Còn người thu thuế thì đứng xa, cúi đầu, đấm ngực, cầu xin cách đơn sơ : 
“Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (c. 13). 
Anh thấy mình bất xứng, bất lực, chỉ biết cậy dựa vào tình thương tha thứ.
 Kết luận của Đức Giêsu hẳn đã làm nhiều người chưng hửng. 
Người thu thuế được Thiên Chúa làm cho nên công chính, 
còn người Pharisêu thì không (c. 14). 
Thiên Chúa có bất công không ? Chúng ta có cần sống tử tế nữa không ? 
Thật ra, ông Pharisêu không được gì vì ông đã không xin gì. 
Ông không xin vì ông thấy mình quá ư giàu có về mặt đạo đức. 
Ông ra trước Thiên Chúa với một kho công trạng của mình. 
Có bao nhiêu chữ con đầy tự hào trong lời nguyện của ông. 
Chúng ta tưởng ông mở ra khi nói “con tạ ơn Thiên Chúa” 
nhưng thực tế ông đã khép lại, quay vào mình, ngắm nghía vẻ đẹp của mình. 
Rốt cuộc Thiên Chúa là người thừa, cùng lắm chỉ là người ông đến đòi nợ. 
Ngược lại, anh thu thuế tuy có nhiều tiền, nhưng thấy mình tay trắng, lỗi tội.
Chính điều đó khiến anh hết sức cần đến Thiên Chúa. 
Ngài đã nghe tiếng kêu của anh từ xa, từ cuối đền thờ.
 Không cần Thiên Chúa và coi thường tha nhân, vẫn là cám dỗ muôn thuở. 
Nên thánh không phải là chuyện “tôi làm” 
mà là chuyện để Thiên Chúa tự do làm nơi đời tôi. 
Chỉ ai nhìn nhận sự yếu đuối của mình, 
lời cầu nguyện của người đó mới đánh động được trái tim Thiên Chúa.
 Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ,
nhờ đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói,
dễ thấy Chúa hiện diện
và hoạt động trong đời con.
Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa,xin cho con đừng trở nên cứng cỏi,
khép kín và nghi ngờ.
Xin dạy con sự hiền hậuđể con biết cảm thông và bao dung với tha nhân.
Xin dạy con sự khiêm nhuđể con dám buông đời con cho Chúa.
Cuối cùng, xin cho con sự bình an sâu thẳm,vui tươi đi trên con đường hẹp với Ngài,
hạnh phúc vì được cùng Ngài chịu khổ đau. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

23 thg 3, 2019

Hại đất (24.3.2019 – Chúa nhật 3 Mùa Chay năm C)

Lời Chúa: (Lc 13,1-9)
1 Lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Ðức Giêsu nghe chuyện những người Galilê bị tổng trấn Philatô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng. 2 Ðức Giêsu đáp lại rằng: “Các ông tưởng mấy người Galilê đó có tội lỗi hơn hết mọi người Galilê khác bởi lẽ họ đã chịu đau khổ như vậy sao? 3 Tôi nói cho các ông biết, không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy. 4 Cũng như mười tám người kia bị tháp Silôa đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giêrusalem sao? 5 Tôi nói cho các ông biết, không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy”.
6 Rồi Ðức Giêsu kể dụ ngôn này: “Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, 7 nên bảo người làm vườn: “Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất?” 8 Nhưng người làm vườn đáp: “Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. 9 May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi”.
Suy Niệm
Ðiều làm chúng ta khó sám hối
đó là cảm thấy mình ở trong tình trạng an toàn.
Ðức Giêsu nói về hai biến cố nóng hổi tính thời sự,
một do sự tàn ác của Philatô, một do tai nạn lao động.
Cả hai đều dẫn đến cái chết thảm khốc;
những người Galilê bị đổ máu ngay lúc dâng lễ ở Ðền Thờ,
mười tám người chết vì bị tháp Silôa đè bẹp.
Vào thời Ðức Giêsu, họ bị coi là kẻ có tội, bị Chúa phạt.
Những người khác dễ nghĩ mình vô tội, vì còn được bình yên.
Ðiều này đưa đến sự tự hào và an toàn giả tạo.
“Ðừng tưởng…”: Ðức Giêsu đưa ta ra khỏi ảo tưởng về mình.
Ngài nhắc mọi người sám hối vì biết ai nặng tội hơn ai.
Lúc còn được sống yên lành là lúc cần hoán cải.
Có thể đây là cơ hội cuối cùng, trước khi cái chết ập xuống.
Cây vả trong dụ ngôn cũng ở trong tình trạng an toàn.
Nó không cho trái độc, không làm hại nho, không phá cảnh quan.
Nó chỉ phạm một tội thôi: tội làm hại đất,
tội sử dụng đất màu mỡ mà không sinh trái.
Chúng ta có thể cảm thấy an toàn như cây vả cằn cỗi.
Tự hào vì mình không làm điều xấu, chẳng làm hại ai,
nhưng lại quên rằng mình đã phạm tội không làm điều tốt,
những điều tốt có thể làm được và phải làm.
Có bao nén bạc Chúa giao không được đầu tư (Mt 25,18),
bao người túng thiếu mà ta không giúp đỡ (Mt 25,42).
Khi không làm điều tốt cho đời, cho người,
ta tiếp thêm sức mạnh cho sự dữ tung hoành.
Sống đạo không phải chỉ là lo tránh tội,
mà còn là tích cực gieo rắc phát huy cái tốt.
Một Kitô hữu sống an phận, cằn cỗi là một phản chứng.
Thế giới cần những Kitô hữu dấn thân biết bao!
Dụ ngôn cây vả cho ta thấy khuôn mặt Thiên Chúa.
Chúa Cha là người chủ vườn kiên nhẫn: “Ðã ba năm nay…”
Ngài đã nuôi bao hy vọng: “Tôi ra tìm trái mà không thấy”.
Quyết định chặt cây chỉ đến sau những lần hụt hẫng.
Ngài chỉ phạt khi đã làm đủ cách để lay động tim ta.
Chúa Giêsu là người làm vườn kiên nhẫn không kém:
“Xin ông cứ để nó lại năm nay nữa”.
Ngài không ngừng ấp ủ chút hy vọng mong manh:
“Tôi sẽ vun xới, bón phân, may ra sang năm nó có trái”.
Nhưng đừng quên lời đe dọa cuối cùng:
“Nếu không ông chủ cứ chặt nó đi”.
Kiên nhẫn, hy vọng, chăm bón, nhưng cương quyết đòi hỏi:
đó là thái độ của Thiên Chúa đối với tội nhân.
Ðức Giêsu vừa thôi thúc chúng ta mau mau hoán cải,
vừa chấp nhận cho ta có thời gian trì hoãn.
Hoán cải là đón lấy những săn sóc tế nhị của Chúa,
là đừng để thui chột những ơn lành Ngài ban.
Mùa Chay không phải chỉ là để thú tội,
mà còn thú cả sự cằn cỗi, ì ạch của mình.
Ước gì cây đời của ta có nhiều trái hơn và ngọt hơn.
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
xin dẫn con vào nhà của con,
căn nhà của trái tim,
căn nhà vừa quen vừa lạ.
Xin hãy cho con thấy
những phức tạp, rắc rối, những che đậy, giằng co,
những mâu thuẫn và vô lý nơi con.
Xin hãy cho con thấy
những nhỏ mọn, ích kỷ,
những yếu đuối, khô khan,
những cứng cỏi và tự ái nơi con.
Xin cho con ý thức
những lo âu, sợ hãi
đang đè nặng làm con ngột ngạt,
những nỗi đau thầm kín khiến đời con mất vui,
những vết thương không biết bao giờ lành,
những đổ vỡ khiến lòng con khép lại.
Lạy Chúa Giêsu,
xin giúp con dọn những bề bộn nơi tim con.
Xin biến đổi tim con, để nó trở nên đơn sơ hơn,
hồn nhiên hơn và tươi tắn hơn.
Ước gì con nhìn mọi sự, mọi người,
bằng trái tim bao dung của Chúa.
Và ước gì khi đã ra khỏi nỗi bận tâm về mình,
trái tim con được nhẹ nhàng hơn và tự do hơn
để yêu mến mọi người. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

22 thg 3, 2019

Ăn mừng (23.3.2019 – Thứ Bảy Tuần 2 Mùa Chay)

Lời Chúa: Lc 15, 1-3, 11-32
1 Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng.2 Những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.”3 Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này: 11Rồi Đức Giê-su nói tiếp: “Một người kia có hai con trai.12 Người con thứ nói với cha rằng: “Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng. Và người cha đã chia của cải cho hai con.13 Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình. 14 “Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu,15 nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo.16 Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho.17 Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: “Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói!18 Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha,19chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy.20 Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha. 21 Bấy giờ người con nói rằng: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. ..22Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu,23 rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng!24 Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy. Và họ bắt đầu ăn mừng. 25 “Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa,26 liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì.27 Người ấy trả lời: “Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ.28 Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ.29 Cậu trả lời cha: “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè.30 Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng! 31 “Nhưng người cha nói với anh ta: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con.32 Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy.”
Suy niệm
Dụ ngôn người cha nhân hậu là một dụ ngôn nổi tiếng,
qua đó Đức Giêsu cho thấy tại sao ngài đón tiếp và ăn uống với tội nhân.
Đơn giản chỉ vì ngài giống Thiên Chúa là người Cha nhân hậu.
Người cha nhân hậu là người tôn trọng tự do của đứa con thứ,
người đã chia một phần ba gia sản cho nó ngay khi ông còn sống.
Ông đã không tìm con, như người ta tìm chiên lạc hay tìm đồng bạc bị mất.
Ông tin và hy vọng sớm muộn nó sẽ về, nên ông kiên nhẫn chờ.
Vì chờ, nên ông là người đầu tiên trông thấy con trở về tiều tụy.
Không cầm lòng được vì thương, ông chạy ra, ôm lấy cổ con mà hôn.
Người con của ông đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy.
Khi con thứ sám hối, ông đã trả lại cho cậu tất cả vinh dự của người con.
Việc duy nhất phải làm ngay là mở tiệc ăn mừng (cc. 23, 24. 29, 32).
Khi con cả giận dỗi, không chịu vào nhà chung vui với cha và em,
một lần nữa người cha lại đi ra và năn nỉ (c. 28).
Ông chấp nhận ở thế yếu vì ông không muốn mất một đứa con nào.
Ông không thể yên tâm ở trong nhà khi còn một đứa con ngoài cổng.
Hoán cải bao giờ cũng khó. 
Con thứ phải can đảm lắm mới dám trở về nhà cha.  
Làm sao lường được phản ứng của cha, anh, của gia nhân, hàng xóm? 
Làm sao dám về nhà trong tình trạng thân tàn ma dại ?
Nhưng con cả cũng không dễ vào nhà chút nào,
vì vào nhà là phải bắt tay thằng em đã phung phí hết của cải,
vào nhà là phải chấp nhận sự thiên vị khó hiểu của người cha (cc. 29-30).
Cả hai người con đều cần hoán cải.
Người con cả cũng hỗn hào với cha không kém gì đứa em (c. 30).
Em bỏ nhà ra đi nên đói, còn anh không chịu vào nhà nên cũng có thể bị đói.
Anh phục vụ cha rất tốt nhưng lại mong cha trả công như người thợ (c. 29).
Anh ở gần cha, nhưng thực sự trái tim lại xa cha.
Khi cha vui vì em trở về thì anh lại buồn giận.
Mùa Chay là thời gian trở về với Cha, trở lại với anh em.
Người con thứ đã đứng lên trở về nhà cha và tìm được hạnh phúc.
Không rõ người con cả có vào nhà cha và ôm lấy em mình không ?
Lời nguyện:
Lạy Cha,
người con thứ đã muốn tự định đoạt lấy đời mình.
Chúng con vẫn rơi vào tội của người con thứ,
khi coi Cha
như người cản trở hạnh phúc của chúng con.
Chúng con thèm được tự do bay nhảy
ngoài vòng tay Cha,
nhưng tự do ấy lại biến chúng con thành nô lệ.
Hạnh phúc do thế gian ban tặng thì bọt bèo.
Như người con thứ,
chúng con bỗng thấy mình tay trắng,
rơi xuống chỗ cùng cực và bị cái chết đe dọa.
Lạy Cha đầy lòng bao dung,
xin kéo chúng con trở về với Cha mỗi ngày,
giúp chúng con điều chỉnh những đam mê lệch lạc.
Xin nâng chúng con đứng lên trong niềm vui
vì tin rằng tình Cha lớn hơn tội chúng con vạn bội.

Ước gì những vấp ngã khiến chúng con lớn lên,
thấy mình mong manh, thấy Cha rộng lượng.
Ước gì sau mỗi lần được Cha tha thứ,
chúng con lại thấy mình hiền hòa hơn với tha nhân.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.