30 thg 11, 2017

Xem cây vả (1.12.2017 – Thứ Sáu Tuần 34 Thường niên)


Lời Chúa: Lc 21, 29-33
Khi ấy, 29 Đức Giê-su kể cho các môn đệ nghe một dụ ngôn: “Anh em hãy xem cây vả cũng như tất cả những cây khác.30 Khi cây đâm chồi, anh em nhìn thì đủ biết là mùa hè đã đến gần rồi.31 Anh em cũng vậy, khi thấy những điều đó xảy ra, thì hãy biết là Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.32 Thầy bảo thật anh em: thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra.33 Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu.
Suy nim:
Cây vả là một cây rất thường thấy ở xứ Paléttin. 
Khi nó đâm chồi, người ta biết ngay đã vào mùa hè. 
Rồi thì nó sẽ ra hoa và kết trái. 
Không phải chỉ có cây vả, mọi cây khác cũng vậy (c.29). 
Cứ nhìn tình trạng hiện tại của cây, ta biết được điều gì sắp xảy đến. 
Nước Thiên Chúa cũng vậy. 
Trước khi Nước Thiên Chúa đến sẽ có những dấu hiệu 
ở trên trời, dưới đất hay ngoài biển khơi. 
Đức Giêsu đã nhắc cho ta về những dấu hiệu đó (Lc 21, 11. 25-26).
Khi bắt đầu đi rao giảng cách đây hai ngàn năm, 
Đức Giêsu tuyên bố: Nước Thiên Chúa đã đến gần (Mc 1, 15). 
Và Nước ấy đã được khai mạc với chính con người Đức Giêsu. 
Lời nói và việc làm của Ngài đã mở ra Nước ấy trên mặt đất. 
Như hạt giống, Nước ấy đã không ngừng lớn lên cả ngày lẫn đêm, 
đã ảnh hưởng mạnh mẽ như nhúm men trong đống bột, 
và đã phải chịu sự tấn công của kẻ thù gieo cỏ lùng vào giữa lúa. 
Với sự phục sinh của Đức Giêsu, Nước ấy chắc chắn sẽ đến. 
Chắc chắn Nước Thiên Chúa sẽ đến trong vinh quang, 
dù chúng ta không biết rõ khi nào, tuy sẽ có những điềm báo trước. 
Ngày Nước Thiên Chúa đến cách huy hoàng trên trái đất 
sẽ là ngày tận thế, ngày Đức Giêsu trở lại để phán xét mọi người.
Kitô hữu là người tin vào lời Đức Giêsu. 
“Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua” (c. 33). 
Chúng ta chờ đợi, vì chúng ta tin Đức Giêsu sẽ trở lại. 
Sau hai ngàn năm chờ đợi và nỗ lực dựng xây, 
ngày Đức Giêsu quang lâm đã gần hơn nhiều. 
Biết đâu câu nói sau của Đức Giêsu 
lại chẳng ứng nghiệm cho chính thế hệ chúng ta: 
“Thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra.” (c. 32). 
Không được để mình nguội lạnh và mất đi thái độ chờ đợi. 
Không được để chiến thắng tạm thời của sự dữ ở đâu đó 
khiến chúng ta mất đi lòng tin, 
và những bách hại khiến ta mất đi lòng kiên trì cần thiết (Lc 21, 19).
Nước Thiên Chúa vẫn đến gần hơn mỗi ngày. 
Không thiếu dấu chỉ để nhận ra Nước Thiên Chúa đang đến. 
Chúng ta phải thấy có biết bao dấu chỉ tích cực, đầy hy vọng, 
ngay giữa những khi tưởng như Nước ấy bị xóa sổ, loại trừ. 
Đừng để mình rơi vào thái độ bi quan, khoanh tay vì chán nản. 
Phải làm sao để ngày tận thế không phải là một ngày buồn, 
ngày của những đổ vỡ và mất mát chia ly. 
Phải làm sao để ngày ấy là ngày lịch sử nhân loại mở sang trang mới. 
Đức Giêsu xuất hiện như Điểm Ômêga, Điểm đến của cả vũ trụ. 
Con người và cả vũ trụ đều được hưởng ơn cứu chuộc (Rm 8, 19-23), 
và Thiên Chúa Cha được tôn vinh.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đã yêu trái đất này,
và đã sống trọn phận người ở đó.
Chúa đã nếm biết
nỗi khổ đau và hạnh phúc,
sự bi đát và cao cả của phận người.
Xin dạy chúng con biết đường lên trời,
nhờ sống yêu thương đến hiến mạng cho anh em.
Khi ngước nhìn lên quê hương vĩnh cửu,
chúng con thấy mình được thêm sức mạnh
để xây dựng trái đất này,
và chuẩn bị nó đón ngày Chúa trở lại.
Lạy Chúa Giêsu đang ngự bên hữu Thiên Chúa,
xin cho những vất vả của cuộc sống ở đời
không làm chúng con quên trời cao;
và những vẻ đẹp của trần gian
không ngăn bước chân con tiến về bên Chúa.
Ước gì qua cuộc sống hằng ngày của chúng con,
mọi người thấy Nước Trời đang tỏ hiện.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

29 thg 11, 2017

Hãy đi theo tôi (30.11.2016 – Lễ thánh Anrê)


Lời Chúa: Mt 4, 18-22
thanh-anre18 Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy hai anh em kia, là ông Si-môn, cũng gọi là Phê-rô, và người anh là ông An-rê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá.19 Người bảo các ông: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.”20Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người. 21 Đi một quãng nữa, Người thấy hai anh em khác con ông Dê-bê-đê, là ông Gia-cô-bê và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang cùng với cha là ông Dê-bê-đê vá lưới ở trong thuyền. Người gọi các ông.22Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người.
Suy nim:
Như một sự tình cờ, lúc đang đi dọc theo bờ hồ Galilê, 
Đức Giêsu thấy bóng dáng các anh đánh cá quen thuộc. 
Hẳn họ đã có lần nghe Ngài giảng và thấy Ngài chữa lành bệnh nhân. 
Đức Giêsu yên lặng nhìn các anh làm việc. 
Họ đang quăng lưới bắt cá hay ngồi trong khoang vá lưới với cha. 
Cảnh tượng rất đời thường và ấm áp. 
Đẹp biết mấy chuyện con người làm việc chung với nhau. 
Sau này họ sẽ biết cách làm việc với nhau trên con thuyền Giáo Hội.
Chúa Giêsu hôm nay cũng thấy tôi. 
Tôi thế nào, Ngài thấy tôi thế ấy. 
Cái nhìn của Ngài không làm tôi bị tê liệt, nhưng cho tôi tự do. 
Ngài chấp nhận trọn vẹn con người tôi, cả tội lỗi và yếu đuối. 
Chẳng cần son phấn, tôi thu hút Ngài bằng cái mộc mạc của tôi. 
Ngài gặp tôi hôm nay lúc tôi đang mải mê làm một việc gì đó. 
Ngài gặp tôi giữa cái vất vả kiếm sống của đời thường. 
Hạnh phúc cho người nào được thấy Thiên Chúa (Mt 5, 8), 
và cũng thật hạnh phúc cho người nào được Thiên Chúa thấy.
Các anh hãy theo tôi”: đây là một lời mời dành cho mọi Kitô hữu. 
Ơn gọi Kitô hữu khởi đi từ tiếng gọi của Thầy Giêsu. 
Người Do Thái thường tầm sư học đạo, 
còn ở đây, chính Thầy Giêsu đi chọn môn đệ cho mình (Ga 15, 16). 
Ngài mời ta đi theo chính con người của Ngài, 
chứ không phải theo một lý tưởng cao đẹp hay một dự án hấp dẫn. 
Tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ lưới con người.” 
Một cuộc đổi đời thực sự, từ lưới cá đến lưới con người. 
Con người của mọi dân tộc là mối bận tâm của Thiên Chúa. 
Theo Chúa Giêsu là chia sẻ nỗi thao thức của Ngài về nhân loại, 
và đồng lao cộng khổ với Ngài trong sứ mạng cứu độ thế giới.
Simon và Anrê đã bỏ chài lưới, Giacôbê và Gioan bỏ thuyền và cha. 
Sự từ bỏ nào cũng gây ít nhiều xót xa đau đớn. 
Biển cả, sóng nước, thuyền bè, lưới cá, người cha, người vợ: 
biết bao giá trị phải bỏ lại, những người tôi đã và vẫn còn yêu mến. 
Từ bỏ chỉ khả thi nếu tôi gặp một giá trị cao hơn, một tình yêu lớn hơn. 
Chúa không đòi mọi người phải sống đời tu, nhưng đòi phải từ bỏ mình. 
Từ bỏ đơn giản là đặt Thiên Chúa lên trên mọi thụ tạo khác, 
là chọn Giêsu trong giây phút hiện tại, là đón lấy cái bấp bênh. 
Bốn anh ngư phủ đã lên bờ để đi theo một ông thợ mộc bỏ nghề. 
Đời họ đã sang một trang mới.
Hôm nay Chúa vẫn đi ngang qua đời tôi như một sự tình cờ. 
Ngài vẫn thấy, vẫn gọi, để tôi bỏ và đi theo. 
Không thấy và gọi, thì cũng chẳng ai từ bỏ và đi theo. 
Tiến trình này được lặp lại nhiều lần, làm nên hành trình Kitô hữu. 
Hôm nay tôi mong theo Chúa hơn hôm qua, và ngày mai hơn hôm nay. 
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu thương mến,
xin ban cho chúng con
tỏa lan hương thơm của Chúa
đến mọi nơi chúng con đi.
Xin Chúa hãy tràn ngập tâm hồn chúng con
bằng Thần Khí và sức sống của Chúa.
Xin Chúa hãy xâm chiếm toàn thân chúng con
để chúng con chiếu tỏa sức sống Chúa.
Xin Chúa hãy chiếu sáng qua chúng con,
để những người chúng con tiếp xúc
cảm nhận được Chúa đang hiện diện nơi chúng con.
Xin cho chúng con biết rao giảng về Chúa,
không phải bằng lời nói suông,
nhưng bằng cuộc sống chứng tá,
và bằng trái tim tràn đầy tình yêu của Chúa.
(Mẹ Têrêxa Calcutta)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

28 thg 11, 2017

Một sợi tóc (29.11.2017 – Thứ tư Tuần 34 Thường niên)


Lời Chúa: Lc 21, 12-19
Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, vì sẽ có nhiều người mạo danh Thầy đến nói rằng: “Chính ta đây”, và: “Thời kỳ đã đến gần”; anh em chớ có theo họ. Khi anh em nghe có chiến tranh, loạn lạc, thì đừng sợ hãi. Vì những việc đó phải xảy ra trước, nhưng chưa phải là chung cục ngay đâu.” Rồi Người nói tiếp: “Dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ. Sẽ có những trận động đất lớn, và nhiều nơi sẽ có ôn dịch và đói kém; sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời xuất hiện. Nhưng trước khi tất cả các sự ấy xảy ra, thì người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp cho các hội đường và nhà tù, và điệu đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy. Ðó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy. Vậy anh em hãy ghi lòng tạc dạ điều này, là anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào. Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thủ của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được. Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ giết một số người trong anh em. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu. Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.”
Suy nim:
Lúc trời còn tối, ngày 16 tháng 11 năm 1989, tại nước El Salvador,
một nhóm người có vũ trang đã xâm nhập vào Đại Học Trung Mỹ.
Chúng đã giết sáu linh mục Dòng Tên và hai mẹ con người nấu ăn.
Giết xong chúng đã kéo xác ra ngoài vườn và làm những trò man rợ. 
Các linh mục này đều là những nhà trí thức, có ảnh hưởng trong xã hội.
Họ muốn nói lên tiếng nói của người nghèo, chịu cảnh bất công,
muốn chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài khiến hơn 70 ngàn người chết.
Họ đã phải trả giá bằng vụ thảm sát bất ngờ,
đã chết như những chứng nhân, những vị tử đạo thời mới.
Chuyện ấy đã xảy ra cách đây hai mươi năm rồi.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu nói về những cuộc bách hại
xảy ra trước khi Ngài trở lại trong ngày tận thế.
Các môn đệ sẽ phải chịu những gì Thầy mình đã chịu.
Họ sẽ bị bắt, bị ngược đãi, bị tù đày, bị đem ra tòa đạo, tòa đời (c. 12).
Họ sẽ bị nộp bởi chính người thân, bị mọi người thù ghét,
và thậm chí bị giết hại (cc. 16.17).
Tất cả những gì các môn đệ phải chịu đều là vì danh Thầy (cc. 12. 17).
Chính tình yêu trung tín đối với Thầy và giáo huấn của Thầy
đã khiến bao Kitô hữu tự nguyện đón nhận khổ đau và cái chết.
Không phải chỉ chối Thầy cách công khai mới mang tội bất trung.
Không phải chỉ bước qua thập giá mới là phản bội.
Bất cứ khi nào chúng ta bước qua những giá trị ngàn đời của Kitô giáo,
như sự thật, sự sống, công bằng, bác ái, nhân phẩm, tự do, lương tâm,
khi ấy chúng ta chối bỏ Đức Kitô Giêsu.
Bất cứ khi nào chúng ta dám xả thân để sống cho những giá trị đó,
chúng ta đã làm chứng cho Ngài rồi.
Gioan Tẩy Giả đã chết vì nói sự thật mất lòng với Hêrôđê.
Maria Goretti đã chết vì muốn sống trong sạch.
Maximilien Kônbê đã xin chết thay cho người khác vì lòng bác ái.
Tất cả đều được Giáo Hội tôn kính như những vị tử đạo, 
dù họ không chết vì tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu.
Đối với Đức Giêsu, giây phút đứng trước tòa là giây phút quan trọng.
Người môn đệ có cơ hội công khai làm chứng cho Thầy (c. 13).
Đức Giêsu không để họ một mình đối diện với sức mạnh của quyền uy.
Ngài hứa sẽ giúp họ trả lời những cáo buộc của tòa án (c. 15; Cv 6, 10).
Thế nên họ chẳng có gì phải xao xuyến, lo âu (c. 14).
Tòa án trở thành nơi làm chứng tuyệt vời của người môn đệ.
Điều quan trọng khi bị bách hại là phải kiên trì (c. 19).
Có nhiều kiểu hành hạ nhằm làm cho người môn đệ bỏ cuộc.
Nhưng một sợi tóc anh em cũng không bị mất (c. 18)
nghĩa là Chúa sẽ lo từng li từng tí cho môn đệ của mình.
Mạng sống của các môn đệ ở đời này có thể bị mất (c. 16),
nhưng nếu họ kiên trì và trung tín, họ sẽ giữ được nó ở đời sau.
Chúng ta cầu cho nhau được ơn kiên trì giữa thử thách của thời đại mới.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu, vị tử đạo tuyệt vời,
Chúa đưa chúng con vào thế giằng co liên tục.
Chúa vừa chọn chúng con ra khỏi thế gian,
lại vừa sai chúng con vào trong thế gian đó.

Thế gian này vàng thau lẫn lộn.
Có khi vàng chỉ là lớp mạ bên ngoài.
Xin cho chúng con giữ được bản lãnh của mình,
giữ được vị mặn của muối,
và sức tác động của men,
để đem đến cho thế gian
một linh hồn, một sức sống.
Chúng con chẳng sợ mình bỏ đạo,
chỉ sợ mình bỏ sống đạo
vì bị quyến rũ bởi bao thú vui trần thế.
Xin cho chúng con đừng bao giờ quên rằng
chúng con mang dòng máu của các vị tử đạo,
những người đã đặt Chúa lên trên mạng sống.
Lạy Chúa Giêsu, nếu thế gian ghét chúng con,
thì xin cho chúng con cảm thấy niềm vui
của người được diễm phúc nên giống Chúa. Amen.
 Lm.  Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

27 thg 11, 2017

Anh em làm chứng cho Thầy (28.11.2017 – Thứ ba Tuần 34 Thường niên)


Lời Chúa: Lc 21, 5-11
Nhân có mấy người nói về Ðền Thờ được trang hoàng bằng những viên đá đẹp và những đồ dâng cúng, Ðức Giêsu bảo: “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào.” Họ hỏi Người: “Thưa Thầy, vậy bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra, và khi sắp xảy ra, thì có điềm gì báo trước?” Ðức Giêsu đáp: “Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, vì sẽ có nhiều người mạo danh Thầy đến nói rằng: “Chính ta đây”, và “Thời kỳ đã đến gần”; anh em chớ có theo họ. Khi anh em nghe có chiến tranh, loạn lạc, thì đừng sợ hãi. Vì những việc đó phải xảy ra trước, nhưng chưa phải là chung cục đâu.” Rồi Người nói tiếp: “Dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ. Sẽ có những trận động đất lớn, và nhiều nơi sẽ có ôn dịch và đói kém; sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời xuất hiện.”
Suy nim:
Trong số 117 vị Tử Ðạo Việt Nam, được phong thánh năm 1988, 
có một phụ nữ duy nhất, mẹ của 6 người con. 
Ðó là bà Anê Lê Thị Thành, còn gọi là bà Ðê. 
Trước khi là một anh hùng tử đạo, 
bà đã là một người mẹ hiền gương mẫu. 
“Thân mẫu chúng tôi rất chăm lo việc giáo dục các con. 
Chính người dạy chúng tôi đọc chữ và học giáo lý, 
sau lại dạy cách dự thánh lễ và xưng tội rước lễ.” 
Ðó là lời khai của cô con gái út trước giáo quyền.
Nhà bà Ðê là nơi các linh mục trú ẩn.
Buổi sáng lễ Phục Sinh năm 1861, 
quan Tổng Ðốc Nam Ðịnh cho quân bao vây làng của bà. 
Bà Ðê bị bắt lúc đã 60 tuổi. 
Bà bị đánh đập tra tấn, bị ép phải chối đạo, 
bị lôi qua Thánh Giá, bị bỏ rắn độc vào người. 
Khi con gái đến thăm bà trong nhà giam, 
đau đớn vì thấy quần áo mẹ loang đầy vết máu, 
bà đã an ủi con với một niềm lạc quan lạ lùng: 
“Con đừng khóc, mẹ mặc áo hoa hồng đấy, 
mẹ vui lòng chịu khổ vì Chúa Giêsu, sao con lại khóc?” 
Sau ba tháng chịu đủ mọi cực hình, 
người phụ nữ ấy đã hiến đời mình cho Chúa.
Cuộc đời của vị thánh nữ tiên khởi của Việt Nam
là một sức nâng đỡ lớn cho chúng ta. 
Thiên Chúa đã làm điều phi thường 
nơi một người phụ nữ già nua, yếu  đuối. 
Quan “Hùm Xám” tỉnh Nam Ðịnh cũng phải bó tay 
trước sự yếu đuối kiên vững của bà. 
Khôn ngoan và đơn sơ, can đảm chịu đau khổ, 
bà thánh Ðê đã phó mặc cho Chúa đời mình. 
Bà chẳng lo phải nói gì, phải làm gì trước tòa án, 
vì sức mạnh của Thánh Thần ở với bà.
Hội Thánh thời nào cũng cần những người dám sống vì đức tin,
dám làm chứng cho Chúa trước mặt người đời. 
Sống đức tin là một loại tử đạo không đổ máu, 
không đòi hy sinh mạng sống, 
nhưng lại đòi hy sinh cả tương lai vững vàng ổn định.
Mỗi ngày, chúng ta thường bị đặt trước những chọn lựa,
trước thập giá của Ðức Giêsu, 
y hệt như các vị tử đạo ngày xưa. 
Có khi chúng ta đã bước qua thập giá, khi chọn mình, 
đã chối Chúa bằng chính cuộc sống. 
Càng có tự do, ta lại càng dễ sa sút đức tin. 
Tiền bạc, tiện nghi, khoái lạc vẫn là những thụ tạo 
gây ra những cuộc bách hại êm ả và khủng khiếp 
mà cuối cùng chúng ta cũng phải đối diện. 
Ước gì chúng ta không để mất đức tin 
được mua bằng giá máu của bao vị tử đạo, 
và ước gì chúng ta không ngừng chuyển giao đức tin ấy 
cho hơn 80 triệu đồng bào trên quê hương.
Cầu nguyn:
Lạy các thánh tử đạo Việt Nam, 
các ngài đã dám sống đến cùng ơn gọi kitô hữu 
trong một hoàn cảnh khó khăn nguy hiểm. 
Sự hy sinh của các ngài 
cho thấy tình yêu mạnh hơn sự chết 
và chết là cửa mở vào cõi sống bất diệt. 
Dù mang phận người yếu đuối, 
nhưng nhờ ơn Chúa đỡ nâng, 
các ngài đã chiến thắng khải hoàn.
Xin cầu cho chúng con là con cháu các ngài 
biết can trường sống đức tin của bậc cha anh 
trong một thế giới vắng bóng Thiên Chúa, 
biết nhiệt thành làm chứng về tình yêu 
bằng một đời hiến thân phục vụ.
Ước gì ngọn lửa đức tin 
mà các ngài đã thắp lên 
bằng cuộc sống và cái chết, 
được bừng tỏa trên Tổ quốc Việt Nam.
Ước gì máu thắm của các ngài 
thấm vào mảnh đất quê hương 
để công cuộc truyền giáo sinh nhiều hoa trái.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.