28 thg 2, 2018

Có một vực thẳm (1.3.2018 – Thứ năm Tuần 2 Mùa Chay)


Lời Chúa: Lc 16, 19-31  
19 “Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình.20Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu,21 thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta.22 Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Áp-ra-ham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn. 23 “Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Áp-ra-ham ở tận đàng xa, và thấy anh La-da-rô trong lòng tổ phụ.24 Bấy giờ ông ta kêu lên: “Lạy tổ phụ Áp-ra-ham, xin thương xót con, và sai anh La-da-rô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!25 Ông Áp-ra-ham đáp: “Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ.26 Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được. 27 “Ông nhà giàu nói: “Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh La-da-rô đến nhà cha con,28 vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này!29 Ông Áp-ra-ham đáp: “Chúng đã có Mô-sê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó.30 Ông nhà giàu nói: “Thưa tổ phụ Áp-ra-ham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối.31 Ông Áp-ra-ham đáp: “Mô-sê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin.”
Suy niệm:
Tài sản của ba người Mỹ giàu nhất thế giới 
còn lớn hơn tài sản của 48 nước kém phát triển. 
Bill Gates giàu hơn 100 triệu người Mỹ nghèo nhất. 
Chỉ cần 40 tỉ đô la của ông, Liên Hiệp Quốc đủ chi tiêu 
cho giáo dục cơ bản, sức khỏe, nước sạch và vệ sinh 
cho cả thế giới trong một thời gian dài.
Khi nhìn sự chênh lệch giữa ông nhà giàu và Ladarô, 
chúng ta thấy bức tranh hiện thực của thế giới. 
Hố sâu ngăn cách giữa giàu nghèo ở đô thị, 
giữa đô thị và nông thôn, càng lúc càng lớn. 
Có 800 triệu Ladarô đang đói nghèo cùng cực. 
Hơn một tỉ Ladarô bệnh tật không được chăm sóc. 
Vẫn có bao người chết đói mỗi ngày, 
vì không được hưởng gì từ các bàn tiệc rơi xuống. 
Ông nhà giàu trong dụ ngôn có thấy, có biết Ladarô, 
nhưng thấy mà như không thấy có Ladarô trên đời. 
Tiện nghi vật chất đã thành bức tường kín. 
Ông sống an toàn mãn nguyện trong khoảng không gian riêng. 
Chính ông đã tạo ra một vực thẳm ngăn cách. 
Không cần Chúa, cũng chẳng cần biết đến anh em. 
Có thể nói vực thẳm đó lớn dần và kéo dài mãi đến đời sau. 
Hỏa ngục là sự tự cô lập mình không thể đảo ngược được. 
Chẳng ai có thể cho tôi một giọt nước. 
Vực thẳm ngăn cách con người ở đời sau 
là do chính con người đã tạo ra từ đời này.
Ông nhà giàu bị phạt, không phải vì ông đã bóc lột ai, 
nhưng vì ông không bị sốc chút nào 
trước sự chênh lệch ghê gớm giữa ông và Ladarô. 
Từ sốc mới nẩy sinh thức tỉnh, và dẫn đến hoán cải. 
Nhiều nước giàu vẫn trợ giúp các nước nghèo, 
nhưng không muốn loại bỏ sự bất bình đẳng. 
Các nước nghèo vẫn bị bóc lột về tài nguyên, nhân công, 
và bị nô lệ cho những món nợ không sao trả hết. 
Ông nhà giàu bị phạt không phải vì ông đã nhận nhiều, 
nhưng vì ông đã không san sẻ những gì mình nhận. 
Giàu không phải là một tội, của cải tự nó không xấu. 
Có bao người giàu tốt như Dakêu, Nicôđêmô, Giuse Arimathia. 
Nhưng giàu sang có thể dẫn đến cám dỗ nguy hiểm: 
Tích trữ, tham lam, hà tiện, khép kín, tự mãn, hưởng thụ, 
bị ám ảnh bởi đồng tiền, bị mê hoặc bởi lợi nhuận.
Chúng ta có thể nghèo của cải, nhưng giàu có về các mặt khác: 
giàu kiến thức chuyên môn, giàu thế lực ảnh hưởng, 
giàu sức khỏe, giàu tình bạn tình yêu, giàu niềm vui, ơn Chúa. 
Hãy tập nhìn xuống để thấy bao người dưới mình. 
Chia sẻ là lấp vực thẳm, nâng người khác lên bằng mình. 
Ước gì chúng ta để cho Lời Chúa hoán cải, 
để thấy trách nhiệm của mình trước những Ladarô 
nằm ngay nơi cửa, trong khu xóm… 
Chỉ cần bớt chút dư thừa, xa xỉ của chúng ta 
cũng đủ làm nhiều người no nê hạnh phúc.
Cầu nguyện:
 Lạy Cha, xin cho con ý thức rằng 
tấm bánh để dành của con thuộc về người đói, 
chiếc áo nằm trong tủ thuộc về người trần trụi, 
tiền bạc con cất giấu thuộc về người thiếu thốn.
Lạy Cha, có bao điều con giữ mà chẳng dùng, 
có bao điều con lãng phí 
bên cạnh những Ladarô túng quẫn, 
có bao điều con hưởng lợi 
dựa trên nỗi đau của người khác, 
có bao điều con định mua sắm dù chẳng có nhu cầu. 
Con hiểu rằng nguồn gốc sự bất công chẳng ở đâu xa. 
Nó nằm ngay nơi sự khép kín của lòng con. 
Con phải chịu trách nhiệm 
về cảnh nghèo trong xã hội.
Lạy Cha chí nhân, 
vũ trụ, trái đất và tất cả tài nguyên của nó 
là quà tặng Cha cho mọi người có quyền hưởng. 
Cha để cho có sự chênh lệch, thiếu hụt, 
vì Cha muốn chúng con san sẻ cho nhau. 
Thế giới còn nhiều người đói nghèo 
là vì chúng con giữ quá điều cần giữ. 
Xin dạy chúng con biết cách đầu tư làm giàu, 
nhờ sống chia sẻ yêu thương. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

27 thg 2, 2018

Anh em không được như vậy (28.2.2018 – Thứ tư Tuần 2 Mùa Chay)


Lời Chúa: Mt 20, 17-28

17 Lúc sắp lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đưa Nhóm Mười Hai đi riêng với mình, và dọc đường, Người nói với các ông:18 “Này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem, và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án xử tử Người,19 sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá và, ngày thứ ba, Người sẽ trỗi dậy.”
20 Bấy giờ bà mẹ của các con ông Dê-bê-đê đến gặp Đức Giê-su, có các con bà đi theo; bà bái lạy và kêu xin Người một điều.21 Người hỏi bà: “Bà muốn gì? ” Bà thưa: “Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy.”22 Đức Giê-su bảo: “Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không? ” Họ đáp: “Thưa uống nổi.”23 Đức Giê-su bảo: “Chén của Thầy, các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được.”
24 Nghe vậy, mười môn đệ kia tức tối với hai anh em đó.25 Nhưng Đức Giê-su gọi các ông lại và nói: “Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân.26 Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em.27 Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em.28 Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.” 
Suy niệm:  
Ghế tượng trưng cho chức vụ và chức vị. 
Chính vì thế bình thường người ta ai cũng thích ghế. 
Ghế trong tôn giáo cũng như ghế ngoài đời. 
Tìm cách có ghế, giữ ghế hay tìm cách lên một ghế cao hơn, 
đó vẫn là điều khiến nhiều người vất vả, 
và đó cũng là điều khiến thế giới loạn lạc và xung đột.
Bài Tin Mừng kể cho chúng ta chuyện tranh cãi giữa nhóm Mười Hai. 
Vẫn là chuyện những cái ghế. 
Quan trọng nhất là hai ghế nằm hai bên tả hữu của Thầy 
khi Thầy vào vinh quang trong Nước Thiên Chúa. 
Chỉ tiếc là chuyện tranh cãi này lại xảy ra ngay sau khi 
Thầy Giêsu tâm sự riêng với các môn đệ về cuộc Khổ Nạn của mình. 
Chẳng rõ có phải Gioan và Giacôbê đã nhờ mẹ mình xin giùm không. 
Từ chối lời xin ngây thơ của một người mẹ thương con là điều không dễ. 
Thầy Giêsu có bực mình không khi phải chịu một áp lực như thế?
Các người không biết các người xin gì!” 
Điều các người xin xa lạ với con đường Thầy sắp đi. 
Điều các người mơ ước lại là điều Thầy sắp phải quyết liệt từ bỏ: 
quyền lực, tiếng tăm, vinh dự… 
Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?”
Như thế Thầy Giêsu thách đố nhóm Mười Hai 

về khả năng chia sẻ cuộc Khổ Nạn với Ngài, 
khả năng dám uống chung một chén đắng mà Ngài sắp uống. 
Chỉ những ai dám cùng chịu đau khổ mới được chung phần vinh quang. 
Chẳng rõ các môn đệ có lường được cái giá phải trả không, 
nhưng họ đã vội trả lời là uống nổi. 
Thầy Giêsu xác nhận chọn lựa của họ, 
nhưng Ngài lại không hứa cho họ ngồi hai bên tả hữu của mình, 
đơn giản là vì điều đó thuộc quyền của Cha.
Chuyện tranh cãi giữa các môn đệ là cơ hội để Thầy Giêsu vạch ra 
cách hành xử cho những nhà lãnh đạo tương lai của Giáo Hội. 
Chắc chắn nó khác với lối lãnh đạo ngoài đời, 
khi người ta dùng quyền uy để thống trị và làm bá chủ (c. 25). 
Giữa anh em thì không được như vậy,” anh em không được theo thói đời. 
Thầy Giêsu dạy các môn đệ điều ngược đời: 
kẻ làm lớn, làm đầu phải làm đầy tớ phục vụ cho anh em mình (cc. 26-27). 
Tấm gương lớn nhất là tấm gương Thầy phục vụ (c. 28). 
Cuộc Khổ nạn sắp đến là việc phục vụ khiêm hạ nhất của Thầy. 
Lần đầu tiên Đức Giêsu cho biết ý nghĩa cái chết sắp đến của mình, 
cái chết như giá chuộc để cứu độ muôn người (c. 28).
Mười môn đệ khác có còn ghen tức hai anh em con ông Dêbêđê nữa không 
nếu họ biết rằng ngồi ghế cao chính là để thấy rõ mà dễ phục vụ hơn?
Cầu nguyện:  
Lạy Thầy Giêsu,
Thầy không gọi chúng con là tôi tớ,
Thầy cũng không chỉ coi chúng con là môn đệ.
Thầy còn coi chúng con như bạn hữu của Thầy,
vì Thầy đã thổ lộ cho chúng con
những điều riêng tư thầm kín nhất
trong tương quan giữa Thầy với Cha.
Hơn nữa, sau phục sinh,
Thầy đã gọi các môn đệ là anh em.
Mặc nhiên Thầy tự nhận mình là Anh Trưởng
đứng đầu một đoàn em đông đúc.
Xin cho chúng con
luôn thi hành ý muốn của Cha
để trở nên những người em
cùng huyết nhục với Thầy.
Lạy Thầy Giêsu, Thầy đã nâng chúng con lên
làm môn đệ, làm bạn, làm anh em của Thầy.
Còn Thầy lại hạ mình xuống
phục vụ chúng con như người tôi tớ,
rửa chân cho chúng con như một nô lệ
và chết thay cho chúng con trên thập giá.
Xin cho chúng con hiểu được tấm lòng của Thầy
và sống yêu thương mọi người như anh em. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

26 thg 2, 2018

Nói mà không làm (27.2.2018 – Thứ ba Tuần 2 Mùa Chay)


Lời Chúa: Mt 23, 1-12
1 Bấy giờ, Đức Giê-su nói với dân chúng và các môn đệ Người rằng:2 “Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy.3 Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm.4 Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào.5 Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài.6 Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường,7 ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là “ráp-bi”.
8 “Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là “ráp-bi”, vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau.9 Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời.10 Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Ki-tô.11 Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em.12 Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên. 
Suy niệm 
Bài Tin Mừng hôm nay được đọc trong Mùa Chay 
không phải để chúng ta nghiền ngẫm thói hư của một số người Pharisêu, 
nhưng để chúng ta soi gương họ mà nhận ra mình. 
Chẳng có thói đạo đức giả nào của họ mà ta được miễn nhiễm.
Đạo đức giả đơn giản là một sự mâu thuẫn, thiếu thống nhất nơi lòng người. 
Nói rất hay, giảng rất đúng, nhưng lại chẳng sống điều mình nói hay giảng. 
Có một khoảng cách thật xa giữa ngôn và hành. 
Chất trên vai người khác gánh nặng của luật lệ với những đòi hỏi chi li, 
nhưng chính mình lại không muốn chia sẻ chút nào gánh nặng đó. 
Vẫn là khoảng cách giữa nói và làm, giữa mình với người khác. 
Đeo trên trán hay cánh tay những hộp kinh thật to, đính những tua áo thật dài : 
các cử chỉ này lẽ ra để bày tỏ tình yêu đối với Lời Chúa, qui hướng về Chúa, 
thì lại trở nên những cử chỉ qui về mình, 
nhằm làm cho người ta thấy mình, thấy sự đạo hạnh của mình, để tìm tiếng khen. 
Người đạo đức giả không thực sự tìm Chúa. 
Chúa chỉ là phương tiện để họ tự đánh bóng mình trước mặt người đời. 
Háo danh là điều họ khó dứt bỏ trong cuộc sống : 
ưa ngồi chỗ nhất, ưa chiếm ghế đầu, thích được chào là rabbi…
Cộng đoàn Kitô hữu của Matthêu là một cộng đoàn huynh đệ. 
Trong cộng đoàn ấy hẳn có những vị thầy dạy. 
Có những bậc thầy cao niên được gọi một cách trân trọng là rabbi. 
Có những đấng sáng lập cộng đoàn được gọi một cách kính cẩn là cha. 
Nhưng bất chấp điều đó, Đức Giêsu khẳng định : 
Tất cả anh em đều là anh em với nhau” (c.8). 
Mọi thành viên trong cộng đoàn đều lệ thuộc như nhau 
vào một vị Thầy duy nhất là Đức Giêsu Kitô, 
vào một người Cha duy nhất là Cha trên trời. 
Các Kitô hữu gọi nhau là anh, là chị, là em, 
và đối xử với nhau như anh chị em, con một Cha, học trò một Thầy. 
Đừng để ai gọi mình là thầy, đừng gọi ai là cha…” 
Lời của Đức Giêsu vẫn là một lời cảnh giác cho Giáo hội mọi thời.
Càng lớn mạnh theo thời gian, Giáo hội càng cần một cơ cấu tổ chức, 
bao gồm nhiều chức vụ lãnh đạo có uy quyền. 
Làm sao để tinh thần phục vụ khiêm hạ của Đức Kitô thấm vào mọi cơ cấu? 
Làm sao để mọi vị thầy của Giáo hội không che khuất Đấng là vị Thầy duy nhất? 
Làm sao để các người cha thiêng liêng múc được tình phụ tử dịu hiền 
từ Người Cha duy nhất là chính Thiên Chúa?
Cầu nguyện:  
Lạy Chúa Giêsu,
khi đến với nhau,
chúng con thường mang những mặt nạ.
Chúng con sợ người khác thấy sự thật về mình.
Chúng con cố giữ uy tín cho bộ mặt
dù đó chỉ là chiếc mặt nạ giả dối.
Khi đến với Chúa,
chúng con cũng thường mang mặt nạ.
Có những hành vi đạo đức bên ngoài
để che giấu cái trống rỗng bên trong.
Có những lời kinh đọc trên môi,
nhưng không có chỗ trong tâm hồn,
và ngược hẳn với cuộc sống thực tế.
Lạy Chúa Giêsu,
chúng con cũng thường ngắm mình trong gương,
tự ru ngủ và đánh lừa mình,
mãn nguyện với cái mặt nạ vừa vặn.
Xin giúp chúng con cởi bỏ mọi thứ mặt nạ,
đã ăn sâu vào da thịt chúng con,
để chúng con thôi đánh lừa nhau,
đánh lừa Chúa và chính mình.
Ước gì chúng con xây dựng bầu khí chân thành,
để chúng con được lớn lên trong bình an.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

24 thg 2, 2018

Được biến hình đổi dạng (25.2.2018 – Chúa nhật 2 Mùa Chay, Năm B)


Lời Chúa: (Mc 9, 2-10)
2 Hôm ấy, Ðức Giêsu đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. 3 Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy. 4 Và ba môn đệ thấy ông Êlia cùng ông Môsê hiện ra đàm đạo với Ðức Giêsu. 5 Bấy giờ, ông Phêrô thưa với Ðức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, hay quá! Chúng con xin dựng ba cái lều, Thầy một cái, ông Môsê một cái, và ông Êlia một cái”. 6 Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng.  7 Và có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng: “Ðây là Con Ta Yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người”. 8 Các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Ðức Giêsu với các ông mà thôi. 9Ở trên núi xuống, Ðức Giêsu truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trừ khi Con Người đã từ cõi chết sống lại. 10 Các ông tuân lệnh đó, nhưng vẫn bàn hỏi nhau xem câu “từ cõi chết sống lại” nghĩa là gì.
Suy Niệm
Ðức Giêsu mê những ngọn núi vắng vẻ,
đó là nơi Ngài gặp gỡ Cha, chìm đắm trong cầu nguyện.
Có nhiều ngọn núi trong cuộc đời Ðức Giêsu:
núi của Bài Giảng về các mối phúc,
núi Tabo nơi Ngài biến hình,
núi Sọ và núi Ô-liu nơi Chúa thăng thiên.
Những ngọn núi trở thành cột mốc đánh dấu.
Những ngọn núi đan vào nhau làm nên cuộc hành trình.
Ba môn đệ thân tính được Ngài đưa lên núi Tabo,
để củng cố niềm tin của họ,
trước khi họ thấy Ngài như người bị Cha bỏ rơi
và bị mọi người khai trừ ruồng rẫy trên núi Sọ.
Nhưng vinh quang của núi Tabo
chỉ là một loé sáng bất ngờ và tạm thời,
báo trước vinh quang viên mãn khi Ngài về Thiên Quốc.
Biến hình là một hành động của Thiên Chúa Cha.
Sau khi gặp Cha, Ðức Giêsu được Cha biến hình.
Sự biến đổi này ảnh hưởng đến thân xác và khuôn mặt,
và đến cả y phục của Ngài.
Vinh quang của Con Thiên Chúa làm người vốn bị che khuất,
nay được Cha hé mở cho các môn đệ.
Ông Môsê ngày xưa, sau khi lên núi gặp Ðức Chúa
cũng đã phải che lại khuôn mặt chói lọi của mình.
Chẳng ai gặp Thiên Chúa thực sự mà lại không biến hình.
Ðời sống kết hiệp thực sự với Thiên Chúa
làm cho người Kitô hữu tỏa sáng rực rỡ.
Biến hình không phải là trở thành cái gì khác mình,
như Tôn Ngộ Không với các trò biến hoá.
Biến hình là trở lại với cái tôi sâu thẳm của mình:
tôi là con yêu dấu của Thiên Chúa.
Từ khi chịu phép Thánh Tẩy,
chúng ta đã bước vào một cuộc biến hình,
từ từ và liên tục.
Nếu chúng ta chấp nhận đi vào đường hẹp của Thầy Giêsu
chúng ta sẽ được biến hình đổi dạng
và phản ánh ngời sáng hơn vinh quang Chúa (x. 2Cr 3,18).
Chúng ta phải trở thành điều chúng ta đang là.
Ðời sống Kitô hữu là một cuộc lên núi
và xuống núi với Chúa Kitô mỗi ngày.
Cần cảm nếm được sự dịu ngọt và hạnh phúc
khi được chiêm ngắm Chúa Giêsu trên núi cao.
Nhưng cũng phải xuống núi với Chúa
để đi đến nơi hiến mình, nơi phục vụ,
đi cùng và đi sau Chúa Giêsu
đến với Vườn Dầu và Núi Sọ.
Ước gì chúng ta dám đón nhận những gai góc đời thường
và nhìn mọi khổ đau bằng cái nhìn mới mẻ.
Người Kitô hữu lên núi gặp Chúa
để rồi được sai xuống núi hành đạo.
Nhưng xuống núi rồi, lại có khi thấy cần lên núi.
Cầu Nguyện
Khi bị bao vây bởi muôn tiếng ồn ào,
xin cho con tìm được những phút giây thinh lặng.
Khi bị rã rời vì trăm công ngàn việc,
xin cho con quý chuộng những lúc
được an nghỉ trước nhan Chúa.
Khi bị xao động bởi những bận tâm và âu lo,
xin cho con biết thanh thản ngồi dưới chân Chúa
để nghe lời Người.
Khi bị kéo ghì bởi đam mê dục vọng,
xin cho con thoát được lên cao
nhờ mang đôi cánh thần kỳ của sự cầu nguyện.
Lạy Chúa,
ước gì tinh thần cầu nguyện
thấm nhuần vào cả đời con.
Nhờ cầu nguyện,
xin cho con gặp được con người thật của con
và khuôn mặt thật của Chúa.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.