29 thg 6, 2014

Anh là tảng đá - Chúa nhật – Lễ thánh Phêrô và thánh Phaolô, tông đồ

Lời Chúa: Mt 16, 13-19
13 Khi Đức Giê-su đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai? “14 Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ.”15 Đức Giê-su lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? “16 Ông Si-môn Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.”17 Đức Giê-su nói với ông: “Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.18 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.19 Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.”
Suy nim:
Trong ngày lễ kính thánh Phêrô và thánh Phaolô,
chúng ta được mời gọi chiêm ngắm hai khuôn mặt,
rất khác nhau mà cũng rất giống nhau.
Phêrô, một người đánh cá ít học, đã lập gia đình.
Ông theo Thầy Giêsu ngay từ buổi đầu sứ vụ.
Còn Phaolô là người có nhiều điều để tự hào,
về gia thế, về học thức, về đời sống đạo hạnh.
Ông chưa hề gặp mặt Ðức Giêsu khi Ngài còn sống.
Nhưng hai ông có nhiều nét tương đồng.
Cả hai đều được Ðức Giêsu gọi.
Phêrô được gọi khi ông đang thả lưới bắt cá nuôi vợ con.
Phaolô được gọi khi ông hung hăng tiến vào Ðamát.
Cả hai đã từ bỏ tất cả để theo Ngài.
Tất cả của Phêrô là gia đình và nghề nghiệp.
Tất cả của Phaolô là những gì ông cậy dựa vênh vang.
Bỏ tất cả là chấp nhận bấp bênh, tay trắng.
Cả hai đều đã từng có lần vấp ngã.
Vấp ngã bất ngờ sau khi theo Thầy như Phêrô,
trong một phút giây quá tự tin vào sức mình.
Ngã ngựa bất ngờ và trở nên mù lòa như Phaolô,
trong lúc tưởng mình sáng mắt và đi đúng hướng.
Vấp ngã nào cũng đau và in một dấu không phai.
Vấp ngã bẻ lái đưa con người đi vào hướng mới.
Phêrô và Phaolô đều yêu Ðức Giêsu cách nồng nhiệt,
vì họ cảm nhận sâu xa mình được Ngài yêu.
“Này anh Simon, anh có mến Thầy không?
Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” (Ga 21,16)
Cả Phaolô cũng yêu Ðấng ông chưa hề chung sống,
vì Ngài là “Con Thiên Chúa,
Ðấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi.” (Gl 2, 20)
Phaolô đã không ngần ngại khẳng định:
Không gì có thể tách được chúng ta
ra khỏi Tình Yêu của Ðức Kitô (x. Rm 8, 35.39)
Tình yêu Ðức Kitô là linh hồn của đời truyền giáo,
vì nói cho cùng truyền giáo chính là
giúp người khác nhận ra và yêu mến
Ðấng đã yêu tôi và yêu cả nhân loại.
Cả hai vị tông đồ đều hăng say rao giảng,
bất chấp muôn vàn nguy hiểm khổ đau.
Phêrô đã từng chịu đòn vọt ngục tù (x. Cv 5,40)
Còn nỗi đau của Phaolô thì không sao kể xiết (x. 2C 11, 23-28).
“Tôi mang trên mình tôi những thương tích của Ðức Giêsu” (Gl 6, 1-7)
Cả hai vị đã chết như Thầy.
Phêrô bị dẫn đến nơi ông chẳng muốn (x. Ga 21, 18).
Phaolô đã chiến đấu anh dũng cho đến cùng,
và đã đổ máu ra làm lễ tế (x. 2Tm 4, 6).
Hội Thánh hôm nay vẫn cần những Phêrô và Phaolô mới,
dám bỏ, dám theo và dám yêu
dám sống và dám chết cho Ðức Kitô và Tin Mừng.
Hội Thánh vẫn cần những chiếc cột và những tảng đá.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa,
chúng con không hiểu tại sao Chúa chọn Simon,
một người đánh cá ít học và đã lập gia đình,
để làm vị Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo Hội.
Chúa xây dựng Giáo Hội
trên một tảng đá mong manh,
để ai nấy ngất ngây trước quyền năng của Chúa.
Hôm nay Chúa cũng gọi chúng con
theo Chúa, sống cho Chúa,
đặt Chúa lên trên mọi sự:
gia đình, sự nghiệp, người yêu.
Chúng con chẳng thể nào từ chối
viện cớ mình kém đức kém tài.
Chúa đưa chúng con đi xa hơn,
đến những nơi bất ngờ,
vì Chúa cần chúng con ở đó.
Xin cho chúng con một chút liều lĩnh của Simon,
bỏ mái nhà êm ấm để lên đường,
hạnh phúc vì biết mình đang đi sau Chúa. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

25 thg 6, 2014

Cứ xem quả thì biết họ – Thứ tư Tuần 12 Thường niên

Lời Chúa: Mt 7, 15-20
 
15“Anh em hãy coi chừng các ngôn sứ giả, họ đội lốt chiên mà đến với anh em; nhưng bên trong, họ là sói dữ tham mồi.16 Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai. Ở bụi gai, làm gì có nho mà hái? Trên cây găng, làm gì có vả mà bẻ?17 Nên hễ cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu.18 Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh quả tốt.19 Cây nào không sinh quả tốt, thì bị chặt đi và quăng vào lửa.20 Vậy, cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai.

Suy niệm:
 
Thời nào Hội Thánh cũng có những ngôn sứ giả.
Họ mang dáng dấp là người của Chúa, người nói lời Chúa.
Họ hấp dẫn quần chúng và có nhiều người chạy theo.
Đức Giêsu dạy ta phải coi chừng họ (c. 15).
Ngài dùng một hình ảnh quen thuộc để nói lên mối nguy cơ này.
Các ngôn sứ giả đội lốt chiên tốt lành mà đến với dân Chúa.
Nhưng thực chất họ là sói dữ tham mồi.
Cái khó là nhận ra bộ mặt thật của họ để không bị đánh lừa.
Không nhận ra họ là sói, chúng ta có thể dễ làm mồi cho họ.


Đức Giêsu dùng một hình ảnh khác
để chỉ cho ta cách phân biệt chiên với sói : hình ảnh quả và cây.
Cây nào sinh quả ấy: đó là một nguyên tắc bất biến.
“Có ai hái được nho ở bụi gai, hay hái vả trên cây găng không?” (c. 16).
Hẳn là không rồi.
Cây tốt ắt sinh quả tốt, cây bị sâu ắt sinh quả chẳng ra gì (c. 17).
Hơn nữa, Đức Giêsu còn mạnh mẽ khẳng định :
cây tốt không thể sinh quả xấu,
và cây xấu không thể sinh quả tốt được (c. 18).
Chính vì thế cứ nhìn quả thì biết cây.
Cứ nhìn những công việc do một người làm,
ta sẽ biết người ấy là ai (cc. 16. 20).

 
Những môn đệ đích thực của Đức Giêsu hẳn sẽ sinh quả tốt,
đó là sống công chính như giáo huấn của Bài Giảng trên núi.
Còn những ngôn sứ giả bị lộ mặt nạ qua đời sống bất chính của họ.

Chuyện ngôn sứ giả đã có từ xưa trong Cựu ước.
Ở Côrintô, thánh Phaolô đã phải vất vả đối đầu
với những kẻ mà ngài gọi là tông đồ giả, đội lốt tông đồ của Đức Kitô.

 
Ngài còn thêm : “Lạ gì đâu !
Vì chính Xa tan cũng đội lốt thiên thần sáng láng !” (2 Cr 11, 13-14).
Như thế các tín hữu phải cảnh giác để phân biệt chân và giả,
đặc biệt trong thời Hội Thánh gặp khủng hoảng khó khăn.
Họ phải tỉnh táo để khỏi bị dáng vẻ bên ngoài hay lý luận mê hoặc.
Điều cần lưu tâm là đời sống công chính của vị ngôn sứ.

Trong thư gửi tín hữu Galát, thánh Phaolô cho chúng ta một tiêu chuẩn
để nhận ra  hoa quả nào là bắt nguồn từ Thần Khí (5, 22).
Đó là bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín…
Những điều ngược lại, ngài gọi là những hành động của xác thịt,
như hận thù, bất hòa, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái… (5, 20).

 
Sống trong một thế giới phẳng và đa nguyên, người kitô hữu hôm nay
chịu ảnh hưởng mạnh mẽ và nhanh chóng,
bởi nhiều nguồn thông tin, đến từ nhiều người.
Những tiêu chuẩn của Đức Giêsu hay của thánh Phaolô vẫn còn giá trị.
Nhưng chúng ta cần có thời gian để phân định quả xấu, quả tốt.
Và cũng cần có thời gian để nhận ra đâu là sói, đâu là chiên.


Lời nguyện: 

Như thánh Phaolô trên đường về Ðamát,
xin cho con trở nên mù lòa
vì ánh sáng chói chang của Chúa,
để nhờ biết mình mù lòa mà con được sáng mắt.

Xin cho con đừng sợ ánh sáng của Chúa,
ánh sáng phá tan bóng tối trong con
và đòi buộc con phải hoán cải.


Xin cho con đừng cố chấp ở lại trong bóng tối
chỉ vì chút tự ái cỏn con.
Xin cho con khiêm tốn
để đón nhận những tia sáng nhỏ
mà Chúa vẫn gửi đến cho con mỗi ngày.

Cuối cùng, xin cho con hết lòng tìm kiếm Chân lý
để Chân lý cho con được tự do.


Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

24 thg 6, 2014

SINH NHẬT THÁNH GIOAN TẨY GIẢ

Thánh Gioan Tẩy giả bị trảm quyết
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Đầu Gioan Tẩy giả - Thánh Gioan Tẩy giả bị trảm quyết

Chúng ta xin cho mình luôn có tự do, để mọi quyết định phù hợp với ý Chúa.

Lời Chúa: Mc 6, 17-29


Hồi ấy, vua Hêrôđê sai đi bắt ông Gioan và xiềng ông trong ngục. Lý do là vì vua đã lấy bà Hêrôđia, vợ của người anh là Philípphê, mà ông Gioan lại bảo: “Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài!” Bà Hêrôđia căm thù ông Gioan và muốn giết ông, nhưng không được. Thật vậy, vua Hêrôđê nể sợ ông Gioan vì biết ông là người công chính thánh thiện; vua che chở ông. Khi nghe ông nói, nhà vua rất phân vân, nhưng lại cứ thích nghe. Một ngày thuận lợi đến: nhân dịp mừng sinh nhật của mình, vua Hêrôđê mở tiệc thết đãi bá quan văn võ và các thân hào miền Galilê. Con gái bà Hêrôđia vào biểu diễn một điệu vũ, làm cho nhà vua và khách dư tiệc vui thích. Nhà vua nói với cô gái: “Con muốn gì thì cứ xin, ta sẽ ban cho con.” Vua lại còn thề: “Con xin gì, ta cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được.” Cô gái đi ra hỏi mẹ: “Con nên xin gì đây?” Mẹ cô nói: “Ðầu Gioan Tẩy Giả.” Lập tức cô vội trở vào đến bên nhà vua và xin rằng: “Con muốn ngài ban ngay cho con cái đầu ông Gioan Tẩy Giả, đặt trên mâm.” Nhà vua buồn lắm, nhưng vì lời thề, và khách dự tiệc, nên không muốn thất hứa với cô. Lập tức, vua sai thị vệ đi và truyền mang đầu ông Gioan tới. Thị vệ ra đi, chặt đầu ông ở trong ngục, bưng đầu ông trên một cái mâm trao cho cô gái, và cô gái trao cho mẹ. Nghe tin ấy, môn đệ đến lấy thi hài ông và đặt trong một ngôi mộ.

Suy nim:

Ngày sinh nhật của một người lại dẫn đến cái chết của một người khác.
Nếu sự kiện xảy ra đúng như truyền thống mà Máccô nhận được và ghi lại
thì thật là khủng khiếp.


Ai có thể tưởng tượng nổi chuyện trong bữa tiệc sinh nhật của Hêrôđê,
một cô bé dám bưng mâm, trên có cái đầu vừa bị chặt của một người,
máu còn chảy ròng ròng, mắt đang nhắm hay mở?
Cô bưng và vui vẻ trao cho mẹ cô.
Mẹ cô sẽ bưng và trao cho ai cái đầu của Gioan, người mà bà căm ghét?


Bài Tin Mừng hôm nay cũng cho ta một số kinh nghiệm của Hêrôđê.
Trước hết là kinh nghiệm bị giằng co giữa cái tốt và cái xấu.
Hêrôđê Antipas đã bắt ông Gioan tẩy giả và xiềng ông trong ngục.
Lý do vì Gioan đã cản trở cuộc hôn nhân sai trái của ông với Hêrôđia.
Dầu vậy Hêrôđê vẫn biết Gioan là người công chính thánh thiện,
vẫn sợ ông và che chở ông khỏi sự trả thù của Hêrôđia (cc. 19-20).


Hêrôđê còn lương tâm khi ông thích nghe Gioan nói, dù rất bối rối khi nghe.

Kế đến là kinh nghiệm về sự thiếu chín chắn của Hêrôđê khi thề hứa.
Cái gì đã xui khiến ông nói câu dại dột này với cô bé Salômê:
“Con xin gì ta cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được” (c. 23)?
Bầu khí cuồng nhiệt của bữa tiệc sinh nhật, hay điệu vũ đẹp mê hồn,
hay rượu đã ngà ngà say, hay muốn chứng tỏ mình đầy quyền lực?
Hay sự cộng hưởng của mọi yếu tố trên?


Có những lời nói vội vã mà sau đó ta phải hối tiếc và trả giá.

Cuối cùng là kinh nghiệm về sự mất tự do trước khi quyết định.
Khi cô bé xin cái đầu của Gioan, Hêrôđê hẳn đã sửng sốt ngỡ ngàng.
Ông buồn hết sức vì mình đã lỡ thề hứa như vậy (c. 26).
Ông có thể rút lại lời đã nói không? Dĩ nhiên là có.
Nhưng nỗi sợ đã khiến ông không dám làm.
Sợ từ chối cô bé, làm cho cô buồn và mẹ cô nổi giận,
sợ bị mang tiếng là nuốt lời trước mặt bá quan văn võ.
Nói chung ông sợ mất danh dự của mình, mất thiện cảm của người khác.


Bởi vậy, dù Hêrôđê thấy việc giết Gioan là điều sai trái,
ông vẫn không dám xin rút lại lời thề thiếu suy xét của mình.
Cần can đảm để giữ lời hứa, nhưng có khi cần can đảm hơn để không giữ.


Danh dự hão của Hêrôđê được mua bằng máu của một vị ngôn sứ lớn.

Hêrôđê đã can dự vào cái chết của Gioan.
Ông chịu áp lực từ khách dự tiệc và mẹ con Hêrôđia.
Philatô đã can dự vào cái chết của Đức Giêsu.
Ông này chịu áp lực từ dân chúng và các thượng tế.
Cả hai ông đều không có tự do, không có can đảm để tha cho người vô tội.
Cả hai ông đều nghĩ đến mình, cái ghế của mình, danh dự của mình.
Quyền lực được sử dụng như bạo lực, khiến người lành phải chết oan.
Chúng ta xin cho mình luôn có tự do, để mọi quyết định phù hợp với ý Chúa.


Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu,
sám hối không phải là điều dễ dàng,
bởi lẽ chúng con không đủ khiêm tốn
để nhận mình lầm lỗi.


Chúng con ngỡ ngàng
khi thấy Chúa là Đấng vô tội
mà lại đứng chung với các tội nhân,
chờ Gioan ban phép Rửa.

Chúa đã muốn nên bạn đồng hành
với phận người mỏng dòn yếu đuối chúng con.


Xin cho chúng con biết thường xuyên điều chỉnh
lối nghĩ và lối sống của mình,
tỉnh táo để khỏi rơi vào ảo tưởng,
thành thật để khỏi tự dối mình.


Ước gì Chúa ban cho chúng con ơn hoán cải,
dám đi đến những hành động cụ thể,
và chấp nhận những cắt tỉa đớn đau.
Nhưng xin đừng quên ban cho chúng con
niềm vui của Giakêu,
hạnh phúc vì được tự do và được yêu mến.

23 thg 6, 2014

Vọng Lễ Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả

Tin Mừng:  Lc 1,5-17
          
5 Thời vua Hê-rô-đê cai trị miền Giu-đê, có một vị tư tế thuộc nhóm A-vi-gia, tên là Da-ca-ri-a ; vợ ông là Ê-li-sa-bét cũng thuộc dòng tộc tư tế A-ha-ron. 6 Cả hai ông bà đều là người công chính trước mặt Thiên Chúa, sống đúng theo mọi điều răn và mệnh lệnh của Chúa, không ai chê trách được điều gì. 7 Nhưng họ lại không có con, vì bà Ê-li-sa-bét là người hiếm muộn. Vả lại, cả hai đều đã cao niên.
8 Sau đây là chuyện xảy ra trong lúc ông đang lo việc tế tự trước nhan Thiên Chúa khi đến phiên của nhóm ông : 9 Trong cuộc bắt thăm thường lệ của hàng tư tế, ông đã trúng thăm được vào dâng hương trong Đền Thờ của Đức Chúa. 10 Trong giờ dâng hương đó, toàn thể dân chúng cầu nguyện ở bên ngoài.
11 Bỗng một sứ thần của Chúa hiện ra với ông, đứng bên phải hương án. 12 Thấy vậy, ông Da-ca-ri-a bối rối, và nỗi sợ hãi ập xuống trên ông. 13 Nhưng sứ thần bảo ông : "Này ông Da-ca-ri-a, đừng sợ, vì Thiên Chúa đã nhận lời ông cầu xin : bà Ê-li-sa-bét vợ ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai, và ông phải đặt tên cho con là Gio-an. 14 Ông sẽ được vui mừng hớn hở, và nhiều người cũng được hỷ hoan ngày con trẻ chào đời. 15 Vì em bé sẽ nên cao cả trước mặt Chúa. Rượu lạt rượu nồng em sẽ đều không uống. Và ngay khi còn trong lòng mẹ, em đã đầy Thánh Thần. 16 Em sẽ đưa nhiều con cái Ít-ra-en về với Đức Chúa là Thiên Chúa của họ. 17 Được đầy thần khí và quyền năng của ngôn sứ Ê-li-a, em sẽ đi trước mặt Chúa, để làm cho lòng cha ông quay về với con cháu, để làm cho tâm tư kẻ ngỗ nghịch lại hướng về nẻo chính đường ngay, và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa."

Lấy xà ra khỏi mắt – Thứ hai Tuần 12 Thường niên

Lời Chúa: Mt 7, 1-5

1 “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán,2 vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy; và anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em.3 Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới?4 Sao anh lại nói với người anh em: “Hãy để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt bạn”, trong khi có cả một cái xà trong con mắt anh?5 Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em.

Suy niệm

Mỗi ngày chúng ta đưa ra biết bao nhận xét về người khác.
Thầy cô phải nhận xét về học trò, cấp trên phải nhận xét về thuộc hạ.
Việc lượng giá về từng cá nhân thường rất cần thiết và hữu ích.
Trong đời sống tu trì, vẫn có chuyện anh em sửa lỗi cho nhau.
Nói chung, sống thì phải đưa ra những phán đoán về người khác.
Nhưng làm sao để phán đoán ấy không trở nên một xét đoán lệch lạc?


Đức Giêsu dạy ta biết cách xét đoán qua bài Tin Mừng hôm nay.

“Anh em đừng xét đoán” : thật ra Đức Giêsu không cấm mọi thứ xét đoán.
Ngài còn dạy các môn đệ biết cách phân biệt ngôn sứ giả và thật (Mt 7,15),
phân biệt người xứng đáng và người không xứng đáng (Mt 10, 11),
biết cách đề phòng thói xấu của nhóm Xađốc và Pharisêu (Mt 16, 6).


Đức Giêsu chỉ đòi các tín hữu sống trong cộng đoàn huynh đệ
phải tránh lối xét đoán thiếu bao dung, khắc nghiệt,
mà quên chính mình cũng có những lỗi lầm lớn hơn nhiều.
“Anh em xét đoán thế nào, thì cũng bị Thiên Chúa xét đoán như vậy” (c. 2).
Ngài muốn ta nhẹ tay và nhân từ khi cần phải xét đoán người anh em.
Vì cái đấu ta dùng để đong cho họ, Thiên Chúa sẽ dùng để đong cho ta.
Đấu đong đi càng lớn, đấu đong lại càng đầy.
Chỉ cần thay đổi cái đấu ta vẫn quen dùng, là cuộc đời của ta thay đổi.


Đức Giêsu dùng một hình ảnh liên quan đến nghề mộc của Ngài,
để nói về chuyện người đạo đức giả.
Đó là hình ảnh bụi mùn cưa trong mắt người khác và cái xà trong mắt mình.
Một cái thì thật bé, một cái thì to đến độ khó lòng ở trong mắt được.
Hình ảnh phóng đại này hẳn làm ai cũng phải buồn cười.


Tôi thấy lỗi bé nơi anh em, nhưng lại không để ý tới lỗi lớn nơi tôi.
Tôi hăng hái xin được lấy hạt bụi ra khỏi mắt anh em,
nhưng lại rất khoan dung với cái xà trong mắt mình.
Đức Giêsu hóm hỉnh khuyên chúng ta nên lấy xà ra khỏi mắt trước đã,
rồi mới thấy tỏ tường để lấy hạt bụi mùn cưa khỏi mắt anh em.


Điều khó vẫn là thấy được cái xà trong mắt mình.
Lẽ ra tôi phải thấy ngay vì nó quá lộ liễu.
Nhưng nó khó thấy, vì tôi không muốn thấy cái xấu của mình.
Càng có quyền, có chức, có uy tín, có tuổi tác và kinh nghiệm,
càng khó chấp nhận nếp nhăn nơi khuôn mặt mình.
Giá mà tôi thấy được cái xà nơi mắt tôi,
chắc tôi đã không dám đòi lấy hạt bụi nơi mắt người khác,
hay nếu có được ai nhờ lấy đi nữa,
thì cũng chỉ lấy một cách khiêm hạ, nhẹ nhàng.


Trong bài hát “Chúa Hòa Bình” của Phạm Duy có câu:
“Nếu có ai lầm lỡ, rồi sinh ra khắt khe…”
Chỉ mong chúng ta, nhờ thấy mình lầm lỡ và đã được Chúa thứ tha,
nên sinh ra dễ cảm thông với lỗi lầm người khác.


Lời nguyện: 

Lạy Chúa Giêsu,
khi đến với nhau,
chúng con thường mang những mặt nạ.
Chúng con sợ người khác thấy sự thật về mình.
Chúng con cố giữ uy tín cho bộ mặt
dù đó chỉ là chiếc mặt nạ giả dối.


Khi đến với Chúa,
chúng con cũng thường mang mặt nạ.
Có những hành vi đạo đức bên ngoài
để che giấu cái trống rỗng bên trong.
Có những lời kinh đọc trên môi,
nhưng không có chỗ trong tâm hồn,
và ngược hẳn với cuộc sống thực tế.

Lạy Chúa Giêsu,
chúng con cũng thường ngắm mình trong gương,
tự ru ngủ và đánh lừa mình,
mãn nguyện với cái mặt nạ vừa vặn.


 Xin giúp chúng con cởi bỏ mọi thứ mặt nạ,
đã ăn sâu vào da thịt chúng con,
để chúng con thôi đánh lừa nhau,
đánh lừa Chúa và chính mình.
Ước gì chúng con xây dựng bầu khí chân thành,
để chúng con được lớn lên trong bình an.


Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.


22 thg 6, 2014

Kẻ ăn tôi sẽ sống – Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô

Lời Chúa: (Ga 6,51-58)
Khi ấy, Ðức Giêsu nói với người Do thái rằng: 51 “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.” 52 Người Do thái liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” 53 Ðức Giêsu nói với họ: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. 54 Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, 55 vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. 56 Ai ăn thịt và uống máu tôi thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. 57 Như Chúa Cha là Ðấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. 58 Ðây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.”

Suy Niệm

“Lúc đó tôi biết thế nào tôi cũng chết
nhưng tôi muốn con tôi được sống”
Ðó là lời của bà Susanna sau khi được cứu
trong trận động đất ở Ácmêni vào tháng 12-1987.
Trong số hàng ngàn người bị vùi lấp dưới đống gạch,
có hai mẹ con bà Susanna may mắn còn sống sót.
Cô con gái bốn tuổi đòi uống nước.
Tìm đâu ra nước khi hai mẹ con không có lối ra?
Tình mẫu tử đã gợi lên cho bà một ý nghĩ táo bạo,
đó là rạch ngón tay mình chảy máu để cho con mút.
Ðứa bé đã đỡ khát nhờ máu người mẹ.
Nó đã sống cho đến khi cả hai mẹ con được cứu.


Câu truyện trên giúp ta hiều phần nào bí tích Thánh Thể.
Ðức Giêsu đã chết để chúng ta được sống.
Ngài chấp nhận chịu đổ máu qua cái chết thập giá,
và Ngài muốn máu Ngài trở nên thức uống cho chúng ta.

Trong các nhà thờ, vào dịp lễ Giáng sinh,
thường có những người ngoài Kitô giáo đến dự lễ.
Cũng có ít người tò mò lên “ăn bánh thánh”.
Họ ngạc nhiên vì tấm bánh mỏng manh, nhạt nhẽo.
Nhưng họ sẽ ngạc nhiên hơn nhiều nếu chúng ta bảo họ:
“Ăn tấm bánh đó là ăn thịt Chúa,
uống chén rượu đó là uống máu Chúa”.
Thật là kinh khủng, làm sao có chuyện như vậy?


Ðây là mầu nhiệm đức tin, không dễ giải thích cho người ngoài.
Tất cả bắt đầu từ ước muốn lạ lùng của Ðức Giêsu.
Ngài muốn nuôi nhân loại bằng chính con người Ngài.
Ngài muốn trở thành đồ ăn thức uống cho nhân loại:
“Các con hãy cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy.
Các con hãy cầm lấy mà uống, đây là Máu Thầy.”
Mình và Máu tượng trưng toàn thể con người Ðức Giêsu.
Nên khi rước lễ, ta không chỉ rước thịt mình Ngài,
mà rước lấy cả con người Ngài dưới dạng tấm bánh.


Rước lễ là gắn bó với một ngôi vị:
“Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì ở lại trong tôi
và tôi ở lại trong người ấy (c.56).
Rước lễ không phải là đón nhận một xác chết,
nhưng là gặp gỡ Ðức Giêsu đã chết và nay đã phục sinh.
“Như tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào,
kẻ ăn tôi cũng sẽ sống nhờ tôi như vậy” (c.57).
Rước lễ là đón lấy sự sống từ Ðấng đang sống,
cũng là sự sống duy nhất bắt nguồn từ Chúa Cha.


Hôm nay, Ðức Giêsu phục sinh có một lối hiện diện mới mẻ.
Ngài không hiện diện dưới dạng một con người,
nhưng dưới dạng đồ ăn, đồ uống.
Như thế cả vật chất bất động cũng được nâng lên,
cả lao công của con người cũng được thánh hiến.
Vật chất trở thành biểu tượng cho sự hiện diện thần linh.
Vật chất có chỗ trong thế giới của Thiên Chúa.
Ước gì thế giới vật chất ở quanh ta
cũng nên thánh, nhờ được chia sẻ trong yêu thương.


Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu,
có một ngọn đèn dầu gần Nhà Tạm,
ngọn đèn đỏ mời con dừng bước chân,
và nhắc con về sự hiện diện của Chúa.
Con mong sự hiện diện ấy lan tỏa khắp nơi,
để đâu đâu cũng thấy những ngọn đèn đỏ.

Nơi xóm nghèo mùa mưa nhớp nháp,
nơi lớp học tình thương lúc chiều tà,
nơi những trung tâm phục hồi nhân phẩm,
nơi bảo sanh viện nâng niu sự sống của trẻ thơ,
nơi khách sạn năm sao, nơi quán bia đầu ngõ,
nơi các tiệm cho mướn băng video,
nơi tình yêu trong ngần của đôi bạn trẻ…


Nhưng lạy Chúa, trước hết,
xin cho đời con là một ngọn đèn,
xin cho chúng con là những ngọn đèn màu đỏ,
mời người ta dừng lại, trầm tư,
và gặp được Chúa.


Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J

21 thg 6, 2014

Người sẽ thêm cho – Thứ bảy Tuần 11 Thường niên

Lời Chúa: Mt 6, 24-34

(24) “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được.  (25) “Vì vậy Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao? (26) Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao? (27) Hỏi có ai trong anh em có thể nhờ lo lắng mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang không? (28) Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi; (29) thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Salômôn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. (30) Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin! (31) Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? (32) Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. (33) Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. (34) Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.

Suy nim:

Chế độ nô lệ tưởng như đã không còn trên thế giới.
Nhưng ngày nay người ta vẫn nói đến những hình thức nô lệ mới.
Nước nghèo mất chủ quyền, chịu nô lệ cho nước giàu,
các phụ nữ trở nên nạn nhân của nô lệ tình dục,
trẻ em nô lệ cho chơi game, thanh niên nô lệ cho ma túy.


Xem ra khó tránh được chuyện bị làm nô lệ,
giữa một thế giới đề cao tự do và giải phóng.
Khi không muốn làm nô lệ cho ai,
con người lại trở nên nô lệ cho cái tôi ích kỷ.
Khi không chấp nhận lệ thuộc Đấng Tạo Hóa cao vời,
con người lại trở nên nô lệ cho các thụ tạo do mình tạo ra.


Đức Giêsu đặt chúng ta trước một chọn lựa.
“Anh em không thể đồng thời làm tôi Thiên Chúa và Tiền Của được.”
Nếu có hai chủ thì thế nào cũng yêu mến người này hơn người kia.
Giữa Thiên Chúa và Tiền Của, tôi sẽ gắn bó với ai hơn, tôi sẽ chọn ai?
Tôi không thể giả vờ thỏa hiệp để chọn cả hai, để được cả hai.
Thần Tài hứa hẹn cho tôi sự an toàn và hạnh phúc giả tạo,
còn Thiên Chúa hứa cho tôi hạnh phúc đích thực, vững bền.
Chỉ khi đặt Thiên Chúa lên trên mọi sự, tôi mới thật sự tự do.


Có sáu động từ lo trong bài Tin Mừng trên đây.
Đức Giêsu nhiều lần khuyên các môn đệ đừng lo (cc. 25. 31. 34).
Nhưng làm người ai lại không lo về ngày mai, trừ phi là trẻ thơ?
Trên thế giới bao người vẫn phải vật vã từng ngày với cơm ăn, nước uống?


Con người có thể sống vô tư như chim trời không
khi chim trời ngày nay cũng bị đe dọa không nơi trú ẩn?

 Chúng ta cần hiểu cho đúng chữ lo của Đức Giêsu.
Ngài không dạy chúng ta sống vô trách nhiệm, phó mặc hay lười biếng.


Cái lo mà ta nên tránh là cái lo âu, lo sợ của người kém lòng tin (c. 30),
không tin rằng Thiên Chúa quý con người hơn mọi thụ tạo khác.
hơn giống chim trời, hơn hoa ngoài đồng nội.
Lo âu đó chi phối quá khiến người ta cứ loay hoay, bối rối tự hỏi:
ta sẽ ăn gì, uống gì hay mặc gì đây? (c. 31).
Lo âu này khiến người ta bất an và sợ hãi, vì là lo âu một mình,
quên rằng mình có Người Cha biết rõ những nhu cầu thiết yếu (c. 32),
và sẵn sàng lo cho mình những điều cần dùng (c. 33).
Lo âu này cũng khiến người ta tìm kiếm thỏa mãn nhu cầu của mình
hơn là ưu tiên tìm kiếm xây dựng Nước Thiên Chúa (c. 33).


Kitô hữu không phải là người ngây thơ, sống không lo ngày mai.
Kitô hữu là người biết lo liệu, lo toan cho cuộc sống của họ.
Nhưng họ không căng thẳng vì phải bơ vơ lo một mình.
Họ lo như một người con trưởng thành, cùng lo với Thiên Chúa Cha.
Họ lo một cách thư thái nhẹ nhàng như loài chim buổi sớm đi tìm thức ăn.
Kitô hữu nắm được chìa khóa của hạnh phúc, của no đủ và bình an.
Đó là cứ tìm kiếm Thiên Chúa trước tiên, mọi sự khác sẽ được ban dư dật.


Cầu nguyn:

Lạy Chúa,
xin cho con luôn vui tươi.
dù có phải lo âu và thống khổ,
xin cho con đừng bao giờ khép lại với chính mình;
nhưng biết nghĩ đến những người quanh con,
những người – cũng như con -
đang cần một người bạn.


Nếu như con nên yếu đuối,
thì xin cho con biết yêu thương và sáng suốt hơn,
thông cảm và nhân từ hơn.

Nếu bàn tay con run rẩy,
thì xin giúp con luôn biết mở ra và cho đi.


Khi lâm tử,
xin cho con biết đón nhận khổ đau và bệnh tật
như một lời kinh.

Ước chi con sẽ chết trong khiêm hạ và tín thác,
như một lời xin vâng cuối cùng.
Và con về nhà Chúa,
để dự tiệc yêu thương muôn đời. Amen.


Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J

20 thg 6, 2014

Con tim và đôi mắt (Mt 6, 19-23_Thứ sáu, sau Chúa Nhật XI Thường Niên

Trong Thánh Lễ của những ngày này, Giáo Hội cho chúng ta nghe lại Bài Giảng Trên Núi của Đức Giê-su. Trong bài giảng đầu tiên này, trong sách Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, Đức Giê-su công bố Tin Mừng Nước Trời (5, 1-16) và mời gọi chúng ta đón nhận và sống Tin Mừng Nước Trời: trước hết trong cách chúng ta tuân giữ Lề Luật; tiếp đến, vì Lề Luật, xét ở mức độ chữ viết, không chi phối hết mọi hành vi của chúng ta, nên Đức Giê-su nói về tương quan đích thật của chúng ta với Thiên Chúa, Cha của chúng ta ở trên trời, khởi đi từ việc thực hành những việc đạo đức: bố thí, cầu nguyện và ăn chay (6, 1-18), việc sử dụng những gì thuộc về cuộc đời này (6, 19-34) và cách chúng ta sống với người khác (7, 1-20: những bài Tin Mừng của tuần tới).

Trong bài Tin Mừng của hai ngày vừa qua, Đức Giê-su nói về tương quan đích thực của chúng ta với Cha trên trời, ngang qua các việc bố thí, cầu nguyện và ăn chay (6, 1-18), và trong bài Tin Mừng hôm nay và ngày mai, ngang qua tương quan sâu kín của chúng ta với « những kho tàng » (c. 19-23) và những nhu cầu ăn mặc của đời thường (c. 24-34). Và khi nói về những vấn đề này, lời của Đức Giê-su chất đầy những hình ảnh, mặc khải cho chúng ta vô vàn ý nghĩa sâu sa. Những hình ảnh của bài Tin Mừng hôm nay có thể chia làm hai nhóm : con tim và đôi mắt.

1. Con tim
Nhóm hình ảnh thứ nhất xoay quanh hình ảnh « con tim » (là chữ « lòng » trong bản dịch Việt Ngữ) :
Vì kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó.


Có những kho tàng ở dưới đất ; và vì « ở dưới đất », nên những kho tàng này tất yếu sẽ qua đi, hoặc vì mối mọt hoặc vì bị lấy trộm, thậm chí, như trong thực tế cuộc sống cho thấy, bị ăn cướp bằng bạo lực, gây nguy hại cho tính mạng. Có những kho tàng ở trên trời ; và vì « ở trên trời », nên những kho tàng này sẽ không qua đi. Hình ảnh « ở trên trời » nhắc nhớ lời nguyện Đức Giê-su vừa truyền đạt cho chúng ta : « Lạy Cha chúng con ở trên trời ». Như thế, kho tàng ở trên trời, rốt cuộc là những gì thuộc về Thiên Chúa, Cha của chúng ta, là Danh của Người, là Nước của Người, là Ý của Người, và là chính Người.


2. Đôi mắt
Nhóm hình ảnh thứ hai xoay quanh hình ảnh « đôi mắt ». Đức Giê-su nói :
Đèn của thân thể là đôi mắt.


Theo Đức Giê-su, đôi mắt được ví như cây đèn, soi sáng cho cả thân thể hiện hữu và bước đi trong ánh sáng. Nhưng « cây đèn đôi mắt » có thể không tỏa sáng, hay không được thắp sáng, khi ấy : « ánh sáng nơi anh thành bóng tối » và « tối biết chừng nào », nghĩa là thật chết chóc. Nhưng thế nào là mắt tối và thế nào mắt sáng ?


3. Đôi mắt và con tim
Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn, nghĩa là ngang qua hai « cửa sổ » là đôi mắt, chúng ta nhìn thấy tâm hồn. Tâm hồn hướng về những gì cao quí, đôi mắt sẽ bừng sáng, soi sáng cho « thân thể », cho con người trọn vẹn, bước đi mỗi ngày trong hành trình làm người.


Và Đức Giê-su muốn nói với chúng ta rằng, đôi mắt của chúng ta sẽ sáng, nếu tâm hồn chúng ta, con tim chúng ta hướng về « những kho tàng ở trên trời ». Kho tàng trên trời là chính Thiên Chúa, nhưng lại được trao ban cho chúng ta ngay ở dưới đất, nơi ngôi vị của Đức Giê-su, là Ngôi Lời Thiên Chúa, trao ban ánh sáng và sự sống.


Vậy, lúc này đây, thời gian này đây, giai đoạn này đây, đôi mắt của tôi đang « sáng hay tối » ? Và bởi vì đôi mắt sáng hay tối không tùy thuộc vào sức khỏe thể lý, nhưng tùy thuộc vào con tim ; vậy, con tim của tôi đang hướng về đâu, về « kho tàng » nào ? Và « kho tàng » đó là gì ?

(Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc, SJ)

19 thg 6, 2014

Lạy Cha chúng con – Thứ năm Tuần 11 Thường niên


Lời Chúa: Mt 6, 7-15

7 “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời.8 Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.
9 “Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này:


“Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời,
xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,
10 triều đại Cha mau đến,
ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.


11 Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày;
12 xin tha tội cho chúng con
như chúng con cũng tha
cho những người có lỗi với chúng con;


13 xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ,
nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.


14 “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em.15 Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.


Suy niệm:

Chúng ta không thể lèo lái hay ép buộc Thiên Chúa
bằng những lải nhải dài dòng hay bằng những câu thần chú.
Cầu nguyện không phải là thông báo cho Chúa biết nhu cầu của ta (c. 8).
Cha Teilhard de Chardin đã viết :“Chúng ta phải cầu xin Chúa không phải vì lề luật
buộc như thế,
cũng không phải vì Chúa không biết ta cần gì.
Không, kinh nguyện là tình yêu, là cách diễn tả tình yêu.”


Thiên Chúa thích nghe miệng chúng ta nói lên nhu cầu của mình.

Đức Giêsu dạy chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha, Abba, như Ngài đã gọi.
Abba là tiếng gọi âu yếm thân thương của đứa con đối với người cha.


Khi gọi Thiên Chúa là Cha, chúng ta thấy mình hết sợ hãi và xa cách.
Cha siêu việt và quyền uy, nhưng Cha không áp bức và bắt con làm nô lệ,
Cha cao sang ở trên trời nhưng Cha lại gần gũi với nhu cầu của con cái.


Ba lời cầu xin đầu tiên đều hướng về Cha: Danh Cha, Nước Cha, và Ý Cha.

Danh Cha được vinh hiển khi Nước Cha được thành tựu, Ý Cha được thể hiện.
Nước Cha đã đến rồi với sự hiện diện và hoạt động của Đức Giêsu,
nhưng chúng ta vẫn phải cầu xin cho Nước ấy mau đến cách viên mãn.
Ý Cha và quyền tối cao của Cha đã được thể hiện trọn vẹn trên trời rồi,
nhưng còn phải được thể hiện dưới đất nữa, nơi mọi người và nơi từng người.
Ba lời cầu đầu tiên, là những lời trực tiếp nài xin Cha.
Làm cho Danh Cha được biết đến, Nước Cha được nhìn nhận,
Ý Cha được tuân hành : đó là công việc của Cha cho đến tận thế.

Nhưng việc đó cũng cần sự cộng tác hằng ngày của mỗi kitô hữu
qua việc họ sống tận căn những đòi hỏi gai góc của Nước Trời,
để cho thấy Nước Trời đã đến trên mặt đất.


Bốn lời cầu xin sau nhắm đến nhu cầu cụ thể của các môn đệ.
Xin lương thực hàng ngày là điều cần thiết cho họ,
những người nay đây mai đó, sống nhờ lòng tốt của người nghe.
Xin ơn tha thứ là điều ta cần mỗi ngày từ Chúa, sau bao sai lỗi,
mà cũng là điều ta phải trao lại cho anh em.
Xin Chúa đừng đưa chúng ta vào cơn thử thách quá sức chịu đựng
đến mức mất đức tin và quỵ ngã.
Nhưng xin Chúa gìn giữ và giải thoát chúng ta khỏi Ác Thần.


Kinh Lạy Cha giúp chúng ta trò chuyện với chính Thiên Chúa là Cha.
Chúng ta được mở ra trước thế giới trên trời nơi Cha ngự trị,
những cũng được mở ra trước thế giới dưới đất của con người.
Một thế giới có bao người thiếu bánh ăn, cần được chia sẻ.
Một thế giới có nhiều xung đột và hận thù, cần sự bao dung thứ tha.
Một thế giới hỗn loạn với bao điều phải chấn chỉnh cho hợp Ý Chúa.
Một thế giới không biết mình là anh em, con cùng một Cha.
Kinh Lạy Cha bao giờ cũng nhắc chúng ta về những điều còn dang dở…


Lời nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến.
Xin đừng mỉm cười và nói rằng
Chúa đã ở bên chúng con rồi.


Có cả triệu người chưa biết Chúa.
Nhưng biết Chúa thì được cái gì?
Chúa đến để làm gì
Nếu đời sống con cái của Chúa
Cứ tiếp tục y như cũ?

Xin hoán cải chúng con.
Xin lay chuyển chúng con.


Ước gì sứ điệp của Chúa
Trở nên máu thịt của chúng con,
Trở nên lẽ sống của cuộc đời chúng con.

Ước gì sứ điệp đó
Lôi chúng con ra khỏi sự anh nhiên tự lại,
Và đòi buộc chúng con,
Làm chúng con không yên.


Bởi lẽ chỉ như thế,
Sứ điệp đó mới mang lại cho chúng con
Bình an sâu xa,
Thứ bình an khác hẳn,
Đó là bình an của Chúa.


(Helder Camara)

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J

18 thg 6, 2014

Đấng thấu suốt những gì kín đáo – Thứ tư Tuần 11 Thường niên

Lời Chúa: Mt 6, 1-6. 16-18

1 “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng.2 Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi.3 Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm,4 để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.

5 “Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi.6 Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.

16 “Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi.17 Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm,18 để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.

Suy niệm:

“Đã mang tiếng ở trong trời đất,
phải có danh gì với núi sông.”
Danh tiếng để lại cho đời là điều khiến nhiều người bận tâm.
Có người hiến mình để làm những công trình lớn lao để lại cho hậu thế.
Nhưng cũng có người rơi vào thói háo danh,
làm mọi sự chỉ để tìm cho mình chút tiếng khen mau qua.


Trong Bài Giảng trên núi mà ta nghe hôm nay,
Đức Giêsu tố giác thói háo danh của những người đạo đức giả,
khi họ làm ba việc đạo đức căn bản là bố thí, cầu nguyện, ăn chay.
Ngài cũng cho thấy cách sống đạo của người môn đệ.

Làm các việc đạo đức để tìm tiếng khen, là một cám dỗ có thật.
Có người thổi kèn trong hội đường hay ngoài phố khi bố thí.
Có người thích đứng cầu nguyện tại giữa ngã ba đường.
Có người có mang bộ mặt thiểu não khi ăn chay.
Tất cả chỉ nhằm thu hút sự chú ý của nhiều người khác,
chỉ nhằm “cho người ta thấy”, “để người ta khen” (cc. 1. 2. 5. 16).
Họ làm những việc tốt lành, nhưng lại tìm mình, co quắp trên chính mình,
trong khi lẽ ra những việc này phải mở họ ra trước Thiên Chúa.


Đối với Đức Giêsu, được người ta khen là nhận được phần thưởng rồi,
nên cũng chẳng được Cha trên trời ban thưởng nữa (c. 1).
Họ được phần thưởng mau qua của người đời,
nhưng mất phần thưởng trọng hậu trong ngày sau hết.

Đức Giêsu mời các môn đệ đi vào cái kín đáo, thầm lặng,
nơi đó không có con mắt của người đời, không có tiếng khen chê.
Nơi đó kín đến mức tay trái không biết việc tay phải làm.
Nơi đó là căn phòng đóng cửa, để chỉ có Cha và anh gặp gỡ.
Cha là Đấng hiện diện ở nơi kín đáo (cc. 6. 18).
Cha cũng là Đấng thấy những gì được làm ở nơi kín đáo (cc. 4. 6. 18).
Cha thấy anh đã bố thí, cầu nguyện, ăn chay cách thầm lặng.
Chính Cha sẽ ban thưởng cho anh.


“Hữu xạ tự nhiên hương” có thể là một hình ảnh đẹp về người kitô hữu.
Đời kitô hữu là cuộc đời kín đáo thầm lặng, như bị che khuất.
Nhưng cũng là cuộc đời không che giấu được trước mắt mọi người.
Chính khi cái tốt được làm một cách vô cầu, thì nó lại tỏa ngát hương.
Không hẳn là chúng ta luôn luôn phải cầu nguyện trong phòng đóng cửa.
Cũng như không hẳn chúng ta phải tô son đánh phấn khi ăn chay.
Nhưng điều quan trọng là chúng ta làm mọi sự cho vinh danh Chúa.


Lời nguyện

Ngày lại ngày, lạy Thiên Chúa,
Tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan,
Hai tay cung kính, lạy Thiên Chúa muôn loài,
Tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan.


Dưới bầu trời bao la,
Trong cô đơn và thầm lặng,
Với tấm lòng thanh tịnh,
Tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan,


Trong thế giới ồn ào vì nhọc nhằn,
Huyên náo vì đấu tranh,
Giữa đám đông hối hả lăng xăng,
Tôi sẽ đứng trước người chiêm ngưỡng dung nhan.


Và khi đã hoàn tất việc đời,
Lạy Thiên Chúa muôn loài,
Một mình, lặng lẽ,
Tôi sẽ đứng trước người chiêm ngưỡng dung nhan.


R. Tagor
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

17 thg 6, 2014

THÓI QUEN


Người ta thí nghiệm ném con ếch vào nồi nước sôi, thì nó sẽ lập tức nhảy vọt ra, bị bỏng một chút nhưng sống sót. Nhưng nếu bỏ nó vào nồi nước lạnh rồi đun nóng dần, con ếch thấy mát, rồi ấm áp dễ chịu nên nằm yên rồi chết trong nồi.

Con người cũng có nét giống như vậy, đó chính là thói quen.
Nếu cuộc sống của chúng ta là một nồi nước mát, thì nó cũng không ngừng nóng lên một cách tự nhiên, từ từ, đến nỗi nếu không để ý thì ta cũng chẳng nhận ra. Bởi chẳng nhận ra nên ta cũng chẳng thèm phản ứng hay hành động gì cả, ta chẳng làm gì…

Mỗi ngày đều lặp lại những gì của ngày hôm qua, rồi một ngày trôi qua và ngày hôm sau ta lại thực hiện quy trình cũ… Dù là ở nhà hay ở chỗ làm, ta có thể ngồi quán nước, lướt web, chơi game, đọc báo, xem Tivi, hay những việc không tên khác.

Cuộc sống “bình lặng” trôi đi. Rồi từ từ, dần dần, ta có những thói quen, những thói quen đến một độ nào đó cũng giúp ta “nằm yên” trong khi thiên hạ vẫn không ngừng tiến lên thần tốc, trong khi cuộc sống vẫn không ngừng “nóng” lên từng giây.

Ta hầu như chẳng còn muốn động não nữa. Trong công việc cũng như cuộc sống thường ngày, ta chẳng nghĩ ra được cái gì mới mẻ cả! Và rất có thể ta cũng sẽ có một “kết cục dịu êm” như con ếch kia!
Thời gian trôi qua nhanh quá khiến ta không nhận ra, hay vì những thói quen kia khiến ta mất đi cảm giác rằng thời gian đang vút qua? Để đến một lúc nào đó, nhìn lại đoạn đời đã qua, bỗng giật mình. Cùng với thời gian đã mất là tuổi trẻ, bao cơ hội đã bị bỏ lỡ, nhiều thứ vụt khỏi tầm tay, trong đó có những việc quan trọng thì không đủ thời gian để thực hiện nữa. Cuộc sống liên tục vận động, không ngừng thách thức, cuộc sống tươi đẹp sẽ trở nên đầy những nguy cơ đang đến từ từ đối với tất cả những “chú ếch”.

Và ở đâu đây còn vô số những “nguy cơ” khác đang từ từ lớn lên mà ta không hay biết hay không thèm biết. Có những điều xảy ra vào một ngày không đẹp trời nào đó mà ta vẫn gọi là “bất thình lình”, thực ra lại đang được nuôi dưỡng qua từng ngày.

Sớm mai tỉnh giấc chợt tự hỏi mình: Lẽ nào ta cũng chỉ như một con ếch?“Đừng dại dột tạo thành một thói quen xấu mà bạn không biết sẽ duy trì thói quen ấy trong bao lâu”

(Sưu tầm)

Như Cha trên trời – Thứ ba Tuần 11 Thường niên


Lời Chúa: Mt 5, 43-48
 
43 “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù.44 Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.45 Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính.46 Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao?47 Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?48 Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.
 
Suy niệm:

Bí tích Thánh Tẩy làm chúng ta được trở nên con cái Thiên Chúa.
Nhưng bí tích Thánh Tẩy không phải chỉ là bí tích để lãnh nhận,
mà còn là bí tích để sống.
Trở nên con cái Thiên Chúa là tiến trình dài một đời người.
Kitô hữu trở nên con Cha trên trời nhờ bí tích Thánh Tẩy
và cũng nhờ cố gắng liên tục sống như Cha của mình.
Thiếu cố gắng này, người ta chỉ còn là kitô hữu có tên trong sổ Rửa tội.


Bài Tin Mừng hôm nay thật là đỉnh cao của Kitô giáo.
Đức Giêsu dạy ta nẻo đường để trở nên con cái Cha trên trời (c. 45).
Đó là : “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em”.
Cựu Ước dạy ta yêu người thân cận (Lv 19, 18).
Còn Đức Giêsu dạy ta yêu kẻ thù và cầu nguyện cho họ (c. 44).


Yêu ở đây không phải là chuyện của cảm xúc hay thích thú.
Dĩ nhiên chúng ta không thể yêu kẻ thù tha thiết như yêu cha mẹ mình được.
Yêu ở đây là chuyện của ý chí và hành động.
Chúng ta yêu kẻ thù, vì kẻ thù cũng là thụ tạo của Cha như ta.

Dù kẻ thù của ta có là kẻ xấu xa và bất chính,
nhưng họ vẫn được Cha trên trời dấu yêu.


Ngài cho mặt trời mọc lên mỗi sáng để nắng ấm đem lại sự sống cho họ.
Ngài cho mưa rơi xuống luống cày của họ để họ có của nuôi thân (c. 45).
Thiên Chúa không dành nắng hay mưa cho riêng người tử tế đạo đức.
Ngài bao dung và rộng rãi khi đối xử với mọi người.
Trở nên con cái Cha là mang những tâm tình sâu kín ấy của trái tim Cha.
Khi trái tim ta giống trái tim Cha,
ta sẽ nhìn kẻ thù bằng cặp mắt mới, sẽ cư xử với họ theo cung cách mới.
Lúc đó họ sẽ chẳng còn là kẻ thù nữa, mà là bạn.


Đức Giêsu mời gọi các môn đệ của mình bước lên,
lên cao hơn cái tự nhiên, bình thường của người đời.
Dù là kẻ xấu, người thu thuế vẫn yêu kẻ yêu thương ông ta.
Người dân ngoại chưa biết Chúa vẫn chào hỏi anh em của họ (c. 46).
Điều mà Đức Giêsu đòi các kitô hữu phải làm hơn người khác,
đó là yêu kẻ thù ghét mình, cầu nguyện cho kẻ làm khổ mình
và chào những kẻ chẳng bao giờ chào hỏi mình.


Làm thế là vượt lên trên tình cảm tự nhiên đang kéo trì mình xuống,
là giải thoát mình khỏi sức nặng của cái tôi nhỏ mọn, tự ái, kiêu căng.
Làm thế là bắt đầu đi vào trong nơi sâu nhất của trái tim Thiên Chúa,
và để cho trái tim mình mở ra đến vô cùng như trái tim Ngài.

“Hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời” (c. 48).
Lý tưởng này thật là cao xa, sức người không vươn tới được.
Nhưng nếu ta tập quen yêu kẻ thù chung quanh ta,
– mà ai trong chúng ta lại không có kẻ thù -
thì chúng ta dần dần sẽ trở nên hoàn thiện.


Lời nguyện

Lạy Chúa Giêsu
Xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ,
Nhờ đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói,
Dễ thấy Chúa hiện diện
Và hoạt động trong đời con.


Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa,
Xin cho con đừng trở nên cứng cỏi,
Khép kín và nghi ngờ.

Xin dạy con sự hiền hậu
Để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân.

Xin dạy con sự khiêm nhu
Để con dám buông đời con cho Chúa.


Cuối cùng, xin cho con sự bình an sâu thẳm,
Vui tươi đi trên con đường hẹp với Ngài,
Hạnh phúc vì được cùng Ngài chịu khổ đau. Amen.


Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.


16 thg 6, 2014

Ai xin, hãy cho – Thứ hai Tuần 11 Thường niên


LỜI CHÚA: Mt 5, 38-42
38 “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng.39 Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa.40Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài.41 Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm.42 Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi.
SUY NIỆM:
Đoạn Tin Mừng hôm nay dễ bị đem ra nhạo cười,
vì có vẻ nó dung túng sự ác và biểu lộ một tinh thần yếu hèn bạc nhược.
Người ta hay nghĩ rằng nếu cứ sống theo tinh thần của Chúa Kitô
thì hẳn kẻ ác sẽ tha hồ tác oai tác quái trong thế giới này.
Tuy nhiên, chính vì con người muốn sống theo khuynh hướng tự nhiên,
nên thế giới hôm nay mới không ngớt chiến tranh và đau khổ.
Đánh phủ đầu là đánh trước khi người kia kịp đánh mình.
Trên thế giới mỗi ngày có biết bao vụ sát nhân chỉ vì một chút hờn oán.
“Mắt đền mắt, răng đền răng”
câu này thường được dùng để cho thấy sự tàn nhẫn của Cựu Ước.
Thật ra, Cựu Ước chẳng bắt người ta phải móc mắt, nhổ răng kẻ thù.
Câu này chỉ nhằm giới hạn việc báo thù trong mức độ cân xứng.
Trong xã hội mang tính bộ tộc của Ítraen thuở ban đầu,
“mắt đền mắt” đã là một tiến bộ đáng kể.
Đức Giêsu đi xa hơn khi đòi hỏi đừng chống cự lại người ác,
nghĩa là đừng lấy ác báo ác, đừng sống theo luật báo phục (lex talionis).
“Nếu bị ai vả má bên phải, hãy đưa cả má kia ra nữa” (c. 39).
Bị vả má bên phải nghĩa là bị tát bằng mu bàn tay phải.
Không phải là đau hơn, nhưng là nhục nhã hơn nhiều.
Đức Giêsu đã từng có kinh nghiệm này trong cuộc Khổ Nạn (Mt 26, 67).
“Đưa má kia” đơn giản chỉ có nghĩa là tránh trả thù, chịu mình ở thế yếu,
vì báo oán là chuyện của Thiên Chúa (Rm 12, 19-20).
“Đừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác” (Rm 12,21).
“Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong, hãy để cho hắn lấy cả áo ngoài nữa” (c. 40).
Ở Đông phương, áo ngoài là quan trọng để chống cái lạnh ban đêm,
nên nếu bị cầm cố, thì cũng phải trả lại cho người ta có cái mà đắp (Đnl 24, 13).
Đưa cả áo trong lẫn áo ngoài cho kẻ kiện cáo mình
là chấp nhận bị trần trụi và xấu hổ, nếu ai đó chỉ có một bộ thôi.
Trong xã hội Paléttin bị đô hộ bởi đế quốc Rôma,
chuyện bị ép vác đồ dùm cho lính tráng vẫn hay xảy ra (x. Mt 27, 32).
“Người bắt anh đi một dặm, hãy đi với người ấy hai dặm” (c. 41).
Môn đệ Đức Giêsu, trước những ép buộc không mấy chính đáng,
chẳng những được mời ưng thuận, mà còn làm hơn cả điều bị ép buộc.
Câu cuối của bài Tin mừng cho thấy thái độ bác ái của kitô hữu
trước những yêu cầu của có thật của tha nhân (c. 42).
Mở lòng ra trước người xin, người muốn vay mượn,
dù kẻ ấy là kẻ thù hay người không có khả năng hoàn trả.
Lời của Đức Giêsu hôm nay làm chúng ta choáng váng.
Lời này không đòi dẹp bỏ hệ thống pháp luật, cảnh sát hay nhà tù.
Nhưng nếu các kitô hữu cứ để cho Lời này thấm vào lòng từ từ,
đời sống của họ sẽ được thay đổi một cách kỳ diệu,
và bộ mặt thế giới sẽ đổi khác.
Hiền hậu, bao dung, quảng đại, đó là điều thế giới hôm nay thiếu trầm trọng.
Gandhi, người say mê những câu Lời Chúa hôm nay, đã than phiền:
“Tôi thích Đức Kitô của các anh, nhưng tôi không thích các kitô hữu.
Vì các kitô hữu thì chẳng giống Đức Kitô mấy.”
Chỉ mong chúng ta có trái tim hiền hậu giống Đức Kitô hơn.
LỜI NGUYỆN:
Lạy Chúa,
xin cho con quả tim của Chúa.
Xin cho con đừng khép lại trên chính mình,
nhưng xin cho quả tim con quảng đại như Chúa
vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường
để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ.
Xin cho con vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen,
mọi trả thù ti tiện.
Xin cho con cứ luôn bình an, trong sáng,
không một biến cố nào làm xáo trộn,
không một đam mê nào khuấy động hồn con.
Xin cho con đừng quá vui khi thành công,
cũng đừng quá bối rối khi gặp lời chỉ trích.
Xin cho quả tim con đủ lớn
để yêu người con không ưa.
Xin cho vòng tay con luôn rộng mở
để có thể ôm cả những người thù ghét con
.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

14 thg 6, 2014

Có thì nói có – Thứ bảy Tuần 10 Thường niên


Lời Chúa: Mt 5, 33-37
(33) “Anh em còn nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ bội thề, nhưng hãy trọn lời thề với Ðức Chúa. (34) Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: đừng thề chi cả. Ðừng chỉ trời mà thề, vì trời là ngai Thiên Chúa. (35) Ðừng chỉ đất mà thề, vì đất là bệ dưới chân Người. Ðừng chỉ Giêrusalem mà thề, vì đó là thành của Ðức Vua cao cả. (36) Ðừng chỉ lên đầu mà thề, vì anh không thể làm cho một sợi tóc hóa trắng hay đen được. (37) Nhưng hễ “có” thì phải nói “có”, “không” thì phải nói “không”. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ.
Suy niệm:
Việc thề vẫn có trong các nền văn hóa nhân loại. 
Người ta thề để người khác tin lời của mình hơn, 
vì nếu không giữ lời thề sẽ bị các thần minh nguyền rủa. 
Người Do thái từ xa xưa cũng đã có thói quen thề. 
Thề là nại đến Thiên Chúa để làm chứng cho điều mình nói. 
Hêrôđê Antipas đã thề hứa với cô bé con bà Hêrôđia (Mt 14, 7). 
Lời thề của một người lãnh đạo như ông đã khiến ông bị kẹt. 
Phêrô đã chối Thầy kèm theo những lời thề thốt (Mt 26, 72. 74), 
vì ông sợ người ta không tin lời ông nói.
Đức Giêsu biết chuyện Luật Môsê cấm bội thề, 
và phải giữ trọn điều đã hứa với Đức Chúa (c. 33). 
Nhưng quan điểm của Ngài trong Bài Giảng trên núi là không thề gì cả. 
Không cần thề để xin Đức Chúa làm chứng cho lời ta nói, 
vì mọi lời ta nói, Ngài đều biết và làm chứng. 
Vì những sơ xuất trong việc giữ lời thề 
có thể làm Thánh Danh Đức Chúa bị xúc phạm, nên khi thề, 
người Do thái thường thay Danh Chúa bằng một vật gì đó (Mt 23, 16-22). 
Tương tự như ở Việt Nam, họ dùng trời hay đất để thề. 
Họ cũng thề nhân danh Đền thờ Giêrusalem hay chính đầu của mình 
Đối với Đức Giêsu, điều đó cũng chẳng làm nhẹ tội chút nào, 
vì trời, đất, Đền Thờ, hay đầu của chúng ta cũng đều thuộc về Chúa. 
Trời quan trọng vì là ngai của Thiên Chúa. 
Đất quan trọng vì là bệ dưới chân Người. 
Đền thờ quan trọng vì là thành của Đức Vua cao cả. 
Đầu cũng chẳng thuộc quyền con người, 
vì màu trắng hay đen của sợi tóc nằm ngoài tầm chi phối của họ (cc. 34-36).
Khi kêu gọi chúng ta đừng thề chi cả, 
Đức Giêsu muốn lời nói của ta tự nó phải mang sức mạnh của sự thật, 
tự nó chắc chắn, đáng được mọi người tin cậy. 
Thánh Giacôbê đã nhắc lại giáo huấn của Đức Giêsu khi viết: 
“Hễ có thì phải nói có, không thì phải nói không, 
như thế anh em sẽ không bị xét xử” (Gc 5, 12). 
Mọi thêm thắt đều do ác thần (c. 37).
Giáo hội sơ khai đã giữ lệnh truyền này một cách nghiêm túc. 
Nhưng từ đầu thời Trung cổ, Giáo hội đã dùng các hình thức tuyên thệ. 
Giáo sư trong các chủng viện vào đầu năm học, phải tuyên thệ 
trung thành giảng dạy giáo lý chính thống của Giáo hội. 
Các lời khấn của tu sĩ cũng là những lời thề hứa sống như Giêsu. 
Dù sao chúng ta cũng là những con người mong manh, hay thay đổi. 
Thề, hứa, khấn, tuyên thệ trọn đời, đều là những việc vượt sức con người. 
Trung tín với điều mình đoan nguyện là bắt đầu đi vào vĩnh cửu. 
Chỉ xin sự trung tín của Thiên Chúa nâng đỡ sự trung tín của chúng ta.
Cầu nguyện:
Lạy Thiên Chúa, đây lời tôi cầu nguyện:Xin tận diệt, tận diệt trong tim tôi
mọi biển lận tầm thường.
Xin cho tôi sức mạnh thản nhiên
để gánh chịu mọi buồn vui.
Xin cho tôi sức mạnh hiên ngang
để đem tình yêu gánh vác việc đời.
Xin cho tôi sức mạnh ngoan cường
để chẳng bao giờ khinh rẻ người nghèo khó,
hay cúi đầu khuất phục trước ngạo mạn, quyền uy.
Xin cho tôi sức mạnh dẻo dai
để nâng tâm hồn vươn lên khỏi ti tiện hằng ngày.
Và cho tôi sức mạnh tràn trề
để âu yếm dâng mình theo ý Người muốn.
R. Tagore
(Đỗ Khánh Hoan dịch)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.