28 thg 6, 2012

THÁNH CA TRONG PHỤNG VỤ ( 2 )


BÀI CA CẦN ÐÚNG VỊ TRÍ

- e.  Huấn Thị Thứ Ba để thi hành đúng đắn Hiến chế về Phụng vụ, do Bộ Phượng tự ban hành ngày 5.11.1970 số 3 có viết :
"Hội đồng Giám mục sẽ chỉ định một số bài hát có thể dùng trong Thánh lễ cho những cộng đoàn riêng biệt như thanh niên, thiếu nhi. Những bản hát này phải phù hợp với sự đoan trang thánh thiện của nơi thánh và việc phụng tự, chẳng những trong lời ca nhưng cả trong âm hưởng, nhịp điệu và trong việc sử dụng các nhạc cụ nữa; vì chưng Hội Thánh không loại trừ thứ Thánh nhạc nào khỏi Phụng vụ (MS. 9 ; Hiến chế về Phụng vụ 116), nhưng không phải bất cứ âm nhạc nào hoặc bản hát hay nhạc khí nào cũng có khả năng nuôi dưỡng lời cầu nguyện và trình bày mầu nhiệm Chúa Ki-tô như nhau.
 Vì Thánh nhạc phải hướng về việc cử hành Phượng Tự, nên nó phải có tính thánh thiện và hình thức tốt đẹp (MS. 4) phù hợp với tinh thần và hoạt động phụng vụ, và đặc tính của từng phần phụng vụ, không ngăn trở sự tham dự sống động của cộng đoàn và phải hướng dẫn sự chú ý và tâm tình vào việc thánh đang cử hành".

 - f. Huấn thị De Musica Sacra, số 68b nêu rõ :
 "Âm thanh của các nhạc khí cần phải làm sao gợi lên được vẻ trang trọng, tinh khiết, đạo hạnh, tránh mọi phát hiện nhạc đời và phải hun đúc được lòng sốt sắng của giáo dân".
Những người có trách nhiệm làm công tác thánh nhạc, thánh ca, không phải chỉ lo trau chuốt nghệ thuật là đủ, còn cần một tâm hồn phụng vụ và những hiểu biết về những qui luật của Thánh nhạc. Nếu thiếu sót mặt này, sự hy sinh khổ nhọc của mình cũng mất ý nghĩa và sẽ rơi vào tình trạng "mù dắt mù, cả hai xuống hố ".
 Ðể kết thúc, tôi xin gởi đến tất cả những ai làm công tác Thánh nhạc Thánh ca lời nhắn nhủ của Ðức Thánh Cha Phao-lô VI nhân Ðại Hội Thánh nhạc do các nữ tu tổ chức tại Rô-ma năm 1972 :
"Cha muốn gởi đến các con lời khuyên nhủ này là đối với các con cũng như đối với các linh hồn, mối bận tâm quan yếu của các con phải luôn luôn và trước tiên là biết ý thức về Giáo hội.

Không có nó, thay vì giúp các linh hồn liên kết với nhau trong đức ái, âm nhạc có thể trở nên nguồn gốc sự bực dọc, chia trí, tục hóa và chia rẽ trong cộng đồng tín hữu.
Ðối với các con, ý thức về Giáo Hội, có nghĩa là tìm thấy những nguyên nhân thanh cao của hoạt động âm nhạc của các con trong sự vâng phục, trong sự cầu nguyện và trong đời sống nội tâm.

Ý thức Giáo Hội cũng có nghĩa là nghiên cứu sâu rộng những văn kiện của các Ðức Giáo Hoàng và của các Công đồng để có thể luôn luôn theo dõi các nguyên tắc hướng dẫn đời sống phụng vụ.
 Âm nhạc phụng vụ phải đáp ứng và phù hợp với những nguyên tắc của Giáo Hội. Ý thức Giáo Hội sau cùng có nghĩa là phải tập nhận thức những gì có thể liên quan đến âm nhạc trong Phụng vụ. Không phải tất cả mọi sự đều có giá trị, không phải tất cả mọi sự đều hợp pháp, không phải tất cả mọi sự đều tốt lành.

Ở đây, việc thánh phải liên kết với điều tốt đẹp trong một tổng hợp hòa nhịp và nhiệt thành, cho phép các cộng đồng khác nhau theo khả năng, biểu lộ hoàn toàn đầy đủ đức tin của mình để làm vinh danh Thiên Chúa và xây dựng Nhiệm Thể. Vậy các con hãy biết tuyển chọn cẩn thận, khôn ngoan và vô tư những bài thánh ca, nhờ vào các luật lệ của Giáo Hội hướng dẫn, nhờ tri giác của các con về mặt phụng vụ, nhờ nghiên cứu và rèn luyện năng khiếu, các con có thể thành công, tổng hợp dứt khoát toàn bộ những thánh ca để các tín hữu đồng tâm ca hát trong thập niên sắp tới.

Hiến chế về Phụng vụ đã khuyên bảo các nhạc sĩ sáng tác "những nhạc điệu có tính chất thánh nhạc đích thực ... các lời văn dùng trong thánh ca phải đúng với giáo lý công giáo và tốt hơn cả là được trích trong Thánh Kinh, và trong nguồn Kinh phụng vụ" (Số 121).
Vì vậy cần phải bảo đảm sao để các bản thánh nhạc thật sự trung thành với những nguyên tắc này.
Ðối với những gì thuộc Thánh nhạc, không nên chỉ cảm hứng từ thể nhạc thời trang, vì thể nhạc thời trang thì hay thay đổi và đôi khi mất đi giá trị không những về mặt thiêng liêng, mà còn mất cả về mặt nghệ thuật nữa.
 Các con phải tuyển chọn những thánh ca mà đặc tính thực tế của chúng có thể hòa hợp với phẩm giá nghệ thuật và tinh thần cầu nguyện. Còn về các lời ca, đoạn trích Hiến chế về Phụng vụ mà cha nói trên thật rõ ràng.
 Vì vậy, ta phải cố gắng đạt đến cái gì thật sự có giá trị, và loại bỏ ra ngoài những từ ngữ câu văn đôi khi không mang lại danh dự cho thánh ca, cho văn thể của ngôn ngữ, và trong một vài trường hợp, chúng còn trở nên thô thiển, quê mùa hoặc tương tự như những quảng cáo tuyên truyền hơn là những lời cầu nguyện.
Các lời văn và các điệu nhạc khác không sử dụng được trong thánh đường, tuy đáp ứng được những yêu sách tân thời, đặc biệt là những yêu sách của giới trẻ , có thể sử dụng trong những hoàn cảnh khác, chẳng hạn để giúp vui những buổi giải trí, để hát trong những cuộc họp mặt suy tư và nghiên cứu, để bồi bổ thêm sự cương quyết hay tâm tình hăng say. Nhưng trong Phụng vụ là nơi "thực hiện chức vụ tư tế của chính Chúa Giê-su Ki-tô ... là công việc của Chúa Ki-tô tư tế và thân thể của Người là Giáo Hội ... là tác động đặc biệt thánh thiện" (HCPV, số 7), nên điều xứng hợp nhất đối với Phụng vụ là phải đáp ứng được đặc tính riêng biệt và cao thượng của nó. Ðó là điều người ta phải thực thi việc ý thức về Giáo Hội. Việc ý thức này phải hướng dẫn trí phán đoán và sự tuyển chọn của các con".


Xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta và giúp chúng ta luôn phụng sự đúng ý Chúa và Giáo Hội Mẹ chúng ta.


Lm. Giu-se Nguyễn Hữu Triết
Ban Kiểm duyệt Thánh ca
Giáo phận Tp. Hồ Chí Minh

(Trích trong Hát Lên Mừng Chúa)

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét