5 thg 12, 2012

Tháng 12 - Năm Đức Tin (Tuần 1)

Tháng 12 / 2012 – Tháng 5 / 2013
LỜI MỞ ĐẦU
Tòa Tổng giám mục đã gửi đến các giáo xứ tập Hướng Dẫn Mục Vụ Năm Đức Tin, giới thiệu những chủ đề được khai triển trong suốt năm.
Để đồng hành với các giáo xứ và các hội đoàn, các nhóm trong việc khai triển chủ đề hằng tháng, Tòa Tổng giám mục tiếp tục gửi tập Các Bài Giáo Lý Cộng Đồng. Những bài giáo lý này được sắp xếp theo hằng tuần và theo sát chủ đề của mỗi tháng. Trong mỗi bài, có phần khai triển nội dung đề tài, tiếp theo là một vài câu hỏi-thưa để ghi nhớ, cuối cùng là gợi ý cầu nguyện.
Hi vọng tập sách này sẽ giúp các cộng đoàn học hỏi và sống chủ đề mỗi tháng cách tích cực hơn.
Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Giám mục phụ tá

Tháng 12 / 2012 trùng với Mùa Vọng, thời gian chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh. Vì thế, chủ đề giáo lý của tháng này là ĐỨC GIÊSU KITÔ LÀ THIÊN CHÚA LÀM NGƯỜI : “Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta” (Ga 1,14).
Chúng ta sẽ khai triển chủ đề này trong 4 tuần lễ :
Tuần 1: Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa làm người;
Tuần 2: Tại sao Thiên Chúa xuống thế làm người?
Tuần 3: Vai trò của Đức Trinh Nữ Maria;
Tuần 4: Ơn gọi và phẩm giá con người.


TUẦN 1
ĐỨC GIÊSU KITÔ LÀ THIÊN CHÚA LÀM NGƯỜI
Khai triển nội dung

1. Hội Thánh dùng từ “Nhập Thể” để diễn tả mầu nhiệm Con Thiên Chúa nhận lấy bản tính nhân loại: “Ngôi Lời đã trở thành nhục thể” (Ga 1,14). Trong một thánh thi do thánh Phaolô ghi lại, Hội Thánh hát mừng Đức Giêsu Kitô, “vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Phil 2,5-8).
2. Khi tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa làm người, điều đó không có nghĩa là nơi Chúa Giêsu, có một phần là Thiên Chúa, còn một phần là người; cũng không có ý nói Chúa Giêsu là kết quả của sự pha trộn lẫn lộn giữa hai bản tính thần linh và nhân loại. Trong lịch sử, đã có những lạc thuyết chủ trương như trên. Nhưng Hội Thánh khẳng định rằng Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật một cách không thể tách biệt: “Cùng một Đấng duy nhất là Đức Kitô, là Chúa, là Con Một, phải được nhìn nhận trong hai bản tính một cách không lẫn lộn, không thay đổi, không phân chia, không tách biệt” (CĐ Calcêđônia).
3. Tin vào Con Thiên Chúa làm người là dấu hiệu đặc trưng của đức tin Kitô giáo: “Căn cứ vào điều này, anh em nhận ra Thần Khí của Thiên Chúa: Thần Khí nào tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô là Đấng đã đến và trở nên người phàm, thì Thần Khí ấy bởi Thiên Chúa” (1Ga 4,2).
Để ghi nhớ (Sách Toát Yếu GLHTCG)

Hỏi: Hai tiếng “Nhập Thể” có nghĩa là gì?
Thưa: Hội Thánh dùng từ “Nhập Thể” để gọi mầu nhiệm kết hợp tuyệt vời của thần tính và nhân tính trong Ngôi vị thần linh duy nhất của Ngôi Lời. Để thực hiện công cuộc cứu độ chúng ta, Con Thiên Chúa đã hóa thành xác thể (Ga 1,14), trở thành con người thật. Tin vào mầu nhiệm Nhập Thể là dấu hiệu đặc trưng của đức tin Kitô giáo (số 86).
Hỏi: Đức Giêsu Kitô vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật như thế nào?
Thưa: Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật, không thể tách rời nhau trong sự duy nhất nơi Ngôi vị Thiên Chúa của Người. Chính Người là Con Thiên Chúa, là Đấng “được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha”. Người đã thực sự trở thành con người, trở thành anh em của chúng ta, mà vẫn không ngừng là Thiên Chúa, là Đức Chúa của chúng ta (số 87).
Ý cầu nguyện:
Tạ ơn Thiên Chúa Tình Yêu đã đến chia sẻ phận người với chúng con.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét