31 thg 8, 2018

CÂY NẾN


Trong ngọn lửa của cây nến, người ta tin rằng tất cả hoạt động của thiên nhiên đang vận hành. Sáp, tim nến, lửa, không khí hợp nhất trong ngọn lửa đang cháy, linh động và thiêu đốt, thắp sáng và tàn lụi, sắc màu và bóng tối. ý nghĩa những đối lập thật lớn lao. Vì thế, nến tập trung trong mình nó những biểu tượng thật quan trọng.

Nến biểu trưng sự sống hạnh phúc:

Bên bờ sông Hằng vào những ngày lễ hội Hoa Đăng, các thiếu nữ thắp nến đời mình, đi từ nhà ra bến sông, với hai tay che chắn gió khỏi thổi tắt vào giữa đêm thâm u, các thiếu nữ nâng niu ngọn nến đời mình, những ngọn nến được cắm trên mẩu bẹ chuối, thả trôi trên sông. Số phận của đời mình tùy thuộc vào ngọn nến tin yêu ấy.

Các thiếu nữ ngắm nhìn cây nến mình vừa thả trên sông cho đến khi khuất tầm mắt, ngọn lửa nào thiêu đốt hết cây nến, thì báo hiệu điềm lành hạnh phúc, ngọn lửa nào tắt giữa chừng, tín hiệu của những ngày không vui. Bao nhiêu niềm mơ ước hạnh phúc ký gửi vào ngọn nến ấy, cho nên các thiếu nữ đã chuẩn bị thật kỹ trước khi ra sông thả đèn. Những ngọn nến lung linh sắc mầu cùng thả trên sông làm nên lễ hội của mừng vui. Sự mừng vui gói trọn trong đó tuổi đời dâng hiến cho bầu trời, bầu trời ấy là Đấng Tối Cao đón nhận để rồi ban lại hạnh phúc.

Trong niềm tin ấy, họ tin rằng Đấng Tối Cao vừa là bầu trời và cũng là Tổ Ấm, Người lấy âm thanh, màu sắc, thanh hương để ấp ủ tâm hồn. Bằng Tình Yêu, Người biến đổi sáp kia nên ngọn nguồn hơi ấm và tin yêu.

Thế nên, các thiếu nữ bên Sông Hằng đã chẳng đem thắp sáng cho chàng trai nào trước khi dâng ngọn đèn của mình cho bầu trời. Ta có thể nghe những dòng tâm tư của các thiếu nữ ấy qua bài thơ số 64, trong tập thơ Lời Dâng của Tagore: “Lúc chiều tối tịch mịch tôi hỏi nàng: “Trinh nữ ơi, đèn của em thắp sáng cả rồi, vậy còn mang đèn đi đâu nữa? Nhà tôi tối om, cô quạnh lắm, cho tôi mượn đèn nào!” Ngước mắt thâm u nhìn tôi, nàng đứng nghi ngờ một lúc. Cuối cùng nàng nói: “Em đem đèn dâng bầu trời”. Tôi đứng ngắm ngọn đèn cháy vô ích trong khỏang không”. Đối với chàng trai thì vô ích, nhưng với nàng thiếu nữ thì đầy một lòng tin tưởng: “Nơi ấy, Bầu Trời vô hạn trải rộng để linh hồn bay bổng vào trong, vẫn ngự trị vẻ huy hòang nguyên vẹn, trắng tinh. Ở đấy không có ngày đêm, không có hình thù, mầu sắc và chẳng bao giờ có lấy một lời” (Bài 67, Lời Dâng).

Giải thoát là chốn ấy, trong cõi đời trần tục này, cần có những giờ phút linh thiêng để dâng hiến cho bầu trời khối lòng tinh bạch, lời nguyện cầu của hương kinh, niềm khát khao giữa miền u tối, để thấy niềm hạnh phúc.

L.m Giuse Hoàng Kim Toan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét