12 thg 9, 2012

BÁO LÁ CẢI



Ảnh Corbis

Nói chuyện với báo lá cải.
Bàn về tính chuyên nghiệp của đạo đức nhà báo quả là một vấn đề rộng. Tôi chỉ xin đề cập đến 1 khía cạnh của vấn đề là việc kiếm tiền bằng nghề báo như thế nào. Thiết nghĩ nó vừa thể hiện đạo đức của mỗi nhà báo vừa nói lên tính chuyên nghiệp trong nghề.

Độc giả mỗi tờ báo là nhiều nhóm đối tượng. Làm báo khác nào “làm dâu trăm họ”. Nhà báo nên biết cách dung hòa, biết cách chèo lái cây bút của mình. Để độc giả điều khiển mình thì khác nào viết thuê, viết mướn. Lúc đó, cái từ “nhà báo” nghe xa xỉ lắm.


Nói gần nói xa cái chuyện câu khách giật gân. Nào là lộ hàng, nào là “ăn cơm trước kẻng” của các "sao xẹt", nào là chuyện chia tay, chuyện bị đá, chuyện nude… Mà lại giật những cái tít đầy mồi chài, đầy mê hoặc.

Nhiều người nói với tôi rằng, khi nhìn thấy những cái tít ấy, dù có “miễn dịch” đến cỡ nào, họ cũng khó lòng tránh được sự tò mò, click chuột vào và lại góp công cho 1 lượt view. Vậy mà bài báo cứ như một vấn đề thời sự nóng hổi, lượt truy cập tăng vèo vèo.

Vậy chứ chuyện "sao xẹt" có ảnh hưởng gì đến thùng gạo nhà tôi không? Ảnh hưởng cơm áo có chăng cũng chỉ là nhà tôi bán băng đĩa. Cô ca sĩ này có scandal thì tôi biết đường mua đĩa của cô ấy về bán cho chạy. Thế còn bao nhiêu vấn đề dân sinh, bao nhiêu con người khác và những thông tin khác chẳng lẽ lại đem cân với chuyện "sao xẹt" hay sao?

Có đáng không việc dành quá nhiều đất cho thế giới giải trí thị phi ấy! Giải trí cũng chỉ là giải trí, không thể thiếu nhưng vừa phải thôi, từ tốn thôi, cứ vồn vã, cứ dựng người ta giật cả gân lên thì thật  buồn cười. Nhất là báo mạng, do đặc thù về lượt view quyết định tính hấp dẫn của tin bài nên phóng viên cứ khoái đem chuyện giật gân để nói. Dường như họ không còn cái gì muốn chia sẻ với người đọc nữa vậy.

Dù chê trách kiểu nhà báo này, nhưng thôi cũng cho là họ lo cho bát cơm gia đình họ. Viết báo để có tiền, mà tiền là nhuận bút và lương, mà nhuận bút và lương được quyết đinh bởi lượng view.

Thế nên họ cần câu view, mà câu view thì cách dễ nhất là làm cho chuyện to ra, hấp dẫn và kích thích người ta chứ sao.


Muốn thay đổi bài viết của tôi thì phải thay đổi cách làm việc của cả nền báo chí chứ chẳng chơi! Cứ cho đó là một nỗi khổ của nhà báo đi! Chấp nhận luận điệu ấy.

Vậy thì hỏi tiếp, bản lĩnh của anh đâu? Tính chuyên nghiệp của anh đâu? Anh có cảm thấy xấu hổ hay day dứt khi càng ngày càng dấn cây bút vào những chuyện này. Nhớ chuyện “đời thừa” của Nam Cao, anh chàng Hộ đã bao lần day dứt vì phải viết ẩu “bán linh hồn” để kiếm tiền nuôi vợ con.


Không biết các nhà báo lá cải bây giờ có mảy may thương xót cho chính mình? Đấy là đạo đức, đấy là tính chuyên nghiệp mà có khi họ không bao giờ nghiệm ra.
Nghe thì có vẻ nghiêm trọng hóa nhưng thử nghĩ sâu xa thấy cũng có cái lý của nó. Thử hỏi, vai trò của báo chí là gì? Vai trò cơ bản nhất là cung cấp thông tin cho độc giả, định hướng dư luận, đại diện cho tiếng nói của dân. Vậy báo của anh có đáp ứng được những yêu cầu đó?

Cung cấp thông tin ? Có, nhưng thông tin gì. Thông tin vô thưởng vô phạt, chẳng ảnh hưởng đến ai, đọc cũng được mà không đọc cũng chẳng thiếu gì. Chẳng qua anh nhầm tưởng việc đáp ứng tò mò của một nhóm người với việc đưa tin. Vô tình anh coi đó là sứ mệnh của anh.



Định hướng dư luận? Anh định hướng điều gì từ những chuyện sao xẹt. Chuyện sao này chia tay với sao kia có ảnh hưởng gì đến anh? Không khéo, báo chí viết quá nhiều, thành ra giới trẻ tiêm nhiễm những suy nghĩ bệnh hoạn cũng nên.


Có bịt mắt cũng thấy hiện tượng nhiều thanh niên bị cuồng bởi thần tượng nọ thần tượng kia, bắt chước theo thần tượng. Đã bắt chước thì theo luôn cả những cái xấu. Nhất cử nhất động của thần tượng được báo chí đưa tin, fan học theo ngay. Suốt ngày họ bàn tán chuyện sao. Coi đó quan trọng không kém quốc gia đại sự. Báo chí như thế có thất vọng không? Có ngứa ngáy không?


Tính kỹ, vai trò cơ bản nhất của báo chí anh không có, thì nói thẳng ra là không nên đặt cho anh một cái tên mĩ miều là nhà báo. Viết báo mà cứ dựng người ta dậy đọc bài của mình nhờ những tin gây sốt, giật gân thì khó mà gọi là có đạo đức. Hơn nữa, anh còn tiếp tay cho thói buông thả của những người nổi tiếng. Anh càng viết về họ, họ càng có dịp tạo scandal, càng có dịp nổi tiếng. Nói đến cùng, anh kiếm tiền nhưng anh lại bị họ lợi dụng.


Nói qua cũng phải nói lại là có cầu mới có cung. Nghĩa là có những người quan tâm thì nhà báo mới đưa tin. Đọc những thông tin giải trí cũng giúp thư giãn. Nhưng làm báo mà chỉ đáp ứng nhu cầu thỏa mãn trí tò mò thì nghe thật chua xót. Anh viết báo mà để đánh mất đi cái thiêng liêng của nghề thì chẳng ai tôn trọng anh nữa. Dù đọc bài của anh nhưng độc giả thấy cái tên anh là biết ngay đến loạt bài lá cải câu khách, hay chính đồng nghiệp của anh cũng chép miệng lắc đầu.

Làm báo làm ơn biết tự trọng, có tự ái, có thương xót cho lương tâm nghề nghiệp thì mới có những bài viết tôn trọng tính chân thực, tôn trọng độc giả. Đáng sợ nhất là khi sự xấu hổ của 1 nhà báo bị chai lì.
Tính chuyên nghiệp được nói đến ở đây là sự kiếm tiền chính đáng bằng nghề báo. Dĩ nhiên cái nghề phải tạo ra cuộc sống. Nhưng lợi dụng cái nghề để kiếm tiền thì có vấn đề rõ ràng. Có những nhà báo theo mảng văn hóa văn nghệ nhưng lại tạo cho mình một đẳng cấp khác. Họ đưa tin một cách khách quan, có duyên, họ sống được và sống tốt bằng nghề báo. Suy cho cùng bị khinh bỉ hay không là chuyện tác nghiệp và chính đạo đức của nhà báo thôi.


Sản phẩm báo chí thể hiện chính nhân cáchđạo đức nhà báo. Thế nên hãy biết thương những đứa con tinh thần của mình. Anh “đẻ” ra những đứa con quái thai thì chính anh phải sống với nó, phải gắn liền với nó. Anh có vui không khi nhìn những đứa con dị dạng, và người ta nhìn ngắm con anh cũng chỉ vì con anh trông khác người?
Sưu tầm từ Internet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét