13 thg 4, 2013

Tháng 03 - NĂM ĐỨC TIN ( Tuần 4)


TUẦN 4
 HÃY LÀM HÒA CÙNG THIÊN CHÚA

Khai triển nội dung

1. Chúa Giêsu kêu gọi hối cải: “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Lời kêu gọi này trước hết hướng đến những người chưa biết Đức Kitô và Tin Mừng của Người. Cho nên bí tích Rửa Tội chiếm vị trí đầu tiên và căn bản của việc hối cải. Tuy nhiên lời kêu gọi hối cải vẫn tiếp tục vang lên trong đời sống Kitô hữu, gọi là cuộc hối cải thứ hai. Thánh Ambrôsiô diễn tả cách cụ thể như sau: “Hội Thánh có nước và nước mắt, nước của bí tích Rửa Tội, và nước mắt của bí tích Giao Hòa”. Nỗ lực hối cải này không chỉ là việc của con người, nhưng đúng hơn là hành động của một “tâm hồn tan nát” được ân sủng thúc đẩy để đáp lại tình yêu thương xót của Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương chúng ta trước.

2. Có thể chiêm ngắm cuộc hối cải của thánh Phêrô sau khi chối Thầy ba lần, để thấy được ý nghĩa đích thực của cuộc hối cải thứ hai này. Cái nhìn của Chúa Giêsu, cái nhìn tràn ngập lòng thương xót của Chúa đã khiến Phêrô ăn năn khóc lóc. Sau khi Chúa sống lại, thánh nhân đã ba lần tuyên xưng tình yêu của ông đối với Người (Ga 21,15-17). Cuộc hối cải thứ hai cũng mang chiều kích cộng đoàn : toàn thể Hội Thánh được mời gọi “hãy hối cải” (Kh 2,5.16).

3. Đức Kitô đã thiết lập bí tích Giao Hòa (bí tích Giải Tội, Thống Hối) cho tất cả các chi thể trong Hội Thánh của Người. Sau khi chịu Phép Rửa, chúng ta vẫn có thể phạm tội trọng, và như thế, đánh mất ân sủng Phép Rửa và làm tổn thương đến sự hiệp thông của Hội Thánh. Bí tích Giao Hòa ban cho chúng ta cơ hội mới để hối cải và tìm lại được ơn công chính hóa. Bí tích này gồm hai yếu tố chính: một là sự hối cải của con người dưới tác động của Chúa Thánh Thần: thống hối, thú tội, đền tội; hai là hành động tha thứ của Thiên Chúa qua sự can thiệp của Hội Thánh. Nội dung này được trình bày cách đầy đủ trong công thức giải tội.

Để ghi nhớ (Sách Toát Yếu GLHTCG)

Hỏi: Những người đã chịu Phép Rửa có cần phải hối cải không?
Thưa: Lời kêu gọi hối cải của Đức Kitô luôn vang vọng trong đời sống những người đã lãnh bí tích Rửa Tội. Việc hối cải này là cuộc chiến đấu liên tục của toàn thể Hội Thánh, vì tuy Hội Thánh có đặc điểm là thánh thiện nhưng lại bao gồm những tội nhân (số 299).

Hỏi: Hối nhân phải có những hành vi nào khi lãnh bí tích Giao Hòa?
Thưa: Những việc hối nhân phải làm là : xét mình cẩn thận, ăn năn tội cùng với quyết tâm không tái phạm nữa, xưng tội và làm việc đền tội (số 303).

Ý cầu nguyện:
Cho mọi Kitô hữu được ơn khiêm tốn nhìn nhận tội lỗi mình và trở về với Chúa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét