13 thg 4, 2013

Tháng 04 - NĂM ĐỨC TIN ( Tuần 3)


TUẦN 3
PHỤC SINH VÀ TÔN VINH

Khai triển nội dung
1. Thân thể Đức Kitô đã được vinh hiển ngay khi Người sống lại. Điều này được thể hiện qua những đặc tính siêu phàm nơi thân thể Đấng Phục Sinh : Người có mặt ở nhiều nơi một lúc, Người vào nhà khi cửa đóng kín (x. Lc24,31;Ga 20,19.26). Tuy nhiên trong 40 ngày sau Phục Sinh, vinh quang của Người vẫn còn bị che giấu dưới những nét của nhân tính thông thường (x. Mc 16,12; Lc 24,15). Trong lần hiện ra cuối cùng, nhân tính của Chúa Giêsu tiến vào vinh quang thần linh cách vĩnh viễn; vinh quang này được tượng trưng bằng đám mây và trời, nơi từ nay Người ngự bên hữu Thiên Chúa (x. Cv 1,9; Lc 24,51).

2. Chỉ có Đấng “từ Chúa Cha mà đến” mới có thể “trở về cùng Chúa Cha”, đó là Đức Kitô: “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống” (Ga 3,13). Bằng tự sức mình, nhân loại không thể vào được “Nhà Cha” (x.Ga 14,2), không thể đạt tới sự sống và vinh phúc của Thiên Chúa. Chỉ có Đức Kitô mới có thể mở lối cho con người tiến vào, như chúng ta đọc trong Kinh Tiền Tụng Lễ Thăng Thiên: “Người lên trời không phải để lìa xa thân phận yếu hèn của chúng con, nhưng để chúng con là những chi thể của Người, tin tưởng được theo Người đến nơi mà chính Người là Đầu và là Thủ Lãnh của chúng con đã đến trước”

3. Được đưa lên trời và được tôn vinh sau khi chu toàn sứ vụ, Đức Kitô vẫn hiện diện nơi trần thế trong Hội Thánh của Người. Công trình cứu chuộc là nguồn mạch của quyền bính mà Đức Kitô thực thi trong Hội Thánh bằng sức mạnh của Chúa Thánh Thần. “Nước của Đức Kitô đã hiện diện cách mầu nhiệm” trong Hội Thánh. Hội Thánh là “hạt giống và điểm khởi đầu của Nước Trời nơi trần thế” (Hiến chế Lumen Gentium, số 3 & 5).

Để ghi nhớ (Sách Toát Yếu GLHTCG)

Hỏi: Những gì đã xảy ra sau khi Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết?
Thưa: Trong vòng bốn mươi ngày, Chúa Giêsu đã hiện ra với các tông đồ dưới hình dạng con người bình thường, che giấu vinh quang của Đấng Phục Sinh, sau đó Người lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa Cha (số 132).

Hỏi: Sự thăng thiên của Chúa Giêsu có ý nghĩa gì?
Thưa: Chúa Giêsu lên trời, ngự trị trong vinh quang vĩnh cửu của Con Thiên Chúa, và không ngừng chuyển cầu cho chúng ta trước tòa Chúa. Người cử Thánh Thần của Người đến với chúng ta, và ban cho chúng ta niềm hi vọng một ngày kia sẽ được theo Người, đến nơi Người đã dọn sẵn cho chúng ta (số 132).

Ý cầu nguyện:
Xin cho người Kitô hữu biết gắn bó với những giá trị Nước Trời và góp phần lành mạnh hóa đời sống xã hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét