18 thg 10, 2013

LUCA THÁNH SỬ

Theo các nhà Kinh thánh học, thánh Luca đã hiến cho chúng ta cuốn Phúc âm thứ ba và sách Tông đồ công vụ.
Qua các Tông đồ, nhất là Mẹ Maria và thánh Phaolô, thánh Luca đã ghi lại tiểu sử của Chúa Giêsu bằng những nét đặc sắc. Ngài đã hết lời ca tụng ơn cứu độ và lòng từ bi của Thiên Chúa. Những truyện người con phung phá, người Samaritanô nhân hậu, ông Giakêu, người trộm lành v.v là những bằng chứng cụ thể về lòng từ bi của Thiên Chúa. Phúc âm thánh Luca cũng là Phúc âm về đời sống cầu nguyện. Ngài đặt trước mặt chúng ta gương cầu nguyện của Chúa Giêsu khi chịu phép rửa, khi chọn môn đệ, khi biến hình sáng láng, lúc hấp hối trong vườn dầu và cả trên thánh giá. Sau hết, thánh Luca như cố ý trình bày cho chúng ta những điều kiện cần thiết để tin theo Chúa, để gia nhập nước trời: đức tin, khiêm nhường, thống hối, khó nghèo, bác ái, và kiên trung trong đau khổ...
Cũng như Phúc âm, cuốn Tông đồ công vụ của thánh Luca là một bằng chứng sống động về việc Chúa Thánh Thần hoạt động trong đời sống Chúa Cứu Thế và đời sống truyền giáo của các tông đồ. Đó cũng là cuốn lịch sử đầu tiên của Giáo hội. Đọc sách công vụ, chúng ta không thể không cảm thấy một nguồn vui thanh cao và sống động phát ra mạnh mẽ bởi sự nhận biết Chúa của các tín hữu đầu tiên, bởi tình bác ái chân thực và tinh thần hy sinh xả kỷ của các Tông đồ, bởi bầu khí cầu nguyện, lòng hợp lòng, duy nhất trong một đức tin, một tình yêu của cộng đồng Giáo hội sơ khai.
Mặc dầu không có những tài liệu xác đáng về gia thế và đời sống của thánh Luca, nhưng chúng ta biết chắc chắn rằng thánh Luca thuộc gia đình nền nếp và giầu sang tại Antiôkia. Khi còn bé, ngài được giáo dục chu đáo về cả đức tính, văn hóa và nghề nghiệp. Ngài theo học các khoa cổ điển của nền văn minh Hy lạp và chuyên nghề dược. Từ buổi đầu, thánh Luca vẫn chưa biết Chúa. Cho đến một ngày kia thánh Phaolô đến Trôas giảng đạo Chúa Giêsu. Luca vào nghe, sau khi suy nghĩ, cân nhắc cẩn thận và nhận thấy giáo thuyết thánh Phaolô giảng rất thâm trầm hợp lý, ngài liền tin theo. Ngài chịu phép rửa tội và theo làm môn đệ thánh Phaolô, ngày đêm học hỏi Kinh thánh và làm thư ký cho thánh Tông đồ. Quãng năm 49, nghĩa là khi khởi sự truyền giáo lần thứ hai, thánh Phaolô cùng mang Luca đi theo. Nhưng rồi hai thầy trò lại chia lìa nhau một thời gian. Có lẽ kỳ này thánh Luca trở về sinh quán làm nghề dược. Đến sau hai thầy trò lại gặp nhau tại Philíppê. Từ đây thánh Luca cùng đi giảng đạo với thánh Phaolô. Nhưng đến khi thánh Phaolô bị người Rôma bắt cầm tù, thì thánh Luca cũng từ giã đế đô. Và chúng ta không biết gì về quãng cuối đời của ngài nữa.
Đọc Phúc âm thứ ba và Tông đồ công vụ, chúng ta thấy thánh Luca rất lỗi lạc về văn chương Hy lạp. Ngài quả là một nhà văn học kỳ tài, luôn thay đổi từ ngữ và dùng những danh từ thích hợp với đặc tính văn chương của người Hy lạp thời bấy giờ. Thánh nhân tỏ ra rất có nghệ thuật trong việc bố cục một câu truyện thế nào cho rõ ràng, hấp dẫn, gợi nhiều ý tưởng và tâm tình. Chẳng hạn dụ ngôn người con phung phá; câu truyện hai du khách trên đường Emmau phải là hai kiệt tác văn chương, có nhiều giá trị nghệ thuật không kém gì những áng văn hay nhất của người Hy lạp thời ấy. Hơn thế, thánh Luca còn là một người sành tâm lý. Thánh nhân đã mặc cho mỗi nhân vật trong Phúc âm cũng như trong các dụ ngôn, những tâm tình, cử điệu và lời lẽ phù hợp với địa vị riêng của họ. Phải chăng nhờ tài nghệ này, thánh Luca đã đề cao đến chỗ trọn hảo địa vị Cứu Thế của Chúa Giêsu: Chúa nhân lành tự trời đến với loài người lầm than tội lỗi, Chúa tự hiến mình trên thánh giá để xoá tẩy mọi tội trần và thông ban ân sủng đời sống mới cho các tâm hồn.
Với một hiểu biết sâu xa về sứ mệnh Cứu Thế của Chúa Giêsu như vậy, hẳn thánh Luca đã nhiệt thành với nhiệm vụ phổ biến tin mừng Cứu Thế không kém gì thánh Phaolô. Nhưng ngài giảng đạo tại đâu, và chết như thế nào? Theo một tài liệu tìm thấy tại Constantinôpôli, thì thánh Luca giảng đạo tại Achaia và Beotia. Và sau cùng làm giám mục thành Thèbes. Trong bài tựa cuốn chú giải Phúc âm thánh Matthêu, thánh Giêrônimô nói rõ thánh Luca đã viết Phúc âm thứ ba tại Achaia và Beotia. Sau cùng, thánh Gauđenciô Brescia quả quyết thánh Luca cùng chịu tử đạo với thánh Anrê tại Patras, một tỉnh nhỏ thuộc Achaie.
Ngày nay thánh Luca là bổn mạng của các lương y và bác sĩ, ngài cũng là bổn mạng các nhà họa sĩ, vì theo một truyền thuyết, thì thánh nhân đã họa bức ảnh chân dung “Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp”.
Ngay từ đầu, Giáo hội vẫn kính thánh Luca vào ngày 18 tháng 10 hằng năm.
Kính xin thánh Luca thánh sử phù trợ cho chúng con được lòng tin mạnh mẽ và hăng hái như ngài, để chúng con đem tin mừng cứu độ đến cho những người còn chưa nhận biết Chúa.
Nguồn: HẠNH CÁC THÁNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét