4 thg 10, 2013

THÁNH PHANXICÔ ASSISI SÁNG LẬP DÒNG ANH EM HÈN MỌN


Chẳng khác gì ngọn hải đăng vĩ đại rực sáng lên giữa một bầu trời u ám, thánh Phanxicô quả là một sứ giả Thiên Chúa sai đến để đem cho thế giới công giáo thời trung cổ một nguồn sáng đức tin mãnh liệt giữa mọi sự như chìm sâu xuống vực thẳm đêm tối.

Phanxicô chào đời tại Assisi khoảng năm 1182, trong một gia đình quý phái. Cha ngài, ông Phêrô Bênađônê là một thương gia ngành tơ sợi rất có tiếng và mẹ ngài là bà Pica, một người rất đạo đức. Chính bà đã hun đúc Phanxicô thành một vĩ nhân của thời đại và đại thánh của Giáo hội. Ảnh hưởng của một bà mẹ thật sâu xa mạnh mẽ biết chừng nào.

Ông bà Bênađôniê được Chúa cho có một mụn con duy nhất. Ai có thể hiểu được lòng ông bà yêu thương, chiều chuộng Phanxicô lớn lao biết bao. Cậu con trai độc nhất ấy sống tràn ngập trong tình thương mến và trên rừng của núi bạc; thật có lẽ trên đời không còn ai có thể hạnh phúc hơn. Như bao thanh niên cùng giai cấp trưởng giả, Phanxicô đua đòi ăn chơi, luôn luôn tổ chức tiệc vui và những cuộc dạ hội ca vũ. Tuy nhiên, và đó là điều lạ lùng nhất, Phanxicô không bao giờ để mang tai tiếng hoặc là bê tha trong những cuộc truy hoan trái thuần phong mỹ tục.

Nhưng cuộc đời phù du! Đang lúc Phanxicô vui hưởng thanh bình với tất cả mọi hoan lạc của tuổi thanh xuân, thì bỗng một biến cố khốc liệt xảy tới: đám lê dân Assisi nổi lên chống lại phái trưởng giả. Đa thắng thiểu là lẽ dĩ nhiên, nhất là trong thời mà chiến sự chỉ là gậy gộc gươm giáo. Giai cấp trưởng giả, thất bại, Phanxicô cũng như nhiều người quý tộc khác bị cầm tù suốt một năm trời.

Trong thời gian tù đày, Phanxicô lại lâm bệnh nặng thập tử nhất sinh. Nhưng ý Chúa nhiệm mầu, Người dùng cơn bệnh ấy để cải hóa Phanxicô. Bởi thế, sau khi hồi phục, chính ngài cũng phải ngạc nhiên vì tự cảm thấy như chán ghét tất cả những thú vui phù phiếm khi xưa, đồng thời tâm hồn như nhẹ nhàng muốn bay tới những khát vọng siêu nhiên: ngài muốn là hiệp sĩ của Thiên Chúa.

Mãn tù ra, Phanxicô gặp một người trước kia cũng thuộc giới trưởng giả nhưng nay đã bị bóc lột tất cả, ngài liền cởi bộ áo nhường cho người đó. Tối hôm ấy, giữa lúc giấc điệp mơ màng, Phanxicô như nghe tiếng Chúa phán bảo và hôm sau, tại Polêtê ngài lại nghe tiếng lạ đó bảo phải gấp về quê nhà.

Một buổi chiều hè năm 1205, Phanxicô mở đại tiệc thiết đãi bạn hữu. Tiệc xong, mọi người ra về mang theo một mùi men nồng nặc vừa đi vừa ca hát vang động cả một khu phố. Giữa bầu không khí ồn ào đó, Phanxicô bỗng cảm thấy tâm hồn bị lay động rất mạnh, một mãnh lực huyền bí ngọt ngào xâm chiếm cõi lòng ngài... Ngài dừng lại và đứng bất động một lúc lâu, như để đón nhận ơn Chúa đang xuống trong tâm hồn. Lúc đó, quả thực ngài được Chúa ban ơn thúc giục thay đổi cuộc đời.

Từ đó, tâm hồn Phanxicô rất hoang mang lo lắng, chưa biết ý Chúa định liệu thế nào, ngài chỉ còn cách hoặc vào thánh đường Assisi, hoặc tới hang Subasiô ăn năn cầu nguyện, cuối cùng ngài lên đường hành hương thủ đô Giáo hội. Sau nhiều ngày ăn chay cầu nguyện, một hôm, vừa ra khỏi vương cung thánh đường thánh Phêrô, ngài liền được ơn soi sáng, lập tức ngài gọi một người hành khất đến và xin hắn đổi cho bộ áo cũ rách. Từ đó, ngài quyết chí sống đời nghèo khó và tự nhận ơn kêu gọi của mình là: “Người nghèo khó hèn mọn”. Trở về Assisi, ngài đem tiền bạc của cải, phân phát cho những người nghèo khó, và từ đó, bạn bè quý hóa nhất của ngài là những người túng bấn nghèo khổ.

Một buổi chiều kia trên đường trở về nhà, Phanxicô bỗng gặp một người tàn tật, khắp mình đầy chốc lếch, ghẻ lở. Phản ứng đầu tiên là ngài muốn quay cương ngựa đi thẳng, nhưng nghe tiếng Chúa phán bảo trong lòng, ngài liền xuống ngựa đến gần người phong cùi và, với tấm lòng đầy xót thương, ngài liền kề môi hôn những mụn nhọt hôi thối của người ấy.

Được ít lâu, đang khi Phanxicô quỳ cầu nguyện trước ảnh chuộc tội, Thiên Chúa đã cho ngài biết thánh ý của Người qua tiếng phán bảo từ thánh giá vọng xuống như sau:
“Phanxicô, con Cha, con hãy trùng tu lại ngôi nhà của Cha vì nó sắp sụp đổ”. Lập tức bạn người nghèo, tôi tớ kẻ phong cùi liền đứng dậy quyết trở thành người xây dựng nhà Chúa. Về nhà, Phanxicô định ngưng tải tơ sợi ra chợ bán và đem dâng số tiền hàng đó cho cha xứ thánh Đamianô, nhưng cha xứ từ chối vì sợ phật ý ông Bênađônê. Sau một lúc suy nghĩ, Phanxicô nhất định để món tiền đó nơi cung thánh đồng thời xin cha xứ cho phép được ở lại giúp việc ngài.
Nghe tin đó, ông Bênađônê nổi giận đùng đùng, chạy đến nhà cha xứ thánh Đamianô để bắt Phanxicô về. Nhưng chí đã quyết, Phanxicô nhất định thoát ly gia đình để theo Chúa, ngài liền trốn vào một cái hang trong núi gần đó.

Đau khổ đến tuyệt vọng, ông Bênađônê quyết từ con, đồng thời bắt phải hoàn trả món tiền hàng hôm nọ. Trước mặt Đức Giám mục Guiđô, với cái nhìn khiêm tốn nhưng bừng lên một niềm khát khao thiên quốc, từ từ lột bỏ tất cả bộ y phục và với tất cả số tiền còn lại, ngài đem đặt trước mặt thân phụ mà nói rằng:
“Cho đến hôm nay, tôi vẫn gọi ông Phêrô Bênađônê là cha, và tôi xin hoàn lại ông ấy số tiền bạc và quần áo mà tôi giữ của ông ta. Còn từ nay tôi có thể nói rằng: tôi chỉ có một Cha ở trên Trời”.
Ít lâu sau, dân chúng thấy Phanxicô xuất hiện trên các đường phố thành Assisi, mình vận chiếc áo khổ tu, lưng thắt dây da, chân đi dép và ca những bài hát du dương để lôi cuốn quần chúng rồi quyên tiền để tu bổ lại giáo đường thánh Đamianô.

Ngày 24-02-1209, lễ kính thánh Matthia, Phanxicô đi dự lễ và nghe Phúc âm về sự thực hành đức khó nghèo. Lời Phúc âm khiến ngài quyết định hẳn thái độ sống: cởi bỏ áo choàng, giày dép, thắt lưng, đi chân không và chỉ mặc một áo dài, lưng thắt sợi dây thô. Tại các góc phố, cũng như bên các bờ giếng, dân chúng tụ lại nghe ngài giảng, ai nấy đều như bị cảm hóa qua lời nói thiết tha và đời sống khó nghèo của ngài.

Nhiều người hâm mộ và muốn bắt chước đời sống của ngài. Ngài vui lòng nhận tất cả những ai đến xin làm môn đệ, nhưng với hai điều kiện đơn giản song không dễ thực hành: bán hết của cải và đi gõ cửa ăn xin. Tưởng với điều kiện ấy sẽ không ai dám theo ngài, nhưng trái lại số môn đệ vẫn mỗi ngày một tăng. Có người cộng tác, ngài liền sai đi truyền giáo tại miền Ombria và Tuscia. Khi cộng đồng đã khá đông, Phanxicô liền nghĩ đến việc thảo hiến pháp dòng và sang Rôma xin Đức Giáo Hoàng châu phê.

Đức Giáo Hoàng tuy rất mến Phanxicô và hội dòng ngài lập, song vì các vị Hồng Y phản đối, nên chưa quyết định châu phê luật dòng ngài. Nhưng một đêm trong khi ngủ, Đức Giáo Hoàng chiêm bao thấy thánh đường Latêranô là đầu và là mẹ mọi thánh đường trong Giáo hội bị lay chuyển tận nền móng và sắp xụp đổ. Trong khi đó, một người dáng điệu khiêm tốn, mình vận một chiếc áo dài vải thô, đi chân không, lưng thắt sợi dây đến ghé vai vào tường, rồi lấy hết sức chống đỡ thánh đường khiến nó lại đứng thẳng và vững chắc hơn bao giờ hết.

Ngày hôm sau, Phanxicô lại được vời vào chầu Đức Giáo Hoàng để trình bày hiến pháp dòng lần nữa. Vừa thấy ngài, Đức Giáo Hoàng Innôxentê III hết sức xúc động, vì ngài nhận ra người đã chống đỡ đền thờ không ai khác mà chính là thầy dòng hèn mọn này. Đức Giáo Hoàng liền ôm lấy ngài chúc lành cho ngài và các anh em, đồng thời cho phép tiếp tục sống cuộc đời khó nghèo và truyền bá Phúc âm. Trước khi từ giã Rôma trở về nhà dòng tại Portiuncula, thầy Phanxicô được Đức hồng y Colonna truyền chức phó tế.

Về tới dòng, thầy Phanxicô và các anh em lại tiếp tục rao giảng Lời Chúa. Lời nói đi đôi với việc làm của các ngài quả đã lôi cuốn được nhiều linh hồn về với Chúa. Một hôm tại thánh đường Assisi, trong số thính giả có một thiếu nữ quý phái tên là Clara, sau khi nghe thầy Phanxicô giảng, liền quyết tâm dâng mình phụng sự Chúa Giêsu. Ít lâu sau, Anê em Clara cũng bước đi theo chị. Hai thiếu nữ này là những người tiên phong và nền tảng cho một hội dòng nữ: dòng thánh Clara, chính là tên chị Clara sau này đã trở thành một vị đại thánh.

Vì sẵn có ý hướng làm tông đồ nhiệt thành của Chúa, nên nhân lúc nghĩa quân thánh giá đang tiến mạnh bên Đông phương, thầy Phanxicô liền muốn lợi dụng cơ hội đó, để truyền bá Phúc âm cho những người Hồi giáo. Mùa thu năm 1212, ngài xuống tầu tại Ancôna, nhưng một cơn phong ba thổi mạnh, đánh bạt tầu ngài vào bãi biển Dalmatia. Năm 1214, ngài lại muốn đi truyền giáo cho những người Hồi giáo tại Marốc, nhưng chẳng may ngài lại bị bệnh nặng phải nằm tại Tây Ban Nha. Sau khi bình phục, ngài liền đi Ai cập vào bệ kiến vua Melekel Kamel. Nhà vua ân cần tiếp đãi và chăm chú nghe ngài giảng, nhưng nhất định không tòng giáo. Thất vọng, thầy Phanxicô lên đường về Ý,.

Năm 1224, thầy Phanxicô lui về Alverna, một nơi hoang vắng cách nạm bắc thành Assisi độ 15 dặm để chuyên việc suy niệm và ăn năn đền tội. Ngày 14-9, lễ Suy tôn Thánh giá, đang khi suy ngắm, thầy Phanxicô ngất trí và nhìn thấy ở trên trời một nhân vật giống như thiên thần Sêraphim và một ảnh chuộc tội. Lúc tỉnh lại, ôi lạ lùng thay, chân tay và cạnh sườn ngài đã được in năm dấu thánh của Chúa Giêsu đóng đinh.

Lòng đầy mến yêu Thiên Chúa, thầy Phanxicô cất tiếng ca lên bài ca chúc tụng Thiên Chúa, Đấng tạo hóa của muôn loài, đó là “Bài ca mặt trời” mà lời lẽ vui tươi sốt sắng như sau:

“Ôi Chúa cao cả, toàn năng, chỉ mình Chúa đáng được chúc tụng, vinh quang, danh dự, và vinh phúc. Chỉ mình Chúa thôi, lạy Đấng chí cao, loài người không ai xứng đáng hết.
Lạy Chúa vinh danh Chúa, vì mọi loài tạo vật của Chúa, đặc biệt là anh mặt trời soi sáng ban ngày và chiếu rọi cho chúng con. Anh đẹp biết bao, sáng láng dường nào, anh là một chứng nhân của Chúa.
Lạy Chúa vinh danh Chúa, vì chị Hằng nga và các vì tinh tú Chúa đã tạo dựng chúng sáng láng mỹ miều trên bầu trời cao thẳm.
Lạy Chúa, chúc tụng Chúa, vì anh gió, vì không khí, mây mù, sương sa.
Lạy Chúa, chúc tụng Chúa vì chị nước rất hữu ích, quý giá và tinh tuyền.
Lạy Chúa, vinh danh Chúa vì anh lửa, nhờ anh mà đêm tối được sáng, anh tươi đẹp, vui vẻ, uy hùng và mạnh mẽ biết bao.
Lạy Chúa, chúc tụng Chúa vì bà mẹ địa cầu đã nâng đỡ nuôi nấng và sinh sản muôn vàn hoa trái với những bông hoa thắm mầu xinh tươi…
Anh em hãy ca ngợi và chúc tụng Chúa, hãy cảm tạ và bước theo Người với cõi lòng đơn sơ, khiêm tốn”.

Ngoài “bài ca mặt trời” trên đây, thánh Phanxicô còn sáng tác một bản “Kinh nguyện Hòa bình” với những lời lẽ tha thiết và sốt sắng như sau:

“Lạy Chúa khoan nhân, xin dậy chúng con nhận biết yêu thương và phụng sự Chúa trong mọi người chẳng trừ ai.
Lạy Chúa, xin hãy dùng con làm khí cụ bình an của Chúa: để con đem yêu thương vào nơi thù oán, đem tha thứ vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi bất thuận, đem sự thật vào chốn lỗi lầm, đem đức tin vào nơi nghi hoặc, đem cậy trông vào nơi tuyệt vọng, đem ánh sáng vào chốn tối tăm, đem yên vui vào nơi sầu thảm.
Lạy Chúa, hãy dạy chúng con: tìm an ủi người, hơn được người an ủi; tìm hiểu biết người, hơn được người hiểu biết; tìm yêu mến người hơn được người mến yêu. Vì chính lúc hiến thân, là lúc nhận lãnh, chính lúc quên mình, là lúc gặp lại bản thân, chính lúc tha thứ, là lúc được thứ tha, chính lúc chết đi là lúc sống lại cuộc đời bất diệt.
Hỡi Thần Linh Thánh Ái, hãy mở rộng cõi lòng chúng con và ban xuống trần gian bình an Chúa cho hết mọi người thiện chí”. Amen.

Thánh Phanxicô dọn mình chết trong một túp lều gần nơi sinh trưởng. Ngài xin các tu sĩ dòng đặt ngài nằm trần trụi trên mặt đất. Lúc này đây, ngài thật đúng là con người sinh ra trần trụi và khi chết cũng trần trụi.

Ngày hôm sau, khi người ta đọc cho ngài nghe bài thương khó trong Phúc âm thánh Gioan, thì thánh nhân lâm cơn hấp hối. Các thầy đặt ngài xuống đất và ngài xin lấy tro rắc trên mình ngài. Đoạn ngài xướng thánh vịnh 141: Tiếng con kêu thấu đến Chúa, rồi ngài tắt thở trong niềm hoan hỉ cậy trông.

Năm 1228, thầy Phanxicô được Đức Giáo Hoàng Grêgôriô tôn lên bậc hiển thánh và năm 1230, xác ngài được di chuyển từ nhà thờ thánh Giócgiô đến vương cung thánh đường thánh Phanxicô vừa được xây cất để dâng kính ngài. Thánh Phanxicô nghèo quả là một vị thánh có một không hai trong lịch sử các thánh. Quả vậy, không ai đã tỏ ra giống Chúa Giêsu cho bằng ngài. Ngài thật là một tấm gương vĩ đại về đức khó nghèo cho muôn thế hệ soi chung.

Lạy thánh Phanxicô, xin ngài cầu cho chúng con được can đảm để lướt thắng mọi cám dỗ vinh hoa và bền tâm bắt chước ngài, đừng ham mê tiền bạc giữa thế giới đầy tham lam gian trá này.

 Nguồn: HẠNH CÁC THÁNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét